Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan về sử dụng insulin ở người bệnh đái tháo đường tại bệnh viện đa khoa trà vinh năm 2021

KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN VỀ SỬ DỤNG INSULIN Ở NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRÀ VINH NĂM 2021

Nguyễn Thị Nhật Tảo1*, Lương Thị Thanh Ngân2 Cao Mỹ Phượng3

1,3Trường Đại học Trà Vinh

2Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long

DOI: 10.47122/vjde.2022.57.7

ABSTRACT

Knowledge, attitude, practice and some related factors on insulin use in diabetes patients at Tra Vinh General Hospital in 2021

The study was conducted to determine the rate of knowledge, attitude, practice and some related factors on insulin use in diabetes patients at Tra Vinh General Hospital in 2021. Cross-sectional study Horizontal descriptive analysis was conducted on 390 subjects diagnosed with Diabetes who visited the Medical Examination Department and patients were inpatient at the Department of Cardiology and Geriatrics, Tra Vinh General Hospital from April 12, 2021 to June 18, 2021. Research results show that the rate of knowledge, attitude, and correct practice on insulin use in diabetics are 26,2%; 90,3%; 79,7%. The study recognized the relationship between knowledge and attitude with low education level, housework occupation, poor and near-poor family economy. Besides, the right knowledge and right attitude about using insulin are also related to the practice of the study subjects.

Keywords: Diabetes, insulin, Tra Vinh.

 

TÓM TẮT

Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan về sử dụng insulin ở người bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh năm 2021. Nghiên cứu cắt ngang mô tả được tiến hành trên 390 đối tượng được chẩn đoán mắc Đái tháo đường đến khám tại Khoa khám bệnh và người bệnh đang điều trị nội trú tại Khoa Nội tim mạch lão khoa, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh từ 12 tháng 04 năm 2021 đến 18 tháng 06 năm 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành đúng về sử dụng insulin ở người bệnh Đái tháo đường lần lượt là 26,2%; 90,3%; 79,7%. Nghiên cứu ghi nhận được mối liên quan giữa kiến thức, thái độ với trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp nội trợ, kinh tế gia đình nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, kiến thức đúng và thái độ đúng về sử dụng insulin cũng có mối liên quan với thực hành của đối tượng nghiên cứu.

Từ khóa: Đái tháo đường, insulin, Trà Vinh.

Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Nhật Tảo

Email: ntntao@tvu.edu.vn

Ngày nhận bài: 15/9/2022

Ngày phản biện khoa học: 15/10/2022

Ngày duyệt bài: 5/11/2022

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa mạn tính rất phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể mất khả năng sản xuất hoặc mất khả năng sử dụng hormon insulin làm lượng đường trong máu tăng cao còn gọi là tăng đường huyết. Người mắc bệnh Đái tháo đường có nguy cơ cao xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng cho thần kinh, tim mạch, mắt và thận [1].

Tại Việt Nam năm 2017 có khoảng 29.000 người lớn tử vong liên quan đến Đái tháo đường, tức khoảng 80 ca tử vong một ngày [2]. Theo một kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015, tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường ở người trưởng thành từ 18-69 tuổi là 4,1%.

Tuy nhiên, chỉ có 28,9% người mắc bệnh Đái tháo đường được quản lý, có nghĩa là tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường nhưng không được điều trị là 70% [3]. Tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh năm 2019 đón tiếp 429.422 lượt người bệnh đến khám và chữa bệnh [4], đặc biệt số ca Đái tháo đường chiếm gần 1/3 tổng số ca và đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng insulin đúng cách, đề tài nghiên cứu được tiến hành nhằm đạt được mục đích “Xác định tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan về sử dụng insulin ở người bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh năm 2021”.

 2.  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.  Đối tượng nghiên cứu

Tất cả người bệnh được chẩn đoán mắc Đái tháo đường (ĐTĐ) đến khám tại khoa Khám bệnh và người bệnh đang điều trị nội trú tại khoa Nội tim mạch lão khoa Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh từ 12/04/2021 đến 18/06/2021.

2.2.  Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Thời gian nghiên cứu: Từ 12/04/2021 đến 18/06/2021.

Địa điểm nghiên cứu: Khoa Khám bệnh và khoa Nội tim mạch lão khoa Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh.

2.3.  Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu cắt ngang mô tả.

2.4.  Cỡ mẫu nghiên cứu

Cỡ mẫu: được tính theo công thức ước lượng một tỷ lệ:

Trong đó: p=0,51 là tỷ lệ người bệnh thực hành đúng tiêm insulin theo nghiên cứu của Vũ Thùy Linh [5]; d=0,05 là sai số cho phép; là phân vị của phân phối chuẩn (bằng 1,962 tương ứng với mức ý nghĩa 95%).

Vậy cỡ mẫu nghiên cứu là 384 đối tượng. Để dự trù mất mẫu nên chúng tôi lấy tổng số mẫu là 390 đối tượng.

2.5. Phương pháp chọn mẫu

Chọn mẫu thuận tiện cho đến khi đủ cỡ mẫu, gồm hai nội dung:

Đối với người bệnh nội trú tại khoa Nội tim mạch lão khoa: Nghiên cứu viên liên hệ xin phép được xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân; Tìm bệnh án của đối tượng được chẩn đoán mắc ĐTĐ và đang được điều trị bằng tiêm isulin; Gặp gỡ đối tượng và tiến hành phỏng vấn bằng bộ câu hỏi soạn sẵn. Đối với người bệnh ngoại trú tại khoa Khám bệnh: Nghiên cứu viên tiếp cận đối tượng; Xin phép được xem sổ khám bệnh; Tiến hành phỏng vấn bằng bộ câu hỏi soạn sẵn nếu đối tượng thỏa điều kiện nghiên cứu.

2.6.  Biến số nghiên cứu

Khảo sát một số đặc điểm dân số xã hội của đối tượng gồm tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng kinh tế gia đình. Tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành sử dụng insulin được xác định qua 26 câu hỏi tham khảo dựa trên bộ câu hỏi đã được chuẩn hóa, điều chỉnh phù hợp với đối tượng và đặc điểm nơi nghiên cứu.

2.7.  Phương pháp thu thập thông tin

Đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành sử dụng insulin.

2.8.  Phương pháp xử lý số liệu

Nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1 và phân tích bằng phần mềm Stata 13. Sử dụng tần số, tỷ lệ phần trăm để mô tả các biến số về yếu tố xã hội, dân số, thông tin của người bệnh, kiến thức, thái độ, thực hành tiêm insulin. Sử dụng phép kiểm định chi bình phương (ꭓ2), hồi quy logistic ở mức ý nghĩa alpha bằng 0,05 để xác định mối liên quan giữa kiến thức, thái độ, thực hành tiêm insulin.

2.9.  Đạo đức nghiên cứu

Đối tượng tham gia nghiên cứu được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện dưới sự cho phép của Hội đồng Khoa học Trường Đại Học Trà Vinh và Bệnh Viện Đa khoa Trà Vinh.

3.  KẾT QUẢ

Trong số 390 đối tượng tham gia nghiên cứu, độ tuổi trung bình của đối tượng là 62 tuổi, nhóm từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 59,7%; nữ giới (63,1%) cao hơn nam giới (36,9%).

Đa số đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn tiểu học (42,6%) và trung học cơ sở (21,8%). Về nghề nghiệp, có 29,5% đối tượng không làm việc; 19,0% nông dân và 17,9% đối tượng là nội trợ trong gia đình. Đa số đối tượng có tình trạng kinh tế không nghèo (69,8%); hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ thấp (5,1% và 25,1%).

Kiến thức đúng về sử dụng insulin của người bệnh ĐTĐ chiếm 26,2%, thái độ đúng và thực hành đúng chiếm tỷ lệ cao với 90,3% và 79,7% (Biểu đồ 1).

Trong các kiến thức cơ bản về sử dụng insulin, đối tượng có kiến thức đúng về việc tiêm insulin điều trị khỏi bệnh ĐTĐ chiếm tỷ lệ cao nhất là 50,8%; thấp nhất là kiến thức về các loại insulin, tỷ lệ đối tượng có kiến thức đúng chiếm 2,1%. Về tác dụng phụ, có 71,5% người bệnh biết những biểu hiện có thể xảy ra tại vị trí tiêm; 71,0% biết cách làm hạn chế đau tại vị trí tiêm. Về kiến thức bảo quản insulin, cao nhất là tỷ lệ đối tượng biết vị trí bảo quản insulin tốt nhất chiếm 82,3% (Bảng 1).

Kết quả Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ thái độ đúng về sử dụng insulin của người bệnh ĐTĐ tương đối cao. Trong đó, thái độ đúng về sử dụng insulin giúp kiểm soát tốt đường huyết chiếm 92,3%; thái độ đúng về sử dụng insulin làm người bệnh phụ thuộc hơn vào bác sĩ chiếm 85,6%; thái độ đúng về sử dụng insulin để ngăn ngừa biến chứng chiếm 85,2%; thái độ đúng về cách tiêm insulin phức tạp và khó thực hiện chiếm 69,7%; thái độ đúng về sử dụng insulin có nghĩa là không cần điều tị bằng thuốc viên và chế độ ăn kiêng chiếm 68,5%.

Có 91,8% người bệnh ĐTĐ thực hành đúng về chế độ tiêm; 80,3% đối tượng thực hành đúng bảo quản thuốc chưa qua sử dụng ở ngăn mát tủ lạnh; thấp nhất là 41,0% đối tượng thực hành đúng xử trí khi hạ đường huyết (Bảng 3).

Có mối liên quan giữa kiến thức chung về sử dụng insulin với trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng kinh tế gia đình và thời gian mắc bệnh của đối tượng nghiên cứu (p<0,05). Đối tượng có trình độ trung học phổ thông/trung cấp trở lên có kiến thức đúng cao gấp 2,42 lần so với đối tượng có trình độ mù chữ/tiểu học (PR=2,42; p<0,001). Đối tượng nghiên cứu là công chức, viên chức có tỷ lệ kiến thức đúng cao gấp 3,58 lần đối tượng nội trợ (PR=3,58; p<0,001). Về tình trạng kinh tế gia đình, đối tượng không nghèo có kiến thức đúng cao gấp 1,58 lần so với đối tượng nghèo/cận nghèo (PR=1,58; p=0,026) (Bảng 4).

(*Kiểm định chính xác Fisher)

Có mối liên quan giữa thái độ chung về sử dụng insulin với trình độ học vấn và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu (p<0,05) (Bảng 5).

(*Kiểm định chính xác Fisher)

Nghiên cứu chưa ghi nhận mối liên quan giữa thực hành về sử dụng insulin với đặc điểm chung của người bệnh ĐTĐ (p>0,05) (Bảng 6).

Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức, thái độ với thực hành về sử dụng insulin của đối tượng nghiên cứu (p<0,05) (Bảng 7-9).

4.  BÀN LUẬN

4.1.   Tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành đúng về sử dụng insulin của người bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh năm 2021

Tỷ lệ đối tượng có kiến thức đúng về sử dụng insulin chiếm 26,2%; tỷ lệ đối tượng có kiến thức chưa đúng về sử dụng insulin còn rất cao, chiếm 73,8%. Kết quả nghiên cứu thấp hơn nghiên cứu của Lê Thị Hường, của Aruna Shanmugam với tỷ lệ đối tượng có kiến thức đúng về sử dụng insulin là 35,0%; 33,4% [6], [7]. Điều này có thể giải thích rằng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của nhân viên y tế còn hạn chế, người bệnh không được tư vấn kỹ về việc sử dụng, đề phòng và các tác dụng phụ khi sử dụng insulin dẫn đến nhiều sai sót trong kiến thức của đối tượng.

Đánh giá thái độ trên 390 đối tượng nghiên cứu qua bộ câu hỏi với tổng điểm cao nhất là 5 điểm. Đối tượng đạt trên 60% số điểm là đối tượng có thái độ đúng, qua nghiên cứu cho thấy có đến 90,3% đối tượng có thái độ đúng về sử dụng insulin. Kết quả nghiên cứu cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Hường với tỷ lệ đối tượng có thái độ tích cực chiếm 78% [6]. Điều này có thể giải thích bằng việc đối tượng đã nhận thấy được lợi ích của việc dùng thuốc, từ đó có thái độ tốt và tin tưởng hơn vào phác đồ điều trị.

Có 79,7% đối tượng có thực hành đúng về tiêm insulin, tỷ lệ được xác định qua 5 câu hỏi với điểm cao nhất là 5 điểm, đối tượng có số điểm lớn hơn 60% tổng số điểm là đối tượng có thực hành đúng. So sánh với nghiên cứu của Vũ Thùy Linh và Lê Thị Hường kết quả có sự khác biệt, cụ thể tỷ lệ thực hành đúng chiếm 94% và 51% [5], [7].

4.2.   Một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành đúng về sử dụng insulin của người bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh năm 2021

Kết quả nghiên cứu ghi nhận, có mối liên quan giữa kiến thức với trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng kinh tế gia đình và thời gian mắc bệnh của đối tượng nghiên cứu với p<0,05. Kết quả này có sự tương đồng với nghiên cứu của Lê Thị Hường, Sourav Das Choudhury [6], [8]. Điều này cho thấy, trình độ học vấn càng cao, nghề nghiệp và kinh tế càng ổn định thì kiến thức về sử dụng insulin của người bệnh ĐTĐ càng cao. Do vậy, cần tăng cường công tác giáo dục sức khỏe, đa dạng hóa phương pháp tiếp cận thông tin về sử dụng insuin và tạo điều kiện hỗ trọ về kinh tế cho người bệnh ĐTĐ. Kết quả nghiên cứu ghi nhận, có mối liên quan giữa thái độ với trình độ học vấn và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu với p<0,05. Theo một nghiên cứu của Suniram Priscilla cũng cho kết quả tương tự là người có trình độ học vấn càng cao thì thái độ đúng càng nhiều [9]. Đối tượng có trình độ học vấn càng cao, nghề nghiệp ổn định thì có mức độ hiểu biết và quan tâm đến tình trạng bệnh càng nhiều. Từ những thông tin và hiểu biết có được giúp người bệnh phần nào có thái độ tích cực về sử dụng insulin. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức, thái độ với thực hành sử dụng insulin của đối tượng nghiên cứu (p<0,05). Đối tượng có kiến thức đúng càng nhiều, thái độ càng cao thì càng quan tâm sức khỏe, từ đó có thực hành đúng về sử dụng insulin. Kết quả này có sự tương đồng với nghiên cứu của Mainisha C Gholap với đối tượng có kiến thức tốt thì có thực hành càng tốt [10]. Nghiên cứu chưa ghi nhận được mối liên quan giữa kiến thức với thái độ, giữa thực hành với đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu (p>0,05). Kết quả có sự tương đồng với nghiên cứu của Lê Thị Ngân với kết quả ghi nhận không có mối liên quan giữa khả năng tự tiêm insulin và tuổi, giới, trình độ học vấn [11].

5.  KẾT LUẬN

Tỷ lệ kiến thức, thái độ, thực hành đúng về sử dụng insulin ở người bệnh đái tháo đường lần lượt là 26,2%; 90,3%; 79,7%. Nghiên cứu ghi nhận được mối liên quan giữa kiến thức, thái độ với trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp nội trợ, kinh tế gia đình nghèo và cận nghèo, thời gian mắc bệnh ngắn. Bên cạnh đó, kiến thức đúng và thái độ đúng về sử dụng insulin cũng có mối liên quan với thực hành của đối tượng nghiên cứu (p<0,05).

6.  KIẾN NGHỊ

Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ kiến thức của đối tượng nghiên cứu còn rất hạn chế, về thái độ và thực hành tuy cao nhưng vẫn còn thiếu sót. Do đó chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, đa dạng hóa các nguồn đưa thông tin đến người bệnh, tăng cường hướng dẫn và kiểm tra phương pháp thực hành trên những người bệnh đái tháo đường về sử dụng insulin ngay từ khi mới chuyển sang tiêm. Đẩy mạnh tư vấn kiến thức cho người bệnh đặc biệt là những đối tượng có trình độ học vấn thấp trong những lần tái khám, nội dung tư vấn cần tập trung vào tình trạng bệnh, cách sử dụng thuốc, cách phòng và xử trí biến chứng.

Đảm bảo về phúc lợi xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn như thành lập quỹ từ thiện, kêu gọi đóng góp và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Tại cộng đồng cần tổ chức các câu lạc bộ đái tháo đường để người bệnh tham gia và chia sẽ, tiếp cận thông tin về bệnh dễ dàng, từ đó nâng cao kiến thức về bệnh nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bạch Minh (2015). Tiểu đường cách phát hiện và điều trị bệnh. Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, trang 8-11.
  2. Bộ Y tế (2017). Tình hình đái tháo đường. Truy cập ngày 02/02/2021, tại trang web http://daithaoduong.kcb.vn/tinh-hinh-dai- thao-duong/.
  3. Tổ chức Y tế thế giới Tây Thái Bình Dương – Việt Nam. Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Truy cập ngày 20/02/2021, tại trang web https://www.who.int/Vietnam/vi/healthtopics/diabetes.
  4. Sở Y tế Trà Vinh (2019). Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.
  5. Vũ Thùy Linh, Vũ Bích Nga và Trịnh Thị Hằng (2020). “Đánh giá kiến thức và thực hành tiêm insulin của người bệnh đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trang 36.
  6. Lê Thị Hường (2012). Kiến thức, thái độ và thực hành về sử dụng insulin của bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Lão Khoa Trung Ương. Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Thăng Long.
  7. Aruna Shanmugam and M. Anagha (2017). Assess the knowledge on insulin therapy Among patients with diabete mellitus. Int J Pharm Bio Sci. Special issue SP04 “Exhilaration of Nursing Sorority: Maneuvering the Quality”, pp. 38-46.
  8. Das Choudhury, S. K. Das and A. Hazra (2014). “Survey of knowledge- attitude-practice concerning insulin use in adult diabetic patients in eastern India. Indian J Pharmacol. 46(4), pp. 425-9.
  9. Priscilla (2019). “The level of knowledge and attitude on insulin therapy in patients with diabetes mellitus in a teaching hospital of Southern India. J Family Med Prim Care. 8(10), pp. 3287- 3291
  10. Manisha C Gholap, Vaishali R Mohite, Mahesh Bhupal Chendake, Prabhuswami Heremath (2016). A Study to Assess the Knowledge and Practices of Self Administration of Injection Insulin among Diabetic Patient Attending Out Patient Department of Krishna Hospital, Karad. International Journal of Health Sciences and Research, pp. 277-282.
  11. Nguyễn Thị Ngân (2016). “Khảo sát khả năng tự tiêm Insulin và các yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao tuổi.

 

About dacdien

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …