Các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim trong dự báo thiếu vitamin D

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CHUYỂN HÓA TIM TRONG DỰ BÁO THIẾU VITAMIN D

Nguyễn Trọng Nghĩa1, Nguyễn Thị Nhạn2, Đào Thị Dừa3, Phạm Trung Hiếu3

Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Bệnh viện Trung ương Huế

DOI: 10.47122/vjde.2021.47.14

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Vitamin D là một loại vitamin hòa tan trong chất béo chủ yếu được biết đến với vai trò trong chuyển hóa calci và tích cực tham gia vào một số con đường chuyển hóa, đặc biệt là trong hệ thống tim mạch và kháng insulin. Ước tính hiện tại có 30–50% dân số trên toàn thế giới bị thiếu hụt vitamin D. Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim với thiếu vitamin D cũng được chứng minh bởi các nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả của một số nghiên cứu khác còn mâu thuẫn và tranh luận. Mục tiêu: (1). Xác định tỷ lệ thiếu vitamin D ở đối tượng nghiên cứu. (2). Khảo sát mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim trong dự báo thiếu vitamin D. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang ở 320 đối tượng người trưởng thành đến khám sức khỏe tại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế – Bệnh viện Trung ương Huế. Nồng độ 25-hydroxyvitamin D được đo bằng phương pháp xét nghiệm miễn dịch vi hạt hóa phát quang. Kết quả: Ở đối tượng nghiên cứu, có 182 đối tượng thiếu vitamin D chiếm tỷ lệ 55,2%. Yếu tố tăng vòng bụng, huyết áp tâm thu > 130 mmHg và HOMA-IR > 3,0 là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thiếu vitamin D (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05 đến p < 0,001).

Kết luận: Tỷ lệ thiếu vitamin D là tỷ lệ 55,2%. Yếu tố tăng vòng bụng, HATT > 130 mmHg và HOMA-IR > 3,0 là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thiếu vitamin D (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05 đến p < 0,001).

Từ khóa: Các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim, thiếu vitamin D.

 ABSTRACT

Cardiometabolic risk factors for predicting insufficient vitamin D

Nguyen Trong Nghia1, Nguyen Thi Nhan2, Dao Thi Dua3, Pham Trung Hieu3

Hue University of Medicine and Pharmacy, Hue University

Department of Internal Medicine, Hue University of Medicine and Pharmacy

Hue Central Hospital

 

Background: Vitamin D is a fat-soluble vitamin mostly known for its role in calcium metabolism. However, it is also actively involved in several metabolic pathways, especially in the cardiovascular system and insulin resistance. Despite vitamin D crucial role, it is estimated that 30–50% of the worldwide population has vitamin D deficiency. A lot of research has investigated the relationships between cardiometabolic risk factors with insufficient vitamin D. However, the results of other studies are conflicting and controversial. Objectives: (1). Determine the prevalence of vitamin D insufficiency in study subjects. (2). Investigate the relationships between cardiometabolic risk factors for predicting insufficient vitamin D. Methods: A cross-sectional study on 320 adult subjects for health examinations at International Medical Center at Hue Central Hospital. Plasma hydroxyvitamin D concentration was measured          using                        chemiluminescent microparticle immunoassay. Results: In study subjects, the prevalence of vitamin D insufficiency was 55,2% (182 participants). Raised waist circumference, SBP > 130 mmHg, and HOMA-IR > 3,0 are independent risk factors for the prediction of vitamin D insufficiency (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05  to p < 0,001). Conclusion: The prevalence of vitamin D insufficiency was 55,2% (182 participants). Raised waist circumference, SBP>130 mmHg, and HOMA-IR > 3,0 are independent risk factors for the prediction of vitamin D insufficiency (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05 to p < 0,001).

Keywords: Cardiometabolic risk factors, insufficient vitamin D.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Trọng Nghĩa

Ngày nhận bài: 09/01/2021

Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021

Ngày duyệt bài: 01/04/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0914457896

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Vitamin D là một loại vitamin hòa  tan trong chất béo chủ yếu được biết đến với vai trò trong chuyển hóa calci và tích cực tham gia vào một số con đường chuyển hóa, đặc biệt là trong hệ thống tim mạch và kháng insulin. Ước tính hiện tại có 30–50% dân số trên toàn thế giới bị thiếu vitamin D [6]. Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là một tập hợp của các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim, có khuynh hướng nhóm lại với nhau ở các đối tượng bị ảnh hưởng hơn là dự đoán một cách tình cờ. Sự hiện diện của HCCH làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch, từ đó liên quan chặt chẽ đến quá trình lão hóa và một loạt các kết cục xấu [11].

Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim với thiếu vitamin D cũng được chứng minh bởi các nghiên cứu [15], [13], [1]. Tuy nhiên, kết quả của một số nghiên cứu khác còn mâu thuẫn và tranh luận [2], [10]. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài “Các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim trong dự báo thiếu vitamin D” với mục tiêu sau:

(1). Xác định tỷ lệ thiếu vitamin D ở đối tượng nghiên cứu.

(2). Khảo sát mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim trong dự báo thiếu vitamin D.

 2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: Gồm 320 người đến khám sức khỏe tổng quát tại Trung tâm điều trị theo Yêu cầu và Quốc tế–Bệnh viện Trung ương Huế, đồng ý tham gia nghiên cứu và không có các yếu tố của tiêu chuẩn loại trừ.

Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với hỏi tiền sử, bệnh sử và dựa theo sổ theo dõi sức khỏe, chúng tôi loại trừ các đối tượng sau: Các đối tượng không đồng ý tham gia nghiên cứu; Đang: mang thai, sử dụng các thuốc có chứa vitamin D, mắc các bệnh cấp tính; Các đối tượng có bệnh lý mạn tính như: xơ gan, suy thận mạn, bệnh tuyến cận giáp, loãng xương, nhuyễn xương, dùng corticoid dài ngày (> 1 tháng); Các đối tượng:  bị dị tật vùng bụng,  cột sống lồng ngực, không thể tự đứng được, bị sa sút trí tuệ nặng.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Các biến số nghiên cứu bao gồm tuổi, giới, BMI, các thành tố của HCCH, HOMA-IR và nồng độ 25-hydroxyvitamin D [25(OH)D] huyết tương được đo bằng phương pháp xét nghiệm miễn dịch vi hạt hóa phát quang được tiến hành tại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế–Bệnh viện Trung ương Huế. Trong nghiên cứu của chúng tôi: Thiếu vitamin D theo tiêu chuẩn của Hội Nội tiết Mỹ (2011) [8]: Nồng độ 25(OH)D huyết tương < 30 ng/mL, được chúng tôi sử dụng làm điểm cắt. Công thức tính HOMA-IR = I0 x G0/22,5.

Cỡ mẫu: Lấy mẫu thuận tiện.

Xử lý và phân tích số liệu: Bằng phương pháp thống kê y học và sử dụng phần mềm SPSS 22.0.

3.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu trên 320 người đến khám sức khỏe tổng quát, chúng tôi ghi nhận các kết  quả  như sau:

Bảng 3.1. Tỷ lệ thiếu vitamin D ở đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Ở đối tượng nghiên cứu, có 153 đối tượng nam chiếm tỷ lệ 46,4%, có 177 đối tượng nữ chiếm tỷ lệ 53,6%. Có 182 đối tượng thiếu vitamin D, chiếm tỷ lệ 55,2%. Tỷ lệ thiếu vitamin D ở nữ giới (68,4%) cao hơn nam giới (39,9%) có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).

Bảng 3.2. Điểm cắt các yếu tố nguy cơ trong dự báo thiếu vitamin D ở đối tượng nghiên cứu

Bảng 3.3. Hồi quy logistic nhị phân giữa các yếu tố nguy cơ với thiếu vitamin D ở đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Ở đối tượng nghiên cứu, yếu tố giới nữ, tăng vòng bụng, HATT > 130 mmHg và HOMA-IR > 3,0 là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thiếu vitamin D (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05 đến p < 0,001).

4.  BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận ở 320 đối tượng đến khám sức khỏe tổng quát có tỷ lệ thiếu vitamin D là 55,2% và tỷ lệ thiếu vitamin D ở nữ giới (68,4%) cao hơn nam giới (39,9%) (p < 0,001).

Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu vitamin D ở phụ nữ sống tại Hà Nội và Hải Dương là 48% [7], của người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh ở nam giới có tỷ lệ là 20% và nữ giới là 46% [9]. Trên thế giới, tỷ lệ thiếu vitamin D trong dân số nam giới Ả Rập Xê Út là 76,1% [4], trong nghiên cứu đa trung tâm ở Trung Quốc lên tới 94,6% [19].

Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hàn Quốc công bố tỷ lệ thiếu vitamin D vào năm 2008 là 51,8% ở nam giới và 68,2% ở nữ giới nhưng đã tăng lên tương ứng 75,2% và 82,5% vào năm 2014 [14]. Kiểm tra quy mô lớn nhất về tình trạng vitamin D ở người Thái Lan đã báo cáo tỷ lệ thiếu vitamin D là 45,2% [3].

Như vậy, chúng tôi nhận định tỷ lệ thiếu vitamin D có nhiều trị số kết quả khác nhau có thể phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu, chủng tộc, vĩ độ, mùa, labo xét nghiệm, phương pháp định lượng…

Kết quả của các nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt về nồng độ 25(OH)D trong máu theo giới tính. Genzen JR và cộng sự (2013) nghiên cứu tình trạng vitamin D của 715769 mẫu trong cộng đồng ở Mỹ đã ghi nhận nồng độ 25(OH)D trong máu cao hơn ở nam giới so với nữ giới [5]. Kết quả nghiên cứu của Yan X và cộng sự (2019) cũng ghi nhận nồng độ 25(OH)D trong máu ở nữ giới thấp hơn nam giới [18].

Như vậy, sự khác biệt về lượng mỡ dưới da giữa nam giới và nữ giới có thể là một trong những lý do chính cho sự khác biệt về nồng độ 25(OH)D trong máu theo giới tính. Nữ giới có nhiều mỡ dưới da hơn nam giới, trong khi đó, vitamin D là một hormon hòa tan trong chất béo và mô mỡ dưới da có thể lưu trữ một lượng lớn vitamin D.

Do đó, lượng mỡ dưới da lớn hơn ở nữ giới chiếm nhiều phân tử vitamin D được sản xuất từ quá trình quang phân ở da, dẫn đến ít phân tử vitamin D đi vào lưu thông trong máu ở nữ giới hơn nam giới. Ngoài ra, lượng mỡ nội tạng ở nữ giới có liên quan chặt chẽ với nồng độ estrogen, từ đó ảnh hưởng đến nồng độ 25(OH)D trong máu.

Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận yếu tố tăng vòng bụng, HATT > 130 mmHg và HOMA-IR > 3,0 là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thiếu vitamin D (OR: 2,91; 2,76; 3,19p

< 0,05 đến p < 0,001). Nồng độ chất béo cao ở vùng bụng có thể cản trở quá trình chuyển hóa vitamin D.

Điều này được giải thích là do tính hòa tan trong mỡ của vitamin D, do đó, nồng độ chất béo cao hơn ở vùng bụng làm tăng sự hấp thu của vitamin D vào mô mỡ, dẫn đến nồng độ 25(OH)D trong máu không đủ. Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim với thiếu vitamin D cũng được chứng minh bởi các nghiên cứu.

Phetkrajaysang N và cộng sự (2013) ghi nhận người HCCH có tỷ lệ thiếu vitamin D cao, trong đó vòng bụng, cholesterol toàn phần và HATT cao có liên quan đáng kể với gia tăng nguy cơ thiếu vitamin D [15].  Nghiên cứu của Arti S Muley và cộng sự (2014) về tình trạng vitamin D và HCCH ở dân số Ấn Độ trưởng thành, trong phân tích hồi quy tuyến tính đa biến ghi nhận vòng bụng là yếu tố nguy cơ độc lập trong dự báo nồng độ 25(OH)D trong máu (OR: 0,281, p = 0,03)

[13]. Cuijuan Wang và cộng sự (2019) ghi nhận vòng bụng là yếu tố nguy cơ độc lập đối với nồng độ 25(OH)D trong máu ở các đối tượng thiếu vitamin D (β = -0,577, p = 0,0001), với điểm cắt > 89,5 cm, vòng bụng có giá trị trong dự báo thiếu vitamin D, với độ nhạy 75,3%, độ đặc hiệu 77,1% [17].

Nghiên cứu của Piantanida E và cộng sự (2017) ghi nhận ở người HCCH với nồng độ 25(OH)D trong máu thấp có liên quan tăng nguy cơ mắc THA và glucose máu cao hơn [16]. Nghiên cứu của Aquino và cộng sự (2018) về các yếu tố dự báo về tình trạng vitamin D ở các đối tượng mắc HCCH ở Brasil ghi nhận giới tính, tỷ số vòng bụng trên vòng mông là các yếu tố dự báo thiếu vitamin D [1]. Miñambres I và cộng sự (2012) đã ghi nhận tình trạng thiếu vitamin D bất kể mức độ béo phì, một phát hiện ủng hộ sự tồn tại của mối tương quan nghịch giữa mô mỡ ở bụng cao hơn với thiếu vitamin D [12]. Kết quả của các nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh mối liên quan giữa tích lũy chất béo cao trong cơ thể với thiếu vitamin D.

5.  KẾT LUẬN

Tỷ lệ thiếu vitamin D là tỷ lệ 55,2%. Yếu tố tăng vòng bụng, HATT > 130 mmHg và HOMA-IR > 3,0 là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thiếu vitamin D (OR: 2,91; 2,76; 3,19; p < 0,05 đến p < 0,001).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Aquino SLS, da Cunha ATO, Pereira HT, Freitas EPS, Fayh APT, Lima JG et al (2018), “Predictors of 25-hydroxyvitamin D status among individuals with metabolic syndrome: a cross-sectional study”, Diabetology & metabolic syndrome, 10, pp. 45-45.
  2. Aquino SLS, Cunha ATO, Lima JG, Sena- Evangelista KCM, Oliveira AG, Cobucci RN et al (2020), “Effects of vitamin D supplementation on fasting glucose, dyslipidemia, blood pressure, and abdominal obesity among patients with metabolic syndrome: a protocol for systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials”, Systematic Reviews, 9 (1), pp.
  3. Chailurkit L-O, Aekplakorn W, Ongphiphadhanakul B (2011), “Regional variation and determinants of vitamin D status in sunshine-abundant Thailand”, BMC public health. 11, 853-853.
  4. Farhat KH, Arafa MA, Rabah DM, Amin HS, Ibrahim NK (2019), “Vitamin D status and its correlates in Saudi male population”, BMC public health, 19 (1),211-211.
  5. Genzen JR, Gosselin JT, Wilson TC, Racila E, Krasowski MD (2013), “Analysis of vitamin D status at two academic medical centers and a national reference laboratory: result patterns vary by age, gender, season, and patient location”, BMC endocrine disorders, 13 (1), pp. 52.
  6. Goncalves A, Amiot MJ (2017), “Fat- soluble micronutrients and metabolic syndrome”, Current Opinion in Clinical Nutrition & Metabolic Care. 20 (6), pp. 492-497.
  7. Hien VTT, Lam NT, Skeaff CM, Todd J, McLean JM, Green TJ (2012), “Vitamin D status of pregnant and non-pregnant women of reproductive age living in Hanoi City and the Hai Duong province of Vietnam”, Maternal & Child Nutrition, 8 (4), pp. 533-539.
  8. Holick MF, Binkley NC, Bischoff-Ferrari HA, Gordon CM, Hanley DA, Heaney RP et al (2011), “Evaluation, treatment, and prevention of vitamin D deficiency: an Endocrine Society clinical practice guideline”, The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 96 (7), pp. 1911-1930.
  9. Ho-Pham LT, Nguyen ND, Lai TQ, Eisman JA, Nguyen TV (2010), “Vitamin D status and parathyroid hormone in a urban population in Vietnam”, Osteoporosis International, 22(1), pp. 241-248.
  10. Ju SY, Jeong HS, Kim DH (2014), “Blood vitamin D status and metabolic syndrome in the general adult population: a dose- response meta-analysis”, J Clin Endocrinol Metab, 99 (3), pp. 1053-1063.
  11. Krentz AJ, Scuteri A (2017), “Insulin resistance and the metabolic syndrome”, Diabetes in Old Age, pp. 177-212.
  12. Miñambres I et al (2012), “The association of hypovitaminosis d with the metabolic syndrome is independent of the degree of obesity”, ISRN endocrinology. 2012, pp. 691803-691803.
  1. Muley AS, Iyer UM. A (2014), “A Pilot Study On Vitamin-D Status And Metabolic Syndrome In Adult Indian Population”, International Journal of Applied Sciences and Biotechnology, 2 (2), pp. 126-131.
  2. Park J-H, Hong IY, Chung JW, Choi HS (2018), “Vitamin D status in South Korean population: seven-year trend from the KNHANES”, Medicine, 97 (26).
  3. Phetkrajaysang N, Sansanayudh N, Wongwiwatthananukit S, Krittiyanunt S (2013), “Prevalence of vitamin D deficiency and association of serum vitamin D level with anthropometric and metabolic factors in metabolic syndrome patients”, Asian Biomedicine, 7 (2), pp. 227-235.
  4. Piantanida E, Gallo D, Veronesi G, Dozio E, Trotti E, Lai A et al (2017),“Cardiometabolic healthy and unhealthy obesity: does vitamin D play a role?”, Endocrine connections, 6 (8), pp. 943-951.
  1. Wang C, Wang R, Lu Q, Yang J, Chang B (2019), “Association between serum 25- hydroxyvitamin D and adiposity measurements in Chinese young men with normal glucose tolerance”, International journal of clinical and experimental medicine, 12 (1), pp. 873-882.
  2. Yan X, Zhang N, Cheng S, Wang Z, Qin Y (2019), “Gender Differences in Vitamin D Status in China”, Medical science monitor: international medical journal of experimental and clinical research, pp. 7094-7099.
  3. Yu S, Fang H, Han J, Cheng X, Xia L, Li S et al (2015), “The high prevalence of hypovitaminosis D in China: a multicenter vitamin D status survey”, Medicine, 94 (8), pp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …