Nghiên cứu nồng độ testosterone huyết thanh và các yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân nam đái tháo đường type 2

NGHIÊN CỨU NỒNG ĐỘ TESTOSTERONE HUYẾT THANH VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ TIM MẠCH Ở BỆNH NHÂN NAM ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2

BSCK II Lê Thị Giới* ,TS Lê Văn Chi** 

*BV C Đà Nẵng, **BM Nội trường ĐH Y Dược Huế

ABSTRACT

Serum testosterone and cardiovascular risk factors in male patient with type 2 diabetes

Reduction of serum testosterone level is often seen and associated with cardiovascular risks in men with type 2 diabetes.Objectives: to evaluate the relationship between serum testosterone level with cardiovascular risk factors.Subjets and Method: a cross sectional study was carried out in 103 male patients with type 2 diabetes from Apr 2014 to Jun 2015 at C Đà Nẵng Hospital. Serum testosterone level and cardiovascular risk factors including age, duration of diabetes, BMI, waist circumference (WC), blood pressure, fasting blood glucose, HbA1c, lipidemia, IMT…) were assessed.Results: Serum testosterone level in men with type 2 diabetes was 497.68 ± 197.85 ng/dl. There was a significantly negative correlation between serum testosterone level with age
(r= – 0.203, p < 0.05), duration of diabetes (r = – 0.32, p < 0.01), HbA1c (r = – 0.214, p < 0.05), WC (r = – 0.237, p < 0.05), BMI (r = – 0.262, p<0.01), and mean IMT (r= -0.377, p<0.001). No significant relationship between serum testosterone concentration with lipidemia was found.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Thị Giới

Ngày nhận bài: 12.11.2016

Ngày phản biện khoa học: 25.11.2016

Ngày duyệt bài: 1.12.2016

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Testosterone là hormone sinh dục quan trọng chủ yếu, được bài tiết suốt cả cuộc đời của người nam giới. Testosterone thấp có liên quan đến ham muốn tình dục giảm sút, rối loạn chức năng cương dương, tăng khối lượng mỡ cơ thể, giảm khối cơ, xương, trầm cảm, và thiếu máu …. Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính không lây phổ biến nhất hiện nay. Đái tháo đường gây tổn thương về mạch máu nuôi dưỡng cơ quan sinh dục, tuyến nội tiết và tổn thương thần kinh tự động dẫn đến giảm bài tiết testosterone. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò của testosterone đối với bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường. Nồng độ testosterone tỉ lệ nghịch với các yếu tố nguy cơ tim mạch. Nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng hợp lý liệu pháp testosterone thay thế góp phần cải thiện chất lượng sống, cải thiện đề kháng insulin, kiểm soát glucose máu, kiểm soát cholesterol và béo phì nội tạng góp phần giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu nồng độ testosterone huyết thanh và các yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2” với mục tiêu: Khảo sát mối liên quan và tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với một số yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng 103 bệnh nhân là nam giới đã được chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc bệnh nhân mới chẩn đoán ĐTĐ týp 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường của ADA tháng 1.2014, khám và điều trị tại khoa Nội Tiết Bệnh viện C Đà Nẵng từ tháng 4.2014 đến tháng 6.2015.

2.1.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường của ADA 2014

2.1.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường týp 2

Chẩn đoán ĐTĐ týp 2 theo tiêu chuẩn của Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới 2005.

2.1.3. Tiêu chuẩn loại trừ

– Có tiền sử hoặc đang có bệnh về gan thận nặng.

– Đã được phẫu thuật tinh hoàn, tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn.

– Có bệnh lý ác tính như ung thư, bệnh hệ thống, lupus ban đỏ.

– Có bệnh nội tiết đi kèm như cường giáp, suy giáp, suy sinh dục, tăng prolactin máu, cường hoặc suy tuyến thượng thận.

– Dùng một số thuốc ảnh hưởng đến hormone sinh dục như các thuốc chống động kinh, cimetidin, thuốc chẹn alpha giao cảm, thuốc ức chế men 5-alpha reductase, các thuốc hormone sinh dục…

– Nghiện rượu.

– Không hợp tác nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang.

– Cỡ mẫu nghiên cứu: 103 bệnh nhân

– Nội dung nghiên cứu:  Khai thác đặc điểm tiền sử thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ, THA. Xác định các chỉ số nhân trắc, huyết áp. Định lượng các chỉ số glucose máu, HbA1C, bilan lipid máu. Định lượng nồng độ testosterone (ng/dl). Siêu âm doppler động mạch cảnh.

– Phương pháp xử lý số liệu:được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Nồng độ testosterone huyết thanh ở nam giới đái tháo đường týp 2

Bảng 3.1. Nồng độ testosterone huyết thanh của đối tượng nghiên cứu

Nồng độ testosterone huyết thanh trung bình là 497,68 ± 197,85 ng/dl.

3.2. Liên quan giữa nồng độ testosterone với các yếu tố nguy cơ tim mạch

3.2.1. Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với thời gian phát hiện bệnh đái tháo đường týp 2

Bảng 3.2. Nồng độ testosterone huyết thanh theo tgph ĐTĐ týp 2

Bệnh nhân ĐTĐ càng lâu thì nồng độ testosterone càng thấp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

3.2.2. Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với hút  thuốc lá

Bảng 3.3. Nồng độ testosterone huyết thanh trung bình với hút thuốc lá

3.2.3. Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với  huyết  áp 

Bảng 3.4. Nồng độ testosterone huyết thanh trung bình theo huyết áp

Nồng độ testosterone huyết thanh trong nhóm có THA thấp hơn so với nhóm không THA có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

3.2.4. Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với các chỉ số nhân trắc

Bảng 3.5. Trung bình nồng độ testosterone huyết thanh với vòng bụng

Nhóm bệnh nhân có VB ≥ 90 cm (béo phì dạng nam) nồng độ testosterone huyết thanh thấp hơn so với nhóm có VB < 90 cm, với p < 0,05.

Bảng 3.6. Nồng độ testosterone huyết thanh với chỉ số BMI

Bệnh nhân có BMI < 23 nồng độ testosterone cao hơn nhóm BMI ≥ 23.

3.2.5. Testosterone huyết thanh với mức độ kiểm soát glucose máu

Bảng 3.7. Nồng độ testosterone huyết thanh với HbA1c

Nồng độ trung bình testosterone trong nhóm có HbA1c ≥ 7 cao hơn so với nhóm có HbA1c < 7, tuy nhiên sự khác biệt này chưa nhiều.

3.2.6. Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với IMT động mạch cảnh

Bảng 3.8. Nồng độ testosterone huyết thanh theo IMT động mạch cảnh

Nồng độ testosterone trung bình trong nhóm có IMT động mạch cảnh chung bình thường cao hơn so với nhóm có dày IMT động mạch cảnh chung, với p < 0,05.

3.3. Tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với các yếu tố nguy cơ tim mạch

Bảng 3.9. Tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với các yếu tố nguy cơ tim mạch

Kết quả phân tích tương quan cho thấy: Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh  với tuổi, vòng bụng, HbA1c, BMI, IMT, thời gian phát hiện ĐTĐ, p < 0,05.

4. BÀN LUẬN

4.1. Nồng độ testosterone huyết thanh ở nam giới đái tháo đường týp 2

Trong bệnh ĐTĐ ở nam giới, tế bào kẽ của các ống sinh tinh, tế bào Leydig sẽ giảm sản xuất đồng thời các tế bào mần nguyên thủy của ống sinh tinh cũng giảm hay ngừng sự biệt hóa để tạo tinh trùng. Vì vậy, việc suy giảm chức năng của tinh hoàn gần như là tất nhiên và nồng độ testosterone huyết thanh sẽ giảm. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ testosterone huyết thanh trung bình ở nam giới ĐTĐ týp 2 là 497,68 ± 197,85 ng/dl. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bạch Oanh nồng độ testosterone huyết thanh trung bình là 4,65 ± 1,74 ng/ml.

4.2. Liên quan giữa nồng độ testosterone với các yếu tố nguy cơ
tim mạch

Nhiều nghiên cứu đối chứng cho thấy có liên quan giữa nồng độ testosterone thấp với THA. Điều trị testosterone làm giảm cả HA tâm thu và tâm trương. Giả thiết của Cohen về suy sinh dục – béo phì cho thấy nồng độ testosterone thấp là kết quả của các hoạt động thơm hóa (aromatase) dẫn đến gia tăng số tế bào mỡ và lắng đọng axit béo và dần dần dẫn đến giảm nồng độ testosterone. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nồng độ testosterone huyết thanh thấp hơn ở nhóm có kiểm soát glucose máu kém. Điều trị testosterone thay thế sẽ tăng việc tiếp nhận insulin, tế bào nhạy cảm với insulin nhiều hơn, giảm đề kháng insulin. Nghiên cứu về nồng độ testosterone huyết thanh thấp có liên quan đến độ dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh và testosterone có tác dụng lên sự phát triển của vữa xơ động mạch hay các biểu hiện lâm sàng của nó ở nam giới cũng được đề cập đến. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả có mối liên quan giữa nồng độ testosterone với HA, VB, BMI, IMT động mạch cảnh.

4.3. Tương quan giữa nồng độ testosterone với các yếu tố nguy cơ
tim mạch

–    Tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với tuổi: kết quả nghiên cứu của chúng tôi là có mối tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với tuổi (r = – 0,203, p < 0,05) và cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của Fukui (r = – 0,214, p <0,0001),của Shaheen (r = – 0,410, p < 0,0001).

–    Kết quả của chúng tôi là có tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ týp 2 (r = – 0,32, p = 0,001). Kết quả cũng tương tự với nghiên cứu của Shaheen (r = – 0,171, p = 0,0104).

–    Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có mối tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với VB (r = – 0,237, p < 0,05) và BMI (r = – 0,262, p < 0,01). Kết quả cũng tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Thị Bạch Oanh ( với VB (r = – 0,4242, p < 0,01), BMI (r = – 0,37, p < 0,01). Kapoor (2007) với VB (r = – 0,275, p < 0,001), BMI (r = – 0,247,p < 0,001). Hernandez-Mijares A (2010) với BMI (r = – 0,295, p < 0.001), VB (r = – 0,279, p < 0,001).

–    Nghiên cứu cho kết quả có tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với HbA1c (r = – 0,214, p = 0,03). Kết quả tương tự nghiên cứu của Shaheen và cộng sự (2014) nồng độ testosterone huyết thanh tương quan nghịch với HbA1c (r = – 0,119, p = 0,04). Vikan (2010) tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với HbA1c (r = – 0,19, p < 0,001).

–    Tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với IMT: là tương quan nghịch (r = – 0,377,
p = 0,00001). Kết quả tương tự với nghiên cứu của Farias và cộng sự (2014) tương quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với IMT (r = – 0,39, p < 0,0001). Nghiên cứu của Fukui (2003) tương quan giữa nồng độ testosterone tự do huyết thanh với IMT (r = – 0,206, p = 0,01).

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 103 bệnh nhân nam giới đái tháo đường týp 2 tại khoa Nội tiết Bệnh viện C Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 6/2015, chúng tôi có các kết luận sau:

– Nồng độ testosterone huyết thanh ở nam giới đái tháo đường týp 2 là 497,68 ± 197,85 ng/dl.

– Liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ testosterone huyết thanh với HA, VB, BMI, IMT.

– Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone huyết thanh với tuổi (r = – 0,203, p < 0,05), HbA1c (r = – 0,214, p < 0,05), VB (r = – 0,237, p < 0,05), BMI (r = – 0,262,
p < 0,01), thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ týp 2 (r = – 0,32, p < 0,01) và IMT động mạch cảnh (r = – 0,377, p < 0,001).

TÓM TẮT

Một trong những yếu tố liên quan đến ĐTĐ týp 2 ở nam giới là giảm nồng độ testosterone huyết thanh. Nồng độ testosterone huyết thanh liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch. Mục tiêu: Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ testosterone huyết thanh với một số yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 103 bệnh nhân nam giới ĐTĐ týp 2 trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 6/2015 tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Định lượng nồng độ testosterone huyết thanh và một số yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm tuổi, thời gian phát hiện ĐTĐ, BMI, VB, HA, glucose máu đói, HbA1c, lipid máu, IMT…). Kết quả: nồng độ testosterone huyết thanh ở nam giới đái tháo đường týp 2 là 497,68 ± 197,85 ng/dl. Có tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone với tuổi (r = – 0,203, p < 0,05), thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ týp 2 (r = – 0,32, p < 0,01), HbA1c (r = – 0,214, p < 0,05), VB (r = – 0,237, p < 0,05), BMI (r = – 0,262,
p < 0,01), và IMT động mạch cảnh
(r = – 0,377, p < 0,001). Không có mối tương quan giữa nồng độ testosterone với các thành phần lipid máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Đình Lựu (2012), “Vai trò của testosterone trong hội chứng chuyển hóa và trong bệnh đái tháo đường ở nam giới”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học hội nghị nội tiết và đái tháo đường toàn quốc lần thứ VI, tr. 340 – 345.
  2. Nguyễn Thị Bạch Oanh (2009), Nghiên cứu nồng độ testosterone huyết tương ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 nam giới có tổn thương động mạch vành, Luận án chuyên khoa cấp 2, Đại học Huế.
  3. Nguyễn Thị Bạch Oanh, Nguyễn Hải Thủy, Nguyễn Cửu Lợi (2012), “Nồng độ testosterone ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học hội nghị nội tiết và đái tháo đường toàn quốc lần thứ 4, tr. 317 – 323.
  4. Farias J.M., Tinetti M., Kohury M., Umpierrez G.E. (2014), “Low testosterone concentration and atherosclerotic disease markers in male patients with type 2 diabetes”, The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, 99 (12), pp. 4698 – 4703.
  5. Fukui M. et al (2003), “Asociation between serum testosterone concentration and carotid atherosclerosis in men with type 2 diabetes”, Diabetes Care, 26 (6), pp. 1869 – 1873.
  6. Hernandez-Mijares A., Garcia-Malpartida K., Sola-Izquierdo E. et al (2010), “Testosterone levels in males with type 2 diabetes and their relationship with cardiovascular risk factors and cardiovascular disease”, The Journal of Sexual Medicine, 7 (5), pp. 1954 – 1964.
  7. Shaheen D.A. et al (2014), “The Effect of Serum Free Testosterone Level on Glycemic Control and Atherosclerosis in Type 2 Diabetic Men”, Advances in Biochemistry, 2 (2), pp. 34 – 39.
  8. Soisson V. et al (2012), “Low plasma testosterone and elevated carotid intima-media thickness: importance of low grade inflammation in elderly men”, Atherosclerosis, 223, pp. 244 – 249.
  9. Svartberg J. et al (2006), “Low testosterone levels are associated with carotid atherosclerosis in men”, Journal of Internal Medicine, 259 (6), pp. 576 – 582.
  10. Vikan T., Schirmer H., Njølstad I., Svartberg J. (2010), “Low testosterone and sex hormone-binding globulin levels and high estradiol levels are independent predictors of type 2 diabetes in men”, European Journal of Endocrinology, 162, pp. 747 – 754.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …