Nghiên cứu tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại bệnh viện nội tiết Nghệ An

NGHIÊN CỨU TÌNH TRẠNG RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ TÝP II ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN

Phan Thế Dũng*, Lê Thị Giang*, Đào Thị Thuận Yến**

ABSTRACT

Research on the status of erectile dysfunction in patients with type II diabetes treated at Nghe An Hospital of Endocrinology

Objective: To determine the prevalence of erectile dysfunction, comment the link between erectile dysfunction with a number of risk factors and complications of type II diabetes. Subjects and Methods Study: Includes 200 male patients aged<60 with type II diabetes whowere examined and treated at Nghe An Hospital of Endocrinology from 1/2015 to 10/2015. The patients were interviewed and rated disorder erectile function according to the transcript IIEF. 1-10 points: severe erectile dysfunction, from 11-16: average erectile dysfunction; from 17-25: slight erectile dysfunction; from 26-30: No erectile dysfunction. Results: The proportion of erectile dysfunction in type 2 diabetes patients in Nghe AnHospital of Endocrinology was 58.5% (slight erectile dysfunction had the highest proportion of 41.5%, average erectile dysfunction with the rate of 34.5%, severe and normal erectile dysfunction accounted for 12%). There is a link between RLC with patient’s age, time of diagnosis, HbA1C, testosterone, diabetic complications such as hypertension, peripheral nerve complications. There is no link between RLC with a number of factors: BMI, renal complications.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Xác định tỉ lệ rối loạn cương dương, nhận xét mối liên quan giữa rối loạn cương dương với một số yếu tố nguy cơ và biến chứng của bệnh đái tháo đường týp II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Bao gồm 200 các bệnh nhân là nam giới tuổi<60 bị ĐTĐ týp II đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2015. Các bệnh nhân được phỏng vấn đánh chức năng loạn cương theo bảng điểm IIEF. Điểm từ 1-10 : Rối loạn cương nặng, từ 11-16: Rối  loạn cương trung bình; từ 17-25 : Rối loạn cương nhẹ; từ 26-30 : Không rối loạn cương. Kết quả: Tỷ lệ RLC ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 tại bệnh viện Nội tiết Nghệ an là 58,5% ( RLCD nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất 41,5%, RLCD trung bình với tỷ lệ 34,5%, RLCD nặng và bình thường chiếm tỷ lệ 12%). Có sự liên quan giữa RLC với tuổi bệnh nhân, thời gian phát hiện bệnh, HbA1C, testosteron, biến chứng ĐTĐ như: THA, Biến chứng thần kinh ngoại vi. Không có sự liên quan giữa RLC với một số yếu tố: BMI, biến chứng thận.

Chịu trách nhiệm chính: Phan Thế Dũng

Ngày nhận bài: 1/10/2017

Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017

Ngày duyệt bài: 07/11/2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm như: bệnh mắt ĐTĐ, tổn thương thận, tổn thương thần kinh, bệnh mạch máu ngoại vi… Bên cạnh đó thì có những biến chứng mạn tính tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng gây ra những ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý cũng như chất lượng sống và hạnh phúc gia đình của người bệnh. Một trong những biến chứng thường gặp đó là rối loạn cương dương (RLCD) ở nam giới bị ĐTĐ. Ở nước ta hiện vấn đề này vẫn chưa được thực sự quan tâm đúng mức so với tỉ lệ hiện mắc đang có xu hướng gia tăng, một phần bởi chính các nhà lâm sàng, các nhà tâm lý học cũng như tâm lý né tránh của chính người bệnh. Tại Nghệ an tỷ lệ đái tháo đường ngày càng tăng, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy công trình nào nghiên cứu về RLC.

Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu nhằm xác định tỉ lệ rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường týp II điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ an và nhận xét mối liên quan giữa rối loạn cương dương với một số yếu tố nguy cơ và biến chứng của bệnh đái tháo đường.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Đối tượng nghiên cứu

Các bệnh nhân là nam giới, dưới 60 tuổi có gia đình bị ĐTĐ týp II đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2015.

* Tiêu chuẩn loại trừ

– Bệnh nhân nữ

– Bệnh nhân nam, ĐTĐ týp II hiện đang mắc các bệnh cấp tính, ung thư…,

– Bệnh nhân nam trên 60 tuổi hoặc những bệnh nhân chưa có gia đình

– Tiền sử mắc các bệnh tâm thần

– Bệnh nhân không hợp tác hoặc từ chối phỏng vấn.

– Bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị: rối loạn tâm thần, thuốc giải lo âu, an thần, thuốc lợi tiểu, chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men MAO.

– Bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị RLC.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng thang điểm IIEF đánh giá 5 lĩnh vực trong đời sống tình dục nam giới và phân loại RLCD theo thang chia điểm như sau:

– Từ 1 – 10: Rối loạn cương nặng

– Từ 11- 16: Rối loạn cương trung bình

– Từ 17- 25: Rối loạn cương nhẹ

– Từ 26- 30: Không rối loạn cương

Cỡ mẫu được tính theo công thức tính cỡ mẫu mô tả

Với độ tin cậy 95% trong đó:

n: Cỡ mẫu nghiên cứu cần có

Z21-a/2             : Giá trị thu được từ bảng = 1,96 với độ tin cậy 95%.

P: Là tỷ lệ bệnh thu được từ những nghiên cứu trước. Chọn ( P= 65%).

ε : Khoảng sai lệch mong muốn giữa tỉ lệ RLC từ nghiên cứu so với nghiên cứu trước. Chọn (ε = 0.1).

Qua công thức trên ta tính được n = 200

Xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê y học SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm về tuổi và thời gian bệnh

Bảng 1. Đặc điểm về tuổi và thời gian bệnh

Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên 200 đối tượng nghiên cứu, tuổi trung bình là 49,9±6,5. Kết quả này tương tự kết quả của tác giả Vũ Ngọc Linh với độ tuổi trung bình là 50,56±6,69 [4].  Thời gian phát hiện bệnh chủ yếu là dưới 5 năm, trong đó chiếm cao nhất là thời gian bệnh từ 1-5 năm chiếm tỷ lệ 49%, nhóm trên 5 năm chỉ chiếm tỷ lệ 14,5%.

Đặc điểm về chỉ số khối cơ thể(BMI)

Bảng 2. Đặc điểm về chỉ số khối cơ thể

Nhóm bệnh nhân có BMI bình thường (18,5 – 23) chiếm tỷ lệ cao nhất (48,5%), nhóm quá cân >23 chiếm tỷ lệ 37,5%, trong khi nhóm thể trạng gầy chỉ chiếm tỷ lệ thấp (14%). BMI trung bình của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 22,99 ± 3,18.

Đặc điểm về biến chứng bệnh

Biểu đồ 1. Đặc điểm về biến chứng bệnh

Nhận xét: Các biến chứng hay gặp chủ yếu là biến chứng thần kinh ngoại vi (24,5%) và THA (21,5%). Biến chứng suy thận chỉ chiếm 3,5%.

Đặc điểm kiểm soát đường huyết

Biểu đồ 2. Đặc điểm về đường huyết lúc đói (A) và chỉ số HbA1c (B)

Đường huyết trung bình là 11,25±6,24 không đạt mục tiêu điều trị, tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát đường huyết không đạt mục tiêu chiếm tỷ lệ khá cao với 73,5%.

Nồng độ HbA1C trung bình của nhóm nghiên cứu là 7,74±1,75 trong đó nhóm có HbA1C không đat mục tiêu là  57,5%.

Đặc điểm nồng độ testosterol

Bảng 3. Đặc điểm về testosterol

Nhận xét: Nồng độ testosteron trung bình của nhóm nghiên cứu giảm. Tỷ lệ số bệnh nhân có testosteron giảm chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ 44,5%. Có 14 trường hợp có nồng độ testosteron tăng chiếm tỷ lệ 7%.

Đặc điểm về rối loạn cương dương và các yếu tố liên quan

Tỷ lệ rối loạn cương và các mức độ rối loạn cương

Biểu đồ 3. Tỷ lệ rối loạn cương (A) và mức độ rối loạn cương (B)

Tỷ lệ bệnh nhân có RLC là 58,5%, tương đương nghiên cứu của Vũ Ngọc Linh và cs (2010) với tỷ lệ RLC là 54,7% [4]. Tỷ lệ nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiên cứu: Nghiên cứu của Phạm Nam Việt và c.s (2009) trên 150 bệnh nhân ĐTĐ typ2 tỷ lệ RLC là 65,3% [5]; Nhưng tỷ lệ của chúng tôi lại cao hơn so với nghiên cứu của G.N.Thomas (2005)[6] là 24,5%; Có sự khác nhau này theo chúng tôi do thiết kế nghiên cứu của các tác giả khác nhau và tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân khác nhau. Ngoài ra yếu tố chủng tộc và chất lượng điều trị bệnh đái tháo đường týp2 ở các quốc gia, các cơ sở chữa bệnh khác nhau cũng ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ RLC.

Nhìn chung của RLC trên những bệnh nhân ĐTĐ nói chung và ĐTĐ typ2 nói riêng dao động từ 20 – 71%[5].

Về mức độ cương, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ RLC nhẹ gặp nhiều nhất với tỷ lệ 41,5%, RLC nặng chiếm tỷ lệ 12%.

Liên quan giữa RLC và tuổi của người bệnh

Bảng 4. Liên quan giữa RLC và tuổI

Tuổi trung bình giữa các nhóm mức độ RLC trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt: trong đó tuổi trung bình của nhóm không RLC là 47,18±6,9, của nhóm RLC nhẹ là 50,42±5,85, của nhóm RLC trung bình là 50,46±6,26 và của nhóm RLC nặng là 53,88±3,56. Như vậy tuổi trung bình tăng dần theo mức độ RLC, tuổi trung bình càng cao thì mức độ nặng của RLC càng tăng, sự khác biệt là có ý nghĩa với (p<0,05).

Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với đa số các nghiên cứu khác như: Vũ Ngọc Linh [4], Phạm N.Việt và c.s(2009)[5], N.H.Cho và c.s(2005)[7], Ofra K L và c.s (2005) [8], tuổi trung bình tăng với mức độ nặng của RLC.

Liên quan giữa RLC và thời gian phát bệnh

Biểu đồ 4. Liên quan giữa RLC và thời gian bệnh

Bảng 5. Liên quan giữa thời gian bệnh và mức độ cương

Thời gian phát hiện bệnh trung bình giữa hai nhóm RLC và không RLC trong nghiên cứu của chúng tôi lần lượt là 3,8 ± 3,51 năm và 2,55 ± 2,1 năm với (p<0,01). Kết quả trên cho thấy ở nhóm RLC thời gian phát hiện bệnh trung bình lâu hơn so với nhóm không RLC, sự khác biệt này trong nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả khác: G.N.Thomas (2005) thời gian phát hiện bệnh trung bình trong nhóm RLC là 7,4 ± 5,7 năm và nhóm không RLC là 5,1 ± 5,3 năm [6][69].

Tương tự khi so sánh về thời gian phát hiện bệnh trung bình giữa các mức độ RLC, trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì thời gian phát hiện bệnh trung bình tăng dần theo các mức độ RLC và có ý nghĩa với (p<0,01). Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp khi so sánh với các tác giả : Vũ Ngọc Linh và cs[4], N.H.Cho và cs (2005)[7].

Liên quan giữa RLC và HbA1c

Bảng 6. Liên quan giữa RLC và HbA1C


Biểu đồ 5.
Liên quan giữa mức độ RLC và HbA1C 

Nồng độ HbA1C trung bình trong nhóm RLC là 8,27 ± 1,89 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không RLC là 6,99 ± 1,18 với (p<0,05). Liên quan giữa tỷ lệ RLC giữa nhóm HbA1C đạt mục tiêu (<7%) và nhóm không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết (>7%) chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt rất rõ ràng: Nhóm bệnh nhân kiểm soát không đạt mục tiêu tỷ lệ RLC cao hơn nhóm đạt mục tiêu và có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

Trong nghiên cứu của Adel Al-Hunayan và c.s (2006)[9], tác giả cũng đưa ra kết quả nghiên cứu về mối liên quan chặt chẽ giữa RLC và nồng độ HbA1C khi so sánh nhóm kiểm soát HbA1C>8,1% so với nhóm <8% kết quả (OR-95%CI: 2,99 – p<0,05).

Liên quan giữa RLC và Glucose lúc đói

Bảng 7. Liên quan giữa RLC và Glucose lúc đói

Nhận xét: Không có sự khác biệt về Glucose lúc đói giữa nhóm RLC và nhóm không RLC.

Bảng 8. Liên quan giữa RLC và chỉ số khối cơ thể

Liên quan giữa RLC với kiểm soát BMI chúng tôi nhận thấy không có sự liên quan giữa tình trạng RLC và BMI. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với kết quả của tác giả Vũ Ngọc Linh và cs[4].

Tuy nhiên một số tác giả khác lại nhận thấy có sự liên quan giữa tình trạng RLC và BMI: Adel Al-Hunayan và c.s (2006)[9], tác giả đưa ra kết luận có mối liên quan giữa các mức độ kiểm soát BMI và RLC khi so sánh nhóm BMI (>25) và nhóm BMI (18,5 – 25) với kết quả (OR-95%CI: 2,43 – p<0,05), khi phân tích đa biến để xác định yếu tố nguy cơ đối với RLC thì tác giả cũng nhận thấy BMI cũng là một trong những yếu tố nguy cơ đối với RLC.

Có sự khác biệt trên có lẽ một phần do việc chọn cỡ mẫu trong các nghiên cứu là khác nhau, mặt khác có thể là do sự khác biệt trong phân chia nhóm kiểm soát BMI giữa các nghiên cứu của các tác giả châu Âu so với các tác giả châu Á.

Liên quan giữa RLC với biến chứng ĐTĐ

Bảng 9. Liên quan giữa RLC và một số biến chứng ĐTĐ týp2

Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có sự liên quan giữa tình trạng RLC và một số biến chứng của bệnh ĐTĐ như THA và biến chứng TKNV. Tỷ lệ RLC gặp nhiều hơn và có ý nghĩa thống kê giữa nhóm có biến chứng và không có biến chứng THA và TKNV (p < 0,05).

Tuy nhiên không có sự khác biệt tỷ lệ RLC giữa nhóm có biến chứng thận và không có biến chứng thận (p> 0,05).

Liên quan giữa RLC và nồng độ testosterol

Biểu đồ 6. Liên quan giữa RLC và testosterol

Bảng 10. Liên quan mức độ RLC và testosterol

Chúng tôi định lượng được nồng độ testosteorn ở 126 đối tượng bệnh nhân nghiên  cứu. Khi so sánh nồng độ testosteron trung bình giữa nhóm rối RLC và nhóm không RLC chúng tôi nhận nồng độ testosteron trung bình của nhóm RLC thấp hơn (10,55) ở nhóm không RLC (13,68), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).

Khi đánh giá về sự liên quan giữa mức độ RLC và nồng độ testosteron chúng tôi cũng nhận thấy có sự liên quan giữa mức độ cương và nồng độ testosteron (p < 0,05): Nồng độ testosteron càng thấp thì mức độ RLC càng nặng. Kết quả này phù hợp với sinh lý của tình trạng RLC.

IV. KẾT LUẬN

  1. Tỷ lệ RLC ở bệnh nhân ĐTĐ týp2 điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ an

Tỷ lệ RLC ở bệnh nhân ĐTĐ týp2 tại bệnh viện Nội tiết Nghệ an là 58,5% trong đó:

– RLCD nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất 41,5%

– RLCD trung bình với tỷ lệ 34,5%.

– RLCD nặng và bình thường chiếm tỷ lệ 12%.

  1. Liên quan giữa RLC với một số yếu tố liên quan

* Có sự liên quan giữa RLC với một số yếu tố:

– Tuổi bệnh nhân.

– Thời gian phát hiện bệnh.

– HbA1C

– Testosteron

– Biến chứng ĐTĐ như: THA, Biến chứng thần kinh ngoại vi.

* Không có sự liến quan giữa RLC với một số yếu tố:

– BMI.

– Biến chứng thận

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. IDF (International Diabetes Federation) (2010), IDF report.
  2. Moore, C.R. and R. Wang, Pathophysiology and treatment of diabetic erectile dysfunction. (1008-682X (Print)).
  3. Feldman, H.A., et al., Impotence and its medical and psychosocial correlates: results of the Massachusetts Male Aging Study. (0022-5347 (Print)).
  4. Vũ Ngọc Linh, Nghiên cứu tình trạng rối loạn cương ở bệnh nhân đái tháo đường typ2 ngoại trú tại bệnh viện Bạch Mai. 2010, Đại học y Hà nội.
  5. Phạm Nam Việt, Phó Minh Tín, and cs, Khảo sát tần suất rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường type2. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 2009: p. 15 – 20.
  6. Thomas, G.N., et al., Association of erectile dysfunction with cardiovascular risk factors and increasing existing vascular disease in male chinese type 2 diabetic patients. (0149-5992 (Print)).
  7. Cho, N.H., et al., Prevalence of erectile dysfunction in Korean men with Type 2 diabetes mellitus. (0742-3071 (Print)).
  8. Kalter-Leibovici, O., et al., Clinical, socioeconomic, and lifestyle parameters associated with erectile dysfunction among diabetic men. (0149-5992 (Print)).
  9. Al-Hunayan, A., et al., The prevalence and predictors of erectile dysfunction in men with newly diagnosed with type 2 diabetes mellitus. (1464-4096 (Print)).
  10. Yamasaki, H., et al., Prevalence and risk factors of erectile dysfunction in Japanese men with type 2 diabetes. (0168-8227 (Print)).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …