Nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ hs-CRP huyết thanh và một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng đái tháo đường type 2

NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN QUAN GIỮA NỒNG ĐỘ hs-CRP HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2

 Nguyễn Văn Mùi*; Vũ Bích Nga**; Trần Hồng Quang***

*Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội; ** Trường Đại học Y Hà Nội; 

*** Trường đại học Y tế công cộng

 ABSTRACTS

Objective: The aim of the study was to assess the association of hs-CRP with their relation factors in type 2 diabetic patients such as diabetes duration, BMI, hypertension, glycemic control, dyslipidemia, microalbuminuria. Methods: A cross-sectional population-based study of 79 type 2 diabetes patients admitted to the Endocrinology department of Bachmai hospital and Hanoi Medical University Hospital. Medical history, physical examination, and laboratory findings of these subjects were evaluated in terms of the factors influencing hs-CRP level. Results: hs-CRP levels were significantly higher in type 2 diabetic patients who had long time with diabetes, BMI (body mass index) > 23, high WHR (waist-to-hip ratio), patient with high blood pressure; high HbA1c levels and patient with microalbuminuria. There was a trong positive correlation between hs- CRP with HbA1c and microalbuminuria. Conclusions: In type 2 diabetic patient, hs-CRP concentrations increased with increasing length of time with diabetes, BMI, WHR; blood pressure index, HbA1c levels, LDL-C level, microalbuminuria. The current study demonstrates a strongest positive correlation of hs- CRP with HbA1c and microalbuminuria. Key word: hs-CRP, relation factors, type 2 diabetic patients.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Văn Mùi

Ngày nhận bài: 1.1.2016

Ngày phản biện khoa học: 15.1.2016

Ngày duyệt bài: 1.2.2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường type 2 (ĐTĐT2) đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Khoảng 70% tử vong ở bệnh nhân ĐTĐT2 là do biến chứng tim mạch [1].

Càng ngày, người ta càng thấy rõ sự liên quan giữa bệnh đái tháo đường, vữa xơ đông mạch với tình trạng viêm kéo dài. Phản ứng viêm tại lớp nội mạc mạch máu không những tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh, mà còn là yếu tố làm duy trì, phát triển quá trình biến chứng và tăng tỷ lệ tử vong [3], [4], [5].

Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu đánh giá nồng độ hs- CRP ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 và cho thấy có sự khác biệt về nồng độ hs- CRP ở người bệnh đái tháo đường typ 2 so với người bình thường cũng như có mối liên quan mật thiết giữa nồng độ hs- CRP với việc kiểm soát đường máu (HbA1C), với microalbumin niệu (MAU) và các yếu tố nguy cơ khác trên bệnh nhân đái tháo đường . hs- CRP cũng được xem như một chỉ điểm dự báo biến chứng mạch máu trên bệnh nhân đái tháo đường [6], [8], [9], [10].

Ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu về hs- CRP trên các bệnh nhân tim mạch đặc biệt là trên bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tuy nhiên hầu như chưa có nghiên cứu tiến hành trên các bệnh nhân đái tháo đường, chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích “Tìm hiểu mối liên quan giữa hs- CRP với một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2”.

 II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.  Đối tượng nghiên cứu

Là những bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 2, thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn vào nghiên cứu, khám và điều trị tại Khoa nội tiết Bệnh Viện Bạch Mai, Khoa nội và Phòng khám nội tiết Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội.

1.1 Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu

  • Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ĐTĐ, theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ADA 2010
  • Bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 theo một số tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam
  • Tự nguyện tham gia nghiên cứu

1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

Những bệnh nhân không đủ  tiêu chuẩn chọn vào nghiên cứu gồm:

  • Các thể không phải ĐTĐT2: ĐTĐ type1, ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ do thuốc hay thứ phát do bệnh khác
  • Nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, sốt chưa rõ nguyên nhân, các trường hợp hs-CRP > 10 mg/l hoặc bạch cầu máu tăng (> 10G/l), mặc dù không có triệu chứng viêm trên lâm sàng
  • Suy gan, suy thận
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật
  • Bệnh nhân bị ung thư
  • Bệnh nhân đang bị chấn thương
  • Nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng mạch vành, tai biến mạch máu não
  • Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu

2.  Thiết kế nghiên cứu

  • Tiến cứu mô tả cắt ngang dựa vào mẫu điều tra và bệnh án
  • Tất cả đối tượng nghiên cứu được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết và được phỏng vấn khai thác theo mẫu bệnh án đã được chuẩn bị trước. Các kết quả được ghi vào phiếu bệnh án nghiên cứu thống nhất
  • Tính chỉ số khối cơ thể (BMI): tính BMI theo công thức của WHO năm 1986

Đánh giá chỉ số BMI theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đề nghi cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tháng 2/2000:

  • Tính chỉ số vòng eo/vòng hông (waist-hip ratio – WHR): Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đề nghị cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2/2000

B/M =    Vòng bụng/ Vòng hông

+ Vòng bụng bình thường: nam < 90 cm, nữ < 80 cm

+ Nếu B/M ≥ 0,80 ở nữ giới và ≥ 0,90 ở nam giới thì được xem như là phân bố          nhiều mỡ ở vùng bụng, nội tạng hay còn gọi là béo kiểu nam

  • Đo huyết áp: Các bệnh nhân đều được đo huyết áp bằng máy đo huyết áp đồng hồ đã được hiệu chỉnh với huyết áp thuỷ ngân. Phân độ tăng huyết áp theo JNC-VIII 2013.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng

Các xét nghiệm hs-CRP, đường máu, mỡ máu, HbA1C, MAU được làm tại Khoa xét nghiệm Viện Bạch Mai và Khoa sinh hóa Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội theo quy trình đã được chuẩn hóa theo quy định của Bộ Y Tế.

3.  Xử lý số liệu:

Kết quả số liệu điều tra được xử lý bằng phần mềm SPSS16.0

  • So sánh hai giá trị trung bình bằng thuật toán T-student.
  • So sánh hai tỷ lệ phần trăm bằng thuật toán X2.
  • Tính hệ số tương quan r để nghiên cứu mối tương quan giữa hai đại lượng

KẾT QUẢ

Bảng 1. Mối liên quan giữa hs-CRP và một số yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng

Hình 1. Mối tương quan giữa hs-CRP huyết thanh và chỉ số HbA1c ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Hình 2. Mối tương quan giữa hs-CRP huyết thanh và microalbumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

IV. BÀN LUẬN

1. Liên quan giữa hs-CRP với một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

  • Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ hs-CRP tăng cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê ở nhóm bệnh nhân ĐTĐT2 có thừa cân, béo phì (BMI ≥ 23), bệnh nhân béo kiểu nam (chỉ số vòng bụng/hông cao). Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu của các tác giả trên thế giới [7], [8]. Mô mỡ là nơi sản xuất CRP, tăng kháng insulin, nên lượng mỡ càng tăng thì CRP tăng. Thừa cân, béo phì, béo kiểu nam được biết đến là yếu tố nguy cơ xuất hiện ĐTĐT2 và nhiều các rối loạn chuyển hóa khác đồng thời nó cũng là yếu tố đánh giá nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐT2.
  • Nồng độ hs-CRP ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp cao hơn so với nhóm huyết áp bình thường (3.44 ± 2.29mg/l so với 45 ± 1.86mg/l; p< 0.05). Các nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐT2 cũng như trên người không bị ĐTĐ đều cho thấy hs-CRP tăng cao ở nhóm có tăng huyết áp.Theo nhiều tác giả thì huyết áp động mạch tăng cao làm tổn thương nội mạc mạch máu mà hs-CRP là một chỉ điểm viêm hệ thống rất nhạy với các biến đổi ở thành mạch.
  • Khi so sánh nồng độ hs-CRP giữa nhóm có và không có tăng LDL-C chúng tôi  nhận thấy nồng độ hs-CRP tăng cao một cách có ý nghĩa thống kê ở nhóm có tăng LDL-C so với nhóm có nồng độ LDL-C bình thường. Theo Ridker PM [7], việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ kinh điển như LDL-C làm giảm nồng độ hs-CRP huyết thanh.
  • Để nghiên cứu mối liên quan giữa hs-CRP và tình trạng kiểm soát đường máu, chúng tôi so sánh nồng độ hs-CRP giữa các nhóm bệnh nhân có HbA1c khác nhau và kết quả cho thấy nồng độ hs-CRP cao nhất ở nhóm có có HbA1c > 10% (3.15 ± 2.07 mg/l) sau đó là nhóm có HbA1c từ 9 – 10.9% (2.89 ± 1.73 mg/l) và thấp nhất là nhóm có chỉ số HbA1C < 7% (2.58 ± 2.03 mg/l), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0.05. Kết quả này của chúng tôi phù hợp với hấu hết các nghiên cứu cùng loại trên thế giới [9], [11], [12]. Kiểm soát đường máu kém được biết đến là nguyên nhân chính của biến chứng mạch máu nhỏ do ĐTĐT2. Trong nghiên cứu UKPDS (United Kingdom Prospective Diabetes Study), qua theo dõi 5102 bệnh nhân trong 11 năm (1977-1997), kết quả cho thấy rằng các tổn thương vi mạch võng mạc, tổn thương vi mạch cầu thận tăng tỷ lệ thuận với HbA1c. hs-CRP là một chỉ điểm viêm hệ thống rất nhạy với các biến đổi ở thành mạch.
  • Liên quan giữa nồng độ hs-CRP và microalbumin: nồng độ hs-CRP tăng cao hơn một cách có ý nghĩ thống kê ở nhóm bệnh nhân có microalbumin niệu so với nhóm không có microalbumin niệu (3.85 ± 2.32 mg/l so với 2.2± 1.68 mg/l, p< 0.001). Nhiều nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện MAU ở bệnh nhân ĐTĐT2 liên quan với tăng đường máu, huyết áp động mạch và mới đây nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sự xuất hiện MAU có liên quan đến tình trạng viêm [10],[11]. Mohd Idrees Khan và cộng sự nghiên cứu hs-CRP, HbA1C và nicroalbumin niệu ở 62 bệnh nhân ĐTĐT2 cho thấy nhóm MAU dương tính có nồng độ hs-CRP cao gấp gần 10 lần nhóm MAU âm tính (10.02±5.33 mg/l so với 1.03±0.88mg/l, p < 0.0001) [9]

2. Tương quan giữa hs-CRP với HbA1c và Microalbumin niệu

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hs-CRP tương quan chặt chẽ với HbA1C (r= 0.52, p< 0.01) và microalbumin niệu (r= 0.5, p< 0.001). Kết quả này của chúng tôi phù hợp với nhiều nghiên cứu của các tác giả trên thế giới: Safiullah Amanullah và cộng sự [6] nghiên cứu về tương quan giữa hs-CRP, và HbA1c ở 400 người ĐTĐT2 (r= 0.307, p< 0.001); Mohd Idrees Khan, Kauser Usman và cộng sự [8], nghiên cứu mối tương quan giữa hs-CRP và MAU (r= 0.47, p=0.002)

M. S. Roopakala và cộng sự [11] kết luận: kiểm soát nồng độ hs-CRP và kiểm soát tốt HbA1c là một can thiệp sớm để phòng biến chứng thận do đái tháo đường.

V. KẾT LUẬN

Các yếu tố có mối liên quan tới sự gia tăng nồng độ hs-CRP huyết thanh ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 là: Thời gian mắc bệnh dài, thừa cân, béo phì, béo kiểu nam, kiểm soát đường máu kém, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường type 2 có microalbumin niệu.

Có mối tương quan thuận chiều tương đối chặt chẽ giữa nồng độ hs-CRP huyết thanh với HbA1c (r=0.52, p< 0.01), thời gian mắc bệnh (r=0.47, p< 0.001) và microalbumin niệu (r=0.5, p< 0.001).

 TÓM TẮT

Mục tiêu: tìm hiểu mối liên quan giữa nồng độ hs-CRP huyết thanh và một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 như: thời gian mắc bệnh, chỉ số khối cơ thể(BMI), chỉ số eo/hông (WHR), chỉ số huyết áp động mạch, HbA1c, lipide máu, microalbumin niệu.

Phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả cắt ngang, tiến cứu  trên 79 bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại Khoa nội tiết Bệnh Viện Bạch Mai, Khoa nội tổng hợp và Phòng khám nội tiết Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội

Kết quả: nồng độ trung bình của hs-CRP ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường type 2 có kèm thừa cân, béo phì là 3.29 ± 2.11mg/l; béo kiểu nam là 3.45 ± 2.24 mg/l ,ở bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dài > 10 năm là 4.15 ± 2.42 mg/l; ở bệnh nhân có tăng huyết áp là 3.44 ± 2.29mg/l; ở bệnh nhân có tăng LDL-C là 3.69 ± 2.45 mg/l; ở bệnh nhân có microalbumin niệu là 3.85 ± 2.32mg/l; ở bệnh nhân có HbA1c ≥ 11% là 4.0 ± 2.37mg/l; cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê (p< 0.05) so với nhóm bệnh nhân có chỉ số BMI, WHR, huyết áp động mạch, LDL-C bình thường, bệnh nhân có thời gian mắc bệnh < 10 năm,  microalbumin niệu âm tính, HbA1c < 11 %.

Có mối tương quan thuận chiều giữa nồng độ hs-CRP với HbA1c (r= 0.52; p< 0.001) với microalbumin niệu (r= 0.5; p< 0.001).

Kết luận:  ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, nồng độ hs-CRP huyết thanh gia tăng cùng với sự tăng của thời gian mắc bệnh, chỉ số BMI, WHR, chỉ số huyết áp động mạch, HbA1c, LDL-C, microalbumin niệu.

Có mối tương quan thuận chiều tương đối chặt chẽ giữa nồng độ hs-CRP với HbA1c và microalbumin niệu

Từ khóa: hs-CRP, đái tháo đường type 2, các yếu tố liên quan

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. IDF DIABETES ATLAS, 5th edition, 2012 update.
  2. WHO (2011), “Definition and diagnosis of diabetes mellitus and intermediate hyperglycemia”, report of a WHO/IDF consultation.
  3. Jenny E. Kanter, Michelle M. Averill, Renee C. LeBoeuf et al (2008), “Diabetes-Accelerated Atherosclerosis and Inflammation”, 2008; 103: e116-e117 Circ Res.
  4. S Chaikate1, T Harnroongroj, Y Chantaranipapong (2006). “C-reactive protein, Interlekin-6, and tumor necrosis factor- α level in overweight and healthy adults”, Southeast Asia J Trop Med public health, Vol 37 No. 2 March 2006.
  5. David M. Capuzzi et al (2007), “C – reactive protein and Cardiovascular Risk in the Metabolic Syndrome and Typ 2 Diabetes: Controversy and Challenge”, Volume 25, Number 1, 2007 16, CLINICAL DIABETES.
  6. Safiullah Amanullah et al (2010), “Association of hs-CRP with Diabetic and Non-diabetic individuals”, Jordan Journal of Biological Sciences, Volume 3, Number 1, January 2010 ISSN: 1995-6673, Pages 7–12
  7. Ridker PM, Rifai N, Rose L, et al. “Comparison of C-reactive protein and low-density lipoprotein cholesterol levels in the prediction of first cardiovascular events”. N Engl J Med. 2002; 347: 1557–1565. CrossRefMedline
  8. Earl S. Ford (1999), “Body Mass Index, Diabetes, and C-Reactive Protein among S. Adults”, Diabetes Care 2 2:1 9 7 1–1977, 1999.
  9. Idrees Khan, Kauser Usman et al (2012), “Association of Hs-CRP and HbA1C with Microalbuminuria in Type-2 Diabetic patients in North India”. Biomedical Research 2012; 23 (3): 380-384
  10. Marije van der Velde, Aminu K. Bello, Auke H. Brantsma et al (2012) “Do albuminuria and hs-CRP add to the International Diabetes Federation definition of the metabolic syndrome in predicting outcome?” Nephrol Dial Transplant: 1–9 doi: 10.1093/ndt/gfr634
  11. S. Roopakala et al (2012), “Evaluation of High Sensitivity C-reactive Protein and Glycated Hemoglobin Levels in Diabetic Nephropathy”, Saudi J Kidney Dis Transpl 2012;23(2):286-289
  12. Dana E. king, Thomas A. Buchanan, et al, (2003), “C-Reactive Protein and Glycemic Control in Adults with Diabetes”, Diabetes care, Volume 26, number 5, may 2003
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …