Vai trò của một số dấu ấn chu chuyển xương trong chẩn đoán loãng xương nam giới

VAI TRÒ CỦA MỘT SỐ DẤU ẤN CHU CHUYỂN XƯƠNG

TRONG CHẨN ĐOÁN LOÃNG XƯƠNG NAM GIỚI

                                       Cao Thanh Ngọc(1), Võ Tam(2), Lê Văn Chi(2)

Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Trường Đại học Y Dược Huế

 ABSTRACT

The role of some bone turnover markers in diagnosis male osteoporosis

Objective: To determine the relationship between β-CTX, osteocalcin and bone mineral density in men. To identify the best cut-off of β-CTX and osteocalcin in screening male osteoporosis with its sensitivity and specificity. Subjects and Methods: Case – control study performed on 110 patients with osteoporosis and 104 subjects without osteoporosis, men aged 50 and over in Cho Ray Hospital and University Medical Center from 09/2013 to 03/2017. Diagnosis of osteoporosis by measuring bone mineral density by DXA acording to criteria of World Health Organization. Data on anthropometry, history of smoking, fracture, alcoholism, physical activities and levels of β-CTX, osteocalcin were collected. Result: Elevated bone turnover marker are in associtation with increasing risk of osteoporosis. We find the significant associtation between osteoporosis and osteocalcin (OR: 1,06; CI 95% 1,02 – 1,1) and β-CTX (OR: 1,03; CI 95% 1,02 – 1,03). Besides, there is significant negative correlation between β-CTX and bone mineral density at lumbar (r = -0,62; p<0,001) and femoral neck (r = -0,74; p<0,001). β-CTX with the best cut-off of 350,60 pg/ml is best used to screen for osteoporosis with sensitivity (83%) and specificity (91%). Conclusion: There is statistically significant correlation between β-CTX and bone mineral density at both sites. β-CTX can be used as a test to screen for osteoporosis with the cut-off 350,60 pg/ml with sensitivity (83%) and specificity (91%).

Keywords: osteoporosis, men, bone mineral density, bone tunover marker, β-CTX, osteocalcin.

TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát liên quan giữa nồng độ β-CTX và osteocalcin với mật độ xương ở nam giới. Tìm điểm cắt, độ nhạy, độ đặc hiệu của β-CTX, osteocalcin trong sàng lọc chẩn đoán loãng xương nam giới.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu bệnh chứng, thực hiện trên 214 bệnh nhân nam giới ≥ 50 tuổi trong đó có 110 bệnh nhân loãng xương và 104 bệnh nhân không loãng xương tại bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Đại học Y Dược trong khoảng thời gian từ tháng 9/2013 – 3/2017. Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương bằng cách đo mật độ xương bằng phương pháp DXA theo tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (máy đo đặt tại bệnh viện Chợ Rẫy). Đối tượng nghiên cứu được thu thập đầy đủ các dữ kiện về nhân trắc, tiền sử hút thuốc lá, gãy xương, nghiện rượu, hoạt động thể lực và đo nồng độ β-CTX, Osteocalcin theo bảng thu thập số liệu thống nhất.

Kết quả: Các dấu ấn chu chuyển xương tăng có liên quan đến tăng nguy cơ loãng xương. Loãng xương liên quan có ý nghĩa thống kê với nồng độ osteocalcin (OR: 1,06; KTC 95% 1,02 – 1,1) và nồng độ β-CTX (OR: 1,03; KTC 95% 1,02 – 1,03). Ngoài ra, có sự tương quan nghịch, mức độ trung bình giữa nồng độ β-CTX với mật độ xương tại cột sống (r = -0,62; p<0,001) và mật độ xương tại cổ xương đùi (r = -0,74; p<0,001). Điểm cắt tốt nhất sàng lọc loãng xương  ở nam giới của nồng độ β-CTX là 350,60 (pg/ml) có độ nhạy là 83% và độ đặc hiệu là 91%.

Kết luận: Có mối tương quan giữa có ý nghĩa thống kê giữa β-CTX và mật độ xương ở 2 vị trí. Có thể sử dụng β-CTX trong sàng lọc chẩn đoán loãng xương ở nam giới với điểm cắt là 350,60 pg/ml với độ nhạy 83% và độ đặc hiệu 91%.

Từ khóa: loãng xương, nam giới, mật độ xương, dấu ấn chu chuyển xương, β-CTX, osteocalcin.

Chịu trách nhiệm chính: Cao Thanh Ngọc

Ngày nhận bài: 13/12/2017

Ngày phản biện khoa học: 31/12/2017

Ngày duyệt bài: 07/1/2018

1.   ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những thập niên gần đây cùng với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại thì tuổi thọ con người ngày càng tăng cao nhưng điều này cũng mang lại cho nhân loại những thách thức rất lớn về sự gia tăng các bệnh lí thường gặp ở người cao tuổi. Bên cạnh các bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết chuyển hóa, loãng xương được xếp vào nhóm 10 bệnh có nhiều tác động nhất lên người cao tuổi. Mặc dù không phải là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, các bệnh lý cơ xương khớp là nguyên nhân nhập viện đứng hàng thứ năm (đặc biệt là gãy xương) và là nhóm nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Loãng xương làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh và trở thành gánh nặng cho ngành y tế, tài chính quốc gia [3]. Loãng xương, và biến chứng nặng nề nhất là gãy xương, đã thu hút được nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới và bước đầu được quan tâm tại Việt Nam. Tại Mỹ, tỉ lệ loãng xương ở nam giới trên 50 tuổi lên tới 17% [4] và cứ 8 người đàn ông sau 50 tuổi thì có 1 trường hợp bị gãy xương trong suốt cuộc đời còn lại [8]. Tại Việt Nam, tỉ lệ loãng xương ở nam giới sau 50 tuổi là 10%. Mặc dù tỉ lệ loãng xương và gãy xương ở nam giới thấp hơn ở nữ nhưng khi có biến chứng gãy xương, tỉ lệ mắc các bệnh thứ phát và tỉ lệ tử vong của nam giới cao hơn rõ rệt so với nữ [7],[9]. Điều đó cho thấy loãng xương ở nam giới cao tuổi là một vấn đề sức khoẻ rất đáng được quan tâm.

Những thông số liên quan đến độ mạnh của xương và nguy cơ gãy xương là mật độ xương và dấu ấn chu chuyển xương. Mật độ xương đã được chứng minh có hiệu quả ở nam giới cũng như nữ giới trong việc tiên đoán nguy cơ gãy xương [16]. Dấu ấn chu chuyển xương phản ánh tốc độ hấp thụ xương và tạo thành xương của toàn cơ thể, và nó cung cấp sự đánh giá “động” của bộ xương, bổ sung thêm cho thông tin tĩnh của mật độ xương.

Những điều kể trên cho thấy loãng xương ở nam giới là một vấn đề sức khoẻ đáng được quan tâm. Hiện nay, chưa có sự thống nhất sử dụng dấu ấn chu chuyển xương thường quy trong đánh giá loãng xương trong thực hành lâm sàng [2]. Có một số nghiên cứu và hướng dẫn ghi nhận dấu ấn chu chuyển xương vai trò hữu ích trong việc tiên đoán mất xương, đánh giá đáp ứng điều trị loãng xương và giúp giải thích cơ chế hoạt động của một số nội tiết tố và phương pháp điều trị chống loãng xương [15],[20]. Trong điều kiện tại Việt Nam, hiện có xét nghiệm dấu ấn hủy xương β-CTX và dấu ấn tạo xương osteocalcin để đánh giá chu chuyển xương. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu để khảo sát giá trị của hai dấu ấn này trong dự đoán loãng xương ở nam giới trên 50 tuổi trong điều kiện Việt Nam.

2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.   Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu bệnh chứng.

2.2.   Đối tượng nghiên cứu:

Tiêu chuẩn nhận bệnh:

  • Nhóm bệnh: Nam giới, tuổi từ 50 trở lên, loãng xương được chẩn đoán bằng phương pháp DEXA.
  • Nhóm chứng: Nam giới, tuổi từ 50 trở lên, không loãng xương được chẩn đoán bằng phương pháp DEXA.
  • Các đối tượng đồng ý tham gia nghiên cứu sau khi nghe giải thích rõ mục đích nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ:

  • Các đối tượng nghiên cứu mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến chuyển hóa xương như đa u tủy xương, cường cận giáp tiên phát và thứ phát, suy thận mạn với eGFR <60ml/ph/1,73m2 da, viêm khớp dạng thấp…
  • Các đối tượng đang sử dụng các thuốc chứa hormon sinh dục, các thuốc chứa glucocorticoid, thuốc chống loãng xương, vitamin D hoặc chất chuyển hoá của vitamin D.
  • Đối tượng nghiên cứu bất động lâu ngày.

Cỡ mẫu: được tính theo công thức:

Dựa theo nghiên cứu của tác giả Lormeau [12]:

Biến số Nhóm chứng

(N = 40)

  Nhóm loãng xương (N = 65) Cỡ mẫu

mỗi nhóm

TB ĐLC   TB ĐLC
Osteocalcin (ng/ml) 17,39 6,16 14,91 6,48 102
β-CTX (pmol/l) 4453,3 2466,4 3482,5 2314,1 96
TB: trung bình; ĐLC: độ lệch chuẩn

Với α = 0,05; β = 0,8 thì    ; µ1 và µ2 là giá trị trung bình của nhóm loãng xương và nhóm chứng; σ12 và σ22 là phương sai của mỗi nhóm.

Như vậy cỡ mẫu tối thiểu cần là 102 đối tượng cho mỗi nhóm.

2.3.   Thu thập dữ liệu:

Bệnh nhân nam ≥ 50 tuổi nhập khoa Cơ Xương Khớp, khoa Chấn thương Chỉnh hình, phòng khám Nội Tổng quát tại bệnh viện Chợ Rẫy và phòng khám Lão Khoa bệnh viện Đại Học Y Dược trong thời gian 2013 – 2017.

Các đối tượng đủ tiêu chuẩn nhận vào nhóm bệnh sẽ được tiến hành theo các trình tự sau:

Bước 1: Phỏng vấn thu thập những thông tin như sau:

  • Đặc điểm chung: tuổi, nơi sống, nghề nghiệp, tiền căn bệnh lý.
  • Các yếu tố nguy cơ của loãng xương: hút thuốc lá, nghiện rượu, tình trạng hoạt động thể lực.

Bước 2: Lấy cân nặng, chiều cao và tính BMI

Bước 3: Đo mật độ xương

  • Bệnh nhân được đo mật độ xương tại hai vị trí là cột sống thắt lưng (từ thắt lưng 1 đến thắt lưng 4) và tại cổ xương đùi
  • Đo mật độ xương bằng phương pháp hấp thu tia X năng lượng kép (DEXA). Máy đo mật độ xương là máy Hologic QDR 4500 Elite của Mỹ sản xuất năm 2005. Hệ số biến thiên của máy DEXA là 1,8% ở cột sống thắt lưng và 1,5% ở cổ xương đùi.
  • Kết quả đo được sẽ lấy T-score để phân nhóm bệnh nhân. Những bệnh nhân nào có T-score cổ xương đùi ≤ -2,5 hoặc T-score cột sống thắt lưng ≤ -2,5 sẽ được phân vào nhóm bệnh. Những bệnh nhân nào có T-score cổ xương đùi > -2,5 hoặc T-score cột sống thắt lưng  > -2,5 sẽ được phân vào nhóm chứng.

Bước 4: Lấy xét nghiệm

  • Các đối tượng nghiên cứu được lấy 3ml máu làm xét nghiệm osteocalcin và β-CTX.
  • Các xét nghiệm dấu ấn chu chuyển xương sẽ được lấy lúc đói buổi sáng sau nhịn ăn 8 giờ. Mẫu máu được tách huyết thanh và được bảo quản -8o
    • Đối với những đối tượng nghiên cứu tại khoa Nội Cơ Xương Khớp, khoa Chấn Thương Chỉnh Hình các đối tượng sẽ được dặn nhịn ăn từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau được lấy máu 6 giờ sáng.
    • Đối với các đối tượng nghiên cứu tại phòng khám Nội Tổng Quát, phòng khám Lão Khoa, những trường hợp đủ tiêu chuẩn nhịn ăn 8 giờ sẽ được lấy máu trong khoảng 7 – 8 giờ sáng.
  • Nồng độ β-CTX và osteocalcin được xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm Medic bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang (ECLIA) trên hệ thống máy Roche Elecsys 10100/201 (Roche Diagnosis Elecsys).

2.4.   Xử lý số liệu: Các số liệu được nhập và lưu trữ vào chương trình Excel và được xử lý bằng chương trình Stata 13.0

3.  KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu

Bảng 1. Đặc điểm mật độ xương và xét nghiệm sinh hóa

Đặc điểm Nhóm không loãng xương
(N=104)
Nhóm

loãng xương
(N=110)

Giá trị p
MĐX tại cổ xương đùi (g/cm2) 0,738 ± 0,124 0,511 ± 0,066 <0,001*
MĐX toàn bộ xương đùi (g/cm2) 0,872 ± 0,129 0,656 ± 0,118 <0,001**
MĐX tại cột sống (g/cm2) 0,976 ± 0,129 0,730 ± 0,132 <0,001*

Mật độ xương tại cổ xương đùi, toàn bộ xương đùi, cột sống giữa nhóm không loãng xương và nhóm loãng xương khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 2. Đặc điểm về yếu tố nguy cơ loãng xương

Đặc điểm Nhóm không loãng xương
(N=104)
Nhóm

loãng xương
(N=110)

Giá trị p
Hút thuốc lá 73 (70,2) 73 (66,4) 0,548
Uống bia rượu 29 (27,9) 33 (30,0) 0,733
Hoạt động thể lực 56 (53,9) 37 (33,6) 0,003
Té ngã trong vòng 12 tháng 4 (3,9) 6 (5,5) 0,749
Người thân gãy xương 0 (0,0) 0 (0,0)
Gãy xương bản thân trong vòng

5 năm

1 (1,0) 7 (6,4) 0,066

Hoạt động thể lực ở nhóm không loãng xương chiếm tỷ lệ 53,9%, ở nhóm loãng xương chiếm tỷ lệ 33,6%, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Hút thuốc lá, uống rượu bia, té ngã trong vòng 12 tháng, tiền sử người thân gãy xương và gãy xương bản thân trong vòng 5 năm giữa nhóm không loãng xương và nhóm loãng xương khác biệt không có ý nghĩa thống kê p > 0,05.

3.2. So sánh nồng độ β-CTX và Osteocalcin giữa hai nhóm loãng xương và không loãng xương

Bảng 3. So sánh nồng độ dấu ấn chu chuyển xương ở 2 nhóm

Đặc điểm Nhóm không loãng xương (N=104) Nhóm loãng xương
(N=110)
Giá trị p
Osteocalcin (ng/ml) 13,21 ± 5,69 16,28 ± 8,96 0,020
β-CTX (pg/ml) 251,90 ± 68,48 540,99 ± 200,36 <0,001

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ Osteocalcin và β-CTX ở nhóm loãng xương cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nồng độ của các dấu ấn này ở nhóm không loãng xương (Osteocalcin: 16,28 ± 8,96 ng/ml so với 13,21 ± 5,69 ng/ml; β-CTX: 540,99 ± 200,36 pg/ml so với 251,90 ± 68,48 pg/ml với p < 0,05).

Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả β-CTX ở nhóm loãng xương cao hơn nhóm không loãng xương có ý nghĩa thống kê so với nghiên cứu của tác giả Pietschmann (267,7 ± 230 pg/ml so với 205,8 ± 153 pg/ml). Tuy nhiên, trong nghiên cứu của tác giả Pietschmann thì nồng độ osteocalcin ở nhóm loãng xương cao hơn ở nhóm không loãng xương nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (20,0 ± 1,5 ng/mL so với 18,9 ± 1,1 ng/mL với p = 0,757) [17].

Nồng độ osteocalcin và β-CTX trong nghiên cứu của chúng tôi ở nhóm loãng xương cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nồng độ các dấu ấn này ở nhóm không loãng xương tương tự Maataoui ở nam giới Moroco (Osteocalcin: 41 ± 55,67 ng/ml so với 20,01 ± 10,23 ng/ml ; β-CTX: 670 ± 57 pg/ml so với 379 ± 22 pg/ml). Nghiên cứu của Scholtissen ở nam giới Pháp và Bỉ cũng cho thấy nồng độ β-CTX ở nhóm loãng xương cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nồng độ β-CTX ở nhóm không loãng xương (500 (52 – 712) pg/ml so với 400 (52 – 712) với p < 0,05), nghiên cứu này không khảo sát osteocalcin [18].

Tác giả Thục Lan (2012) nghiên cứu trên 205 nam giới khỏe mạnh tuổi từ 18 – 87, kết quả cho thấy nồng độ trung bình của β-CTX là 265 pg/mL (78 – 702 pg/mL) [1].

Nếu so sánh với nồng độ β-CTX ở nhóm không loãng xương trong nghiên cứu của chúng tôi (251,90 ± 68,48) thì kết quả cũng gần tương tự.

3.3. Tương quan giữa dấu ấn chu chuyển xương và mật độ xương

Bảng 4. Liên quan giữa dấu ấn chu chuyển xương và loãng xương

Dấu ấn chu chuyển xương Loãng xương
OR KTC 95% Giá trị p
Osteocalcin (ng/ml) 1,06 1,02 – 1,1 0,005
β-CTX (pg/ml) 1,03 1,02 – 1,3 <0,001

Loãng xương liên quan có ý nghĩa thống kê với nồng độ osteocalcin (OR: 1,06; KTC 95% 1,02 – 1,1), với nồng độ β-CTX (OR: 1,03; KTC 95% 1,02 – 1,03)

Bảng 5. Hệ số tương quan giữa Osteocalcin, β-CTX và mật độ xương tại cột sống

Dấu ấn chu chuyển xương Mật độ xương tại cột sống
Hệ số tương quan Giá trị p
Osteocalcin (ng/ml) -0,14 0,042
β-CTX (pg/ml) -0,62 <0,001

Bảng 6. Hệ số tương quan giữa Osteocalcin, β-CTX và mật độ xương tại cổ xương đùi

Dấu ấn chu chuyển xương Mật độ xương tại cổ xương đùi
Hệ số tương quan Giá trị p
Osteocalcin (ng/ml) -0,199 0,003
β-CTX (pg/ml) -0,74 <0,001

Bảng 7. Hệ số tương quan giữa Osteocalcin, β-CTX và mật độ xương toàn bộ xương đùi

Dấu ấn chu chuyển xương Mật độ xương toàn bộ xương đùi
Hệ số tương quan Giá trị p
Osteocalcin (ng/ml) -0,1 0,13
β-CTX (pg/ml) -0,695 <0,001

Hiện nay, đo mật độ xương vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương nhưng đo mật độ xương chỉ đánh giá được khối lượng xương mà không đánh giá được chất lượng xương trong khi mô xương là mô liên tục thay đổi. Người ta nhận thấy việc đo lường các dấu ấn chu chuyển xương giúp đánh giá được phần nào chất khoáng, chất nền xương và chuyển hóa bên trong xương. Một phần trong nghiên cứu của chúng tôi nhằm tìm hiểu tương quan giữa dấu ấn chu chuyển xương osteocalcin, β-CTX với mật độ xương và đánh giá xem có thể sử dụng các dấu ấn này trong lâm sàng để chẩn đoán loãng xương ở nam giới ≥ 50 tuổi hay không?

Nghiên cứu của tác giả Goemaere (2001) là nghiên cứu cắt ngang trên 283 nam giới khỏe mạnh từ 71-86 tuổi về tương quan giữa dấu ấn chu chuyển xương với hormon sinh dục và mật độ xương. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tương quan nghịch giữa mật độ xương ở các vị trí với osteocalcin (r = -0,22 đến -0,25 với p < 0,05), β-CTX (r = -0,23 đến -0,34 với p < 0,05) [10].

Tác giả Lumachi (2012) tiến hành nghiên cứu cắt ngang trên 18 nam giới > 65 tuổi để đánh giá tương quan giữa mật độ xương cột sống thắt lưng và dấu ấn chu chuyển xương. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có tương quan giữa osteocalcin và mật độ xương tại cột sống thắt lưng (r = -0,18; 0 = 0,48). Nghiên cứu không khảo sát mật độ xương tại các vị trí khác và cũng không khảo sát β-CTX [13].

Nghiên cứu của tác giả Bian (2015) là nghiên cứu đoàn hệ thực hiện trên 1177 nam giới tuổi từ 80 – 96 để tìm các yếu tố liên quan với mật độ xương vùng cổ xương đùi ở nam giới cao tuổi Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều các yếu tố liên quan mật độ xương vùng cổ xương đùi trong đó β-CTX tương quan nghịch với mật độ xương (r = -0,202; p = 0,001) kể cả sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, BMI và các yếu tố khác. Trong khi đó, osteocalcin tương quan với mật độ xương vùng cổ xương đùi trong phân tích đơn biến nhưng tương quan này không có ý nghĩa thống kế sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, BMI và các yếu tố khác [5]. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác như nghiên cứu của tác giả Marques cũng cho kết quả osteocalcin và β-CTX có tương quan nghịch với mật độ xương ở các vị trí nhưng tương quan này yếu [14]và nghiên cứu của tác giả Shou (2016) cho thấy mật độ xương ở các vị trí cột sống, cổ xương đùi, toàn bộ xương đùi có tương quan nghịch mức độ vừa với osteocalcin (r = -0,299; r = – 0,262; r = -0,312 với p < 0,005) và β-CTX (r = -0,315; r = – 0,289; r = -0,322 với p < 0,005) [19].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với các nghiên cứu khác trên thế giới khi cho kết quả mật độ xương tại các vị trí cột sống, cổ xương đùi, toàn bộ xương đùi có tương quan nghịch với osteocalcin (r = -0,14 với p = 0,042 và r = -0,199 với p = 0,003 và r = -0,1 với p = 0,13), β-CTX (r = -0,62 với p < 0,001 và r = -0,74 với p < 0,001 và r = -0,695 với p < 0,001).

Đối với tương quan giữa ấu ấn chu chuyển xương osteocalcin, β-CTX với tình trạng loãng xương thì kết quả cho thấy tăng nồng độ osteocalcin và β-CTX sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương (OR = 1,06 với p = 0,005 và OR = 1,03 với p < 0,001).

Mặc dù cả 2 dấu ấn đều có tương quan với mật độ xương ở các vị trí, tuy nhiên β-CTX tương quan với mật độ xương mạnh hơn osteocalcin.

Thật vậy, trong các nghiên cứu vừa nêu trên thì kết quả β-CTX cũng tương quan với mật độ xương mạnh hơn osteocalcin.

Điều này cũng phù hợp với y văn vì y văn ghi nhận sự mất xương ở nam giới do gia tăng hủy xương nhiều hơn mà không đi song hành cùng với tạo xương nên các dấu ấn liên quan tạo xương không tương quan hoặc tương quan yếu với mật độ xương. Bên cạnh đó, nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả tương quan giữa β-CTX với mật độ xương các vị trí tương đối chặt hơn các nghiên cứu khác do nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu bệnh chứng với tỉ lệ nhóm loãng xương và nhóm không loãng xương gần bằng nhau, nghiên cứu của chúng tôi lại bắt cặp theo độ tuổi và lứa tuổi của các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi ≥ 50 tuổi, đây là độ tuổi mà nồng độ các dấu ấn chu chuyển xương tương đối ổn định hơn so với các lứa tuổi khác.

3.4. Điểm cắt, độ nhạy, độ đặc hiệu của β-CTX và osteocalcin

 Hình 1. Đường cong ROC của β-CTX

Bảng 8. Điểm cắt, độ nhạy, độ đặc hiệu của nồng độ β- CTX trong chẩn đoán loãng xương

Số thứ tự β-CTX Youden Độ nhạy Độ đặc hiệu
1 386.00 0.745 0.7455 1.0000
2 350.60 0.740 0.8272 0.9135
3 338.70 0.739 0.8455 0.8942
4 390.30 0.736 0.7364 1.0000
5 385.70 0.736 0.7455 0.9904
6 350.90 0.732 0.8182 0.9135
7 348.80 0.731 0.8273 0.9038
8 340.00 0.731 0.8364 0.8942
9 338.40 0.730 0.8455 0.8846
10 396.60 0.727 0.7273 1.0000

Hình 2. Đường cong ROC của Osteocalcin

Các nghiên cứu trên nam giới khảo sát về điểm cắt dấu ấn chu chuyển xương trong chẩn đoán loãng xương ở nam giới không nhiều.

Một số nghiên cứu trên nữ giới về điểm cắt của osteocalcin và β-CTX trong chẩn đoán loãng xương cho kết quả có thể sử dụng osteocalcin và β-CTX trong sàng lọc loãng xương ở nữ giới. Tác giả Iki và cộng sự thực hiện nghiên cứu trên 3250 đối tượng phụ nữ Nhật Bản với độ tuổi 15 – 79. Tác giả sử dụng đường cong ROC để tính AUC và đánh giá giá trị của dấu ấn chu chuyển xương trong chẩn đoán loãng xương. Kết quả ghi nhận AUC của osteocalcin là 0,6 và của β-CTX là 0,56. Điểm cắt của osteocalcin trong chẩn đoán loãng xương là 8,50 ng/ml và độ nhạy, độ đặc hiệu lần lượt là 55% và 55,20%. Điểm cắt của β-CTX trong chẩn đoán loãng xương là 374 ug/mmolCr  và độ nhạy, độ đặc hiệu lần lượt là 55% và 54,3% [11].

Tác giả Bottela thực hiện nghiên cứu trên đối tượng phụ nữ trước và sau mãn kinh (n=224). Những phụ nữ sau mãn kinh được đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương và được làm xét nghiệm β-CTX, osteocalcin. Kết quả ghi nhận AUC của β-CTX là 0,70 và KTC 95% = 0,58 – 0,82 với p = 0,005; AUC của osteocalcin 0,64 và KTC 95% = 0,52 – 0,77 với p = 0,048.

Với điểm cắt là 0,25 ng/ml thì β-CTX có độ nhạy là 83,30% và độ đặc hiệu là 74,50%. Với điểm cắt là 4,65 ng/ml thì osteocalcin có độ nhạy là 77,80% và độ đặc hiệu là 80,60% [6].

Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả AUC của β-CTX, osteocalcin lần lượt là 0,9465 (KTC 95%: 0,9195-0,9734); 0,592 (KTC 95% 0,516-0,668). Kết quả AUC của β-CTX là 0,9465 cho thấy β-CTX có giá trị rất tốt trong chẩn đoán ở nam giới và có thể sử dụng như là một xét nghiệm để tầm soát loãng xương. Chúng tôi tiến hành chọn giá trị điểm cắt của các chỉ số dựa vào chỉ số youden. Chỉ số youden là biến được tạo ra có giá trị: Youden = Độ nhạy + Độ đặc hiệu -1. Chỉ số youden càng cao thì độ nhạy và độ đặc hiệu càng tốt. Đối với β-CTX, chúng tôi chọn điểm cắt là 350,60 pg/ml; với điểm cắt này thì độ nhạy và độ đặc hiệu của β-CTX trong chẩn đoán loãng xương ở nam giới ≥ 50 tuổi là 83% và 91%.

4. KẾT LUẬN

  • Loãng xương liên quan có ý nghĩa thống kê với nồng độ osteocalcin (OR: 1,06; KTC 95% 1,02 – 1,1) và nồng độ β-CTX (OR: 1,03; KTC 95% 1,02 – 1,03).
  • Có sự tương quan nghịch mức độ trung bình giữa nồng độ β-CTX với mật độ xương tại cột sống (r = -0,62; p<0,001) và mật độ xương tại cổ xương đùi (r = -0,74; p<0,001).
  • β-CTX có vai trò trong sàng lọc loãng xương ở nam giới. Với điểm cắt tốt nhất (350,6 pg/ml) có độ nhạy là 83% và độ đặc hiệu là 91%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lan Hồ Phạm Thục, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Văn Tuấn (2012), “Mối liên quan giữa marker chu chuyển xương và mật độ xương”. Thời sự Y học TP Hồ Chí Minh,  3  (68), pp. tr. 3-8.
  2. Quốc Hòa Hoàng, Anh Thư Lê, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh loãng xương, 2013: Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh. pp. 7.
  3. Bartl Reiner (2009), “Osteoporosis: Dianogsis, prevention, Therapy”, Spinger, pp. pp.1-43.
  4. Berry S. D., Kiel D. P., Donaldson M. G., Cummings S. R., Kanis J. A., et al. (2010), “Application of the National Osteoporosis Foundation Guidelines to postmenopausal women and men: the Framingham Osteoporosis Study”. Osteoporos Int, 21  (1), pp. 53-60.
  5. Bian P., Li X., Ying Q., Chen J., Jin X., et al. (2015), “Factors associated with low femoral neck bone mineral density in very elderly Chinese males”. Arch Gerontol Geriatr, 61  (3), pp. 484-8.
  6. Botella S., Restituto P., Monreal I., Colina I., Calleja A., et al. (2013), “Traditional and novel bone remodeling markers in premenopausal and postmenopausal women”. J Clin Endocrinol Metab, 98  (11), pp. E1740-8.
  7. Center J. R., Nguyen T. V., Schneider D., Sambrook P. N., Eisman J. A. (1999), “Mortality after all major types of osteoporotic fracture in men and women: an observational study”. Lancet,  353  (9156), pp. 878-82.
  8. Cooper C., Campion G., Melton L. J., 3rd (1992), “Hip fractures in the elderly: a world-wide projection”. Osteoporos Int,  2  (6), pp. 285-9.
  9. Forsen L., Sogaard A. J., Meyer H. E., Edna T., Kopjar B. (1999), “Survival after hip fracture: short- and long-term excess mortality according to age and gender”. Osteoporos Int,  10  (1), pp. 73-8.
  10. Goemaere S., Van Pottelbergh I., Zmierczak H., Toye K., Daems M., et al. (2001), “Inverse association between bone turnover rate and bone mineral density in community-dwelling men >70 years of age: no major role of sex steroid status”. Bone, 29 (3), pp. 286-91.
  11. Iki M., Akiba T., Matsumoto T., Nishino H., Kagamimori S., et al. (2004), “Reference database of biochemical markers of bone turnover for the Japanese female population. Japanese Population-based Osteoporosis (JPOS) Study”. Osteoporos Int, 15 (12), pp. 981-91.
  12. Lormeau C., Soudan B., d’Herbomez M., Pigny P., Duquesnoy B., et al. (2004), “Sex hormone-binding globulin, estradiol, and bone turnover markers in male osteoporosis”. Bone, 34 (6), pp. pp.933-9.
  13. Lumachi F., Orlando R., Fallo F., Basso S. M. (2012), “Relationship between bone formation markers bone alkaline phosphatase, osteocalcin and amino-terminal propeptide of type I collagen and bone mineral density in elderly men. Preliminary results”. In Vivo, 26  (6), pp. 1041-4.
  14. Marques E. A., Gudnason V., Sigurdsson G., Lang T., Johannesdottir F., et al. (2016), “Are bone turnover markers associated with volumetric bone density, size, and strength in older men and women? The AGES-Reykjavik study”. Osteoporos Int, 27 (5), pp. 1765-76.
  15. Meier C., Seibel M. J., Kraenzlin M. E. (2009), “Use of bone turnover markers in the real world: are we there yet?”. J Bone Miner Res, 24  (3), pp. pp.386-8.
  16. Nguyen N. D., Pongchaiyakul C., Center J. R., Eisman J. A., Nguyen T. V. (2005), “Identification of high-risk individuals for hip fracture: a 14-year prospective study”. J Bone Miner Res, 20  (11), pp. pp. 1921-8.
  17. Pietschmann P., Kudlacek S., Grisar J., Spitzauer S., Woloszczuk W., et al. (2001), “Bone turnover markers and sex hormones in men with idiopathic osteoporosis”. Eur J Clin Invest, 31 (5), pp. 444-51.
  18. Scholtissen S., Guillemin F., Bruyere O., Collette J., Dousset B., et al. (2009), “Assessment of determinants for osteoporosis in elderly men”. Osteoporos Int, 20 (7), pp. 1157-66.
  19. Shou Z., Jin X., Bian P., Li X., Chen J. (2016), “Reference intervals of beta-C-terminal telopeptide of type I collagen, procollagen type I N-terminal propeptide and osteocalcin for very elderly Chinese men”. Geriatr Gerontol Int.
  20. Srivastava A. K., Vliet E. L., Lewiecki E. M., Maricic M., Abdelmalek A., et al. (2005), “Clinical use of serum and urine bone markers in the management of osteoporosis”. Curr Med Res Opin, 21 (7), pp. pp.1015-26.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …