Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2

TÌM HIỂU MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TRẦM CẢM
Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

 Đỗ Trung quân

Đại Học Y Hà Nội

ABSTRACT

Objective: to analyse the correlation between some factors and depression in type 2 diabetes.   Subject: 231 type 2 diabetic patients in outpatient department from 4/2014 – 9/2014.   Method: cross-sectional study.   Results and conclusion: there are a possitive correlation between depression and gender, age, job, years of diabetes. There are no correlation between depression and  married conditon, education, and blood glucose control

Key words: depression, type 2 diabetes

Chịu trách nhiệm chính: Đỗ Trung Quân

Ngày nhận bài: 1.1.2016

Ngày phản biện khoa học: 15.1.2016

Ngày duyệt bài: 1.2.2016

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường hiện đang là vấn đề xã hội toàn cầu, bệnh phát triển tăng dần theo thời gian và theo tốc độ phát triển của xã hội. Trầm cảm theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD-10, 1992), trầm cảm là một hội chứng bệnh lý của rối loạn cảm xúc. Trầm cảm và đái tháo đường có mối liên hệ hai chiều với nhau [1], mối liên quan giữa hai bệnh lý này được giải thích qua hai giả thuyết: Trầm cảm là hậu quả trực tiếp của việc thay đổi sinh học của bệnh lý đái tháo đường và việc điều trị bệnh lý này; trầm cảm gây ra bởi các yếu tố tâm lý liên quan đến bệnh lý đái tháo đường [2]. Kết quả từ cuộc điều tra Sức khỏe tâm thần thế giới cho thấy tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở những người bị bệnh đái tháo đường so với những người không bị bệnh đái tháo đường. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu:Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn

– Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đã được chẩn đoán bệnh hoặc mới được chẩn đoán lần đầu  theo tiêu chuẩn của ADA 2013. Chẩn đoán đái tháo đường khi có một trong các tiêu chuẩn dưới đây [3]:

+ Đường huyết tương bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l kèm theo các triệu chứng của tăng đường huyết (khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, gầy sút).

+ Đường huyết tương lúc đói (nhịn ăn ≥ 8 – 14 giờ) ≥ 7mmol/l trong 2 buổi sáng liên tiếp.

+ Đường huyết tương 2 giờ sau khi uống 75 gam glucose ≥ 11,1 mmol/l (nghiệm pháp tăng đường huyết).

+ HbA1c (định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng) ≥ 6,5%.

– Tuổi từ 30 đến 60 tuổi.

– Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

– Các thể đái tháo đường khác: đái tháo đường týp 1, đái tháo đường thai nghén, đái tháo đường thứ phát sau sử dụng một số thuốc như corticoid, hocmon tuyến giáp, đái tháo đường do sỏi tụy, đái tháo đường do xơ gan, đái tháo đường có các bệnh lý nội tiết khác kèm theo (Basedow, hội chứng Cushing, to đầu chi…).

– Bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán kết hợp bệnh ung thư tiến triển và các tình trạng đe dọa tính mạng khác.

– Bệnh nhân đang có các biến chứng cấp tính như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê hạ đường huyết các nhiễm trùng cấp tính( sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết).

– Các bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã được chẩn đoán rối loạn tâm thần trước khi khởi phát đái tháo đường hoặc đang điều trị bệnh tâm thần.

– Bệnh nhân không đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

2.2.2. Cỡ mẫu

Cỡ mẫu được tính theo công thức “ước tính một tỷ lệ trong quần thể” sử dụng để định tính trong nghiên cứu mô tả, phân tích.

Trong đó:

p = 0,183 là tỷ lệ trầm cảm ở quần thể bệnh nhân đái tháo đường týp 2 trong nghiên cứu của Zhang Y năm 2013, tại Hồng Kông.

α: 0,05 là mức ý nghĩa thống kê.

Z2(1-α/2): 1,96 là giá trị Z thu được từ bảng Z với α  = 0,05.

∆: là khoảng sai lệch mong muốn giữa tỷ lệ thu được từ mẫu nghiên cứu của chúng tôi và tỷ lệ p = 0,183 của quần thể nghiên cứu trước đó. Ở đây chọn ∆ = 0,05.

Thay số vào trong công thức ta có:

Vậy cỡ mẫu của nghiên cứu tối thiểu là n = 230 bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Tất cả các bệnh nhân đều được tiến hành theo các bước: Hỏi bệnh, khám bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng theo một mẫu bệnh án và bảng câu hỏi PHQ-9 thống nhất.

Xử lý số liệu: Phần mềm SPSS 16.0

 3. KẾT QUẢ

3.1. Liên quan giữa trầm cảm với giới

Biểu đồ 1: Liên quan giữa trầm cảm và giới

Nhận xét: Tỉ lệ trầm cảm ở nữ cao hơn nam giới

3.2. Liên quan giữa trầm cảm với trình độ học vấn

Bảng 1. Liên quan giữa trầm cảm với trình độ học vấn

Nhận xét: Không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ trầm cảm ở các nhóm có học vấn khác nhau

3.3. Liên quan giữa trầm cảm với tình trạng hôn nhân

Bảng 2. Liên quan giữa trầm cảm với tình trạng hôn nhân

Nhận xét: Không có sự khác biệt về tỉ lệ trầm cảm giữa các nhóm đối tượng có tình trạng hôn nhân khác nhau

3.4. Liên quan giữa trầm cảm với nghề nghiệp

Bảng 3. Liên quan giữa trầm cảm với nghề nghiệp

Nhận xét: Có sự khác về tỷ lệ trầm cảm ở các nhóm có nghề nghiệp khác nhau và cao hơn ở những người lao động công nhân. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p< 0,05

3.5. Liên quan giữa trầm cảm với  thời gian phát hiện đái tháo đường

Biểu đồ 3: Liên quan giữa trầm cảm với thời gian phát hiện đái tháo đường

Nhận xét: Có sự khác nhau về tỉ lệ trầm cảm ở các nhóm bệnh nhân có thời gian phát hiện đái tháo đường khác nhau

3.6. Liên quan giữa trầm cảm với tình trạng kiểm soát đường huyết

Bảng 4. Liên quan giữa trầm cảm với tình trạng kiểm soát đường huyết

Nhận xét: Không có mối liên quan giữa tỉ lệ trầm cảm và mức độ kiểm soát đường huyết

4. BÀN LUẬN

4.1. Liên quan giữa trầm cảm với giới

Kết quả cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân nữ đái tháo đường týp 2 cao hơn ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự một số kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đó. Nghiên cứu của Agbir TM năm 2010 trên 160 bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú ở Nigeria, Tapash Roy năm 2013 [4] trên 417 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 ở Bangladesh đều thấy rằng tỷ lệ trầm cảm ở nữ cao gấp 3 lần ở nam giới. Hay các nghiên cứu khác, Téllez-Zenteno JF năm 2002, Lee HJ năm 2009 cũng khẳng định trầm cảm có liên quan đến giới và cao hơn ở nữ. Có sự khác biệt này là do trầm cảm bị ảnh hưởng bởi nồng độ estrogen và liên quan đến thời kỳ tiền mạn kinh và mạn kinh [5] cũng như sự khác biệt về yếu tố chấn thương tâm lý xã hội khác nhau ở nam và nữ.

4.2. Liên quan giữa trầm cảm với trình độ học vấn

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác nhau về tỷ lệ trầm cảm giữa các nhóm có học vấn khác nhau là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.  Phù hợp với kết quả của một số tác giả khác trên thế giới như nghiên cứu của Agbir TM năm 2010 trên 160 bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú ở Nigeria không thấy có liên quan với trình độ giáo dục (p=0,268). Leonard E và Egede, 2003 [6] nghiên cứu ở 1810 bệnh nhân cũng nhận thấy rằng không có sự liên quan giữa trầm cảm với trình độ học vấn (p=0,7139). Hay Miyaoka Y và cộng sự năm 1997 nghiên cứu trên 151 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cũng khẳng định trầm cảm không liên quan với trình độ học vấn.

4.3. Liên quan giữa trầm cảm với tình trạng hôn nhân

Kết quả cho thấy có sự khác nhau về tỷ lệ trầm cảm giữa các nhóm đối tượng có tình trạng hôn nhân khác nhau. Trong đó nhóm  góa, li thân, li dị có 37,5% bị trầm cảm. Nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05. Khi xử lý số liệu tìm mối liên quan giữa tình trạng hôn nhân và trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, tác giả Nasser J năm 2009, nghiên cứu trên 264 bệnh nhân đái tháo đường thấy rằng không có liên quan giữa trầm cảm và tình trạng hôn nhân (p=0,776). Tác giả Nitin Joseph năm 2013 nghiên cứu 230 bệnh nhân đái tháo đường cũng không tìm thấy có mối liên quan với tình trạng hôn nhân (tỷ lệ trầm cảm ở nhóm đã kết hôn là 46,5% so với nhóm chưa kết hôn là 26,7%, p = 0,135). Ở một số nghiên cứu khác [7] lại cho thấy có mối liên quan giữa trầm cảm với tình trạng hôn nhân ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, những người bị góa bụa hay không  kết hôn bị tỷ lệ trầm cảm cao hơn.

4.4. Liên quan với nghề nghiệp

Theo nghiên cứu của các tác giả trên thế giới thấy có liên quan giữa trầm cảm với nghề nghiệp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Tác giả Téllez-Zenteno JF năm 2002 [7] nghiên cứu trên 189 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 ở Mexico thấy những người nội trợ có tỷ lệ trầm cảm cao hơn (p=0,01). Trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác về tỷ lệ trầm cảm ở các nhóm có nghề nghiệp khác nhau và cao hơn ở những người lao động công nhân. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Có lẽ do đặc điểm những người công nhân ở Việt Nam phải làm việc với cường độ, áp lực cao mà thu nhập lại thấp cộng thêm gánh nặng về bệnh tật từ đó phát sinh những rối loạn về tâm thần.

4.5. Liên quan với thời gian phát hiện đái tháo đường týp 2

Kết quả cho thấy tỷ lệ trầm cảm khác nhau giữa những nhóm bệnh nhân có thời gian mắc đái tháo đường khác nhau trong đó tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở nhóm bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường typ 2 lần đầu tiên (35,7%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05. Nghiên cứu của Khuwaja AK và cộng sự năm 2010 trên 889 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thấy rằng trầm cảm có liên quan đến thời gian mắc bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở những bệnh nhân bị đái tháo đường trên 5 năm (46,5%) với p = 0,030. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở những bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường typ 2 lần đầu tiên có thể là do: bệnh đái tháo đường typ 2 tuy mới lần đầu phát hiện nhưng thực ra người bệnh đã có từ trước đó rất lâu mà không có biểu hiện triệu chứng. Khi đường huyết tăng trong thời gian dài  sẽ làm thay đổi các yếu tố sinh học nồng độ catecholamine và độ tâp trung serotonine là cơ chế phát sinh trầm cảm [2]. Hơn nữa bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường chưa được tư vấn điều trị, thường hoang mang, lo lắng, sợ hãi về bệnh nghĩ đó là bệnh nguy hiểm không chữa khỏi được phải sống chung suốt đời, ảnh hưởng đến kinh tế do đó tác động đến tâm lý.

4.6. Liên quan với tình trạng kiểm soát đường huyết

Kết quả cho thấy tỷ lệ trầm cảm của nhóm có HbA1c < 7% (13,0%) và nhóm có HbA1c ≥ 7% (18,8%). Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 bị trầm cảm trong nhóm có glucose máu đói từ 3,9-7,2mmo/l là 12 người (15,0%). Số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 bị trầm cảm trong nhóm có glucose máu đói  > 7,2mmol/l là 27 người (17,9%). Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Edurne Alonso-Morán và cộng sự [69] nghiên cứu trên 126.894 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có độ tuổi > 35 cũng thấy rằng tình trạng kiểm soát đường huyết kém không làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Waleed M Sweileh và cộng sự, 2014 [8] nghiên cứu trên 294 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cũng không tìm thấy mối liên quan giữa trầm cảm và tình trạng kiểm soát đường huyết kém. Trong  một số nghiên cứu khác: Nitin Joseph, 2013 [9] trên 230 bệnh nhân đái tháo đường typ 2; Thomas Lype, 2009 [64] trên 71 bệnh nhân đái tháo đường typ 2; Georgiades A, 2007 trên 90 bệnh nhân đái tháo đường typ 2, đều nhận thấy không có sự liên quan của tình trạng kiểm soát đường huyết với trầm cảm. Như vậy  kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trên.

 TÓM TẮT

Mục tiêu: Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Đối tượng nghiên cứu: 231 bệnh nhân được chẩn đoán xác định đái tháo đường typ 2 theo tiêu chuẩn của ADA 2013 tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu từ T4/2014 – T9/2014. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang. Kết quả và bàn luận: Có mối liên quan giữa tỉ lệ trầm cảm với giới, tuổi, nghề nghiệp, thời gian phát hiện đái tháo đường. Không thấy mối liên quan giữa tỉ lệ trầm cảm với tình trạng hôn nhân, học vấn, tình trạng kiểm soát đường huyết

Từ khoá: trầm cảm, đái tháo đường typ 2

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mezuk B, Eaton WW et al (2008).  Depression and type 2 diabetes over the lifespan: a meta-analysis. Diabetes Care. 13, tr. 2383–2390.
  2. Talbot F Nouwen A (2000). A review of the relationship between depression and diabetes in adults?. Diabetes Care. 23, tr. 1556-1562.
  3. American Diabetes Association (2013). Standards of Medical Care in Diabetes- 2013. Diabetes Care. 36(1), tr. 11-66.
  4. Tapash Roy, Cathy E Lloyd et al (2012). Prevalence of co-morbid depression in out-patients with type 2 diabetes mellitus in Bangladesh. BMC Psychiatry. 12, tr. 123.
  5. Archer JS (1999). Relationship between estrogen, serotonin, and depression. Menopause. 6(1), tr. 71-78.
  6. Egede LE Zheng D (2003). Independent Factors Associated With Major Depressive Disorder in a National Sample of Individuals With Diabetes. DiabetesCare. 26, tr. 104-111.
  7. Téllez-Zenteno JF1 Cardiel MH (2002). Risk factors associated with depression in patients with type 2 diabetes mellitus. Arch Med Res. 33, tr. 53-60
  8. Waleed M Sweileh et al (2014). Prevalence of depression among people with type 2 diabetes mellitus: a cross sectional study in Palestine. BMC Public Health. 14, tr. 163.
  9. Nitin Joseph, Bhaskaran Unnikrishnan et al (2013). Proportion of depression and its determinants among type 2 diabetes mellitus patients in various tertiary care hospitals in Mangalore city of South India. Indian J Endocrinol Metab, 17(4), tr. 681–688.

10.Rapaport W, Taylor Cohen R, & Riddle MC. (2000). Diabetes Through the Life Span: Psychological                        Ramifications for Patients and Professional. Diabetes Spectrum, 13 (4): 201.

11.Richardson LK, Egede LE and Mueller M. (2008). Effect of Race/Ethnicity and Persistent Recognition of                Depression on Mortality in Elderly Men With Type 2 Diabetes and Depression. Diabetes Care, 31(5): 880 – 881.

12.Rubin RR, Ma Y, Marrero DG, Peyrot M, Barrett-Connor EL, Kahn SE,. Haffner SM, Price DW, and Knowler            WC. (2008). Elevated Depression Symptoms, Antidepressant Medicine Use, and Risk of Developing Diabetes          During the Diabetes Prevention Program. Diabetes Care, 31:420-426.

13.Rubin RR, Ciechanowski P, Egede LE, Lin EH, Lustman PJ. (2004) Recognizing and treating depression in           patients with diabetes. Curr Diab Rep. Apr; 4(2):119-25. Review.

14.Rudorfer, MV, Henry, ME, Sackeim, HA (2003). “Electroconvulsive therapy”. In A Tasman, J Kay, JA                      Lieberman (eds) Psychiatry, Second Edition. Chichester: John Wiley & Sons Ltd, 1865–1901.

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …