Tìm hiểu tình hình đái tháo đường, tiền tháo đường và một số yếu tố liên quan của người trưởng thành tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng năm 2015

TÌM HIỂU TÌNH HÌNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

TẠI XÃ HỒNG TRỊ, HUYỆN BẢO LẠC, TỈNH CAO BẰNG NĂM 2015

Vũ Bích Nga, Cao Thị Mai Lê, Nguyễn Văn Đông

           Trường Đại học Y Hà Nội

SUMMARY

Status of diabetes and pre-diabetes mellitus and some risk factors of diabetes and pre-diabetes in adults at hong tri village, bao lac district, cao bang province in 2015

A cross sectional study of 290 people with age from 20 to 70 years old at Hong Tri village, Bao Lac district, Cao Bang province in August, 2015. All people were interviewed about individual information, measured anthropometric index and blood pressure, examined fasting blood glucose and did glucose tolerance test. The prevalence of diabetes was 1,4% and of pre-diabetes was 14,8% (impaired glucose tolerance was 6,6% and impaired fasting glucose was 8,2%). The risk factors of diabetes and prediabetes include age and abdominal obesity. There was no statistical significance correlation between diabetes and pre-diabetes with gender, BMI, hypertension, alcohol use, smoking, education, physical activity level.

Keywords: prevalence, diabetes, pre-diabetes, risk factors

TÓM TẮT

Điều tra cắt ngang 290 đối tượng độ tuổi từ 20 – 70 tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng tháng 8/2015. Các đối tượng được phỏng vấn thu thập thông tin cá nhân, đo các chỉ số nhân trắc và huyết áp, xét nghiệm đường máu lúc đói và làm nghiệm pháp dung nạp glucose. Tỷ lệ ĐTĐ là 1,4%; TĐTĐ là 14,8% (RLDNG là 6,6% và RLĐHLĐ là 8,2%). Các yếu tố ảnh hưởng đến ĐTĐ, TĐTĐ bao gồm độ tuổi và tình trạng béo bụng. Chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa ĐTĐ, TĐTĐ với BMI, tăng huyết áp, uống rượu bia, hút thuốc lá, học vấn, mức độ hoạt động thể lực.

Từ khóa: Tỷ lệ mắc, ĐTĐ, TĐTĐ, yếu tố nguy cơ

Chịu trách nhiệm chính: Vũ Bích Nga

Ngày nhận bài: 13.9.2017

Ngày phản biện khoa học: 18.9.2017

Ngày duyệt bài: 24.9.2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) mà trong đó chủ yếu là ĐTĐ týp 2 đang là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam không xếp vào 10 nước có tỷ lệ ĐTĐ cao nhưng lại là quốc gia có tốc độ phát triển bệnh nhanh. Nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương năm 2012 cho thấy, tỷ lệ ĐTĐ ở Việt Nam tăng nhanh từ 2,7% (năm 2001) lên 5,4% (năm 2012) [1]. Phát hiện và quản lý sớm bệnh ĐTĐ, “tiền đái tháo đường” (TĐTĐ) trong cộng đồng là vô cùng cần thiết, trên thế giới người ta đã chứng minh rằng ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng và quản lý được, những người mang yếu tố nguy cơ nếu được điều trị kịp thời bằng thuốc và/hoặc bằng chế độ ăn uống, luyện tập, thay đổi lối sống thì sẽ có khả năng tránh khỏi bệnh ĐTĐ. Tại Cao Bằng, năm 2006 điều tra bệnh ĐTĐ ở những người từ 30-69 tuổi có yếu tố nguy cơ cao tại thành phố Cao Bằng, tỷ lệ ĐTĐ là 6,8% [2]. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khảo sát nào về tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ và TĐTĐ trong cộng đồng các dân tộc vùng sâu vùng xa ở Cao Bằng. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:

  1. Xác định tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ của người trưởng thành tại xã Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng.
  2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến ĐTĐ, TĐTĐtrên nhóm đối tượng là người trưởng thành tại xã Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được thực hiện tháng 8/2015 tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đối tượng nghiên cứu là những người từ 20 – 70 tuổi sinh sống tại địa điểm nghiên cứu.

Loại khỏi nghiên cứu nếu đối tượng đã ăn sau khi đến khám hoặc ăn sau 21 giờ, các đối tượng đang mắc các bệnh cấp tính hoặc các đối tượng đang dùng các thuốc có ảnh hưởng tới chuyển hóa đường.

Dựa trên tỷ lệ ĐTĐ theo nghiên cứu trước đó tại Cao Bằng ước tính 6,8% [2], cỡ mẫu tính được là 286.

Điều tra mô tả cắt ngang này chúng tôi chọn ngẫu nhiên được 290 đối tượng. Đối tượng tham gia được yêu cầu nhịn ăn từ 8 – 14 giờ (tính từ sau bữa ăn cuối cùng đến khi lấy máu). Buổi sáng ngày điều tra, đối tượng được lấy máu ở đầu ngón tay để đo đường huyết mao mạch lúc đói.

Sau đó, tất cả các đối tượng được điều tra có đường máu lúc đói từ 5,6 mmol/l đều được làm nghiệp pháp dung nạp glucose, ngoại trừ các trường hợp đường máu lúc đói bằng hoặc trên 15 mmol/l thì không làm.

Đối tượng được uống 75g glucose khan pha với 200 ml nước. 2 giờ sau khi uống, đối tượng được lấy máu đầu ngón tay lần 2 để đo đường huyết sau uống.

Trong thời gian chờ lấy máu lần 2, đối tượng được cân, đo các chỉ số nhân trắc, huyết áp, mạch và được phỏng vấn theo phiếu điều tra.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ năm 2015, chúng tôi chẩn đoán ĐTĐ và TĐTĐ như sau [3]:


Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS 22.0 và sử dụng test kiểm định: t-test so sánh trung bình, Chi-bình phương c2 để so sánh tỷ lệ và tính tỷ suất chênh OR.

III. KẾT QUẢ

Bảng 1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm của đối  tượng  trong nghiên cứu  là :  nữ  nhiều gấp 2,4 lần  nam. Hơn 1/3 đối tượng là mù chữ (34,5%). Tính chất công việc trung bình và nặng chiếm gần 80%.

Bảng 2. Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ của đối tượng nghiên cứu

 Trong 290 đối tượng nghiên cứu có tỷ lệ mắc ĐTĐ chiếm 1,4%. Rối loạn dung nạp glucose là 6,6%. Tỷ lệ TĐTĐ chung là 14,8%.

Bảng 3. ĐTĐ, TĐTĐ và một số yếu tố liên quan


Nhóm tuổi từ 45 trở lên có nguy cơ mắc ĐTĐ, TĐTĐ cao gấp 2,5 lần so với những người ở nhóm tuổi trẻ hơn với p < 0,05.

Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ của nam giớicó xu hướng cao hơn ở nữ giới, nhóm BMI≥23 cao hơn nhóm bình thường, nhóm tăng huyết áp cao hơn nhóm không có tăng huyết áp nhưng sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Béo bụng làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ, TĐTĐ ở nữ giới lên 2,8 lần (p<0,05). Ở nam giới, béo bụng làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ, TĐTĐ lên 3,5 lần (p<0,05).

Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ của nhóm uống rượu bia thường xuyên cao hơn so với nhóm không uống thường xuyên. Nhưng sự khác biệt giữa các nhóm chưa có ý nghĩa thống kê.

Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ của nhóm hút thuốc hằng ngày cao hơn nhóm không hút thuốc hằng ngày. Tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê p>0,05.

Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ ở nhóm có hoạt động thể lực nhẹ có xu hướng cao hơn so với nhóm hoạt động thể lực trung bình và nặng nhưng sự khác biệt giữa các nhóm chưa có ý nghĩa thống kê p > 0,05.

IV. BÀN LUẬN

Tỷ lệ ĐTĐ của nhóm đối tượng nghiên cứu là 1,4%, thấp hơn so với nghiên cứu của Tạ Văn Bình (2006) điều tra tại tỉnh Cao Bằng qua sàng lọc thấy tỷ lệ ĐTĐ là 6,8% [2]. Năm 2012, báo cáo dịch tễ học bệnh ĐTĐ trên 6 vùng sinh thái trong cả nước của Bệnh viện Nội tiết TW cho thấy tỉ lệ ĐTĐ của cả nước là 5,4%, khu vực miền núi phía Bắc là 4,8% [4]. Có thể nghiên cứu này bao gồm cả các đối tượng ở thành phố, thị xã, do đó tỷ lệ ĐTĐ thu được cao hơn.

Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 6,6%, thấp hơn so với nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết trung ương năm 2012 trên 11191 người tại 6 vùng, tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose trên cả nước là 12,8%, của khu vực miền núi phía Bắc là 10,7% [4]. So với một số nghiên cứu khác, tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose chúng tôi thu được cũng thấp hơn. Kết quả của Tạ Văn Bình (2006) điều tra tại Cao Bằng là 13,8% [2]. Nghiên cứu của Lê Quang Minh (2012) tại Bắc Cạn cho tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 18,9% [5].

Theo nghiên cứu chúng tôi, mặc dù tỷ lệ ĐTĐ chỉ là 1,4%, nhưng tỷ lệ TĐTĐ tại xã Hồng Trị năm 2015 lên tới 14,8%. Đó là một con số đáng lưu tâm trong khi yếu tố thường được quan tâm nhiều hơn là ĐTĐ và rối loạn dung nạp glucose lại cho tỷ lệ khá thấp. Về sự khác nhau với nghiên cứu chung trên cả nước, có thể được giải thích do xã Hồng Trị là một khu vực vùng sâu vùng xa, chưa bị quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Mặt khác, do cách chọn mẫu, cỡ mẫu và cách thức tiến hành khác nhau nên cho kết quả có sự khác biệt. Hơn nữa, do mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn ít, những đối tượng này chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, sinh sống ở xã vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn, lao động chân tay nhiều. Bảo Lạc là một vùng miền núi điển hình với điều kiện kinh tế xã hội ở mức thấp, nền kinh tế dựa vào nông lâm nghiệp là chủ yếu nên tỷ lệ ĐTĐ còn thấp so với các địa phương phát triển khác.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, mối liên quan ĐTĐ, TĐTĐ với giới tính, tình trạng béo phì (BMI≥23) chưa rõ ràng. Điều này có thể do cỡ mẫu chưa đủ lớn nên chưa thể hiện rõ sự khác biệt. Nghiên cứu cho thấy nhóm tuổi trên 45 có tỷ lệ ĐTĐ và TĐTĐ cao hơn gấp 2,5 lần so với nhóm tuổi dưới 45 (p<0,05). Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa ĐTĐ, TĐTĐ và chỉ số eo/hông: Nữ có WHR≥0,85 có nguy cơ ĐTĐ, TĐTĐ cao gấp 2,8 lần nữ có WHR bình thường (p<0,05). Ở nam giới, béo bụng cũng làm tăng tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ lên 3,5 lần (p<0,05). Các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng cho thấy mối liên quan này.

Theo DeFronzo, thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin cùng với tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, do đó dẫn đến sự xuất hiện của ĐTĐ týp 2 [6]. Theo nghiên cứu của Hardy, có mối tương quan giữa béo trung tâm với sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan, và kết quả là làm suy giảm sự nhận tín hiệu insulin của tế bào, mô mỡ nội tạng cũng dễ bị viêm nhiễm và sản xuất cytokin viêm, góp phần vào sự suy giảm đáp ứng với tín hiệu insulin [7].

Nghiên cứu này không chỉ ra mối liên quan giữa tăng huyết áp và ĐTĐ, TĐTĐ. Có thể do số lượng đối tượng nghiên cứu còn hạn chế so với một nghiên cứu có tính chất cộng đồng, nên để có kết quả tương thích thiết nghĩ cần nghiên cứu thêm để có kết luận rõ ràng hơn.

Nghiên cứu của Todd Gress (2000) tiến hành một theo dõi dọc trên 12550 đối tượng được chọn từ 4 bang ở Mỹ có độ tuổi từ 45 – 64, không mắc ĐTĐ trước đó. Các đối tượng này được chia làm 2 nhóm: THA và không THA (THA khi HATT≥140mmHg và/hoặc HHTTr≥90mmHg), theo dõi trong 6 năm. Kết quả cho thấy những người THA nguy cơ ĐTĐ cao gấp 2,43 lần so với nhóm không THA [8].

Trình độ học vấn và mức thu nhập có ảnh hưởng đến chất lượng sống, từ đó có thể gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ. Nghiên cứu này cho thấy nhóm đối tượng mù chữ và nhóm đối tượng trình độ chuyên nghiệp có tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ cao hơn so với các nhóm còn lại, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê p > 0,05.

Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ ra mối liên quan giữa hút thuốc lá và uống rượu bia với tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ. Về mối liên quan này, các nghiên cứu cũng có các kết luận khác nhau.Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới thì sự phụ thuộc này còn tùy thuộc vào mức độ sử dụng, thời gian sử dụng, thậm chí sử dụng rượu ở mức độ trung bình còn làm giảm nguy cơ ĐTĐ.

Mối liên quan giữa tính chất công việc và ĐTĐ, TĐTĐ: Luyện tập thể lực giúp giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng. Nhiều kết quả của các tác giả đã công bố cho thấy luyện tập thể lực thường xuyên (30 phút/ngày) có tác dụng làm giảm nhanh nồng độ glucose máu, giảm nồng đọ triglycerid ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, đồng thời duy trì ổn định hàm lượng lipid máu, huyết áp, cải thiện tình trạng kháng insulin, có tác dụng giảm khả năng tích trữ glucose ở cơ [9]. Nghiên cứu của chúng tôi chưa đưa ra được mối liên quan giữa ĐTĐ, TĐTĐ và mức độ hoạt động thể lực.

V. KẾT LUẬN KHUYẾN NGHỊ

Tỷ lệ ĐTĐ, TĐTĐ tương ứng là 1,4% và 14,8%.

Các yếu tố ảnh hưởng đến ĐTĐ, TĐTĐ gồm độ tuổi, tình trạng béo bụng. Chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa ĐTĐ, TĐTĐ với giới, BMI, tăng huyết áp, uống rượu bia, hút thuốc lá, học vấn, mức độ hoạt động thể lực.

Tỷ lệ ĐTĐ,TĐTĐ ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, cần có những chương trình sàng lọc phát hiện sớm TĐTĐ, ĐTĐ ở người có yếu tố nguy cơ để có những dự phòng giảm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tiền ĐTĐ thành ĐTĐ týp 2.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện chiến lược và chính sách Y tế (2013). Báo cáo đánh giá một số kết quả hoạt động chương trình phòng chống đái tháo đường giai đoạn 2009 – 2011.
  2. Tạ Văn Bình, Hoàng Kim Ước, Nguyễn Minh Hùng và cộng sự (2008). Kết quả điều tra đái tháo đường và rối loạn đường huyết ở đối tượng có nguy cơ cao tại Cao Bằng. Hội Nghị Khoa Học Toàn Quốc Chuyên Ngành Nội Tiết Và Chuyển Hóa Lần Thứ 3, 825–827.
  3. American Diabetes Association (2015). Diagnosis and classification of diabetes mellitus. Diabetes Care, S67-74.
  4. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2013). Báo cáo kết quả sơ bộ hoạt động điều tra lập bản đồ dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012, Hội nghị khoa học về Nội tiết – Chuyển hóa toàn quốc lần thứ VII.
  5. Lê Quang Minh, Phạm Thị Hồng Vân và Nguyễn Minh Tuấn (2009). Phát hiện rối loạn glucose máu và ĐTĐ type 2 tại tỉnh Bắc Cạn. Tạp Chí Học Thực Hành, 675(9), 2–5.
  6. DeFronzo R.A. and Ferrannini E. (1991). Insulin resistance. A multifaceted syndrome responsible for NIDDM, obesity, hypertension, dyslipidemia, and atherosclerotic cardiovascular disease. Diabetes Care, 14(3), 173–194.
  7. Hardy O.T., Czech M.P., and Corvera S. (2012). What causes the insulin resistance underlying obesity? Current Opinion in Endocrinology & Diabetes and Obesity, 19(2), 81–87.
  8. Gress T.W., Nieto F.J., Shahar E. et al. (2000). Hypertension and antihypertensive therapy as risk factors for type 2 diabetes mellitus. New England Journal of Medicine, 342(13), 905–912.
  9. Tạ Văn Bình (2007). Dịch tễ dọc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam – Các phương pháp điều trị và biện pháp phòng chống, NXB Y học, Hà Nội.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …