Liên quan nồng độ Thiamin huyết tương với một số thông số ở bệnh nhân Đái tháo đường típ 2

LIÊN QUAN NỒNG ĐỘ THIAMIN HUYẾT TƯƠNG VỚI MỘT SỐ THÔNG SỐ Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2

Nguyễn Thu Phương1, Hoàng Trung Vinh2*

1. Bệnh viện 199 – Bộ Công an;

2. Học viện Quân y

DOI: 10.47122/vjde.2021.49.8

 

TÓM TẮT

Mục tiêu: Phân tích mối liên quan giữa nồng độ thiamin huyết tương với một số biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 (BN ĐTĐT2). Đối tượng và phương pháp: 161 BN ĐTĐT2 thuộc nhóm nghiên cứu được định lượng nồng độ thiamin huyết tương bằng phương pháp ELISA và phân tích mối liên quan với một số thông số. Kết quả: Khi xử lý đơn biến không xác định được liên quan có ý nghĩa giữa nồng độ thiamin với một số thông số song khi xử lý đa biến xác định được nồng độ thiamin tương quan nghịch với tuổi (β = -0,222, p=0,003), tương quan thuận với mức lọc cầu thận (MLCT) (β=0,0543, p=0,012). Kết luận: Nồng độ thiamin huyết tương ở BN ĐTĐT2 không có liên quan đơn biến với các chỉ số được khảo sát mà chỉ tương quan có ý nghĩa với tuổi, MLCT khi xử lý đa biến chứng tỏ có nhiều yếu tố gây giảm thiamin ở BN ĐTĐT2.

Từ khóa: Đái tháo đường típ 2, nồng độ thiamin, Tỷ số albumin/creatinin niệu, mức lọc cầu thận.

ABSTRACT

Relationships between plasma thiamin level with some parameters in type 2 diabetes mellitus patients

Nguyen Thu Phuong1, Hoang Trung Vinh2*

1. 199 hospital – Ministry of Public Security;

2. Vietnam Military Medical University

Objectives: To analyze relationships between plasma thiamine level with some clinical and subclinical manifestations in patients with type 2 diabetes mellitus (T2DM). Subjects and methods: 161 T2DM patients in the study group were measured plasma thiamin level by ELISA method and analyzed the relationships with some parameters. Results: univariate analysis could not find out any significant relations between thiamin level with some parameters, while multivariate analysis showed that thiamin level was negatively correlated with age (β = -0,222, p = 0.003), and positively correlated with glomerular filtration rate (GFR) (β = 0.0543, p = 0,012). Conclusions: Plasma thiamine level in T2DM patients was not correlated with any studied parameters when using univariate analysis, but significantly correlated with age, GFR when using multivariate analysis, which showed that there are many factors causing thiamin reduction in T2DM patients.

Keywords: Type 2 diabetes mellitus, thiamin level, albumin/creatinine ratio, glomerular filtration rate.

Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Trung Vinh

Ngày nhận bài: 02/6/2021

Ngày phản biện khoa học: 08/6/2021

Ngày duyệt bài: 29/07/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0903201250

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thiamin là nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể song không tự tổng hợp được mà đều phải nhận từ ngoài vào bằng con đường ăn uống.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra giảm nồng độ thiamin ở BN ĐTĐT2. Trong số các nguyên nhân quan trọng làm giảm thiamin ở BN bao gồm lượng đưa từ ngoài vào không đầy đủ, rối loạn hấp thu, mất thiamin qua đường niệu và do tác động đối nghịch giữa glucose với thiamin trong cơ thể. Tuy vậy xác định được đa số các nguyên nhân nêu trên là rất khó khăn nhất là lượng thiamin đưa vào và lượng mất đi.

Liệu các biểu hiện khác có ảnh hưởng, gây giảm thiamin hay không là những nội dung cần được khảo sát. Đề tài nhằm mục tiêu: Phân tích mối liên quan giữa nồng độ thiamin huyết tương với một số biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng ở BN ĐTĐT2.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

+ 161 BN ĐTĐT2 được khai thác bệnh sử, xét nghiệm một số chỉ số, định lượng nồng độ thiamin huyết tương bằng phương pháp ELISA theo quy trình chuẩn. Đơn vị tính: pg/ml.

+ Số liệu thu được xử lý mối liên quan đơn biến và đa biến.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 2.1. Liên quan giữa nồng độ thiamin với một số thông số

Chỉ số   Thiamin (pg/ml) p
       
Chỉ số khối cơ thể (BMI) < 23 (n= 77) 38,8 (33,3 – 42,9) >0,05
(kg/m2) ≥23 (n= 84) 37,9 (30,9 – 43,0)  
Tăng huyết áp (THA) Không (n=54) 38,4 (34,0 – 42,8) >0,05
     
Có (n=107) 38,2 (31,0 – 43,4)  
   
       
Rối loạn lipid (RLLP) Không (n= 52) 39,5 (32,7 – 44,0) > 0,05
     
Có (n=109) 38,2 (30,6 – 42,2)  
   
       
ACR Âm tính (n=15) 38,2 (38,2 – 42,9) >0,05
(tỷ số albumin/creatinin      
Dương tính (n=7) 31,2 (30,6 – 45,7)  
niệu)(n=22)  
     
MLCT (ml/phút) < 60 (n=51) 37,6 (31,0 – 41,7) > 0,05
     
≥ 60 (n=110) 38,6 (32,2 – 43,4)  
   
       
Glucose máu (mmol/l) < 7,0 (n=53) 39,9 (34,0 – 44,0) >0,05
     
≥ 7,0 (n=108) 37,6 (30,8 – 42,9)  
   
       
HbA1c (%) <7,5 (n=88) 38,2 (34,3 – 42,8) >0,05
     
≥7,5 (n=73) 38,2 (28,9 – 43,4)  
   
       

 

Nhận xét: Nồng độ thiamin đều liên quan không có ý nghĩa với các chỉ số đã khảo sát. Bảng 2.2.Tương quan đa biến của nồng độ thiamin với một số thông số

Thông số β p Khoảng tin cậy 95%
       
Tuổi (năm) -0,222 0,003 -0,0749: -0,3694
       
Giới -1,324 0,275 -3,7136: – 1,0647
       
Thời gian phát hiện bệnh (năm) -0,1464 0,348 -0,4538: – 0,1609
       
MLCT (ml/phút) 0,0543 0,012 0,0123 – 0,0963
       
Tỷ số eo/hông -3,4670 0,756 -25,4913: – 13,5572
       
Chẩn đoán lần đầu 3,1995 0,174 -1,4244: – 7,8235

Nhận xét: Khi phân tích mối tương quan đa biến nhận thấy nồng độ thiamin liên quan có ý nghĩa với tuổi và mức lọc cầu thận của bệnh nhân. Nồng độ thiamin huyết tương tương quan nghịch với tuổi của bệnh nhân, tương quan thuận với mức lọc cầu thận.

4. BÀN LUẬN

Mặc dù thiamin gây ảnh hưởng lên nhiều phản ứng sinh học trong cơ thể song điều đó không gây biến đổi nhiều đối với nồng độ. Chính vì vậy khi phân tích liên quan đơn biến giữa nồng độ thiamin huyết tương ở BN ĐTĐT2 với nhiều biểu hiện lâm sàng, chỉ số xét nghiệm đều thu được kết quả chung là mối liên quan không có ý nghĩa thống kê. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong số các tài liệu tham khảo không thấy tác giả nào khảo sát mối liên quan đơn biến giữa thiamin với các chỉ số xét nghiệm ngoại trừ có một vài tác giả cũng phân tích và đưa ra mối liên quan giữa nồng độ thiamin huyết tương với MAU ở BN ĐTĐ [1], [2]. Nix A và cs năm 2014 đã khảo sát nồng độ hai loại vitamin nhóm B gồm B6 và B1 nhận thấy nồng độ cả hai loại vitamin trên đều giảm có ý nghĩa so với nhóm chứng khỏe mạnh. Tác giả nhận thấy nồng độ vitamin B6 huyết tương liên quan có ý nghĩa với MAU ở BN ĐTĐT2, theo đó nếu BN có MAU (+) thì nồng độ vitamin B6 thấp hơn có ý nghĩa so với khi MAU (-), tương ứng 26,8 nmol/l và 39,5 nmol/l. Tuy vậy khi khảo sát nồng độ thiamin huyết tương ở BN ĐTĐT2 tác giả lại nhận thấy đó là mối liên quan không có ý nghĩa với MAU. Theo đó ở BN ĐTĐT2 có MAU (+) thì nồng độ thiamin huyết tương là 15,4 nmol/l (6,2 -83,4), còn ở BN với MAU (-) thì nồng độ thiamin huyết tương cũng tương đương (15,5 nmol/l: 8,3-55,3). Bên cạnh đó tác giả nhận thấy khi ĐTĐT2 có MAU (+) hoặc (-) thì nồng độ thiamin đều giảm tương ứng 43% và 44% so với nhóm chứng khỏe mạnh. Kết quả trên đây cho thấy mặc dù đa số tác giả đều cho rằng bệnh thận do ĐTĐ mà MAU (+) là một trong các biểu hiện quan trong liên quan đến giảm nồng độ thiamin huyết tương song trên thực tế lại không thấy biến đổi nồng độ thiamin huyết tương có ý nghĩa trong mối liên quan với MAU [3]. Khi phân tích tương quan đa biến giữa thiamin huyết tương với một số thông số lại nhận thấy có hai biến số cho tương quan có ý nghĩa đó là tuổi của BN và MLCT. Trong phần xử lý số liệu về nồng độ và tỷ lệ giảm thiamin ở BN ĐTĐT2 đều chưa nhận thấy mối liên quan có ý nghĩa song khi xử lý đa biến lại nhận thấy tuổi của BN tương quan nghịch có ý nghĩa với nồng độ thiamin huyết tương. Kết quả này có lẽ cũng phù hợp và logic. Đều là BN ĐTĐT2 song khi tuổi càng cao đi kèm với biến đổi của nhiều tình trạng khác thì bệnh càng nặng hơn, giảm chuyển hóa và hấp thu các chất trong đó có các nguyên tố vi lượng chủ yếu đưa từ ngoài vào bao gồm cả thiamin. Chính vì vậy ở BN cao tuổi thì nồng độ thiamin sẽ giảm nhiều hơn [4], [5]. Mann RH năm 2018 cho thấy ở những BN ĐTĐ cao tuổi nếu chưa bổ sung vitamin B1 trong điều trị thì tỷ lệ thiếu thiamin huyết tương là 76,1%. Mặc dù đây cũng là tỷ lệ giảm thiamin chưa ở mức quá cao so với cộng đồng BN ĐTĐ nói chung song kết quả cũng cho thấy vai trò của tuổi cao ảnh hưởng không có lợi lên nồng độ thiamin trong cơ thể người bệnh [6]. Tỷ lệ thiếu hụt thiamin trên đây ở BN ĐTĐ cũng chỉ tương đương so với kết quả quan sát của O’Keeffe ST và cs năm 1994. Các tác giả đã khảo sát những BN cao tuổi điều trị tại bệnh viện với nhiều thể bệnh khác nhau cho thấy tỷ lệ BN thiếu thiamin lên đến 76% [7]. Những kết quả trên đây cho thấy mối tương quan có ý nghĩa giữa thiamin huyết tương với tuổi của BN ĐTĐT2 song chỉ xuất hiện khi xử lý tương quan đa biến.

Bên cạnh mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa nồng độ thiamin huyết tương với tuổi thì khi xử lý tương quan đa biến còn nhận thấy nồng độ thiamin huyết tương có tương quan thuận với MLCT. Khi phân tích mối liên quan đơn biến giữa nồng độ thiamin huyết tương với các phân nhóm MLCT khác nhau đều không nhận thấy liên quan có ý nghĩa. Song khi phân tích tương quan đa biến nghĩa là điều chỉnh đồng thời với một số biến số khác lại cho kết quả liên quan có ý nghĩa. Theo đó khi MLCT càng tăng thì nồng độ thiamin huyết tương càng cao và ngược lại. Kết quả này bổ sung thêm một bằng chứng nữa về cơ chế gây giảm thiamin huyết tương liên quan đến tổn thương thận ở BN ĐTĐT2. Khi MLCT giảm sẽ làm gia tăng mất thiamin qua nước tiểu dẫn đến giảm thiamin huyết tương. Ngay cả khi BN ĐTĐ chưa có giảm MLCT song với nồng độ glucose máu cao dẫn đến tăng trình diện các protein vận chuyển thiamin ở tế bào biểu mô ống thận và sau đó theo ra ngoài cùng với nước tiểu. Đây cũng là một trong các cơ chế trung gian dẫn đến thiếu hụt thiamin [8].

5. KẾT LUẬN

  • Nồng độ thiamin liên quan không có ý nghĩa với BMI, THA, RLLP, ACR, MLCT, nồng độ glucose và HbA1c khi phân tích mối liên quan đơn biến.
  • Trong mối tương quan đa biến thì nồng độ thiamin huyết tương lại tương quan nghịch có ý nghĩa với tuổi bệnh nhân (β= -0,222; p=0,003); tương quan thuận có ý nghĩa với mức lọc cầu thận (β=0,0543; p=0,012) với khoảng tin cậy đều bằng 95%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hasan K, Aminul I, Moinul I, et al. (2017) “Vitamins and Type 2 Diabetes Mellitus”. JCD, 4(1), pp.3-9.
  2. Roxana V, Laura L, Elina M, et al.(2015) “Vitamins and type 2 Diabetes Mellitus”. Endocr Metab Immune Disord Drug Targets, 15(1), pp/54-63.
  3. Nix A, Zirwes R, Bangert V, et al. (2014). “Vitamin B status in patients with type 2 diabetes mellitus with and without incipient nephropathy”. Diabetes Research and Clinical Practice, pp.157-165.
  4. Hobara R, Ozawa K, Okazaki M, et al. (1981) “Ralationship between thiamine and glucose levels in diabetes mellitus”. Japan J Pharmacol, pp.1098-1100.
  5. Thornalley P, Babaei – Jadidi R, Ali A, et al. (2007) “High prevalence of low plasma thiamine concentration in diabetes linked to a marker of vascular disease”. Diabetes and Endocrinology, 22, pp.1-4.
  6. Arora S, Lidor A, Abularrage J, et al. (2006) “Thiamine (vitamin B1) improves endothelium – Dependent vasodilatation in the presence of hyperglycemia”. Annals of Vascular Surgery, volume 20, pp.653-658.
  7. O’Keeffe S.T, Tormey W.P, Glasgow R, et al. (1994) “Thiamine deficiency in HospitalizedElderlypatients”. Gerotology, 40, pp.18-24.
  8. Larkin JR, Zhang F, Godfrey L, et al. (2012) “Glucose – Induced down regulation of thiamine transporters in the kidney proximal tubular epithelium produces thiamine insufficiency in diabetes”. PloS One, 7(12), pp.e53175.

About dacdien

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …