Đánh giá chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường type 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

TRÊN BỆNH NHÂN CAO TUỔI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2

CÓ BIẾN CHỨNG THẦN KINH NGOẠI VI

1Cao Thị Vân, 2Nguyễn Xuân Thanh, 2,3Vũ Thị Thanh Huyền, 3Nguyễn Văn Hướng

1Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, 2Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 3Trường Ðại học Y Hà Nội

ABSTRACT

Overview: Neurological complication is one of the causes resulting decline in the quality of life in elderly patients with diabetes mellitus. Objectives: To evaluate the quality of life of elderly type 2 diabetes with peripheral neuropathy. Subjects and research methods: A cross-sectional descriptive study included of 181 patients with diabetic peripheral neuropathy, aged 60 years and over, who were examined and treated at the National geriatric hospital. Quality of life was assessed by questionnaire according WHOQoL-BREF. Results: The mean age was 71.1 ± 6.8. Male/female: 1/1.6. Average quality of life score was 57.13 ± 8.7. The percentage of patients with poor quality of life score accounted for 51.4%, higher than those with good quality of life score 48.6%. Factors related to decreased quality of life in elderly people with neurological complications were older age, female gender, education level below secondary school, not living with a partner, prolonged duration of diabetes, large and mixed nerve damage, insulin therapy, foot complications. Conclusions: Complications of peripheral nerves negatively affected on the quality of life of elderly type 2 diabetic patients. The quality of life test should be assessed early and routine for diabetic patients with neuropathy complications.

Chịu trách nhiệm chính: Cao Thị Vân

Ngày nhận bài: 20.9.2016

Ngày phản biện khoa học: 10.10.2016

Ngày duyệt bài: 15.10.2016

TÓM TẮT

Tổng quan: Biến chứng thần kinh là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi. Mục tiêu: Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường týp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 181 bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thần kinh ngoại vi từ 60 tuổi trở lên đến khám và điều trị tại bệnh viện lão khoa trung ương. Chất lượng cuộc sống đánh giá theo bộ câu hỏi WHOQoL-BREF. Kết quả: Tuổi trung bình: 71,1 ± 6,8. Tỷ lệ Nam/nữ: 1/1,6. Điểm chất lượng cuộc sống trung bình 57,13 ± 8,7. Tỷ lệ bệnh nhân có chất lượng cuộc sống chưa tốt chiếm 51,4% cao hơn bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt 48,6%. Các yếu tố có liên quan đến giảm chất lượng cuộc sống trên người cao tuổi có biến chứng thần kinh là tuổi cao, giới nữ, trình độ học vấn dưới phổ thông trung học, không sống cùng bạn đời, thời gian mắc bệnh đái tháo đường lâu, tổn thương thần kinh sợi lớn và hỗn hợp, điều trị bằng insulin, có biến chứng bàn chân. Kết luận: Biến chứng thần kinh ngoại vi ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cao tuổi  mắc đái tháo đường týp 2. Nên đánh giá chất lượng cuộc sống sớm và thường quy cho bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng
thần kinh

Từ khóa: Biến chứng thần kinh ngoại vi, chất lượng cuộc sống.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Quá trình già hóa dân số đã gây tác động lớn đến hệ thống sức khỏe, trong đó có sự bùng nổ của các bệnh mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường (ĐTĐ). Các biến chứng của bệnh ĐTĐ thường gặp bao gồm các biến chứng về tim mạch, thận, mắt và thần kinh. Biến chứng thần kinh ngoại vi thường gặp và xuất hiện sớm, gây đau, mất khả năng đi lại, nguy cơ cắt cụt chi, đồng thời là một yếu tố dự báo bệnh trầm cảm cao hơn so với các biến chứng khác và các bệnh đi kèm [1].

Bệnh nhân ĐTĐ được chẩn đoán biến chứng thần kinh khi xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu của rối loạn chức năng thần kinh ngoại vi sau khi loại trừ các nguyên nhân khác. Bệnh bao gồm tổn thương dây, rễ, đám rối, dây thần kinh tủy sống và các dây thần kinh sọ nãodẫn đến rối loạn chức năng vận động, cảm giác và thực vật dinh dưỡng. Căn nguyên chính gây ra biến chứng do sự rối loạn chuyển hóa và bệnh lý vi mạch ở cơ thể có nồng độ đường huyết cao mạn tính [2-4]. Mục tiêu điều trị bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi không chỉ nhằm giảm thiểu tối đa các biến chứng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống. Biến chứng thần kinh ngoại vi đã tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống (CLCS) của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, làm giảm khả năng tự chăm sóc, tuân thủ điều trị, kiểm soát đường huyết, tăng nguy cơ biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, tỷ lệ mắc bệnh đi kèm, tỷ lệ tử vong [3-5].

Tại nước ta đã có một số nghiên cứu về chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân ĐTĐ, tuy nhiên báo cáo về chất lượng cuộc sống trên đối tượng người cao tuổi có ĐTĐ có biến chứng thần kinh còn khá hạn chế.

Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu đánh giá chất lượng cuộc sống trên nhóm bệnh nhân cao tuổi mắc ĐTĐ týp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ týp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi đến khám và điều trị tại Bệnh viện lão khoa trung ương.

Tiêu chuẩn chọn: bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường týp 2 theo ADA 2010, chẩn đoán có biến chứng thần kinh ngoại vi theo tiêu chuẩn chẩn đoán sàng lọc biến chứng thần kinh của hiệp hội thần kinh Anh 2001 và điện cơ có tổn thương thần kinh ngoại vi [4].

Tiêu chuẩn loại trừ: các bệnh thần kinh do di truyền, ngộ độc hóa chất như: Chì, asen…, suy thận, tiền sử nghiện rượu, bệnh lý cấp tính: Sốt cao, các nguyên nhân cấp tính khác như suy hô hấp, suy tim, suy gan nặng, thiếu vitamin nhóm B: Bệnh Beri Beri, dùng thuốc gây tổn thương thần kinh ngoại biên: TNH, Vincristin, Metronidazol. Các bệnh lý ác tính kèm theo: Ung thư, bệnh máu, nhiễm khuẩn…Phụ nữ có thai, không thể thăm khám được. Những bệnh nhân không đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, chọn mẫu thuận tiện.

2.3. Các biến số nghiên cứu

Đặc điểm chung: tuổi, giới, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân. Đặc điểm bệnh lý: thời gian mắc bệnh ĐTĐ, phân loại tổn thương thần kinh ngoại vi (sợi nhỏ, sợi lớn, sợi hỗn hợp), mức độ biến chứng theo khám lâm sàng (không, nhẹ, trung bình, nặng), biến chứng bàn chân ĐTĐ (không loét, nguy cơ loét, loét), phác đố điều trị (điều trị bằng insulin, không điểu trị bằng insulin).

2.4. Phương pháp thu thập số liệu:

Bệnh nhân được khám và chẩn đoán biến chứng thần kinh ngoại vi theo tiêu chuấn sàng lọc biến chứng thần kinh của hiệp hội thần kinh Anh 2001 và làm điện cơ để chẩn đoán xác định [4]. Sau đó bệnh nhân được hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm và tiến hành đánh giá chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất nhằm đánh giá các chỉ tiêu nghiên cứu.

Phỏng vấn chất lượng cuộc sống theo bộ công cụ WHOQoL-BREF có 26 câu chất lượng cuộc sống gồm 4 lĩnh vực: sức khỏe thể chất (7 câu), sức khỏe tâm lý (6 câu), mối quan hệ xã hội (3 câu), môi trường (8 câu) và 2 lĩnh vực được đánh giá một cách riêng biệt: nhận thức chung của đối tượng về chất lượng cuộc sống và đánh giá tổng thể về sức khỏe của họ. Sau đó cộng điểm cho từng lĩnh vực theo thang điểm 4-20, quy đổi sang thang điểm 0-100 của WHO, điểm càng cao thì mức độ CLCS càng tốt. Chia CLCS làm 2 mức độ: tốt và chưa tốt căn cứ vào giá trị trung vị của điểm CLCS trong nghiên cứu [5].

2.5. Xử lý số liệu: các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 16. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Sử dụng test χ2 để phân tích mối liên quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi
p < 0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:

Tổng số có 181 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, trong đó nam có 69 người chiếm 38,1% thấp hơn nữ có 112 người chiếm 61,9%. Tỷ lệ Nam/Nữ =1/1,6. Tuổi trung bình 71,1 ± 6,7, dao động từ 60 đến 88 tuổi, nhóm tuổi 60-70 chiếm tỷ lệ cao nhất 51,4%. Trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên chiếm 57,5% cao hơn nhóm dưới trung học phổ thông 42,5%. Đa số bệnh nhân đang sống cùng vợ hoặc chồng chiếm 68%, còn lại là góa/độc thân/ly dị chiếm 32%. Nghiên cứu của chúng tôi, giá trị trung vị của điểm CLCS là 58 điểm.

3.2. Đặc điểm chất lượng cuộc sốngtrên bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại vi

Bảng 1: Phân loại chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cao tuổi ĐTĐ týp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bênh nhân có CLCSchưa tốt là 51,4% (93 bệnh nhân); cao hơn nhóm có CLCS tốt chiếm 48,6% (88 bệnh nhân).

Bảng 2: Điểm chất lượng cuộc sống theo các lĩnh vực:

Trong các lĩnh vực CLCS, sức khỏe thể chất có điểm thấp nhất: 50,36 ± 13,23, môi trường có điểm cao nhất 63,99 ± 10,27. Điểm CLCS tổng thể trung bình là
57,13± 8,7.

3.3. Một số yếu tố liên quan đến CLCS trên bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại vi

Bảng 3: Mối liên quan giữa CLCS và đặc điểm nhân trắc học trên bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại vi

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy tỷ lệ CLCS tốt của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi có biến chứng thần kinh ngoại vi là nam cao hơn so với nữ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Tuổi càng cao thì tỷ lệ CLCS chưa tốt càng cao. Những người có trình độ học vấn trên trung học phổ thông (PTTH), sống cùng vợ/chồng có CLCS tốt hơn hơn những người trình độ học vấn thấp, góa/ly dị và độc thân với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 4: Mối liên quan CLCS và đặc điểm lâm sàng của đối tượng nghiên cứu

Chúng tôi thấy thời gian mắc bệnh ĐTĐ có biến chứng thần kinh dưới 5 năm là nhóm có CLCS tốt nhất với p < 0,05. Tổn thương sợi nhỏ không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với  CLCS (p > 0,05), trong khi đó tổn thương sợi lớn và hỗn hợp làm giảm CLCS có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Mức độ nặng của biến chứng thần kinh ngoại vi theo khám lâm sàng có mối liên quan với giảm CLCS (p < 0,05). Đối tượng không loét bàn chân có CLCS tốt hơn so với các nhóm khác (p < 0,05). Nhóm bệnh nhân điều trị bằng insulin có CLCS thấp hơn điều trị bằng phương pháp khác (p < 0,05).

IV. BÀN LUẬN

Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 181 đối tượng tham gia nghiên cứu, trong đó tỷ lệ nam/nữ là 1/1,6, tuổi trung bình là 71,1 ± 6,7. So sánh với các nghiên cứu khác trên bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thần kinh ngoại vi thì tuổi trung bình trong nghiên cứu của chung tôi cao hơn [6]. Nguyên nhân do chúng tôi thực hiện nghiên cứu tại bệnh viện Lão khoa Trung Ương, nơi điều trị cho các bệnh nhân cao tuổi.

Trong các lĩnh vực CLCS theo bộ công cụ WHOQoL-BREF, sức khỏe thể chất có điểm thấp nhất: 50,36 ± 13,23, môi trường có điểm cao nhất 63,99 ± 10,27. Điểm CLCS tổng thể trung bình là 57,13 ± 8,7. Kết quả của chúng tôi khác với nghiên cứu của tác giả Ashraf và cộng sự, trong đó môi trường có điểm số thấp nhất và mối quan hệ xã hội có điểm số cao nhất [6]. Có sự khác biệt này có lẽ so sự khác biệt về văn hóa, kinh tế giữa các quốc gia.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy giới nữ, tuổi cao trên 80, học vấn dưới phổ thông trung học, góa/ly dị và độc thân có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với giới nam, nhóm dưới 80 tuổi, có trình độ học vấn trên phổ thông trung học, đang sống cùng bạn đời. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với
p < 0,05. Kết quả này phù hợp với hầu hết các nghiên cứu trong và ngoài nước như nghiên cứu của tác giả Daria và cộng sự ở Canada [7].

Thời gian mắc bệnh đái tháo đường có mối liên quan với CLCS của bệnh nhân. Thời gian mắc bệnh càng lâu thì chất lượng cuộc sống càng giảm. Kết quả này tương tự kết quả nghiên cứu của tác giả Ashraf và cộng sự [6].

Tổn thương sợi nhỏ không có mối liên quan với CLCS trên bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, trong khi tổn thương sợi lớn và hỗn hợp làm giảm CLCS có ý nghĩa thống kê. Có thể giải thích do tổn thương sợi lớn và sợi hỗn hợp gây ra đau, yếu/teo cơ, mất khả năng đi lại còn tổn thương sợi nhỏ gây rối loạn cảm giác nhiệt và triệu chứng tê cóng mà bệnh nhân chưa cảm nhận thấy. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự nghiên cứu của tác gải Ovayolu về đặc điểm lâm sàng của viêm đa dây thần kinh ĐTĐ [8].Mức độ nặng theo khám lâm sàng của biến chứng thần kinh ngoại vi làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân ĐTĐ, do vậy chẩn đoán sớm tổn thương trên điện cơ cần được thực hiện sớm, thường quy để cải thiện CLCS trên nhóm đối tượng này.

Những người có nguy cơ loét bàn chân hoặc có loét bàn chân có mối liên quan với giảm CLCS, nguyên nhân có thể do nó ảnh hưởng đến hoạt động thể chất, tâm lý và xã hội bao gồm giảm khả năng đi lại, gia tăng căng thẳng trong gia đình, làm hạn chế và khó khăn tài chính. Kết quả này phù hợp nghiên cứu của tác giả Donna và cộng sự [9].

Bệnh nhân điều trị bằng insulin có CLCS thấp hơn điều trị bằng phương pháp khác do tác động tiêu cực liên quan đến sự khó chịu về thể chất do tiêm insulin và nguy cơ hạ đường huyết xảy ra thường xuyên hơn. Kết quả này tương tự nghiên cứu của tác giả Ashraf và cộng sự [6].

V. KẾT LUẬN

Bệnh lý thần kinh đái tháo đường có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Cần đánh giá chất lượng cuộc sống một cách thường xuyên ở bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường để lập kế hoạch chăm sóc toàn diện và tiên lượng. Tầm soát sớm và điều trị dự phòng các biến chứng mạn tính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ĐTĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. D’Amato C et al. “Diabetic peripheral neuropathic pain is a stronger predictor of depression than other diabetic complications and comorbidities”. Sage Journals
  2. Hồ Hữu Lương (2005): “Bệnh thần kinh ngoại vi”, Nhà xuất bản Y học, tr.248-268
  3. Filipe Prazeres et al (2014), “Measuring quality of life of old type 2 diabetic patients in primary care in Portugal: a cross-sectional study”, Journal of Diabetes & Metabolic Disorders, 13:68.
  4. Thomson F et al (1993), “ The clinical diagnosis of sensory neuropathy in elderly people Diabet- Med”, Diabet Med, 10(9), p.843-846.
  5. World health organnzation(2013), “WHO Quality of life- BREF (WHOQOL-BREF)”,
  6. Ashraf Eljedi et al (2006), “Health-related quality of life in diabetic patients and controls without diabetes in refugee camps in the Gaza strip: a cross-sectional study”, BMC Public Health, 6: 268.
  7. O’Reilly et al.,(2011),“Estimation of the impact of diabetes-related complication on health utilities for patients with type 2 diabetes in Ontario, Canada”, Quality of life research; 939-943.
  8. N Ovayolu (2008) “Clinical characteristics of patients with diabetic polyneuropathy: the role of clinical and electromyographic evaluation and the effect of the various types on the quality of life”.Int J Clin Pract; 62(7): 1019–1025
  9. Goodridge et al (2005). “Health‐Related Quality of Life in Diabetic Patients With Foot Ulcers: Literature Review”. Journal ofWOCN, 32(6):368-377
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …