Nghiên cứu mối liên quan giữa HbA1c với các rối loạn lipid máu trên bệnh nhân nhồi máu não cũ có đái tháo đường type 2 điều trị tại bệnh viện nội tiết Nghệ An

NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN QUAN GIỮA  HbA1c VỚI CÁC

RỐI LOẠN LIPID MÁU TRÊN BỆNH NHÂN NHỒI MÁU NÃO CŨ

CÓ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN

Nguyễn Văn Hoàn1, Nguyễn Thanh Hải 1, Dương Đình Chỉnh2 

                                                                       1Bệnh viện Nội tiết Nghệ An; 2Bệnh viện HNĐK Nghệ An

ABSTRACT

Research about the relationship between HbA1c value and dyslipidemia in diabetes mellitus type 2 patients suffering from old ischemic stroke treated at Nghe An Endocrinology Hospital

Objective: Investigate the relationship between HbA1c and dyslipidemia in patients had ischemic stroke due to diabetes mellitus type 2. Objects and methods: 184 patients, being diagnosed with diabetes mellitus type 2, suffered from ischemic stroke who was first treated inpatiently at Nghe An Endocrinology Hospital. A descriptive cross-sectional study. Results: The mean age was 58 ± 12, 56% patients were male and 44% were female, obesity accounted for 80.9%, hypertension accounted for 71.9%. Common clinical symptoms are symptoms of diabetes and ischemic stroke, mean blood glucose was 18.5 ± 7.2 mmol/l, the average value of HbA1c was 12.15 ± 2.78%, hypercholesterolemia 66,8%, hypertriglyceridemia accounted for 68.5%, 45.6% had high LDL-c value. There was a positive correlation between Cholesterol, Triglycerid, LDL-c levels and HbA1c value. Conclusion: Dyslipidemia was seen commonly in patients with diabetes mellitus type 2 .These combined disorders are potential causes of ischemic stroke.

Keywords: diabetes mellitus, dyslipidemia, ischemic stroke.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Tìm hiểu mối liến quan giữa HbA1c với các rối loạn lipid máu trên bệnh nhân nhồi máu não do đái tháo đường týp 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đối tượng gồm 184 bệnh nhân được chuẩn đoán đái tháo đường đã bị nhồi máu não điều trị nội trú lần đầu tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Tuổi trung bình 58 ± 12, nam 56% và nữ 44%, béo phì 80,9%, tăng huyết áp 71,9%. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là triệu chứng của đái tháo đường và nhồi máu não, glucose máu trung bình 18,5 ± 7,2 mmol/l, HbA1c trung bình 12,15 ± 2,78%, tăng Cholesterol 66,8% , tăng Triglicerid 68,5%, tăng LDL-c 45,6%. Có mối tương quan thuận giữa Cholesterol, Triglicerid, LDL-c với HbA1c. Kết luận: Rối loạn các thành phần Lipid máu thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Các rối loạn kết hợp này là nguyên nhân tiềm tàng gây đột quỵ nhồi máu não

Từ khóaĐái tháo đường , rối loạn lipid máu, nhồi máu não.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Văn Hoàn

Ngày nhận bài: 1/10/2017

Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017

Ngày duyệt bài: 07/11/2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đột quỵ não hiện đang là vấn đề thời sự nóng hổi trong y học, là bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh tim mạch và ung thư; nếu người bệnh sống sót cũng sẽ để lại tàn phế nặng nề; là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó  nguy cơ mắc đột quỵ não ở người bị bệnh đái tháo đường cao gấp 2 đến 4 lần so với người bình thường [1], [4].

Mạch máu bị tổn thương là điều kiện hình thành cục máu đông từ đó gây tắc mạch não, dẫn đến nhồi máu não. Đó là lý do vì sao bệnh nhân đái tháo đường lại có nguy cơ đột quỵ não cao. Mặt khác, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều kèm theo tăng Cholesterol trong máu, làm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch. hẹp lòng mạch hoặc tắc hoàn toàn tăng lên, đây chính là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân đái tháo đường dễ bị đột quỵ não. Bởi vậy việc kiểm soát, dự phòng các yếu tố gây đột quỵ như Cholesterol, huyết áp, đường huyết… là hết sức quan trọng và đặc biệt đối với những người bị đái tháo đường [4], [8].

Để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường và dự phòng các các biến chứng mạch máu não, chúng tôi tiến hành nghiên cứu mối liên quan giữa HbA1C với rối loạn lipid trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới được chẩn đoán đã có nhồi  máu não vào điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Đối tượng

Những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới được chẩn đoán và điều trị nội trú lần đầu tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An có biến chứng nhồi máu não từ tháng 01năm 2014 – tháng 06 năm 2015

  Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

–   Bệnh nhân được chuẩn đoán đái tháo đường týp 2 dựa theo tiêu chuẩn ADA 2012

–   Bệnh nhân được chuẩn đoán nhồi máu não theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới( 1990), đã có phim chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh nhồi máu não.

–   Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ

–  Bệnh nhân đái tháo đường týp 1.

–  Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

–  Bệnh nhân bị các bệnh nội tiết khác ảnh hưởng đến chuyển hóa đường và mỡ máu như: Basedow, hội chứng Cushing, Suy giáp, suy thượng thận…

–  Bệnh nhân liên quan đến dinh dưỡng kém như: đái tháo đường  do xơ, sỏi tụy, thiếu Protein…

–   Bệnh nhân có các bệnh về máu.

–   Bệnh nhân suy tim, suy gan. Xơ gan, nghiện rượu….

  1. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang.
  2. Các chỉ tiêu nghiên cứu:

–   Đặc điểm chung

–   Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

–   Mối tương quan giữa HbA1c và các thông số lipid máu.

  1. Một số tiêu chuẩn sử dụng trong nghiên cứu:

–  Chẩn đoán đái tháo đường týp 2:

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2012.

  –  Phân loại BMI theo tiêu chẩn IDF năm 2005 cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương: Gầy: BMI  <  18,5; Bình thường: 18,5 ≤  BMI  ≤  22,9; Thừa cân, béo phì: BMI  ≥  23.

–  Chẩn đoán tăng huyết áp: Theo tiêu chuẩn JNC VI.

–  Chẩn đoán nhồi máu não: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (1990), chụp cắt lớp vi tính sọ não.

–  Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lipid máu theo khuyến cáo Hội Tim mạch Việt Nam 2006:

–  Xác định mức độ tương quan như sau: (Tương quan thuận: r có giá trị (+); tương quan nghịch: r có giá trị (-);  Tương quan yếu: r < 0,3; Tương quan mức trung bình: 0,3 ≤  r < 0,5; Tương quan chặt chẽ: 0,5 ≤  r < 0,7; Tương quan rất chặt chẽ: r  ≥ 0,7

5. Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý và phân tích bằng chương trình phần mềm STATA 12.0.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1.Đặc điểm chung

Bảng 1. Đặc điểm chung tuổi và giới

Nhận xét: Tuổi trung bình 58 ± 12( tuổi thấp nhất là 40, cao nhất là 90). Trong đó nam (n = 103) chiếm 56%, nữ(n = 81) chiếm 44%.      

Bảng 2. Tỷ lệ thừa cân – béo phì (BMI)

Nhận xét:   BMI < 23 chiếm 19,1% ; BMI ≥ 23 chiếm 80,9%

Bảng 3. Tỷ lệ tăng huyết áp

Nhận xét:  Tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 71,7%.

2. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

Bảng 4. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp

  Nhận xét:  Lần lượt các triệu chứng lâm sàng gặp từ cao đến thấp: sụt cân: 94,5%; uống nhiều: 89,7%; tiểu nhiều: 88%; đau đầu: 88%; Tê bì chân tay: 66,3%; ăn nhiều: 65,6%; mắt nhìn mờ: 39,1%; Liệt nhẹ 1/2 người: 8,2%.

Bảng 5. Glucose máu lúc đói

Nhận xét: Trung bình 18,5 ± 7,2 mmol/l (thấp nhất 12,5mmol/l, cao nhất 41,5 mmol/l)

Bảng 6. Tỷ lệ HbA1c

Nhận xét: Trung bình 12,15  ± 2,78 %( HbA1c  thấp nhất 7,2%, cao nhất 22.5%)

Bảng 7. Tỷ lệ rối  loạn lipid máu

Nhận xét: Tỷ lệ Cholesterol tăng chiếm 66,8%, tỷ lệ Triglycerid tăng chiếm 68,5%, tỷ lệ LDL-c tăng chiếm 45,6 %.

3.Tương quan giữa HbA1c với các thông số lipid

Bảng 8. Tương quan chung giữa HbA1c và các chỉ số lipid máu

                     Nhận xét: Có tương quan giữa Cholesterol, Triglicerid, LDL-c với HbA1c . Có tương quan nghịch nhẹ giữa HDL-c với HbA1c (r =- 0,21; p <0,05).

IV. BÀN LUẬN

1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

–  Về tuổi và giới: Nghiên cứu 184 đối tượng bị đái tháo đường typ 2 có tiền sử bị nhồi máu não vào điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho thấy tuổi trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 58 ± 12 tuổi. Nhóm đối tượng nghiên cứu chủ yếu ở độ tuổi 40 – 69. Đây cũng là nhóm tuổi thường gặp nhất ở đái tháo đường týp 2. Tỷ lệ nam cao hơn nữ( 56 %và 44 %). Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nguy cơ gây đột quỵ não ở phụ nữ cao hơn nam giới, nhưng trong thực tế nam giới lại mắc đột quỵ nhiều hơn nữ giới. Điều này lý giải là do trong cuộc sống nam giới thường có sự tác động của nhiều yếu tố nguy cơ xẩy ra đồng thời [4], [5], [7].

   Về béo phì: Tỷ lệ bệnh nhân béo phì chiếm 80,9 %. Mối liên quan giữa béo phì và đột quỵ não thường bị nhiễu bởi nhiều yếu tố nguy cơ khác đi kèm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ít vận động thể lực.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho nhiều ý kiến trái ngược nhau, có nghiên cứu cho rằng báo phì là yếu tố nguy cơ gây ra tất cả các thể đột quỵ [5], có nghiên cứu lại thấy béo phì không phải là yếu tố nguy cơ trực tiếp gây ra đột quỵ não mà có lẽ thông qua các bệnh lý tim mạch [8].

–    Về tăng huyết áp: Trong nghiên cứu của chúng tôi có 132 bệnh nhân (71,7%) có tăng  huyết áp, huyết áp trung bình tâm thu 128 ± 20 mmHg, tâm trương 78 ± 12mmHg. Tăng huyết áp lâu dài gây tổn thương thành mạch, hình thành các mảng xơ vữa, tạo huyết khối tắc mạch gây nên nhồi máu não.

Tăng huyết áp, xơ vữa mạch và đái tháo đường có liên quan chặt chẽ với nhau; nên chỉ có tăng huyết áp đơn thuần mà thành mạch còn tốt thì nguy cơ đột quỵ rất thấp, nhưng nếu kết hợp cả ba yếu tố trên thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp 7 lần [6].

2. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

–  Về các triệu chứng lâm sàng: Nổi trội là các triệu chứng của đái tháo đường và các triệu chứng của nhồi máu não. Lần lượt các triệu chứng lâm sàng gặp từ cao đến thấp: sụt cân: 94,5%; uống nhiều: 89,7%; tiểu nhiều: 88%; đau đầu: 88%; Tê bì chân tay: 66,3%; ăn nhiều: 65,6%; mắt nhìn mờ: 39,1%. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Hoàng Lê Anh Dũng [2],  Nguyễn Thị Kim Lương [3]. Điểm khác biệt là tỷ lệ liệt 1/2 người của chúng tôi chỉ có 8,2 %, thấp hơn nhiều so với các nghiên cứu khác. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do chúng tôi đánh giá mức độ liệt của bệnh nhân ở giai đoạn đã ổn định. Nhiều nghiên cứu thấy có sự khác biệt về tình trạng khiếm khuyết vận động tại thời điểm vào viện, thời điểm ra viện và thời điểm sau đột quỵ một năm [4], [5].

Glucose máu đói: Glucose máu lúc đói trung bình là 18,5 ± 7,2. Mức Glucose này rất cao gần gấp 3 lần so với tiêu chuẩn chẩn đoán. Cao hơn nghiên cứu của Hoàng Lê Anh Dũng và cộng sự (15,2 ± 5,68) [2], Tạ Văn Bình (12,3 ± 4,8 ) [1], vì nghiên cứu của chúng tôi ở các đối tượng bị đái tháo đường không phát hiện được dẫn đến biến chứng nhồi máu não.

–   Về  HbA1c : HbA1c trung bình là 12,15  ± 2,78 . Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Hoàng Lê Anh Dũng và cộng sự (11,02 ± 3,07) [2]. Liên quan giữa HbA1c và tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong nhồi máu não, nghiên cứu Krezias.P và cộng sự ( 2015) tiến hành trên 480 bệnh nhân ở một số trung tâm đột quỵ đưa ra kết luận: HbA1c càng cao thì tỷ lệ nhồi máu não và tỷ lệ tử vong do nhồi máu não càng cao [5].

Về rối loạn Lipid máu: Nghiên cứu ở 184 bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nhồi máu não, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ tăng Cholesterol trong máu  66,8%, Triglycerid  68,5%, LDL-c 45,6%. Rối loạn Lipid máu từ lâu được coi là yếu tố nguy cơ trong cơ chế bệnh sinh của xơ vữa mạch, gần đây được xem là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của nhồi máu não. Một nghiên cứu mới đây cho thấy cứ 1mmol/l Cholesterol tăng thì nguy cơ nhồi máu não tăng 25% ở bệnh nhân tiểu đường [6]. Một nghiên cứu khác tìm hiểu mối liên quan giữa Triglycerid và nhồi máu não trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 kết luận: nồng độ Triglycerid có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhồi máu não ở bệnh nhân tiểu đường [7]. Vì vậy đây là một rối loạn chuyển hóa cần được kiểm soát tốt để giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch vành, mạch não ở bệnh nhân đái tháo đường.

3. Tương quan giữa nồng độ các thành phần Lipid máu với HbA1c

Ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng Glucose máu thường song hành với rối loạn Lipid máu, vì vậy khi kiếm soát Glucose máu tốt thì sẽ cải thiện được rối loạn Lipid máu, vì vậy sẽ giảm được nhiều nguy cơ biến chứng tim mạch. Trong nghiên cứu này chúng tôi nhận thấy có mối tương quan giữa tăng nồng độ đường trong máu (HbA1c) và tình trạng tăng các thành phần Lipid máu, cụ thể: Có sự tương quan thuận khá chặt giữa Cholesterol, Triglycerid và LDL-c với HbA1c (r = 0,58; r=0,66 và r=0,59; với p < 0,001); Có tương quan nghịch giữa HDL-c với HbA1c ( r = – 0,21 ; p < 0,05). Kết quả này đã cho phép chúng ta nghĩ đến cả tăng Glucose và tăng các thành phần Lipid trong máu là các yếu tố nguy cơ dẫn đến gây nhồi máu não ở các bệnh nhân này. Một nghiên cứu mới nhất trong năm 2015 tiến hành trên nhiều bệnh viện ở Châu âu tìm hiểu mối liên quan giữa HbA1c và các thành phần Lipid máu trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã khẳng định:  HbA1c ≥ 6% thì tỷ lệ có tăng mỡ máu cao hơn so với HbA1c < 6% [6].  Kết quả này cũng phù hợp với nhận xét của nhiều tác giả khác về rối loạn chuyển hóa Lipid máu trong đái tháo đường týp 2: rối loạn chuyển hóa Lipid máu là thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và thường rối loạn kết hợp. Vì vậy cần định kỳ kiểm tra đánh giá sự biến đổi nồng độ của các yếu tố này, sẽ giúp cho việc phát hiện sớm những rối loạn Lipid máu, nó có ý nghĩa quan trọng trong công tác dự phòng các biến chúng [4],[6].

Mục tiêu điều trị đái tháo đường  là cần kiểm soát đường máu và các thành phần lipid máu tốt để hạn chế các biến chứng tim mạch. Theo Adult Treatment Pannel III of the National Cholesterol Education Program khuyến cáo: đái tháo đường  và  tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu là những nhóm nguy cơ cao của bệnh tim mạch và có liên quan đến sự kiểm soát đường huyết.

Theo American College of Physicians (2007), bệnh nhân đái tháo đường  trên 80% bất thường về Lipid máu, những bất thường này làm tăng yếu tố nguy cơ tim mạch.

Các nghiên cứu đều nhận thấy rối loạn Lipid máu trở nên trầm trọng hơn ở bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát đường máu tốt.

Bên cạnh đó các yếu tố như thói quen ăn nhiều, ít vận động, tăng huyết áp, tăng đường huyết kéo dài cũng làm tăng nguy cơ kháng Insulin, làm tăng mức độ rối loạn Lipid máu. Đây là vòng xoắn bệnh lý ở bệnh nhân đái tháo đường, nếu không điều trị kịp thời thì sẽ gây nhiều biến chứng cho bệnh nhân [1], [4].

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 184 bệnh nhân  đái tháo đường týp 2 bị nhồi máu não điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An chúng tôi rút ra kết luận sau:

– Tuổi trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 58 ± 12 tuổi, nam 56% và nữ  44%, béo phì 80,9%, tăng huyết áp 71,7%.

– Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là các triệu chứng của đái tháo đường và nhồi máu não. Glucose máu lúc đói trung bình: 18,5 ± 7,2, HbA1c trung bình 12,15  ± 2.78, tỷ lệ rối loạn Lipid máu ở các đối tượng khá cao: 66,8% tăng Cholesterol; 68,5% tăngTriglycerid và 45,6% tăng LDL-c.

– Có mối tương quan thuận khá chặt giữa  Cholesterol, Triglicerid, LDL-c với HbA1c lần lượt là (r = 0,58); ( r = 0,66 ; ); ( r = 0,59); Mối  ương quan nghịch giữa HDL-c máu với HbA1c ( r = – 0,21 ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2006) , Các nghiên cứu về đái tháo đường ở Việt Nam, bệnh ĐTĐ – tăng glucose máu, NXB Y học, Hà nội, tr. 50 – 69.
  2. Hoàng Lê Anh Dũng và trần Hữu Dàng (2010), “Đánh giá đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân ĐTĐ mới phát hiện tại BV Trung Ương Huế”. Tạp chí Nội khoa, 4, tr 321 – 328
  3. Nguyễn Thị Kim Lương, Thái Hồng Quang (2000), “Bệnh mạch máu và rối loạn chuyển hoá lipid ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2” , kỷ yếu công trình Nội tiết và các rối loạn chuyển hoá, tr 411 – 417.
  4. Hoàng Khánh (2009), Tai biến mạch máu não: Từ yếu tố nguy cơ đến dự phòng, NXB Đại học Huế.
  5. Krezias P. (2015), “The relation between haemoglobin a1c (HbA1c) levels and mortality in patients with stroke”, Journal of Hypertension, PP.LB03.14, doi: 10.1097/0 (hjh) 0000469032.29814.42
  6. Sharma R. et al (2015), “A Correlation between Glycosylated Haemoglobin & Lipid Profile in Type-2 Diabetes Mellitus with & without Complications”, International Journal of Contemporary Medicine, vol. 3(2), p. 115-220.
  7. Shin DW. et al (2015), “Association between Hypertriglyceridemia and Lacunar Infarction in Type 2 Diabetes Mellitus”, Journal of Stroke and Cerebrovascular Diseases, Vol 24. pii: S1052-3057(15)00223-2.
  8. Spijkerman A.M.W. et al (2003), “Microvascular Complications at Time of Diagnosis of Type 2 Diabetes Are Similar Among Diabetic patients Detected by Targeted Screening and Patients Newly Diagnosed In General Practice”, Diabetes Care, vol. 26(9), p. 2604 – 2608.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …