Nghiên cứu dịch tễ học, các yếu tố nguy cơ và can thiệp phòng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam

NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ HỌC, CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ CAN THIỆP PHÒNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI VIỆT NAM

Phan Hướng Dương

Bệnh Viện Nội Tiết Trung Ương

ABSTRACT

The National Hospital of Endocrinology (NHOE) conducted two epidemiological studies of type 2 diabetes mellitus (DM) and its risk factors in 2002 and in accordance with international standards on a national scale. The results showed as follows:

After 10 years, the prevalence of type 2 DM increased from 2.7% in 2002 to 5.4% increase in 2012. The prevalence of impaired glucose tolerance in Vietnam Nam  has increased sharply from 7.3 % to 13.7 %, respectively.  Prevalence of type 2 DM with age groups from 30 to 69 years. the percentage of undiagnosed type 2 DM patients in  community were 64.6 % in 2002 and 63,6 in 2012 ( 64 % ). The major risk factors for type 2 DM included: age ≥ 45 years, hypertension, increased waist circumference, body mass index (BMI)≥ 23 kg/m2, family history of diabetes, history of lipid metabolism disorder…

Along with the epidemiological studies of type 2 DM and its risk factors, NHOE also conducted two intervention studies were : “The intervention studies of type 2 DM prevention by lifestyle modification in prediabetes patient” and “The intervention prevention studies of type 2 DM by lifestyle modifications associated with metformin in pre-diabetic subjects with BMI ≥ 23 kg/m2. The results showed that:

A simple life-style intervention study found that prevalence of type 2 DM, the rate of return of normal blood glucose within 18 months in the  IFG group of the intervention group were 7.3% and 66.4%; Control groups were 13.5% and 24.0%, respectively. Interventions reduce 81% risk of developing diabetes. Prevalence of type 2 DM, ÌGT and IFG in the normal blood glucose group was 0.9%, 20.5% and 7.9%, respectively which lower than the control group at 2.2%, 27.2% and 17.2%, respectively.

Interventional studies supplemented with metformin on diet and exercise compared with those who had  nutritional interventions, exercised effectively altered the following indicators: prevalence of  type 2 DM reduced significantly (4, 9% vs 13%); increase the rate of return to normal blood glucose level (59.8% vs 45%); increased weight loss (4.2 kg compared with 2.8 kg); Increased BMI to <23 kg/m2 (52.0% vs. 31.0%).

TÓM TẮT

Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiến hành 2 điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và các yếu tố nguy cơ (YTNC) cách nhau 10 năm (2002 và 2012) theo các quy chuẩn quốc tế trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy:

Trong vòng 10 năm, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ đã tăng 200% từ 2,7% năm 2002 tăng lên 5,4% năm 2012. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose (RLDNG) tăng tương ứng từ 7,3% lên 13,7%. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ tăng lên theo các nhóm tuổi từ 30 đến 69 tuổi. Tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại cộng đồng năm 2002 là: 64,6%, năm 2012 là 63,6%. Các YTNC cao liên quan đến ĐTĐ bao gồm: tuổi ≥ 45 tuổi, tăng huyết áp (THA), vòng eo tăng, BMI≥ 23 kg/m2, tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ, tiền sử rối loạn chuyển hóa lipid (RLCHL).

Cùng với đánh giá dịch tễ học và các YTNC, Bệnh viện Nội tiết TW đã tiến hành 2 nghiên cứu can thiệp bao gồm nghiên cứu can thiệp phòng bệnh bằng thay đổi lối sống ở đối tượng tiền ĐTĐ và bình thường, và nghiên cứu can thiệp phòng bệnh bằng thay đổi lối sống kết hợp metformin ở đối tượng tiền ĐTĐ có BMI ≥ 23 kg/m2. Kết quả cho thấy:

Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống đơn thuần cho thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ, tỷ lệ đối tượng glucose máu trở về bình thường trong 18 tháng ở nhóm đối tượng RLDNG có YTNC ở nhóm can thiệp là 7,3% và 66,4% ; nhóm chứng tương ứng là 13,5% và 24,0%. Biện pháp can thiệp làm giảm 81% nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ. Tỷ lệ mắc ĐTĐ, RLDNG và rối loạn đường huyết lúc đói (RLDHLD) ở nhóm đối tượng glucose máu bình thường có YTNC ở nhóm can thiệp là 0,9%, 20,5% và 7,9% thấp hơn nhóm chứng tỷ lệ tương ứng là 2,2%, 27,2% và 17,2%.

Nghiên cứu can thiệp có bổ sung metformin vào chế độ dinh dưỡng, luyện tập so với nhóm chỉ can thiệp dinh dưỡng, luyện tập có hiệu quả làm thay đổi các chỉ số sau: Giảm tỷ lệ tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ (4,9% so với 13%); tăng tỷ lệ glucose máu trở về bình thường (59,8% so với 45%); tăng giảm cân (4,2 kg so với 2,8 kg); tăng tỷ lệ BMI trở về < 23 kg/m2 (52,0% so với 31,0%).

Chịu trách nhiệm chính: Phan Hướng Dương

Ngày nhận bài: 13/12/2017

Ngày phản biện khoa học: 31/12/2017

Ngày duyệt bài: 07/1/2018

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội; các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… đang tăng lên tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật và tử vong cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lấy nhiễm tăng từ 42% năm 1990 lên 66% năm 2010 tổng số DALY [3].

Trước đây, cũng đã có một số nghiên cứu dịch tễ bệnh ĐTĐ tại một số tỉnh/thành phố. Vào những năm 1990, tỷ lệ ĐTĐ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế chỉ khoảng 1-2,5% [2]. Năm 2000, Bệnh viện Nội tiết TW điều tra tỷ lệ ĐTĐ tại khu vực nội thành 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh ở người trưởng thành 30-64 tuổi. Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ ĐTĐ là 4,0%.

Trước tình gia tăng của bệnh ĐTĐ, năm 2002, Bệnh viện Nội tiết TW đã thực hiện điều tra dịch tễ học ĐTĐ và các YTNC quy mô toàn quốc đầu tiên, theo các tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới [2]. 10 năm sau, năm 2012, Bệnh viện Nội tiết TW tiến hành điều tra dịch tễ học bệnh ĐTĐ toàn quốc lần 2 đánh giá sự gia tăng của bệnh ĐTĐ cũng như các YTNC liên quan tại Việt Nam [1],[7].

Nhằm đáp ứng yêu cầu phòng bệnh do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TW, Dự án Phòng chống đái tháo đường Quốc gia đã tiến hành các nghiên cứu phòng bệnh ở những người có nguy cơ cao bị ĐTĐ, đặc biệt đối tượng tiền ĐTĐ (bao gồm RLDNG và RLĐHLĐ), nhằm nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh ĐTĐ phù hợp với người Việt Nam.

2. NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ CÁC YTNC

2.1. Mục tiêu nghiên cứu:

  1. Xác định tỷ lệ và phân bố bệnh đái tháo đường trong phạm vi toàn quốc;
  2. Đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành của cộng đồng về phòng chống bệnh đái tháo đường.
  3. Xác định một số yếu tố nguy cơ với bệnh đái tháo đường.

2.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu 30-69 tuổi*

2.2.2. Địa điểm nghiên cứu:

  • Năm 2002: Điều tra tiến hành tại 4 khu vực: thành phố, đồng bằng, trung du và ven biển, miền núi và Tây Nguyên.
  • Năm 2012: Điều tra tiến hành tại 6 khu vực sinh thái: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

2.2.3. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu dịch tễ học mô tả cắt ngang. Cỡ mẫu áp dụng cho nghiên cứu mô tả cắt ngang.

2.2.4. Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu theo phương pháp PPS (Probability Proportionat to Size) cho từng khu vực.

2.2.5. Các biến số, chỉ số nghiên cứu:

  • Nhóm thông tin chung: tuổi, giới tính, tính chất nghề nghiệp liên quan đến hoạt động thể lực…
  • Nhóm thông tin về nhân trắc: BMI, vòng eo (theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới cho người Châu Á năm 1998) [13].
  • Nhóm thông tin về bệnh và tiền sử bệnh liên quan: tiền sử gia đình bị ĐTĐ, tiền sử sản khoa, tiền sử rối loạn chuyển hóa lipid (RLCHL), THA…
  • Xét nghiệm glucose máu bao gồm glucose máu mao mạch lúc đói và 2 giờ sau làm nghiệm pháp dung nạp glucose (NPDNG). Chẩn đoán ĐTĐ và tiền ĐTĐ (RLDNG và RLĐHLĐ) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới năm 1999 [10],[13].

Máy đo đường huyết sử dụng trong nghiên cứu là Sure Step Plus của Công ty Johnson and Johnson. Trước khi thực hiện nghiên cứu năm 2002, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã thử nghiệm trên 60 trường hợp để so sánh kết quả đường huyết mao mạch của máy và đường huyết được đo bằng máu tĩnh mạch. Kết quả so sánh giữa 2 phương pháp là sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê [2].

2.2.6. Xử lý và phân tích số liệu:

Sử dụng phần mềm EPI INFO, SPSS để vào và sử lý số liệu. Các thuật toán thống kê như so sánh giá trị trung bình (t-test), so sánh tỷ lệ (Chi-square test), phân tích đa biến được sử dụng. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ, RLDNG được điều chỉnh theo tỷ lệ dân số từng khu vực và toàn quốc.

2.3. Kết quả điều tra:

Số đối tượng điều tra năm 2002 là 9.122 người, trong đó nam giới chiếm 45% nữ giới chiếm 45%. Số đối tượng điều tra năm 2012 là 11.191 người, trong đó nam giới chiếm 47,6% và nữ giới chiếm 52,4%. Các kết quả nghiên cứu chính như sau:

Biểu đồ 1. Tỷ lệ đái tháo đường và RLDNG năm 2002 (số liệu đã hiệu chỉnh)

Nhận xét: Tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 2,7%, RLDNG là 7,3%. Tỷ lệ ĐTĐ khu vực thành phố cao nhất toàn quốc là 4,4%.

Biểu đồ 2. Tỷ lệ RLDNG và đái tháo đường điều tra năm 2012

Nhận xét: Tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 5,4%, tỷ lệ RLDNG là 13,7%. Trong 6 khu vực sinh thái, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ĐTĐ cao nhất toàn quốc là 7,2%.

Biểu đồ 3. So sánh tỷ lệ DTD và RLDNG năm 2002 và năm 2012     

Nhận xét: Tỷ lệ ĐTĐ năm 2012 là 5,4% tăng 211% so với tỷ lệ ĐTĐ năm 2002,7%.  Tỷ lệ RLDNG cũng tăng từ 7,3% năm 2002 lên 13,7% năm 2012.

Bảng 1. Tỷ lệ mắc đái tháo đường theo nhóm tuổi

Nhóm tuổi Năm 2002 Năm 2012
ĐTĐ Không ĐTĐ Tổng số ĐTĐ Không ĐTĐ Tổng số
30 – 39 27

(0,8%)

3309

(99,2%)

3336 (100%) 47

(1,7%)

2698

(98,3%)

2745

(100%)

40 – 49 109

(3,5%)

2982

(96,5%)

3091 (100%) 109

(3,7%)

2811

(96,3%)

2920

(100%)

50 – 59 99

(5,4%)

1731

(94,6%)

1830 (100%) 219

(7,5%)

2692

(92,5%)

2911

(100%)

≥ 60 87

(10,1%)

778

(89,9%)

865

(100%)

259

(9,9%)

2356

(90,1%)

2615

(100%)

Giá trị p < 0,01 <0,01

 

Nhận xét: Tỷ lệ mắc ĐTĐ của 2 điều tra đều tăng dần theo nhóm tuổi. Cao nhất là nhóm tuổi ≥ 60 tuổi, thấp nhất là nhóm tuổi 30-39 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh các nhóm tuổi, bao gồm cả nhóm 30-39 tuổi, năm 2012 đều tăng cao hơn năm 2002. So sánh từng nhóm tuổi, tỷ lể mắc bệnh tăng cao nhất là nhóm tuổi 50-59 tuổi, sau đó là nhóm 30-39 tuổi.

Biểu đồ 4. Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ không được chẩn đoán

Nhận xét: Tỷ lệ người bệnh ĐTĐ chưa được phát hiện tại cộng đồng năm 2002 là 64% và năm 2012 là 63,6%.

Bảng 3. Mối liên quan giữa YTNC và đái tháo đường năm 2012

Yếu tố nguy cơ Mắc ĐTĐ

n (%)

Không mắc

n (%)

Tổng số

n (%)

Tuổi
Tuổi ≥ 45 555 (7.9%) 6477 (92.1%) 7032 (100%)
Tuổi < 45 79 (1.9%) 4080 (98.1%) 4159 (100%)
OR (95% CI) 4.42 (3.49 – 5.62)
Giá trị p p <0.01
Huyết áp
Tăng HA 396 (10.3%) 3436 (89.7%) 3832 (100%)
Huyết áp bình thường 238 (3.2%) 7121 (96.8%) 7359 (100%)
OR (95% CI) 3.45 (2.92 – 4.07)
Giá trị p p < 0.01
Tiền sử rối loạn Lipid
Rối loạn lipid 536 (5.1%) 9894 (94.9%) 10430 (100%)
Không bị rối loạn lipid 98 (12.9%) 663 (87.1%) 761 (100%)
OR (95% CI) 2.73 (2.17 – 3.43)
Giá trị p p < 0.01
Vòng eo
Vòng eo tăng 285 (10.2%) 2522 (89.8%) 2807 (100%)
Vòng eo bình thường 349 (4.2%) 8035 (95.8%) 8384 (100%)
OR (95% CI) 2.60 (2.21 3.06)
Giá trị p p < 0.01
BMI (kg/m2)
BMI ≥ 23 kg/m2 314 (8.3%) 3463 (91.7%) 3777 (100%)
BMI < 23 kg/m2 320 (4.3%) 7094 (95.7%) 7414 (100%)
OR (95% CI) 2.01 (1.71 – 2.36)
Giá trị p p < 0.01
Tiền sử gia đình bị đái tháo đường
Có người mắc ĐTĐ 314 (8.3%) 3463 (91.7%) 3777 (100%)
Không có người mắc ĐTĐ 320 (4.3%) 7094 (95.7%) 7414 (100%)
OR (95% CI) 2.09 (1.66 – 2.65)
Giá trị p p < 0.01

Nhận xét: YTNC liên quan đến ĐTĐ cao nhất là tuổi ≥ 45 tuổi (OR: 4,42), THA (OR: 3,45), tiền sử RLCHL (OR: 2,73), vòng eo tăng (OR: 2,6), BMI ≥ 23kg/m2

III. NGHIÊN CỨU CAN THIỆP PHÒNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  • Nghiên cứu can thiệp phòng bệnh bằng thay đổi lối sống:

Năm 2002, trong khuôn khổ đề tài KC.010, Bệnh viện Nội tiết TW tiến hành nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống ở những người tuổi từ 30 -64 tuổi, có nồng độ glucose máu bình thường hoặc RLDNG. Nghiên cứu chia 2 nhóm: nhóm can thiệp thay đổi lối sống và nhóm chứng. Thời gian nghiên cứu là 18 tháng. Địa điểm nghiên cứu: 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Các kết quả nghiên cứu chính:

 

Bảng 4. Phân bố của các đối tượng nghiên cứu theo tình trạng đường huyết

Tình trạng đường huyết Nhóm chứng Nhóm can thiệp Tổng cộng
RLDNG

RLĐHLĐ

Glucose máu bình thường

192

13

268

259

9

331

457

22

599

Tổng cộng 473 599 1072

Nhận xét: Tổng số đối tượng nghiên cứu là 1072 người, trong đó nhóm chứng là 473 người, nhóm can thiệp là 599 người. Đối tượng nghiên cứu bao gồm cả tiền ĐTĐ và người có glucose máu bình thường.

Bảng 5. Tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ và hồi phục RLDNG ở 457 người RLDNG ban đầu

ở cả 2 nhóm trong 18 tháng can thiệp

Tình trạng HA & BMI Nhóm chứng Nhóm can thiệp So sánh
n % ĐTĐ % phục hồi n % ĐTĐ % phục hồi
THA 73 11,8 21,9 82 1,2 70,7 **
Thừa cân, béo phì 43 14,0 25,6 62 11,3 64,5 **
THA+MBI≥23 52 11,5 19,2 59 10,2 57,6 **
Yếu tố khác 24 4,2 37,5 56 8,9 71,4 **
Tổng cộng 192 13,5 24,0 259 7,3 66,4 **

(** là sự khác biệt giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê với p<0,01)

Nhận xét: Tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ ở đối tượng RLDNG có kèm các YTNC ở nhóm can thiệp là 7,3% thấp hơn nhóm chứng là 13,5%. Tỷ lệ đối tượng có glucose máu trở về bình thường ở nhóm can thiệp cao hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Biện pháp can thiệp cho nhóm RLDNG kèm béo phì, thừa cân hoặc/và THA trong 18 tháng làm giảm nguy cơ mắc bệnh 81% (p<0,001).

Bảng 6. Tỷ lệ mắc ĐTĐ, RLDNG và RLĐHLĐ ở 599 người

có glucose máu bình thường trong 18 tháng can thiệp

Tình trạng HA &BMI ĐTĐ RLDNG RLĐHLĐ
Nhóm C (n=268) Nhóm CT (n=331) Nhóm C

(n=268)

Nhóm CT

(n=331)

Nhóm C

(n=268)

Nhóm CT

(n=331)

n % n % n % n % n % n %
THA 89 2,2 61 1,6 89 19,1 61 26,2 89 21,3 61 16,4
BMI≥ 23 104 1,9 127 0,8 104 33,7 127 18,1 104 12,5 127 5,5
THA+MBI≥23 58 3,4 109 0,9 58 31,0 109 22,0 58 17,2 109 7,3
Yếu tố khác 17 0,0 33 0,0 17 17,6 33 15,2 17 23,5 33 3,0
Tổng cộng 268 2,2 331 0,9 268 27,2 331 20,5 268 17,2 331 7,9

(*) là sự khác biệt giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê với p<0,05

Nhận xét: Tỷ lệ mắc ĐTĐ, tiền ĐTĐ ở nhóm can thiệp luôn thấp hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Biện pháp can thiệp cho nhóm đối tượng có glucose máu bình thường kèm theo hoặc thừa cân, béo phì hoặc/và THA trong 18 tháng làm giảm nguy cơ mắc bệnh 60,0% nhưng không có ý nghĩa thống kê (p=0,18).

  • Nghiên cứu can thiệp phòng bệnh kết hợp thay đổi lối sống và metformin:

Năm 2012-2014, Bệnh viện Nội tiết TW đã tiến hành nghiên cứu can thiệp phòng bệnh đái tháo đường ở đối tượng 30-59 tuổi mắc tiền ĐTĐ có thừa cân, béo phì bằng thay đổi lối sống kết hợp với metformin tại thành phố Hải Phòng.

Nghiên cứu chia thành 2 nhóm: nhóm chứng chỉ can thiệp bằng thay đổi lối sống, nhóm can thiệp gồm can thiệp thay đổi lối sống như nhóm chứng và kết hợp sử dụng metformin. Thời gian can thiệp là 6 tháng. Các kết quả nghiên cứu chính:

Sau 6 tháng can thiệp, số đối tượng nhóm can thiệp (metformin) là 102 người, nhóm chứng là 100 người. Các đánh giá so sánh trước và sau can thiệp về dinh dưỡng và tập luyện cho thấy sự khác nhau không có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm với p>0.05.

Biểu đồ 5. Tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ, glucose máu trở lại bình thường

ở 2 nhóm nghiên cứu trong 6 tháng can thiệp.

Nhận xét: Tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ ở nhóm metformin thấp hơn nhóm chứng và tỷ lệ đối tượng có mức glucose máu trở lại bình thường ở nhóm metformin cao hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).

Bảng 7. Hiệu quả giảm cân nặng và BMI

Chỉ số   Nhóm chứng

(n=100)

Nhóm metformin

(n=102)

p
Cân nặng trung bình

± SD (kg)

T0 62,2 ± 6,7 62,1 ± 7,7 >0,05
T6 59,4 ± 6,6 57,8 ± 7,7 >0,05
T0 – T6 2,8 ± 2,3 4,2 ± 2,1 < 0,01
p trước sau (t-test) <0,001 <0,001
BMI ≥ 23 kg/m2

Số lượng (%)

T0 100 (100) 102 (100) >0,05
T6 69 (69) 49 (48) < 0,05
p trước sau (χ2 test) < 0,05 < 0,05

Nhận xét: Kết quả cho thấy nhóm metformin giảm cân nhiều hơn nhóm chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Tỷ lệ đối tượng còn có BMI ≥ 23 kg/m2 ở nhóm metformin thấp hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 8. Hiệu quả thay đổi C-peptide, chỉ số kháng insulin và chức năng tế bào bê ta

trước và sau can thiệp

Chỉ số   Nhóm chứng

(n=100)

Nhóm metformin

(n=102)

p
C-peptide

(  ± SD)

T0 1,4 ± 0,8 1,6 ± 0,8 >0,05
T6 0,6 ± 0,3 0,6 ± 0,3 >0,05
p trước sau (t-test) <0,001 <0,001
HOMA – S

( ± SD)

T0 40,0 ± 19,9 35,4 ± 16,6 >0,05
T6 89,8 ± 40,4 81,1 ± 41,6 >0,05
p trước sau (t-test) <0,05 <0,05
HOMA-B

(  ± SD)

T0 173,7 ± 71,2 192,5 ± 75,9 >0,05
T6 89,9 ± 46,5 97,3 ± 56,5 >0,05
p trước sau (t-test) <0,05 <0,05
HOMA- IR T0 3,1 ± 1,5 3,2 ± 1,1 > 0,05
T6 1,4 ± 0,8 1,5 ± 0,8 > 0,05
p trước sau (t-test) < 0,001 < 0,001

Nhận xét: Sau can thiệp, tại mỗi nhóm, chỉ số HOMA-%S tăng lên trong khi chỉ số HOMA-IR giảm đi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Nồng độ C-peptide và chỉ số HOMA-%B sau can thiệp giảm so với trước can thiệp. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05. So sánh giữa hai nhóm can thiệp tại thời điểm trước can thiệp và sau can thiệp thì sự khác biệt các chỉ số là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

4. BÀN LUẬN:

4.1. Dịch tễ học đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ

Các kết quả điều tra cho thấy bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Kết quả điều tra theo quy chuẩn quốc tế của Bệnh viện Nội tiết TW cho thấy, trong vòng 10 năm (từ năm 2002 đến 2012), tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc đã tăng 200% từ 2,7% lên 5,4% ; tỷ lệ tiền ĐTĐ cũng tăng từ 7,3% lên 13,7%. Do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh, ĐTĐ đã thực sự trở thành vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm.

Năm 2015, Bộ Y tế tiến hành điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) ở đối tượng 18 – 69 tuổi. Đây là cuộc điều tra thực hiện theo các quy trình và công cụ chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Mặc dù không thực hiện NPDNG, chỉ tính glucose máu lúc đói nhưng kết quả cho thấy tỷ lệ tăng glucose máu (chỉ số glucose máu lúc đói ≥ 7 mmol/l hoặc đã chẩn đoán ĐTĐ ) cũng tương đối cao là 4,1% [3].

Các cuộc điều tra tại các tỉnh/thành phố theo tiêu chuẩn của WHO đều cho thấy tỷ lệ ĐTĐ cao. Điều tra năm 2010 tại thành phố Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa ở các đối tượng 30-64 tuổi cho thấy tỷ lệ ĐTĐ là 5,9% và tỷ lệ tiền ĐTĐ là 21,7% [4]. Điều tra các đối tượng 30-69 tuổi của thành phố Hà Nội năm 2015 cho thấy tỷ lệ ĐTĐ là 5,7% và tiền ĐTĐ là 27,5% [6].

Kết quả điều tra năm 2002 cũng như năm 2012 đều cho thấy tỷ lệ ĐTĐ cao ở khu vực thành phố so với khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, kết quả điều tra năm 2012 cho thấy, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ĐTĐ cao nhất toàn quốc, sau đó mới là khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Điều này cho thấy bệnh ĐTĐ đã phát triển nhanh tại nước ta không chỉ khu vực thành phố lớn mà cả các khu vực đồng bằng kinh tế phát triển. Bên cạnh đó cũng cần thiết nghiên cứu, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đối với sự tăng cao của bệnh ĐTĐ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là tỷ lệ người mắc ĐTĐ chưa được phát hiện tại cộng đồng còn rất cao (64,6% năm 2002 và 63,6% năm 2012). Kết quả điều tra STEPS năm 2015, tỷ lệ này là 68,6% [3]. Tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Nha Trang là 61,4% [4]. Do bệnh ĐTĐ typ 2 có đặc điểm tiến triển âm thầm thường không có triệu chứng trong một thời gian dài nên người bệnh thường chủ quan không đi khám phát hiện bệnh định kỳ. Trên thế giới, tỷ lệ người bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại các nước phát triển khoảng 40-50% [10]. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác truyền thông phòng chống bệnh ĐTĐ cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa.

Về các YTNC liên quan đến bệnh ĐTĐ. Kết quả nghiên cứu năm 2002 cũng như năm 2012 cho thấy tỷ lệ ĐTĐ tăng lên theo nhóm tuổi. Tuổi ≥ 45 tuổi là YTNC cao của bệnh ĐTĐ. Các YTNC khác liên quan đến sự gia tăng bệnh ĐTĐ tại Việt Nam bao gồm : THA, tiền sử rối loạn chuyển hóa lipid, vòng eo tăng, BMI ≥ 23 kg/m2… Đấy là những kết quả định hướng nhằm phân tích vai trò của các YTNC đối với bệnh ĐTĐ nhằm xác định các YTNC chính đối với bệnh ĐTĐ tại Việt Nam.

4.2. Nghiên cứu can thiệp phòng bệnh

4.2.1. Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống

Nghiên cứu can thiệp phòng bệnh ở đối tượng có glucose máu ở mức bình thường và đối tượng tiền ĐTĐ bằng dinh dưỡng và tập luyện cho thấy hiệu quả phòng bệnh của thay đổi lối sống. Sau 18 tháng, tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ ở đối tượng RLDNG có các YTNC như THA, thừa cân, béo phì ở nhóm chứng là 13,5% cao hơn nhóm can thiệp là 7,3%. Tỷ lệ đối tượng hồi phục có mức glucose máu trở về bình thường ở nhóm can thiệp là 66,4% cao hơn nhóm chứng là 24%. Biện pháp can thiệp thay đổi lối sống đối với nhóm RLDNG có thừa cân, béo phì hoặc/và THA trong 18 tháng làm giảm nguy cơ mắc bệnh 81,0%.

Đối với nhóm đối tượng có mức glucose máu bình thường có kèm theo các YTNC của bệnh ĐTĐ, sau 18 tháng, tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ, RLDNG và RLĐHLĐ ở nhóm can thiệp tương ứng là 0,9%, 20,5% và 7,9% thấp hơn nhóm chứng với tỷ lệ tương ứng là 2,2%, 27,2% và 17,2%.

4.2.2. Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống kết hợp với metformin

Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống kết hợp với metformin đối với người tiền ĐTĐ có BMI ≥ 23 kg/m2 cho thấy hiệu quả can thiệp của nhóm can thiệp so với nhóm chứng chỉ thay đổi lối sống. Sau 6 tháng, tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ của nhóm can thiệp là 4,9% thấp hơn so với nhóm chứng là 13%. Tỷ lệ đối tượng có glucose máu trở về bình thường ở nhóm can thiệp là 59,8% so với 45% ở nhóm chứng.

So với các nghiên cứu phòng bệnh bằng metformin ở người tiền ĐTĐ có thừa cân béo phì, kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác nghiên cứu DPP (The Diabetes Prevention Program – Hoa Kỳ) nhưng tương tự nghiên cứu IDPP (The Indian Dieabetes Prevention Programe – Hoa Kỳ) và đặc biệt nghiên cứu CDPS (Chinese Diabetes Prevention Study – Trung Quốc) [8],[9],[12]. Nghiên cứu DPP, sau gần 3 năm can thiệp cho thấy tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ thấp nhất ở nhóm thay đổi lối sống là 14% so với 29% của nhóm metformin [9].

Tuy nhiên, nghiên cứu IDPP (Hoa Kỳ) ở người Mỹ gốc Nam Á cho thấy nguy cơ mắc bệnh ở nhóm metformin giảm 28,5%, nhóm metformin kết hợp thay đổi lối sống là 28,2% cao hơn nhóm chỉ thay đổi lối sống là 26,4% [8]. Nghiên cứu CDPS cho thấy, sau 3 năm, tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ ở nhóm thay đổi lối sống là 24,6% cao hơn nhóm metformin là 12,4% [12].

Sau 6 tháng can thiệp, nhóm metformin có hiệu quả giảm cân nặng, BMI cao hơn nhóm chứng. Do hiệu quả giảm cân nặng, các chỉ số thể hiện kháng insulin HOMA-IR, chỉ số nhậy cảm insulin HOMA-%S và chỉ số chức năng tê bào bêta HOMA-%B được cải thiện, trong đó nhóm metformin có hiệu quả cao hơn nhóm chứng.  Đây là nghiên cứu ở đối tượng tiền ĐTĐ, thừa cân béo phì nên tình trạng kháng insulin là chủ yếu so với sự tổn thương của tế bào bê ta. Vì vậy, sau can thiệp, ở cả 2 nhóm khi tình trạng kháng insulin được cải thiện, thì chức năng tế bào bê ta cũng được hồi phục.

Kết quả nghiên cứu tương tự kết luận nghiên cứu của Caumo A, Perseghin G, Brunani A và cs sử dụng mô hình HOMA 2 nghiên cứu ở người đái tháo đường mới được chẩn đoán ĐTĐ và người béo phì trước và sau điều trị (chế độ dinh dưỡng và thuốc). Đối với các chủ thể béo phì, so với trước khi can thiệp, sau can thiệp chỉ số nhậy cảm insulin tăng cao hơn và chỉ số chức năng tế bào bê ta giảm xuống thấp hơn [11].

5. KẾT LUẬN

5.1. Nghiên cứu dịch tễ đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ

  • Tỷ lệ ĐTĐ năm 2002 là 2,7% tăng lên 5,4% năm 2012. Tương tự, tỷ lệ RLDNG tăng từ 7,3% lên 13,7%.
  • Tỷ lệ mắc ĐTĐ tăng lên theo các nhóm tuổi, thấp nhất là nhóm 30-39 tuổi, cao nhất là nhóm 60-69 tuổi.
  • Tỷ lệ người mắc ĐTĐ tại cộng đồng chưa được phát hiện bệnh cao : năm 2002 là 64%, năm 2012 là 63,6%.
  • Các YTNC cao liên quan đến bệnh ĐTĐ là: tuổi ≥ 45 tuổi, THA, tiền sử RLCHL, vòng eo cao, BMI ≥ 23 kg/m2, tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ, ít vận động thể lực.
  • Kiến thức về phòng, chống bệnh ĐTĐ của cộng đồng còn thấp.

5.2. Nghiên cứu can thiệp phòng bệnh đái tháo đường

5.2.1. Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống

  • Tỷ lệ mắc ĐTĐ, tỷ lệ đối tượng glucose máu trở về bình thường trong 18 tháng ở nhóm đối tượng RLDNG có thừa cân, béo phì hoặc/và THA ở nhóm can thiệp là 7,3% và 66,4% ; nhóm chứng tương ứng là 13,5% và 24,0%.
  • Ỏ nhóm RLDNG có thừa cân, béo phì hoặc/và THA, can thiệp phòng bệnh làm giảm 81% nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ ở nhóm can thiệp so với nhóm chứng.
  • Tỷ lệ mắc ĐTĐ, RLDNG và RLGMLĐ ở nhóm đối tượng glucose máu bình thường có thừa cân, béo phì hoặc/và THA ở nhóm can thiệp là 0,9%, 20,5% và 7,9% thấp hơn nhóm chứng tỷ lệ tương ứng là 2,2%, 27,2% và 17,2%.

5.2.2. Nghiên cứu can thiệp thay đổi lối sống kết hợp metformin

  • Can thiệp có bổ sung metformin vào chế độ dinh dưỡng, luyện tập so với nhóm chỉ can thiệp dinh dưỡng, luyện tập có hiệu quả làm thay đổi các chỉ số sau:
  • Giảm tỷ lệ tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ (4,9% so với 13%).
  • Tăng tỷ lệ glucose máu trở về bình thường (59,8% so với 45%).
  • Tăng giảm cân (4,2 kg so với 2,8 kg).
  • Tăng tỷ lệ BMI trở về < 23 kg/m2 (52,0% so với 31,0%).
  • So với trước can thiệp, chỉ số nhậy cảm insulin (HOMA-%S) tăng lên, chỉ số kháng insulin (HOMA-IR) giảm xuống và chỉ số chức năng tế bào bê ta (HOMA-%B) giảm sau can thiệp ở cả hai nhóm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2013), Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 Dự án Phòng chống đái tháo đường Quốc gia, hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu hụt I ốt, tài liệu nội bộ, tr.3-12.
  2. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2006), Dịch tễ học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam các phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng, Nxb Y học, Hà Nội.
  3. Bộ Y tế (2015), Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, tài liệu nội bộ.
  4. Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Thị Nhạn, Lâm Chí Cường, Trương Tấn Minh (2014), “Nghiên cứu tình hình bệnh đái tháo đường ở đối tượng từ 30 tuổi trở lên tại thanh phố Khánh Hòa năm 2010”, Tạp chí Y học thực hành, Số (929+930), Bộ Y tế xuất bản, tr.59-62.
  5. Phan Hướng Dương (2016), Thực trạng tiền đái tháo đường và hiệu quả can thiệp có bổ sung metformin ở người có BMI ≥ 23 kg/m2tại thành phố Hải Phòng, Luận án tiến sĩ y học.
  6. Chu Thị Hà (2014), Nghiên cứu dịch tễ học và một số yếu tố liên quan đến bệnh đái tháo đường ở Hà Nội, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
  7. Nguyễn Vinh Quang, Nguyễn Quốc Việt và cs (2014), “Kết quả hoạt động điều tra lập bản đồ dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012”, Tạp chí Y học thực hành, số (929 + 930), tr. 82-86.
  8. Alberti K. G. M. M., Immet P., Shaw J. (2007), “International Diabetes Federation: a consensus on typ 2 diabetes prevention”, Diabetec Medicine, 24, 451- 463.
  9. Berne C., and I.W. Campbell (2011), “Metformin is the lifelong partner in diabetes management: true or false?: A report from a symposium held on the occasion of the 46th Annual Meeting of the EASD, Stockholm, 20-24 September, 2010, The British Journal of Diabetes & Vascular Disease, 1, pp. 42-51.
  10. George K., Alberti M. M. (2010), “The classification and diagnosis of diabetes mellitus”, Texbook of diabetes, 4 th Edition, pp. 24-30.
  11. Perseghin G., Caumo A., Brunani A., et al. (2006), “New Insights on the Simultaneous Assessment of Insulin Sensitivity and β-Cell Function With the HOMA2 Method”, Diabetetes Care, 29, American Diabetes Association, pp. 2733-2734.
  12. Wenying Y., Lixiang L., Jinwu Q., Zhiqing Y., Haicheng P., Guofeng H., Zaojun Y., Fan W., Guangwei L. and Xiaoren P. (2001), “The preventive effect of Acarbose and metformin on the progression to diabetes mellitus in the IGT population: 1 3-year multicenter prospective study”, Chin J Endocrinol Meta, 17, pp. 131-136.
  13. World Health Organization (1999), Report of a WHO Consultation. Definition, diagnosis and classifi cation of diabetes mellitus and its complications. 1. Diagnosis and classifi cation of diabetes mellitus, WHO/ NCD/NCS/99.2. Geneva : WHO.

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …