NGHIÊN CỨU TÌNH TRẠNG MẬT ĐỘ XƯƠNG Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN
Lê Thị Giang, Nguyễn Thanh Hải, Võ Thị Tuyết
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
ABSTRACT
Osteoporosis resulting in fractures in diabetic patients is increasing and seen in many different ages. The manifestation of osteoporosis is usually discreet and difficult to detect. When bone weight loses about 30-40 % , the new clinical signs such as spinal pain , scoliosis or fracture happen. It not only results in reducing motility, labor, and quality of life, but also increases economic burden to the society. The objective of the study: was to assess the state of bone density and learn about a number of factors relating to bone density in patients with type 2 diabetes treated in Nghe An Endocrinology hospital. Methods: 140 patients with type 2 diabetes as measured by bone density machine Osteo Pro, bone density assessed by T-Score scale. Results: The research showed that the rate of osteoporosis was 23.6 % , the rate of bone loss is 53.6 % , the rate of dilution bone in the group with number of BMI lower than 23 was 58.3 %. The rate is much higher in the group with larger number of BMI( ≥ 23) and p < 0:01. There is also a difference in the rate of bone loss and decreased bone density between good and not good glycemic control group (17.2 % versus 25.3 % p <0.05). Conclusion: Osteoporosis and reduced bone density take the high proportion in patients with type 2 diabetes. Patients with poor glycemic control and women with long duration of illness take a higher rate of osteoporosis and decreased bone density.
TÓM TẮT
Loãng xương mà hậu quả là gãy xương đang tăng lên ở bệnh nhân đái tháo đường và gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Các biểu hiện của bệnh loãng xương thường kín đáo, khó phát hiện. Khi trọng lượng xương mất khoảng 30 – 40 % thì mới có dấu hiệu lâm sàng như: đau cột sống, vẹo cột sống hay gãy xương… Hậu quả của nó là làm giảm sự vận động, giảm sức lao động, giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng kinh tế cho xã hội. Mục tiêu của đề tài là đánh giá tình trạng mật độ xương và tìm hiểu một số yếu tố liên quan mật độ xương ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 2 điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Phương pháp: 140 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 được đo mật độ xương bằng máy Osteo Pro, đánh giá mật độ xương bằng thang điểm T- Score. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ loãng xương là 23.6 %, tỷ lệ giảm mật độ xương là 53.6%, có sự khác biệt về tỉ lệ loãng xương và giảm mật độ xương giữa nhóm kiểm soát đường huyết tốt và không tốt (17.2% so với 25.3% p <0.05), tỷ lệ loãng xương ở nhóm có BMI < 23 là 58.3 %, tỷ lệ này cao hơn hẳn ở nhóm có BMI ≥ 23 với p < 0.01 . Kết luận: Loãng xương và giảm mật độ xương chiếm tỷ lệ cao ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, những bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém, nữ giới, thời gian bị bệnh kéo dài đều có tỷ lệ loãng xương và giảm mật độ xương cao hơn.
Chịu trách nhiệm chính: Lê Thị Giang
Ngày nhận bài: 1/10/2017
Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017
Ngày duyệt bài: 07/11/2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường, đặc biệt là ĐTĐ týp 2 nếu không được điều trị tích cực sẽ gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính nguy hiểm cho bệnh nhân. Một trong những biến chứng đó là loãng xương thứ phát do ĐTĐ[5] và gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau [2],[3].
Ở Mỹ, hàng năm có tới 350.000 ca ĐTĐ bị gãy xương đùi có liên quan đến loãng xương và theo dự đoán tần suất gẫy xương do loãng xương vẫn tiếp tục gia tăng, con số này ước tính đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi. Nguy cơ gẫy xương đùi ở bệnh nhân nữ ĐTĐ týp 2 cao gấp 2 lần so với phụ nữ cùng lứa tuổi không bị ĐTĐ [5],[6].
Ở Việt Nam, nghiên cứu của Ngô Thị Mai Xuân tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỉ lệ loãng xương ở bệnh nhân nữ ĐTĐ týp 2 là 8% – 10 % [4].
Nghiên cứu của Đào Thị Dừa tại Huế cho kết quả loãng xương đùi ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 là 36,67% [1].
Các biểu hiện của bệnh loãng xương thường kín đáo, khó phát hiện. Khi trọng lượng xương mất khoảng 30 – 40 % thì mới có dấu hiệu lâm sàng như: đau cột sống, vẹo cột sống hay gãy xương…
Hậu quả của nó là làm giảm sự vận động , giảm sức lao động, giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng kinh tế cho xã hội. Vì vậy, việc đánh giá đúng tình trạng xương là một khâu quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương. Mục tiêu:
– Đánh giá tình trạng mật độ xương ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 2 điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
– Tìm hiểu một số yếu tố liên quan mật độ xương ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 2 điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Đối tượng nghiên cứu
2.2.1. Tiêu chuẩn lựa chọn: bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2013 được chẩn đoán ĐTĐ týp 2 theo tiêu chuẩn ADA năm 2010.
2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ:
Bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo: đa u tủy xương, hội chứng Cushing, cường cận giáp, nhiễm trùng máu, hôn mê do ĐTĐ, suy gan, suy thận. Bệnh nhân đang dùng các thuốc: corticoid, thuốc điều trị loãng xương. Bệnh nhân đang có các yếu tố ảnh hưởng đến loãng xương: mãn kinh sớm trước tuổi 40, cắt buồng trứng.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu: Là nghiên cứu mô tả cắt ngang.
2.3.2.Quy trình nghiên cứu
– Tiền sử và bệnh sử, khám lâm sàng.
– Xét nghiệm đường máu, Insulin máu, HbA1C,
– Đo mật độ xương bằng máy Osteo Pro.
2.4. Một số tiêu chuẩn và định nghĩa sử dụng trong nghiên cứu:
– Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2010,
– Định nghĩa và chẩn đoán loãng xương theo WHO dựa vào tiêu chuẩn thăm dò mật độ khoáng xương: bình thường:T score ≥ – 1,0; giảm MĐX: -2,5 < T score < -1,0; loãng xương:T score ≤ – 2,5;loãng xương nặng:T score ≤ – 2,5 và có một hoặc nhiều xương gẫy do dòn xương.
– Chỉ số BMI: theo IDF năm 2005 cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương
2.5. Xử lý số liệu: phần mềm Stata 10.
III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Bảng 1. Phân bố mật độ xương theo thang điểm T- score
Từ kết quả nghiên cứu trên 140 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cho thấy tỷ lệ loãng xương là 23.6%, tỷ lệ giảm mật độ xương là 53.6%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với một nghiên cứu tại Mỹ (2004) trên bệnh nhân ĐTĐ 2 tỷ lệ loãng xương đùi là 24%. Nghiên cứu của Ling Xu (2006) và cộng sự tại Trung Quốc trên 131 bệnh nhân ĐTĐ 2 cho kết quả tỷ lệ loãng xương 29%, và 36% bệnh nhân có giảm mật độ xương.
Bảng 2. Liên quan giữa giới tính với MĐX
Tỷ lệ loãng xương và giảm mật độ xương ở nhóm bệnh nhân nữ cao hơn tỷ lệ này ở nam giới, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
Bảng 3. Liên quan giữa thời gian bị bệnh với MĐX
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ loãng xương ở nhóm bệnh nhân có thời gian bị bệnh > 5 năm có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ này ở nhóm bị bệnh < 5 năm (25.9% so với 21.9%). Tuy nhiên ở nhóm bị bệnh > 5 năm thì tỷ lệ giảm mật độ xương cao hơn nhóm có thời gian bị bệnh < 5 năm với p < 0.05 ( 63.4% so với 39.6%).
Nghiên cứu của WH Linda Kao và cộng sự ở Mỹ (2002) trên 383 bệnh nhân bị ĐTĐ týp 2 độ tuổi từ 30 -96. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa mật độ xương và thời gian bị bệnh ĐTĐ týp 2.
Bảng 4. Liên quan giữa BMI với MĐX
Trong nghiên cứu tỷ lệ loãng xương ở nhóm có BMI < 23 là 58.3 %, tỷ lệ này cao hơn hẳn ở nhóm có BMI ≥ 23 với p < 0.01. Tuy nhiên tỷ lệ giảm mật độ xương ở nhóm gầy lại thấp hơn nhóm có BMI trung bình và béo.
WH.Kao và cộng sự ở Mỹ cho rằng béo phì liên quan đến cả ĐTĐ týp 1 và týp 2. Béo phì liên quan đế sự đề kháng isulin, dẫn đến tăng nồng độ isulin huyết thanh. Khi nồng độ isulin tăng làm tăng mật độ xương.
Nghiên cứu của Rotterdam cho rằng có mối quan hệ thuận giữa béo phì làm tăng mật độ xương. Lý giải vấn đề này ngoài ý kiến nguyên nhân do tăng insulin tác giả còn đưa ra ý kiến do ảnh hưởng của việc hấp thu năng lượng của các mô mỡ của họ làm tăng quá trình đồng hóa của xương dẫn đến người béo xương được bảo vệ tránh nguy cơ bị loãng xương hơn người gầy.
Bảng 5. Liên quan giữa glucose máu lúc đói với MĐX
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự khác biệt về tỉ lệ loãng xương và giảm mật độ xương giữa nhóm kiểm soát đường huyết tốt và không tốt với p <0.05. Kết quả này cũng tương tự một số nghiên cứu khác:
Theo Diane và cộng sự ở Mỹ (2002) và nghiên cứu của Ryo Okozaki ( 1997) khi nghiên cứu vấn đề loãng xương ở bệnh nhân ĐTĐ có nhận xét các bệnh nhân kiểm soát đường máu kém bị mất xương nhiều hơn so với bệnh nhân dược kiểm soát đường máu tốt. JC Krakauer và cộng sự cho thấy mật độ xương ban đầu của người ĐTĐ thấp nhưng sự thiếu hụt này được bù đắp hoàn toàn sau 2.5 đến 12 năm nếu bệnh nhân được kiểm soát đường máu tốt. Như vậy đường máu liên quan mật thiết đến mật độ xương, giải thích điều này, tác giả cho rằng ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 các IGF1 giống như insulin có khuynh hướng bị giảm gây ra hiện tượng sự hình thành xương bị chậm lại và làm giảm mật độ xương. SueA.Brown (2204) qua nghiên cứu quá trình loãng xương ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2đã chỉ ra rằng sự tạo thành canxi xương của nguyên bào tạo xương bị giảm sút bởi nồng độ đường máu cao. Mặt khác mật độ xương ổn định hoặc tăng lên trong suốt thời gian đường máu được kiểm soát tốt.
Bảng 6. Liên quan giữa HbA1C với MĐX
Như vậy HbA1C càng cao thì mật độ xương càng giảm. Điều này có ý nghĩa dự báo trước nguy cơ loãng xương cho người bị ĐTĐ.
Nghiên cứu của Ryo Okozaki (1997) cho rằng những bệnh nhân bị ĐTĐ týp 2 được kiểm soát không tốt với mức HbA1C vượt quá 8% sẽ có hiện tượng tăng cường chuyển hóa. Sự tăng cường chuyển hóa này là nguyên nhân gây ra giảm sút canxi niệu, PTH nhưng không làm tăng canxi máu và giảm mật độ xương trong một thời gian ngắn.
Bảng 7. Liên quan giữa nồng độ insulin máu với MĐX
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên hệ giữa nồng độ insulin với mật độ xương, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu của Rotterdam (Hà lan) là một nghiên cứu nổi tiếng về mật độ xương ở bệnh nhân ĐTĐ với số lượng bệnh nhân lớn cho thấy sự thiếu hụt insulin ở bệnh nhân ĐTĐ dẫn đến tình trạng giảm sự tạo xương.
IV. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu mật độ xương ở 140 bệnh nhân bị ĐTĐ týp 2 điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An, chúng tôi có kết luận sau:
- Tỷ lệ loãng xương là: 23.6 %
- Tỷ lệ giảm mật độ xương là: 53.6%
- Tỷ lệ bệnh nhân loãng xương và giảm mật độ xương ở nhóm bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém cao hơn hẳn ở nhóm kiểm soát đường huyết tốt với P <0.01.
- Yếu tố BMI có ảnh hưởng đến mật độ xương.
- Thời gian bị bệnh, giới tính ảnh hưởng đến mật độ xương, tuy nhiên chưa có ý nghĩa thống kê.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Thị Dừa (2011), Nghiên cứu tình trạng loãng xương ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 bằng kỹ thuật hấp phụ năng lượng tia X kép, Tạp chí Y học Việt Nam tháng 4- số 2/2011.
- Thái Hồng Quang (1998), “ Rối loạn chức năng mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường , Hội nội tiết Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Servier”, Báo cáo khoa học chuyên đề: Để điều trị thành công bệnh ĐTĐ.
- Thái Hồng Quang (2001), Bệnh Nội tiết, NXB Y học, tr 259 – 290.
- Ngô Thị Mai Xuân (2007), Nhận xét mật độ xương ở bệnh nhân nữ đái tháo đường týp 2 và các yếu tố liên quan, Luận văn thạc sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội
- Anderson F.H. (1998), Osteoporosis in men, Int – J- Clin – Pract, 53 (3),pp.176-180.
- Compton JE, Smith EM (1994), Whole body composition and regional bone mass in women with insulin- dependent diabetes mellitus, Clin Endocrinol 41, pp. 289 – 293