NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG GIẤC NGỦ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Võ Thị Hà Hoa, Nguyễn Thị Khánh Linh
Khoa Y, Đại học Duy Tân
DOI: 10.47122/vjde.2021.47.21
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá chất lượng giấc ngủ và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 181 người cao tuổi sống tại thành phố Đà Nẵng. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn dựa vào bộ câu hỏi được thiết kế sẳn và số liệu được xử lý bằng phần mền SPSS 20.0. Chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI) đã được sử dụng để kiểm tra chất lượng giấc ngủ (PSQI >5 điểm: chất lượng giấc ngủ kém) và thang đo đánh giá nguy cơ ngưng thở khi ngủ Berlin cũng được sử dụng để đánh giá nguy cơ ngưng thở khi ngủ, ngoài ra các yếu tố sức khỏe cũng được nghiên cứu để tìm hiểu mối liên quan. Kết quả: Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém ở đối tượng nghiên cứu chiếm 44,8%, vấn đề gây mất ngủ thường gặp nhất ở đối tượng nghiên cứu là không ngủ được trong 30 phút và tỉnh dậy lúc nửa đêm hoặc dậy quá sớm. Tìm thấy mối liên quan đến chất lượng giấc ngủ ở đối tượng nghiên cứu: Thói quen ngủ trưa, sử dụng nước lọc là thức uống hằng ngày, đái tháo đường, tự đánh giá tiếng ồn, nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Kết luận: Chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng là một vấn đề cần được quan tâm.
Từ khóa: Chất lượng giấc ngủ, thang đo chât lượng giấc ngủ PSQI, thang đo ngưng thở khi ngủ, người cao tuổi.
ABSTRACT
Sleep quality and its associated factors among elderly people in Danang, Viet nam
Vo Thi Ha Hoa, Nguyen Thi Khanh Linh Faculty of medicine, Duy Tan University
Objectives: Assessing the sleep quality of elderly people and its associated factors among elderly people in Danang. Methods: Cross-section was used in this research. The research was conducted on 181 elderly people living in Danang. Data were collected by interviewing along with structured questionnaire and data were analyzed by SPSS 20.0. Pittsburgh Sleep Quality Index (PSQI) was used as a tool to examine sleep quality (PSQI >5: Poor sleep quality). Other scales such as the Berlin Questionnaire to Predict Obstructive Sleep Apnea, and health indicators. Results: The percentage of elderly people who have poor sleep quality was 44.8%, the most common problems include cannot get to sleep within 30 minutes, wake up in the middle of the right or early morning. There was significant relationship between sleep quality and some factors, such as naptime, noise, daily water, diabetes, obstructive sleep apnea. Conclusion: The sleep quality of elderly people in Danang is a problem which must be concemed.
Keywords: Pittsburgh Sleep Quality Index (PSQI), Berlin questionnaire, sleep quality, elderly people.
Chịu trách nhiệm chính: Võ Thị Hà Hoa Ngày nhận bài: 09/01/2021
Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021 Ngày duyệt bài: 01/04/2021
Email: [email protected], [email protected]
Điện thoại: 0905143887
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giấc ngủ là một nhu cần quan trọng của cơ thể con người. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng chất lượng giấc ngủ bị giảm sút đang rất phổ biến và mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống. Chất lượng giấc ngủ kém thường gặp ở người cao tuổi và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Dù đi ngủ từ rất sớm nhưng họ thường khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu hoặc hay bị thức giấc trong đêm và khó ngủ trở lại. Chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng về thể chất, tinh thần và xã hội. Những tác động này thường rõ ràng hơn ở những người đang sống với nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ và chất lượng giấc ngủ giảm liên quan đến lão hóa [1].
Chất lượng giấc ngủ kém có thể có những ảnh hưởng sâu sắc đến thể chất đối với người cao tuổi, bao gồm mệt mỏi và tăng nguy cơ té ngã. Chất lượng giấc ngủ kém và thiếu ngủ cũng liên quan đến ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và suy giảm nhận thức ở người cao tuổi [1].
Điều này tạo ra gánh nặng đáng kể về kết quả bệnh tật và tử vong, cũng như các chi phí đáng kể cho xã hội.
Trong thời gian qua, tại thành phố Đà Nẵng chưa có các nghiên cứu về chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi, đây là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm và can thiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi. Chính vì những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với các mục tiêu sau:
- Đánh giá chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng
- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sống tại thành phố Đà Nẵng
Nghiên cứu được thực hiện thang 12 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020.
2.2 Thiết kế nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, định lượng là cơ bản.
2.3 Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu: Nghiên cứu thực hiện trên 181 người cao tuổi, nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn chùm nhiều giai đoạn, chọn ngẫu nhiên 2 quận nghiên cứu, tiếp tục chọn 2 phường trong mỗi quận, trong mỗi phường điều tra 50 đối tượng nghiên cứu.
2.4. Phương pháp thu thập số liệu:
Phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi được
thiết kế sẳn
2.5 Công cụ đánh giá: Bộ công cụ bao gồm 36 câu hỏi, trong đó sử dụng 2 thang đo đánh giá giấc ngủ
- Thang đo chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI): Thang đo chất lượng giấc ngủ – Pittsburgh Sleep Quality Index – PSQI được đề nghị sử dụng cả trong thực hành lâm sàng và nghiên cứu tâm thần. Thang đo PSQI là tổng hợp điểm của một bảng gồm 21 câu hỏi: 4 câu hỏi mở, 14 câu hỏi khi trả lời cần dựa trên tần suất sự kiện (không, ít hơn 1 lần/ tuần, 1-2 lần/ tuần, 3 hoặc trên 3 lần/tuần) trên 7 phương diện: Chất lượng giấc ngủ theo đánh giá chủ quan, thời gian để đi vào giấc ngủ, hiệu quả giấc ngủ theo thói quen (tỷ lệ toàn bộ thời gian ngủ và thời gian nằm trên giường), các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ, việc sử dụng thuốc kích thích giấc ngủ (bao gồm cả thuốc được kê đơn và không kê đơn) và những bất thường về thời gian ngủ trong ngày. Với số điểm dao động từ 0 đến 21 điểm, với điểm càng cao thì chất lượng giấc ngủ càng kém, nếu tổng điểm PSQI lớn hơn 5 điểm thì được đánh giá là chất lượng giấc ngủ kém với độ nhạy chẩn đoán là 89,6% và độ đặc hiệu là 86,5% (kappa = 0,75, p nhỏ hơn 0,001). [2]
- Đánh giá nguy cơ ngưng thở khi ngủ với thang đo Berlin [3]. Thang đo bao gồm 10 câu hỏi đánh giá về ngáy, mức độ buồn ngủ ban ngày, tăng huyết áp và BMI. Bộ thang đo được đánh giá để sử dụng sàng lọc nguy cơ ngưng thở khi ngủ với nhóm nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao có giá trị chẩn đoán của thang đo với độ nhạy 86%, độ đặc hiệu 77% và giá trị dự báo dương 89%.
2.6. Các biến số nghiên cứu
- Biến phụ thuộc: Chất lượng giấc ngủ theo thang điểm PSQI (chất lượng giấc ngủ tốt và chất lượng giấc ngủ kém)
- Biến độc lập: Tuổi, tình trạng hôn nhân, đồ uống hằng ngày(nước lọc, nước trà, thảo mộc, đồ uống có ga), bệnh nền đã được chẩn đoán, thói quen ngủ trưa(thường xuyên ≥4 lần/tuần, không thường xuyên, không), tự đánh giá tiếng ồn (thường xuyên, không thường xuyên, không), nguy cơ ngưng thở khi ngủ (nguy cơ cao, nguy cơ thấp)
2.7 Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu thu thập được mã hóa sau đó được xử lý và phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0. Số liệu được mô tả bằng bảng số lượng và tỷ lệ.
Mô hình hồi quy đa biến logistic được sử dụng để phân tích đồng thời mối liên quan của nhiều biến độc lập với chất lượng giấc ngủ.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:
Nghiên cứu thực hiện trên 181 người cao tuổi, trong đó có 51,4% là nam và 48,6% nữ. Nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 60-69 chiếm 54,1%, tiếp đến nhóm 70-79 tuổi chiếm 28,2% và 80 tuổi trở lên chiếm 17,7%. Với tuổi trung bình là 70,45 ± 2,28.
3.2. Mô tả chất lượng giấc ngủ của đối tượng nghiên cứu
Thời gian ngủ được mỗi đêm của đối tượng nghiên cứu trung bình là 6.9 ± 1.49 giờ, thời gian ngủ ít nhất là 1 giờ và nhiều nhất là 10.5 giờ.
Biểu đồ 3.1. Mô tả các vấn đề gây mất ngủ của đối tượng nghiên cứu
Vấn đề gây mất ngủ thường gặp nhất ở đối tượng nghiên cứu là không ngủ được trong 30 phút và tỉnh dậy lúc nửa đêm hoặc dậy quá sớm.
Bảng 3.1. Mô tả tình trạng sử dụng thuốc ngủ, mức độ tỉnh táo và hứng thú công việc ban ngày của đối tượng nghiên cứu
Số người cao tuổi sử dụng thuốc ngủ trong nghiên cứu này chiếm gần 20%. Đa số đối tượng nghiên cứu không gặp khó khăn gì với giữ tỉnh táo vào ban ngày, chiếm trên 70%. Và gần ½ số đối tượng nghiên cứu không khó khăn trong duy trì hứng thú hoàn thành công việc vào ban ngày.
Biểu đồ 3.2. Mô tả nguy cơ ngưng thở khi ngủ của đối tượng nghiên cứu
Nhận xét: Biểu đồ 3.6 cho thấy, số đối tượng nghiên cứu có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao chiếm gần 30%.
Biểu đồ 3.3. Mô tả chất lượng giấc ngủ của đối tượng nghiên cứu
Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có chất lượng giấc ngủ tốt chiếm 55,2% với số giờ ngủ trung bình mỗi đêm là 7,6 ± 1,03 và chất lượng giấc ngủ kém chiếm 44,8% với số giờ ngủ trung bình mỗi đêm là 6,1 ± 1,57.
3.3 Mối liên quan của chất lượng giấc ngủ và một số yếu tố của đối tượng nghiên cứu
Bảng 3.2. Mô hình hồi quy đa biến logistic của các yếu tố liên quan với chất lượng giấc người người cao tuổi.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi
Người cao tuổi không sử dụng nước lọc là thức uống hằng ngày thì có nguy cơ có chất lượng giấc ngủ kém đối hơn gấp 2,5 lần so với nhóm sử dụng nước lọc là thức uống thường xuyên, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05.
Người cao tuổi cứu mắc đái tháo đường thì có nguy cơ có chất lượng giấc ngủ kém gấp 3,6 lần so với nhóm không mắc đái tháo đường. sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05.
Người cao tuổi có không ngủ trưa thường xuyên (<3 lần/ tuần) thì có chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,8 lần. Người không ngủ trưa thì có chất lượng giấc ngủ buổi tối kém 2,5 lần so với nhóm có ngủ trưa thường xuyên, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05.
Người cao tuổi có tự đánh giá tiếng ồn thường xuyên tại khu vực sống thì có nguy cơ chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,4 lần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05.
Người cao tuổi có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao thì có chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,2 lần so với nhóm nguy cơ ngưng thở khi ngủ thấp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05.
4. BÀN LUẬN
4.1 Chất lượng giấc ngủ của đối tượng nghiên cứu
Thời gian ngủ được mỗi đêm của đối tượng nghiên cứu trung bình là 6.9 ± 1.49 giờ, thời gian ngủ ít nhất là 1 giờ và nhiều nhất là 10.5 giờ. Trong nghiên cứu này của chúng tôi số giờ ngủ mỗi đêm tương tự với kiến nghị chung của Tổ Chức Giấc Ngủ Quốc Gia của Mỹ đối với người cao tuổi là từ 7 – 8 giờ mỗi đêm và cũng như trong nghiên cứu của Weerakorn Thichumpa và cộng sự được thực hiện tại Chiang Rai tại Thái Lan năm 2018 tiến hành ở người cao tuổi cũng cho kết quả 7,0 ± 1,3 giờ [4], [5].
Vấn đề gây mất ngủ thường gặp nhất ở đối tượng nghiên cứu là không ngủ được trong 30 phút và tỉnh dậy lúc nửa đêm hoặc dậy quá sớm.
Đối tượng nghiên cứu có nguy cơ cao ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn chiếm gần 30%. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của M Farajzadeh ở Iran cũng cho thấy kết quả tương tự tỷ lệ người cao tuổi có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là 28%. [6]
Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có chất lượng giấc ngủ tốt chiếm 55,2% và chất lượng giấc ngủ kém chiếm 44,8%. Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ này của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Weerakorn Thichumpa và cộng sự được thực hiện tại Chiang Rai tại Thái Lan năm 2018 tiến hành ở người cao tuổi cũng cho kết quả chất lượng giấc ngủ kém 44,0%. [5]
4.2. Mối liên quan giữa chất lượng giấc ngủ và một số yếu tố
Sử dụng nước lọc là thức uống chủ yếu: Trong nghiên cứu chúng tôi tìm thấy người cao tuổi không sử dụng nước lọc là thức uống hằng ngày thì có nguy cơ có chất lượng giấc ngủ kém đối hơn gấp 2,5 lần so với nhóm sử dụng nước lọc là thức uống thường xuyên, mối liên quan này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này cho thấy việc sử dụng nước lọc hằng ngày làm giảm đi việc sử dụng các thức uống như caffein, trà và rượu, những thức uống này làm mất đi một lượng nước trong cơ thể nhất định, làm cho cơ thể không đủ lượng nước, trong khi đó một số nghiên cứu cho thấy rằng lượng nước trong cơ thể sẽ giúp ích cho giấc ngủ, như trong nghiên cứu của Mohammad Zwawy và cộng sự thực hiện năm 2018 cho thấy chất lượng giấc ngủ được cải thiện khi tăng lượng nước uống mỗi ngày [7]. Đái tháo đường: Chúng tôi cũng đã tìm thấy người cao tuổi cứu mắc đái tháo đường có nguy cơ có chất lượng giấc ngủ kém gấp 3,6 lần so với nhóm không mắc đái tháo đường, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Safa Barakat và cộng sự thực hiện ở Jordan năm 2019 với kết quả cho thấy mối liên quan giữa đái tháo đường và chất lượng giấc ngủ kém [8]. Các yếu tố liên quan đến giấc ngủ bị gián đoạn ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm tiểu đêm, hạ đường huyết về đêm, bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng chân không yên và rối loạn nhịp thở khi ngủ [9], [10].
Thói quen ngủ trưa: Người cao tuổi có không ngủ trưa thường xuyên (<3 lần/ tuần) có chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,8 lần. Người không ngủ trưa thì có chất lượng giấc ngủ buổi tối kém 2,5 lần so với nhóm có ngủ trưa thường xuyên, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Người lớn tuổi có nên ngủ trưa hay không nên ngủ trưa đã không còn nhiều tranh cãi. Ngủ trưa vào ban ngày có liên quan đến sự suy giảm sức khỏe liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém; tránh ngủ trưa để cải thiện giấc ngủ ban đêm đã được khuyên trong một số nghiên cứu [11]. Tuy nhiên, ngủ trưa như một cách để tăng chất lượng, thời lượng giấc ngủ 24 giờ hoặc để bù đắp chứng mất ngủ cũng đã được đề xuất [11], [12]. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng một giấc ngủ trưa ngắn thường xuyên có thể giúp cho chất lượng giấc ngủ vào buổi tối. Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể cải thiện sự tỉnh táo sau giấc ngủ hạn chế vào ban đêm, điều này làm cho chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi tốt hơn. Thường thì đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có thời gian ngủ trưa trung bình 60 phút, thời gian ngủ này không quá nhiều để làm ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.
Tự đánh giá tiếng ồn: Đối tượng nghiên cứu có tự đánh giá tiếng ồn thường xuyên tại khu vực sống thì có nguy cơ chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,4 lần, với p < 0,05. Tiếng ồn vào ban đêm có thể gây khó đi vào giấc ngủ ban đầu và âm thanh vào ban đêm có thể làm chúng ta dễ bị đánh thức và không thể trở lại giấc ngủ. Ngay cả những tiếng ồn không đánh thức chúng ta cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng giấc ngủ, vì trong giai đoạn này bộ não đang ngủ vẫn tiếp tục ghi lại và xử lý âm thanh. Tiếng ồn có thể tạo ra cảm giác bồn chồn trong giấc ngủ ngay cả khi chúng không đánh thức chúng ta hoàn toàn và những gián đoạn này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. [13]
Nguy cơ ngưng thở khi ngủ: Nghiên cứu cho thấy người cao tuổi có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao thì có chất lượng giấc ngủ kém gấp 2,2 lần so với nhóm nguy cơ ngưng thở khi ngủ thấp, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,001 < 0,05. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của J. Xu và cộng sự thực hiện trong nghiên cứu chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi bị ngưng thở khi ngủ cho thấy bệnh nhân cao tuổi bị ngưng thở khi ngủ thường phàn nàn về chất lượng giấc ngủ kém [13]. Ngưng thở khi ngủ là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức. Giấc ngủ sâu của bệnh nhân bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn trầm trọng và kích thích tỉnh giấc để đi vào giấc ngủ nông. Sự tỉnh giấc này tái lập lại đường thở đi kèm với hít hơi dài [15]. Chính những yếu tố này làm cho chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi bị giảm sút.
5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém của đối tượng nghiên cứu chiếm 44,8%, tìm thấy mối liên quan chất lượng giấc ngủ với việc sử dụng nước lọc hằng ngày, bệnh nền đái tháo đường, ngủ trưa, tự đánh giá tiếng ồn xung quanh và nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh đái tháo đường và người cao tuổicó nguy cơ ngưng thở cao. Nâng cao chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi là cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Suzuki K., Miyamoto M., và Hirata K. (2017). Sleep disorders in the elderly: Diagnosis and management. J Gen Fam Med, 18(2), 61–71.
- Buysse D.J., Reynolds F., Monk T.H. và cộng sự. (1989). The Pittsburgh Sleep Quality Index: a new instrument for psychiatric practice and research. Psychiatry Res, 28(2), 193–213.
- Netzer N.C., Stoohs R.A., Netzer C.M. và cộng sự. (1999). Using the Berlin Questionnaire to identify patients at risk for the sleep apnea syndrome. Ann Intern Med, 131(7), 485–491.
- National Sleep Foundation Recommends New Sleep Times. Sleep Foundation,<https://www.sleepfoundation.org/nationa l-sleep-foundation-recommends-new- sleep-times>, accessed: 26/10/2020.
- Thichumpa , Howteerakul N., Suwannapong N. và cộng sự. (2018). Sleep quality and associated factors among the elderly living in rural Chiang Rai, northern Thailand. Epidemiol Health, 40.
- Farajzadeh M., Hosseini M., Mohtashami
- và cộng sự. (2016). Obstructive Sleep Apnea in Elderly and its Related Factors. Iran J Nurs, 29(99), 1–9.
- Zwawy M., Al-Husayni , Alamri S. và cộng sự. (2018). Association between amount of water intake and quality of sleep in adults – jeddah, saudi arabia. Int J Adv Res, 6, 2320–5407.
- Barakat S., Abujbara M., Banimustafa R. và cộng sự. (2019). Sleep Quality in Patients With Type 2 Diabetes Mellitus. J Clin Med Res, 11(4), 261–266.
- Surani S., Brito , Surani A. và cộng sự. (2015). Effect of diabetes mellitus on sleep quality. World J Diabetes, 6(6), 868–873.
- Skomro P. (2008). Sleep and Quality of Life in Diabetes. Sleep and Quality of Life in Clinical Medicine. Humana Press, Totowa, NJ, 461–468.
- Morin C.M. và Gramling S.E. (1989). Sleep patterns and aging: comparison of older adults with and without insomnia complaints. Psychol Aging, 4(3), 290– 294.
- Campbell S.S., Murphy J., và Stauble T.N. (2005). Effects of a nap on nighttime sleep and waking function in older subjects. J Am Geriatr Soc, 53(1), 48–53.
- Taranto Montemurro L., Messineo , Sands S. và cộng sự. (2017). Effect of background noise on sleep quality. Sleep, 40, A146–A147.
- Xu J., Song , Hao S. và cộng sự. (2003). Sleep quality in elderly patients with obstructive sleep apnea syndrome. Chin J Clin Rehabil, 7, 836–837.
- Obstructive sleep apnea – Symptoms and causes. Mayo Clinic,<https://www.mayoclinic.org/diseases- conditions/obstructive-sleep- apnea/symptoms-causes/syc-20352090>, accessed: 26/10/2020.