Tình hình thiếu iot tại Việt Nam hiện nay

TÌNH HÌNH THIẾU I ỐT TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Phan Hướng Dương, Đoàn Tuấn Vũ, Nguyễn Quang Chúy,

Dương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Thành

Bệnh viện Nội tiết Trung ương

ABSTRACT

 Iodine Deficiency current situation  in Vietnam

The study was conducted nationwide, including 6 socio-economic regions with 2160 households with women aged 18-49 years. The survey results are as follows: the rate of households using iodine salty condiments (ISC) is 90.6% at nationwide level. The proportion of households consuming adequately iodized salty condiments is 79,6%. The median value of urine iodine level is 97 μg /l. In which: Northern midlands and mountains area: 72 μg / l; Red river delta: 89 μg / l; North central area and central coastal area: 95 μg / l; Central highlands area: 118, 5 μg / l; Southeast area: 107 μg / l; Mekong river delta: 93 μg / l.

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, bao gồm 6 vùng kinh tế – xã hội với 2160 hộ gia đình (HGĐ) có phụ nữ 18-49 tuổi. Kết quả nghiên cứu như sau: tỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn có I ốt (GVMI) toàn quốc là 90,6%. Tỷ lệ HGĐ sử dụng GVMI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (TCPB) là 79,6%. Mức trung vị I ốt niệu toàn quốc là 97 μg/l. Trong đó:khu vực Trung du và miền núi phía Bắc: 72 μg/l; khu vực đồng bằng sông Hồng: 89 μg/l; khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: 95 μg/l; khu vực Tây Nguyên: 118,5 μg/l; khu vực miền Đông Nam Bộ: 107 μg/l; khu vực đồng bằng sông Cửu Long: 93 μg/l.

Chịu trách nhiệm chính:

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

I ốt là nguyên tố vi lượng cần thiết để tổng hợp hormon giáp (T3 và T4). Hormon giáp cần thiết cho sự hình thành và phát triển các cơ quan. Thiếu I ốt có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau như: tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đần độn, chậm phát triển trí tuệ, bướu cổ…gọi là các rối loạn do thiếu I ốt (CRLTI).

Tại Việt Nam, năm 1993 số liệu điều tra toàn quốc cho thấy, 94% dân số Việt Nam có nguy cơ bị thiếu I ốt: tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22,4%, mức trung vị I ốt niệu là 32 μg/l. Năm 1995, Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng chống CRLTI được thành lập. Đến năm 2005, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thanh toán tình trạng thiếu I ốt.

Tuy nhiên, sau năm 2005, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng thiếu I ốt đã quay trở lại Việt Nam. Các cuộc điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW, tổ chức UNICEF trong giai đoạn 2008-2009 cho thấy tỷ lệ hộ gia đình (HGĐ) sử dụng muối I ốt chỉ còn 69,5%, mức trung vị I ốt niệu chỉ đạt 83 μg/l. Nhằm đánh giá thực trạng tình hình thiếu I ốt hiện nay cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động phòng chống CRLTI giai đoạn 2016 – 2020, Bệnh viện Nội tiết TW thực hiện điều tra toàn quốc tình trạng thiếu I ốt với mục tiêu sau:

  1. Xác định độ phủ muối và gia vị mặn bổ sung I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại các hộ gia đình trên toàn quốc.
  2. Xác định chỉ số trung vị I ốt niệu trên đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 đến 49 tuổi.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Đối tượng nghiên cứu: Hộ gia đình có phụ nữ có phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 18 – 49 tuổi.

2. hời gian thực hiện: Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2018.

3. Địa điểm nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện trên toàn quốc, bao gồm 6 kinh tế – xã hội:Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

4. Thiết kế nghiên cứu:Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

5. Cỡ mẫu:

Áp dụng cỡ mẫu cho nghiên cứu mô tả cắt ngang:

 

 

 

p : Tỉ lệ đối tượng có kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống CRLTI đạt yêu cầu (điều tra toàn quốc năm 2013) là 62,6%.

(1-p) : 37,4%

d : Độ chính xác mong muốn = 0,03

DE : hệ số thiết kế cụm = 2

– Cỡ mẫu được tính là 1999 đối tượng. Thêm 10% dự phòng mất mẫu và làm tròn số, ta được cỡ mẫu thực tế để tiến hành điều tra toàn quốc là 2.160 đối tượng.

– Cỡ mẫu điều tra tại mỗi vùng là 360 hộ gia đình

– Mỗi vùng kinh tế – xã hội điều tra 30 cụm (đơn vị cụm điều tra là xã/phường hoặc tương đương. Số cụm điều tra toàn quốc là 30 x 6 = 180cụm). Số hộ gia đình có phụ nữ độ tuổi sinh đẻ điều tra tại 01 cụm xã/phường là:  360 /30 cụm = 12 hộ gia đình.

6. Phương pháp chọn mẫu

Chúng tôi áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng nhiều giai đoạn, bao gồm các bước:

Bước 1: Chọn 6 vùng kinh tế – xã hội.

Bước 2:Tại mỗi một vùng kinh tế – xã hội chọn 30 cụm điều tra (xã/phường) bằng phương pháp PPS (Probability Proportionate to Size) từ khung mẫu là danh thống kê dân số toàn bộ xã/phường trên toàn quốc của Tổng cục Dân số.

Bước 3:Chọn hộ gia đình từ danh sách các hộ gia đình có phụ nữ độ tuổi 18-49 tuổi.

7. Các biến số, chỉ số nghiên cứu và chỉ tiêu đánh giá

7.1. Quy định về muối và các gia vị mặn khác:

  • Muối không có i ốt: hàm lượng i ốt trong muối < 50 µg/10 gr
  • Muối có i ốt nhưng không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (TCPB) khi nồng độ i ốt từ 50 – dưới 150 µg/10 gr.
  • Muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (theo khuyến cáo của UNICEF): Hàm lượng i ốt trong muối từ 150 – 400 µg/10 gr
  • Muối có hàm lượng i ốt cao: Hàm lượng i ốt trong muối > 400 µg/10 gr
  • Gia vị mặn ngoài muối như: bột nêm, bột canh được đánh giá là bột canh i ốt, bột nêm i ốt khi gia vị để trong túi của chính sản phẩm đó còn nguyên nhãn mác bột canh i ốt, bột nêm i ốt. Hàm lượng i ốt theo công bố của nhà sản xuất.
  • Độ bao phủ gia vị mặn có i ốt (GVMI) bao gồm muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và bột canh i ốt, bột nêm i ốt.

7.2. Quy định về mức i ốt trong nước tiểu

Bảng 1.Tiêu chuẩn phân loại mức độ thiếu I ốt theo trung vị I ốt niệu

Nguồn: Indicator for assessing IDD-1994

3. KẾT QUẢ

Điều tra thực hiện trên phạm vi toàn quốc, bao gồm 2160 hộ gia đình, 6 khu vực kinh tế xã hội. Các gia vị mặn người dân đang sử dụng hiện nay cùng với muối, bao gồm: bột canh, bột nêm, nước mắm và xì dầu.

Bảng 3.1. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối, bột canh và bột nêm

Nhận xét: Tỷ lệ HGĐ chỉ sử dụng muối là 33,1%, hầu hết các hộ gia đình sử dụng muối i ốt cùng với các gia vị mặn khác. Bột canh được sử dụng nhiều ở khu vực TD&MNPB, ĐBSH. Bột nêm được sử dụng nhiểu cùng muối ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ & Duyên hải Miền Trung.

Bảng 3.2. Tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng gia vị mặn có iốt

Nhận xét: Tỷ lệ sử dụng gia vị mặn có i-ốt chiếm 90,6% trên toàn quốc, trong đó khu vực Bắc Trung bộ & Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ sử dụng cao nhất đều chiếm 92,8%, thấp nhất là khu vực Trung du và Miền Núi phía bắc chiếm tỷ lệ 84,4%.

Biểu đồ 3.1. Tỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn có i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh

Nhận xét: Kết quả cho thấytỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn có i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh toàn quốc là 79,6%. Trong số các khu vực, khu vực Tây Nguyên có độ bao phủ cao nhất là 96,4%, trong khi thấp nhất là khu vực  ĐBSCL là 67,8%.

Biểu đồ 3.2. Mức trung vị i ốt niệu (μg/l) các khu vực và toàn quốc

Nhận xét: Mức trung vị i ốt niệu toàn quốc là 97 μg/l. Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ cao nhất toàn quốc, đạt chỉ tiêu ≥ 100 µg/l (118,5% và 107%). Thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc là 72%.

Biểu đồ 3.3. Mức trung vị i ốt niệu năm 2005, 2008-2009 và năm 2018

Nhận xét: So với những năm trước đây, mức trung vị i ốt niệu năm 2018 chưa đạt được bằng năm 2005 nhưng đã cải thiện nhiều so với năm 2008-2009.

4. BÀN LUẬN

Tiêu chuẩn thanh toán CRLTI là độ bao phủ muối i ốt  ≥ 90% HGĐ sử dụng muối i ốt đủ TCPB và mức trung vị i ốt niệu là ≥100 μg/l. Đây là kết quả Việt Nam đã đạt được năm 2005 với độ bao phủ muối i ốt là 93,1% và mức trung vị i ốt niệu đạt 122 μg/l.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua, nhu cầu sử dụng muối i ốt của người dân đã có nhiều thay đổi. Kết quả bảng 3.1 cho thấy, trên toàn quốc chỉ có 33,1% HGĐ chỉ sử dụng muối, còn lại là sử dụng bột canh, bột nêm hoặc cả hai. Bột canh được sử dụng nhiều ở TD&MNPB, đồng bằng sông Hồng, BTB&DHMT và miền Đông Nam Bộ. Tỷ lệ HGĐ sử dụng bột nêm (bột nêm riêng hoặc cùng với muối) so với bột canh còn thấp. Kết quả bảng 3.2 cho thấy tỷ lệ HGĐ sử dụng GVMI toàn quốc là 90,6%. Các khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và BTB&DHMT đạt tỷ lệ HGĐ sử dụng GVMI trên 90%, các khu vực khác cũng đạt trên 80%.

Tuy nhiên, biểu đồ 3.1 cho thấy tỷ lệ HGĐ sử dụng GVMI đủ TCPB toàn quốc là 79,6%; các khu vực chỉ có Tây Nguyên đạt trên 90% còn các khu vực khác chưa đạt mục tiêu, thấp nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 67,8%. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy, tỷ lệ sử dụng GVMI là 90,6% (bảng 3.1) nhưng tỷ lệ sủ dụng GVMI đủ TCPB chỉ đạt 79,6%. Do vậy, công tác giám sát chất lượng gia vị mặn có i ốt cần tiếp tục được tăng cường hơn nữa nhằm đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Thu nhập i ốt của cộng đồng được đánh giá qua nồng độ trung vị i ốt niệu. Biểu đồ 3.2 cho thấy mức trung vị i ốt niệu toàn quốc là 97 μg/l gần đạt mục tiêu (≥ 100 μg/l). So với năm 2005, kết quả đạt thấp hơn nhưng cũng đã cải thiện nhiều so với năm 2008-2009 (83 μg/l).

Như vậy, so với giai đoạn trước đây (sau năm 2005), độ bao phủ GVMI đủ TCPB cũng như mức trung vị i ốt niệu đã tăng lên đáng kể, gần đạt mục tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân làm tăng kết quả phòng chống CRLTI. Những nguyên nhân chính là: việc Bộ Y tế đưa hoạt động phòng chống CRLTI vào Chương trình mục tiêu Y tế -Dân số giai đoạn 2016-2020 đã làm tăng ý thức của các cấp lãnh đạo về hoạt động phòng chống CRLTI cũng như sự tăng lên về đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động này, đặc biệt là hoạt động truyền thông. Cùng với đó, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống CRLTI. Các cơ sở chế biến thực phầm, các cửa hành ăn uống cũng như người dân quan tâm hơn đến việc sử dụng gia vị mặn có i ốt. Điều này có thể thấy một phần qua kết quả điều tra. Bảng 3.3 cho thấy tỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn đủ TCPB đã tăng so với năm 2008-2009 (79,6% so với 69,8%) nhưng mức trung vị i-ốt niệu tăng cao hơn nhiều (97 µg/l so với 84 µg/l).

5. KẾT LUẬN

5.1 Độ bao phủ các gia vị mặn có i ốt:

  • Tỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn có i ốt toàn quốc: 90,6%.
  • Tỷ lệ HGĐ sử dụng gia vị mặn có i ốt đủ TCPB toàn quốc: 79,6%

5.2 Mức trung vị i ốt niệu:

  • Mức trung vị i ốt niệu toàn quốc là 97 μg/l.

Trong đó: khu vực TD&MNPB: 72 μg/l; khu vực đồng bằng sông Hồng: 89 μg/l; khu vực BTB&DHMT: 95 μg/l; khu vực Tây Nguyên: 118,5 μg/l; khu vực miềng Đông Nam Bộ: 107 μg/l; khu vực đồng bằng sông Cửu Long: 93 μg/l.

6. KIẾN NGHỊ

Nhằm đạt được và duy trì thanh toán CRLTI trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi đề nghị thực hiện các biện pháp sau:

  • Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các gia vị mặn có i ốt.
  • Tăng cường tuyên truyền và giám sát thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cương vi chất vào thực phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình, Hoàng Kim Ước, Đỗ Trung Thành và CS (2007), “Nghiên cứu kiến thức, thực hành sử dụng muối i ốt và các ché phẩm có i ốt ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam năm 2005”, Báo cáo toàn văn các đề tài khoa học Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành nội tiết và chuyển hóa lần thứ ba, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, NxB Y học.
  2. Johnson CC, Fordyce FM and Stewart AG (2003), Environmental Controls In Iodine Deficiency Disorders, Department For International Development, British Geological Survey, Natural Environment Research Council.
  3. World Health Organization, United Nations, International Council for the Control of Iodine Deficiency Disorders (1997), Recommended Iodine Levels In Salt and Guidelines For Monitoring Their Adequacy and Effectiveness, World Health Organization.
  4. World Health Organization, United Nations, International Council for the Control of Iodine Deficiency Disorders (2000), Indicators for assessing Iodine Deficiency Disorders and their control through salt iodization, World Health Organization.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …