Suy giáp ở bà mẹ mang thai có liên quan đến ADHD ở con họ

Một nghiên cứu lớn của Mỹ cho thấy hàm lượng thấp các chất chuyển hóa quan trọng trong cơ thể của người mẹ trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể cản trở sự phát triển não bộ của em bé.

Những hóa chất hoặc hormone này, được sản xuất trong tuyến giáp ở cổ và được biết là ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các nhà điều tra đã nghi ngờ rằng có sự gián đoạn trong quá trình sản xuất của chúng, hoặc do suy giáp, có thể góp phần gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), là rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất của trẻ em ở Hoa Kỳ.

Được dẫn đầu bởi một nhà nghiên cứu của Trường Y Long Island ở NYU, cuộc điều tra mới đây cho thấy những đứa trẻ có mẹ được chẩn đoán mắc chứng suy giáp ngay trước hoặc trong giai đoạn đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc ADHD cao hơn 24% so với những đứa trẻ có mẹ không được chẩn đoán. Các tác giả cho biết phát hiện của họ cũng cho thấy rằng các bé trai sinh ra từ những phụ nữ suy giáp dễ bị ADHD gấp 4 lần so với những bé gái có mẹ bị suy giáp. Trẻ em gốc Tây Ban Nha sinh ra từ những bà mẹ bị suy giáp có nguy cơ mắc bệnh cao nhất so với bất kỳ nhóm dân tộc nào đã được nghiên cứu.

Tiến sĩ Morgan Peltier, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi làm rõ rằng sức khỏe tuyến giáp đóng vai trò lớn hơn nhiều trong sự phát triển não bộ của thai nhi và rối loạn hành vi như ADHD so với những gì chúng ta biết trước đây. Peltier là phó giáo sư tại khoa Sản lâm sàng, Phụ khoa và Y học Sinh sản tại Bệnh viện NYU Winthrop, trực thuộc NYU Langone Health.

Trong số các phát hiện của nghiên cứu, khi thai kỳ đã đến giai đoạn thứ hai, chứng suy giáp của phụ nữ ít ảnh hưởng đến con của họ. Peltier nói, một lời giải thích khả dĩ là vào thời điểm này, thai nhi đã bắt đầu tự sản xuất hormone tuyến giáp của mình và do đó ít bị tổn thương hơn bởi sự thiếu hụt của mẹ.

Cuộc điều tra mới được công bố ngày 21 tháng 10 trên Tạp chí American Journal of Perinatology, đã theo dõi 329.157 trẻ em từ sơ sinh đến 17 tuổi, tất cả đều được sinh ra tại các bệnh viện của Kaiser Permanente tại Nam California. Theo các tác giả của nghiên cứu, đây là nỗ lực quy mô lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ nhằm kiểm tra mối liên hệ tiềm ẩn giữa chứng suy giáp của người mẹ và ADHD ở con cái của họ. Các tác giả cũng lưu ý rằng không giống như nghiên cứu trước đây ở châu Âu, nghiên cứu mới của Mỹ bao gồm những người có nguồn gốc sắc tộc đa dạng và đã quan sát các đứa trẻ trong gần hai thập kỷ. Tác giả chính Peltier cho biết, thời gian nghiên cứu dài này cho phép các nhà nghiên cứu nắm bắt tốt hơn các trường hợp ADHD ở trẻ em khi chúng lớn lên và bắt đầu giai đoạn đến trường học.

Nhóm đã phân tích hồ sơ y tế của trẻ em và thu thập thông tin chính về mẹ của chúng, bao gồm tuổi khi mang thai, chủng tộc và thu nhập hộ gia đình như là một phần của nghiên cứu mới này. Tất cả trẻ em được đánh giá về ADHD bằng cách sử dụng cùng một tiêu chí, mà các tác giả cho rằng đã giúp ngăn ngừa sự mâu thuẫn trong cách xác định các trường hợp rối loạn.

Theo kết quả nghiên cứu, tổng thể có 16.696 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng ADHD. Trẻ em gốc Tây Ban Nha có mẹ có nồng độ hormone tuyến giáp thấp trong thời kỳ mang thai tăng 45% nguy cơ mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh so với nguy cơ tăng 22% ở trẻ da trắng khác có mẹ mắc bệnh tương tự.

Peltier cho biết kết quả của nhóm của ông đủ mạnh để đảm bảo việc theo dõi cẩn thận những phụ nữ mang thai có nồng độ hormone tuyến giáp thấp. Ông cho biết thêm rằng những đứa trẻ có mẹ có nồng độ hormone tuyến giáp thấp trong thời kỳ mang thai có thể được hưởng lợi từ việc giám sát sớm hơn các dấu hiệu của ADHD, chẳng hạn như không chú ý, tăng động và khó tập trung vào công việc. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng can thiệp nhanh chóng có thể giúp kiểm soát ADHD và giúp trẻ thành công trong lớp học và học các kỹ năng xã hội dễ dàng hơn.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu có kế hoạch điều tra xem suy giáp khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn phát triển thần kinh khác, chẳng hạn như động kinh, bại não và khó nói hay không. Họ cũng có ý định khám phá các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ADHD ở trẻ em, chẳng hạn như sự tiếp xúc trong thai kỳ với các chất độc từ môi trường như chất chống cháy có trong đồ nội thất bọc đệm, thiết bị điện tử và các thiết bị gia dụng khác.

Nghiên cứu được Kaiser Permanente Southern California và NYU Langone Health đồng tài trợ.

Tài liệu tham khảo:

Morgan R. Peltier, Michael J. Fassett, Vicki Y. Chiu, Darios Getahun. Maternal Hypothyroidism Increases the Risk of Attention-Deficit Hyperactivity Disorder in the OffspringAmerican Journal of Perinatology, 2020 DOI: 10.1055/s-0040-1717073

Nguồn: Hypothyroidism in pregnant mother linked to ADHD in their children

Người dịch: thaongan2509

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi CLB Nội tiết trẻ trên DEMACVN.COM – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Print Friendly, PDF & Email

About CLB Nội tiết trẻ

CLB Nội tiết trẻ là nhóm Bác sĩ, học viên, sinh viên có đam mê về Nội tiết - Đái tháo đường & Rối loạn chuyển hóa. Hoạt động là lược dịch các bài viết cập nhật, chia sẻ kiến thức, phối hợp thực hiện các nghiên cứu tại nhiều vùng miền trong cả nước

Check Also

Một số vi khuẩn đường ruột có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Trong một nghiên cứu quan sát ở Hà Lan cho thấy người có hệ vi …