Dự báo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trên những đối tượng 30-69 tuổi tại thành phố Đà Nẵng

DỰ BÁO NGUY CƠ MẮC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

TRÊN NHỮNG ĐỐI TƯỢNG30 – 69 TUỔI TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Đỗ Ích Thành1*, Tôn Thất Thạnh1, Trần Hữu Dàng3, Nguyễn Hóa1,

Nguyễn Ngọc Ánh1, Nguyễn Khắc Minh2, Trần Anh Quốc2, Lê Văn Nho2

1Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng;

2Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng;

3Trường Đại học Y – Dược Huế

ABSTRACT

Risk prediction model for type 2 diabetes mellitus by using finnish diabetes risk score (findrisc) among adult population(30-69 ears old ) in Da Nang city.

Objectives: To predict the risk of type 2 diabetes (T2D) in next 10 years among adult population aged 30 to 69 years. Method:A cross-sectional descriptive method was carried out over 1800 people aged 30 – 60 yearswere randomly selected in Da Nang city, the FINDRISC score was utilized after adjusted BMI and waist circumference to forecast an increasing incidence of risk of T2D in the next 10 years. Results: The prevalence of T2D accounted for 11.5%. Over 1,593 people who have not had the disease, risk classification according to the scale of FINDRISC shows that 15.3% of the subjects have medium to very high risk for T2D. It is projected that by 2028 the incidence of type 2 diabetes will increase by 5.6% (4.9% for males, 5.9% for females). Conclusion: The results of the study show a rapid increase in the incidence of diabetes in the next 10 years. It is necessary to apply the adjusted Asian FINDRISC score to predict the risk of diabetes for the community through community screening programs.

Keywords:  type 2 diabetes, FINDRISC, Danang.

TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu: Dự báo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 trong 10 năm ở người trưởng thành 30-69 tuổi tại thành phố Đà Nẵng. Phương pháp: Sử dụng phương pháp dịch tễ học mô tả cắt ngang trên 1.800 người dân 30-69 tuổi được chọn ngẫu nhiên tại thành phố Đà Nẵng, sử dụng thang điểm FINDRISC có điều chỉnh BMI và vòng bụng để dự báo ĐTĐ trong 10 năm. Kết quả: Nghiên cứu dịch tễ học cắt ngang tiến hành trên mẫu năm 2018: Tỷ lệ mắc ĐTĐ týp 2: 11,5%. Trên 1.593 người chưa mắc bệnh, phân loại nguy cơ theo thang điểm FINDRISC cho thấy 15,3% số đối tượng có nguy cơ trung bình đến rất cao đối với ĐTĐ týp 2; Dự báo đến năm 2028 tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 sẽ tăng thêm 5,6% (nam giới: 4,9%, nữ giới 5,9%). Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nhanh về tỷ lệ đái tháo đường trong 10 năm tới. Cần thiết áp dụng thang điểm FINDRISC sử dụng cho người Châu Á có điều chỉnh để dự báo nguy cơ mắc ĐTĐ qua chương trình sàng lọc tại cộng đồng người dân.

Từ khóa: Đái tháo đường týp 2, FINDRISC, Đà Nẵng.

Chịu trách nhiệm chính:Đỗ Ích Thành

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) năm 2017 thế giới có khoảng 425 triệu người 20 – 79 tuổi mắc ĐTĐ, ước tính cứ 11 người thì có một người mắc ĐTĐ, mỗi 6 giây có một người tử vong do bệnh ĐTĐ, số người tử vong do ĐTĐ chiếm khoảng 4 triệu người, dự báo sẽ tăng lên 629 triệu vào năm 2045 [4]. Mặc dù gây ra nhiều hệ lụy như vậy nhưng ĐTĐ týp 2 thường khởi phát không có triệu chứng và đến khi khởi phát rõ bệnh ĐTĐ thì đã có những biến chứng kèm theo, tại Việt Nam có đến trên 60% số người trong cộng đồng không biết mình mắc bệnh [12].

Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều thang đo đánh giá nguy cơ ĐTĐ, tuy nhiên một thang đo được khuyến khích và được sử dụng ở nhiều quốc gia hiện nay là thang đo Finnish Risk Score. Đây là một công cụ đánh giá đơn giản, với chi phí thấp, độ tin cậy cao và có thể sử dụng tại cộng đồng ở những nước có thu nhập trung bình [6].

Thang điểm FINDRISC được Schawarz P.E và Li J. cho rằng là công cụ có sẵn để dự báo ĐTĐ týp 2 trong thực hành lâm sàng trên quần thể người da trắng, nhưng có thể thay đổi các chỉ số cho phù hợp khi áp dụng trên các dân tộc khác nhau [11].

Thang điểm đánh giá nguy cơ tiến triển bệnh ĐTĐ týp 2 được Hội Đái tháo đường Phần Lan đề xuất năm 2001 và được nghiên cứu, ứng dụng nhiều nước trên thế giới. Thang điểm FINDRISC đã được áp dụng trên cộng đồng tại một số quốc gia của Châu Á và Đông Nam Á với sự thay đổi tiêu chí vòng bụng và BMI cho phù hợp với người Nam Á.

Tại Việt Nam, thang đo cũng đã được một số tác giả sử dụng để dự báo nguy cơ mắc ĐTĐ tại một số tỉnh thành để dự báo ĐTĐ týp 2 trong 10 năm, và ở mức dao động từ 3,13% – 13,6% [1, 5, 8, 10].

Tuy nhiên ở các nghiên cứu này thường tập trung dự báo ở nhóm nguy cơ cao (người tiền ĐTĐ) mắc ĐTĐ hoặc kết quả giữa các nghiên cứu không tương đồng. Điều này cần thiết có một thang đo đánh giá mức độ nguy cơ tiến triển ĐTĐ có độ chính xác cao, khả năng ứng dụng được cho cộng đồng chưa mắc bệnh với mức chi phí thấp là thật sự cần thiết.

Việc sàng lọc phát hiện sớm ĐTĐ sẽ giảm ý nghĩa nếu nguy cơ mắc bệnh của đối tượng đã cao và việc thay đổi lối sống là không còn phù hợp.

Vì vậy chúng tôi áp dụng thang đo FINDRISC có điều chỉnh BMI và vòng bụng theo tiêu chuẩn Châu Á tại Việt Nam nhằm mục tiêu: Dự báo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 trong 10 năm ở người trưởng thành 30-69 tuổi tại thành phố Đà Nẵng.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng nghiên cứu

  • Quần thể nghiên cứu: toàn thể người dân từ 30-69 tuổi trở lên có hộ khẩu và đang sinh sống tại 30 xã phường thuộc thời điểm nghiên cứu, tại các quận huyện thành phố Đà Nẵng.
  • Đối tượng nghiên cứu: 1.800 người trưởng thành 30 – 69 tuổi tại 30 cụm xã phường, những người mắc ĐTĐ được loại ra, còn lại 1.593 người chưa mắc bệnh (tiền ĐTĐ + bình thường) xác định bằng G0, G2 chúng tôi đưa vào nghiên cứu.

2.2 Phương pháp nghiên cứu: Dịch tễ học mô tả cắt ngang [3]

2.2.1 Cỡ mẫu nghiên cứu và kỹ thuật chọn mẫu

Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng cho một tỷ lệ [2]:

Trong đó : n là số đối tượng cần nghiên cứu; Z²(1-α/2) =1,96 với độ tin cậy 95%; p= 0,054 (với p là tỷ lệ ĐTĐ: 5,4% ở người Việt Nam theo điều tra dịch tễ học năm 2012 của Nguyễn Quốc Việt và cs, theo tuổi 30- 69 [12]); d=0,02: là sai số lựa chọn. Cỡ mẫu tối thiểu n= 491

Chúng tôi sử dụng kỹ thuật chọn mẫu chùm nhiều giai đoạn, hệ số thiết kế mẫu chúng tôi chọn là 3, lấy dư tổng cộng mẫu nghiên cứu được chọn vào là 1.800 đối tượng.

Sử dụng phương pháp chọn mẫu tương ứng với kích thước quần thể (PPS ; Probability proportionate to size) cho từng quận huyện, tổng số 30 cụm trên toàn thành phố được chọn vào nghiên cứu (mỗi cụm 60 đối tượng 30 – 69, cụm ở đây chính là xã, phường).

Bước 1 : Lập danh sách dân số toàn bộ các xã, phường tại mỗi vùng.

Bước 2 : Chọn xã, phường điều tra theo phương pháp PPS.

Bước 3 : Chọn thôn/tổ : Lập danh sách các thôn/tổ tại xã/phường được chọn, từ đó chọn ra 1 thôn/tổ theo phương pháp ngẫu nhiên bằng bốc thăm, hoặc bảng số ngẫu nhiên.

Bước 4 : Lập danh sách đối tượng 30 – 69 tại thôn/tổ được chọn theo tuổi, giới (sinh từ 1988 – 1949) (trường hợp thôn/tổ chọn được không đủ 60 đối tượng, thì chọn thêm một  thôn/tổ kế bên để lập danh sách đối tượng).

Bước 5 : Chọn đối tượng điều tra: sử dụng phương pháp chọn ngẫu nhiên đơn chọn các đối tượng vào nghiên cứu, cho đến khi đủ số đối tượng thì dừng lại.

2.2.2 Công cụ và phương pháp thu thập số liệu

Công cụ thu thập: chúng tôi sử dụng thang đo FINDRISC có điều chỉnh BMI và vòng bụng cho người Châu Á.

Kỹ thuật thu thập số liệu: chúng tôi tiến hành thu thập số liệu trên mẫu, bao gồm xét nghiệm máu, cân đo nhân trắc, huyết áp bằng các công cụ đã được chuẩn hóa và Bộ Y tế chấp nhận, phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi nghiên cứu.

Sử dụng máy đo glucose máu SureStep Onetouch của hãng Johnson & Johnson, kết quả xét nghiệm của máy này được tính theo tiêu chuẩn glucose máu tĩnh mạch (đã được kiểm chứng trong điều tra DTH năm 2002 và 2012). Xét nghiệm máu 2 lần, sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose tại cộng đồng.

2.2.3 Thang điểm đánh giá nguy cơ xuất hiện đái tháo đường trong 10 năm tới

Chúng tôi sử dụng thang điểm Hội Đái tháo đường Phần Lan đề xuất năm 2001 (FINDRISC) có điều chỉnh BMI và vòng bụng theo tiêu chuẩn Châu Á [6].

Thang đo FINDRISC sử dụng phương pháp gán điểm cho từng yếu tố và mức độ nguy cơ của biến số để đánh giá mức độ nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2.

Thang đo bao gồm 8 biến số: tuổi, BMI hiệu chỉnh, vòng bụng hiệu chỉnh, hoạt động thể lực ≥ 30 phút/ngày, thường ăn rau quả, đã có lần được kê toa thuốc hạ áp, đã có lần phát hiện tăng đường huyết và tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường ( týp 1 hoặc týp 2).

Phân độ BMI dành cho người Châu Á. Theo TCYTTG, nguy cơ bệnh ĐTĐ týp 2 và tim mạch người Châu Á tăng khi BMI ≥ 23 kg/m2 và phân loại như sau: BMI < 18,5 kg/m2: nhẹ cân; 18,5 kg/m2 – < 23 kg/m2: nguy cơ chấp nhận được; 23 kg/m2 -< 27,5 kg/m2: nguy cơ tăng; ≥ 27,5 kg/m2: nguy cơ cao [11]

Mức đánh giá của vòng bụng là 0, 3, 4 điểm, mỗi mức cách nhau 8 cm tương đương thang điểm FINDRISC. Mức cao nhất là điểm cắt tiêu chuẩn vòng bụng to của người Châu Á (90 cm đối với nam và 80 cm với nữ) thay cho điểm cắt tiêu chuẩn vòng bụng to của người Châu Âu trong thang điểm FINDRISC (102 cm đối với nam và 88 cm đối với nữ).

Bảng 1. Thang điểm FINDRISC có điều chỉnh BMI và vòng bụng theo tiêu chuẩn Châu Á

Tổng điểm cao nhất của thang đo FINDRISC là 26 điểm, thấp nhất là 0 điểm. Căn cứ vào số điểm trên, các tác giả đã phân loại mức độ nguy cơ và dự báo nguy cơ phát triển ĐTĐ týp 2 trong 10 năm của cá nhân và cả cộng đồng như sau: nguy cơ của cộng đồng bằng tổng nguy cơ của các cá nhân.

Bảng 2. Nguy cơ tiến triển đái tháo đường týp 2 trong 10 năm


“Nguồn: Tuomilehto J. and Lindström J. (2001) [6]”

2.2.4 Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Số liệu được làm sạch, sau đó nhập trên Epidata 3.1, sử dụng SPSS 20.0 để phân tích.

2.2.5 Đạo đức nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi được sự chấp thuận của Hội đồng nghiên cứu khoa học Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường týp 2 tại thành phố Đà Nẵng năm 2019

Bảng 3. Tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường, tiền đái tháo đường ở người dân

Biểu đồ 3.1: tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường týp 2 theo mức cũ và mới

Nhận xét: Tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường tại thành phố Đà Nẵng là 11,5%; Tiền đái tháo đường 26,9%. Tỷ lệ người bệnh mắc đái tháo đường không được chẩn đoán là 68,6%.

3.2. Nguy cơ và dự báo nguy cơ tiến triển đái tháo đường týp 2 trong 10 năm tới

Bảng 4. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 5. Phân bố tỷ lệ yếu tố nguy cơ theo thang đo FINDRISC Châu Á

Bảng 6. Phân loại mức độ nguy cơ cá nhân theo thang điểm FINDRISC Châu Á

Nhận xét: Trong tổng số 1.593 đối tượng chưa mắc bệnh ĐTĐ, có 12,1% đối tượng có nguy cơ trung bình; có 3,2% đối tượng ở mức cao (3,0% ở nam và 3,3% ở nữ giới).

Bảng 7. Nguy cơ tiến triển ĐTĐ týp 2 của cộng đồng trong 10 năm theo FINDRISC

  Nhận xét: Ước tính tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ týp 2 ở người chưa mắc bệnh theo thang điểm FINDRISC có điều chỉnh sẽ tăng thêm 5,6% vào năm 2028. Nữ giới sẽ tăng thêm 5,9% và tăng thêm 4,9% ở Nam giới.

4. BÀN LUẬN

Điều tra dịch tễ học mô tả cắt ngang trên 1.800 người dân tuổi từ 30-69, được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2018 cho kết quả tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ týp 2 là 11,5% (trong đó có tới 68,6% số người dân 30-69 tuổi trong cộng đồng không biết mình mắc bệnh), tiền ĐTĐ là 26,9%. Tỷ lệ mắc ĐTĐ tăng gần gấp đôi sau 10 năm (năm 2007: 7,38% người dân ở độ tuổi 25 – 64; năm 2018: 11,5% ở độ tuổi 30-69).

Dự báo nguy cơ tiến triển ĐTĐ trong 10 năm tới theo thang điểm FINDRISC có điều chỉnh BMI và vòng bụng

Xu hướng chuyển đổi mô hình bệnh tật làm gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây và rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là bệnh ĐTĐ týp 2, các nguyên nhân chính theo y văn béo phì và ít vận động thể lực. Việc xác định được các yếu tố nguy cơ cho từng cá nhân hay công cả cộng đồng bị ảnh hưởng hiện tại và tương lai là thật sự cần thiết.

Hiện nay, trên thế giới cũng đã phát triển rất nhiều thang đo dự báo ĐTĐ týp 2 cho cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, một công cụ dự cần phải đáp ứng được các yếu tố như: độ nhạy, độ đặc hiệu, diện tích dưới đường cong ROC (Area under the curve: AUC) ở các thang đo khác nhau, và điều kiện thực tế tại mỗi quốc gia, khu vực nhất định.

Thang đo FINDRISC được Hội Đái tháo đường Phần Lan với độ chính xác cao, dễ áp dụng cho cộng đồng và chi phí thấp, có độ nhạy 81%, độ đặc hiệu là 76%, điểm cắt ≥ 9, diện tích dưới đường cong là 0,87 ở độ tuổi 45 – 64.

Từ kết quả thống kê, các yếu tố nguy cơ cấu thành thang điểm FINDRISC có điều chỉnh theo tiêu chuẩn Châu Á, chúng tôi còn căn cứ vào tiền sử tăng huyết áp để tính điểm chứ không đơn thuần dựa vào sử dụng thuốc hạ áp thường xuyên hay không.

Sử dụng thang đo dự báo ĐTĐ do Lindström J. năm 2001, có điều chỉnh BMI và vòng bụng theo tiêu chuẩn Châu Á trong 10 năm tới. Dự báo đến năm 2028, tại thành phố Đà Nẵng trên người từ 30-69 tuổi sẽ tăng thêm 5,6% số người mắc so với tỷ lưu hành năm 2018. Trong đó 4,9% là ở nam giới và 5,9% ở nữ giới (chưa tính tỷ lệ tử vong của người mắc ĐTĐ týp 2). Tỷ lệ mắc được dự báo ở nữ giới cao hơn nam giới.

Với mục đích sàng lọc, phát hiện sớm, thang đo FINDRISC giúp chúng tôi phát hiện ra được 15,3% đối tượng có nguy cơ từ trung bình đến rất cao, cần phải tiến hành tư vấn điều chỉnh lối sống, chế độ ăn và theo dõi đường máu thường xuyên. Các nhóm đối tượng còn lại chưa cần can thiệp, chỉ cần thực hiện chế độ sống lành mạnh, ăn uống điều độ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

Đối chiếu với các nghiên cứu cũng sử dụng thang điểm FINDRISC để dự báo nguy cơ tiến triển ĐTĐ týp 2 trong 10 năm tại cộng đồng nhận thấy. Kết quả của chúng tôi cao hơn dự báo của tác giả Đỗ Minh Sinh và cộng sự (3,13%), Cao Mỹ Phượng và cộng sự (4,1%), thấp hơn của Nguyễn Văn Lành và cộng sự (ở người bình thường sẽ tăng thêm 8,26%, nhóm người  tiền ĐTĐ tăng thêm 13,39%), theo Makrilakis K và cộng sự (10,8%)

Yếu tố quan trọng được sử dụng để giải thích sự khác nhau này là mức BMI trung bình ở nghiên cứu chúng tôi (23,04 ± 3,03), cao hơn hẳn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Vy Hậu (21,67 ± 2,4), Đỗ Minh Sinh (20,96 ± 2,7) và thấp hơn Makrilakis K. Và cộng sự (29,6 ± 0,5) [1, 8, 9]. Đây chính là nguyên nhân quan trọng đầu tiên trong thang điểm giải thích cho sự khác nhau này.

Vòng bụng giữa các đối tượng tham gia cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này. Vòng bụng trung bình ở cả hai giới nam và nữ ở nghiên cứu chúng tôi lần lượt là 83,35 ± 8,8; 80,44 ± 7,86. Kết quả này đều cao hơn nghiên cứu của các tác giả Đỗ Minh Sinh là (79,21± 2,88;76,15±8,39) và Nguyễn Văn Vy Hậu là (81,1±8,18;78,42 ±7,34), thấp hơn Makrilakis K. và cộng sự (103,3 ±10,8; 94 ± 2,4) [1, 8, 9].

Một yếu tố cuối cùng giải thích cho sự khác biệt này là ở nghiên cứu của chúng tôi thực hiện cắt ngang trên 1.800 đối tượng, chẩn đoán theo tiêu chuẩn ADA năm 2018, sau khi xác định được những người ĐTĐ chúng tôi đã loại ra 207 người mắc bệnh, còn lại 1.593 người (bao gồm cả người tiền ĐTĐ và bình thường gọi chung là chưa mắc bệnh). Như vậy những người tham gia hoàn toàn chưa mắc bệnh. Việc xác định tỷ lệ lưu hành bệnh trong 10 năm tiếp theo (tỷ lệ hiện mắc + tỷ lệ mắc mới trong 10 năm kế tiếp) một số tác giả đã không loại trừ đối tượng đã bị bệnh [1, 5, 10]. Chính vì vậy nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên những người chưa mắc bệnh ĐTĐ là sát với thực tế với độ chính xác cao.

5. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng: Ứng dụng thang điểm FINDRISC chúng tôi ghi nhận được 15,3% đối tượng có nguy cơ từ trung bình đến rất cao. Tỷ lệ lưu hành ĐTĐ týp 2 trong quần thể người dân từ 30-69 tuổi vào năm 2028 sẽ tăng thêm 5,6%; (tăng thêm 4,9% ở nam giới và 5,9% ở nữ giới) so với thời điểm hiện tại. Kết quả là cơ cở khoa học giúp ngành Y tế Đà Nẵng có chiến lược dài hạn trong việc kiểm soát, dự phòng và can thiệp kịp thời cho cộng đồng người dân thành phố. Mặc dù thang đo FINDRISC đã được nhiều tác giả chứng minh có độ chính xác cao, tuy nhiên các nghiên cứu là riêng lẻ với các phương pháp xác định khác nhau, thang đo hiện nay chưa được chuẩn hóa tại Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đề xuất có một nghiên cứu toàn diện tại Việt Nam nhằm chuẩn hóa thang điểm và khuyến cáo sử dụng sàng lọc chủ động cho người dân tại cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Vy Hậu, Nguyễn Hải Thủy và cs (2012) “Dự báo nguy cơ đái tháo đường typ 2 bằng thang điểm FINDRISC ở bệnh nhân tiền đái tháo đường ≥ 45 tuổi”. Tạp chí Y Dược học – Đại học Y Dược Huế, (Số 10), tr. 22 – 29.
  2. Lưu Ngọc Hoạt, Võ Văn Thắng (2011) Phương pháp nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng, Nxb Đại học Huế, tr. 69-70, 78-79.
  3. Đinh Thanh Huề.Phương pháp dịch tễ học, Nhà xuất bản Y học. 2004.
  4. International Diabetes Foundation diabetes atlas seventh edition 2017
  5. Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Văn Tập và cs (2013). “Dự báo nguy cơ đái tháo đường theo thang điểm Findrisc ở đồng bào người dân tộc Khmer tại tỉnh Hậu Giang”, Tạp chí Y học sự phòng. 2013; (7): tr.82
  6. Lindstrom J. and Tuomilehto J. “The Diabetes Risk Score, A practical tool to predict type 2 diabetes risk”, Diabetes Care, [Lindstrom J. and Tuomilehto J., 2003 #400]; (26): 725 – 731.
  7. Li J., A. Bergmann, M. Reimann et al (2009), A More Simplifed Finnish Diabetes Risk Score for Opportunistic Screening of Undiagnosed Type 2 Diabetes in a German Population with a Family History of the Metabolic Syndrome, Diabetes and Metabolism, Vol 41 (2009), 198-203
  8. Vũ Thị Thúy Mai, Đỗ Minh Sinh (2016) “Dự báo nguy cơ tiến triển bệnh Đái tháo đường týp 2 trong 10 năm ở cộng đồng người trưởng thành huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định”. Tạp chí Y tế công cộng, 13 (41), tr.32-tr.33.
  9. Makrilakis K., Liatis S.,et al. “Validation of the Finnish Diabetes Risk Score (FINDRISC) questionnaire for screening for undiagnosed type 2 diabetes, dysglycaemia and the metabolic syndrome in Greece”, Pubmed, Diabetes Metab., 2011; 37(2): 144, 151.
  10. Cao Mỹ Phượng, Nguyễn Hải Thủy và cs. “Thang điểm FINDRISC và dự báo nguy cơ đái tháo đường trong 10 năm trong cộng đồng”, Tạp chí Nội tiết đái tháođường. Hội nghị Nội tiết đái tháo đường toàn quốc lần thứ VI. Huế, 2012; (6): tr.2-10.
  11. Schwarz et all. (2009), “Tools for Predicting the Risk of Type 2 Diabetes in Daily Practice”, Horm Metab Res 41, tr.86 – 97.
  12. Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Vinh Quang và cs (2012) “Kết quả hoạt động điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012”. Y học thực hành, (Số 929-930), tr.82-86.
  13. WHO Expert Consultation (2004) “Appropriate Body Mass index for Asian Populations and Its implications for policy and intervention strategies”. The Lancet, 363, pp.161.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …