Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân suy giáo tại bệnh viện đại học Y Hà Nội

NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG

Ở BỆNH NHÂN SUY GIÁP TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Đinh Như Quỳnh1, Vũ Bích Nga1,2, Lê Thanh Huyền1,2

1 Trường Đại học Y Hà Nội

2 Đơn vị Nội tiết – Hô hấp – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

DOI: 10.47122/vjde.2021.47.6

TÓM TẮT

Suy giáp là một rối loạn có thể gặp do nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới hôn mê suy giáp là một cấp cứu nội tiết với tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong được báo cáo lên đến 60% dù được điều trị tích cực [1]. Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng của suy giáp là không đặc trưng, chẩn đoán xác định nhờ các xét nghiệm hormon. Với mục tiêu nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và kết quả điều trị Levothyroxine ở bệnh nhân suy giáp, nghiên cứu được tiến hành trên 201 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong đó có 79 bệnh nhân suy giáp mới phát hiện và 122 bệnh nhân suy giáp đang điều trị bằng Levothyroxine liều ổn định trong ít nhất 6 tuần, bằng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Mệt mỏi là triệu chứng hay gặp nhất, tỷ lệ ở nhóm suy giáp mới phát hiện là 53,2%, các triệu chứng rụng tóc, sợ lạnh, da khô, tăng cân gặp với tỷ lệ trên 25%. Ở nhóm suy giáp đang điều trị, tỷ lệ các triệu chứng đều dưới 20%. Suy giáp tại tuyến chiếm tới 98,5%, chỉ có 1,5% số bệnh nhân là suy giáp trung ương. Tỷ lệ rối loạn lipid máu là 88,6% và 86,9% tương ứng ở nhóm mới phát hiện và nhóm đang điều trị, chủ yếu là tăng triglycerid máu với tỷ lệ 69,6% và 68,9% tương ứng ở hai nhóm. Liều điều trị Levothyroxine trung bình là 1,39 µg/kg/ngày, phụ thuộc vào nguyên nhân suy giáp. Kết luận: Triệu chứng lâm sàng của bệnh suy giáp không đặc hiệu. Bệnh nhân suy giáp có thể gặp rối loạn tất cả các thành phần của lipid máu, cao nhất là tăng tryglycerid máu. Nguyên nhân chủ yếu gây suy giáp là nguyên nhân tại tuyến giáp. Liều levothyroxine điều trị suy giáp phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy giáp.

Từ khoá: Suy giáp, Levothyroxine.

ABSTRACT

Evaluation of clinical and laboratory features in hypothyroidism patients at Hanoi Medical University hospital

Đinh Như Quỳnh1, Vũ Bích Nga1,2,

Lê Thanh Huyền1,2

1 Trường Đại học Y Hà Nội

2 Đơn vị Nội tiết – Hô hấp – Bệnh viện

Đại học Y Hà Nội

 Background: Hypothyroidism is a common thyroid disease, which can affect much to quality of life. Clinical menifestations are not specific but hypothyroidism is readily diagnosed and managed by laboratory features. Objectives: Describe clinical and laboratory features of hypothyroidism. Methods: This cross-sectional study is carried out in 201 patients included 79 patients who have been diagnosed as hypothyrodism for the first time and 122 patients who was diagnosed as hypothyroidism and have been treated with stable Levothyroxine dose in at least 6 weeks, managed at Hanoi Medical University hospital from Novemver 2019 to August 2020. Results: In the vast majority of cases, hypothyroidism is caused by thyroid diseases (primary hypothyroidism). Fatigue is the most common clinical manifestation, which presents in 53,2% patients newly diagnosised of hypothyrothysm. Other common symptoms are dry skin, cold intolerance, weight gain (approcimated 25%). The prevalence of dyslipidemia is 88,6% in newly diagnosised group and 86,9% in treated group, hypertriglyceridemia is the most common with 69,6% and 68,9%, respectively. The average replacement doses of Levothyroxine in adults is 1,39 mg/kg body weight per day, but the range of required doses is wide. Conclusions: Because  of  the  lack  of  specificity  of  the typical clinical manifestations, the diagnosis of hypothyroidism is based primarily upon laboratory testing. The main causes of hypothyroidism are thyroid diseases (primary hypothyroidism). The replacement doses of Levothyroxine is variable.

Keywords: hypothyroidism, Levothyroxine.

Chịu trách nhiệm chính: Đinh Như Quỳnh

Ngày nhận bài: 09/01/2021

Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021

Ngày duyệt bài: 01/04/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0982611995

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Suy giáp là một trạng thái lâm sàng gây nên do sự phá huỷ cấu trúc hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp dẫn tới tổng hợp không đầy đủ hormon tuyến giáp. Suy giáp được chia thành suy giáp nguyên phát và suy giáp thứ phát. Suy giáp gây nên các rối loạn chuyển hoá ở mọi cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng của suy giáp rất thay đổi, có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh khác nhau nên bệnh được chẩn đoán xác định dựa trên xét nghiệm hormon. Liều hormon tuyến giáp điều trị suy giáp trung bình là 1,6 mg/kg/ngày với

bệnh nhân cần thay thế hormon tuyến giáp hoàn toàn, tuy nhiên liều thuốc ở các bệnh nhân rất thay đổi [2]. Việc chẩn đoán và điều trị suy giáp tương đối đơn giản, hiệu quản. Do đó chúng tôi nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, một số nguyên nhân gây suy giáp và kết quả điều trị Levothyroxine ở bệnh nhân suy giáp.

2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân suy giáp mới được chẩn đoán [3], bệnh nhân đã được chẩn đoán suy giáp và đang điều trị bằng Levothyroxine với liều ổn định trong ít nhất 6 tuần đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Loại trừ khỏi nghiên cứu bệnh nhân dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, bệnh nhân trên 80 tuổi, bệnh nhân đang nằm viện vì các bệnh lý ngoài tuyến giáp, bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Thời gian nghiên cứu: Tháng 11/2019 đến tháng 8/2020.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.

3.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành trên 201 bệnh nhân, trong đó có 79 bệnh nhân suy giáp mới phát hiện (1 bệnh nhân suy giáp do suy tuyến yên và 78 bệnh nhân suy giáp nguyên phát), 122 bệnh nhân suy giáp đang điều trị (59 bệnh nhân chưa đạt mục tiêu, 63 bệnh nhân đạt mục tiêu theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kì ATA 2014 [2] và Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu 2018 [4]).

Biểu đồ 1. Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân suy giáp

Nhận xét:

Mệt mỏi là triệu chứng hay gặp nhất ở cả 2 nhóm (nhóm mới phát hiện là 53,16%, nhóm đang điều trị là 18,85%).

Ở nhóm mới phát hiện, các triệu chứng hay gặp tiếp theo là rụng tóc, sợ lạnh, da khô, tăng cân, với tỷ lệ trên 25%.

Triệu chứng đau ngực và nhịp chậm ít gặp. Ở nhóm đang điều trị, tỷ lệ các triệu chứng đều dưới 20%, không có bệnh nhân nào có triệu chứng chậm chạp.

Bảng 1. Nồng độ FT4, TSH ở bệnh nhân suy giáp

Nhận xét: Nồng độ TSH trung bình ở nhóm mới phát hiện là 39,86 mU/L, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đang điều trị là 8,81 mU/L với p<0,001.

Nồng độ FT4 trung bình ở nhóm đang điều trị là 15,78 pmol/L, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đang điều trị là 9,23 pmol/L với p<0,001.

Bảng 2. Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân suy giáp

Nhận xét: Bệnh nhân suy giáp có thể có rối loạn tất cả các thành phần của lipid máu, trong đó tăng Triglycerid gặp nhiều nhất với tỷ lệ 69,6% ở nhóm suy giáp mới phát hiện và 68,9% ở nhóm suy giáp đang điều trị. Tỷ lệ tăng cholesterol và tăng LDL-Cholesterol máu ở nhóm bệnh nhân suy giáp mới phát hiện cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm suy giáp đang được điều trị với p tương ứng là 0,01 và 0,003.

Biểu đồ 2. Nguyên nhân suy giáp

Nhận xét:

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có tới 198 trong tổng số 201 bệnh nhân là suy giáp nguyên phát, chiếm tỷ lệ 98,5%, chỉ có 3 bệnh nhân, tương ứng 1,5% bệnh nhân suy giáp trung ương do hội chứng Sheehan.

Nguyên nhân hay gặp nhất là do phẫu thuật tuyến giáp (48,7%) và viêm tuyến giáp Hashimoto (34,3%).

Bảng 3. Liều Levothyroxine theo nguyên nhân suy giáp

Nhận xét:

Liều Levothyroxine ở bệnh nhân cần thay thế hormon tuyến giáp toàn bộ như bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp hoàn toàn trung bình là 1,66 mg/kg/ngày, tuy nhiên có bệnh nhân dùng liều tới 2.83 mg/kg/ngày.

2 bệnh nhân suy tuyến yên trong nghiên cứu của chúng tôi dùng Levothyroxine với liều cao hơn khuyến cáo của Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu 2018 [4].

4.  BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng:

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất nhưng lại là triệu chứng không đặc hiệu, do vậỵ bệnh nhân thường bỏ qua, bệnh thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát, bệnh được chẩn đoán sớm và chính xác qua các xét nghiệm cận lâm sàng: TSH cao và FT4 thấp ở bệnh nhân suy giáp tại tuyến hoặc FT4 thấp và TSH thấp hoặc trong giới hạn bình thường ở bệnh nhân suy giáp ngoài tuyến.

Rối loạn lipid máu gặp với  tỷ lệ  tương đối cao ở bệnh nhân suy giáp.  Bệnh  nhân suy giáp có thể có rối loạn tất cả các thành phần lipid máu.

Tăng triglycerid máu là rối loạn thường gặp nhất. Tuy nhiên đây cũng không phải triệu chứng đặc hiệu.

Bệnh nhân suy giáp dù đang điều trị với Levothyroxine thì tỷ lệ rối loạn lipid máu cũng còn cao, khác biệt không có ý nghĩa

thống kê với nhóm suy giáp mới phát hiện.

4.2.  Nguyên nhân:

Trong nghiên cứu của chúng tôi, suy giáp do phẫu thuật tuyến giáp là nguyên nhân hay gặp nhất chiếm tỷ lệ 48,7%, viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân hay gặp tiếp theo với tỷ lệ 34,3%.

Suy giáp trung ương chiếm tỷ lệ 1,5%. So với nhiều nghiên cứu trước đây, nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ bệnh nhân suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp cao hơn.

4.3.  Kết quả điều trị Levothyroxine:

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, liều điều trị ở bệnh nhân cần thay thế hormon tuyến giáp hoàn toàn trung bình là 1,6

mg/kg/ngày. Trong nghiên cứu của chúng tôi, liều Levothyroxine điều trị ở bệnh nhân suy giáp rất thay đổi, phụ thuộc vào nguyên nhận suy giáp, liều điều trị trung bình ở bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp là 1,66 mg/kg/ngày, tuy  nhiên  có  bệnh  nhân  dùng  liều  tới  2,83

mg/kg/ngày.

5.  KẾT LUẬN

Mệt mỏi là triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất ở bệnh nhân suy giáp.

Chẩn đoán suy giáp tại tuyến chủ yếu dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng: 100% bệnh nhân có FT4 thấp (trung bình là 9,23±4,6 pmol/L), TSH cao (trung bình là 39,86±37,84 mU/L).

Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm suy giáp mới phát hiện là 88,6%, nhóm đang điều trị là 86,9%. Rối loạn hay gặp nhất là tăng Triglycerid máu với tỷ lệ tương ứng là 69,6% và 68,9%. Nguyên nhân chủ yếu gây suy giáp là suy giáp nguyên phát (98,5%) trong đó hay gặp nhất là sau phẫu thuật tuyến giáp (48,7%) và viêm tuyến giáp Hashimoto (34,3%).

Liều điều trị Levothyroxine rất thay đổi, phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy giáp. Liều điều trị với bệnh nhân thay thế hormon tuyến giáp hoàn toàn trung bình là 1,66±0,3

mg/kg/ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Elshimy and Correa R. (2020), Myxedema, StatPearls Publishing.
  1. Jonklaas J., Bianco A.C., Bauer A.J., et al. (2014). Guidelines for the Treatment of Hypothyroidism: Prepared by the American Thyroid Association Task Force on Thyroid Hormone Replacement. Thyroid, 24(12), 1670–1751.
  2. Wiersinga M. (2014), Adult Hypothyroidism, MDText.com, Inc.
  3. Persani L., Brabant , Dattani M., et al. (2018). 2018 European Thyroid Association (ETA) Guidelines on the Diagnosis and Management of Central Hypothyroidism. Eur Thyroid J, 7(5), 225–237.
  4. Li D, Radulescu A, Shrestha RT, et al. Association of Biotin Ingestion With Performance of Hormone and Nonhormone Assays  in   Healthy  JAMA. 2017 Sep 26. 318 (12):1150-60. .
  5. Jonklaas J, Bianco AC, Bauer AJ, et al. Guidelines for the treatment of hypothyroidism: prepared by the american thyroid association task force on thyroid hormone replacement. Thyroid. 2014 Dec. 24(12):1670-751. .
  1. Kim D. The Role of Vitamin D in Thyroid Diseases. Int J Mol Sci. 2017 Sep 12. 18 (9):.
  2. Mourtzinis G, Adamsson Eryd S, Rosengren A, et al. Primary aldosteronism and thyroid disorders in atrial fibrillation: A Swedish nationwide case-control study. Eur J Prev Cardiol. 2018 Jan 1.
  3. Bothra N, Shah N, Goroshi M, et al. Hashimoto’s thyroiditis: Relative recurrence risk ratio and implications for screening of first degree relatives. Clin Endocrinol (Oxf). 2017 Mar 8. .
  4. Stuckey BG, Kent GN, Ward LC, Brown SJ, Walsh JP. Postpartum thyroid dysfunction and the long-term risk of hypothyroidism: results from a 12-year follow-up study of women with and without postpartum        thyroid Clin Endocrinol (Oxf). 2010 Sep. 73(3):389-95..
  5. Denny JC, Crawford DC, Ritchie MD, et al. Variants near FOXE1 are associated with hypothyroidism and other thyroid conditions: using electronic medical records for genome- and phenome-wide studies. Am J Hum Genet. 2011 Oct 7. 89(4):529-42. .
  6. Thvilum M, Brandt F, Lillevang-Johansen M, Folkestad L, Brix TH, Hegedus L. Increased risk of dementia in hypothyroidism: A Danish nationwide register-based study. Clin Endocrinol (Oxf). 2021 Jan 22. .
  7. Winther KH, Cramon P, Watt T, et al. Disease-Specific as Well as Generic Quality of Life Is Widely Impacted in Autoimmune Hypothyroidism and Improves during the First Six Months of Levothyroxine Therapy. PLoS One. 2016 Jun 3. 11(6):e0156925. .

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …