Nhu cầu Calcium hàng ngày và các nguồn cung cấp để bảo vệ xương và các cơ quan khác

NHU CẦU CALCIUM HÀNG NGÀY VÀ CÁC NGUỒN CUNG CẤP ĐỂ BẢO VỆ XƯƠNG VÀ CÁC CƠ QUAN KHÁC

Lê Anh Thư

Hội Loãng xương TP HCM, Hội Thấp khớp học Việt Nam

 DOI: 10.47122/vjde.2021.47.12

TÓM TẮT

Calcium là một khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, là thành phần chính cấu thành nên xương và răng (99% nằm trong xương và răng), chỉ có 1% ở trong máu, nhưng tham gia vào các phản ứng chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như hoạt động của các tế bào, làm đông máu, điều hòa sự co bóp cơ trong đó có cơ tim, giúp hấp thụ vitamin B12 trong ruột, hỗ trợ sự phân phát, thu nhận và dẫn truyền các tín hiệu thần kinh…Calcium rất cần cho sự sống của con người, nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà cần phải đưa từ bên ngoài vào qua đường thực phẩm. Nhiều nghiên cứu đã được công bố cho thấy lượng calcium thấp trong suốt cuộc đời có liên quan đến khối lượng xương thấp, gia tăng tỷ lệ gãy xương và nhiều vấn đề về sức khoẻ liên quan. Các cuộc khảo sát dinh dưỡng ở nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng ở nhiều khu vực trên thế giới lượng calcium được cung cấp hàng ngày rất thấp so với nhu cầu, còn rất nhiều người không nhận được lượng calcium cần thiết để phát triển, duy trì sức khỏe của hệ cơ xương và sức khỏe chung

Từ khóa: Calcium, xương, nhu cầu

 SUMMARY

Daily calcium needs and supplies to protect bones and other organs

Le Anh Thu

Ho Chi Minh City Osteoporosis Society,

Vietnam Rheumatology Association

 

Calcium is a mineral that plays a very important role for the body, is the main constituent of bones and teeth (99% is in bones and teeth), only 1% is in the blood, but participates in the Metabolic effects and many important functions of the body such as cell activity, blood clotting, regulating muscle contraction    including    the    heart    muscle,

helping to absorb vitamin B12 in the intestine, supporting the distribution, Receiving and transmitting nerve signals … Calcium is essential for human life, but the body cannot synthesize itself, but needs to be introduced from the outside through food. Many published studies show that low calcium intake throughout life is associated with low bone mass, increased fracture rates and many related health problems. Nutrition surveys in many countries have shown that in many regions of the world the daily calcium intake  is very low compared to the need, and many people do not get the calcium needed for growth, Maintains health of musculoskeletal system and general health.

Keywords: Calcium, bones, supply

Chịu trách nhiệm chính: Lê Anh Thư

Ngày nhận bài: 09/01/2021

Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021

Ngày duyệt bài: 01/04/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0903856255

Calcium rất cần cho sự sống của con  người, nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà cần phải đưa từ bên ngoài vào qua đường thực phẩm. Nhiều nghiên cứu đã được công bố cho thấy lượng calcium thấp trong suốt cuộc đời có liên quan đến khối lượng xương thấp, gia tăng tỷ lệ gãy xương và các vấn đề sức khỏe liên quan. Các cuộc khảo sát dinh dưỡng ở nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng ở nhiều khu vực trên thế giới lượng calcium được cung cấp hàng ngày rất thấp so với nhu cầu, còn rất nhiều người không nhận được lượng calcium cần thiết để phát triển và duy trì sức khỏe của hệ cơ xương

1.   Thiếu hụt calcium trong khẩu phần ăn, vấn đề toàn cầu, đặc biệt Việt Nam

Theo công bố vào tháng 4 năm 2018 của Hội loãng xương quốc tế (International Osteoporosis Foundation – IOF) về lượng calcium trung bình hàng ngày tính bằng mg trong khẩu phần ăn của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nước ta nằm trong nhóm có lượng calcium trong khẩu phần ăn hàng ngày thấp nhất, < 400 mg/ngày.

d Congress on Osteoporosis, Osteoarthritis and Musculoskeletal Diseases. April 2018

 Các nghiên cứu từng giai đoạn 1990 – 2000, 2000 – 2010 và 2010 – 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho thấy  lượng calcium từ bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam chưa được cải thiện theo thời gian, trung bình khoảng 500mg mỗi ngày, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về calcium cho một người trưởng thành bình thường. Do đó, việc bổ sung calcium để bảo đảm nhu cầu hàng ngày của cơ thể, đặc biệt khi nhu cầu của cơ thể tăng cao (do bị bệnh loãng xương, người cao tuổi, phụ nữ có thai hay cho con bú, phụ nữ mãn kinh, trẻ em đang lớn…) là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về vấn đề này, bổ sung calcium có thể gây nổi mụn, gây nóng, khó tiêu, thậm chí còn có thể gây lắng đọng ở một số cơ quan. Như vậy, làm thế nào để việc bổ sung calciuun cho cơ thể vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cơ thể vừa không gây bất lợi cho các cơ quan khác (hệ tim mạch, hệ niệu thận…) là việc không hoàn toàn đơn giản.

Trước hết chúng ta cần biết hàng ngày hoạt động sinh lý của chu chuyển xương sẽ đào thải một lượng xương cũ và thay thế bởi một lượng xương mới, việc này làm xương phát triển, ổn định và luôn đổi mới tùy từng lứa tuổi và giai đoạn phát triển. Hoạt động này luôn thải ra ngoài và cần được bù đắp lại một lượng calcium nhất định gọi là nhu cầu hàng ngày. Dưới đây là Bảng nhu cầu calcium (và cả vitamin D) khuyến nghị hàng ngày (tính bằng miligam) cho các nhóm tuổi.

2.  Nhu cầu về calcium hàng ngày của cơ thể theo từng nhóm tuổi

Bảng nhu cầu calcium (và vitamin D) hàng ngày

 3. Cung cấp lượng calcium hàng ngày theo nhu cầu của cơ thể

a. Ưu tiên nguồn calcium thực phẩm vì đây là nguồn calcium thích hợp nhất với con người, dễ hấp thu, được sử dụng dễ dàng hàng ngày thông qua đường ăn uống:

Sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa (phomai, sữa chua…) còn gọi là chế phẩm sữa: được coi là nguồn thực phẩm rất quan trọng, cung cấp nhu cầu calcium thiết yếu cho con người. Việc sử dụng sữa, các chế phẩm sữa gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Với nền văn minh lúa nước, ở nước ta và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù có nhiều nét đặc sắc trong ẩm thực

(gắn với với thiên nhiên, có hệ thực vật và các loài thủy sản sông biển phong phú, có các loại hoa, quả, trái cây nhiệt đới đậm đà hương vị, đặc biệt là cây lúa …) nhưng lại có một nhược điểm là hàm lượng calcium thấp, không có thói quen dùng sữa và các chế phẩm sữa, nhóm thực phẩm chứa calcium quan trọng nhất.

Nhận thức được mối nguy hại cho sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ xương khớp cho con người nói riêng, năm 2016, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt nam đã đưa ra Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt. Trong khuyến nghị này các nhà khoa học dinh dưỡng hàng đầu đã nhấn mạnh: Sữa và chế phẩm sữa là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật. Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa đã được phổ biến tới cộng đồng, giúp người dân hiểu được giá trị dinh dưỡng của sữa, vai trò của sữa và chế phẩm sữa đối với sức khỏe, hướng dẫn người dân sử dụng sữa và chế phẩm sữa một cách hợp lý, thay đổi thói quen ăn uống cũ… nhằm cải thiện mức đáp ứng nhu cầu calcium thiếu hụt của khẩu phần ăn hiện nay, mang lại lợi  ích nhất cho sức khỏe chung và sức khỏe hệ  cơ xương khớp. Sự ra đời của Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030

Hai ly sữa (tương đương 500ml) nguyên kem hay tách béo mỗi ngày có thể cung cấp 200 – 400mg calcium, nên chọn các loại sữa không đường hoặc ít đường

  • Các thực phẩm giầu calcium khác (tôm, cua, ốc, cá (đặc biệt cá nhỏ ăn nguyên con, trứng, chế phẩm từ vỏ trứng, đậu nành, các loại hạt, rau mầu xanh, trái cây đậm mầu…) cũng cần được tận dụng tối đa
  • Thay đổi một số thói quen: ăn nhiều muối, nhiều thịt đỏ, nhiều đường bột, nhiều chất béo, hút thuốc, uống nhiều rượu bia … để hấp thu calcium tốt hơn

b. Nếu nguồn calcium từ thực phẩm nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu, cần bổ sung bằng calcium dược phẩm

4.  Lựa chọn lựa calcium dược phẩm:

Yêu cầu: Calcium dễ hòa tan, dễ hấp thu (calcium hữu cơ, calcium dạng viên sủi…), nên dùng cùng vitamin D để tăng cường khả năng hấp thu

Một số loại calcium thường dùng

a. Calcium cacbonat: là dạng phổ biến nhất của chất bổ sung calcium, calcium cacbonat là một hợp chất có tính kiềm được tìm thấy trong đá, đá vôi, vỏ động vật biển, ngọc trai, vỏ trứng và ốc sên. Nó chứa hàm lượng calcium nguyên tố cao nhất (35 đến 40

%), nhưng tính khả dụng sinh học không cao và cần có thêm acid dạ dày để được hấp thụ. Calcium cacbonat hiện là một trong những dạng thuốc bổ sung canxi được bán rẻ nhất và thịnh hành nhất hiện nay.

b.Calcium Citrat: khác với chất kiềm của calcium cacbonat, calcium citrat có tính acid. Tính acid này ít đòi hỏi acid dạ dày hơn, cho phép loại calcium này được hấp thụ tốt hơn so với dạng cacbonat. Tuy nhiên, nó chứa hàm lượng calcium nguyên tố thấp hơn (khoảng 20%) và khả dụng sinh học cũng không

c. Calcium gluconat: là dạng calcium có nồng độ calcium thực tế rất thấp. Bạn sẽ cần phải dùng một lượng rất lớn chất bổ sung để đạt được nhu cầu calcium hàng ngày và khả dụng sinh học vẫn chưa chắc chắn. Để cải thiện nhược điểm này, người ta phải dùng dạng kết hợp và viên sủi

d. Calcium Lactate là loại calcium được tìm thấy trong các loại thực phẩm như pho mát lâu năm và bột nở. Nó có mức sinh khả dụng trung bình trong cơ thể vì nó có thể được hấp thụ ở các độ pH khác

e. Calcium photphat: Đây là dạng calcium chính đến từ sữa bò. Men răng và xương có rất nhiều calcium photphat, mặc dù các dạng bổ sung không được chứng minh là calcium sinh học như việc sử dụng sữa

f. Calcium từ vỏ hàu: Mặc dù nó có vẻ giống như một dạng calcium tự nhiên hơn và do đó hàm lượng dễ hấp thụ cao hơn, nhưng calcium từ vỏ hàu, cũng như từ đá vôi và bột xương, rất khó kiểm soát chất lượng và đã được nghi ngờ có hàm lượng độc tố chì, vì vậy, nên tránh những “dạng tự nhiên” của calcium này nếu không kiểm soát được chất lượng.

5.  Liều lượng calcium và cách dùng

Để tránh các tác dụng phụ có thể của calcium như: làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận, gây khó tiêu, gây táo bón (do ảnh hưởng đến niêm mạc đường tiêu hóa, đến quá trình hấp thu của niêm mạc ruột), rối loạn nhịp, tăng nguy cơ calcium hóa mạch máu (liên quan đế tình trạng tăng calcium máu) …

  • Lượng calcium bổ xung hàng ngày từ 500 – 1.200 mg (calcium nguyên tố), chia một hoặc hai lần, mỗi lần không quá 600 mg (nguyên tố)
  • Bổ sung hàng ngày, theo nhu cầu của cơ thể, nếu việc bổ sung bằng calcium thực phẩm chưa đáp ứng đủ
  • Dùng sau bữa ăn, uống kèm vitamin D, uống nhiều nước và tăng cường vận động

Những trường hợp cần dùng liều cao, đường tiêm, truyền… phải có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc

Những lưu ý khi bổ sung calcium dược phẩm

  • Khi dùng thực phẩm giàu calcium hoặc thuốc bổ sung calcium cần hạn chế ăn chung với rau củ quả có vị chat, ngũ cốc nguyên vỏ vì sẽ làm hạn chế hấp thu calcium. Đồng thời nên tiếp xúc với nắng buổi sáng hoặc dùng cùng vitamin D để giúp cơ thể hấp thu calcium hiệu quả hơn.
  • Nên bổ sung calcium vào buổi sáng đến chiều, tránh uống vào buổi tối vì có thể sẽ gây khó ngủ và vì buổi tối người lớn tuổi thường không dám uống nhiều nước như khuyến cáo. Nên uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ. Không dùng chung calcium với tất cả các loại sữa và chế phẩm của sữa.

Nghiều nghiên cứu mới đây đã khẳng định lượng calcium trong máu quá cao hoặc quá thấp đều gia tăng nguy cơ tim mạch và lượng calcium dược phẩm bổ xung cần dựa vào nhu cầu của từng cá nhân, tối ưu là từ 600 – 1,200 mg hàng ngày (trung bình là 800 mg)

Như vậy, ở bất cứ tuổi nào, cơ thể con người vẫn cần calcium (và vitamin D) hàng ngày. Hầu hết các chuyên gia khuyến nghị khoảng 600 – 1.200 miligam calcium (và 800 đến 1.000 đơn vị quốc tế vitamin D)  mỗi  ngày cho một người trưởng thành bình  thường. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa lượng calcium từ thực phẩm (sữa, các chế  phẩm  sữa, các thức ăn giầu calcium….), ngoài ra hàng ngày có thể dùng thêm  một  viên calcium chứa 500 – 600mg calcium nguyên  tố, nếu tính lượng calcium chưa đủ (và 800 đến 1.000 đơn vị quốc tế vitamin D) là thích hợp và an toàn nhất.

Với các bệnh nhân loãng xương, bệnh nhân cao tuổi, người có nhiều bệnh đi kèm… cần được các bác sĩ chỉ định liều lượng thích hợp, hướng dẫn và theo dõi các vấn đề sức khỏe liên quan.

Xia Wang, Hongxia Chen et al. Dietary calcium intake and mortality risk from cardiovascular disease and all causes: a meta-analysis of prospective cohort studies. BMC Med. 2014; 12:158

Dưới đây là bảng tham khảo về Thành phần canxi trong các loại thực phẩm

 

 

Bảng tham khảo về lượng calcium của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ

(US Department of Health and Human Services)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội Loãng xương TP HCM – Sở Y tế TP HCM, 2020. Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị và dự phòng loãng xương, cập nhật năm 2019.
  2. Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 2016. Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt
  3. Bolland, M. J., Grey, , Avenell, A. et al, 2011. “Calcium supplements with or without vitamin D and risk of cardiovascular events: reanalysis of the Women’s Health Initiative limited access dataset and meta-analysis”. BMJ, 342, d2040.
  4. Cosman, , de Beur, S. J., LeBoff, M. S., Lewiecki, E. M., Tanner, B., Randall, S., et al. (2014), “Clinician’s Guide to Prevention and Treatment of Osteoporosis”. Osteoporos Int, 25(10), 2359-2381.
  5. Hagen, , Wisloff, T., Kristiansen, I. S. (2016), “The predicted lifetime costs and health consequences of calcium and vitamin D supplementation for fracture prevention-the impact of cardiovascular effects”. Osteoporos Int, 27(6), 2089-2098.
  6. Hofmeyr, J., Lawrie, T. A., Atallah, A. N., Duley, L., Torloni, M. R. (2014), “Calcium supplementation during pregnancy for preventing hypertensive disorders and related problems”. Cochrane Database Syst Rev(6), CD001059.
  7. Langsetmo, L., Berger, , Kreiger, N., Kovacs, C. S., Hanley, D. A., Jamal, S. A., et al. (2013), “Calcium and vitamin D intake and mortality: results from the Canadian Multicentre Osteoporosis Study (CaMos)”. J Clin Endocrinol Metab, 98(7), 3010-3018.
  8. Prentice,   L.,  Pettinger, M. B., Jackson,R. D., Wactawski-Wende,  J.,  Lacroix, A.Z., Anderson, G. L., et al. (2013), “Health risks and benefits from calcium and vitamin D supplementation: Women’s Health Initiative clinical trial and cohort study”. Osteoporos Int, 24(2), 567-580.
  1. Reid, I. R., Bristow, S. M., Bolland, M. J. (2015), “Calcium supplements: benefits and risks”. J Intern Med, 278(4), 354-368.
  2. Xia Wang, Hongxia Chen et al. Dietary calcium intake and mortality risk from cardiovascular disease and all causes: a meta-analysis of prospective cohort studies. BMC Med. 2014; 12:158
  3. James H O’Keefe et al. Relationship of daily calcium intake to risk of CV mortality during follow-up. Open Heart 2016;3:e000325
  4. 12.U.S.Preventive-Task-Force. (2013). Final Update Summary: Vitamin D and Calcium to Prevent Fractures, Retrieved 14-06-2016
  1. Ross, A. C., Taylor, L., Yaktine, A. L., Del Valle, H. B. (2011). Committee to Review Dietary Reference Intakes for Vitamin D and Calcium. National Academy Press, Washington (DC).
  2. New Recommended Daily Amounts of Calcium and Vitamin D | NIH MedlinePlus the Magazine. U.S National Library of Medicine. U.S. National Library of Medicine, 2011, 5 (4) 12. Accessed 10 Mar. 2014.
  1. World-Health-Organization-and-Food-and- Agriculture-Organization-of-the-United- Nations. (2004). Vitamin and Mineral Requirements in Human Nutrition. 2nd ed, Geneva, Switzerland: World   Health Organization, Retrieved 14-06-2016,
  2. Pam Harrison. Dietary Calcium Intake Poor in Much of the World Congress on Osteoporosis, Osteoarthritis and Musculoskeletal Diseases. April 2018.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …