Qúa trình chuyển ngữ, thích ứng văn hóa và thẩm định bước đầu bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống short form-36 phiên bản việt

 

QUÁ TRÌNH CHUYỂN NGỮ, THÍCH ỨNG VĂN HÓA VÀ THẨM ĐỊNH

BƯỚC ĐẦU BỘ CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

SHORT FORM-36 PHIÊN BẢN VIỆT

*Võ Tuấn Khoa, ** Nguyễn Thy Khuê

*Bệnh viện Nhân Dân 115, **Hội Y học TP HCM

ABSTRACT:

Translation, cutural adaptation and preliminary validity of the Vietnamese Short Form 36 (SF-36)

Objectives: We reported the translation and preliminary validity studies on Short Form 36 version Vietnamese. Methods: We followed the translation process based on the standard guidelines of the International Quality of Life Assessment (IQOLA) Project including forward and backward translation, assessment of translation quality. In addition, reliability was estimated using the internal consistency and the test-retest coefficients and validity was assessed using known groups comparison, convergent and discriminant validity. Results andConclusion: In general, SF-36 version Vietnam performed well and preliminary validity studies suggest that it is a reliable and valid measurement tool of quality of life.

Mục tiêu: mô tả quá trình chuyển ngữ và đánh giá bước đầu tính giá trị của bộ câu hỏi Short Form 36 phiên bản Việt Nam. Phương pháp: dựa trên hướng dẫn của Uỷ ban Quốc tế về lượng giá chuyển ngữ bộ câu hỏi CLCS, quá trình chuyển ngữ bao gồm các bước sau:  dịch ngược, dịch xuôi và đánh giá độ khó của bản dịch. Ngoài ra, chúng tôi chọn thuận tiện 40 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 để thẩm định bước đầu bộ câu hỏi SF-36 Việt Nam. Tính tin cậy được đánh giá bằng hệ số Cronbach’s alpha và hệ số tin cậy test-retest ; tính giá trị được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính giá trị hội tụ, tính giá trị phân tán và tính giá trị cấu trúc bằng so sánh theo nhóm. Kết quả: một số cụm từ khi dịch sang tiếng Việt cần phải thay đổi cho phù hợp văn hóa Việt Nam. Các kết quả ban đầu cho thấy bộ câu hỏi SF-36 phiên bản Việt có tính tin cậy và giá trị. Kết luận: bộ câu hỏi SF-36 phiên bản Việt được chuyển ngữ theo qui trình chặt chẽ và có tính tin cậy và giá trị, chúng tôi khuyến cáo có thể dùng trong các nghiên cứu tại Việt Nam

Từ khoá: chất lượng cuộc sống, SF-36, Việt Nam

Chịu trách nhiệm chính: Võ Tuấn Khoa

Ngày nhận bài: 3/7/2017

Ngày phản biện khoa học: 16/7/2017

Ngày duyệt bài: 31/7/2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay tuổi thọ con người ngày càng gia tăng, vì vậy việc đánh giá sức khoẻ không chỉ dựa trên các chỉ số y sinh truyền thống như trước đây. Cần có một chỉ tố xem xét sức khoẻ dưới khía cạnh về cảm nhận sức khoẻ chủ quan cùng với khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội của người bệnh hay nói cách khác là chất lượng cuộc sống (CLCS). Một trong các chiến lược đó là sử dụng các công cụ đo lường được chuẩn hoá. Tuy nhiên, hầu hết các công cụ này được viết bằng tiếng Anh và có xu hướng sử dụng cho các nước nói tiếng Anh [2]. Tại Việt Nam, chỉ có một số ít công cụ được dịch và chuẩn hoá như  ED-5Q  [4] và  Adolescent Duke Health Profile [3].

Bộ câu hỏi Short Form Health Survey (SF-36) là một thang đo tổng quát gồm 36 câu hỏi đánh giá 8 lãnh vực sức khoẻ bao gồm sức khoẻ liên quan hoạt động chức năng, giới hạn hoạt động do khiếm khuyết chức năng, cảm nhận đau đớn, tự đánh giá sức khoẻ tổng quát, sức khoẻ liên quan hoạt động xã hội, giới hạn hoạt động do khiếm khuyết tâm lý, cảm nhận sức sống và sức khoẻ tâm thần tổng quát [9]. Một phiên bản Việt của SF-36 đã được xây dựng và đánh giá ở đối tượng người Mỹ gốc Việt [7], tuy nhiên việc đánh giá tính chấp nhận và thẩm định chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Mục tiêu: Trong bài báo này, chúng tôi trình bày quá trình chuyển ngữ, thích ứng văn hoá bộ câu hỏi SF-36 từ tiếng Anh sang tiếng Việt và các kết quả thẩm định ban đầu.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Chuyển ngữ

Quy trình chuyển ngữ được thực hiện dựa trên hướng dẫn của Uỷ ban Quốc tế về lượng giá chuyển ngữ bộ câu hỏi CLCS [1].

Thứ nhất, hai giáo viên tiếng Anh (1, 2) dịch bản gốc SF-36 hoàn toàn độc lập, mỗi người dịch đánh giá mức độ khó dịch các câu hỏi và bộ câu trả lời tương ứng theo thang điểm 100 (0 = không khó, 100 = quá khó) và nhận xét bản dịch của người còn lại. Sau đó, hai người dịch (3, 4) tiến hành dịch Anh-Việt và đánh giá hai bản dịch Việt ngữ của người dịch (1, 2) theo thang điểm 100 (0 = không hoàn hảo, 100 = hoàn hảo) dựa trên ba tiêu chí: tính rõ ràng (sử dụng câu chữ đơn giản và dễ hiểu), tính phổ cập (tránh sử dụng thuật ngữ khoa học hay cao siêu), tính tương đương ngữ nghĩa (bám sát nội dung theo bản gốc). Dựa trên 4 bản dịch này chúng tôi có bản thảo Việt ngữ.

Thứ hai, hai người dịch (5, 6) dịch bản thảo Việt ngữ từ Việt sang Anh.

Thứ ba, người dịch thứ 7 đánh giá toàn bộ quá trình chuyển ngữ như liệt kê các từ, cụm từ khó dịch liên quan đến vấn đề sát hợp về ngữ nghĩa và thích ứng văn hóa Việt Nam; từ đó đề xuất, hiệu chỉnh cách dịch. Chúng tôi tổng hợp để có bản dịch thử nghiệm.

Thứ tư, bản dịch thử nghiệm được phát cho 35 người có tình trạng sức khoẻ khác nhau để ghi nhận thời gian hoàn tất trả lời và nội dung tự đánh giá qua 4 câu hỏi: (1) những câu hỏi nào thấy khó hiểu hay khó trả lời? (2) những từ nào thấy không rõ ràng? (3) những phần trả lời nào có thể gây nhầm lẫn? (4) đề xuất những từ hay cụm từ nào có thể sử dụng để tránh nhầm lẫn?

Cuối cùng, chúng tôi chỉnh sửa để có bản dịch chính thức SF-36 tiếng Việt (SF-36.vn)

2. Thẩm định bộ câu hỏi SF-36.vn

Bốn mươi bệnh nhân đái tháo đường ngoại trú tại phòng khám Nội tiết bệnh viện Nhân dân 115 từ 5/2006 đến 6/2006 được yêu cầu hoàn tất trả lời bộ câu hỏi SF-36.vn bằng cách tự điền trong lần thứ nhất và thực hiện lại lần thứ hai (sau 7-10 ngày).

Tính tin cậy được đánh giá bằng hệ số Cronbach’s alpha (tối thiểu từ 0,70 trở lên mới đạt yêu cầu) và hệ số tin cậy test-retest trong mỗi lãnh vực sức khỏe (là hệ số tương quan Pearson giữa điểm số trong lãnh vực đó ở lần phỏng vấn thứ hai và điểm số cũng trong cùng lãnh vực đó được ghi nhận ở lần thứ nhất).

Tính giá trị được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính giá trị hội tụ (convergent validity) bằng hệ số tương quan của từng câu hỏi trong cùng một lãnh vực tương ứng (đạt từ 0,40 trở lên); tính giá trị phân tán (discriminant validity) bằng so sánh hệ số tương quan của từng câu hỏi trong cùng một lãnh vực tương ứng với hệ số tương quan của cùng câu hỏi đó trong các lãnh vực còn lại; tính giá trị cấu trúc bằng so sánh theo nhóm (known group validity) dựa trên giả thuyết  điểm số 8 lãnh vực của SF-36 ở nhóm ĐTĐ với thời gian mắc bệnh > 36 tháng cao hơn nhóm ĐTĐ với thời gian mắc bệnh  ≤ 36 tháng.

Toàn bộ dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 13.0 với ngưỡng ý nghĩa thống kê p<0,05.

III. KẾT QUẢ

1.Chuyển ngữ

Nói chung không có khó khăn đáng kể nào khi dịch nhưng có vài thay đổi nhỏ như “mile” dịch thành 1 cây số (không cần chính xác 1609 mét) ; “block” dịch thành 100 thước (không dịch thành dãy nhà);  “bowling, golf” hay “vaccum cleaner” chưa phổ biến nhiều tại Việt Nam nên không đưa vào bản dịch. Bên cạnh đó, vì đây là thăm dò sức khỏe và không đặt vấn đề “đúng” hay “sai” nên cặp từ “true/false” được hiệu chỉnh “đúng/không đúng”. Tỷ lệ tham gia phỏng vấn là 97%, trong số này có 76% hoàn tất trả lời toàn bộ 36 câu hỏi với thời gian trung bình cần thiết là 12 phút (độ lệch chuẩn là 5,5 phút). 53% cho rằng nội dung bộ câu hỏi dễ hiểu.

2. Thẩm định bộ câu hỏi SF-36.vn

Có 40 người tham gia phỏng vấn lần đầu với 78% nam với trung bình độ tuổi và thời gian mắc bệnh đái tháo đường lần lượt là 57 năm và 51 tháng.

Trong lần phỏng vấn lần hai (sau 7 – 10 ngày), có 15/40 người tham gia.

2.1. Đánh giá tính tin cậy

Hệ số Cronbach’s alpha  đạt giá trị trên 0,70 ở 5 lãnh vực, ngoại trừ Cảm nhận sức sống, Hoạt động xã hội và Tâm thần tổng quát có giá trị tương ứng là 0,62; 0,47 và 0,62. Đánh giá trên 15 đối tượng tham gia phỏng vấn lần thứ hai (sau 7-10 ngày), giá trị hệ số tin cậy test-retest thay đổi trong khoảng 0,40 – 0,91. (Bảng 1)

Bảng 1. Tính tin cậy của SF-36.vn

câu 2: không tính vì chỉ có 1 câu
2.2. Đánh giá tính giá trị

Ngoại trừ câu 5a, 5b, 5c trong Giới hạn tâm lý, tất cả các câu còn lại đều đạt hệ số tương quan hội tụ. Tương tự, tất cả các câu đều đạt hệ số tương quan phân tán, ngoại trừ câu 3j trong lãnh vực Hoạt động chức năng và các câu 5a, 5b, 5c trong lãnh vực Giới hạn tâm lý. (Bảng 2)

Trong đánh giá tính giá trị cấu trúc dựa trên so sánh nhóm theo giả thuyết ban đầu, nhóm ĐTĐ với thời gian mắc bệnh ngắn (≤ 36 tháng) đa số đều có điểm số CLCS cao hơn nhóm ĐTĐ với thời gian mắc bệnh dài hơn (< 36 tháng, ngoại trừ hai lãnh vực Đánh giá sức khỏe và Tâm thần tổng quát. (Bảng3)

Bảng 3. So sánh điểm số 8 lãnh vực sức khỏe SF-36.vn theo thời gian mắc ĐTĐ

Bảng 2. Tính giá trị hội tụ và phân tán của SF-36.vn

HĐCN: hoạt động chức năng

GHCN: giới hạn chức năng

CNĐĐ: cảm nhận đau đớn

ĐGSK: đánh giá sức khoẻ

CNSS: cảm nhận sức sống

HĐXH: hoạt động xã hội

GHTL: giới hạn tâm lý

TTTQ: tâm thần tổng quát

Các hệ số in đậm: hệ số hội tụ
IV. BÀN LUẬN

1. Chuyển ngữ

Theo quy trình chuyển ngữ của Ủy Ban quốc tế về lượng giá chuyển ngữ bộ câu hỏi CLCS, hai người dịch xuôi (1,2) là những người thông thạo ngôn ngữ mà SF-36 được dịch sang, có kinh nghiệm trong dịch bộ câu hỏi; hai người dịch xuôi (3,4) đánh giá bản dịch xuôi và hai người dịch ngược (5,6) là người thông thạo tiếng Anh như người bản xứ [1].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi không đáp ứng tiêu chuẩn người dịch thông thạo tiếng Anh như người bản xứ. Tuy nhiên, việc chuyển ngữ SF-36 để sử dụng tại các quốc gia có thể thực hiện được khi tập trung vào các khác biệt văn hóa trong việc thể hiện nội dung các lãnh vực sức khỏe, nghĩa là việc dịch có thể không “giống” như bản gốc miễn là không làm người trả lời hiểu sai [8].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian cần thiết để hoàn tất bộ câu hỏi SF-36.vn theo hình thức tự điền là 12 phút, không khác biệt so với các nghiên cứu trước đây [9].

Tóm lại, bộ câu hỏi SF-36 phiên bản Việt với qui trình chuyển ngữ nghiêm ngặt như trên có thể được sử dụng cho đối tượng người Việt Nam.

2. Thẩm định bộ câu hỏi SF-36.vn

Hệ số Cronbach’s alpha nói chung đạt yêu cầu (trên 0.70) ngoại trừ các lãnh vực Cảm nhận sức sống, Hoạt động xã hội, Tâm thần tổng quát. Điều này cho thấy có thể khác biệt về văn hóa phản ánh sự khó khăn khi chuyển ngữ [5],[6]. Ngoài ra, một lý do phản ánh kết quả này cũng có thể liên quan đến tập quán sinh hoạt tại Việt Nam, nơi mà các hoạt động mang tính xã hội chưa được phổ cập nhiều do nhiều người không thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, bản thân người Việt Nam chưa quen với việc tự đánh giá vấn đề cảm xúc hoặc những vấn đề liên quan khía cạnh thần kinh – tâm lý.

SF-36 phiên bản Việt đều đạt tính giá trị hội tụ (trừ Giới hạn tâm lý) và phân tán (trừ Hoạt động chức năng và Giới hạn tâm lý). Điều này phản ánh chất lượng bản dịch. Nội dung khảo sát các lãnh vực sức khỏe trong SF-36 thích hợp với các đối tượng sống ở nước công nghiệp nhưng chưa chắc phù hợp với thực tế Việt Nam, bằng chứng là hoạt động như chơi bowling, golf ; các đơn vị khoảng cách (mile, block) mang tính “phương tây hóa” và mới mẻ [5],[6]. Phân tích so sánh nhóm theo các giả thuyết ban đầu cho thấy SF-36.vn có thể phân định phân nhóm theo thời gian đái tháo đường ngoại trừ Đánh giá sức khoẻ và Tâm thần tổng quát. Thực ra, lãnh vực Đánh giá sức khoẻ thường nhạy khi so sánh nhóm bệnh và nhóm khỏe mạnh, nhưng nghiên cứu chúng tôi đều là nhóm bệnh nên có thể không khác biệt. Mặt khác, lãnh vực Tâm thần tổng quát trong SF-36 rất hữu ích trong sàng lọc các rối loạn tâm thần kinh [10], tuy nhiên trong nền y học phương Đông (đặc biệt Trung Quốc), các rối loạn tâm thần kinh nhiều khi được hiểu đơn giản là “sự xuống tinh thần”, trong khi đó khái niệm “happiness” (sự sung sướng) – một trạng thái tâm thần khỏe mạnh, biểu hiện sức sống – không dễ nhận biết. Điều này góp phần giải thích đánh giá lãnh vực Tâm thần tổng quát trên đối tượng người Việt Nam (chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc) đòi hỏi công cụ tinh tế mới phát hiện được sự khác biệt sức khỏe tinh thần.

  1. Giới hạn của nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi có hai giới hạn chính. Thứ nhất, chúng tôi không đáp ứng tiêu chuẩn người dịch là những người thông thạo tiếng Anh như người bản xứ ngoại trừ người dịch thứ 7. Thứ hai, cỡ mẫu trong nghiên cứu nhỏ và tỷ lệ phỏng vấn lần hai thấp.

V. KẾT LUẬN

Chúng tôi cho rằng bản dịch tiếng Việt của SF-36 thích hợp tại Việt Nam và các kết quả bước đầu đánh giá tính giá trị cho thấy SF-36.vn có thể được sử dụng như một công cụ tin cậy để đánh giá chất lượng cuộc sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bullinger M., Alonso J., Apolon G et al. (1998). “Translating health status questionnaires and evaluating their quality: the IQOLA project approach.” Journal of Clinical Epidemiology, 51, pp 913-923.
  2. Guillemin F., Bombardier C. and Beaton D. (1993). “Cross-cultural adaptation of health-related quality of life measure: literature review and proposed guidelines.” J Clin Epidemiol, 46, pp 1417-32.
  3. Hanh V. T. X., Guillemin F., Cong D.D et al. (2005). “Health related quality of life of adolescents in Vietnam: cross-cultural adaptation and validation of the Adolescent Duke Health Profile.” Journal of Adolescence, 28, pp 127–146.
  4. Hoi L. V., Chuc N. T., and Lars Lindholm. (2010). ” Health-related quality of life, and its determinants, among older people in rural Vietnam.” BMC Public Health, 10, pp 549-58.
  5. Li L., Wang H. M. and Shen Y. (2003). “Chinese SF-36 Health Survey: translation, cultural adaptation, validation, and normalisation.” Journal of Epidemiology Community Health, 57, pp 259–263.
  6. Montazeri A., Goshtasebi A., Mariam Vahdaninia et al. (2005). “The Short Form Health Survey (SF-36): Translation and validation study of the Iranian version.” Quality of Life Research, 14, pp 875-882.
  7. Ngo-Metzger Q., Sorkin D. H., et al. (2008). “Evaluating the SF-36 Health Survey (Version 2) in Older Vietnamese Americans.” Journal of Aging and Health, 20, pp 420-36.
  8. Wagner A. K., Gandek B., Neil K. Aaronsonet al. (1998). “Cross-cultural comparisons of the content of SF-36 translations across 10 countries: Results from the IQOLA Project.” Journal of Clinical Epidemiology, 51, pp 925 – 932.
  9. Ware J. E. (2000). “SF-36 Health Survey Update.” Spine, 25, pp 3130–3139.
  10. Ware J. E. and Gandek B. (1998). “Overview of the SF-36 Health Survey and the International Quality of Life Assessment (IQOLA) Project.” Journal of Clinical Epidemiology, 51, pp 903–912.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …