Đa hình kiểu gen MTHFR C677T ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa

ĐA HÌNH KIỂU GEN MTHFR C677T Ở BỆNH NHÂN

UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA

Nguyễn Huy Bình1,2, Nguyễn Hoàng Yến1, Nguyễn Quang Trung1,2

1Đại học Y Hà Nội, 2Bệnh viện Bạch Mai

ABSTRACT

The single nucleotide polymorphism of C677T MTHFR gene and differentiated thyroid cancer patients

The single nucleotide polymorphism of C677T MTHFR gene reduced activity of methyl tetrahydrofolate reductase leading to reduced blood folate concentrations. As a result, many studies have found that a decrease in folate levels as well as a correlation between folate concentration and differentiated thyroid cancer. The purspose of study to estimate the risk of single nucleotide polymorphism of C677T MTHFR gene in thyroid cancer patients. Objective and method: 170 patients including 70 patients with diagnosed differentiated thyroid cancer and 100 healthy people. The information of clinical, tumor, node and single nucleotide polymorphism of C677T MTHFR gene was collected. Results: CT and TT genotype as well as T alen in differentiated thyroid cancer patient group were higher than healthy group (54,3% vs 20,0% và 29,3% vs  10,5%) with p < 0,05-0,001. The risk of differentiated thyroid cancer in patient carried T alen was 3,5 time higher than patient carried C alen (p < 0,001).45,5% node metastasis in patients carries CT or TT  compare with 21,9% patients carried CC. Conclusion: The single nucleotide polymorphism of C677T MTHFR gene related with risk of thyroid cancer and node metastasis

Keywords: Thyroid cancer, MTHFR C677T, Folate, node metastasis

TÓM TẮT

Đa hình thái đơn C677T gen MTHFR làm giảm hoạt tính methyl tetrahydrofolate reductase dẫn tới giảm nồng độ folate máu, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp DNA và làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Do vậy mục tiêu của nghiên cứu là “Đánh giá nguy cơ của đa hình thái đơn C677T gen MTHFR ở các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa”. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 170 bệnh nhân gồm 70 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại  khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Bạch Mai và nhóm chứng gồm 100 bệnh nhân khỏe mạnh. Bệnh nhân được thu thập các thông tin về lâm sàng, kích thước khối u, di căn hạch bạch huyết và xác định đa hình gen tại Đơn vị Gen và tế bào gốc – Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ kiểu gen CT và TT cũng như alen T ở nhóm ung thư tuyến giáp cao hơn ở nhóm chứng (54,3% so với 20,0% và 29,3% so với  10,5%) với p<0,05-0,001. Nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở người có alen T cao gấp 3,5 lần so với người không mang alen T với p < 0,001. Tỷ lệ bệnh nhân có di căn hạch ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 45,5% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Kết luận: Đa hình gen C677T MTHFR có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp và nguy cơ di căn ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp  thể biệt hóa.

Từ khóa: Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, MTHFR C677T, Folate, di căn

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Huy Bình

Ngày nhận bài: 01/10/2018

Ngày phản biện khoa học: 10/10/2018

Ngày duyệt bài: 15/10/2018

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ung thư biểu mô tuyến giáp (UTBMTG) là u ác tính của tế bào biểu mô nang giáp, loại ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết (90%) [1]. UTBMTG chiếm 1% các loại ung thư nói chung [2]. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society, năm 2014) có khoảng 62.980 trường hợp ung thư tuyến giáp mới mắc (trong đó 47.790 nữ và 15.190 nam), trong khi năm 2009 mới chỉ có khoảng 37.000 trường hợp. Ung thư tuyến giáp gặp ở mọi lứa tuổi, thường ở những người trẻ hơn là những người lớn tuổi, với hai đỉnh cao là 7 – 20 tuổi và 40  –  65 tuổi, ở nữ giới nhiều hơn nam với tỷ lệ 1/2.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Bá Đức, Nguyễn Chấn Hùng (2004), ở Hà Nội tỷ lệ UTTG chiếm 2% tổng số ung thư, trong đó nam giới 0,8% nữ giới 3,6%, với tỷ lệ nam/nữ là 1/2.  Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp hàng năm vào điều trị tại bệnh viện K chiếm 5 % tổng số ung thư các loại. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc ung thư với nam là 1,5% và nữ là 2,8 %.[3]

Y.-M. Yang và cộng sự (2014) nghiên cứu trên 360 đối tượng UTTG và 900 đối tượng thuộc nhóm chứng chỉ ra tính đa hình của gen MTHFR có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp. Người mang alen T có nguy cơ UTTG tăng 2,06 lần. Các cá nhân T- allen thường có nguy cơ cao UTTG, nhưng sự khác biệt là không đáng kể về mặt thống kê. Phân tích meta – analysis đã chỉ ra rằng các cá nhân mang T-alen làm tăng nguy cơ UTTG (OR = 2,06, 95% CI = 1,97-3,77, p = 0,04). Theo như tỷ lệ UTTG đã được quan tâm, kiểu gen TT hoặc TC có hơn gấp đôi nguy cơ so với kiểu gen CC (OR = 2,22, 95% CI = 0,87-5,65, p = 0,09) [4]. Folate là một acid amin, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp deoxynucleoside, cung cấp nhóm providemethyl và tham gia vào quá trình methyl hóa trong tế bào [5]. Nồng độ folate thấp sẽ không thể kết hợp uracil trong quá trình tổng hợp DNA, dẫn đến nhiễm sắc thể bị tổn thương, làm giảm sự chính xác của quá trình sửa chữa DNA và quá trình methyl DNA, làm tăng nguy cơ ung thư trong đó có ung thư tuyến giáp [6].

Methylene tetrahydrofolate reductase (MTHFR) tham gia vào sự trao đổi của acid folic, xúc tác sự hình thành của 5 methylentetrahydrofolate từ 5, 10-methylentetrahydrofolate (chất xúc tác cho sự chuyển homocysteine thành methionine) [7].). Những người mang gen MTHFR C677T ở dạng đồng hợp tử có hoạt tính enzyme MTHFR ít hơn 70% so với bình thường còn ở dạng dị hợp tử là 30-40% [8]. Chính vì vậy việc phát hiện kiểu gen MTHFR C677T có thể giúp chẩn đoán sớm và tiên lượng nguy cơ ung thư tuyến giáp nhằm dự phòng và điều trị kịp thời. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với hai mục tiêu sau: “Đánh giá nguy cơ của đa hình thái đơn C677T gen MTHFR ở các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa”.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    • Đối tượng nghiên cứu: 170 bệnh nhân trong đó nhóm nghiên cứu gồm 70 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Bạch Mai và nhóm chứng gồm 100 bệnh nhân khỏe mạnh. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 3/2017 – 10/2017. Kỹ thuật xác định đa hình gen được thực hiện tại Đơn vị Gen và tế bào gốc – Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Bạch Mai.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Quy trình hỏi bệnh, khám lâm sàng

  • Các thông tin về hành chính: Tên, tuổi, giới.
  • Các thông tin về bệnh, giai đoạn bệnh…
  • Thu thập thông tin về đặc điểm mô bệnh học

Quy trình tách, chiết, phân tích DNA

  • DNA được tách chiết từ máu ngoại vi bằng kit Wizard Genomic DNA purification (Promega Corporation, USA).
  • Sử dụng kỹ thuật ARMS – PCR để xác định gen MTHFR C677T có kiểm chứng bằng kỹ thuật giải trình tự gen.

Các số liệu sau đó được thu thập và xử lý trên phần mềm SPSS 16.0.

2.3. Đạo đức nghiên cứu: Các số liệu, thông tin nghiên cứu hoàn toàn chính xác, trung thực và khách quan được xác nhận và chấp nhận bởi cơ sở nghiên cứu. Những thông tin về bệnh nhân được giữ bí mật, chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Biểu đồ 1. Đặc điểm tuổi của nhóm nghiên cứutrong nhóm nghiên cứu (70 bệnh nhân)

Nhận xét:

  • Tuổi mắc bệnh trung bình 42,8 ± 12,1, tuổi thấp nhất 17 tuổi, cao nhất 65 tuổi. Bệnh chủ yếu gặp ở tuổi từ 31– 60 tuổi với 55/70 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 81,6%.
  • Tỷ lệ nam/ nữ: 1/6

Bảng 1. Đặc điểm về mô bệnh học của nhóm nghiên cứu (70 bệnh nhân)

Mô bệnh học n %
Thể nhú 69 98,6
Thể nang 1 1,4
Thể tủy 0 0,0
Tổng 70 100,0

Nhận xét: UTTG thể nhú chiếm đa số (98,6%), còn thể nang là 1,4%.

Bảng 2. Phân bố kiểu gen của đa hình thái đơn C677T gen MTHFR (170 bệnh nhân)

Kiểu gen Nhóm chứng

100 BN

Nhóm UTTG

70 BN

CC 80 (80,0%) 32 (45,7%) p<0,001
CT 19 (19,0%) 35 (50,0%)
TT 1 (1,0%) 3 (4,3%)
Alen Nhóm chứng

200 alen

Nhóm UTTG

140 alen

p <0,001

OR = 3,5

(1,9-6,3)

C 179 (89,5%) 99 (70,7%)
T 21 (10,5 %) 41 (29,3%)

Nhận xét: Tỷ lệ kiểu gen CT và TT cũng như alen T ở nhóm UTTG cao hơn ở nhóm chứng (54,3% so với 20,0% và 29,3% so với  10,5%). Nguy cơ mắc UTTG ở người có alen T cao gấp 3,5 lần so với người không mang alen T với p < 0,001

Bảng 3. Mối liên quan giữa đa hình thái đơn C667T gen MTHFR với khối u nguyên phát

Kiểu gen

U nguyên phát

CT +TT

38 BN

CC

32 BN

OR

(95% CI)

T2+T3+T4 (25 BN) 18 (47,4%) 7 (21,9%)  OR=3,2 (p < 0,05)

(1,1-9,2)

T1 (45 BN) 20 (52,6%) 25(78,1%)

Nhận xét:

  • Tỷ lệ bệnh nhân có khối u ở giai đoạn >T1 ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 47,4% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
  • Bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT thì nguy cơ có khối u nguyên phát giai đoạn T2-T4 cao gấp 3,2 lần so với bệnh nhân có kiểu gen CC

Bảng 4. Mối liên quan giữa đa hình đa hình thái đơn C677T gen MTHFR với hạch bạch huyết vùng ở nhóm UTTG (70 bệnh nhân)

Kiểu gen

Di căn hạch

CT+TT

38 BN

CC

32 BN

OR

(95% CI)

N1 (24 BN) 18 (45,5%) 6 (18,8%) OR = 4,3 (p<0,05)

(1,4-13,0)

N0 (44 BN) 18 (54,5%) 26            (81,2%)

Nhận xét:

  • Tỷ lệ bệnh nhân có di căn hạch ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 45,5% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
  • Bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT thì nguy cơ có khối u nguyên phát giai đoạn T2-T4 cao gấp 3,2 lần so với bệnh nhân có kiểu gen CC.

4. BÀN LUẬN

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là loại bệnh lý ung thư tiến triển thầm lặng và có tuổi thọ kéo dài trên 10 năm. Biểu đồ 1 cho thấy bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi lao động, nữ gặp nhiều hơn nam. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ lựa chọn những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa vì đây là thể mô bệnh học chiếm tỷ lệ lớn trong ung thư tuyến giáp và có liên quan nhiều tới các biến đổi gen. Bảng 1 cho thấy UTTG thể nhú chiếm đa số với tỷ lệ 98,6 %, ung thư thế nang và ung thư thể nhú-nang mỗi loại chiếm 1,4 %. Kết quả này khá tương đồng với các tác giả trong và ngoài nước như Trần Trọng Kiểm (2008) [9]và Yang Y.- M. (2014) [4].

Hiện nay, phần lớn các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp không tìm được nguyên nhân bệnh sinh. Gần đây, các nhà khoa học đã biết đến một số biến đổi về gen làm tăng nguy cơ gây ung thư tuyến giáp, trong đó có gen MTHFR như đã trình bày ở phần trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kiểu gen CT và TT cũng như alen T ở nhóm UTTG cao hơn ở nhóm chứng (54,3% so với 20,0% và 29,3% so với  10,5%). Nguy cơ mắc UTTG ở người có alen T cao gấp 3,5 lần so với người không mang alen T với p < 0,001. Kết quả của chúng tôi tương tự với nghiên cứu Yang Y.- M. (2014)cho thấy nguy cơ mắc UTTG có liên quan tới tính đa hình của gen MTHFR [4].

Bảng 3 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có khối u ở giai đoạn > T1 ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 47,4% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT thì nguy cơ có khối u nguyên phát giai đoạn T2-T4 cao gấp 3,2 lần so với bệnh nhân có kiểu gen CC. Bảng 4 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có di căn hạch ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 45,5% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT thì nguy cơ có khối u nguyên phát giai đoạn T2-T4 cao gấp 3,2 lần so với bệnh nhân có kiểu gen CC. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào về ung thư tuyến giáp di căn hạch bạch huyết và đa hình thái đơn C677T MTHFR, tuy nhiên Ali Sunertrong ung thư vú đã kết luận rằng kiểu gen MTHFR TT đã được tìm thấy có liên quan đến nguy cơ tái phát tăng lên ở những bệnh nhân ung thư vú bị ung thư hạch bạch huyết [10]. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy đa hình kiểu gen MTHFR 677 TT là một trong những tiên lượng xấu bệnh ung thư nói chung và ung thư vú cũng như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa nói riêng.

KẾT LUẬN

Tỷ lệ kiểu gen CT và TT cũng như alen T ở nhóm ung thư tuyến giáp cao hơn ở nhóm chứng (54,3% so với 20,0% và 29,3% so với  10,5%). Nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở người có alen T cao gấp 3,5 lần so với người không mang alen T với p < 0,001. Tỷ lệ bệnh nhân có di căn hạch ở bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT là 45,5% cao hơn bệnh nhân có kiểu gen CC là 21,9%. Bệnh nhân có kiểu gen CT hoặc TT thì nguy cơ có khối u nguyên phát giai đoạn T2-T4 cao gấp 3,2 lần so với bệnh nhân có kiểu gen CC.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Bạch Mai, Đơn vị Gen và tế bào gốc – Trung tâm YHHN và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Delisle M.J., Shwart C., Theobald S. (1996), Cancer of the Thyroid, Value of a regional registry on 627 patients diagnosed, treated and followed by a munltidiscriplinary team, Ann Endocrinol, Paris, Vol 57(1), pp. 41 – 49.
  2. Phạm Văn Bàng, Nguyễn Chấn Hùng, Trần Văn Thiệp, Nguyễn Thị Hòa(1995), Cẩm nang ung thư bướu học lâm sàng (Dịch từ tài liệu của Hiệp hội quốc tế chống ung thư), xuất bản lần thứ 6, Nhà xuất bản Y học chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, tr. 391 – 403.
  3. Nguyễn Bá Đức, Nguyễn Chấn Hùng,“Kết quả bước đầu nghiên cứu dịch tễ học mô tả một số bênh ung thư tại 6 vùng địa lý Việt Nam giai đoạn 2001 – 2003”, Tạp chí Y học thực hành, 431, 323 – 326 (2004).
  4. -M. YANG, T.-T. ZHANG, L. YUAN, Y. REN (2014), “The association between the C677T polymorphism in MTHFR gene and the risk of thyroid cancer: a meta-analysis”, European Review for Medical and Pharmacological Sciences; 18: 2097-2101.
  5. C. Blount, M. M. Mack, C. M.Wehr et al. (1997), “Folate deficiency causes uracil misincorporation into human DNA and chromosome breakage: implications for cancer and neuronal damage”, Proceedings of the National Academy of Sciences of the UnitedStates of America, vol. 94, no. 7, pp. 3290–3295.
  6. J. Duthie (1999), “Folic acid deficiency and cancer: mechanisms of DNA instability”, BritishMedical Bulletin, vol. 55, no. 3, pp. 578–592.
  7. Siraj Ak, Ibrahim M, Al – Rasheep M, Abubaker J, Bur, Siddiqui Su, Al – Dayel F, Al – Sanea O, Al – Nuaim A, Uddin  S, Al – Kuraya K (2008). “Polymorphisms of selected xenobiotic genes contribute to the development of papillary thyroid cancer susceptibility in Middle Eastern population”, BMC Med Genet; 9: 61.
  8. Sharp L, Little J (2004), Polymorphisms in genes involved in folate metabolism and colorectal neoplasia: a huge review, J. Epidemiol(159), 423 – 443.
  9. Trần Trọng Kiểm (2008). Nghiên cứu nạo vét hạch cổ chọn lọc ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá. Tạp chí Y học Việt Nam số 1 Tập 342, 29-32.
  10. Suner A, (2016), Polymorphisms in the MTHFR gene are associated with recurrence risk in lymph node-positive breast cancer patients.Onco Targets Ther.9:5603-9.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …