STRESS VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA ĐIỀU DƯỠNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG, TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2021
Phạm Thị Kim Yến1*, Cao Mỹ Phượng 1, Huỳnh Thị Hồng Thu1 , Thạch Thị Mỹ Phương1, Trần Thị Thanh Tuyền 1, Nguyễn Thị Ngọc Ngoan1, Nguyễn Thiện Minh2, Võ Thị Thùy Trang1
1Trường Đại học Trà Vinh; 2Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
DOI: 10.47122/vjde.2022.57.8
SUMMARY
Stress and related factors of nurses at Tien Giang Central General Hospital, Tien Giang province in 2021
Professional stress is a state of stress related to an imbalance between the requirements of the job and the capabilities of the person [1]. Stress contributes to motivating us to work and learn. However, when people encounter a situation where the amount of work is too large or the work exceeds their tolerance for a long time, it will cause harm to the health of workers, thereby reducing the quality of their work and life [2]. Therefore, Professional stress is an inevitable problem in nurses. The study was conducted to determine the rate of stress and related factors of nurses at Tien Giang central general hospital, Tien Giang province in 2021. The study conducted a survey on 412 clinical nurses, the results showed that 17.48% of clinical nurses had professional stress. In which, the number of nurses with severe stress accounted for 27.78%, moderate stress accounted for 72.22%, and no subjects with mild stress. Nurses who feel that the work is overloaded, the working hours are long, the working environment is unsafe or they are not properly assigned by their superiors or do not have a good relationship with their superiors, often Night shift workers had higher stress rates than nurses without these characteristics. In addition, nurses who love their work, feel that their current salary is commensurate with their professional qualifications, or they feel that they have opportunities for advancement and have time for leisure activities, stress was lower than in nurses without these characteristics. Therefore, it is necessary to find solutions and have a plan to improve the health of nursing staff and improve the ability to meet the care needs of patients in medical facilities.
Keywords: Stress; nursing staff; NSS; Tien Giang Central General Hospital.
TÓM TẮT
Stress nghề nghiệp là tình trạng căng thẳng liên quan đến sự mất cân bằng giữa yêu cầu của công việc và khả năng của con người [1]. Stress góp phần tạo động lực cho chúng ta có tinh thần làm việc và học hỏi. Tuy nhiên, khi con người gặp phải tình trạng là lượng công việc quá nhiều hoặc công việc vượt hơn mức chịu đựng của bản thân trong thời gian dài sẽ gây nguy hại đến sức khỏe cho người lao động, từ đó làm suy giảm chất lượng công việc và cuộc sống của họ [2]. Do đó, stress nghề nghiệp là vấn đề không tránh khỏi ở điều dưỡng viên. Nghiên cứu thực hiện nhằm xác định tỷ lệ stress nghề nghiệp và các yếu tố liên quan tới stress của nhân viên điều dưỡng lâm sàng tại bệnh viện Trung Tâm Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang năm 2021. Nghiên cứu thực hiện khảo sát trên 412 điều dưỡng lâm sàng, kết quả cho thấy có 17,48% điều dưỡng lâm sàng có stress nghề nghiệp. Trong đó số điều dưỡng có stress mức độ nặng chiếm 27,78%, mắc stress mức độ vừa chiếm 72,22% và không có đối tượng stress ở mức độ nhẹ. Những điều dưỡng có cảm nhận công việc quá tải, thời gian làm việc kéo dài, cảm thấy môi trường làm việc không an toàn, không được cấp trên phân công công việc hợp lý hay không có quan hệ tốt với cấp trên, thường xuyên trực đêm thì đều có tỷ lệ stress cao hơn so với những điều dưỡng không có những đặc tính này. Ngoài ra, Những điều dưỡng có sự yêu thích công việc hiện tại, họ cảm thấy mức lương hiện tại xứng đáng với chuyên môn hoặc họ cảm thấy có cơ hội thăng tiến, có thời gian hoạt động giải trí thì đều có tỷ lệ stress thấp hơn so với những điều dưỡng không có các đặc tính này. Do đó, cần tìm ra giải pháp và có kế hoạch để cải thiện sức khỏe của nhân viên điều dưỡng đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh tại cơ sở y tế.
Từ khóa: Tress; điều dưỡng lâm sàng; NSS; Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang.
Tác giả liên hệ: Phạm Thị Kim Yến
Email: [email protected]
Ngày nhận bài: 15/9/2022
Ngày phản biện khoa học: 15/10/2022
Ngày duyệt bài: 5/11/2022
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, sức khỏe tinh thần luôn là vấn đề luôn được chú trọng từ các nước trên thế giới, đặc biệt là stress nghề nghiệp ở khối ngành sức khỏe, nhất là đối với nhân viên điều dưỡng. Theo Hans Selye (1976) thuật ngữ stress là một hội chứng bao gồm những đáp ứng không đặc hiệu của cơ thể với kích thích từ môi trường [3]. Stress nghề nghiệp là tình trạng căng thẳng liên quan đến sự mất cân bằng giữa yêu cầu của công việc và khả năng của con người [1]. Stress góp phần tạo động lực cho chúng ta có tinh thần lao động, làm việc và học hỏi. Tuy nhiên, khi áp lực quá tải, lượng công việc quá nhiều hoặc vượt hơn mức chịu đựng của bản thân trong thời gian dài sẽ gây nguy hại đến sức khỏe cho người lao động, từ đó làm suy giảm chất lượng công việc và cuộc sống của họ [2]. Do đó, stress nghề nghiệp là vấn đề không tránh khỏi ở điều dưỡng viên.
Theo thống kê năm 2014, Châu Âu có tỷ lệ stress nghề nghiệp ở ngành giáo dục và y tế chiếm tỷ lệ cao nhất (33,5%). Trong đó, y tế là ngành nghề có tỷ lệ stress nghề nghiệp đứng đầu, điển hình trên đối tượng là điều dưỡng viên [4]. Có khoảng 76,7% điều dưỡng có dấu hiệu stress tại bệnh viện Đại học Zagreb, Croatian [5]. Tại Việt Nam có rất nhiều nghiên cứu cho rằng điều dưỡng viên có nguy cơ cao rơi vào căng thẳng tại nơi làm việc. Điều này ảnh hưởng rất bất lợi đến sức khỏe và sự an toàn của họ [6]. Theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường năm 2017, tại một khoa hồi sức cấp cứu, gần 23% số nhân viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình. Hơn 20% số điều dưỡng than phiền rằng họ thường xuyên có các biểu hiện như cảm thấy nhức đầu, có cảm giác lo âu, căng thẳng tinh thần và giấc ngủ bất thường [7]. Tỷ lệ stress nghề nghiệp của điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Châu Thành – Hậu Giang lần lượt là 53,1%, 33,9% và 32,5% [8].
Điều dưỡng là một nghề cao cả vừa phải chăm sóc tốt cho người bệnh về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó còn phải đối mặt với các nguy cơ bị lây nhiễm từ các tác nhân vật lý và hóa học. Liệu rằng sức khỏe của người bệnh có được cải thiện khi bản thân người điều dưỡng chăm sóc họ rơi vào tình trạng stress nghề nghiệp? Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng chăm sóc phải cần duy trì được tính cân đối giữa sức khỏe người chăm sóc và người được chăm sóc.
Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang là bệnh viện công lập với quy mô lớn và lịch sử hình thành lâu đời. Bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế có tay nghề cao là các trang thiết bị khám và chữa bệnh hiện đại, bệnh viện đã và đang nhận được nhiều sự tin tưởng của người dân không chỉ ở tỉnh nhà mà còn ở các tỉnh thành lân cận. Hiện tại, số lượng người bệnh lên đến hàng chục nghìn người đang điều trị nội trú và ngoại trú do đó điều dưỡng viên phải chịu sức ép của khối lượng lớn công việc, rất dễ đẩy họ rơi vào stress nghề nghiệp.
Vì vậy, nhằm tìm ra giải pháp, kế hoạch để cải thiện sức khỏe của điều dưỡng đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh. Từ những thực tiễn trên cần tiến hành nghiên cứu đề tài “Stress nghề nghiệp và các yếu tố liên quan ở điều dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang”.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thiết kế nghiên cứu : Điều dưỡng lâm sàng đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang.
2.2. Đối tượng nghiên cứu : Điều dưỡng lâm sàng đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang.
2.3. Phương pháp chọn mẫu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu toàn bộ tiến hành trên 412 điều dưỡng lâm sàng đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang.
2.4. Biến số
Biến số thông tin chung của đối tượng: Giới tính, nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân, số lượng con, tình trạng sống chung, tình trạng nhà ở, chuyên môn, khoa đang công tác, thâm niên làm việc.
Biến số yếu tố công việc: thời gian làm việc/tuần, trực đêm, công tác quản lý, sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong công việc, mối quan hệ vưới đồng nghiệp/cấp trên, môi trường làm việc, thu nhập bình quân hàng tháng.
Biến số yếu tố xã hội: sự yêu thích và cơ hội thang tiến trong công việc, thời gian giải trí/ngày.
Biến số Stress nghề nghiệp: sử dụng thang đo Nursing Stress Scale (NSS) [40] để đo lường: ĐD được đánh giá tần suất gây ra stress với 4 bậc : 0 (không bao giờ), 1 (thi thoảng), 2 (thường xuyên), 3 (rất thường xuyên). 34 câu hỏi này được chia làm 7 yếu tố liên quan stress ở ĐD bao gồm: – Nhóm yếu tố liên quan đến cái chết và sự chịu đựng của bệnh nhân. – Nhóm yếu tố liên quan đến sự mâu thuẫn với bác sĩ. – Nhóm yếu tố liên quan đến thiếu kiến thức và sự chuẩn bị tâm lý của ĐD. – Nhóm yếu tố liên quan đến mối quan hệ trong công việc. – Nhóm yếu tố liên quan đến sự mâu thuẫn với ĐD khác. – Nhóm yếu tố liên quan đến khối lượng công việc. – Nhóm yếu tố liên quan đến việc điều trị bệnh nhân.
2.5. Phương pháp thu thập số liệu
2.5.1 Quy trình thu thập dữ liệu
Bước 1: Liên hệ với giám đốc bệnh viện để xin phép được tiến hành nghiên cứu tại bệnh viện. Sau đó căn cứ vào danh sách, lọc mẫu theo tiêu chí chọn mẫu..
Bước 2: Liên hệ điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng trước khi tiến hành nghiên cứu để biết chính xác số lượng điều dưỡng đang làm việc tại các khoa, cũng như hẹn thời gian cụ thể để đưa bộ câu hỏi tự điền. Đồng thời chuẩn bị bộ câu hỏi có sẵn phù hợp với số lượng nhân viên của mỗi khoa.
Bước 3: Gặp các điều dưỡng lâm sàng trình bày và giải thích về đề tài nghiên cứu của mình. Sau đó, phát bộ câu hỏi theo danh sách điều dưỡng của khoa. Hướng dẫn và khảo sát đối tượng bằng bộ câu hỏi tự điền. Hẹn điều dưỡng lâm sàng nhận lại phiếu khảo sát sau thời gian nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc.
2.5.2. Công cụ thu thập dữ liệu : gồm 2 phần
– Phần I: Thông tin chung có 23 câu hỏi bao gồm:
+ A: Yếu tố cá nhân bao gồm 9 câu hỏi.
+ B: Yếu tố công việc gồm 10 câu hỏi.
+ C: Yếu tố xã hội bao gồm 4 câu hỏi.
- Phần II: Thang đo stress điều dưỡng (NSS) bao gồm 34 tình huống.
2.6. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu
Xử lý và phân tích số liệu bằng phần mềm STATA. Phân tích số liệu chia làm 2 phần:
- Thống kê mô tả dưới dạng tần số, tỷ lệ (%) cho các biến số: giới tính, nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân, số người con, người sống chung, chỗ ở hiện tại, trình độ chuyên môn, khoa làm việc, số năm làm việc, số giờ làm việc/tuần, trực đêm, số ngày trực/tuần, thu nhập trung bình/tháng, kiêm nhiệm, công việc quá tải, sự hỗ trợ của đồng nghiệp/cấp trên, mối quan hệ tốt với cấp trên, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, môi trường làm việc an toàn, yêu thích công việc, cơ hội thăng tiến, hài lòng với thu nhập, thời gian giải trí.
Thống kê phân tích: kiểm định chi bình phương (X2), tính tỷ số tỷ lệ hiện mắc (PR) có mức ý nghĩa thống kê với p < 0,05, sử dụng phép kiểm định chính xác Fisher nếu kết quả chứa giá trị vọng trị < 5 chiếm trên 20% để đo lường mối liên quan giữa stress nghề nghiệp với các biến số: giới tính, nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân, số người con, người sống chung, chỗ ở hiện tại, trình độ chuyên môn, khoa làm việc, số năm làm việc, số giờ làm việc/tuần, trực đêm, số ngày trực/tuần, kiêm nhiệm, thu nhập trung bình/tháng, công việc quá sức, sự hỗ trợ của đồng nghiệp/cấp trên, mối quan hệ tốt với cấp trên, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, môi trường làm việc an toàn, yêu thích công việc, cơ hội thăng tiến, hài lòng với thu nhập và thời gian giải trí.
2.7. Y đức trong nghiên cứu
Tất cả đối tượng nghiên cứu được giải thích rõ ràng mục đích nghiên cứu, tự nguyện đồng ý tham gia vào nghiên cứu, nghiên cứu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và uy tín của đối tượng tham gia nghiên cứu. Việc nghiên cứu chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe, chứ không phục vụ mục đích nào khác.
Đối tượng nghiên cứu không muốn tham gia có thể từ chối bất kỳ lúc nào. Thông tin thu thập được đều sẽ được giữ bí mật và chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả cho thấy sự chênh lệch đáng kể về giới tính của điều dưỡng lâm sàng tham gia nghiên cứu tại BVĐKTT Tiền Giang, trong đó nữ giới (83,50%) gấp hơn 5 lần nam giới (16,50%). Đa số điều dưỡng lâm sàng còn trẻ, trong đó nhóm tuổi từ 30 đến 39 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43,93%) , kế tiếp là điều dưỡng dưới 30 tuổi (41,26%) và có 14,81% điều dưỡng lâm sàng từ 40 tuổi trở lên. Những điều dưỡng đã kết hôn chiếm hơn 50% tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu, trong đó ly thân/ly dị chiếm 1,94% và góa là 0,24%. Có 60,92 % ĐTNC đã có con, chủ yếu là từ 1 đến 2 con chiếm 59,71%, tuy nhiên vẫn có điều dưỡng có từ 3 con trở lên chiếm 1,21%. Phần lớn ĐTNC đều có nhà riêng (73,79%), hầu hết đều sống chung với gia đình và người thân (88,11%).
Qua khảo sát, điều dưỡng lâm sàng tham gia nghiên cứu có trình độ hệ cao đẳng chiếm tỷ lệ cao nhất với 60,92%, điều dưỡng có trình độ sau đại học chiếm 1,21%. Điều dưỡng lâm sàng làm việc ở các khoa của Khối Hồi sức – Cấp cứu chiếm tỷ lệ cao nhất (33,01%). Những người có số năm làm việc dưới 5 năm và từ 5 đến dưới 10 năm chiếm ưu thế (31,07% và 30,34%), có 16,99% điều dưỡng làm việc từ 15 năm trở lên. Có sự chênh lệch rõ ràng về thu nhập trung bình/tháng của các ĐTNC, cho tỷ lệ cao nhất đối với nhóm đối tượng có thu nhập từ 5 cho đến dưới 10 triệu đồng/tháng (81,31%), bên cạnh đó những người có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng chiếm 1,94%.
Kết quả ghi nhận, điều dưỡng lâm sàng làm việc từ 41 đến 56 giờ/tuần chiếm đa số (65,05%) và có 7,04% làm việc trên 72 giờ/tuần. Hầu hết các đối tượng đều tham gia trực đêm (87,38%), số ngày trực chủ yếu là từ 1 đến 2 ngày/tuần (76,94%) và có 10,44% đối tượng trực trên 3 ngày/tuần. Khoảng 76,70% điều dưỡng lâm sàng không làm thêm công việc nào khác ngoài công việc chuyên môn và gần 50% điều dưỡng cho rằng khối lượng công việc quá tải.
Qua khảo sát, cho thấy hầu hết điều dưỡng đều nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp (91,26%) nhưng vẫn còn một số người than rằng họ không cảm nhận được điều này (8,74%). Điều dưỡng cho rằng có mối quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp gần như là tuyệt đối (93,69% và 98,06%). Điều dưỡng lâm sàng cảm thấy môi trường làm việc không an toàn chiếm tỷ lệ thấp hơn (45,15%) những người cảm thấy môi trường làm việc an toàn (54,85%).
Qua thống kê, cho thấy phần lớn điều dưỡng lâm sàng đều trả lời rằng họ yêu thích công việc hiện tại (84,47%), tuy nhiên vẫn còn một số đồi tượng cho rằng công việc điều dưỡng không phù hợp với họ (15,53%).
Hơn một nửa điều dưỡng lâm sàng cho rằng họ không có cơ hội thăng tiến trong công việc (72,33%) nhưng vẫn có hơn 1/4 đối tượng (27,67%) cảm thấy bản thân có cơ hội thăng tiến. Có khoảng 70% người không hài lòng với thu nhập, số còn lại chiếm 29,85%. Những điều dưỡng có dành thời gian giải trí trong ngày (53,16%) nhiều hơn số người còn lại (46,84%).
Qua kết quả khảo sát, cho thấy trong 412 điều dưỡng lâm sàng tham gia nghiên cứu tại BVĐKTT Tiền Giang có 17,48% điều dưỡng lâm sàng có dấu hiệu stress nghề nghiệp với KTC 95% là 13,93 – 21,49. Trong đó, số điều dưỡng có dấu hiệu stress nghề nghiệp ở mức độ nặng chiếm 27,78% với KTC 95% là 17,86 – 39,59, kế tiếp là điều dưỡng có stress nghề nghiệp ở mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất là 70,22% với KTC 95% là 60,41 – 82,14 và không có đối tượng nào có dấu hiệu stress nghề nghiệp ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, có tới 82,52% điều dưỡng lâm sàng không có dấu hiệu stress nghề nghiệp với KTC 95% là 78,51 – 86,07.
* Tính khuynh hướng
** kiểm định fisher
Nếu điều dưỡng lâm sàng cứ tăng lên thêm một nhóm giờ làm việc thì tỷ lệ stress nghề nghiệp tăng gấp 1,40 lần so với nhóm giờ làm việc trước đó với p = 0,030 và KTC 95% là 1,03 – 1,89. Những điều dưỡng lâm sàng tham gia trực đêm có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao gấp 10,26 lần những người không tham gia trực đêm với p = 0,002 và KTC 95% là 1,46 – 72,24. Số điều dưỡng lâm sàng cảm thấy công việc quá sức có stress nghề nghiệp cao hơn những người không cảm thấy điều này là 4,35 lần với p < 0,001 và KTC 95% là 2,55 – 7,43.
Những người không nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao gấp 1,88 lần những người nhận được điều này với p = 0,031 và KTC 95% là 1,09 – 3,24. Tỷ lệ stress nghề nghiệp ở những điều dưỡng lâm sàng cho rằng môi trường làm việc không an toàn cao gấp 6,08 lần so với những người cảm thấy môi trường làm việc an toàn với p < 0,001 và KTC 95% là 3,37 – 10,94.
* Kiểm định Fisher
Những điều dưỡng cảm thấy không yêu thích công việc hiện tại có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao hơn đối tượng yêu thích công việc là 4,87 lần (KTC 95%: 3,33 – 7,10), ở những điều dưỡng lâm sàng cảm thấy bản thân không có cơ hội thăng tiến trong công việc có nguy cơ Stress nghề nghiệp cao gấp 3,06 lần những người cảm thấy có cơ hội thăng tiến (KTC 95%: 1,52 – 6,18). Số điều dưỡng không cảm thấy hài lòng với thu nhập hiện tại có stress nghề nghiệp cao hơn những người cảm thấy hài lòng là 5,70 lần (KTC 95%: 2,36 – 13,80). Tỷ lệ stress nghề nghiệp ở điều dưỡng lâm sàng không dành thời gian giải trí trong ngày cao hơn so với những người có dành thời gian giải trí là 1,59 lần (KTC 95%:1,04 – 2,43).
4. BÀN LUẬN
4.1. Stress nghề nghiệp
Qua khảo sát trên 412 điều dưỡng lâm sàng tham gia nghiên cứu, cho thấy có 17,48% đối tượng có dấu hiệu stress nghề
nghiệp. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Hương (2017) nghiên cứu trên đối tượng là điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho thấy tỷ lệ stress là 33,6% [11]. Việc chăm sóc một người bệnh bình thường đã có nhiều khó khăn, trong khi đó điều dưỡng tại bệnh viện tâm thần phải chăm sóc những người bệnh trong tình trạng hạn chế về năng lực và hành vi hoặc mất khả năng nhận thức.
Chính vì vậy điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 hàng ngày phải tiếp xúc với nguy cơ bị hành hung từ người bệnh, phải đối mặt với những đả kích về mặt tinh thần do đó stress dễ dàng phát sinh, gây ra những hậu quả tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ.
4.2. Mối liên quan giữa các đặc điểm công việc và stress nghề nghiệp
Kết quả tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhóm điều dưỡng lâm sàng tham gia trực đêm có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao hơn gấp những người không tham gia trực đêm. Kết quả này tương đồng so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương (2018) [11]. Trực đêm là công việc đặc thù của điều dưỡng, tuy nhiên nếu công việc trong mỗi ca trực không được phân công hợp lý và làm cho điều dưỡng viên không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, mất tập trung và rất dễ gây sai sót trong quá trình làm việc. Vì vậy, có thể xem trực đêm là một trong những yếu tố tác động làm phát sinh stress nghề nghiệp.
Điều dưỡng lâm sàng có thời gian làm việc ở các nhóm giờ từ 41 giờ – 56 giờ, từ 57 đến 72 giờ/tuần và trên 72 giờ/tuần có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao hơn điều dưỡng làm việc dưới 40 giờ/tuần lần lượt là: 1,40; 1,95 và 2,72 lần (p = 0,030). Có sự tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương (2018) tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho thấy những người làm từ 57 đến 72 giờ/tuần và trên 72 giờ/tuần có tỷ lệ stress cao so với người làm từ 40 giờ trở xuống là 5,37 lần và 5,69 lần [12]; Hồ Thị Thu Hương (2015) tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy nhóm đối tượng làm việc càng nhiều giờ/tuần (≥ 48 giờ/tuần) càng có tỷ lệ stress nhiều hơn [1]. Có thể do yếu tố trực đêm là công việc khó tránh khỏi của điều dưỡng lâm sàng vì vậy số giờ làm việc của họ thường xuyên vượt quá mức quy định. Điều này, có thể làm cho họ không có đủ thời gian hồi phục lại thể lực dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống. Do đó, đây cũng có thể xem là yếu tố gây phát sinh tỷ lệ stress nghề nghiệp ở điều dưỡng lâm sàng.
Qua khảo sát, những điều dưỡng cho rằng công việc hiện tại quá sức lao động có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao gấp 4,35 lần những điều dưỡng cảm thấy công việc hiện tại là bình thường (p < 0,001). Kết quả này mặc dù có sự tương đồng nhưng kết quả cho hệ số của tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Lâm Diễm Thu tại BVĐK tỉnh Hậu Giang năm 2019 (2,90 lần) [13], Lâm Minh Quang tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM năm 2019 (3,93 lần) [11]. Có thể thấy ngày nay số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế ngày càng đông trong khi đó nguồn nhân lực lại khan hiếm. Do yêu cầu cao của chuyên môn và tính khẩn trương trong công việc đòi hỏi điều dưỡng phải tăng sức lao động trong thời gian dài làm cơ thể rơi trạng thái suy kiệt, mệt mỏi, giảm khả năng ứng phó với những khó khăn. Vì vậy, yếu tố này cũng có khả năng thúc đẩy tăng tỷ lệ stress nghề ngiệp ở điều dưỡng viên.
4.3. Mối liên quan giữa môi trường làm việc và stress nghề nghiệp
Những điều dưỡng lâm sàng không nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp có dấu hiệu stress nghề nghiệp cao gấp 1,88 lần những người nhận được sự hỗ trợ (p = 0,031). Kết quả có sự tương đồng so với nghiên cứu của Bùi Thị Duyên (2018) tại BVĐK Medlatec cho thấy nhóm đối tượng không nhận được sự hỗ trợ có tỷ lệ stress cao gấp 5,71 lần so với nhóm còn lại [10]. Sự hỗ trợ không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn làm tăng thêm tình cảm giữa những người xung quanh với nhau, có thể giúp cho đi dưỡng tránh khỏi những rủi ro trong công việc, là động lực giúp họ có thể đối phó với những khó khăn và tìm cách vượt qua.
Do đó, sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp cũng là yếu tố quyết định giảm thiểu stress nghề nghiệp. Nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ stress nghề nghiệp ở những điều dưỡng cảm thấy môi trường làm việc không an toàn cao hơn những điều dưỡng không cảm thấy điều này là 6,08 lần (p < 0,001).
Một vài nghiên cứu ở cũng cho rằng môi trường làm việc không an toàn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ stress nghề nghiệp ở điều dưỡng như nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương (2018) [12]. Các nghiên cứu và báo cáo trên thế giới và Việt Nam đều nhận định môi trường, điều kiện lao động của NVYT còn rất nhiều bất lợi: tiếp xúc với tia X, Formaldehyt, yếu tố vi sinh vật,… Đây cũng được coi là nguyên nhân lý giải tỷ lệ stress ở NVYT thường nghiêm trọng hơn so với các ngành nghề khác [14]. Bên cạnh công việc quá tải, điều dưỡng lâm sàng phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây hại đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng của họ.
4.4. Mối liên quan giữa các đặc điểm xã hội và stress nghề nghiệp
Kết quả phân tích cho thấy những người không yêu thích công việc có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao gấp 4,87 lần những người yêu thích công việc (p < 0,001). Có sự tương đồng so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương (2018) tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 [12]. Để hiểu và yêu quý công việc này cần phải trải nghiệm, tìm ra những điều thú vị, thấu hiểu được cảm giác của NB thì mới có sức mạnh chống chọi với những khó khăn, thách thức mà nghề nghiệp mang lại. Trái lại, người không hứng thú với nghề sẽ rất dễ nản lòng, họ làm việc với tinh thần không thoải mái khi gặp sự cố trong công việc, cảm thấy mọi thứ dường như là gánh nặng, điều này ảnh hưởng đến lớn đến tâm lý từ đó phát sinh stress nghề nghiệp. Và đây cũng có thể được xem là yếu tố tác động dẫn đến tỷ lệ stress gia tăng ở NVYT.
Stress nghề nghiệp ở nhóm không cảm thấy hài lòng với thu nhập cao hơn so với nhóm cảm thấy hài lòng là 5,70 lần (p < 0,001). Kết quả có nét tương đồng với nghiên cứu của Lâm Minh Quang (2019) tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM [11]. Bên cạnh khối lượng công việc không thuyên giảm, nhu cầu đời sống ngày càng tăng tuy nhiên mức lương hàng tháng của điều dưỡng tại BV
đa số ở mức trung bình, điều này có thể làm họ cảm thấy chán nản và không có động lực làm việc từ đó có thể dẫn đến tăng tỷ lệ stress nghề nghiệp trên điều dưỡng viên. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, điều dưỡng là trụ cột của ngành Y, tham gia và giữ vai trò quan trọng trong các khâu chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho người dân và cũng là người ở cạnh chăm sóc, động viên người bệnh lúc họ đau yếu. Ngày nay, điều dưỡng từng bước khẳng định vị trí của mình – xứng đáng được công nhận là ngành nghề đem lại lợi ích cho xã hội [15].
Do đó, mỗi điều dưỡng viên đều đáng được nhận mức lương phù hợp với công sức và đóng góp của mình.
Đối với điều dưỡng cảm thấy bản thân không có cơ hội thăng tiến có dấu hiệu stress nghề nghiệp cao gấp 3,06 lần so với nhóm điều dưỡng cảm thấy có cơ hội thăng tiến (p = 0,001). Có sự tương đồng so với nghiên cứu của, Lâm Minh Quang (2019) tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM [11]. Hiện nay, nghề điều dưỡng từng bước đã chứng tỏ vị trí của mình trong xã hội, tuy vậy vẫn còn một số điều dưỡng cảm thấy tự ti và mặc cảm về nghề nghiệp của mình cho nên việc họ khép mình, thiếu trải nghiệm để học hỏi những điều mới sẽ đánh mất nhiều cơ hội tốt cho bản thân. Đây cũng có thể là yếu tố gây tăng tình trạng stress nghề nghiệp.
Kết quả cho thấy những người không dành thời gian giải trí trong ngày có tỷ lệ stress nghề nghiệp cao gấp 1,59 lần so với nhóm còn lại (p = 0,032). Qua khảo sát, tìm được sự tương đồng so với nghiên cứu của Lâm Minh Quang (2019) tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM [11], Bùi Thị Duyên (2020) tại BVĐK Medlatec [10].
Nếu cứ làm việc mà không dành thời gian nghỉ ngơi và điều này cứ kéo dài tới một thời điểm nào đó sẽ làm giảm năng suất lao động: điều dưỡng có thể sẽ trở nên chậm chạp, mất tập trung và rất dễ mắc sai sót trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bước ra khỏi công việc – dành thời gian cho giải trí sẽ giúp cơ thể được giải tỏa tâm lý đồng thời cũng tăng cường khả năng giải quyết vấn để của chính mình. Điều này đúng với việc dành thời gian giải trí là biện pháp tốt để làm giảm áp lực, căng thẳng trong công việc.
5. KẾT LUẬN
Qua khảo sát, có 17,48% điều dưỡng lâm sàng có stress nghề nghiệp. Trong đó số điều dưỡng có stress mức độ nặng chiếm 27,78%, mắc stress mức độ vừa chiếm 72,22% và không có đối tượng stress ở mức độ nhẹ.
Kết quả nghiên cứu tìm thấy mối liên có ý nghĩa thống kê (với p < 0,05) giữa stress nghề nghiệp với các yếu tố sau đây: số giờ làm việc/tuần, trực đêm, quá tải công việc, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp/cấp trên và môi trường làm việc, yêu thích công việc, cơ hội thăng tiến, hài lòng với thu nhập và thời gian giải trí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Thị Thu Hương, Trần Kim Trang (2017), “Stress, trầm cảm, lo âu ở điều dưỡng”, Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh 21(2).
- WHO (2020) Stress at the workplace, access on: 25/12/2020, link: https://www.who.int/news-room/q-a- detail/ccupational-health-stress-at-the-
- Hans Selye (1976), Stress in health and disease. Butterworth, All Rights
- Nguyễn Văn Tuyên (2015), Tình trạng stress nghề nghiệp của Điều dưỡng viên lâm sàng tại bệnh viện Bình Định và một số yếu tố liên quan, Luận văn Thạc sĩ Y tế Công cộng, trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội, tr.30-31.
- Knezevic B, Milosevic M, Golubic R, Belosevic L, Russo A, Mustajbegovi J (2011), “Work-related stress and work ability among Croatian university hospital midwives”. Midwifery, 27 (2), 146-53.
- Lambert, V. , & Lambert, C. E. (2008), Nurses’ workplace stressors and coping strategies. Indian Journal of Palliative Care, pp. 38-44.
- Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (2017), Stress nghề nghiệp ở nhân viên y tế, ngày truy cập: 10/01/2021, link: http://nioeh.org.vn/tam-sinh-ly-lao-dong- ecgonomi/stress-nghe-nghiep-o-nhan- vien-y-te.
- Lê Thành Tài, Trần Ngọc Xuân, Trần Trúc Linh (2008), “Tình hình stress nghề nghiệp của nhân viên điều dưỡng”, Tạp chí Y Học TP. Hồ Chí Minh 12 (4).
- Gray-Toft, P., & Anderson, J. G. (1981), The nursing stress scale: development of an instrument. Journal of behavioral assessment, 3(1), 11-23.
- Bùi Thị Duyên, Lê Đặng Trí (2021) “Tình trạng stress nghề nghiệp và một số yếu tố liên quan của nhân viên y tế các khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa Medlatec năm 2020”, Tạp Chí Y học Cộng đồng 64(3).
- Lâm Minh Quang, Tô Gia Kiên, Huỳnh Ngọc Vân Anh (2019), “Stress và các yếu tố liên quan đến stress ở điều dưỡng tại bệnh viên Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Y Học Tp. Hồ chí Minh 23(2).
- Nguyễn Thị Thanh Hương (2018), Stress và các yếu tố liện quan ở điều dưỡng viên bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ y học dự phòng, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, 10- 54.
- Lâm Diễm Thu (2019), Stress công việc và các yếu tố liên quan trên nhân viê hành chính bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang năm 2019, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, tr.35-50.
- Jehan M Quddus M, Ali NH (2015) “Hepatitis-B vaccination status and knowledge, attitude and practice of high risk Health Care Worker about body substance isolation”, J Ayub Med Coll Abbottabad, 27(3).
- WHO (2002), Strategic Directions for Strengthening Nursing and Midwifery Services.