Tỷ lệ và đặc điểm béo phì ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi ở Buôn Ma Thuột

TỶ LỆ VÀ ĐẶC ĐIỂM BÉO PHÌ Ở TRẺ EM 6 TUỔI VÀ 7 TUỔI Ở BUÔN MA THUỘT

Trương Công Hậu1, Phan Bảo Long1, Nguyễn Đăng Tuấn Dũng1, Hoàng Quang Huy2, Nguyễn Sinh Huy2, Huỳnh Lê Thái Bão3

1. Học viện LMS, 2. Đại học Tây Nguyên, 3. Đại học Duy Tân

DOI: 10.47122/vjde.2021.47.16

TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tỷ lệ béo phì và đánh giá mối tương quan giữa chỉ số mỡ cơ thể và chỉ số khối cơ thể ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi ở Buôn Ma Thuột. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 198 trẻ em, trong đó có 127 trẻ 6 tuổi và 71 trẻ 7 tuổi. Sử dụng tiêu chuẩn của WHO 2007 để chẩn đoán thừa cân– béo phì. Sử dụng phép kiểm chi bình phương đối với những biến định tính; phép kiểm T cho hai biến độc lập, hồi quy tuyến tính cho biến địn lượng. Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ thừa cân-béo phì của mẫu nghiên cứu là 32,6%, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở nhóm 6 tuổi là 33,1% và nhóm 7 tuổi là 31%. Tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ nam là 33,6% và nữ là 31,0%. Có sự tương quan giữa BMI và PBF ở cả hai nhóm tuổi. Ở nhóm 6 tuổi, phương trình hồi quy là BMI = 10,78 + 0,257* PBF, với hệ số tương quan R = 0,903. Ở nhóm 7 tuổi, phương trình hồi quy là BMI= 10,18 + 0,271*PBF, với hệ số tương quan R = 0,926.

Từ khóa: Thừa cân-béo phì, chỉ số khối cơ thể, khối lượng mỡ cơ thể, tỷ lệ mỡ cơ thể, mức mỡ nội tạng.

 ABSTRACT

Obesity rate and characteristics of childrens 6 and 7 year olds in Buon Ma Thuot city

Truong Cong Hau1, Phan Bao Long1, Nguyen Dang Tuan Dung1,

Hoang Quang Huy2, Nguyen Sinh Huy2,

Huynh Le Thai Bao3

1. LMS academy, 2. Tay Nguyen university,

3. Duy Tan University

 

Objectives: Describe nutritional status, obesity rate and evaluate the correlation between body fat mass and body mass index of  children  6  and  7  year  olds  in  Buon  Ma Thuot. Methods: A cross-sectional study in 198 children, including 127 6-year-olds and 71 7-year-olds. Using WHO 2007 standards to diagnose overweight – obesity. Use chi- squared test for qualitative variables; T test for two independent variables, linear regression for quantitative variables. Results: The obesity rate of the study sample is 32.6%, the obesity rate in the 6-year-old group is 33.1% and the 7-year-old group is 31%. The obesity rate among boys is 33.6% and women are 31.0%. There is a correlation between BMI and PBF in both age groups. In the 6-year-old group, the  regression  equation  is  BMI  =  10.78  + 0.257 * PBF, with the correlation coefficient R = 0.993. In the 7-year-old group, the regression equation is BMI = 10.18 + 0.271 * PBF, with a correlation coefficient R = 0.926.

Keywords: overweight – obesity, body mass index, body fat mass, percentage body fat, viscetal fat level.

Chịu trách nhiệm chính: Trương Công Hậu

Ngày nhận bài: 09/01/2021

Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021

Ngày duyệt bài: 01/04/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0359216316

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Béo phì ở trẻ em đang nổi bật lên là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong thế kỷ 21. Béo phì ở trẻ em có thể ảnh hưởng xấu đến hầu hết mọi hệ cơ quan và thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, kháng insulin, rối loạn đường huyết,gan nhiễm mỡ và các biến chứng tâm lý xã hội. Tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ em đang tăng lên đáng kể trong thế kỷ qua [5].

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2008 trên toàn thế giới có khoảng 1,5 tỷ người từ 20 tuổi trở lên bị thừa cân. Trong số đó, hơn 200 triệu nam giới và hơn 300 triệu nữ giới bị béo phì. Còn theo NCD RisC, khi thống kê BMI của nhóm trẻ em và trẻ vị thành niên trên thế giới từ năm 1975 đến 2016 cho kết quả chỉ số BMI đang ngày càng cao hơn [7].

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đánh giá thừa cân béo phì bằng BMI, đang có nhiều tác giả đề xuất các thông số khác như chỉ số mỡ cơ thể (BFM), tỷ lệ mỡ cơ thể (PBF), mức mỡ nội tạng (VFL). Đã có nghiên cứu của Hồ Phạm Ngọc Lan năm 2011 để đánh giá các chỉ số này ở đối tượng người trưởng thành. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này ở trẻ em. Vì thế chúng tôi thực hiện đề tài: “Tỷ lệ và đặc điểm béo phì ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi được theo dõi dinh dưỡng tại Buôn Ma Thuột” với 2 mục tiêu sau:

  1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tỷ lệ béo phì ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi tại Buôn Ma Thuột.
  2. Đánh giá tương quan giữa chỉ số mỡ cơ thể và chỉ số khối cơ thể ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi tại Buôn Ma Thuột.

 2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được tiến hành trên 198 trẻ em, trong đó có 127 trẻ 6 tuổi và 71 trẻ 7 tuổi được đo các chỉ số cơ thể tại Trung tâm LMS Academy từ ngày 02/01/2021 đến ngày 31/01/2021.

2.1. Đối tượng

2.1.1. Cỡ mẫu nghiên cứu

Áp dụng công thức tính cỡ mẫu để ước lượng tỷ lệ trong một quần thể:

n =

Với n là cỡ mẫu nghiên cứu; p là tỷ lệ béo phì mong muốn ở trẻ em 6 tuổi và 7 tuổi được lấy từ nghiên cứu của Trần Thị Xuân Ngọc (2012) với p là 21,3% [4]; Z là độ tin cậy đòi hỏi, với độ tin cậy 95% thì Z = 1,96; d là sai số cho phép lấy d = ε.p với ε = 0,3 nên d = 0,0639.

Thay số vào tính ra n = 158, thực tế chúng

tôi đã thu thập 198 trẻ em vào nghiên cứu.

2.1.2. Tiêu chuẩn chọn vào
  • Tất cả trẻ em tham gia nghiên cứu có độ tuổi 6 và 7 tuổi.
  • Trẻ em có ít nhất bố, mẹ hoặc một người giám hộ đi cùng và được đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.1.3. Tiêu chuẩn loại trừ
  • Trẻ đang mắc các bệnh phải dùng corticoid, đang bị sốt, nhiễm trùng, phù hoặc các bệnh lý làm thay đổi cân nặng bình thường khác.
  • Trẻ không có bố, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng hoặc không đồng ý cho tham gia nghiên cứu.
2.1.4. Phương pháp chọn mẫu

Chọn mẫu phi xác suất, qua các kênh mạng xã hội chúng tôi kêu gọi phụ huynh đưa con em đến trung tâm LMS Academy để được khám và tư vấn dinh dưỡng miễn phí. Sau đó, chúng tôi giải thích nội dung và mục đích nghiên cứu cho phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng ý tham gia nghiên cứu, chúng tôi sẽ đưa vào mẫu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

  • Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang
  • Thời gian và địa điểm: Từ 02/01/2021 đến ngày 31/01/2021 tại Trung tâm LMS Academy, thành phố Buôn Ma Thuột.
2.2.3.  Một số khái niệm và biến số trong nghiên cứu
  • Kỹ thuật đo chỉ số cơ thể bằng máy Inbody 270: Trước khi đo, trẻ không sử dụng chất kích thích, bia rượu, không uống nhiều nước, không đổ mồ hôi, không sốt và cảm lạnh. Trẻ tháo tất cả tư trang bằng kim loại, không mang điện thoại di động và các thiết bị bằng kim loại trong người và nghỉ ngơi từ 5- 10 phút. Mỗi trẻ được cấp một mã Id trên máy, sau đó nhập các dữ liệu về tuổi, giới. Sau khi màn hình hiển thị 0,0kg, cho trẻ bước chân trần lên hai điện cực trên mặt cân và nắm hai tay vào điện cực bên trên thân máy, đứng thẳng, hai tay nắm chặt. Sau khi đứng được khoảng 5 giây, máy sẽ tự động hiện thị các chỉ số cơ thể.

Các chỉ số chiều cao, cân nặng, BMI, BFM, PBF, VFL được đo trên máy này [1].

  • Chẩn đoán xác định béo phì: Chúng tôi sử

dụng tiêu chuẩn chẩn đoán thừa cân béo phì ở trẻ em và thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi của WHO theo BMI, với các điểm ngưỡng sau [6]:

2.3. Phân tích và xử lý số liệu

Nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1, xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.

  • Thống kê mô tả: Các biến định tính được trình bày bằng tần số và tỷ lệ phần trăm. Biến định lượng được trình bày dưới dạng trung bình ± độ lêch chuẩn (TB ± ĐLC).
  • Thống kê phân tích: Sử dụng phép kiểm định T cho hai mẫu độc lập để so sánh các biến định lượng. Sử dụng phép kiểm Chi bình phương cho các biến định tính.

3.  KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

 Bảng 1. Tỷ lệ béo phì theo nhóm tuổi và giới tính

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 127 có độ tuổi là 6 và 71 trẻ có độ tuổi là 7. Có 98 trẻ nam, chiếm 49,5% và 100 trẻ nữ chiếm 50,5%.

Ở nhóm 6 tuổi, có 42 trẻ bị thừa cân–béo phì chiếm 33,1%. Ở nhóm 7 tuổi, có 31,0% trẻ thừa cân-béo phì.

Trong cả hai nhóm tuổi, ở trẻ nữ, tỷ lệ thừa cân-béo phì là 31,0%, còn trẻ nam là 33,6%. Tất cả những khác biệt này đều không có ý nghĩa thống kê.

Tỷ lệ thừa cân-béo phì của cả mẫu nghiên cứu là 32,3% với 64 trẻ.

Bảng 2. Tỷ lệ thiếu cân, thừa cân và béo phì ở từng nhóm tuổi.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ thiếu cân, thừa cân-béo phì ở từng nhóm tuổi.

Ở nhóm 6 tuổi, tỷ lệ thiếu cân là 7,9%, tỷ lệ có tình trạng dinh dưỡng bình thường là 59,1%, tỷ lệ thừa cân là 19,7%, tỷ lệ béo phì là 13,4%. Ở nhóm 7 tuổi, tỷ lệ thiếu cân là 8,5%, tỷ lệ có tình trạng dinh dưỡng bình thường là 60,6%, tỷ lệ thừa cân là 19,7%, tỷ lệ béo phì là 11,3%.

Tỷ lệ thừa cân–béo phì trong nghiên cứu của chúng tôi có phần cao hơn nghiên cứu của Đỗ Thị Ngọc Diệp (2009) và Trần Thị Xuân Ngọc (2012) [2],[4] . Trong nhóm 6 tuổi, tỷ lệ thừa cân–béo phì của hai nghiên cứu này lần lượt là 24,7% và 21,3%; nhóm 7 tuổi là 24,5% và 20,3%. Có lẽ sự khác biệt trong cỡ mẫu nghiên cứu và cách chọn mẫu của chúng tôi tạo ra sự khác biệt này. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi phù hợp với thống kê của NCD RisC khi một phần ba trẻ em trên thế giới bị thừa cân–béo phì.

Bảng 3. Đặc điểm chỉ số cơ thể theo nhóm tuổi và giới tính

Ở nhóm 6 tuổi, chiều cao trung bình là 118,3 ± 5,8 cm, cân nặng trung bình là 23,1 ± 5,0 kg, BMI trung bình 16,4 ± 2,6. Ở nhóm 7 tuổi, chiều cao trung bình là 121,1 ± 4,5 cm, cân nặng trung bình là 24,8 ± 5,2, BMI trung bình 16,8 ± 2,6. Chiều cao của mẫu nghiên cứu của chúng nhìn chung chưa được tốt khi

cả hai nhóm tuổi đều có trung bình chiều cao thấp hơn chuẩn của WHO. Khi so sánh với nghiên cứu của Đỗ Thị Ngọc Diệp (2009), chiều cao trung bình trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn. Về cân nặng và BMI, mẫu nghiên cứu của chúng tôi đều cao hơn chuẩn của WHO và nghiên cứu của Đỗ Thị Ngọc Diệp (2009) [4]. Có lẽ, sự khác biệt này là do cách chọn mẫu nghiên cứu của chúng tôi, những phụ huynh lo lắng tình trạng dinh dưỡng của con sẽ có xu hướng đưa con đến để đo các chỉ số cơ thể nhiều hơn.

Ở nhóm 6 tuổi, khối lượng mỡ trung bình là 5,4 ± 3,2 kg, khối lượng cơ là 8,5 ± 1,5 kg, tỷ lệ mỡ cơ thể là 22,0 ± 8,7 kg, mức mỡ nội tạng là 1,9 ± 1,5. Ở nhóm 7 tuổi, khối lượng mỡ trung bình là 6,4 ± 3,6 kg, khối lượng cơ là 8,8 ± 1,1 kg, tỷ lệ mỡ cơ thể là 24,4 ± 8,7 kg, mức mỡ nội tạng là 2,5 ± 2,0. Khi so sánh với nghiên cứu của Hồ Phạm Thục Lan (2011) khi nhà nghiên cứu các chỉ số cơ thể ở người trên 15 tuổi, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt đáng kể các chỉ số cơ số trong nghiên cứu của chúng tôi và nghiên cứu này [3].

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu nhưng theo chúng tôi, cần có một nghiên cứu nữa để tìm hiểu các chỉ số cơ thể như BFM, PBF, VFL ở nhóm tuổi trẻ em và sự tác động của các chỉ số này lên sức khỏe.

Về giới tính, ở nhóm nữ, chiều cao trung bình là 118,6 ± 4,9 cm, cân nặng trung bình là 22,9 ± 4,6 kg, BMI trung bình là 16,1 ± 2,3, khối lượng mỡ trung bình là 5,9 ± 3,4 kg, khối lượng cơ trung bình là 8,6 ± 1,4 kg, tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình là 23,4 ± 8,7, mức mỡ nội tạng trung bình là 1,5 ± 1,0.

Ở nhóm nam, chiều cao trung bình là 119,4 ± 5,6 cm, cân nặng trung bình là 23,8 ± 5,2 kg, BMI trung bình là 16,6 ± 2,6, khối lượng mỡ trung bình là 4,5± 2,9 kg, khối lượng cơ trung bình là 8,9 ± 1,3 kg, tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình là 23,4 ± 8,7, mức mỡ nội tạng trung bình là 2,23 ± 1,76. Trong đó, có khối lượng mỡ, tỷ  lệ mỡ cơ thể và mức mỡ nội tạng là có khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa hai giới.

Biểu đồ 2. Hồi quy tuyến tính giữa BMI và PBF ở nhóm 6 tuổi.

Khi phân tích hồi quy tuyến tính đơn biến giữa BMI và PBF, chúng tôi nhận thấy có sự tương quan thuận giữa hai biến sô này với phương trình hồi quy: BMI = 10,78 + 0,257 *PBF, với hệ số tương quan R = 0,903.

Biểu đồ 3. Hồi quy tuyến tính giữa BMI và PBF ở nhóm 7 tuổi.

Khi phân tích hồi quy tuyến tính đơn biến giữa BMI và PBF ở nhóm 7 tuổi, chúng tôi nhận thấy có sự tương quan thuận giữa hai biến sô này với phương trình hồi quy: BMI= 10,18 + 0,271*PBF, với hệ số tương quan R = 0,926.

4.  KẾT LUẬN

Tỷ lệ thựa cân-béo phì của mẫu nghiên cứu là 32,6%, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở nhóm 6 tuổi là 33,1% và nhóm 7 tuổi là 31%. Tỷ lệ béo phì ở trẻ nam là 33,6% và nữ là 31,0%.

Có sự tương quan giữa BMI và PBF ở cả hai nhóm tuổi. Ở nhóm 6 tuổi, phương trình hồi quy là BMI = 10,78 + 0,257* PBF, với hệ số tương quan R = 0,903. Ở nhóm 7 tuổi, phương trình hồi quy là BMI= 10,18 + 0,271*PBF, với hệ số tương quan R = 0,926.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tập đoàn (2021). Hướng dẫn đo Inbody. https://inbody.com.vn/huong-dan- do-inbody/, Truy cập lúc 16h00 ngày 29/03/2021. .
  2. Đỗ Thị Ngọc Diệp. (2009). Thừa cân, béo phì và một số đặc điểm dịch tễ học ở học sinh tiểu học tại quận 10, TP HCM năm học 2008-2009. Tạp chí Thời sự Y học,
  3. Hồ Phạm Thục Lan và cộng sự. (2011). Phát triển tiêu chuẩn tỷ trọng mỡ cơ thể cho chẩn đoán béo phì ở người Việt. Thời sự Y học,
  4. Trần Thị Xuân Ngọc. (2012). Thực trang và hiệu quả can thiệp thừa cân, béo phì của mô hình truyền thông giáo dục dinh dưỡng ở trẻ em từ 6 đến 14 tuổi tại Hà Nội. . Luận án Tiến sĩ dinh dưỡng.
  5. Gungor, N. K. (2014). Overweight and obesity in children and adolescents. J Clin Res Pediatr Endocrinol, 6(3), 129-143.
  6. (2007). Who reference, BMI-for- age Girls (Boys) 5 to 19 years.
  7. NCD Risk Factor Collaboration. (2016). Worldwide trends in body-mass index, underweight, overweight, and obesity from 1975 to 2016: a pooled analysis of 2416 population-based measurement studies in 128·9 million children, adolescents, and adults. The Lancet, 390(10113), 2627-2642.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …