NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH VI KHUẨN VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN
Nguyễn Văn Hoàn*, Phan Thế Dũng**, Nguyễn Văn Hồng***
Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An
ABSTRACT
Research on the bacteria and use of antibiotics in patients with diabetes treated at Nghe An hospital of endocrinology
Objective: Assessing the status of bacteria and the use of antibiotics in patients with diabetes suffering from infection who are treated in Nghe AnHospital of Endocrinology. Subjects and research methods: cross-sectional descriptive study of 32 patients with diabetes to infections from 01/2016 to 10/2016. Results: Group of skin and soft tissue infections in the study accounted for the highest proportion (59.4%), then sepsis (34.4%), pneumonia and urinary tract infections accounted for the low rate. The most common bacteria Staphylococus aureus (32%), Burkhoderia pseudomallei (16%), Klebsiella pneumoniae (16%), Escherichia coli (12%) and Proteus mirabilis (8%). The more antibiotic-susceptible bacteria are Vancomycin, Imipenem, Meropenem, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Gentamycin, Tobramycin. Cefalosporin resistance groups have relatively high proportion (48-63%). The rate of antibiotic use in line with antimicrobial susceptibility Endocrinology Hospital in Nghe An is 52%.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhiễm khuẩn trên bệnh nhân Đái tháo đường là biến chứng thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải nhập viện. Mặt khác tính trạng kháng kháng sinh ngày một tăng cao là một vấn đề nóng hiện nay. Tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An tình trạng bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn trong những năm gần đây chiếm tỉ lệ tương đối cao, bệnh cảnh nhiễm trùng đa dạng, tổn thương nhiều cơ quan. Kháng sinh sử dụng trong lâm sàng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bác sĩ do đó nguy cơ đề kháng kháng sinh là rất cao. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng vi khuẩn và tình hình sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân Đái tháo đường có nhiễm khuẩn điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân được chẩn đoán Đái tháo đường có nhiễm khuẩn điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2016.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng trong điều tra nghiên cứu: Phỏng vấn bằng bộ câu hỏi trực tiếp, hỏi bệnh để thu thập các thông tin về tuổi, nghề nghiệp, tiền sử mắc bệnh Đái tháo đường, tiền sử viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, da và mô mềm, nhiễm khuẩn huyết, tiền sử dùng thuốc kháng sinh. Khám lâm sàng và các xét nghiệm: Đường huyết tĩnh mạch, chỉ số HbA1c, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, x- quang, siêu âm, nuôi cấy định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
Tiêu chuẩn sử dụng kháng sinh phù hợp: So sánh kháng sinh dùng trước và sau khi có kết quả kháng sinh đồ, đối với bệnh nhân phối hợp kháng sinh ngay khi chưa có kháng sinh đồ, chỉ cần có một kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ thì bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phù hợp.
Xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0.
III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
1. Phân bố các vị trí lấy bệnh phẩm
Biểu đồ 1. Phân bố các vị trí lấy bệnh phẩm
2. Kết quả nuôi cấy theo vị trí
Biểu đồ 2. Kết quả nuôi cấy theo vị trí
Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn da và mô mềm chiếm tỷ lệ cao nhất (59,4%), sau đó đến nhiễm khuẩn huyết (34,4%), viêm phổi và nhiễm khuẩn tiết niệu chiếm tỷ lệ thấp (3,1% ; 3,1%), Tại mỗi vị trí nhiễm khuẩn, tỷ lệ nuôi cấy bệnh phẩm dương tính cao hơn nhiều so với tỷ lệ âm tính ở tất cả các vị trí.
3. Đặc điểm loại vi khuẩn gây bệnh
Bảng 1. Đặc điểm loại vi khuẩn gây bệnh
Có 9 loại vi khuẩn được phân lập trong nghiên cứu. Các loại vi khuẩn thường gặp nhất là Staphylococus aureus (32%), Burkhoderia pseudomallei (16%), Klebsiella pneumonia (16%), Escherichia coli (12%) và Proteus mirabilis (8%). Trong đó, ba loại vi khuẩn Staphylococus aureus MRSA(+), Escherichia coli ESBL(+) và Klebsiella pneumonia ESBL (+) chiếm tỷ lệ lần lượt 16%, 12%, 4% gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng tăng.
4. Đặc điểm vi khuẩn theo vị trí
– Đặc điểm vi khuẩn trong nhiễm khuẩn da và mô mềm
Biểu đồ 3.Đặc điểm vi khuẩn trong nhiễm khuẩn da và mô mềm
Đối với nhiễm khuẩn ở da và mô mềm, nghiên cứu chúng tôi cho kết quả Staphylococcus aureus chiếm tỷ lệ cao nhất(46%), đến Klebsiella pneumoniae (20%), Proteus mirabilis (12%). Sphingomonas paucimobilis, Streptococcus agalatide, Entrococcus faecalis chiếm số lượng ít và bằng nhau (tương ứng 6% ; 6% ; 6%). Mặc dù tỷ lệ vi khuẩn Staphylococcus aureus phân lập được có sự khác nhau giữa các nghiên cứu, theo L. Joseph Whea ghi nhận có 26% các trường hợp. Nghiên cứu của Đoàn Đức Tuấn là 22%. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho chúng ta thấy căn nguyên thường gặp nhất của nhiễm khuẩn da và mô mềm ở bệnh nhân đái tháo đường là Staphylococcus aureus.
– Đặc điểm vi khuẩn trong nhiễm khuẩn huyết
Biểu đồ 4. Đặc điểm vi khuẩn trong nhiễm khuẩn huyết
Về nhiễm khuẩn huyết, qua nghiên cứu chúng tôi thấy Burkhoderia pseudomallei chiếm tỷ lệ cao nhất (50%) đến Escheria coli (25%), sau đó đến Klebsiella pneumonia và Pseudomonas putida (12,5% và 12,5%). Khi so sánh với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Trang thực hiện trên 34 bệnh nhân Đái tháo đường có nhiễm khuẩn huyết thì chưa có sự tương đồng (Escheria coli chiếm tỷ lệ cao nhất 32,35%). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Trang và một số nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết do Burkhoderi pseudomallei chiếm tỷ lệ tương đối cao. Tỷ lệ Burkhoderia pseudomallei là 17,6% đứng hàng thứ 2 trong căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết ở bệnh nhân Đái tháo đường trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Trang. Theo Capt Mathew và C. Patterson có 5 trong 6 trường hợp nhiễm khuẩn huyết do Burkhoderia pseudomalli có bệnh nền Đái tháo đường.
1. Điểm kháng sinh đồ
Bảng 2. Đặc điểm kháng sinh đồ
Các kháng sinh còn nhạy là Vancomycin chiếm tỷ lệ cao nhất (100%), đến hai kháng sinh nhóm quinolon là Levofloxacine và Ciprofloxacine chiếm tỷ lệ lần lượt là 88% và 82%. Hai kháng sinh nhóm Carbapenem là Imipenem và Meropenem chiếm tỷ lệ bằng nhau (71%), Gentamycin có tỷ lệ nhạy 62% và Tobramycin nhạy 78%. Nhóm kháng sinh cefalosporin có tỉ lệ đề kháng tương đối cao (48 – 63%).
Staphylococcus aureus, căn nguyên chủ yếu gây nhiễm khuẩn da và mô mềm nhạy chủ yếu với Vancomycin (100%), Levofloxacin (88%) và Gentamycin (88%).
Escheria coli kháng hoàn toàn với cefalosporin, mặc dù tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cefalosporin có khác nhau giữa các nghiên cứu, tuy nhiên qua nghiên cứu trên 15 bệnh viện tại Việt Nam các tác giả đã thống kê được vi khuẩn Escheria coli kháng với kháng sinh cefalosporin thế hệ III vào khoảng từ 30% – 70%. Vi khuẩn Escheria coli còn nhạy cảm chủ yếu với Imipenem (100%), Meropenem (100%), nhạy vừa với Gentamycin (67%) và Tobramycin (67%), kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Văn Kính (2009) và Mai Thị Lan Hương (2011). Klebsiella pneumonia tuy còn nhạy nhiều hơn nhưng cũng kháng cefalosporin từ 25% đến 50%.
Burkhoderia pseudomallei nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn huyết ở bệnh nhân Đái tháo đường còn nhạy chủ yếu với kháng sinh Imipenem, Meropenem, Ceftazidime, Amox – A.clavulanic.
5. Tình hình sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An
Bảng 3. Tình hình sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An
Tỷ lệ sử dụng kháng sinh lúc vào viện phù hợp với kháng sinh đồ là 52%.
IV. KẾT LUẬN
Nhóm nhiễm khuẩn da và mô mềm trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao nhất (59.4%), đến nhiễm khuẩn huyết (34,4%), viêm phổi và nhiễm khuẩn tiết niệu chiếm tỷ lệ thấp.
Vi khuẩn thường gặp nhất là Staphylococus aureus (32%), Burkhoderia pseudomallei (16%), Klebsiella pneumonia (16%), Escherichia coli (12%) và Proteus mirabilis (8%).
Các kháng sinh còn nhạy nhiều với vi khuẩn là Vancomycin, Imipenem, Meropenem, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Gentamycin, Tobramycin. Nhóm Cefalosporin có tỷ lệ kháng tương đối cao (48 – 63%).
Tỷ lệ sử dụng kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An là 52%.
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá tình trạng vi khuẩn và tình hình sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân Đái tháo đường có nhiễm khuẩn điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội Tiêt Nghệ An. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 32 bệnh nhân Đái tháo đường có nhiễm khuẩn từ tháng 01/2016 đến 10/2016. Kết quả: Nhóm nhiễm khuẩn da và mô mềm trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao nhất ( 59.4%), đến nhiễm khuẩn huyết (34,4%), viêm phổi và nhiễm khuẩn tiết niệu chiếm tỷ lệ thấp. Vi khuẩn thường gặp nhất là Staphylococus aureus (32%), Burkhoderia pseudomallei (16%), Klebsiella pneumonia (16%), Escherichia coli (12%) và Proteus mirabilis (8%). Các kháng sinh còn nhạy nhiều với vi khuẩn là Vancomycin, Imipenem, Meropenem, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Gentamycin, Tobramycin. Nhóm Cefalosporin có tỷ lệ kháng tương đối cao (48 – 63%). Tỷ lệ sử dụng kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ tại Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An là 52%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Mai Thị Lan Hương (2011), “Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết và múc độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn phân lập tại bệnh viện Bạch Mai từ 01/01/2011 đến 30/06/2011”. Luận văn thạc sỹ Y học, Đại học Y Hà Nội.
- Nguyễn Văn Kính (2010), “Phân tích thực trạng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam”, tr. 3- 4.
- Đoàn Đức Tuấn và Cs (2011), “Tình hình sử dụng kháng sinh điều trị cho bệnh nhân Đái tháo đường typ2 tại khoa Nội tiết Thận – bệnh viện Nhân Dân Gia Định”. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 15, 2011. tr, 538 – 544.
- Nguyễn Thị Thu Trang (2012), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và căn nguyên nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương”. Luận văn Thạc sỹ – Bác sỹ nội trú, Trường Đại học Y Hà Nội.
- Capt Matthew C. Petterson et al (1967), Acute Melioidosia in a Soldier home from south Vietnam, JAMA, pp.447-451
- L. Joseph Whea (1980), Infection and Diabetes Mellitus, Diabetes care, Vol. 3, pp. 187 – 197.
- Handzel O, Halperin D. Necrotizing (malignant) external otitis. Am Fam Physician. 2003 Jul 15. 68(2):309-12. [Medline].
- O’Neill BM, Alessi AS, George EB, Piro J. Disseminated rhinocerebral mucormycosis: a case report and review of the literature. J Oral Maxillofac Surg. 2006 Feb. 64(2):326-33. [Medline].
- Nickel JC, Stephens A, Landis JR, Mullins C, van Bokhoven A, Lucia MS, et al. Assessment of the Lower Urinary Tract Microbiota during Symptom Flare in Women with Urologic Chronic Pelvic Pain Syndrome: A MAPP Network Study. J Urol. 2015 Sep 24. [Medline].
- Njomnang Soh P, Vidal F, Huyghe E, Gourdy P, Halimi JM, Bouhanick B. Urinary and genital infections in patients with diabetes: How to diagnose and how to treat. Diabetes Metab. 2015 Aug 28. [Medline].
- Delamaire M, Maugendre D, Moreno M, Le Goff MC, Allannic H, Genetet B. Impaired leucocyte functions in diabetic patients. Diabet Med. 1997 Jan. 14(1):29-34. [Medline].