Vào những năm cuối thế kỷ 20 các chuyên gia y tế nổi tiếng trên thế giới đã có nhận định “ thế kỷ 21 sẽ là bệnh lý của các bệnh Nội tiết và Rối loạn chuyển hoá; trong số đó bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong số những bệnh phát triển nhanh nhất “. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu như năm 1994 thế giới có 110 triệu người ĐTĐ, năm1995 tăng lên 135 triệu (chiếm 4% dân số toàn cầu), năm 2000 đã có khoảng 157,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và dự báo năm 2025 con số này sẽ là 300 triệu – chiếm tỷ lệ 5% dân số thế giới. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư hoặc thứ năm ở các nước phát triển. Nguyên nhân chính là do tuổi thọ tăng lên, kết hợp với ít hoạt động thể lực, chế độ ăn không hợp lý, hậu quả của quá trình đô thị hoá..v..v, là những yếu tố làm tăng số người mắc bệnh ĐTĐ type 2.
Ngày nay bệnh ĐTĐ không chỉ chiếm được mối quan tâm của các chuyên gia y tế, mà còn thu hút sự chú ý của các nhà quản lý xã hội. Vì ĐTĐ type 2 phát triển luôn gắn với sự tăng tỷ lệ các biến chứng mạn tính, đây là nguyên nhân làm tăng các gánh nặng về các mặt kinh tế, xã hội. Các công trình nghiên cứu trong thời gian qua còn cho thấy trong khi ĐTĐ type 2 ở các nước công nghiệp chủ yếu là lớp người cao tuổi, thì ở các nước đang phát triển bệnh lại tập trung vào lớp tuổi trẻ (trên 30 đến 64) – là nguồn nhân lực chính làm ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội- nên đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Cũng theo dự báo của WHO thì trong vòng 20 năm tới, tỷ lệ bệnh sẽ tăng 42% ở các nước công nghiệp, nhưng sẽ là 170% ở các nước đang phát triển.
Xem toàn văn tại: