NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, NỒNG ĐỘ TESTOSTERONE
Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
CÓ RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG
Nguyễn Thị Thục Hiền, Nguyễn Khoa Diệu Vân
Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Thục Hiền
Ngày nhận bài: 19.9.2016
Ngày phản biện khoa học: 9.10.2016
Ngày duyệt bài: 15.10.2016
1. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Rối loạn chức năng tình dục là vấn đề hay gặp dẫn đến giảm sút chất lượng cuộc sống đối với nam giới lớn tuổi. Tỉ lệ này còn tăng cao hơn đối với người bị đái tháo đường (ĐTĐ).Các bệnh lý thần kinh và mạch máu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn cương,vai trò của sự thiếu hụt testosterone cũng đã được khẳng định [6].Nhiều nghiên cứu cho thấycó sự suy giảm một cách đáng kể nồng độ testosterone dẫn đến suy sinh dục ở nam giới ĐTĐ so với nam giới không bị ĐTĐ ở mọi lứa tuổi.Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: nhận xét đặc điểm lâm sàng của suy sinh dục, nồng độ testosterone ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 có rối loạn cương và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến suy sinh dục ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
2. TỔNG QUAN
Rối loạn cương là một trong số các biến chứng mạn tính của ĐTĐ.Trong số các nguyên nhân thực thể dẫn đến rối loạn cương, suy sinh dục là một trong những nguyên nhân hay gặp và hormone trị liệu có thể giúp cải thiện tình trạng này.Suy sinh dục ở nam giới ĐTĐ được xếp vào loại “Suy sinh dụckhởi phát muộn” hay “Thiếu hụt một phần androgen ở nam giới lớn tuổi”.
Cơ chế bệnh sinh của suy sinh dục ở người ĐTĐ còn chưa được chứng minh rõ ràng. Người ta thấy có vai trò của nhiều yếu tố như: tình trạng quá cân, béo phì dẫn đến tăng chuyển hóa testosterone thành estrogen, vai trò của kháng insulin cũng như sự gia tăng các yếu tố trung gian của quá trình viêm tham gia vào cơ chế ức chế trục vùng dưới đồi-tuyến yên dẫn đến hội chứng suy sinh dục thứ phát ở nam giới ĐTĐ type 2 [8],[11]. Suy giảm nồng độ testosterone không những gây suy giảm chức năng tình dục, rối loạn cương mà còn dẫn tới nhiều hệ quả khác như làm tăng tần suất các biến cố tim mạch, giảm nhạy cảm với insulin, rối loạn lipid máu, giảm độ khoáng xương, tăng khối mỡ…[11].
Suy sinh dục, rối loạn cương và ĐTĐ có mối liên hệ khá mật thiết.Về mặt bệnh học người ta thấy rối loạn chức năng nội mạc mạch máu có liên quan đến tất cả các vấn đề này.Suy sinh dục, kháng insulin và rối loạn cương có tác động lẫn nhau và thường xuất hiện đồng thời. Điều trị bằng thay đổi lối sống, giảm cân ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 không những giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, rối loạn cương mà còn tăng nồng độ testosterone. Ngược lại,điều trị thay thế testosterone ở những bệnh nhân có nồng độ testosterone thấp giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, HbA1cvà cải thiện chức năng cương [10].
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên những bệnh nhân nam được chẩn đoán ĐTĐ type 2 từ 6 tháng trở lên, tuổi từ 40- 70 đến khám và điều trị tại phòng khámNội tiết bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 2-10/2015. Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính như bệnh lý gan, thận, tuyến giáp, thượng thận, ung thư, bệnh nhân đã được chẩn đoán suy sinh dục có nguyên nhân, bệnh nhân sử dụng thuốc ảnh hưởng đến chức năng sinh dục…
Bệnh nhân được phỏng vấn bộ câu hỏi IIEF về rối loạn cương. Những bệnh nhân có rối loạn cương (IIEF<25) được hỏi và khám các bước tiếp theo: hỏi bệnh sử, phỏng vấn bộ câu hỏi sàng lọc triệu chứng thiếu hụt androgen (ADAM), đo BMI, vòng eo, đo huyết áp, xét nghiệm máu định lượng glucose, HbA1C, lipid, testosterone toàn phần (lấy máu trước 10 giờ sáng), giữ ống máu để định lượng SHBG (sex hormone binding globulin) và tính toán nồng độ testosterone tự do nếu testosterone toàn phần 8-12 nmol/L.
Tiêu chuẩn đánh giá:
- Rối loạn cương: 6 câu hỏi đánh giá chức năng cương dương vật trong bộ câu hỏi IIEF[9]: Từ 1-10 : Rối loạn cương nặng
Từ 11-16 : Rối loạn cương trung bình
Từ 17-25 : Rối loạn cương nhẹ
Từ 26-30 : Không rối loạn cương
- Suy sinh dục:
- Lâm sàng: dựa vào bộ câu hỏi ADAM [11]:
Chẩn đoán có triệu chứng thiếu hụt androgen khi bệnh nhân có các tiêu chí Cóở câu 1 hoặc 7 hoặc ít nhất 3 câu hỏi ở các câu còn lại.
- Cận lâm sàng: dựa vào nồng độ testosterone (T) theoĐồng thuận của các hiệp hội nam học 2008(ISA, ISSAM, EAU, EAA and ASA)[11]. Chẩn đoán suy sinh dục khi:
T toàn phần < 230 ng/dL (8 nmol/L)
Nếu T toàn phần = 230 – 346 ng/dL (8-12 nmol/L): được coi là giới hạn thấp. Bệnh nhân sẽ được định lượng thêm SHBG và tính toán T tự do. Chẩn đoán suy sinh dục khi T tự do < 6.5 ng/dL (225 pmol/L).
4. KẾT QUẢ: Chúng tôi chọn được 138 bệnh nhân vào nghiên cứu.
4.1. Đặc điểm chung: tuổi trung bình là 58,46 ± 7,21tuổi, cao nhất là 70 tuổi và thấp nhất là 41 tuổi.Thời gian phát hiện ĐTĐ trung bìnhlà8,42±5,20năm. Chỉ số BMI trung bình:23,69 ± 2,51 và 47,83% có chỉ số vòng eo >90 cm.
Biểu đồ 1: Phân bố nhóm tuổi của bệnh nhân
Đường máu đói trung bình: 8,8±3,46mmol/L, HbA1Ctrung bình: 7,59±1,55 %, HbA1 thấp nhất là 5,3%, cao nhất là 13,9%. Có 43,48% ở mức kiểm soát tốt <7%.
Về các mức độ rối loạn cương: trên 60% có rối loạn cương nhẹ
Biểu đồ 2: Đánh giá các mức độ rối loạn cương
4.2.Các triệu chứng suy sinh dục: 87,7% bệnh nhân có triệu chứng thiếu hụt androgen theo bộ câu hỏi ADAM.Triệu chứng có tỉ lệ cao nhất là giảm cương cứng chiếm 78,99% và triệu chứng giảm ham muốn về tình dục gặp ở 59,42%.
Bảng 1: Các các triệu chứng thiếu hụt androgentheo bộ câu hỏi ADAM
4.3. Nồng độ testosterone
Testosterone toàn phần trung bình: 13,65 ± 4,94 nmol/L.Các mức< 8 nmol/L chiếm 11,59% (n=16); 8-12 nmol/L chiếm 32,61%(n=45); > 12 nmol/L chiếm 55,80% (n=77).
Nồng độ Testosteron tự do trong số 45bệnh nhân có T toàn phần 8-12 nmol/L: T tự do trung bình: 222 ± 45pmol/L.Tỉ lệ Testosterone tự do < 225 pmol/L là 52,3% (n=24).
Bảng 2: Các triệu chứng thiếu hụt androgentheo mức độ T toàn phần
Tỉ lệ suy sinh dục: 100% bệnh nhân có T toàn phần và tự do thấp đều có triệu chứng thiếu hụt androgen. Tỉ lệ suy sinh dục theo xét nghiệm testosterone toàn phần là 11,59%, theo xét nghiệm testosterone tự do là 16,67% và tỉ lệ suy sinh dục tính theo cả 2 chỉ số Testosterone toàn phần và tự do là 28,26%.
4.4. Suy sinh dục và các yếu tố liên quan
- Có mối liên quan giữa suy sinh dục và tuổi trung bình:
Bảng 3: liên quan giữa suy sinh dục với tuổi
- Có mối liên quan giữa suy sinh dục và mức độ nặng của rối loạn cương:
Bảng 4: Liên quan giữa suy sinh dục và các mức độ rối loạn cương
Tỉ lệ suy sinh dục trong nhóm rối loạn cương nặng và trung bình có sự khác biệt rõ rệt so với nhóm nhóm rối loạn cương nhẹ với p<0,01.
- Chúng tôi không nhận thấy mối liên quan giữa suy sinh dục với thời gian mắc ĐTĐ, BMI, vòng eo, kiểm soát đường máu, lipid máu, huyết áp.
5. BÀN LUẬN
138 bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu của chúng tôi có tuổi trung bình 58,46±7,21 tương tự với phần lớn tuổi của bệnh nhân trong các nghiên cứu về rối loạn cươngở bệnh nhân ĐTĐ type 2. Nhóm tuổi hay gặp nhất cũng là nhóm tuổi lớn nhất >60 tuổi. Thời gian mắc bệnh ĐTĐ trung bình khá dài 8,42±5,20 năm là khoảng thời gian có thể gây ra nhiều biến chứng mạn tính.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ triệu chứng thiếu hụt androgen gặp nhiều nhất là nhóm triệu chứng về tình dục: giảm cương cứng gặp ở 78,99%, giảm ham muốn tình dục chiếm tỉ lệ 59,42%. Đây là hậu quả trực tiếp của suy giảm nồng độ testosterone.Testosteron có vai trò quan trọng duy trì sức mạnh của khối cơ, xương đối với nam giới. Sự thiếu hụt testosterone dẫn đến hậu quả là suy giảm sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp (54,35%),giảm khả năng chơi thể thao (47,10%) và lao động (44,20%). Các triệu chứng về tâm lý, tinh thần như cảm giác mệt mỏi, buồn bã, giảm hứng thú với cuộc sống trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi gặp với tỉ lệ thấp từ 20-36%. Đây là các triệu chứng không đặc hiệu, có thể lẫn với các tình trạng mệt mỏi do các nguyên nhân khác.
Nồng độ testosterone toàn phần trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là 13,65±4,94 nmol/L, thấp hơn so với nồng độ testosterone ở nam giới khỏe mạnh (15,91±4,43 nmol/L) trong nghiên cứu đã được thực hiện tại khoa Sinh hóa bệnh viện Bạch Mai củatác giả Nguyễn Văn Trụ[2].
Trong các nghiên cứu về nồng độ testosterone và suy sinh dục trên bệnh nhân ĐTĐ, nhiều tác giả đã kết luận nồng độ testosterone ở nam giới ĐTĐ type 2 thấp hơn một cách đáng kể so với nam giới không mắc ĐTĐ sau khi đã điều chỉnh theo tuổi và BMI trung bình.
Tỉ lệ suy sinh dục tính theo Ttoàn phần là 11,59% và tỉ lệ suy sinh dục tính theo T tự do là 16,67%. Tỉ lệ suy sinh dục tổng cộng là 28,26%.Nếu chỉ dựa vào nồng độ T toàn phần để chẩn đoán suy sinh dục thì tỉ lệ này trong nhóm bệnh nhân của chúng tôi không caoNhư vậy nếu chỉ định lượng T toàn phần, chúng ta có thể đã bỏ sót mất một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân có suy sinh dục có nồng độ T tự do thấp. Tỉ lệ suy sinh dục ở bệnh nhân nam ĐTĐ khá dao động trong các nghiên cứu khác nhau do áp dụng tiêu chí chẩn đoán khác nhau.Trong nghiên cứu của Al Hayek, tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐ type 2 có triệu chứng rối loạn cương và nồng độ T toàn phần giảm (<10,4 nmol/L) là 30,3%. Tỉ lệ suy sinh dục trong số bệnh nhân rối loạn cương có ĐTĐ type 2 trong nghiên cứu của G Corona là 24,5%[3].
Nồng độ testosterone toàn phần cũng như testosterone tự do và testosterone gắn albumin giảm đi theo tuổi tác và do đó tỉ lệ suy sinh dục cũng tăng lên theo tuổi [7].Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi trung bình giữa hai nhómbệnh nhân có suy sinh dục và không suy sinh dục.Hơn nữa, tỉ lệ suy sinh dục trong nhóm tuổi 61-70 cao hơn rõ rệt so với nhóm tuổi 51-60.Nhóm tuổi 40-50 có số lượng ít nên việc so sánh tỉ lệ suy sinh dục với các nhóm khác cũng khó đem lại độ tin cậy.Nghiên cứu của các tác giả ở người ĐTĐ và không ĐTĐ cũng ghi nhận tuổi tác là yếu tố liên quan đến suy sinh dục.
Chúng tôi cũng nhận thấy có mối liên quan giữa suy sinh dục với các mức độ nặng của rối loạn cương.Tỉ lệ suy sinh dục trong nhóm rốiloạn cương nặng và trung bình cao hơn đáng kể so với nhóm rốiloạn cương nhẹ với p<0,01. Rối loạn cương nặng và trung bình có ý nghĩa gợi ý tới suy sinh dục cao hơn so với mức rối loạn cương nhẹ. Nhiều tác giả đã ghi nhận mốiliên quan giữa nồng độ testosterone với điểm số rối loạn cương theo bảng thang điểm IIEF và mức độ nặng của rối loạn cương.
6. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 138 bệnh nhân đái tháo đường type 2 có rối loạn cương chúng tôi nhận thấy:
- 87,7% bệnh nhân có triệu chứng thiếu hụt androgen
- Nồng độ testosterone toàn phần trung bình: 13,65 ± 4,94 nmol/L, testosterone tự do trung bình: 222 ± 45 pmol/L. Tỉ lệ suy sinh dục theo testosterone toàn phần và tự do là 28,26%.
- Có mối liên quan giữa suy sinh dục với: tuổi trung bình của người bệnh (p<0,05) và mức độ nặng của rối loạn cương (p<0,01).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Phi Nga và Hồ Thị Lê (2015). Liên quan giữa nồng độ testosterone huyết tương với thời gian mắc bệnh, glucose máu và HbA1c ở bệnh nhân nam đái tháo đường týp 2. Tạp chí nội khoa Việt Nam, tháng 10/2015, 272-277.
- Nguyễn Văn Trụ, Nguyễn Thị Hương, Hoàng Chí Phi (2000). Định lượng testosterone ở nam giới khỏe mạnh. Công trình nghiên cứu khoa học, bệnh viện Bạch Mai 1999-2000; tập I, 305-309.
- Corona G, Mannucci E, Petron L et al (2006). Association of hypogonadism and type II diabetes in men attending an outpatient erectile dysfunction clinic.Int J Impot Res; 18:190-197.
- Dhindsa S, Miller MG, McWhirter CL et al (2010). Testosterone concentrations in diabetic and nondiabetic obese men. Diabetes Care; 33(6):1186-92.
- Faerman I, Glocer L, Fox D et al (1974). Impotence and diabetes: histological studies of the autonomic nervous fibers of the corpora cavernosa in impotent diabetic males.Diabetes; 23:971 –976.
- Feldman HA et al (2002). Age trends in the level of serum testosterone and other hormones in middle-aged men: longitudinal results from the Massachusetts Male Aging Study.J Clin Endocrinol Metab; 87:589–598.
- Grossmann M (2014). Testosterone and glucose metabolism in men: current concepts and controversies. Journal of Endocrinology; 220, R35-R55.
- Rosen RC, et al (1997). The International Index of Erectile Function (IIEF): a multidimensional scale for assessment of erectile dysfunction.Urology, 49, 822 – 830.
- Tamler R, Devenney T (2010). Hypogonadism, Erectile Dysfunction, and Type 2 Diabetes Mellitus: What the Clinician Needs to Know. Postgrad Med, 122(6):165-175.
- Wang C, Nieschlag E, Swerdloff R et al (2009). ISA, ISSAM, EAU, EAA and ASA recommendations: investigation, treatment and monitoring of late-onset hypogonadism in males.Int J Impot Res; 21(1):1-8.