Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí trực tiếp điều trị ngoại trú bệnh Đái tháo đường tại phòng khám Nội tiết bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHI PHÍ TRỰC TIẾP ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI PHÒNG KHÁM NỘI TIẾT BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG

BSCK2. Lê Văn Phó, GS.TS. Tạ Văn Trầm, TS.BS. Đỗ Quang Thành

 DOI: 10.47122/vjde.2022.56.4

ABSTRACT

Factors affecting direct costs of diabetes outcome treatment at international clinic of Tien Giang Central Hospital

Background: Knowing the direct medical costs for outpatient treatment of diabetes patients partly helps us understand the burden of outpatient treatment of the disease on the insurance agency as well as on the patient. Objective: To analyze some factors affecting direct medical costs to treat outpatients with diabetes at the Endocrinology clinic of Tien Giang Central General Hospital in 2021. Methods: A cross-sectional descriptive study, combining quantitative and qualitative methods. 376 medical records of patients diagnosed with diabetes at the Endocrinology Clinic, Tien Giang Central General Hospital in March 2021. Purposeful sampling until information saturation through 09 in-depth interviews. Results: The group of elderly patients, living outside the city, low income, no health insurance and having diabetes complications has a positive influence on the cost of medical examination and treatment. The attention of hospital leaders is a driving factor in the management of diabetes patients. Human resources are guaranteed, qualified medical staff are trained to meet the patient’s medical examination and treatment requirements and are regularly trained and updated with knowledge. The hospital has deployed a consultation room to help patients get more information about treatment, create favorable conditions for treatment adherence to reduce complications, and reduce treatment costs for patients. Antidiabetic drugs basically meet the needs of the patient, but “little choice” about drugs. Conclusion: Individual factors and hospital factors (hospital policy and diabetes management program) affect direct medical costs for outpatient diabetes treatment.

Keywords: Direct costs, diabetes, Tien Giang.

 

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Việc nắm rõ chi phí y tế trực tiếp để điều trị ngoại trú cho người bệnh đái tháo đường phần nào giúp chúng ta hiểu được gánh nặng điều trị ngoại trú của bệnh đối với cơ quan bảo hiểm cũng như đối với người bệnh. Mục tiêu: Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến chi phí y tế trực tiếp để điều trị cho người bệnh ngoại trú ĐTĐtại phòng khám Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang năm 2021. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp định lượng và định tính. 376 hồ sơ bệnh án người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường đến khám tại Phòng khám Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang trong tháng 3/2021. Chọn mẫu có chủ đích cho đến khi bão hòa thông tin qua 09 cuộc phỏng vấn sâu. Kết quả: Nhóm người bệnh cao tuổi, sinh sống ngoài thành phố, thu nhập thấp, không có bảo hiểm y tế và có các biến chứng đái tháo đường thì có ảnh hưởng tích cực đến chi phí khám chữa bệnh. Sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện là yếu tố thúc đẩy công tác quản lý người bệnh đái tháo đường. Nguồn nhân lực đảm bảo, nhân viên y tế có chuyên môn được đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh của người bệnh và thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Bệnh viện triển khai phòng tư vấn giúp người bệnh có thêm thông tin về điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho tuân thủ điều trị để giảm các biến chứng góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhưng “ít sự lựa chọn” về thuốc. Kết luận: Yếu tố cá nhân và yếu tố bệnh viện (chính sách của bệnh viện và chương trình quản lý người bệnh đái tháo đường) ảnh hưởng đến chi phí y tế trực tiếp để điều trị cho người bệnh ngoại trú đái tháo đường.

Từ khóa: chi phí trực tiếp, đái tháo đường, Tiền Giang.

Tác giả liên hệ: Đỗ Quang Thành

Email: [email protected]

Ngày nhận bài: 01/9/2022

Ngày phản biện khoa học: 1/10/2022

Ngày duyệt bài: 28/10/2022

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại Việt Nam, vào năm 2019 ước tính 3.779/100.000 dân người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) theo báo cáo của Hiệp hội ĐTĐ thế giới IDF (6). Về tình hình phát hiện, quản lý điều trị, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% ngu i tanğ đu ng huyết chu được phát hiện và chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế (2).

Một cuộc điều tra đại diện trên toàn quốc về các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ tăng từ 2,6% đến 4,1% từ năm 2010 – 2015 (4).

Trên thực tế tại phòng khám Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, có một tỷ lệ lớn người bệnh đến khám và được quản lý điều trị có một hoặc nhiều biến chứng và bệnh kèm theo, do đó chi phí điều trị khá tốn kém.

Vì là bệnh mạn tính không thể điều trị khỏi nên người bệnh phải dùng thuốc liên tục và suốt đời. Việc nắm rõ chi phí y tế trực tiếp để điều trị ngoại trú cho người bệnh ĐTĐ phần nào giúp chúng ta hiểu được gánh nặng điều trị ngoại trú của bệnh ĐTĐ đối với cơ quan bảo hiểm cũng như đối với người bệnh.

2.  MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến chi phí y tế trực tiếp để điều trị cho người bệnh ngoại trú ĐTĐ tại phòng khám Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang năm 2021.

3.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng định lượng: Hồ sơ bệnh án và phiếu thanh toán của người bệnh đã được chẩn đoán ĐTĐ đến khám tại Phòng khám Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2021.

Tiêu chuẩn lựa chọn: Người bệnh được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh ĐTĐ (không phân biệt loại ĐTĐ típ 1, típ 2 hay thai kỳ); Người bệnh có đầy đủ thông tin hồ sơ bệnh án và phiếu thanh toán ra viện (bao gồm cả phiếu thanh toán ra viện do BHYT chi trả, người bệnh đồng chi trả và chi trả dịch vụ theo yêu cầu).

Tiêu chuẩn loại trừ: Cùng một người bệnh nhưng đến khám từ lần thứ 02 trở lên sẽ không được đưa vào nghiên cứu (kể từ lần khám thứ 02 về sau).

Đối tượng định tính: Ban Giám đốc Bệnh viện quản lý chuyên môn (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu thuốc); Lãnh đạo khoa Khám bệnh; Lãnh đạo khoa Nội tiết và đái tháo đường; Bác sỹ điều trị tại phòng khám Nội tiết; Người bệnh khám, điều trị bệnh ĐTĐ. Tiêu chuẩn lựa chọn: Đối tượng có kinh nghiệm làm tại bệnh viện từ 3 năm trở lên.

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp định lượng và định tính.

Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

Nghiên cứu định lượng: Toàn bộ Hồ sơ bệnh án người bệnh được chẩn đoán ĐTĐ đến khám tại Phòng khám Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang trong tháng 3/2021. Trên thực tế chúng tôi thu thập được 376 HSBA.

Nghiên cứu định tính: Chọn mẫu có chủ đích cho đến khi bão hòa thông tin qua 09 cuộc phỏng vấn sâu (PVS), bao gồm: 01 Ban Giám đốc Bệnh viện quản lý chuyên môn (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu thuốc); 01 Lãnh đạo khoa Khám bệnh; 01 Lãnh đạo khoa Nội tiết và đái tháo đường; 02 Bác sĩ trực tiếp làm việc tại phòng khám Nội tiết; 04 Người bệnh (01 người bệnh không dùng thuốc, 01 người bệnh dùng thuốc uống, 01 người bệnh sử dụng insulin, 01 người bệnh dùng thuốc uống và tiêm insulin).

Phương pháp phân tích số liệu

Xử lý và phân tích số liệu: các số liệu sau khi thu thập, được tổng hợp và xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0.

Các số liệu định tính được gỡ băng và xử lý bằng phương pháp mã hóa theo chủ đề và trích dẫn phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và hỗ trợ kết quả nghiên cứu định lượng cho cả mục tiêu 1 và 2.

4.  KẾT QUẢ

Yếu tố cá nhân

 Bảng 1. Chi phí trực tiếp điều trị theo đặc điểm nhân khẩu – xã hội học trên một đợt điều trị

Kết quả định lượng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa chi phí KCB của người bệnh sinh sống tại nông thôn và thành thị; giữa nhóm người bệnh làm nông dân và nghề khác với p<0,05. Các yếu tố còn lại chưa đủ bằng chứng chứng minh có mối liên quan với p>0,05.

Tuy nhiên, kết quả định tính cho thấy yếu tố tuổi người bệnh, nơi sinh sống, thu nhập, BHYT, biến chứng có ảnh hưởng đến chi phí KCB của người bệnh. Đặc biệt là nhóm người bệnh cao tuổi, sinh sống ngoài thành phố, thu nhập thấp, không có BHYT và có các biến chứng ĐTĐ thì có chi phí KCB cao hơn so với nhóm còn lại.

Không có sự khác biệt giữa chi phí khám bệnh giữa người bệnh nam và người bệnh nữ trong nghiên cứu “Giữa hai đối tượng nam giới và nữ giới đều không có sự khác biệt trong phác đồ điều trị, cũng như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm,…”(PVS 05, nam 44 tuổi.)

Nhóm người bệnh lớn tuổi thì có xu hướng có chi phí khám chữa bệnh cao hơn so với nhóm người bệnh trẻ tuổi.

“Chi phí điều người bệnh lớn tuổi cao hơn so với người bệnh trẻ tuổi vì một số nguyên nhân như là: Người bệnh cao tuổi có sức đề kháng kém, khi mắc bệnh bệnh dễ gặp nhiều biến chứng vì vậy phải thực hiện thêm các xét nghiệm, cận lâm sàng, thăm dò chức năng. Ngoài ra, người bệnh cao tuổi cần sử dụng nhiều loại thuốc bổ trợ, vitamin… để cải thiện sức khỏe.”(PVS 04, nữ 40 tuổi).

“Lớn tuổi rồi nên nhiều bệnh lắm anh ạ, mỗi lần đi khám đều làm xét nghiệm máu hết, thuôc thì đến 9, 10 loại thuốc. Lúc nhớ lúc quên, may có người nhà nhắc nhở. Khu tôi sống có mấy người mắc tiểu đường nhưng mỗi lần khám họ chỉ có 3-4 loại thuốc thôi, chi phí đâu có vài trăm ngàn, trong khi đó mình thì ít cũng hơn triệu” (PVS 08, nữ 49 tuổi).

Nhóm người bệnh sinh sống tại các thành phố lớn có thu nhập ổn định thì xu hướng chấp nhận chi trả chi phí KCB cao hơn so với các người bệnh ở xã không có thu nhập. Tuy nhiên nhóm người bệnh này thì thường phải trả phí KCB ít hơn do họ có kinh tế để đi KCB sớm nên ít mắc các biến chứng kèm theo, còn nhóm người bệnh ở xa, thu nhập thấp thì thường tới khám khi bệnh đã nặng có biến chứng kèm theo nên chi phí KCB cao hơn.Tương đồng với kết quả định lượng định tính cũng cho thấy nhóm người bệnh là nông dân thì chi phí KCB cao hơn nhóm khác.

“Nhóm người bệnh sinh sống ở thành phố có thu nhập ổn định, khá giả thì có chi phí thấp hơn so với người bệnh sinh sống tại các nơi khác. Vì nhóm người bệnh đó sống ở thành phố nên khi có dấu hiệu khó chịu họ sẽ đi khám bệnh sớm hơn, trong khi những người bệnh khác nhất là những vùng xa trung tâm thì người bệnh đến đã ở tình trạng nặng, có biến chứng phức tạp kèm theo”(PVS 03, nam 42 tuổi).

“Nhóm những người làm nghề như nông dân, lao động tự do vì thu nhập không ổn định thì thường đến khám bệnh khi họ không chịu nổi nữa, nên khi đến thường là bệnh đã có biến chứng nên mất nhiều chi phí hơn”(PVS 05, nam 44 tuổi).

Người bệnh có BHYT thì có xu hướng tuân thủ điều trị tốt hơn, chấp nhận dùng thuốc có giá thành cao hơn đặc biệt là nhóm người bệnh được BHYT chi trả 100%.

“Người bệnh có thẻ BHYT do không phải thanh toán các chi phí hoặc phải thanh toán rất ít nên thường có tâm lý hài lòng hơn. Đặc biệt là nhóm đối tượng được hưởng thanh toán 100% thì chi phí của người bệnh thường thấp hơn”(PVS 04, nữ 40 tuổi).

“Tôi có BHYT được hưởng 100% khỏi phải đóng tiền nên đi khám cứ nói với bác sĩ cho tôi làm cái xét nghiệm tốt, thuốc tốt vì có gì bảo hiểm nó trả hết rồi, phải xin thuốc xịn uống bệnh mới chóng khỏi”(PVS 07, nam 58 tuổi).

Người bệnh có biến chứng bệnh ĐTĐ, mắc các bệnh kèm theo thì có chi phí KCB cao hơn so với nhóm người bệnh chỉ khám bệnh đơn thuần. Chi phí KCB cao do người bệnh cần phải làm nhiều xét nghiệm, cận lâm sàng và phối hợp nhiều loại thuốc với nhau.

“Nhóm những người bệnh có biến chứng, mắc bệnh kèmtheo thì dĩ nhiên chi phí khám chữa bệnh của họ sẽ cao hơn so với những người bệnh khác, do họ phải phối hợp nhiều loại thuốc, làm nhiều xét nghiệm, CLS…”(PVS 05, nam 44 tuổi).

“Lần nào đi khám cũng quá trời thuốc nọ thuốc kia, già rồi, lại bệnh nọ bệnh kia, ngoài tiểu đường thì tôi còn có bệnh huyết áp này, mỡ máu, mấy hôm trước đi khám vì hai mắt nhìn thấy mờ. Bác sĩ bảo di chứng tiểu đường nó làm ảnh hưởng mắt, may có bảo hiểm chứ mỗi lần khám là toàn tính tiền triệu”(PVS 09, nam 63 tuổi).

Yếu tố bệnh viện

Chính sách của bệnh viện

Sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện là yếu tố thúc đẩy công tác quản lý người bệnh ĐTĐ

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo: Quản lý bệnh ĐTĐ đang được ngành y tế và xã hội quan tâm, là bệnh nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm, nên được sự quan tâm của các lãnh đạo. Bệnh viện đã ban hành các qui định về quản lý điều trị ĐTĐ cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện hoạt độngnày.

“Bệnh viện có qui định cụ thể về cơ chế chính sách cho việc thực hiện các hoạt động, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc, hệ thống công nghệ thông tin, thuốc men cho công tác khám chữa bệnh. Các hướng dẫn cập nhật chẩn đoán và điều trị đầy đủ, gần nhất là quyết định 3798 BYT ban hành tháng 8/2017 hướng dẫn qui trình chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ type 2 đang được triển khai thực hiện”(PVS 01, nam 48 tuổi).

Theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT- BYT và thay thế cho thông tư 37/2014/TT- BYT, từ ngày 01/01/2016, bệnh ĐTĐ thuộc loại bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 01 lần/năm nên việc tái khám tại Bệnh viện thuận lợi hơn đối với những người bệnh đã được cấp giấy chuyển tuyến cho lần khám trước đây. Điều này giúp cho người bệnh giảm được các thủ tục hành chính về xin giấy chuyển tuyến và được BHYT chi trả phí KCB theo quy định góp phần giảm được gánh nặng về chi phí điều trị của người bệnh.

“Việc áp dụng Thông tư 40/2015/TT-BYT về việc áp dụng giấy chuyển tuyến BHYT 1 lần/ năm giúp cho người bệnh giảm được gánh nặng về chi phí điều trị khi đến khám và lấy thuốc hàng tháng vì được BHYT chi trả chi phí KCB đúng quy định đặc biệt là những người bệnh được hưởng BHYT 95%, đến 100%”(PVS 02, nam 55 tuổi).

Qui định về công tác ghi chép hồ sơ quản lý người bệnh: Mọi thông tin người bệnh trong quá trình khám bệnh ở tất cả các khâu đều được lưu trữ trên mạng máy tính nội bộ bệnh viện. Tuy nhiên việc ghi chép hồ sơ cũng còn gặp khó khăn do sự quá tải người bệnh đến khám trongngày.

“…Quy định việc lập hồ sơ bệnh án ngoại trú đầy đủ cho người bệnh, nhất là cán bộ thuộc diện trung cao do Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh cung cấp danh sách, các người bệnh ĐTĐ khác đôi khi còn chưa đầy đủ do hạn chế thời gian trong tình hình người bệnh thường xuyên là 90-120 lượt/ngày” (PVS 02, nam 55 tuổi).

Chương trình quản lý người bệnh Đái tháo đường

Nguồn nhân lực đảm bảo, NVYT có chuyên môn được đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu KCB của người bệnh và thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức

Bệnh viện mới thành lập khoa Nội tiết, số lượng NVYT đảm bảo công tác KCB cho người bệnh, ngoài ra các bác sỹ, điều dưỡng đều được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành nội tiết.

“Hiện tại ở bệnh viện mới thành lập khoa Nội tiết, có một tiến sĩ, 02 Bác sĩ chuyên khoa 2, 03 bác sĩ chuyên khoa 1 nội tiết lãnh đạo và khám tại 2 phòng khám 2, 24 và khám bệnh khoa nội trú là 30 giường”(PVS 02, nam 55 tuổi).

“Về vấn đề nhân lực, chúng tôi cố gắng cử các bác sỹ được đào tạo sau đại học và các bác sỹ được đào tạo chuyên khoa về các mặt bệnh mà chúng tôi quản lý.Hiện tại chúng tôi đều có các bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II về nội tiết để khám bệnh” (PVS 01, nam 48 tuổi).

Các cán bộ phụ trách quản lý điều trị ĐTĐ thường xuyên được tham gia các khoá đào tạo, các hội nghị chuyên đề về ĐTĐ… vì vậy các cuộc tư vấn cho người bệnh ĐTĐ tại bệnh viện cũng đảm bảo chất lượng.

bệnh viện định kỳ có tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề về ĐTĐ, các BS được tạo điều kiện tham gia chương trình đào tạo liên tục tại các hội nghị, hội thảo, từ hội đồng thuốc điều trị, phòng KHTH cập nhật thường xuyên thông tin về bệnh ĐTĐ cho các BS điều trị”(PVS 03, nam 42 tuổi).

Về chế độ bồi dưỡng cho CBYT làm trực tiếp: Ngoài chế độ lương hiện hành, bệnh viện không có những khoản dành cho người trực tiếp điều trị và quản lý người bệnh ĐTĐ như hoạt động lấy máu xét nghiệm, hoàn thiện, quản lý HSBA hay chế độ bồi dưỡng chuyên môn.

“…Chúng tôi cũng làm việc và lãnh lương theo chế độ như các điều dưỡng phụ trách tại các bàn khám khác, khi đông bệnh hay ít bệnh thì chúng tôi vẫn làm việc bình thường chứ không có khoản thu nhập nào riêng biệt từ việc điều trị cho người bệnh ĐTĐ…”(PVS 05, nam 44 tuổi).

“Kinh phí để hoạt động cho phòng khám này là nằm trong kinh phí khám chữa bệnh hàng năm của bệnh viện. Bệnh viện không có kinh phí hỗ trợ cho CBYT trực tiếp làm xét nghiệm hay khám bệnh theo quy định tại thông tư liên tịch 113/2013/TTLT-BYT-BTC, do bệnh viện không thụ hưởng ngân sách từ chương trình phòng chống ĐTĐ của Bộ Y tế”(PVS 01, nam 48 tuổi).

Bệnh viện triển khai phòng tư vấn cho người bệnh ĐTĐ giúp người bệnh có thêm thông tin về điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho tuân thủ điều trị để giảm các biến chứng góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện đã triển khai phòng tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh bị bệnh Đái tháo đường để người bệnh tiếp cận với thông tin về bệnh tốt hơn.Cả NVYT và người bệnh đều cho rằng phòng khám tư vấn giúp người bệnh hài lòng và tuân thủ điều trị tốt hơn.

“Đã triển khai phòng tư vấn cho người bệnh tiểu đường và cả người nhà người bệnh, điều này giúp người bệnh hài lòng và tuân thủ điều trị tốt hơn trước” (PVS 05, nam 44 tuổi). “Cái gì không biết thì hỏi, đều được các cô

ấy hướng dẫn tỉ mỉ, uống thuốc như thế nào, ăn như thế nào, phải tập thể dục để tránh các biến chứng,… vừa được khám vừa được tư vấn nhiệt tình, tôi rất hài lòng”(PVS 06, nữ 60 tuổi).

Thuốc điều trị bệnh ĐTĐ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhưng “ít sự lựa chọn” về thuốc.Chi phí về thuốc ngoại thì cao hơn thuốc nội, người bệnh có xu hướng thích các thuốc đắt tiền. Các bác sĩ cần cân nhắc các yếu tố người bệnh khi kê đơn thuốc.

Thuốc điều trị đôi lúc chưa đáp ứng cho nhu cầu, PVS cho biết các thuốc thiết yếu cần phải cung ứng đủ, nhằm tránh thay đổi thuốc chưa thật hợp lý. Mặc dù vậy nhưng các bác sĩ đều sử dụng đơn thuốc tốt nhất, phù hợp nhất cho người bệnh, ưu tiên những thuốc tốt nhất cho người bệnh, nếu hết thì sẽ lựa chọn loại thuốc khác.

“Chúng tôi thì muốn dùng loại thuốc tốt nhất cho người bệnh, nhưng theo đấu thầu thì thuốc rẻ nhất thì trúng thầu, đa số các thuốc trúng thầu là thuốc nội, tuy thành phần thuốc giống như nhau nhưng trên thực tế qua kinh nghiệm điều trị thì chúng tôi thấy thuốc ngoại điều trị hiệu quả cao hơn. Nên khi hết thuốc ngoại chuyển sang thuốc nội một số bác cũng có ý kiến sao không cho uống thuốc trước đây,…” (PVS 05, nam 44 tuổi).

Khó khăn trong việc dự trù kế hoạch cung ứng, đôi khi dẫn đến thừa hoặc thiếu thuốc.”(PVS 04, nữ 40 tuổi).

“Thuận lợi do trong toa thuốc có ghi cách dùng, đa số người bệnh đều được hướng dẫn cách dùng thuốc cũng như một số tác dụng phụ của thuốc hay gặp phải” (PVS 03, nam 42 tuổi).

Kết quả PVS bác sĩ cho thấy các thuốc điều trị ĐTĐ có nguồn gốc từ nước ngoài thì có chi phí cao hơn thuốc nội địa do Việt Nam sản xuất. Người bệnh có xu hướng thích dùng các thuốc đắt tiền nhất là nhóm được hưởng BHYT 100% và các bác sĩ thường có xu hướng sử dụng các thuốc tốt (thuốc ngoại cho người bệnh).

“Giá thuốc nội rẻ hơn giá thuốc ngoại người bệnh thích dùng thuốc ngoại thì họ nghĩ thuốc mắc tiền là tốt.Các bác sĩ thường ưu tiên kê các thuốc ngoại cho người bệnh vì vậy thường các thuốc này dùng hết từ đầu năm hết cơ số” (PVS 03, nam 42 tuổi).

“Tuy nhiên trên thực tế hầu như người bệnh nào cũng muốn dùng loại thuốc đắc tiền hơn họ cho rằng tiền nào của nấy, vả lại dù tiền có đắc hơn nhưng do người bệnh có BHYT hoặc 100% là khỏi đóng tiền hoặc chỉ đóng 20% thì chi phí cũng ít do đó họ không ngần ngại xin bác sĩ cho thuốc “xịn” với vô vàn lý do…”(PVS 02, nam 55 tuổi).

Gánh nặng chi phí gia tăng đối với người bệnh tiểu đường phải tiêm insulin, do giá thành của các bút tiêm cao hơn, người bệnh có xu hướng thích dùng bút tiêm do việc sử dụng tiện lợi nhất là đối với người bệnh già neo đơn, sống một mình và phải làm công việc di chuyển nhiều.

“Bút tiêm Mixtard Flexpen 30 với 1000 đơn vị có giá là 78.000 một tháng chỉ cần 1 lọ, trong khi Novomix Flexpen 30 với 300 đơn vị nhưng lại có giá 227.850 một tháng kê phải 3 bút tiêm thuốc như nhau nhưng giá cả lại khác nhau xa. Những người bệnh là người già, neo đơn, công tác xa đi lại thì sử dụng bút tiêm cho thuận lợi hơn”(PVS 04, nữ 40 tuổi).

Một số loại thuốc người bệnh phải tự túc 30% chi phí cho cả đối tượng có BHYT và không BHYT đều phải đóng.

Đa số những người nghèo không tiếp cận được các thuốc như thế, có người đăng ký được 1 tháng, tháng sau thì họ xin rút vì không có khả năng đóng

“Thuốc nhóm mới cần thiết như ức chế DPP4, ức chế SGLT2 nếu chi phí quá đắc thì có thể đề xuất đóng thêm tiền, bởi vì đây cũng là rào cản về số lượng thuốc về cho bệnh viện là rất ít, trong khi nhu cầu cần thiết lại cao.Cũng cần tính đến khả năng tiếp cận thuốc này đối với người nghèo.”(PVS 03, nam 42 tuổi).

Để kiểm soát tốt chi phí điều tri cho người bệnh ĐTĐ ngoại trú cần thống nhất giữa việc kê đơn thuốc của các bác sĩ, giáo dục người bệnh về cách thức điều trị ĐTĐ

Kết quả cho thấy rằng các bác sĩ thường cho thuốc theo kinh nghiệm riêng chưa có sự thống nhất giữa các bác sĩ, chưa có tiêu chuẩn chung để thực hiện vấn đề kê toa thuốc phù hợp. Tránh việc khi đường huyết người bệnh ổn định thì thay đổi thuốc dễ gây hoang mang cho người bệnh.

“Cần có sự phối hợp thống nhất giữa các bác sĩp khám chuyên khoa, cần đưa ra 1 tiêu chuẩn chung để thực hiện vấn đề kê toa phù hợp, nhằm điều trị hiệu quả và giảm chi phí cho bệnh nhân cũng là giảm gánh nặng cho xã hội.” (PVS 04, nữ 40 tuổi).

“Khi đường huyết ổn định thì tránh thay đổi thuốc vì dễ gây hoang mang cho người bệnh. Thay đổi thuốc khi là trường hợp hợp lý ở người bệnh ví dụ như: do dị ứng thuốc…” (PVS 02, nam 55 tuổi).

Bên cạnh đó, thì việc giáo dục người bệnh thông qua việc tư vấn thường xuyên cho người việc để người bệnh tuân thủ việc điều trị thuốc, tuân thủ lối sống lành mạnh, rèn luyện, dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị trong tương lai cho người bệnh.

“Giáo dục cách thức điều trị bệnh ĐTĐ người bệnh ĐTĐ không đơn giản là dùng thuốc này thuốc nọ mà là mà vấn đề là dùng cho thuốc cho đúng thuốc, kết hợp với chế độ luyện tập, chế độ dinh dưỡng giúp cho đường huyết ổn định.”(PVS 04, nữ 40 tuổi).

“Chứng minh cho người bệnh thấy không phải dùng thuốc đắt tiền là bệnh tốt hơn. Khi điều trị việc đầu tiên là sử dụng các thuốc không quá đắt tiền trước” (PVS 05, nam 44 tuổi).

Yếu tố khác

Kết quả định tính cho thấy không tìm thấy ảnh hưởng của việc kê đơn thuốc tự túc cũng như là ảnh hưởng từ việc tác động của trình dược viên đến việc kê đơn để ‟hưởng hoa hồng” của các bác sĩ.

“Bệnh viện có quy định về việc nghiêm cấm các trình dược viên vào bệnh viện để giới thiệu thuốc, gặp các bác sĩ trong giờ làm việc tại bệnh viện. Nếu trường hợp nào bị phát hiện hoặc nhận được đơn thư khiến nại, tố cáo sẽ có hình thức xử phạt hoặc kỷ luật theo Quy chế bệnh viện”(PVS 01, nam 48 tuổi).

Để giám sát thực hiện hàng quý khoa Khám có tổ chức bình đơn thuốc và bình bệnh ngoại trú người bệnh ĐTĐ do phòng khám này quản lý với sự tham gia đầy đủ của các bác sĩ, điều dưỡng của phòng khám Nội tiết, phòng tư vấn dinh dưỡng, thành viên hội đồng thuốc và điều trị. Điều này góp phần làm giảm việc lạm dụng kê đơn thuốc và chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng. Cùng với đó là những đợt xuất toán BHYT về chi phí điều trị ngoại trú khiến cho các bác sĩ thực hiện nghiêm túc quy định của bệnh viện.

“hàng quý có tiến hành bình đơn thuốc, bình bệnh án ngoại trú của người bệnh ĐTĐ có sự tham gia của các bác sĩ, điều dưỡng của phòng khám nội tiết. Để rút kinh nghiệm trong việc kê đơn thuốc, qua đó cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc, chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng,…” (PVS 03, nam 42 tuổi).

5. BÀN LUẬN

Yếu tố cá nhân

Kết quả định lượng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa chi phí KCB của người bệnh sinh sống tại nông thôn và thành thị; giữa nhóm người bệnh làm nông dân và nghề khác với p<0,05. Các yếu tố còn lại chưa đủ bằng chứng chứng minh có mối liên quan với p>0,05. Tuy nhiên, kết quả định tính cho thấy yếu tố tuổi người bệnh, nơi sinh sống, thu nhập, BHYT, biến chứng có ảnh hưởng tích cực đến chi phí KCB của người bệnh. Nghiên cứu của Phạm Huy Tuấn Kiệt (2020) chỉ ra rằng tuổi tác càng cao thì càng ảnh hưởng đến chi phí điều trị bệnh ĐTĐ [2]. Nghiên cứu của Lê Thị Hương Giang (2013) tại Bệnh viện 198 cho biết nhóm người bệnh có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên có xu hướng không tuân thủ điều trị cao cấp 1,79 lần so với nhóm người bệnh dưới 60 tuổi. Những người bệnh trẻ tuổi thì có khả năng tuân thủ điều trị tốt hơn (p<0,001) [3]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Châm (2013) tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Bắc Giang cũng cho biết nhóm dưới 60 tuổi mặc dù có kiến thức chung cao hơn nhưng thực hành không đạt lại cao hơn nhóm từ 60 tuổi trở lên là 2,6 lần, có ý nghĩa thống kê cho mối liên quan về thực hành giữa hai nhóm tuổi này [7].

Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bệnh ở nông thôn, làm nông dân không có thu nhập ổn định thì chi phí KCB sẽ có xu hướng cao hơn nhóm còn lại. Đối tượng thu nhập càng thấp thì chi phí chi trả của họ khi KCB càng lớn. Nguyễn Thị Tuyết Nhung (2012) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cũng chỉ ra rằng chi phí điều trị người bệnh ĐTĐ ở nông thôn cao hơn thành thị, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) [4]. Tỉ lệ nằm viện cho bệnh ĐTĐ cao hơn hai đến ba lần ở vùng sâu, vùng xa và rất xa, so với người bệnh ĐTĐ ở thành phố. Tương tự như vậy, tỷ lệ tử vong do bệnh ĐTĐ ở vùng sâu, vùng xa cao gấp 2 đến 4 lần so với các thành phố lớn của Úc. Tạp chí Y tế nông thôn ở Úc báo cáo rằng, người sống ở nông thôn có điều kiện kinh tế xã hội thấp có liên quan đến yếu tố nguy cơ sức khỏe lớn hơn và điều kiện về y tế kém hơn ở thành phố, người dân nông thôn ít được tiếp cận các dịch vụ y tế dự phòng do thiếu các chuyên gia y tế cần thiết để phát hiện sớm và điều trị các biến chứng và quản lý bệnh ĐTĐ. Người bệnh ĐTĐ ở nông thôn có thu nhập thấp, họ ít có điều kiện để khám bệnh, chất lượng chăm sóc bệnh ĐTĐ cũng như kiểm tra sức khỏe ở vùng nông thôn kém hơn ở thành thị.

Biến chứng về bệnh cũng có ảnh hưởng tích cực đến chi phí KCB của người bệnh ĐTĐ, tương tự với nghiên cứu của Phạm Huy Tuấn Kiệt (2020) cho biết các biến chứng đẩy cao chi phí điều trị. Khi bệnh nhân ĐTĐ bắt đầu xuất hiện biến chứng, chi phí sẽ đội lên từ 2-3 lần. Sự khác biệt này chủ yếu đến từ tăng chi phí cấp cứu (x5 lần), chi phí KCB nội trú (x3 lần) và các thuốc khác không liên quan đến ĐTĐ (x2 lần) [2]. Nguyễn Thị Bích Thủy (2013) tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) về chi phí điều trị đối với tình trạng biến chứng của bệnh, theo diễn tiến tự nhiên của bệnh, tuổi bệnh càng cao thì biến chứng xảy ra do bệnh càng nhiều, việc điều trị bệnh và biến chứng của bệnh trở nên phức tạp khó khăn hơn dẫn đến chi phí cho việc điều trị sẽ tăng [5]. Chi phí đội lên cao ảnh hưởng là chi phí về thuốc, Phạm Huy Tuấn Kiệt (2020) cho thấy thuốc chiếm thành phần lớn nhất (63%) chi phí y tế trực tiếp, nhưng chỉ 1/5 chi phí thuốc được chi cho thuốc hạ đường huyết và liệu pháp insulin [2]. Những người có các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường đã chi cho các thuốc không liên quan đến bệnh tiểu đường nhiều hơn hai lần so với những người không có biến chứng, có khả năng cho thấy rằng một số tiền đáng kể đã được chi cho các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát các biến chứng. Hiện tượng này cũng thấy rõ ở Đan Mạch chi phí cho bệnh nhân có biến chứng nhẹ cao gấp 4,5 lần và bệnh nhân có biến chứng lớn gấp 12 lần so với bệnh nhân không có biến chứng. Bệnh nhân có biến chứng nặng, chiếm 25% tổng số bệnh nhân, tiêu tốn gần 50% tổng nguồn lực chăm sóc sức khỏe. Sự khác biệt về chi phí chăm sóc sức khỏe quy được giữa bệnh nhân không có biến chứng và bệnh nhân có biến chứng nhẹ hoặc nặng tương ứng là 1617 và 7388 EUR / người/ năm [1].

Nghiên cứu của chúng tôi còn chỉ ra rằng nhóm những người bệnh được BHYT chi trả thì chi phí giảm đi đáng kể, hay nói cách khác những người bệnh không có bBHYT thì có ảnh hưởng tích cực lên chi phí KCB của người bệnh ngoại trú ĐTĐ. Nguyễn Hữu Lành, chi phí điều trị cho người bệnh có và không có BHYT là như nhau [6], điều này chứng tỏ người bệnh được công bằng trong chăm sóc và điều trị, không có sự lạm dụng BHYT, việc tuân thủ điều trị cho người bệnh là đúng phác đồ. Phạm Huy Tuấn Kiệt (2020) cho biết tổng chi phí trực tiếp bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh ĐTĐ típ 2 năm 2017 là 10,111 tỷ VND. Trong đó, khoảng 70% là các khoản chi trả liên quan đến biến chứng đi kèm, thuốc ĐTĐ chỉ chiếm 14% tổng chi phí [2]. BHYT toàn dân đã giúp cho người bệnh đặc biệt là người nghèo được tiếp cận với dịch vụ KCB, giúp phần an sinh xã hội. Trong nghiên cứu này chúng tôi không ghi nhận trường hợp không có BHYT đến khám điều này cũng là hạn chế của nghiên cứu không so sánh được kết quả định lượng giữa nhóm có BHYT và nhóm không có BHYT để giúp xác định rõ hơn mối liên quan giữa yếu tố này với chi phí KCB. Tuy nhiên chúng tôi ghi nhận sự hài lòng cũng như nhu cầu KCB của người bệnh được hưởng BHYT 100% trong nghiên cứu này rất cao, với lý do là họ không phải thanh toán chi phí KCB.

Yếu tố bệnh viện

Chính sách của bệnh viện

Lãnh đạo bệnh viện quan tâm, coi phòng khám là bộ mặt của bệnh viện trong đó ưu tiên quản lý bệnh mạn tính như phòng khám bệnh nên bệnh viện đã triển khai các cơ chế chính sách, quy định và kinh phí được Bộ Y tế ban hành đầy đủ cho tất cả các hoạt động của bệnh viện trong đó có các hoạt động quản lý và điều trị ĐTĐ. Bệnh viện quán triệt thực hiện các công văn liên quan đến bệnh ĐTĐ của Bộ Y tế như thực hiện công văn 109/BVNTTW, ngày 21/03/2011, Bệnh viện Nội tiết Trung ương về hướng dẫn triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh ĐTĐ, nghị định 18/2013/NĐ-CP… Các quy định về chuyên môn cũng thường xuyên được cập nhật như quyết định 3798/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2017, quyết định 3319/QĐ-BYT ngày 19/7/2017. Theo quyết định này Bệnh viện đã có xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quản lý bệnh ĐTĐ, kế hoạch kiểm tra giám sát quá trình KCB, tư vấn của NVYT, sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Bên cạnh đó điểm thuận lợi cho người bệnh sử dụng thẻ BHYT so với những năm trước đây là từ ngày 01/01/2016, bệnh ĐTĐ thuộc loại bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 01 lần/năm, theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT và thay thế cho thông tư 37/2014/TT-BYT nên việc tái khám tại bệnh viện tỉnh thuận lợi hơn cho các người bệnh có đăng ký KCB ban đầu tại tuyến trước.

Việc lập HSBA, sổ theo dõi được phòng khám thực hiện đúng quy định, theo quy định bất cứ người bệnh ĐTĐ nào cũng có hồ sơ quản lý và hồ sơ được lập ngay khi có chẩn đoán xác định mắc ĐTĐ. Tuy nhiên, việc quản lý tất cả hồ sơ này chưa được thường xuyên chủ yếu do từ phía người bệnh (không đến khám thường xuyên, tự thay đổi nơi KCB…). Như vậy, có nhiều hồ sơ được lập nhưng không được cập nhật thông tin đầy đủ khi người bệnh không đến khám. Hiện nay để thực hiện quản lý điều trị tốt hơn một số bệnh viện đã thực hiện việc nhắc nhở tái khám và kết nối với NB trong quá trình theo dõi bằng điện thoại hoặc gửi tin nhắn đến người bệnh. Đây là vấn đề mà phòng khám Nội tiết cần quan tâm và có kế hoạch thực hiện sớm.

Chương trình quản lý người bệnh Đái tháo đường

Hiện tại ở bệnh viện mới thành lập khoa Nội tiết, có một tiến sĩ, 02 Bác sĩ CK2, 03 bác sĩ chuyên khoa 1 nội tiết lãnh đạo và khám tại 2 phòng khám. Mặc dù được sự quan tâm của Lãnh đạo, khoa cũng toàn là các bác sỹ được đào tạo sau đại học. Tương tự trong nghiên cứu của Tạ Văn Bình có 17,8% NVYT tuyến tỉnh có kiến thức khá về bệnh nội tiết chuyển hóa và thiếu nhân lực chuyên ngành điều dưỡng có khả năng thực hành điều trị bệnh ĐTĐ [8]. Tuy nhiên khó khăn thực sự trong quản lý điều trị người bệnh ĐTĐ hiện nay là thiếu BS chuyên khoa Nội tiết, còn nhân lực về điều dưỡng thì đủ theo yêu cầu về số lượng và năng lực thực hành chăm sóc theo dõi người bệnh ĐTĐ, chỉ có thời gian tư vấn hướng dẫn cho từng ca bệnh thì bị hạn chế nhất định.

Kinh phí cho hoạt động quản lý điều trị người bệnh ĐTĐ tại khoa Khám bệnh nằm trong kinh phí KCB hàng năm của bệnh viện nên nhìn chung là bảo đảm về mặt kinh phí cho hoạt động. Bệnh viện không thực hiện hỗ trợ kinh phí theo quy định tại thông tư 113/2013/TTLT-BYT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 (hiện nay mới vừa được thay bằng thông tư 26/2018/TT- BTC ban hành ngày 21 tháng 3 năm 2018, hiệu

lực kể từ 17 tháng 05 năm 2018) là do bệnh viện không thuộc diện được thụ hưởng ngân sách từ chương trình phòng chống ĐTĐ của Bộ Y tế. Do đó NVYT tại phòng khám Nội tiết cũng chỉ hưởng lương theo quy chế tiền lương của chính phủ quy định.

Bệnh viện triển khai phòng tư vấn cho người bệnh ĐTĐ giúp người bệnh có thêm thông tin về điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho tuân thủ điều trị để giảm các biến chứng góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Mọi thắc mắc của người bệnh đều được giải thích, giải đáp như vậy khiến người bệnh hài lòng hơn về chất lượng dịch vụ y tế của bệnh viện. Hiện nay một số bệnh viện triển khai mô hình câu lạc bộ ĐTĐ nhằm giúp những người bệnh ĐTĐ kết nối với nhau trao đổi, giao lưu và thực hiện tốt việc TTĐT như bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, đây cũng là một mô hình được triển khai trên hiệu quả mô hình câu lạc bộ người bệnh THA. Vì vậy chúng tôi thấy rằng việc triển khai ứng dụng mô hình này tại bệnh viện có thể thực hiện và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.

Thuốc điều trị bệnh ĐTĐ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhưng “ít sự lựa chọn” về thuốc. Chi phí về thuốc ngoại thì cao hơn thuốc nội, người bệnh có xu hướng thích các thuốc đắt tiền. Các bác sĩ cần cân nhắc các yếu tố người bệnh khi kê đơn thuốc. Để bảo đảm hiệu quả điều trị thuốc đóng vai trò quan trọng hơn cả. Đặc điểm của người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang thường là bệnh đã diễn tiến kéo dài và bản thân người bệnh cũng khá thành thạo về thuốc. Thực tế người bệnh còn yêu cầu bác sĩ phải kê cho các loại thuốc biệt dược gốc để đạt hiệu quả cao nhất. Nguồn thuốc cung ứng của bệnh viện được khoa Dược cung cấp và các thuốc này được đấu thầu tập trung cho toàn tỉnh và số lượng đã được ấn định từ đầu thầu. Chính cơ chế đang tồn tại này làm cho BS điều trị ít có khả năng tiếp cận các thuốc tốt phục vụ người bệnh. Kết quả PVS còn cho thấy người bệnh thích được điều trị bằng thuốc ngoại hơn thuốc nội, do thuốc thay đổi thường xuyên những người bệnh được dùng thuốc ngoại thì có tư tưởng là yên tâm và ưu thích hơn. Đặc biệt là nhóm người bệnh được hưởng 100% BHYT do không phải chi trả chi phí điều trị nên họ luôn có tâm lý sử dụng dịch vụ, thuốc tốt nhất.

Kết quả PVS cũng cho biết để đảm bảo kiểm soát tốt chi phí KCB cho người bệnh ĐTĐ ngoại trú cần thống nhất giữa việc kê đơn thuốc của các bác sĩ, giáo dục người bệnh về cách thức điều trị ĐTĐ. Việc thống nhất trong việc kê đơn thuốc nên được lồng ghép trong các buổi bình đơn thuốc, hợp giao ban phòng khám, với tiêu chí chọn lựa thuốc rẻ nhất nhưng hiệu quả nhất đối với người bệnh, không thay đổi thuốc thường xuyên đối với người bệnh khi đường huyết ổn định. Trong trường hợp hết thuốc thì cần tư vấn, giải thích rõ cho người bệnh để người bệnh tránh hoang mang và suy nghĩ tiêu cực. Với sự phát triển trong lĩnh vực truyền thông, ngày nay NB có điều kiện tiếp cận với thông tin về bệnh ĐTĐ một cách đầy đủ, đa dạng, cập nhật mang tính thời sự khá dễ dàng qua nhiều hình thức khác nhau như qua phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm truyền thông…

Yếu tố khác

Kết quả định tính cho thấy không tìm thấy ảnh hưởng của việc kê đơn thuốc tự túc cũng như là ảnh hưởng từ việc tác động của trình dược viên đến việc kê đơn để ‟hưởng hoa hồng” của các bác sĩ. Đây là quy định của bệnh viện, những trường hợp tự ý kê đơn hay lạm dụng việc kê đơn với mục đích riêng đều được xử lý nghiêm theo quy định. Lương thưởng có thể có ảnh hưởng lớn đến hành vi y tế của bác sĩ, vì nó liên quan đến kết quả hoạt động y tế và chiếm một phần lớn thu nhập của họ. Lương thưởng cũng liên quan đến lợi nhuận của bệnh viện: theo hệ thống phân phối thu nhập hiện tại của Trung Quốc, lương thưởng được phân phối cho các bộ phận y tế và sau đó cho các bác sĩ, dựa trên kết quả chăm sóc sức khỏe và kinh tế của họ. Vì việc bán thuốc có thể tạo ra lợi nhuận cho bệnh viện, nên việc kê đơn thuốc cũng có thể tăng lương cho các bác sĩ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể nhận được các khoản bồi hoàn từ các công ty dược phẩm hoặc nhân viên trình dược. Vì vậy, cần đảm bào chế độ lương thưởng của các bác sĩ, có những chế tài khen thưởng đối với những cá nhân có cống hiến và xứng đáng. Công tác kiểm tra giám sát trong điều trị ĐTĐ được thực hiện đầy đủ, đạt yêu cầu thông qua các báo cáo công tác kiểm tra của các phòng chức năng của bệnh viện như biên bản ghi lại các buổi bình bệnh án, bình đơn thuốc ngoại trú của khoa Khám bệnh với sự tham gia của hội đồng thuốc và điều trị, phòng quản lý chất lượng theo định kỳ hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên qua kiểm tra giám sát cho thấy chưa có trường hợp nào ghi nhận việc lạm dụng kê đơn thuốc và kê toan nhằm mục đích cá nhân. Cùng với đó là những đợt xuất toán BHYT về chi phí điều trị ngoại trú khiến cho các bác sĩ thực hiện nghiêm túc quy định của bệnh viện.

6.  KẾT LUẬN

Yếu tố cá nhân: Nhóm người bệnh cao tuổi, sinh sống ngoài thành phố, thu nhập thấp, không có BHYT và có các biến chứng ĐTĐ thì có ảnh hưởng tích cực đến chi phí KCB.

Yếu tố bệnh viện: Chính sách của bệnh viện: Sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện là yếu tố thúc đẩy công tác quản lý người bệnh ĐTĐ; Chương trình quản lý người bệnh ĐTĐ: Nguồn nhân lực đảm bảo, NVYT có chuyên môn được đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu KCB của người bệnh và thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Bệnh viện triển khai phòng tư vấn cho người bệnh ĐTĐ giúp người bệnh có thêm thông tin về điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho tuân thủ điều trị để giảm các biến chứng góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh.Thuốc điều trị bệnh ĐTĐ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhưng “ít sự lựa chọn” về thuốc.

Yếu tố khác: không tìm thấy ảnh hưởng của việc kê đơn thuốc tự túc, công tác giám sát qua tổ chức bình đơn thuốc và bình bệnh ngoại trú người bệnh ĐTĐ giúp cho việc kê đơn thuốc của các bác sĩ thực hiện đúng quy định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Sortsø, A. Green, P. B. Jensen, M. Emneus. Societal costs of diabetes mellitus in Denmark. Diabetic medicine : a journal of the British Diabetic Association. 2016;33(7):877-85.
  2. Huy Tuan Kiet Pham, Thi Tuyet Mai Kieu, Tuan Duc Duong, Khoa Dieu Van Nguyen, Nam Quang Tran, Tien Hung Tran, et al. Direct medical costs of diabetes and its complications in Vietnam: A national health insurance database study. Diabetes Research and Clinical Practice. 2020;162:108051.
  3. Lê Thị Hương Giang. Đánh giá tuân thủ điều trị đái tháo đường type 2 và một số yếu tố liên quan của người bệnh ngoại trú tại Bệnh viện 198: trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội; 2013.
  4. Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Nghiên cứu về chi phí đợt điều trị nội trú của người bệnh ĐTĐ tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định năm 2011. Hà Nội: Trường Đại học Y tế công cộng; 2012.
  5. Nguyễn Thị Bích Thủy, Vũ Xuân Phú, Nguyễn Quỳnh Anh. Chi phí trực tiếp chi cho y tế và chi phí trực tiếp chi ngoài y tế của người bệnh đái tháo đường tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, năm 2013. Y học thực hành. 2013;893(11):6-10.
  6. Nguyễn Hữu Lành. Chi phí của bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân Gia Định 115: Trường Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh; 2010.
  7. Nguyễn Thị Châm. Kiến thức, thực hành phòng biến chứng và các yếu tố liên quan của bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Bắc Giang năm 2013. Hà Nội: Đại học Y tế công cộng; 2013.
  8. Tạ Văn Bình. Những nguyên lý nền tảng bệnh đái tháo đường tăng glucose máu. Hà Nội: Nhà xuất bản Y học; 2007.
Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …