Đánh giá kiến thức về bệnh đái tháo đường bằng bộ câu hỏi Adknowl

ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BẰNG BỘ CÂU HỎI ADKNOWL

Lê Thị Thu Trang1, Ngô Thị Bích Phượng2, Trịnh Ngọc Anh2

1Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 2Trường Đại học Y Hà Nội

SUMMARY

Objectives: to assess the knowledge of diabetic patients on diabetic tests, diets and exercises as well as its complications and relating factors. Objects and method:  A descriptive cross-sectional study was performed on 200 diabetic patients admitted to Endocrinology & Diabetes Department at Bach Mai hospital from 2012 to 2013 using ADKnowl questionnaire. Results: 26% (52 patients) knew about HbA1c; 67% (134 patients) had good knowledge score on diabetic diets and nutrition; 79.5% (159 patients) knew the effects of exercise on blood glucose; Almost patients (93.5%) had good knowledge on hypoglycemia definition and how to manage hypoglycemic episodes (98%);  Only 21% of them had good answers on diabetic complications. Patients with higher age and HbA1c tended to have low knowledge score; meanwhile, those with longer duration of disease had higher score; there were no relation between knowledge score and sexes, occupations and types of diabetes. Conclusion: Most of these diabetic patients had good knowledge on diets, hypoglycemic definition and management; however, their knowledge on taking care and following diabetic complications was not good. There was relationsbetween knowledge level and patients’ age, HbA1c and duration. Therefore, it is necessary to focus on diabetic education not only for diabetic patients but also for general populations to improve their knowledge from the earlier stages of disease.

Key words: Diabetes, knowledge

TÓM TẮT

Mục tiêu: đánh giá mức độ hiểu biết của bệnh nhân về các chỉ số xét nghiệm, chế độ dinh dưỡng luyện tập cũng như các biến chứng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và các yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 200 bệnh nhân ĐTĐ nhập viện khoa Nội tiết – Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai từ năm 2012 đến 2013 bằng bộ câu hỏi ADKnowl. Kết quả: 26% (52 bệnh nhân) biết về xét nghiệm HbA1c; 67% (134 bệnh nhân) có kiến thức tốt về chế độ ăn và dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ; 79,5% (159 bệnh nhân) có biết về tác dụng của luyện tập lên glucose máu; Hầu hết các bệnh nhân (93,5%) biết về khái niệm hạ glucose máu và cách thức xử trí khi có cơn hạ glucose máu (98%); chỉ 21% các bệnh nhân có kiến thức tốt về biến chứng của ĐTĐ. Các bệnh nhân có tuổi và giá trị HbA1c càng cao thì điểm số kiến thức càng thấp; các bệnh nhân bị bệnh càng lâu thì có điểm kiến thức càng cao; không có mối liên quan giữa mức điểm kiến thức và các yếu tố như giới, nghề nghiệp và typ bệnh ĐTĐ. Kết luận: Phần lớn các bệnh nhân ĐTĐ đều có kiến thức tốt về chế độ ăn, tình trạng hạ glucose máu và cách thức xử trí; tuy nhiên, kiến thức về chăm sóc và theo dõi biến chứng của các bệnh nhân còn chưa tốt. Có mối liên quan giữa mức độ hiểu biết với tuổi, giá trị HbA1c và thời gian bị bệnh. Do đó cần tăng cường công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe không những cho bệnh nhân ĐTĐ mà cho cả cộng đồng để người bệnh có kiến thức tốt ngay từ khi họ được phát hiện bệnh.

Từ khóa: Đái tháo đường, kiến thức.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Thị Thu Trang

Ngày nhận bài: 19.9.2017

Ngày phản biện khoa học: 23.9.2017

Ngày duyệt bài: 26.9.2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, đái tháo đường (ĐTĐ) đã và đang trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu với số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng [1,2,3]. Ở bệnh nhân ĐTĐ hậu quả của việc chăm sóc không đầy đủ cả thể chất và tinh thần sẽ dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. Cho đến nay dù chưa có khả năng chữa khỏi bệnh nhưng nếu người bệnh được quản lý điều trị tốt sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng và nguy cơ tàn phế cũng như tử vong [4,5]. Một trong những điều kiện để phòng ngừa bệnh và sự xuất hiện các biến chứng là phải nâng cao trình độ hiểu biết cho bệnh nhân và cho cả cộng đồng; do đó việc đánh giá kiến thức của bệnh nhân ĐTĐ là hết sức quan trọng, từ đó sẽ giúp cho chúng ta có những phương án nhằm nâng cao hiểu biết cho bệnh nhân. Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào sử dụng bộ câu hỏi đánh giá hoàn chỉnh các khía cạnh của chăm sóc và theo dõi bệnh ĐTĐ như bộ câu hỏi ADKnowl của Bradley [2]. Đây là bộ câu hỏi quốc tế được thiết kế bởi Speight J & Bradley, được sự đóng góp ý kiến của rất nhiều các nhà chuyên môn trong lĩnh vực y học, chính thức được sử dụng năm 1998, được dịch ra nhiều thứ tiếng và cũng là bộ câu hỏi chính được sử dụng trong rất nhiều nghiên cứu của các tác giả nước ngoài để đánh giá kiến thức về chăm sóc và tự theo dõi bệnh của bệnh nhân ĐTĐ. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành  nghiên cứu đề tài này với mục tiêu sau: Tìm hiểu mức độ hiểu biết về bệnh cũng như các yếu tố liên quan của các bệnh nhân ĐTĐ sử dụng bộ câu hỏi ADKnowl.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Đối tượng nghiên cứu:

200 bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ ở cả 2 giới, tuổi trên 18 được điều trị tại khoa Nội tiết Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 10/2012 đến tháng 5/2013 có đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ theo tiêu chuẩn của ADA 2010 [6,7].
  • Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân có thai, Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu, Bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn tâm thần, Không đủ các dữ liệu phân tích và đánh giá.
  • Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.

ADKnowl là bộ câu hỏi được thiết kế riêng biệt từng mục để phân tích, mỗi mục đều có các câu hỏi khác nhau với 3 phương án trả lời: Đúng, Sai, Không biết. Sử dụng phương án ‘Không biết’ nhằm ngăn chặn bệnh nhân đoán về một mảng kiến thức nào đó. Việc phân chia từng mục giúp loại bỏ những mục không liên quan đến bệnh nhân trong quá trình hỏi một cách dễ dàng.

ADKnowl gồm 104 câu hỏi phân bố trong 23 mục, bao gồm những mảng kiến thức có liên quan đến:

  • Điều trị bệnh và theo dõi chỉ số HbA1c: 12 câu hỏi
  • Chế độ ăn và dinh dưỡng: 13 câu hỏi
  • Sử dụng Insulin hoặc thuốc viên điều trị trong những ngày bị ốm: 13 câu hỏi
  • Chăm sóc bàn chân: 24 câu hỏi
  • Ảnh hưởng của hoạt động thể lực đến bệnh ĐTĐ: 8 câu hỏi
  • Ảnh hưởng của thuốc lá và bia rượu đến tình trạng bệnh: 8 câu hỏi
  • Hạ đường huyết: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách xử trí: 14 câu hỏi
  • Các biến chứng và chế độ theo dõi định kỳ: 12 câu hỏi

2. Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang

Cỡ mẫu: lấy cỡ mẫu thuận tiện

Phương pháp tiến hành:

Số liệu được thu thập theo sơ đồ nghiên cứu với mẫu bệnh án thống nhất

Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được khám, hỏi bệnh theo một sơ đồ chung bao gồm:

  • Bước 1: Chọn các mẫu bệnh án mà bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán ĐTĐ typ1 hoặc typ2, sau đó thu thập các thông tin liên quan như: Tuổi, giới , nghề nghiệp, địa chỉ, thời gian mắc bệnh, kết quả xét nghiệm HbA1c.
  • Bước 2: Bệnh nhân được giải thích mục đích của nghiên cứu và đồng ý tham gia nghiên cứu, sẽ được đo cân nặng, chiều cao và được giải thích cách trả lời bộ câu hỏi ADKnowl.
  • Bước 3: Bệnh nhân hoàn thành bộ câu hỏi ADKnowl.
  • Bước 4: Tính tổng điểm cho từng mục câu hỏi và tính tổng điểm chung cho cả bộ câu hỏi
  • Bước 5: Đánh giá mức độ kiến thức của bệnh nhân thông qua tính điểm của từng mục:
  • Bệnh nhân trả lời đúng < 50% số câu hỏi được đánh giá là có kiến thức kém.
  • Bệnh nhân trả lời đúng 50-75% số câu hỏi được đánh giá là có kiến thức trung bình.
  • Bệnh nhân trả lời đúng > 75% số câu hỏi được đánh giá là có kiến thức tốt.

Phương pháp xử lý số liệu: Các số liệu được xử lý theo phần mềm stata 10.0. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình.

Sử dụng test  χ2để phân tích mối liên quan giữa các biến, T-test để so sánh giá trị trung bình. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

III. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:

Tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là 59,9 ± 12,8 (tuổi), dao động từ 20-90 tuổi tỷ lệ nam giới (58,5%) cao hơn nữ giới (41,5%); tỷ lệ bệnh nhân sống ở thành thị (59,5%) cao hơn ở nông thôn (40,5%); số bệnh nhân là công nhân viên chức chiếm tỷ lệ cao nhất (33,5%).

Số bệnh nhân tham gia nghiên cứu chủ yếu mắc ĐTĐ type 2 (95%); 1/3 số bệnh nhân (32,5%) trong nhóm nghiên cứu có thời gian mắc bệnh < 1 năm, chiếm tỷ lệ cao nhất; phần lớn các bệnh nhân (67%)  có giá trị HbA1c còn rất cao > 9% trong khi chỉ có 11% các bệnh nhân có giá trị HbA1c ở mức kiểm soát tốt < 7%.

3.2. Tìm hiểu mức độ hiểu biết về bệnh và các yếu tố liên quan của các bệnh nhân ĐTĐ:

Bảng 1: Kiến thức bệnh nhân về theo dõi xét nghiệm HbA1c

Rất ít bệnh nhân biết đến xét nghiệm HbA1c (chỉ có 52 bệnh nhân chiếm 26%)

Bảng 2: Kiến thức bệnh nhân liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực


Tỷ lệ bệnh nhân có mức hiểu biết tốt về chế độ ăn và dinh dưỡng dành riêng cho bệnh nhân mắc bệnh khá cao (67%). Phần lớn các bệnh nhân biết ảnh hưởng của HĐTL đến nồng độ đường huyết (79,5%).

Bảng 3: Kiến thức bệnh nhân về hạ đường huyết

Đa số bệnh nhân có kiến thức đúng về khái niệm HĐH (93,5%) và cách xử trí đúng khi bị HĐH (98%).

Bảng 4: Kiến thức về kiểm soát và theo dõi biến chứng của bệnh

Chỉ có 21% bệnh nhân có hiểu biết tốt về các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Bảng 5 :Các yếu tố liên quan đến mức độ kiến thức của bệnh nhân

HbA1c và tuổi càng cao thì mức độ hiểu biết của bệnh nhân càng giảm.Ngược lại thời gian mắc bệnh của bệnh nhân càng lâu thì mức độ hiểu biết càng cao, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Không có mối liên quan giữa giới, nghề nghiệp và type bệnh với mức độ kiến thức của bệnh nhân.

IV. BÀN LUẬN

ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính, đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời. Để phòng ngừa các biến chứng cho bệnh nhân ĐTĐ, bên cạnh điều trị thuốc thì việc giáo dục để nâng cao kiến thức cho người bệnh là hết sức cần thiết. Việc sử dụng bộ câu hỏi ADKnowl được xem là rất hữu ích trong việc đánh giá kiến thức của bệnh nhân ở tất cả các khía cạnh liên quan đến chăm sóc và tự theo dõi bệnh, góp phần đưa ra những chiến lược phù hợp để nâng cao trình độ hiểu biết cho bệnh nhân. Tổng điểm chung cho toàn bộ câu hỏi của chúng tôi là 54,21 ± 10,29 điểm, thấp hơn kết quả trong nghiên cứu của PA-Dyson và cs (2010) tiến hành tại bệnh viện Churchil-Oxford là 63,7 điểm [3]. Sở dĩ có sự khác nhau này là do trong nghiên cứu của tác giả có sự can thiệp đến các bệnh nhân thông qua cung cấp video hướng dẫn cách thực hành chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh, vì vậy kiến thức bệnh nhân thu nhận được sẽ tốt hơn. Trong nghiên cứu của chúng tôi, thiếu hụt kiến thức lớn nhất xuất hiện trong việc theo dõi xét nghiệm HbA1c khi có đến 75% bệnh nhân được đánh giá là hiểu biết kém về chỉ số này.Kết quả này thấp hơn trong nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001) [2] khi chỉ có 50,4% bệnh nhânkhông biết đến giá trị HbA1c,  điều này là do tác giả tiến hành nghiên cứu trên quần thể bệnh nhân điều trị ngoại trú tại một phòng khám, họ được đánh giá kiến thức hàng tháng nên có thể trước đó họ đã có một mức độ kiến thức về điều này..

Hạ đường huyết là một biến chứng thường gặp và gây ra những hậu quả nguy hiểm ở bệnh nhân ĐTĐ. Do đó hiểu biết đúng về HĐH cũng như cách xử trí khi bị HĐH rất quan trọng đối với bệnh nhân ĐTĐ [4,5]. Trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn các bệnh nhân biết đến các triệu chứng cũng như cách xử trí khi bị HĐH (98%). Tuy nhiên cũng có một số nhỏ bệnh nhân (12,5%) có những suy nghĩ sai lầm rằng ‘nếu bị HĐH thì cần dùng Insulin hoặc thuốc viên ngay lập tức’ hoặc không biết rằng ‘cần phải thử đường huyết ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên’ (20,5%), điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cũng như những khó khăn trong điều trị ĐTĐ. Sự thiếu hụt kiến thức này đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa những buổi giáo dục, tư vấn nhóm nhỏ và cá nhân cho bệnh nhân ĐTĐ để nâng cao hơn nữa hiểu biết về HĐH.

Hiểu biết về các biến chứng của bệnh ĐTĐ là hết sức cần thiết để giúp cho bệnh nhân tự theo dõi, phát hiện sớm và kịp thời các biến chứng này, giảm thiểu nguy cơ tàn phế cũng như tử vong cho người bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có một số ít các bệnh nhân có hiểu biết đúng về các biến chứng của bệnh như: biến chứng thần kinh ngoại vi (21%), biến chứng mắt (27%), biến chứng thận (25,5%). Kết quả này thấp hơn kết quả của Speight J & Bradley C (2001) [2], theo các tác giả này có 89,8%, 86,7%, 92,6% bệnh nhân biết đến lần lượt các biến chứng thần kinh ngoại vi, mắt, thận. Điều này lý giải là do ở nước ta, hệ thống giáo dục sức khỏe phát triển chưa mạnh và chưa đồng đều giữa các vùng, hơn nữa ở nước ngoài hệ thống bác sĩ gia đình phát triển rộng khắp và hoàn thiện nên bệnh nhân có điều kiện được tư vấn những kiến thức rất tốt về bệnh cũng như cách phòng chống các biến chứng của bệnh.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kiến thức của bệnh nhân như: tuổi, chỉ số HbA1c, thời gian mắc bệnh.

Tuổi càng cao, quá trình lão hóa của cơ thể diễn ra càng mạnh mẽ trong đó có sự lão hóa của tế bào não. Bên cạnh đó, HbA1c là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ kiểm soát bệnh của bệnh nhân ĐTĐ, HbA1c càng thấp chứng tỏ hiệu quả điều trị càng tốt.Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng có mối liên quan nghịch giữa tuổi và giá trị HbA1c với tổng điểm kiến thức (r= – 0,0108, r = – 0,0922, tương ứng, p ≠ 0 có ý nghĩa thống kê). Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với kết quả trong nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001) [2], cũng tìm thấy sự tương quan nghịch giữa tuổi và giá trị HbA1c với tổng điểm kiến thức của bệnh nhân, nghĩa là khi tuổi và giá trị HbA1c càng thấp thì mức độ kiến thức của bệnh nhân càng cao.

Những người mắc ĐTĐ nói riêng cũng như những bệnh nhân bị các bệnh lý mạn tính nói chung, thời gian mắc bệnh càng lâu họ càng có nhiều thời gian để tìm hiểu về bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy có mối tương quan thuận giữa thời gian mắc bệnh và tổng điểm kiến thức (r = 0,2875, p ≠ 0 có ý nghĩa thống kê).

Kết quả của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001) [2], theo tác giả những bệnh nhân có thời gian mắc bệnh >11,5 năm có xu thế cung cấp các câu trả lời chính xác hơn những người có thời gian mắc bệnh ngắn hơn.

Tuy nhiên, giáo dục bệnh nhân ĐTĐ không những cần tiến hành ở những bệnh nhân mới mắc mà cần phải thực hiện tái giáo dục trên những bệnh nhân mắc bệnh lâu năm để cải thiện hơn nữa kết quả điều trị cũng như khả năng tự chăm sóc và theo dõi bệnh của người bệnh.

V. KẾT LUẬN

Nhìn chung mức độ hiểu biết về bệnh của bệnh nhân còn khá hạn chế, đặc biệt là hiểu biết về giá trị HbA1c và việc theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng của bệnh. Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến kiến thức của bệnh nhân là: tuổi, giá trị HbA1c và thời gian mắc bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mc Cathy D, amos A, Zimmet P, 1997. The rising global bủden ò diabetes and ít complications: estimates and projections. Diabet Med; 14S1-85
  2. Speight J & Bradley C (2001) The ADKnowl: Identifying knowledge deficits in diabetes care. Diabetic Medicine, 18 (8), 626-633.
  3. PA Dyson, Beatly S, Matthews DR (2010): “An assessment of lifestyle video education for people newly diagnosed with type 2 diabetes”; 359-3.
  4. Tạ Văn Bình, 2004. Đái tháo đường type 2 – Thực hành lâm sàng chăm soc bệnh đái tháo đường, Nhà xuất bản y học Hà Nội, tr 12-13.
  5. Đỗ Trung Quân (2000); “Bệnh ĐTĐ”. NXB Y học HN, tr 1-201
  6. American Diabetes Asociation, 2010.Standards of medical care on diabetes – 2010.Diabetes Care. Jan;33(suppll):S11-S61
  7. Narayan KM, boyle JP, Geiss LS, et al, 2006. Impact of recent increase in incidence on future diabetes burden. US 2005- 2050. Diabetes Care; 29: 2114- 2116.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …