KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮA MICROALBUMIN NIỆU
VỚI MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN
Hồ Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tuyên, Lê Thị Cầm
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
ABSTRACTS
Objective: Determine the rate of microalbuminuria in patients with diabetes and investigate the relationship between microalbuminuria and some risk factors: Time to detect, BMI, hypertension, HbA1c and lipid. Subjects and Methods: Conducted by a descriptive method, crosses over 400 diabetic patients. Patients were screened for microalbuminuria and risk factors. Results: The proportion of patients with microalbuminuria was 35.7%. Microalbuminuria increased with time of disease, microalbuminuria in the hypertensive group was higher than that in the non-hypertensive group, with positive correlation between microalbuminuria and TGPHB (r = 0.22, p <0.05), HbA1c (r = 0.28, p <0.05), triglyceride (r = 0.22, p <0.05). Conclusion: Microalbuminuria is associated with time of disease, hypertension, HbA1c and triglyceride.
Keywords: diabetes, microalbuminuria
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ microalbumin niệu dương tính ở bệnh nhân đái tháo đường và khảo sát mối liên quan giữa microalbumin niệu với một số yếu tố nguy cơ: Thời gian phát hiện bệnh, BMI, tăng huyết áp, HbA1c và lipid máu. Đối tượng và phương pháp: Được tiến hành theo phương pháp mô tả, cắt ngang trên 400 bệnh nhân đái tháo đường. Các bệnh nhân được khảo sát microalbumin niệu và các yếu tố nguy cơ. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu 35.7%. Microalbumin niệu tăng dần theo thời gian phát hiện bệnh, microalbumin niệu ở nhóm THA cao hơn nhóm không THA, có mối tương quan thuận giữa microalbumin niệu với TGPHB (r = 0.22, p < 0.05), HbA1c (r = 0,28, p < 0.05), triglyceride (r = 0.22, p < 0.05). Kết luận: Microalbumin niệu có liên quan với thời gian phát hiện bệnh, tăng huyết áp, HbA1c và triglyceride.
Từ khoá: Đái tháo đường, microalbumin niệu.
Chịu trách nhiệm chính: Lê Thị Cầm
Ngày nhận bài: 1/10/2017
Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017
Ngày duyệt bài: 07/11/2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh nội tiết chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng glucose máu mạn tính.Theo IDF, năm 2015 tăng lên 8,8% (415 triệu người) mắc đái tháo đường và nếu không có hành động thì dự tính đến năm 2040 tỷ lệ này tăng lên 10,4% (642 triệu người)[1] .
Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch.Biến chứng thận (bệnh thận đái tháo đường) là một trong những biến chứng vi mạch thường gặp và cũng là nguyên nhân gây suy thận mạn của bệnh nhân đái tháo đường tại các nước phát triển.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng thận tăng dần theo thời gian tiến triển của bệnh. Tỷ lệ bệnh thận đái tháo đường trên bệnh nhân ĐTĐ typ 1 trung bình 15% sau 15 năm và 40% sau 30 năm, trong khi ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 chiếm đến 40% trong đó tần suất hàng năm 2% bệnh nhân tiến triển đến protein niệu đại thể. Nghiên cứu về bệnh tiểu đường tương lai của Vương Quốc Anh cho thấy ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có albumin niệu âm tính thì cứ mỗi năm lại xuất hiện 2% trường hợp có albumin niệu vi thể dương tính và 2,8% trường hợp có albumin niệu vi thể dương tính chuyển sang protein niệu. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Nga và Hoàng Trung Vinh (2008) nghiên cứu 108 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ tổn thương thận là 74,1% trong đó tỷ lệ microalbumin niệu vi thể chiếm 20,4% [2]. Ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2, sự có mặt của microalbumin niệu là dấu hiệu sớm nhất của tổn thương vi mạch cầu thận, là dấu hiệu chỉ điểm tăng tính thấm thành mạch, tăng nguy cơ hình thành và phát triển vữa xơ, tăng nguy cơ tai biến mạch vành, mạch máu não và động mạch võng mạc. Việc hiểu biết về vai trò của microalbumin niệu và kiểm soát các yếu tố liên quan sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu:Xác định tỷ lệ microalbumin niệu dương tính ở bệnh nhân đái tháo đường và khảo sát mối liên quan giữa microalbumin niệu với một số yếu tố nguy cơ: Thời gian phát hiện bệnh, BMI, tăng huyết áp, HbA1c và Bilan lipid máu.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Là những bệnh nhân ĐTĐ được điều trị tại Bệnh viện nội tiết Nghệ An từ tháng 4/017 đến tháng 10/2017.
– Tiêu chuẩn lựa chọn BN:
+ Bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán theo tiêu chuẩn theo IDF 2015 đến khám và điều trị tại Bệnh viện nội tiết Nghệ An.
– Tiêu chuẩn loại trừ:
+ Tiểu máu vi đại thể hoặc albumin niệu đại thể.
+ Suy gan, suy thận, viêm thận, nhiễm trùng tiết niệu.
+ Hôn mê toan ceton hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
+ Mất nước nặng, có thai hoặc không hợp tác nghiên cứu.
2.2. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả, cắt ngang.
2.3. Cỡ mẫu nghiên cứu: Phương pháp chọn mẫu thuận tiện
2.4. Các biến số nghiên cứu:
– Đặc điểm chung: Giới, tuổi, nghề nghiệp, thời gian phát hiện bệnh.
– Biến số liên quan đến bệnh ĐTĐ:
+ Huyết áp: chẩn đoán tăng huyết áp theo JNC-VII [3]
+ Cân năng, chiều cao, BMI: Phân độ BMI theo Hội Nội tiết – ĐTĐ Châu Á – Thái Bình Dương. [4]
+ Glucose máu tĩnh mạch lúc đói, HbA1c
Mục tiêu kiểm soát đường huyết theo ADA 2011 [5] .
+ Bilanlipid máu: Phân loại rối loạn lipid máu theo Hội tim mạch Việt Nam 2003
- Biến số về albumin niệu:
Phương pháp định lượng microalbumin niệu và creatinin niệu
Microalbumin niệu được định lượng dựa trên nguyên lý của phản ứng miễn dịch độ đục. Microalbumin niệu sẽ phản ứng với kháng thể kháng Microalbumin niệu tạo hợp chất không tan làm đục môi trường. Mật độ quang của độ đục tỉ lệ thuận với nồng độ Microalbumin niệu.
– Tiến hành kỹ thuật:
+ Định lượng bằng máy Laura smart được thực hiện tại khoa xét nghiệm – Bệnh viện nội tiết Nghệ An.
+ Lấy bệnh phẩm: Nước tiểu bất kỳ.
+ Chuẩn bị hóa chất, chất chuẩn, chất kiểm tra chất lượng xét nghiệm MAU. Cài đặt chương trình, các thông số kỹ thuật xét nghiệm MAU theo chương trình của máy.
+ Dùng que thử nhúng nước tiểu, cho vào máy, sau đó mẫu bệnh phẩm được phân tích theo chương trình của máy.
Bình thườngtỉ lệ Microalbumin niệu/ creatinin niệu < 30 mg/g. Theo ADA 2011, xác định có microalbumin niệu khi ACR nằm trong khoảng 30mg/g – 300 mg/g
2.5. Xử lý số liệu:
Theo thống kê y học, sử dụng phần mềm SPSS 16.0
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:
Trong số 400 bệnh nhân,nam chiếm tỷ lệ 56.5%, nữ chiếm 43.5%.Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 60.8 ± 11.2.
TGPHB trung bình của nhóm nghiên cứu là 5.20 ± 5.38.
BMI trung bình của nhóm nghiên cứu là 22.24 ± 7.58. Glucose máu, HbA1c trung bình của nhóm nghiên cứu là: 12.1 ± 5.7 và 8.8 ± 2.9.
3.2. Tỷ lệ microalbumin niệu dương tính ở nhóm nghiên cứu
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu là: 35.7%
3.3. Liên quan gữa microalbumin niệu với một số yếu tố nguy cơ
Bảng 3.1. Liên quan giữa microalbumin niệu với thời gian phát hiện bệnh
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu tăng dần theo thời gian phát hiện bệnh trong đó nhóm phát hiện bệnh lần đầu chiếm 24,1%, nhóm phát hiện bệnh > 10 năm chiếm 42.3%.
Bảng 3.2. So sánh microalbumin niệu trung bình giữa các nhóm thời gian phát hiện bệnh
Microalbumin niệu trung bình thấp nhất ở nhóm bị bệnh lần đầu, cao nhất ở nhóm bị bệnh >10 năm.
Bảng 3.3. Liên quan giữa microalbumin niệu với BMI
Tỷ lệ microalbumin niệu ở nhóm BMI ≥ 23 cao hơn nhóm BMI > 23, không có ý nghĩa thống kê.
Bảng 3.4. So sánh microalbumin niệu trung bình ở các nhóm BMI
Microalbumin niệu trung bình ở nhóm BMI ≥ 23 cao hơn so với nhóm BMI < 23 không có ý nghĩa thống kê.
Bảng 3.5. Liên quan giữa microalbumin niệu với tăng huyết áp
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm có THA cao hơn so với nhóm không THA.
Bảng 3.6. So sánh microalbumin niệu trung bình ở các nhóm THA và không THA
Microalbumin niệu trung bình ở nhóm có tăng huyết áp cao hơn so với nhóm không có tăng huyết áp.
Bảng 3.7. Liên quan giữa microalbumin niệu với HbA1c
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm HbA1c ≥ 7 cao hơn so với nhóm HbA1c < 7.
Bảng 3.8: So sánh microalbumin niệu trung bình ở nhóm kiểm soát HbA1c.
Microalbumin niệu trung bình ở nhóm có HbA1c ≥ 7 cao hơn so với nhóm HbA1c < 7.
Bảng 3.9. Liên quan giữa microalbumin niệu với Bilanlipid máu
Microalbumin niệu có mối tương quan với TGPHB, HbA1c và triglyceride.
IV. BÀN LUẬN
1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Tỷ lệ đái tháo đường ở nam là 56.5% cao hơn so với nữ là 43.5%, tương tự như kết quả của Nguyễn Hải Thủy [6], Hồ Hữu Hóa [7] và một số tác giả khác. Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 60.8 ± 11.2, tương tự kết quả của Nguyễn Hải Thủy[6], tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 65.08 ± 8.67 và kết quả của Nguyễn Đức Ngọ (61.1 ± 9.25) [8]. Thời gian phát hiện bệnh đái tháo đường trung bình của nhóm nghiên cứu là 5.20 ± 5.38, tương tự kết quả của Nguyễn Hải Thủy, thời gian mắc bệnh trung bình là 5.36 ± 3.34 [4], cao hơn kết quả của Hồ Hữu Hóa (4.4 ± 3.2) [7].
BMI trung bình của nhóm nghiên cứu là 22.24 ± 7.58, tương tự kết quả của Nguyễn Đức Ngọ, BMI trung bình của nhóm nghiên cứu là 23.86 ± 2.15 [8]và kết quả của Nguyễn Hải Thủy, BMI trung bình là 23.05 ± 2.07 [6]. Glucose máu đói trung bình và HbA1c trung bình của nhóm nghiên cứu lần lượt là 12.1 ± 5.7 và 8.8 ± 2.9, cao hơn so với kết quả của Trịnh Thị Thái do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi bao gồm cả bệnh nhân phát hiện bệnh lần đầu và bệnh nhân đã được điều trị [2]. .
2. Tỷ lệ microalbumin niệu dương tính ở nhóm nghiên cứu
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu là: 35.7%, tương tự kết quả của Nguyễn Hải Thủy, Hồ Hữu Hóa vàParving H-H, [6] [7][9], tỉ lệ microalbumin niệu lần lượt là 36.9%, 34% và 39%. Khi màng đáy cầu thận bị tổn thương sẽ làm rối loạn “tấm chắn anion” dẫn đến xuất hiện albumin trong nước tiểu và mức độ sẽ tăng dần theo thời gian nếu không có sự kiểm soát các yếu tố liên quan.
3. Liên quan giữa microalbumin niệu với một số yếu tố nguy cơ
Bảng 3.1 cho thấy, microalbumin niệu tăng dần theo thời gian phát hiện bệnh, thấp nhất là nhóm bệnh nhân mới phát hiện lần đầu (24.1%), cao nhất ở nhóm phát hiện bệnh > 10 năm (42.3%), tương tự kết quả của Nguyễn Hải Thủy, tỉ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm phát hiện bệnh > 10 năm cao nhất (100%)[6], nghĩa là thời gian phát hiện bệnh càng dài thì tỷ lệ bệnh đái tháo đường có microalbumin niệu càng tăng. Phù hợp với kết quả ở bảng 3.2: Microalbumin niệu trung bình thấp nhất ở nhóm bị bệnh lần đầu, cao nhất ở nhóm bị bệnh lâu năm. Kết quả ngiên cứu cho thấy có 24.1% bệnh nhân phát hiện lần đầu có microalbumin niệu chứng tỏ bệnh đái tháo đường tiến triển âm thầm nên khi phát hiện bệnh đã có biến chứng kèm theo nên cần phải tầm soát microalbumin niệu ngay từ khi mới phát hiện bệnh đáo tháo đường.
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm có BMI ≥ 23 cao hơn nhóm BMI < 23 và microalbumin niệu trung bình nhóm BMI ≥ 23 cao hơn nhóm BMI < 23 với p > 0.05, microalbumin niệu có mối tương quan thuận không chặt chẽ với BMI, kết quả của chúng tôi khác với kết quả của Nguyễn Đức Ngọ, tỷ lệ microalbumin niệu ở nhóm BMI ≥ 23 cao hơn (75.9%) so với nhóm BMI < 23 (55.3%) [8] và Nguyễn Hải Thủy [6], có thể giải thích do tỷ lệ béo phì ở mỗi vùng miền khác nhau và đối tượng nghiên cứu của chúng tôi phần lớn là bệnh nhân đã được điều trị và tư vấn nên tỷ lệ thừa cân béo phì không cao. Béo phì là yếu tố trung tâm của hội chứng chuyển hóa và đề kháng insulin, nó làm tăng đào thải albumin ra nước tiểu. Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn cũng như thay đổi lối sống để giảm béo phì là yếu tố cần thiết để hạn chế xuất hiện microalbumin niệu ở bệnh nhân đáo tháo đường typ 2.
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm có tăng huyết áp cao hơn so với nhóm không tăng huyết áp và microalbumin niệu trung bình ở nhóm có tăng huyết áp cao hơn so với nhóm không có tăng huyết áp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, tương tự kết quả của Trịnh Thị Thái (43.12% và 11.11%) [2]và Nguyễn Đức Ngọ (50.8% và 39.2%) [8]. Tăng huyết áp vừa là yếu tố nguy cơ vừa là cơ chế bệnh sinh gây biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường đồng thời biến chứng thận sẽ dẫn tới tăng huyết áp. Vì vậy kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ làm giảm sự xuất hiện và tiến triển biến chứng thận.
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu ở nhóm HbA1c ≥ 7 cao hơn so với nhóm HbA1c < 7 và Microalbumin niệu trung bình ở nhóm có HbA1c ≥ 7 cao hơn so với nhóm HbA1c < 7, microalbumin niệu có mối tương quan thuận với HbA1c (r = 0,28, p<0.05), tương tự kết quả của Trịnh Thị Thái, tỉ lệ bệnh nhân ở nhóm có HbA1c ≥ 7 (43.1%) cao hơn so với nhóm có HbA1c < 7 (24.2%) [12]và kết quả của Nguyễn Hải Thủy và một số tác giả khác [6]. Tăng glucose máu là một trong những yếu tố chính trong bệnh sinh bệnh thận đái tháo đường. Nghiên cứu của Takeshi Oomichi nghiên cứu tác động của glucose máu trên sự sống sót của bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xuyên thấy rằng sự sống còn ở nhóm kiểm soát HbA1c kém thấp hơn so với nhóm kiểm soát HbA1c trung bình và tốt [10]. Do vậy kiểm soát tốt glucose máu sẽ làm giảm tỉ lệ xuất hiện microalbumin niệu và tiến triển bệnh thận đái tháo đường.
Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm MAU (+) và nhóm MAU (-) không có sự khác biệt tuy nhiên tỷ lệ tăng cholesterol và tăng triglyceride ở nhóm MAU (+) vẫn cao hơn so với nhóm MAU (-), kết quả của chúng tôi tương tự với kết quả của Nguyễn Hải Thủy [6], điều này có thể giải thích do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi gồm bệnh nhân phát hiện bệnh lần đầu và bệnh nhân đã điều trị rối loạn lipid máu. Kết quả bảng 3.11 cho thấy có mối tương quan thuận giữa microalbumin niệu với tăng triglyceride máu (r=0.22, p<0.05). Nguyễn Đức Ngọ (2009) cho thấy có tăng tỷ lệ microalbumin niệu ở nhóm có tăng Triglycerid và ApoB [8]. Kết quả nghiên cứu của tác giả Hồ Hữu Hóa (2009), những trường hợp tăng triglyceride có nguy cơ microalbumin niệu cao gấp 3 lần những trường hợp triglyceride bình thường với p < 0.05, trường hợp HDL-c giảm có nguy cơ microalbumin niệu cao gấp 2,4 lần so với trường hợp HDL-c bình thường [7]. Ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có albumin niệu vi thể, có rất nhiều rối loạn đi kèm đã được ghi nhận bao gồm: THA, rối loạn lipid máu, đề kháng insulin…là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong trên bệnh nhân đái tháo đường, vì vậy việc kiểm soát tốt lipid máu sẽ làm chậm tiến triển bệnh thận đái tháo đường.
V. KẾT LUẬN
Tỷ lệ bệnh nhân có microalbumin niệu là: 35.7%. Có mối liên quan giữa microalbumin niệu với thời gian phát hiện bệnh, tăng huyết áp, HbA1c và triglyceride. Cần định lượng microalbumin niệu ngay khi được chẩn đoán đái tháo đường và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ nhằm hạn chế tiến triển bệnh thận đái tháo đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- IDF Clinical Guideline Task Force (2015), “Global Guideline for typ 2diabetes”. Brussel: international Diabetes Federation, pp. 09 – 15.
- Trịnh Thị Thái (2013),“Khảo sát biến chứng thận và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cao tuổi tại Bệnh viện lão khoa trung ương”, Luận văn bác sĩ chuyên khoa 2
- Nguyễn Lân Việt (2007), “Tăng huyết áp”, Thực hành bệnh tim mạch, Nhà xuất bản y học, tr 135-172.
- Nguyễn Khoa Diệu Vân (2012),“Béo phì”, Nội tiết trong thực hành lâm sàng, Nhà xuất bản y học, tr 393
- Nguyễn Lân Việt (2007), “Rối loạn Lipid máu”, Thực hành bệnh tim mạch, Nhà xuất bản y học, tr 124-125.
- Thái Hồng Quang, Bệnh thận trong đái tháo đường, vai trò của microalbumin trong chẩn đoán và theo dõi.
- Thái Hồng Quang (1989),Góp phần nghiên cứu biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường, Luận án phó tiến sĩ khoa học y dược.
- Nguyễn Hải Thủy, Trần Thị Ngọc Thư,“Nghiên cứu microalbumin niệu và một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2”,Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học“, Hội nghị Nội tiết – đái tháo đường miền trung lần thứ VIII, tr.734 – 746.
- Hồ Hữu Hóa (2009),“Chẩn đoán biến chứng thận sớm bằng xét nghiệm microalbumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viên đa khoa trung ương Thái Nguyên “, Luận văn thạc sĩ y học.
- Nguyễn Đức Ngọ, Lê Thị Diệu Hồng,“Microalbumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, mối liên quan với các thành phần của hội chứng chuyển hóa”, Tạp chí y học thực hành số 2/2009.
- Parving H-H, Lewis JB, Ravid-G Remuzz M, Hunsicker LG et al (2006), “Prevalence and risk and factors for microalbuminuria in a referred cohort of typ 2 diabetic patients: A global perspective”, Kidney international, 69, pp.2057-2063.
- Oomochi Takeshi, Tsujimoto Yoshihiro et al (2006), “Impact of glycemic control on survival of diabetic patients on chromic regular hemodialysis”, Diabetes care, pp. 1496-1500.
- American Diabetes Association. “Standards of medical care in diabetes—2011″.Diabetes Care. 2011
- Elizabeth Selvin, Yang Ning et al (2011), Glycated Hemoglobin and the Risk of Kidney Disease and Retinopathy in Adults With and Without Diabetes, Diabetes, vol.60, 298-305.