Thủ nghiệm bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 của người Việt Nam trưởng thành tại một số tỉnh năm 2014

THỬ NGHIỆM BẢNG TỰ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ NGUY CƠ MẮC BỆNH

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRƯỞNG THÀNH

TẠI MỘT SỐ TỈNH, NĂM 2014

Phan Hướng Dương và Cộng sự

Bệnh viện Nội tiết Trung ương

ABSTRACT

Currently, diabetes mellitus is increasing rapidly and its burden is a major public health problem. Therefore, screening for early detection of diabetes plays an important role in preventing diabetes. We conducted a validation survey for the Vietnamese diabetes riskscore  people on 600 subjects. The cross-sectional descriptive survey was conducted. The age group of subjects 55 or higher accounts for the largest proportion (37%); the age group 50-54 (17.3%); age group under 35 accounts for only 8.7%. The Vietnamese diabetes riskscore has been classified into 226 respondents who have a high risk of diabetes (37.7%). There were 69 subjects with diabetes according to blood glucose standards, the Vietnamese diabetes riskscore identified 43 subjects  with diabetes (accounting for 62.3%). The sensitivity; specificity and positive predictive value  of Vietnamese diabetes riskscore was (73.1%); (65.6%); (19.0%) respectively and the negative predictive value was 81% with cut-off point 20 out of 40 points.

TÓM TẮT

Hiện nay, bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và gánh nặng bệnh tật là hết sức nặng nề. Do đó, việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh ĐTĐ. Chúng tôi thực hiện việc thử nghiệm bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 của người Việt Nam trưởng thành trên 600 đối tượng người trưởng thành. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích. Nhóm tuổi của đối tượng tử 55 trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất là 37%; tiếp đến là nhóm tuổi 50-54 với 17,3%; nhóm tuổi dưới 35 chỉ chiếm 8,7%. Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam đã phân loại ra được 226 đối tượng tham gia điều tra có nguy cơ cao bị ĐTĐ (chiếm 37.7%). Có 69 đối tượng bị ĐTĐ theo tiêu chuẩn glucose máu, bộ chỉ số của Việt Nam phân loại được 43 đối tượng có nguy cơ (chiếm tỷ lệ 62,3%). Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá độ nhạy là 73,1%; độ đặc hiệu là 65,6%; giá trị dự đoán dương tính là 19,0% và giá trị dự đoán âm tính là 81% với điểm cut-off là 20 trên 40 điểm.

Chịu trách nhiệm chính: Phan Hướng Dương

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại Việt Nam, trong hơn một thập kỷ vừa qua thì tỷ lệ bệnh đái tháo đường týp 2 (ĐTĐT2)  hiện đang gia tăng nhanh chóng do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa cao cùng với đó là sự thay đổi lối sống. Theo điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ ĐTĐ ở người 30-69 tuổi đã tăng từ 2,7% năm 2002 lên 5,4% năm 2012 và tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng tăng tương ứng từ 7,3% lên 13,7%. Trong đó tỷ lệ người bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại cộng đồng là 63,6%. Nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ, ngay từ khi triển khai hoạt động từ năm 2010, Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường đã tiến hành sàng lọc phát hiện bệnh ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Hàng trăm nghìn người mắc ĐTĐ và tiền ĐTĐ đã được phát hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, Bộ công cụ sàng lọc đánh giá yếu tố nguy cơ (YTNC) được dịch từ tài liệu khuyến cáo của IDF trong quá trình triển khai đã có những hạn chế khi thực hiện tại cộng đồng. Trên thế giới, các nước có bộ chỉ số đánh giá yếu tố nguy cơ phù hợp chủng tộc, điều kiện thực tế của các nước như: Mỹ, Úc, Phần Lan, Trung Quốc, Thái Lan…

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh đáo tháo đường thì việc phát triển bộ chỉ số đánh giá YTNC mắc bệnh ĐTĐ phù hợp với Việt Nam là rất cần thiết. Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã xây dựng “Bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 dành cho người việt nam trưởng thành” chưa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường từ kết quả “Điều tra dịch tễ học bệnh Đái tháo đường Quốc gia năm 2012”. Tuy nhiên, tính thời điểm hiện nay, bảng chỉ số này chưa được thử nghiệm thực tế tại cộng đồng. Do vậy, chúng tôi quyết định xây dựng đề tài “Thử nghiệm Bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 dành cho người Việt Nam trưởng thành tại một số tỉnh năm 2014” với mục tiêu “Đánh giá hiệu quả của bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 của người Việt Nam trưởng thành”.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu: Người trưởng thành từ 30-64 tuổi, đồng ý tham gia nghiên cứu, không có tiền sử mắc bệnh Đái tháo đường, không mắc các bệnh cấp tính trong thời gian tiến hành nghiên cứu.

2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện tại địa bàn 02 tỉnh là Ninh Bình và Hoà Bình từ 1/8/2014 đến 31/12/2014.

3. Thiết kế nghiên cứu: Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích.

4. Cỡ mẫu

Sử dụng cỡ mẫu chẩn đoán bệnh trong cộng đồng dựa vào độ nhạy, độ đặc hiệu.

Trong đó:

2: hệ số tin cậy, bằng với 1,96 tương ứng với độ tin cậy 95%.

Pse: độ nhạy của bảng YTNC = 0.77 tương ứng là 77.0%.

w2 : sai số giữa độ nhạy và độ đặc hiệu của bảng YTNC < 10% = 0,1.

P: tỷ lệ lưu hành bệnh ĐTĐ theo điều tra quốc gia năm 2012 = 0.054.

Do đặc thù là điều tra cộng đồng cỡ mẫu được tăng thêm 10% nhằm tránh mất mẫu è mẫu điều tra = 600.

Tương ứng mỗi tỉnh điều tra có số mẫu bằng nhau là: 300 đối tượng.

5. Phương pháp chọn mẫu

Nghiên cứu thực hiện cách chọn mẫu cụm phân tầng theo 3 giai đoạn với giai đoạn 1 và 2 là chọn cụm và giai đoạn 3 là chọn các đối tượng nghiên cứu trong các cụm điều tra.

6. Các chỉ số nghiên cứu

Các đối tượng nghiên cứu tự đánh giá các YTNC vào Bảng tự đánh giá mức độ nguy cơ. Các đối tượng nghiên cứu cũng đồng thời điền Bảng tự đánh giá YTNC của Phần Lan. Sau đó các đối tượng được làm nghiệm pháp tăng đường huyết để phát hiện người mắc ĐTĐ và tiền ĐTĐ.

7. Phân tích, xử lí số liệu

– Kết quả điều tra được tổng hợp, làm sạch số liệu và nhập vào máy tính trên phần mềm EPI DATA.

– Phân tích số liệu bằng phần mềm stata 10.0 và SPSS 19.0 để tính toán các giá trị độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương tính, âm tính trong việc phát hiện bệnh đái tháo đưỡng giữa nghiệm pháp dung nạp Glucose với bảng tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Có 600 đối tượng tham gia điều tra, trong đó có 215 nam và 385 nữ. Nhóm tuổi ≥55 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất 37%, tiếp đến là nhóm tuổi 50 – 54 với 17.3%, nhóm tuổi dưới 35 chỉ chiếm 8.7%. Có 274 đối tượng có BMI ≥ 23 kg/m2, chiếm 45,7%.

 Bảng 2. Đặc điểm nhân trắc học của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Chiều cao trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 156.5cm (±7.3 cm), cân nặng trung bình là 56kg (± 8.7 kg).Vòng bụng trung bình của nam là 80.5cm (± 8.2 cm), vòng bụng trung bình của nữ là 77 cm (độ lệch chuẩn 7.9). Glucose máu lúc đói  trung bình là 5.7mmol/l (± 1.2 mmol/l), Glucose máu sau 2h trung bình là 7.3mmol/l.

Bảng 3. Phân loại nguy cơ bị đái tháo đường qua các bộ chỉ số YTNC

Nhận xét: Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam phân loại được 226 đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh ĐTĐ, chiếm 37.7%. Bộ chỉ số của Phần Lan, tất các các đối tượng trong mẫu điều tra đều có nguy cơ bị mắc bệnh ĐTĐ. Kết quả xét nghiệm đường máu có 69 đối tượng mắc bệnh ĐTĐ, chiếm 11.5% mẫu điều tra.

Bảng 4. So sánh giá trị của 2 bộ YTNC với kết quả xét nghiệm glucose máu

Nhận xét: Kết quả phân loại YTNC theo 2 bộ chỉ số so sánh với kết quả xét nghiệm Glucose máu. Có 69 đối tượng bị ĐTĐ theo tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ. Bộ chỉ số của Việt Nam phân loại được 50 đối tượng có nguy cơ cao, bộ chỉ số của Phần Lan chỉ ra được toàn bộ 69 đối tượng đều có nguy cơ.

Bảng 5. Mô tả giá trị của các bộ chỉ số yếu tố nguy cơ

Nhận xét: Xét về các giá trị độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính và giá trị dự đoán âm tính, Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá trị độ nhạy là 70,2%, độ đặc hiệu là 65,6%, giá trị dự đoán dương tính là 19,0% và giá trị dự đoán âm tính là 93%.

Bảng 7. So sánh độ nhạy, độ đặc hiệu của các bộ chỉ số yếu tố nguy cơ Việt Nam và Phần Lan

Nhận xét: Đường cong ROC biểu diễn tổng điểm nguy cơ của 2 bộ chỉ số YTNC, có thể thấy bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá trị cao hơn để chẩn đoán nguy cơ bị ĐTĐ (AUC = 69.1%, p< 0.001) so với bộ chỉ số YTNC của Phần Lan.

Bảng 8. Đánh giá Mức độ hoàn thành chung của bộ câu hỏi

Nhận xét: Hai bộ chỉ số đánh giá YTNC, tỷ lệ tự hoàn thành được câu hỏi đều cao, chỉ có 187 đối tượng (khoảng 31%) không tự hoàn thành được các câu hỏi. Hầu hết nguyên nhân khó hoàn thành bộ câu hỏi là do không hiểu cách tính BMI (chiếm tỷ lệ khoảng 85% ở cả 2 bộ). Tỷ lệ người khó đọc mắt kém hoặc do cỡ chữ trong bảng nhỏ 10,7%.

4. BÀN LUẬN

Nghiên cứu thực hiện trên 600 đối tượng tham gia, trong đó có 215 đối tượng nam và 385 đối tượng nữ. Nhóm tuổi tử 55 trở lên tỷ lệ lớn nhất là 37% tiếp đến là nhóm tuổi 50-54 với 17.3%, nhóm tuổi dưới 35 chỉ chiếm 8.7%.

Các YTNC được đưa vào bộ chỉ số bao gồm tuổi, chỉ số khối cơ thể BMI, tiền sử mắc ĐTĐ của người thân, tiền sử tăng huyết áp, mức độ hoạt động thể lực. Các yếu tố này cũng tương tự của bộ chỉ số của các nước cùng khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan [5,6,7].

Sau khi các đối tượng hoàn thành tính tổng điểm nguy cơ của từng bộ chỉ số YTNC, bộ chỉ số YTNC của Việt Nam đã phân loại ra được 226 đối tượng tham gia điều tra có nguy cơ cao bị ĐTĐ (chiếm 37.7%). Đối với bộ chỉ số của Phần Lan, tất các các đối tượng đều có nguy cơ bị ĐTĐ.Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ  ĐTĐ theo kết quả làm nghiệm pháp đường máu 2h thì có 69 đối tượng được chẩn đoán bị ĐTĐ (chiếm 11.5%).

Xét về các giá trị độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính và giá trị dự đoán âm tính thì bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá trị hơn của Phần Lan với độ nhạy là 70,2%, độ đặc hiệu là 65,6 giá trị dự đoán dương tính là 19,0% và giá trị dự đoán âm tính là 93% với điểm cut-off là 20 trên 40 điểm. trong khi đó bộ YTNC của Phần Lan do có độ nhạy 100% nên không được so sánh. Kết quả trên khá tương đồng với bộ chỉ số YTNC của Trung Quốc thực hiện năm 2011 với độ nhạy là 72,9% và độ đặc hiệu là 71,6% tại cut-off là 4[6]. Kết quả này cũng tương đồng với bộ chỉ số YTNC của Thái Lan với độ nhạy là 77 % và độ đặc hiệu 60% với điểm cắt là 6 trên tổng số 17.

Kết quả phân tích bằng đường cong ROC biểu diễn tổng điểm nguy cơ của 2 bộ chỉ số YTNC, có thể thấy bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá trị cao nhất để chẩn đoán nguy cơ bị ĐTĐ (AUC = 0.69, p< 0.001), tiếp đến là bộ chỉ số YTNC của Phần Lan (AUC = 0.66, p< 0.001). Giá trị diện tích dưới đường cong (AUC) của bộ chỉ số YTNC của Việt Nam cũng khá phù hợp với bộ chỉ số YTNC của Trung Quốc và Thái Lan; cụ thể chỉ số AUC của bộ chỉ số YTNC của Trung quốc và Thái Lan lần lượt  là 0,73 và 0,74[5,7].

Theo tính toán một phương pháp xét nghiệm với AUC trên 0.8 được đánh giá tốt hoặc rất tốt; AUC trong khoảng 0.6 tới 0.7 thuộc ngưỡng trung bình; AUC dưới 0.6 được xem là không tốt và không nên áp dụng trong công tác sàng lọc, lâm sàng, điều tra.

So với một bộ chỉ số YTNC được sử dụng để phát hiện người có YTNC mắc bệnh ĐTĐ týp 2 tại cộng đồng thì bộ chỉ số YTNC của Việt Nam (AUC = 0,69) cũng được đánh giá là có hiệu quả.

5. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam đã phân loại ra được 226 đối tượng tham gia điều tra có nguy cơ cao bị ĐTĐ (chiếm 37.7%).
  • Có 69 đối tượng bị ĐTĐ theo tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ. Bộ chỉ số của Việt Nam phân loại được 43 đối tượng có nguy cơ (chiếm tỷ lệ 62,3%).
  • Bộ chỉ số YTNC của Việt Nam có giá độ nhạy là 73,1%, độ đặc hiệu là 65,6 giá trị dự đoán dương tính là 19,0% và giá trị dự đoán âm tính là 81% với điểm cut-off là 20 trên 40 điểm.
  • Đường cong ROC của bộ chỉ số YTNC có giá trị dưới đường cong là AUC = 0.69 với p< 0.001.
  • Tỷ lệ tự hoàn thành được Bộ chỉ số đánh giá YTNC mắc ĐTĐ chiếm 69%, hầu hết nguyên nhân khó hoàn thành bộ câu hỏi là do không hiểu cách tính BMI.

6. KHUYẾN NGHỊ

Đề nghị Dự án Phòng chống đái tháo đường xem xét áp dụng Bảng tự đánh giá yếu tố nguy cơ Việt Nam trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường.

Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả hoàn thành Bảng tự đánh giá của cộng đồng, bộ câu hỏi cần đơn giản, dễ hiểu hơn và nên có bảng tham chiếu BMI theo chiều cao và cân nặng tương ứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ môn dịch tễ học – Trường Đại học Y Hà Nội (1993), Dịch tễ học Y học, NXB Y học.
  2. Tạ Văn Bình, Hoàng Kim Ước và cs (2004), “Báo cáo tóm tắt những kết quả chính của nghiên cứu “Dịch tễ học bệnh đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ và vấn đề liên quan đến quản lý bệnh đái tháo đường trong phạm vi toàn quốc”, Một số công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các Dự án Quốc gia thực hiện tại Bệnh viện Nội tiết 19692003, Nxb Y học trang: 339 –
  3. Ramachandran, C. Snehalatha, V.Vijay (2005), “Derivation and validation of diabetes risk score for urban Asian Indians”, Diabetes Res Clin Pract 2005, Oct; 70(1): 63-70.
  4. Timo Saarissto, Markku Peltonen, et al (2005), Cross-sectional evaluation of the Finnish diabetes risk score: a tool to identify undetected type 2 diabetes, abnormal glucose tolerance and metabolic syndrome, Diabetes Vasc Res 2005;2:67-72.
  5. Liu, Min, et al. “A Chinese diabetes risk score for screening of undiagnosed diabetes and abnormal glucose tolerance.” Diabetes Technology & Therapeutics, vol. 13, no. 5, 2011, p. 501.
  6. Mohan  V, Sandeep S, Deepa M, Gokulakrishnan K, Datta M, Deepa R. A diabetes risk score helps identify metabolic syndrome and cardiovascular risk in Indians – the Chennai Urban Rural Epidemiology Study (CURES-38). Diabetes, obesity & metabolism.May 2007; 9(3):337-343
  7. Wichai Aekplakorn, Pongamorn Bunnag, et al. “A Risk Score for Predicting Incident Diabetes in the Thai Population.” Diabetes Care 2006 Aug; 29(8): 1872-1877.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …