Kiến thức và nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường tại Thành phố Đà Nẵng

KIẾN THỨC VÀ NHU CẦU VỀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH TỪ XA CỦA BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Quách Hữu Trung, Võ Thị Hồng Hướng

Bệnh viện 199, Đà Nẵng

DOI: 10.47122/vjde.2021.46.27

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mô tả kiến thức, nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường tại thành phố Đà Nẵng. Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trong tháng 3/2021 trên 105 bệnh nhân Đái tháo đường tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả: Trong số 105 đối tượng tham gia khảo sát, chỉ có 5.7% đối tượng có hiểu biết đạt trên mức trung bình về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa; có 27.6% người bệnh xác định có mong muốn sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, có 52.4% đối tượng nghiên cứu phân vân. Có 04 yếu tố có mối liên quan đến nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa gồm: đã từng nghe đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (p<0,05); Nhận thức tích cực về dịch vụ (p<0,05); Kiến thức chung về khám chữa bệnh từ xa và đối tượng mắc các bệnh lý khác ngoài đái tháo đường (p<0,05), trong đó kết quả ghi nhận 100% đối tượng có kiến thức đạt trên mức trung bình thì đều khẳng định có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Kết luận: Hiểu biết của người mắc bệnh đái tháo đường về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa còn khá thấp, không có đủ thông tin về những lợi ích cũng như những dịch vụ tiện ích mà dịch vụ này mang lại, từ đó họ cũng e dè trong việc thể hiện nhu cầu sử dụng dịch khám chữa bệnh từ xa. Do vậy, cần có nhiều biện pháp tuyên truyền kiến thức đến đông đảo người dân để góp phần cho sự thành công của ứng dụng mô hình dịch vụ này.

Từ khóa: Khám chữa bệnh từ xa, đái tháo đường, hiểu biết, nhu cầu.

ABSTRACT

Knowledge and needs for using telemedicine of diabetic patients in Da Nang city

Quach Huu Trung, Vo Thi Hong Huong

199 Hospital, Da Nang

Objectives: To describe knowledge and needs in the use of diabetic patients for medical examination and treatment services in Da Nang city. To analyze related factors to the use of digital health for diabetic patients in Da Nang city. Methods: A cross-sectional study was conducted in March 2021 on 105 patients with diabetes in Danang city. Results: Out of 105 patients, only 5.7% of participants have a good understanding of telemedicine that is higher than the average level; 27.6% of people demand to use telemedicine, 52.4% reluctant interviewees. There are 04 related factors influence the needs of people in term of using telemedicine service including: have heard about health care service remotely (p <0.05); positive awareness of telemedicine (p <0.05); general knowledge about telemedicine and people with other diseases (p <0.05), in which 100% of diabetic patients with the higher average level of knowledge about health care system remotely they all affirmed that they have the demand for telemedicine. Conclusions: The diabetic patient’s perception of telemedicine is pretty low, lack of information about the benefits as well as gadgets that are offered by telemedicine service, so they are generally hesitant in expressing the need for accessing the telemedicine system. Therefore, more solutions should be taken to enhance the perception of the large number of people contributing to the success of this service.

Keywords: telemedicine, diabetes, knowledge, needs.

Chịu trách nhiệm chính: Quách Hữu Trung Ngày nhận bài: 01/4/2021

Ngày phản biện khoa học: 05/04/2021 Ngày duyệt bài: 08/04/2021

Email: [email protected] Điện thoại: 0916306466

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi cuộc sống của con người về nhiều mặt, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) được coi là một cuộc đại cách mạng trong cách thức cung cấp dịch vụ y tế [1]. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID- 19, việc ứng dụng khám chữa bệnh từ xa mang lại rất nhiều lợi ích, khi mà “giãn cách xã hội” được xem là chìa khóa giúp ngăn chặn dịch bệnh. Y tế từ xa giúp họ chủ động sắp xếp thời gian chăm sóc sức khỏe, kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đặc hiệu cho từng cá nhân, giúp người bệnh tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những người mắc bệnh đái tháo đường. Với những tiện ích đó, vào ngày 22/6/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020- 2025 [2] và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 [3], định hướng đến năm 2030, trong đó xác định ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực y tế “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo”.

Tuy nhiên, để người dân có thể được tiếp cận với một mô hình dịch vụ mới – dịch vụ khám chữa bệnh từ xa nêu trên thì việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về  dịch vụ này là điều hết sức quan trọng, góp phần rất lớn vào thành công của mô hình. Trên thực tế công tác tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích của dịch vụ chưa được quan tâm đầu tư nhiều ở thời điểm hiện nay, dẫn đến những hiểu biết của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa là còn khá ít.

Một nghiên cứu tại Úc của nhóm tác giả Natalie K Bradford và cộng sự tiến hành khảo sát về hiểu biết, nhận thức và trải nghiệm của người dân về khám chữa bệnh từ xa ghi nhận rằng để các sáng kiến về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa được thành công, cần phải có nhận thức và hiểu biết rộng hơn của công chúng về những lợi ích tiềm năng của dịch vụ này. Trao quyền cho bệnh nhân với tư cách là đối tác trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của các dịch vụ từ xa [4].

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, việc tư vấn, theo dõi người bệnh ít nhất ba tháng một lần giúp tối ưu hóa việc điều trị và  phòng tránh các nguy cơ biến chứng do đái tháo đường [5]. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn những bệnh nhân mắc đái tháo đường không nhất thiết phải đến khám trực tiếp tại bệnh viện hoặc phòng khám, nhất là khi những dịch vụ thay thế như khám chữa bệnh từ xa có thể giúp họ quản lý bệnh tật [6]. Khám chữa bệnh từ xa giúp bệnh nhân và y bác sĩ hỗ trợ và quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả hơn bằng cách sử dụng công nghệ, và giúp giảm áp lực thăm khám tại chỗ. Nghiên cứu của Tchero và cộng sự cho thấy nhóm những bệnh nhân nhận được hỗ trợ từ telemedicine có sự suy giảm HbA1c trong bệnh đái tháo đường [7].

Tại Đà Nẵng, Bệnh viện 199 là một trong những cơ sở đầu tiên trong cả nước và cũng là đơn vị duy nhất tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tham gia Chương trình Khám chữa bệnh từ xa Telehealth của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Vì vậy, để góp phần có kế hoạch phát triển mô hình dịch vụ khám chữa bệnh từ xa được phát huy hết lợi thế và tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này, nhóm nghiên cứu Bệnh viện 199 Đà Nẵng tiến hành khảo sát “Kiến thức và nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường tại thành phố Đà Nẵng” với 02 mục tiêu cụ thể:

Mô tả kiến thức, nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường tại thành phố Đà Nẵng.

Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến nhu cầu về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2.  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

+ Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân Đái tháo đường trên địa bàn Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

+ Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ tháng 20/03/2021 đến tháng 01/04/2021 trên 105 bệnh nhân Đái tháo đường tại TP. Đà Nẵng.

Việc mô tả kiến thức về sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) thông qua nhóm câu hỏi gồm: đã tưng được nghe về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa; biết về những lợi ích mà dịch vụ khám chữa bệnh từ xa đem lại và các dịch vụ được cung cấp bởi khám chữa bệnh từ xa hiện nay. Vì  hiện nay chưa  có nghiên cứu nào thực hiện trước đó, do vậy tiêu chuẩn đánh giá kiến thức về dịch  vụ  được xác định theo điểm cắt ở ngưỡng điểm trung bình của tổng điểm số đánh giá về kiến thức. Cụ thể:

+ Khái niệm về “Khám chữa bệnh từ xa”:

* Theo Tổ chức y tế thế giới, Y học từ xa là khái niệm để chỉ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó người bệnh và nhà cung cấp không cần phải tiếp xúc trực tiếp về mặt địa lý mà thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT- Information & Communication Technologies) để trao đổi thông tin, nhằm chẩn đoán, đánh giá và điều trị, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, y học từ xa cũng đóng vai trò đào tạo liên tục cán bộ nhân viên và chuyên gia y tế. Telehealth có thể góp phần đạt được mức độ bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch

vụ y tế chất lượng, tiết kiệm chi phí, và xóa bỏ khó khăn về khoảng cách địa lý [8].

Tại Việt Nam, y học từ xa là mô hình y tế được cung cấp thông qua hệ thống âm thanh, hình ảnh điện tử, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giữa các bệnh viện hoặc giữa bác sĩ với người bệnh. Mô hình này bao gồm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc, phân phát tài liệu hướng dẫn người bệnh hoặc các dịch vụ y tế khác như theo dõi y tế từ xa, tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế… [2]

3.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu

Được diễn giải bằng tỷ lệ %.

Các chữ viết tắt: THPT: Trung học phổ thông; ĐTĐ: Đái tháo đường.

Nhận xét: Trong số 105 đối tượng tham gia nghiên cứu với số lượng người bằng và trên 60 tuổi chiếm 59%, độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 61,87 tuổi và nữ cao hơn nam. Hầu hết đều sử dụng bảo hiểm y tế chiếm 96.2% và đa số là người ở nhà do hưu trí, nội trợ hoặc kinh doanh tại nhà chiếm 90.5%. Chỉ có 31.4% đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về khám chữa bệnh từ xa và tỷ lệ rất thấp (4.8%) đối tượng khảo sát đã từng sử dụng dịch vụ này.

3.2. Đánh giá kiến thức và nhu cầu sử dụng dịch vụ KCBTX của đối tượng nghiên cứu

Bảng 2. Đánh giá kiến thức của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Trong số 105 người tham gia nghiên cứu, chỉ có 6 người có kiến thức đạt về dịch vụ KCBTX (chiếm tỷ lệ 5.7%), 99 người không đạt (chiếm tỷ lệ 94.3%).

Bảng 3. Nhu cầu sử dụng dịch vụ KCBTX của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Trong số các đối tượng nghiên cứu, có 27.6% người bệnh xác định có mong muốn sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, có 52.4% đối tượng nghiên cứu phân vân và có 20% không có nhu cầu.

3.3.  Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến nhu cầu sử dụng Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe từ xa

Bảng 4. Phân tích mối liên quan đến nhu cầu sử dụng dịch vụ

Kết luận: Qua phân tích các mối liên quan đến nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa với các yếu tố sau: Đối tượng đã từng nghe đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (p<0,05); Kiến thức chung về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và đối tượng mắc các bệnh lý khác ngoài Đái tháo đường (p<0,05); Nhận thức tích cực về dịch vụ (p<0,05).

Với điểm sáng: 100% đối tượng có kiến thức đạt trên mức trung bình thì đều khẳng định có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

4.  BÀN LUẬN

Qua kết quả khảo sát ghi nhận được, trong nghiên cứu của chúng tôi người mắc đái tháo đường trong nhóm nghiên cứu chủ yếu là những người lớn tuổi, đã quá tuổi lao động, sinh hoạt chủ yếu tại gia đình (90.5% đối tượng khảo sát hiện là hưu trí, ở nhà nội trợ…) và độ tuổi trung bình của đối tượng khảo sát là 61,87 tuổi; nữ nhiều hơn nam. Kết quả này cũng tương tự như kết quả của tác giả Nguyễn Văn Hoa (2016) [9].

Trong nghiên cứu này, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường có kiến thức chung đạt trên mức trung bình về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa chỉ chiếm 5.7%, có thể nói đây là tỷ lệ khá thấp. Trong đó, tỷ lệ đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa cũng chỉ đạt có 31.4% và tỷ lệ rất thấp (4.8%) đối tượng đã từng sử dụng dịch vụ này và chỉ có 27.6% có nhận thức tích cực về dịch vụ.

Kết quả khảo sát này là khá thấp so với một kết quả nghiên cứu tương tự ở Queensland, Úc của tác giả Natalie và cộng  sự với 60% người được hỏi cho biết họ đã từng nghe về dịch vụ KCBTX; 12.0%  đã  từng sử dụng dịch vụ này và có đến 85.0% có nhận thức tích cực về dịch vụ khám chữa  bệnh từ xa [4].

Sự khác biệt về kết quả này có thể là do đối tượng được chọn khảo sát của Úc có bao gồm cả các cán bộ y tế, vì với tính chất nghề nghiệp thì các kiến thức cơ bản về khám chữa bệnh từ xa ít nhiều cũng đã được cập nhật.

Tỷ lệ về nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa của nhóm nghiên cứu này cũng chưa thật sự cao với 27.6% người bệnh xác định có mong muốn sử dụng dịch vụ  chăm sóc sức khỏe từ xa, có đến 52.4% đối tượng nghiên cứu phân vân và có 20% không có nhu cầu.

Điều này có thể được lý giải là vì những bệnh nhân đái tháo đường được tiến hành thu thập thông tin ở nhóm nghiên cứu này đang sinh sống tại quận nội thành, đây được xem là quận có nhiều cơ sở y tế đóng trên địa bàn, trong đó có cả bệnh viện tuyến cuối của thành phố là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và nhiều các phòng khám y tế tư nhân khác, với khoảng cách địa lý di chuyển đến các cơ sở y tế cũng rất thuận lợi, chính vì vậy có thể họ vẫn mong muốn được gặp trực tiếp và đến trực tiếp các cơ sở y tế được thăm khám để tạo cảm giác yên tâm hơn.

Qua phân tích, ghi nhận có 04 yếu tố có mối liên quan đến nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa gồm: đã từng nghe đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (p<0,05); Nhận thức tích cực về dịch vụ (p<0,05);

Kiến thức chung về khám chữa bệnh từ xa và đối tượng mắc các bệnh lý khác ngoài đái tháo đường (p<0,05), trong đó kết quả ghi nhận 100% đối tượng có kiến thức đạt trên mức trung bình thì đều khẳng định có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Từ đó có thể thấy rằng để thúc đẩy việc áp dụng thành công dịch vụ KCBTX trong khám chữa bệnh, người bệnh cần phải được hiểu rõ và có nhận thức tích cực đến vấn đề này.

Phân tích so sánh với các yếu tố liên quan đến nhu cầu sử dụng dịch vụ KCBTX như: đối tượng có mắc các bệnh khác ngoài đái tháo đường không; kiến thức của đối tượng nghiên cứu về đái tháo đường và đã từng nghe nhắc đến dịch vụ KCBTX; nhận thức tích cực về dịch vụ này đã cho thấy được rõ rệt các đối tượng nghiên cứu khi đã từng nghe nhắc đến thì sẽ có nhu cầu hoặc có khả năng tìm hiểu sử dụng dịch vụ nhiều hơn nhóm còn lại. Minh chứng cho tính cấp thiết trong việc cần thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân về loại hình dịch vụ này.

5.  KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy hiểu biết của người mắc bệnh đái tháo đường về dịch vụ khám chữa bệnh từ xa còn khá thấp, điều này khiến cho các đối tượng nghiên cứu không có đủ thông tin về những lợi ích cũng như những dịch vụ tiện ích mà dịch vụ này mang lại, từ  đó họ cũng e dè trong việc thể hiện nhu cầu sử dụng dịch khám chữa bệnh từ xa.

Thiết nghĩa, việc áp dụng thành công KCBTX phụ thuộc chủ yếu vào kiến thức và nhận thức của người bệnh, cộng đồng khi sử dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, với việc số lượng người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới ngày càng tăng và tỷ lệ những người không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn, việc hình thành các phương án thay thế nhằm tiết kiệm thời gian, hiệu quả về chi phí, thân thiện với người bệnh và khả thi sẽ giúp điều trị bệnh tiểu đường một cách tối ưu.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine, các nhà nghiên cứu  cho biết sử dụng telemedicine giúp sàng lọc được nhiều hơn, thời gian chờ đợi ngắn hơn và ít người phải chăm sóc đặc biệt hơn. Qua triển khai hệ thống eConsult trên một nhóm gồm 21.222 bệnh nhân, thời gian sàng lọc giảm gần 90% và tỷ lệ sàng lọc bệnh võng mạc tiểu đường tăng 16% [10].

Do vậy, cần có nhiều biện pháp tuyên truyền kiến thức đến đông đảo người dân, trong đó bao gồm tuyên truyền phổ biến về những lợi ích cũng như những dịch vụ tiện ích mà dịch vụ khám chữa bệnh từ xa này có thể đem lại để góp phần vào hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng điều trị bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. European Lung Foundation (2019),
  2. Bộ Y tế (2020), Quyết định số 2628/QĐ- BYT về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.
  3. Bộ Y tế (2020),Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025.
  4. Bradford, N. K., Caffery, J., & Smith, C. (2015). Awareness, experiences and perceptions of telehealth in a rural Queensland community. BMC health services research, 15(1), 1-10.
  1. Standards of Medical Care in Diabetes (2020), Abridged for Primary Care Providers American Diabetes Association Clinical Diabetes 2020;38(1):10–38.
  2. Aberer, , Hochfellner, D.A. & Mader, J.K (2021). Application of Telemedicine in Diabetes Care: The Time is Now. Diabetes        Ther        12,        629–639. https://doi.org/10.1007/s13300-020- 00996-7].
  1. Tchero H, Kangambega P, Briatte C, Brunet-Houdard S, Retali GR, Rusch E. (2019). Clinical effectiveness of telemedicine in diabetes mellitus: a meta- analysis of 42 randomized controlled trials. Telemed J E ;25(7):569–83.
  2. WHO (2020), Global Health Observatory data of telehealth,
  3. Nguyễn Văn Hoa (2016), Khảo sát các yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2 tại TTYT huyện Phú Giáo từ tháng 6 đến tháng 10        năm                  2016, http://trungtamytephugiao.com.vn/Trung- Tam-Y-Te-Huyen-PhuGiao,       update: 01/4/2021.
  4. Bộ Y tế, Cục công nghệ thông tin , Telemedicine có thể cải thiện tỷ lệ sàng lọc tình trạng mù do bệnh tiểu đường, https://ehealth.gov.vn/?action=News&ne wsId=42349.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …