Nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của u tuyến cận giáp nguyên phát tại Bệnh viện hữu nghị

NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA U

TUYẾN CẬN GIÁP NGUYÊN PHÁT TẠỊ BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ

Nguyễn Thị PhươngTrang, Đỗ Trung Quân

ĐH Y Hà Nội

ABSTRACT

Clinical and paraclinical characteristics in patients with primary parathyroid tumor at Hữu Nghị hospital.

Objectives: To review clinical and paraclinical characteristics of primary parathyroid tumor at Hữu Nghị hospital. Subjects: 25 primary hyperparathyroid tumor at Hữu Nghị hospital. Subjects: 25 primary hyperparathyroidism patients at Hữu Nghị hospital, from January 2014 to June 2018. Method: retrospective and cross-sectional study. Results: The mean age was 66,52 ± 10,92 years. The rate female : male was 1,5 : 1. Almost patiens had osteoarthritis and neurologic or digestive symptoms. Total calcium level in male was higher than female (p < 0,05). There was no difference in PTH level between female and male. Phospho and 25-OH vitamin D level was in low normal level. Almost patients had osteoporosis and osteopenia, 2 patients had normal bone mass density. Neck CT scanner is the most sensitive method to discover parathyroid tumor (78,6%).

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của u tuyến cận giáp nguyên phát tại Bệnh viện Hữu Nghị. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 25 bệnh nhân được chẩn đoán cường cận giáp nguyên phát điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, thời gian từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 6 năm 2018. Nghiên cứu hồi cứu, cắt ngang, mô tả. Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 66,52 ± 10,92 tuổi. Nữ giới chiếm 60% với 15 bệnh nhân và nam giới là 40% với 10 bệnh nhân, tỷ lệ nữ:nam = 1,5:1. Phần lớn bệnh nhân có thoái hóa khớp và có ít triệu chứng biểu hiện bệnh lý thận và tiêu hóa. Nhóm nam có trung bình canxi máu toàn phần cao hơn nhóm nữ với p = 0,023 < 0,05, ĐTC 95%. Không có sự khác biệt trung bình PTH giữa 2 nhóm bệnh nhân nam và nữ, với p= 0,262 > 0,05 với ĐTC 95%. Nồng độ phospho và 25-OH Vitamin D của các bệnh nhân đều trong ngưỡng bình thường thấp. Phần lớn BN có thiểu xương và loãng xương, có 2 bệnh nhân có mật độ xương bình thường và có 2 bệnh nhân loãng xương nặng. Chụp CT vùng cổ phát hiện u cận giáp có độ nhạy cao nhất, 78,6%.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Phương Trang

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Tuyến cận giáp là tuyến nội tiết của cơ thể, tiết ra parathyroid hormone (PTH), có vai trò quan trọng trong chuyển hóa canxi và phospho. PTH có nhiệm vụ duy trì nồng độ bình thường của hai chất này trong máu. Rối loạn chuyển hóa canxi và phospho dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan, chủ yếu là thận và xương. Chính vì vậy, tuyến cận giáp còn được coi là tuyến nội tiết sinh mạng của cơ thể [1]. Cường tuyến cận giáp nguyên phát là một rối loạn nội tiết không phải hiếm gặp, do một hoặc nhiều tuyến cận giáp tăng hoạt động gây tăng tiết PTH, hậu quả làm tăng canxi máu, dẫn đến tổn thương các cơ quan đích. Bệnh có thể được điều trị khỏi hẳn khi được chẩn đoán sớm và cắt bỏ khối u tuyến cận giáp [2]. Theo thống kê của Hội Nội tiết Hoa Kỳ, cường cận giáp nguyên phát chiếm tỷ lệ 1-4/1000 dân, chiếm đa số trong các nguyên nhân gây tăng canxi máu. Tuổi mắc bệnh trung bình là 55 tuổi (thường sau 50 tuổi), có thể gặp ở người nam trẻ. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ cường cận giáp được báo cáo còn thấp, bệnh nhân thường được phát hiện bệnh muộn khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng. Nguyên nhân được cho là bệnh thường bị bỏ sót do ở giai đoạn sớm triệu chứng lâm sàng đa dạng và không điển hình, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác và không có xét nghiệm ion đồ thường quy để phát hiện tình trạng tăng canxi máu. Cũng giống như các nước đang phát triển khác, tại Việt Nam, cường cận giáp nguyên phát hiện tại chưa được chú ý chẩn đoán sớm và chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá cũng như  báo cáo thống kê đầy đủ về tình trạng bệnh này [3]. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của u cận giáp nguyên phát tại Bệnh viện Hữu Nghị

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.Đối tượng nghiên cứu

Gồm 25 bệnh nhân được chẩn đoán cường cận giáp nguyên phát điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, thời gian từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 6 năm 2018.

2.1.1.Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

  • Bệnh nhân được chẩn đoán cường cận giáp, có kết quả xét nghiệm canxi máu và PTH máu tăng. Cường cận giáp tiên phát được chẩn đoán trong các trường hợp sau:
  • Tăng canxi máu và PTH máu có triệu chứng lâm sàng như viêm xương xơ – nang, gãy xương lâu lành, loãng xương, sỏi thận, viêm giác mạc hình dải…
  • Cường cận giáp không có triệu chứng : Tăng canxi máu không có triệu chứng được phát hiện bằng sàng lọc định lượng canxi máu thường quy hoặc canxi máu ở ngưỡng bình thường cao kèm theo có giảm mật độ xương [2]; hoặc PTH máu cao hoặc ở giới hạn cao của khoảng giá trị bình thường [2].
  • Bệnh nhân được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm định lượng canxi máu, PTH máu, siêu âm ổ bụng, đo mật độ xương, siêu âm vùng cổ để phát hiện u cận giáp, xạ hình tuyến cận giáp, CT và/hoặc MRI tuyến cận giáp.
  • Với nhóm bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến cận giáp : Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt tuyến cận giáp có kết quả giải phẫu bệnh khối u tuyến cận giáp, xét nghiệm định lượng lại canxi máu, PTH máu sau 24h, 1 tuần và 3 tháng.
  • Có hồ sơ bệnh án lưu trữ, ghi chép đầy đủ các phần trong bệnh án.
  • Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.1.2.Tiêu chuẩn loại trừ

  • Bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh nhân có các bệnh lý ác tính của xương : đa u tủy xương, ung thư di căn xương hoặc bệnh nhân được chẩn đoán sarcoidosis. Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết khác : nhiễm độc giáp, u tủy thượng thận, bệnh Addison, các khối u tế bào tiểu đảo. Bệnh nhân sử dụng các thuốc : vitamin A, vitamin D, lợi tiểu nhóm thiazid, lithium, estrogen và kháng estrogen. Bệnh nhân có tăng calci máu – hạ calci niệu gia đình. Bệnh nhân mắc các bệnh khác : bất động, hội chứng sữa – kiềm, nuôi dưỡng bằng truyền dịch. Kết quả thăm dò chẩn đoán hình ảnh chưa khẳng định được bệnh nhân có u cận giáp. Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2.Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu theo dõi dọc, mô tả

2.3.Mẫu nghiên cứu : Mẫu thuận tiện.

2.4.Các thông số nghiên cứu: Tuổi, giới, lý do khám bệnh, triệu chứng lâm sàng: biểu hiện xương, biểu hiện thận, biểu hiện tiêu hoá….Xét nghiệm cận lâm sàng: canxi toàn phần, canxi ion hoá, PTH máu, nồng độ 25-OH vitamin D, phospho. Chỉ số T-score. Siêu âm tuyến cận giáp. CT/MRI vùng cổ tìm u cận giáp. Xạ hình tuyến cận giáp.

2.5. Xử lý số liệu: xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0

3.KẾT QUẢ

3.1.Đặc điểm lâm sàng:

3.1.1. Tuổi

Biểu đồ 3.1. Tuổi của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 66,52 ± 10,92 tuổi, trong đó bệnh nhân trẻ tuổi nhất là 39 tuổi và có một bệnh nhân cao tuổi nhất là 85 tuổi.

3.1.2. Giới

Biểu đồ 3.2. Giới của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Nữ giới chiếm 60% với 15 bệnh nhân và nam giới là 40% với 10 bệnh nhân, tỷ lệ nữ : nam = 1,5 : 1.

3.1.3. Dấu hiệu lâm sàng

Bảng 3.1. Dấu hiệu lâm sàng

Nhận xét: Phần lớn bệnh nhân có thoái hóa khớp và có ít triệu chứng biểu hiện bệnh lý thận và tiêu hóa. Một số bệnh nhân có trên 2 triệu chứng của cùng một nhóm bệnh lý.

3.2. Cận lâm sàng

3.2.1. Nồng độ canxi máu khi phát hiện bệnh

Bảng 3.2. Nồng độ canxi máu khi phát hiện bệnh (mmol/l)

Nhận xét:

– Nồng độ trung bình canxi máu toàn phần :

+  Khoảng giá trị kết quả của nhóm nữ  (2,26 – 3,29); nhóm nam (2,64 – 3,23).

+Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 4 bệnh nhân nữ có nồng độ canxi máu toàn phần < 2,6mmol/l, tuy nhiên nồng độ PTH máu của 2 bệnh nhân này đều cao.

-Nồng độ trung bình canxi ion :

+  Khoảng giá trị kết quả của nhóm nữ (1,19 – 1,53); nhóm nam (1,41 – 1,90).

-So sánh trung bình canxi máu giữa 2 nhóm nam và nữ :

Nhóm nam có trung bình canxi máu toàn phần cao hơn nhóm nữ với p = 0,023 < 0,05, ĐTC 95%.

3.2.2.   Nồng độ PTH máu khi phát hiện bệnh

Bảng 4.3. Nồng độ PTH máu khi phát hiện bệnh (pg/ml)

Nhận xét: PTH máu trung bình :

-Khoảng giá trị trung bình nhóm nữ (58,68 – 304,74); nhóm nam (49,7 -760,2)

-So sánh trung bình PTH máu giữa 2 nhóm nam và nữ : Không có sự khác biệt trung bình PTH giữa 2 nhóm với p= 0,262 > 0,05 với ĐTC 95%.

4.2.3. Nồng độ Phospho và 25 – OH Vitamin D  máu

Bảng 4.4. Nồng độ Phospho và 25 – OH Vitamin D máu

Nhận xét: Nồng độ phospho và 25-OH Vitamin D của các bệnh nhân đều trong ngưỡng bình thường thấp.

3.2.4. Kết quả đo mật độ xương

Biểu đồ 4.3. Kết quả đo MĐX

Nhận xét: Phần lớn bệnh nhân có thiểu xương và loãng xương, có 2 bệnh nhân có mật độ xương bình thường và có 2 bệnh nhân loãng xương nặng.

3.2.5. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Bảng 4.5. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Nhận xét: Chụp CT vùng cổ phát hiện u cận giáp có độ nhạy cao nhất, 78,6%.

4. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm lâm sàng

4.1.1.Tuổi: Tuổi trung bình là 66,52 ± 10,92 tuổi, trong đó có 1 bệnh nhân trẻ tuổi nhất là 39 tuổi và 1 bệnh nhân cao tuổi nhất là 85 tuổi. Hầu hết các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có độ tuổi trong khoảng 61-80 (chiếm 68%). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có sự khác biệt về tuổi chẩn đoán ở các nước đang phát triển và các nước phương Tây [2],[3]. Các báo cáo ở người da trắng thì tuổi lúc chẩn đoán là 55-62 tuổi [4]. Theo Liu và cộng sự báo cáo tuổi trung bình nhóm bệnh nhân cường cận giáp tiên phát tại Mỹ là 66,4 ± 12,4 [5]. Ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazile tuổi chẩn đoán trẻ hơn [6]. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Phạm Thị Mỹ Thuần và Vũ Trung Lương về tuổi của BN mắc cường cận giáp nguyên phát cũng tương đồng với các nghiên cứu tại các nước đang phát triển với độ tuổi trung bình của bệnh nhân lần lượt là 55,5 và 47,8 tuổi [7]. Có sự khác biệt như vậy do địa điểm nghiên cứu của chúng tôi là tại Bệnh viện Hữu Nghị, đối tượng phục vụ là hầu hết các bệnh nhân có độ tuổi > 60, do đó quần thể nghiên cứu có tuổi cao hơn so với tuổi của bệnh nhân trong các nghiên cứu khác dẫn đến làm tăng thêm số tuổi của nhóm bệnh nhân mắc bệnh.

4.1.2. Giới: Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng, nữ mắc bệnh cao hơn nam giới với tỷ lệ 2 – 3/1. Theo Kanis, cường cận giáp nguyên phát thường xảy ra ở phụ nữ trong những năm đầu mãn kinh có thể do thiếu estrogen và/hoặc progestoren. Điều trị hormon thay thế có thể làm hạ canxi máu ở phụ nữ mãn kinh có cường cận giáp. Trong nghiên cứu của chúng tôi, số lượng bệnh nhân nữ cũng cao hơn nam với 15 bệnh nhân nữ và 10 bệnh nhân nam, tuy nhiên tỷ lệ nữ : nam thấp hơn so với các nghiên cứu khác là 1,5:1. Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả nữ/nam là 2,2/1, tại Trung Quốc từ 2000- 2010 là 2,07/1, tại Mỹ từ  2010 đến 2013 là 3 – 4,5/1 [2]. Nguyên nhân do bản thân quần thể nghiên cứu của chúng tôi có nhóm bệnh nhân nam cao hơn so với nữ dẫn đến số lượng bệnh nhân nữ trong nhóm nghiên cứu thấp hơn so với các nghiên cứu khác. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cũng đồng khẳng định rằng cường cận giáp nguyên phát hay gặp ở nữ giới hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.

4.1.3.Dấu hiệu lâm sàng:Tại Mỹ và châu Âu, cường cận giáp nguyên phát chủ yếu là cường cận giáp không triệu chứng. Một nghiên cứu kéo dài 15 năm theo dõi 121 BN công bố năm 2008 tại các nước phương Tây có tới 85% bệnh nhân là cường cận giáp không triệu chứng. Trong giai đoạn 35 năm từ 1958 đến 1993, 97% bệnh nhân cường cận giáp tại Trung Quốc có sỏi thận, triệu chứng điển hình ở xương và các triệu chứng đặc hiệu khác của cường cận giáp. Tuy nhiên, trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, mặt bệnh đã có sự khác biệt. Tỷ lệ cường cận giáp không triệu chứng đã tăng từ < 20% trước năm 2006 lên khoảng 50% trong giai đoạn 2007-2010. Nghiên cứu tại các nước phát triển thấy rằng tỷ lệ bệnh nhân có sỏi thận và loãng xương là không cao như nghiên cứu của Nilsson (2017) tại Thụy Điển có 9% bệnh nhân sỏi thận, 46% bệnh nhân loãng xương với loãng xương gặp chủ yếu ở bệnh nhân cao tuổi. Tại các nước đang phát triển, bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng điển hình cao hơn. Nghiên cứu của tác giả Shukla tại Ấn Độ (2008) trên 32 BN có 78% đau xương, 43,8% gãy xương, 43,8% sỏi thận.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Vũ Trung Lương cho thấy các triệu chứng lâm sàng hay gặp gồm có mệt mỏi (80%), khát nhiều, tiểu nhiều (65%), các dấu hiệu về thận : sỏi thận 80%, vôi hóa thận 15%, các dấu hiệu về xương gặp : đau xương 20%, loãng xương 20%, gãy xương bệnh lý 5%, u xương 5% [7]. Kết quả này cũng tương tự như ở các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tỉ lệ bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng lâm sàng cổ điển của bệnh còn khá cao

Theo thống kê của chúng tôi, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu trên hệ thống cơ xương khớp, thận – tiết niệu cũng như tiêu hóa với tỷ lệ  bệnh nhân không có triệu chứng lần lượt là 32%, 56% và 44%. Trong nhóm bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý cơ xương khớp, có tới 44% bệnh nhân bị thoái hóa khớp, 20% bệnh nhân loãng xương, 12% bệnh nhân bị gout và có 1 bệnh nhân chiếm 4% bị viêm khớp.

Triệu chứng chính trong nhóm bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý cơ xương khớp là thoái hóa khớp, tuy nhiên đây cũng không phải là triệu chứng điển hình của cường cận giáp và là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Trong nhóm bệnh lý biểu hiện trên thận, bệnh nhân có sỏi tiết niệu chiếm tỷ lệ cao nhất (20%), tiếp theo là 16% bệnh nhân có nang thận, có 4% bệnh nhân mắc mỗi loại viêm cầu thận, vôi hóa thận và giãn đài bể thận. Với các triệu chứng trên hệ tiêu hóa, triệu chứng hay gặp nhất trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi là viêm loét dạ dày và hành tá tràng (52%) trong đó có 16% bệnh nhân có loét dạ dày và hành tá tràng.

Đây là kết quả đáng lưu tâm bởi tỷ lệ bệnh nhân có viêm loét dạ dày và hành tá tràng tại Việt Nam là không nhỏ tuy nhiên với những bệnh nhân có loét tái phát nhiều lần sau khi đã điều trị bài bản kèm theo có tăng canxi máu, các bác sỹ lâm sàng cần hết sức cảnh giác đây có thể là triệu chứng của cường cận giáp nguyên phát. Như vậy, nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi có các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu của cường cận giáp thấp hơn các nghiên cứu khác tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Nguyên nhân do quần thể nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi trung bình cao, thường mắc nhiều bệnh phối hợp, do đó trong nhiều trường hợp triệu chứng lâm sàng thường không điển hình và dễ nhầm lẫn giữa nhiều bệnh khác nhau.

4.2. Đặc điểm cận lâm sàng

4.2.1.Nồng độ canxi máu khi phát hiện bệnh:Kết quả cho thấy nồng độ canxi máu toàn phần là 2,80 ± 0,28 mmol/l và nồng độ canxi ion là 1,48 ± 0,18 mmol/l, trong đó nhóm bệnh nhân nam có nồng độ canxi toàn phần và ion đều cao hơn nữ với các chỉ số lần lượt là 2,95 – 2,70 và 1,62 – 1,38, với p< 0,05, ĐTC 95%. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù bệnh ít gặp ở nam hơn nữ nhưng thường có biểu hiện lâm sàng nặng hơn nữ, mức canxi máu tăng cao hơn và tổn thương nhiều cơ quan hơn. Lý do vì sao như vậy thì chưa rõ [5]. Theo phân loại mức độ nặng của tăng canxi máu, bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi có nồng độ canxi máu TP và canxi ion tăng ở mức độ nhẹ, thấp hơn so với nghiên cứu ở trong nước của Vũ Trung Lương, Phạm Thị Mỹ Thuần (canxi TP đều > 3 mmol/l và canxi ion > 2mmol/l) và nghiên cứu của tác giả Mallikarjuna tại Ấn Độ, tương đồng với các nghiên cứu tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì và tại Mỹ [7].Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi, có 4 bệnh nhân nữ có canxi máu TP < 2,6mmol/l, chiếm 16%, tuy nhiên cả 4 bệnh nhân này đều có nồng độ PTH máu cao, đã được loại trừ các nguyên nhân gây cường cận giáp thứ phát và đều được phẫu thuật tìm và cắt adenoma cận giáp. Tỷ lệ mắc của cường cận giáp có canxi máu bình thường khác nhau giữa các nghiên cứu, dao động từ 0,5% trong nghiên cứu của Lundgren tại Thụy Điển đến 16,7% trong một nghiên cứu khác tại Canada. Cơ chế bệnh sinh của thể cường cận giáp này còn chưa được rõ rang.

4.2.2.Nồng độ PTH máu khi phát hiện bệnh: Tiêu chuẩn chính để chẩn đoán cường cận giáp nguyên phát điển hình là tăng nồng độ canxi máu và PTH máu. Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ PTH máu trung bình là 197,26 ± 160,09 (pg/ml), trong đó nồng độ PTH trung bình của nhóm nam và nữ lần lượt là 251,34 và 161,20 (pg/ml) và không có sự khác biệt về nồng độ PTH trung bình giữa hai nhóm với p = 0,262 > 0,05, ĐTC 95%. Kết quả này thấp hơn rất nhiều so với các nghiên cứu trong nước của tác giả Phạm Thị Mỹ Thuần và Vũ Trung Lương, cũng như các nghiên cứu tại các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, tuy nhiên có cao hơn đôi chút so với nghiên cứu tại Mỹ [7].Có sự khác biệt trên là do BN trong nghiên cứu của chúng tôi có điều kiện khám sức khỏe định kì, được xét nghiệm canxi máu thường quy, phát hiện có tăng canxi máu, do đó thường phát hiện cường cận giáp ở giai đoạn sớm, khi PTH máu còn tăng chưa quá cao và tổn thương cơ quan đích còn chưa rõ ràng.

4.2.3.Nồng độ Phospho và 25-OH vitamin D máu

       Nồng độ phospho máu: Nồng độ phospho máu của các BN trong nghiên cứu của chúng tôi ở mức bình thường thấp, trung bình 0,99 ± 0,46. Kết quả của chúng tôi tương tự nghiên cứu của tác giả Shukla (2008) qua theo dõi 32 BN cường cận giáp nguyên phát trong 10 năm tại Ấn Độ [9]. Nguyên nhân của việc giảm phospho trong máu là do PTH có tác dụng ức chế tái hấp thu phosphate ở ống lượn xa dẫn đến tăng bài xuất phosphate.

Nồng độ 25-OH Vitamin D: Nồng độ 25-OH Vitamin D trong nghiên cứu của chúng tôi ở ngưỡng bình thường thấp, trung bình 22,35 ± 11,09. Tại Trung Quốc, 86,8% bệnh nhân cường cận giáp tiên phát có thiếu hụt vitamin D [56], tại Ấn Độ 88% bệnh nhân cường cận giáp tiên phát được chẩn đoán có nồng độ 25-OH vitamin D giảm [10]. Do hormon PTH có tác dụng chuyển 25-OH vitamin D thành dạng hoạt động nên ở bệnh nhân cường cận giáp tiên phát có thể giảm nồng độ 25-OH vitamin D, đây là một hậu quả của quá thừa hormon PTH [11]. Tại hội nghị quốc tế lần thứ 4 về cường cận giáp tiên phát, các chuyên gia khuyến cáo nên làm xét nghiệm 25(OH) vitamin D thường quy ở tất cả các bệnh nhân cường cận giáp tiên phát và bổ sung lượng thiếu hụt, vì thiếu vitamin D làm nặng thêm tình trạng cường cận giáp tiên phát [12].

4.2.4.Kết quả đo mật độ xương: Loãng xương là biến chứng hay gặp trong cường cận giáp tiên phát, làm tăng nguy cơ gãy xương ở tất cả các vị trí, bao gồm cả các xương đốt sống. Nghiên cứu của chúng tôi có 19 bệnh nhân được tiến hành đo DEXA thì có tới gần 90% bệnh nhân có giảm mật độ xương, trong đó có 42,2 % BN thiểu xương, 36,8% bệnh nhân loãng xương và có 10,5% bệnh nhân có loãng xương nặng tức có loãng xương kèm gẫy xương. Tỷ lệ bệnh nhân có loãng xương của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Phạm Thị Mỹ Thuần tại Bệnh viện Bạch Mai (53,8%) [13]. Tuy nhiên, trong số bệnh nhân của chúng tôi có 2 bệnh nhân loãng xương kèm theo gãy xương, một bệnh nhân có gãy xương cẳng tay và một bệnh nhân có gãy xương đùi. Đối tượng bệnh nhân của chúng tôi là những bệnh nhân cường cận giáp nguyên phát có độ tuổi cao, mắc nhiều bệnh phối hợp, thường có những khó khăn trong vận động, ngoài nguyên nhân do cường cận giáp còn có các nguyên nhân khác cũng làm tăng nguy cơ gãy xương và có thể gãy xương ở bất kì vị trí nào.

4.2.5.Kết quả xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm vùng cổ:

Tuyến cận giáp bình thường có kích thước < 4mm và không tìm thấy được trên hình ảnh siêu âm. Theo tác giả Khan, độ nhạy của siêu âm là 76-87% với giá trị tiên lượng dương tính là 93-97% và chẩn đoán chắc chắn là 88% [8].  Trong nghiên cứu của chúng tôi, siêu âm chỉ có độ nhạy 36% và 64% bệnh nhân là âm tính giả. Kết quả này cũng thấp hơn nghiên cứu của Vũ Trung Lương tại Bệnh viện Bạch Mai với độ nhạy của siêu âm là 85%, âm tính giả 15% [7]. Nghiên cứu gần đây nhất của các tác giả El-Hady tại Ai Cập và Mallikarjuna tại Ấn Độ cũng cho kết quả tương đương nhau và cao hơn kết quả của chúng tôi lần lượt là 75% và 72,2% [14]. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm cho kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ và chủ quan của bác sĩ siêu âm, do đó kết quả có thể khác nhau giữa các trung tâm.

Xạ hình tuyến cận giáp với 99m-Tc-Sestamibi

Theo tác giả Khan, xạ hình tuyến cận giáp với 99m Tc-Sestamibi có độ nhạy cao nhất, tới 90%, chính xác 97,2% trường hợp cường cận giáp nguyên phát. Xạ hình dễ dàng phát hiện được các khối u cận giáp có kích thước lớn >1,8cm và nồng độ canxi ion trong máu cao > 1,49mmol/l. Mặt khác những khối u có kích thước nhỏ có thể dẫn đến kết quả âm tính giả trên xạ hình. Ở trong nước, nghiên cứu của Vũ Trung Lương có kết quả độ nhạy của phương pháp xạ hình là 70%, âm tính giả là 30% [7]. El-Hady công bố số liệu là 90%, trong khi Mallikarjuna công bố tại Ấn Độ là 70,6% [14]. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả độ nhạy của xạ hình thấp hơn các nghiên cứu trên là 50%. Nguyên nhân có thể do trong nghiên cứu của chúng tôi các khối u cận giáp có kích thước nhỏ, do đó có thể dẫn đến âm tính giả như đã nói ở trên. Ngoài ra do số lượng bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi còn ít nên có thể chưa đánh giá hoàn toàn chính xác giá trị chẩn đoán dương tính của phương pháp này.

Chụp cộng hưởng từ vùng cổ/ MSCT vùng cổ

Trong nghiên cứu của chúng tôi, độ nhạy của phương pháp chụp MSCT vùng cổ trong phát hiện u cận giáp là cao nhất trong các biện pháp chẩn đoán hình ảnh là 78,6% và độ nhạy của chụp cộng hưởng từ là 55,6%. Kết quả này tương tự với số liệu tác giả Khan đưa ra với độ nhạy của CT dao động trong khoảng 46-87% và cộng hưởng từ là xấp xỉ 50% [8]. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao và BN phơi nhiễm với chất cản quang do đó cần cân nhắc và giải thích kĩ với BN trước khi tiến hành kĩ thuật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Minh Đức (2005). Sinh lý học. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  2. Bilezikian JP, Cusano NE, Khan AA, Liu JM, Marcocci C, Bandeira F. Primary hyperparathyroidism (2016). Nature reviews Disease primers. 2:16033
  3. Nguyễn Thị Thu Mai, Trần Hữu Dàng (2011). Nhân bốn trường hợp cường tuyến cận giáp nguyên phát. Y học Việt Nam. 385(tháng 9/2011).
  4. Wermer RA KS, Atkinson EJ, et al (2006). Incidence of primary hyperparathyroism in Rochester, Minnesota, 1993-2001 : an update on the changing epidermiology of the disease. J Bone Miner Res 2006. 21, 171-7.
  5. Zhao L, Liu J-m, He X-Y, Zhao H-y, Sun L-h, Tao B, et al (2013). The changing clinical patterns of primary hyperparathyroidism in Chinese patients: data from 2000 to 2010 in a single clinical center. The Journal of Clinical Endocrinology&Metabolism.98(2),721-8.
  6. Oliveira UE OM, Santos RO, Cervantes O, Abrahao M, Lazaretti Castro M, Vieira JG, Hauache OM (2007). Analysis of the diagnostic presentation profile parathyroidectomy indication and bone mineral density follow up of Brazilian patients with primary hyperparathyroidism. Braz J Med Biol Res. 2007 Apr(40(4)), 519-26.
  7. Vũ Trung Lương (2012). Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả cắt u tuyến cận giáp tại khoa tai mũi họng bệnh viện Bạch Mai. Y học thực hành. 893(11/2012), 81-4.
  8. Khan AA, Hanley DA, Rizzoli R, Bollerslev J, Young JE, Rejnmark L, et al (2017). Primary hyperparathyroidism: review and recommendations on evaluation, diagnosis, and management. A Canadian and international consensus. Osteoporos Int. 28(1), 1-19.
  9. Shukla S, Kaushal M, Shukla SK (2008). Primary hyperparathyroidism: retrospective 10-year study of 32 cases. The Indian journal of surgery. 70(4), 169-74.
  10. Jha S, Jayaraman M, Jha A, Jha R, Modi KD, Kelwadee JV (2016). Primary hyperparathyroidism: A changing scenario in India. Indian journal of endocrinology and metabolism. 20(1), 80.
  11. Madkhali T, Alhefdhi A, Chen H, Elfenbein D (2016). Primary hyperparathyroidism. Turkish Journal of Surgery/Ulusal cerrahi dergisi. 32(1), 58.
  12. Bilezikian JP, Brandi ML, Eastell R, Silverberg SJ, Udelsman R, Marcocci C, et al (2014). Guidelines for the management of asymptomatic primary hyperparathyroidism: summary statement from the Fourth International Workshop. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 99(10), 3561-9.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …