Nghiên cứu một số đặc điểm chung, tế bào học và mô bệnh học các tổn thương tuyến giáp dạng nốt, bình giáp

NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHUNG, TẾ BÀO HỌC VÀ MÔ BỆNH HỌC CÁC TỔN THƯƠNG TUYẾN GIÁP DẠNG NỐT, BÌNH GIÁP

 Nguyễn Văn Mão, Trà Thành Phú

Trường Đại Học Y Dược Huế

 ABSTRACT

STUDY OF COMMON PRESENTATIONS, CYTOLOGY AND HISTOPATHOLOGY OF EUTHYROID NODULES

Objectives: to study the common presentations and the correlation between cytology and histopathology of euthyroid nodules operated at the Hospital of Hue University of Medicine and Pharmacy. Materials, Method: cross – sectional study on 79 thyroid nodules operated at Hue University of Medicine and Pharmacy from April, 2014 to March, 2015. Results: overall mean age of patients was 42,7 ± 14,9 years, mean age of thyroid cancers was 41,2 ± 14,5 years, thyroid nodules involved wide range of age (mostly from 41 – 50 years). Male – female ratio was 1/7, and in cancer group was 1/5. Solitary nodule involved 62% and multiple nodule involved 38%, the mean size of the carcinomas was lower than the overall diseases. The higest rate of thyoid histological results was thyroid colloid goiter (53,2%), following by adenoma (25,3%), papillary cancer (16,5%), folicullar cancer (3,8%) and anaplastic cancer (1,2%). Correlation between thyroid cytology and histology showed that: FNA sensitivity, specificity, false-negative, false-positive, positive predictive values and negative predictive values were 81,3%, 98,2%, 3,8%, 1,3%, 92,9%, 94,8% respectively. Conclusions: Euthyroid nodules of the thyroid diseases encompassing a various types of disease, among those the thyroid colloid goiter accounting for over 50% and the papillary carcinomas were a relative rate 16,5%. The FNA could diagnose these types of disease with high sensitivity and specificity before the operation, so it should be applied for the diagnosis and to reduce the operation cases not needed.

Key words: euthyroid nodules, Cytology, Histopathology, Colloid Goiter, Papillary carcinoma

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Văn Mão

Ngày nhận bài: 1.1.2016

Ngày phản biện khoa học: 15.1.2016

Ngày duyệt bài: 1.2.2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bướu giáp là sự tăng kích thước hay thể tích tuyến giáp, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn sinh tổng hợp hormone giáp, thiếu hụt iod, bệnh lý tự miễn, tổn thương giáp dạng nốt… thông qua các cơ chế khác nhau [8]. Theo Hội Giáp học Mỹ năm 2009, ước tính khoảng 20 triệu người Mỹ mắc một trong các dạng bệnh của tuyến giáp [1], [2]. Có nhiều cách phân loại tổn thương tại tuyến giáp, trong đó phân loại theo chức năng dùng trong nội khoa (cường giáp, bình giáp, nhược giáp) và phân loại theo cấu trúc (tổn thương dạng nốt hay lan tỏa) dùng trong giải phẫu bệnh [6], [8].

Trong bệnh học tuyến giáp thì tổn thương tuyến giáp dạng nốt là bệnh cảnh lâm sàng thường gặp nhất. Một nghiên cứu với 5234 bệnh nhân trên 60 tuổi ở Framingham, bang Massachusetts, Mỹ, cho thấy tỉ lệ tổn thương dạng nốt trên lâm sàng chiếm 6,4% ở nữ giới và 1,5% ở nam giới [16]. Nghiên cứu của David Dean chỉ ra rằng tỉ lệ này có thể khác nhau tùy thuộc vào phương pháp phát hiện nốt giáp, với 2 – 6% phát hiện bằng sờ nắn, 19 – 35% nếu dùng đầu dò siêu âm và 8 – 65% trong các dữ liệu về tử thiết [5]. Có nhiều nguyên nhân gây nên tổn thương giáp dạng nốt: bướu keo,  nang, u tuyến và ung thư [6], [8].

Năm 2014, Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính số trường hợp ung thư giáp mới mắc khoảng 62.980, (nữ 76%, nam 24%), trong đó số ca tử vong khoảng 1.890, chiếm gần 3% tử vong chung (nữ 56%, nam 46%) [1]. Tỷ lệ tử vong do ung thư giáp ổn định qua nhiều năm và vẫn là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong thấp. Tại Anh, mặc dù ung thư tuyến giáp chỉ chiếm ít hơn 1%  các bệnh lý ác tính chung nhưng là u nội tiết ác tính hay gặp nhất, chiếm hơn 90% ung thư tuyến nội tiết chung [12]. Hơn thế nữa nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ ác tính của một tổn thương giáp dạng nốt chiếm từ 5-17% và hầu hết gặp ở nhóm bệnh nhân bình giáp [5], [12], [16]. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để có thể chẩn đoán trước phẫu thuật một nốt giáp có khả năng ác tính hay là không để định hướng điều trị hợp lý cho bệnh nhân. Với phương pháp chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA), qua nhiều nghiên cứu cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này rất cao  (độ nhạy trung bình 83%, độ đặc hiệu trung bình 92%) [2], [3], [9], [10], [11], [15]. Điều này đã giúp đưa lại thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho nhà lâm sàng quyết định phương pháp điều trị đúng, tránh cho bệnh nhân phải chịu cuộc phẫu thuật không cần thiết. Trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về đề tài này, tại Việt Nam từ năm 2003 đến 2012 có một số báo cáo của các tác giả như Hứa Thị Ngọc Hà, Lê Minh Huy, Nguyễn Văn Sung, Lê Trung Thọ ở TP. Hồ Chí minh và Hà Nội, riêng ở miền Trung có 1 báo cáo của Nguyễn Văn Mão năm 2005, từ đó đến nay chưa có báo cáo nào khác [9], [10], [11], [15], vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này với 2 mục tiêu:

– Mô tả một số đặc điểm lâm sàng các tổn thương bình giáp dạng nốt.

– Chẩn đoán phân loại, đối chiếu kết quả tế bào học và mô bệnh học.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: 79 trường hợp có tổn thương tuyến giáp dạng nốt, bình giáp. Tiến hành làm tế bào học bằng phương pháp chọc hút kim nhỏ, đối chiếu với kết quả mô bệnh học sau mổ tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015.

Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Các bước thực hiện:

Tiến hành chọc hút kim nhỏ tổn thương dạng nốt tuyến giáp, các tiêu bản chọc hút được nhuộm bằng phương pháp nhuộm Giemsa. Kết quả được đọc và phân loại theo phân loại Bethesda 2009 [4] như sau:

  1. Lành tính
  2. Tổn thương dạng tuyến có ý nghĩa chưa xác định
  3. Nghi ngờ tân sinh u tuyến dạng nang
  4. Nghi ngờ ác tính
  5. ác tính

Bệnh phẩm sau mổ được đúc parafin, cắt mỏng 3µm, nhuộm H.E thường quy. Đọc và phân loại theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 [6] cơ bản như sau:

1. Tổn thương lành tính:

1.1. Bướu giáp lan toả (diffuse goiters/goitres diffus):

– Bệnh Basedow (Grave’s disease)

– Viêm giáp Hashimoto, viêm giáp Riedel, viêm giáp bán cấp De Quervain, bướu giáp lan toả đơn thuần, bướu giáp dạng tinh bột

1.2. Bướu giáp dạng nốt

– Bướu giáp đơn nhân, đa ổ/nhân +/- nang giả tuyến giáp

– Nang giáp thật: nang giáp-móng, nang mang

1.3. U tuyến giáp (Adenoma/adénomes)

– Típ nang: nang bình thương, nang lớn, nang nhỏ (thai), bè (phôi)

– Tế bào ưa toan (Hurthle)

– Tế bào sáng

– Tế bào nhẫn

– U tuyến không điển hình

– U tuyến độc (toxic)

1.4. U dạng bè kính hoá (Tumeurs trabéculaire hyalinisante)

2. U ác tính

2.1. Ung thư tế bào nang tuyến típ nang

– Típ xâm lấn vỏ tối thiểu

– Típ xâm lấn lan rộng

  • Các biến thể: Tế bào ưa toan, tế bào sáng

2.2. Ung thư tế bào nang tuyến típ nhú:

– Típ nhú

– Típ vi ung thư

– Típ tạo vỏ

  • Các biến thể: ung thư típ nhú biến thể nang, tế bào ưa toan, tế bào cao, tế bào hình trụ, xơ hoá lan toả, thể bè/đặc.

2.3. Ung thư kém biệt hoá típ đảo tuỵ

2.4. Ung thư típ tuỷ (tế bào C)

2.5. Ung thư không biệt hoá

2.6. Các u khác: Hiếm gặp: ung thư biểu mô dạng vảy, nhầy, vảy-nhầy, u lymphô ác tính MALT, bệnh Hodgkin và các u liên kết…

2.7. Di căn: từ phổi, vú, thận…

Tổng hợp và phân tích số liệu: một số đặc điểm chung (tuổi, giới, số lượng và kích thước nốt giáp), kết quả chọc hút tế bào học trước mổ và mô bệnh học sau mổ.

3. KẾT QUẢ

3.1. Các đặc điểm chung

Biểu đồ 1. Phân bố bệnh theo nhóm tuổi

Tuổi thấp nhất 13, cao nhất 82, tuổi trung bình 42.7 ± 14.9.

Tuổi trung bình của ung thư giáp là 41,2 ± 14,5.

Bảng 1. Phân bố bệnh theo giới

Tỷ lệ nam/nữ = 1/7 đối với bệnh tuyến giáp chung.

Tỷ lệ ung thư tuyến giáp gặp ở nữ nhiều hơn nam, với tỷ lệ nam/nữ = 1/5.

Bảng 2. Tỷ lệ đơn nốt và đa nốt nhóm nghiên cứu

Bệnh chung: tỷ lệ gặp đơn nốt (62%) nhiều hơn so với đa nốt (38%)

Tỷ lệ ung thư gặp ở nhóm đơn nốt (70.6%) cao hơn so với đa nốt (29.4%).

Bảng 3. Kích thước trung bình nốt giáp nhóm nghiên cứu

Kích thước trung bình nốt giáp nhóm nghiên cứu là 31.5 ± 8.2 (mm).

Kích thước trung bình nốt giáp nhóm ung thư là 26.8 ± 3.4 (mm).

 3.2. Phân loại, đối chiếu kết quả tế bào học và mô bệnh học

Bảng 4. Kết quả tế bào học bằng kĩ thuật chọc hút kim nhỏ

 Bướu keo chiếm đa số (58,2%), ung thư thể nhú 16,5%, nghi ngờ ác tính (1,3%).

Bảng 5. Kết quả mô bệnh học

Bướu keo chiếm nhiều nhất (53,2%), sau đó là u tuyến (25,3%), ung thư thể nhú 16,5%

Bảng 6. Tỷ lệ các typ ung thư giáp

Típ nhú chiếm đa số (76,5%), không gặp típ tủy.

 Bảng 7. Đối chiếu tế bào học và mô bệnh học tuyến giáp

 

Bảng 8. Bảng đối chiếu tế bào học và mô bệnh học rút gọn

 

  • Độ nhạy =
  • Độ đặc hiệu =
  • Giá trị chẩn đoán (+): 92,9%
  • Giá trị chẩn đoán (-): 94,8%
  • Tỷ lệ (-) giả: 3 (3,8%)
  • Tỷ lệ (+): 1 (1,3%).

4. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung

Tuổi trung bình nhóm nghiên cứu là 42,7 ± 14,9 tuổi, nhóm tuổi cao nhất từ 41 – 50 (30,4%), trường hợp nhỏ tuổi nhất là 13 tuổi, lớn tuổi nhất là 82 tuổi. Kết quả này cũng tương đồng với một số nghiên cứu của các tác giả trong nước [11] [14]. Tuổi trung bình nhóm ung thư là 41,2 ± 14,5 tuổi, trường hợp nhỏ tuổi nhất là 20, lớn nhất là 65 tuổi, gần như trùng với tuổi trung bình của bệnh lý dạng nốt bình giáp nói chung. Khi so sánh cho thấy: xuất độ nốt giáp và ung thư giáp tăng dần từ 30 – 50 tuổi, đỉnh cao là là thập niên 50, sau đó giảm dần. Kết quả này tương đồng với một số nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước [10], [13].

Nữ chiếm ưu thế trong nhóm nghiên cứu và cả trong nhóm ung thư (tỷ lệ nam/nữ lần lượt là 1/7 trong nhóm chung và 1/5 ở nhóm ung thư). Kết quả này cũng tương đồng
với các nghiên cứu của một số tác giả khác [10], [16].

Về số nốt tổn thương cho thấy, đơn nốt chiếm tỉ lệ cao hơn đa nốt (từ 2 nốt trở lên) đối với cả bệnh bướu giáp dạng nốt bình giáp chung cũng như ung thư tuyến giáp. Kết quả này tương tự một số nghiên cứu trên thế giới [4], [13].

Về kích thước tổn thương cho thấy, kích thước bệnh chung cao hơn so với ung thư tuyến giáp (31,5mm so với 21,8mm), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Như vậy kích thước tổn thương lớn không phải là dấu hiệu nghi ngờ ung thư và ngược lại. Điều này rất có ý nghĩa trong thực tiễn, với kích thước tổn thương nhỏ cũng chưa loại trừ là tổn thương ác tính. Kết quả này phù hợp với với các nghiên cứu khác, có khi tổn thương nhỏ hơn 1cm cũng có thể là ung thư (vi ung thư tuyến giáp), những trường hợp này cần chọc tế bào học dưới hướng đẫn của siêu âm [1], [6], [12].

4.2. Phân loại, đối chiếu kết quả tế bào học và mô bệnh học

Đặc điểm tế bào học

Trong 79 trường hợp chọc hút tế bào trước phẫu thuật được phân loại theo hệ thống Bethesda về tế bào học tuyến giáp, bướu keo chiếm tỷ lệ cao nhất (58,2%), sau đó là ung thư (16,5%), tân sinh u tuyến dạng nang (13,9%), tổn thương dạng nang chưa xác định ý nghĩa (10.1%) và thấp nhất là nghi ngờ ác tính (1,3%). Kết quả nhóm lành tính thấp hơn nghiên cứu của Hứa Thị Ngọc Hà, Nguyễn Văn Sung [9] [14], gần tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Mão [11]. Trong khi đó kết quả ung thư lại cao hơn kết quả của các tác giả trong nước nói trên. Sỡ dĩ có sự khác biệt này vì chúng tôi dùng bảng phân loại Bethesda, xếp nhóm lành tính gồm: bướu keo, nốt dạng u tuyến, viêm giáp Hashimoto, viêm giáp bán cấp, khác với cách phân loại của các tác giả trên, một phần kết quả nhóm lành tính thấp hơn cũng lí giải phần nào.

Theo Viện ung thư quốc gia Mỹ (NCI), nhóm “Tổn thương dạng nang có ý nghĩa chưa xác định” được định nghĩa: là một mẫu xét nghiệm chứa các tế bào với cấu trúc hoặc nhân không điển hình nhưng không đủ tiêu chuẩn để phân vào nhóm: nghi ngờ tân sinh u tuyến dạng nang, nghi ngờ ác tính, hay ác tính [1], [4], ví dụ: vi trường gồm một số tế bào nang giáp không điển hình với rãnh nhân, nhân và nguyên sinh chất bị kéo dài hoặc có cả thể vùi trong nhân nhưng lại xuất hiện trong một mẫu mà hầu hết là lành tính. Vì vậy, phân nhóm  này vẫn còn tranh cãi cũng như gây khó khăn cho cả bác sĩ lâm sàng lẫn người đọc tế bào, được xem là “vùng xám” trong chẩn đoán tế bào học tuyến giáp. Viện ung thư quốc gia Mỹ đề nghị khám kỹ lại lâm sàng và tiến hành làm lại tế bào học sau một thời gian [4]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 8 trường hợp xếp vào “tổn thương dạng nang có ý nghĩa chưa xác định” chiếm 10.1%, thấp hơn nghiên cứu của Hứa Thị Ngọc Hà, Nguyễn Văn Mão, tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Sung [9], [11],  [14]. Kết quả mô bệnh học 8 ca này có 1 trường hợp ung thư thể nang (12,5%), 7 trường hợp u tuyến (87,5%). Thống kê của Viện ung thư quốc gia Mỹ cho thấy nguy cơ ác tính hóa của nhóm này từ 5-15% [4]. Như vậy kết quả của chúng tôi tương đương thống kê ở Mỹ.

Theo phân loại Bethesda, u tuyến lành tính được xếp vào nhóm “tân sinh u tuyến dạng nang”, mục đích của nhóm này là giúp phát hiện nốt tân sinh nào có khả năng thành ung thư thể nang. Đặc điểm chung về tế bào học cho thấy phiến đồ giàu tế bào, các tế bào xếp dạng vi nang hoặc dạng bè, tế bào to, dày hoặc chồng nhau, ít dịch keo. Mặc dù ung thư thể nang và u tuyến có những đặc điểm tế bào khác nhau, nhưng rất khó để chẩn đoán chính xác trước phẫu thuật, vì vậy Viện ung thư quốc gia Mỹ đề nghị cắt bỏ thùy giáp và chẩn đoán mô bệnh học sau mổ, cũng theo Viện này, tỷ lệ ác tính của nhóm tân sinh dạng nang từ 15 – 30% [4]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 11 trường hợp chẩn đoán tân sinh u tuyến dạng nang trước phẫu thuật (13,9%), sau khi làm mô bệnh học có 7 trường hợp u tuyến thật (63,6%), 3 ung thư (2 ung thư thể nang, 1 ung thư thể nhú) (27,3%) và 1 trường hợp bướu keo.

Đặc điểm mô bệnh học

Kết quả mô bệnh học 79 trường hợp cho thấy bướu keo chiếm tỷ lệ cao nhất (53,2%), sau đó là u tuyến (25,3%), ung thư thể nhú (16,5%), ung thư thể nang (3,8%), thấp nhất là ung thư thể không biệt hóa (1,3%). Kết quả bướu keo và u tuyến tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Mão [11], thấp hơn một số tác giả trong nước khác như Hứa Thị Ngọc Hà [9]. Trong khi đó tỷ lệ gặp ung thư (21,6%) lại cao hơn các tác giả trong nước kể trên và một số tác giả ngoài nước khác [7]. Sỡ dĩ có sự khác nhau này có lẽ do trong nghiên cứu của chúng tôi không có các trường hợp: viêm, quá sản tuyến…như một số nghiên
cứu trên.

Trong 17 trường hợp ung thư tuyến giáp, ung thư thể nhú chiếm cao nhất (76,5%), sau đó là ung thư thể nang (17,6%), thấp nhất là thể không biệt hóa (5,9%). Kết quả này hơi thấp hơn nghiên cứu của Hứa Thị Ngọc Hà [9], tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Mão và một số thống kê của các tác giả nước ngoài khác khi nhận thấy ung thư giáp thể nhú chiếm hơn 80% các thể ung thư giáp [5], [11], [16]. Ngoài ra, còn gặp 1 trường hợp ung thư thể không biệt hóa (1,3%). Đây là một thể ung thư hiếm, thường gặp ở người già với biểu hiện khối tăng nhanh kích thước ở cổ, khàn giọng, mất giọng và di căn nhanh. Tuy nhiên, trường hợp gặp trong nghiên cứu này là bệnh nhân nữ 49 tuổi, có biểu hiện nuốt vướng và chưa có di căn hạch. Trong nghiên cứu của chúng tôi, không gặp các thể ung thư khác như: ung thư thể tủy, thể vảy hoặc do di căn từ nơi khác. Có lẽ vì đây là các thể ung thư hiếm gặp, với tỉ lệ dưới 3% [12].

Đối chiếu tế bào học và mô bệnh học

Tiến hành đối chiếu 79 trường hợp chọc hút kim nhỏ trước phẫu thuật và khẳng định chẩn đoán bằng mô bệnh học sau mổ, kết quả cho thấy: độ nhạy 81,3%, độ đặc hiệu 98,2%, âm tính giả 3,8%, dương tính giả 1,3%.

Kết quả độ nhạy của chúng tôi gần tương đương với kết quả của Hứa Thị Ngọc Hà [9], nhưng thấp hơn một số nghiên cứu của các tác giả khác. Riêng độ đặc hiệu tương đương với kết quả của Hứa Thị Ngọc Hà [9] và cao hơn của Nguyễn Văn Mão, Ramzy, J Cap [3], [11], [13]. Trong 3 trường hợp âm tính giả, trước phẫu thuật được chẩn đoán tế bào học là u tuyến, mô bệnh học sau mổ có 2 trường hợp ung thư thể nang, 1 trường hợp ung thư thể nhú. Đây cũng là sai lầm mà nhiều tác giả gặp phải [3], [4], [13]

 Bảng 9. So sánh độ nhạy, độ đặc hiệu, âm tính giả, dương tính giả

 Hứa Thị Ngọc Hà,  Nguyễn Văn Mão

. Như đã nói ở trên, u tuyến và K thể nang rất khó chẩn đoán phân biệt trước phẫu thuật chỉ với làm tế bào học, bởi lẽ u tuyến và K thể nang có những đặc điểm lâm sàng, siêu âm và tế bào học giống nhau, cả hai đều được cấu tạo bởi tế bào nang giáp trụ cao, có vỏ bao bọc, vi trường chứa ít chất keo mà chủ yếu là giàu tế bào. K thể nang khác với u tuyến ở chỗ chúng có vỏ dày hơn, đôi khi thấy một số điểm hoại tử trên vỏ nang, có hiện tượng xâm lấn vỏ, xâm lấn mạch máu, xâm lấn rộng khỏi chủ mô giáp, di căn hạch hoặc di căn xa. Những đặc điểm này chỉ khẳng định được sau khi bệnh nhân đã được mổ và làm mô bệnh học [3], [13]. Đối với trường hợp nhầm lẫn K thể nhú, có lẽ khi chọc hút không lấy được tế bào K đặc trưng: nếp gấp dọc nhân, thể giả vùi trong nhân tạo cầu tế bào hoặc cấu trúc nhú điển hình…kết hợp u tuyến đôi khi có hiện tượng giả nhú gây nhầm lẫn [3], [4], [13]. Với 1 trường hợp dương tính giả (1,3%), tiêu bản cho thấy có các tế bào với nhân đặc trưng cho K thể nhú: thể giả vùi, nếp gấp dọc nhân. Tuy nhiên, sau phẫu thuật mô bệnh học khẳng định là u tuyến. Sai lầm này cũng gặp ở nghiên cứu của Ramzy [13] với tỷ lệ dương tính giả này gặp nhiều ở nhóm bệnh nhân viêm tuyến giáp mãn, nốt tăng sản và u tuyến dạng bè kính hóa. Trường hợp của chúng tôi không có các tiền sử bệnh lý kể trên. Điều này nói lên rằng, một sô đặc điểm đặc trưng cho K thể nhú có thể gặp ở nhóm lành tính

5. KẾT LUẬN

Tuổi trung bình có tổn thương tuyến giáp bình giáp dạng nốt là 42,7 ± 14,9 tuổi, K giáp là 41,2 ± 14,5 tuổi, cao nhất là 41 – 50.

Giới nữ chiếm ưu thế trong cả nhóm có tổn thương dạng nốt nói chung và K giáp nói riêng, với tỷ lệ lần lượt là 1/7; 1/5.

Đơn nốt chiếm tỷ lệ 62%, đa nốt chiếm tỷ lệ 38%. K gặp ở nhóm đơn nốt nhiều hơn so với đa nốt (70,6%; 29,4%), kích thước tổn thương của K nhỏ hơn so với bệnh chung (21,8mm so với 31,5mm). Tế bào học: nhóm lành tính (bướu keo) chiếm tỷ lệ cao nhất (58,2%), sau đó là K (16,5%), tân sinh u tuyến dạng nang (13,9%), tổn thương dạng nang chưa xác định ý nghĩa (10,1%) và thấp nhất là nghi ngờ ác tính (1,3%). Mô bệnh học: bướu keo chiếm tỷ lệ cao nhất (53,2%), sau đó là u tuyến (25,3%), K thể nhú (16,5%), K thể nang (3,8%), thấp nhất là K thể không biệt hóa (1,3%). Đối chiếu tế bào học và mô bệnh học: độ nhạy của phương pháp chọc hút kim nhỏ là cao 81,3%, độ đặc hiệu rất cao 98,2%, âm tính giả 3,8%, dương tính giả 1,3%, giá trị chẩn đoán dương tính: 92,9%, giá trị chẩn đoán âm tính: 94,8%.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm chung, chẩn đoán phân loại, đối chiếu kết quả tế bào học và mô bệnh học các tổn thương bình giáp dạng nốt. Đối tượng, Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả 79 trường hợp có tổn thương tuyến giáp dạng nốt, bình giáp. Tiến hành làm tế bào học bằng phương pháp chọc hút kim nhỏ, đối chiếu với kết quả mô bệnh học sau mổ tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015. Kết quả: tuổi có tổn thương tuyến giáp dạng nốt 42,7 ± 14,9, K giáp 41,2 ± 14,5,  cao nhất là 41 – 50. Nữ chiếm ưu thế  với tỷ lệ lần lượt là 1/7; 1/5. Đơn nốt chiếm tỷ lệ 62%, đa nốt chiếm tỷ lệ 38%, kích thước  K nhỏ hơn so với bệnh chung (21,8mm so với 31,5mm). Kết quả mô bệnh học cho thấy bướu keo  53,2%, u tuyến 25,3%, K thể nhú 16,5%, K thể nang 3,8%, K không biệt hóa 1,2%. PP chọc hút kim nhỏ nốt giáp có độ nhạy 81,3%, độ đặc hiệu 98,2%, âm tính giả 3,8%, dương tính giả 1,3%, giá trị tiên đoán dương 92,9%, giá trị tiên đoán âm 94,8%. Kết luận: bệnh học tuyến giáp dạng nốt bình giáp bao gồm  bệnh bướu keo tuyến giáp  50% và K thể nhú 16,5%, có thể được chẩn đoán trước mổ bằng tế bào học  cần áp dụng phương pháp chẩn đoán này cho bệnh nhân để định hướng điều trị hợp lý cho bệnh nhân, tránh những trường hợp mổ không cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Cancer Society (2014), “Cancer Facts & Figures 2014, Atlanta: American Cancer Society.
  2. American Thyroid Association (ATA) (2009), “Revised American Thyroid Association Management Guidelines for Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer, Thyroid. 19(11), pp. 1167-1214.
  3. Cap J, et al. (1999), “Sensitivity and specificity of the fine needle aspiration biopsy of the thyroid: clinical point of view, Clin Endocrinol (Oxf). 51(4), pp. 509-515.
  4. Ciba E.S. and Al Syed Z. (2009), “The Bethesda System for Reporting Thyroid Cytopathology, American Journal of Clinical Pathology. 132, pp. 658-665.
  5. Dean DS and Gharib H (2008), “Epidemiology of thyroid nodules”, Best Practice & Research Clinical Endocrinology & Metabolism. 22(6), pp. 901-911.
  6. DeLellis RA, Lloyd RV, (2004), World Health Organization Classification of Tumours, Pathology and Genetics of tumors of Endocrine Organs. Churchill Livingstone Elsevier, IARC Press, Lyon, France.
  7. Frates MC, et al. (2006), “Prevalence and distribution of carcinoma in patients with solitary and multiple thyroid nodules on sonography, The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 91, pp. 3411–3417.
  8. Jameson JL and Weetman AP (2011), “Disorders of the Thyroid Gland”, Harrison‘s Principles of Internal Medicine 18th, McGraw-Hill Professional, pp. 2911–2939.
  9. Hứa Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Phương Thảo, và Võ Hoàng Minh Hiền (2003), “Đối chiếu siêu âm – tế bào học – giải phẫu bệnh các nhân giáp, Y học thành phố Hồ Chí Minh. 7(3), tr. 57-62.
  10. Lê Minh Huy và cộng sự (2009), “Đối chiếu tế bào học – Giải phẫu bệnh nhân giáp, Y học thành phố Hồ Chí Minh. 13(3), tr. 58-63.
  11. Nguyễn Văn Mão (2005), “Tìm hiểu giá trị của chẩn đoán tế bào học các nhân giáp bình giáp qua đối chiếu với mô bệnh học, Y học thực hành. 521, tr. 35-41.
  12. Papadakis Maxine A., McPhee Stephen J., and Rabow Michael W. (2013), “Diseases of the Thyroid Gland”, Current Medical Diagnosis and Treatment 2014, McGraw-Hill Medical, pp. 1105 – 1135.
  13. Ramzy Ibrahim, Rubenfeld Sheldon, and Wheeler Thomas M. (2001), “Accuracy of Fine-Needle Aspiration of Thyroid, A Review of 6226 Cases and Correlation With Surgical or Clinical Outcome, Archives of pathology and laboratory medicine. 125(4), pp. 484-488.
  14. Nguyễn Văn Sung, Nguyễn Thị Thanh Trúc, và Thái Hữu Duyên (2012), “Chẩn đoán tế bào học các nhân giáp bằng xét nghiệm FNA, Y Học TP. Hồ Chí Minh. 16(1), tr. 199-202.
  15. Lê Trung Thọ (2004): Giá trị chẩn đoán tế bào học chọc hút kim nhỏ các cục tuyến giáp. Y học TP. Hồ Chí Minh. Chuyên đề ung bướu học. 63-67.
  16. Vanderpump Mark P. J. (2011), “The epidemiology of thyroid disease, British Medical Bulletin. 99, pp. 39 – 51.

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …