Xác định nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ bằng bộ câu hỏi stop – bang trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2

XÁC ĐỊNH NGUY CƠ MẮC NGƯNG THỞ KHI NGỦ BẰNG BỘ CÂU HỎI STOP – BANG TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

Đào Thị Gấm, Lê Hoàn, Vũ Bích Nga

Trường Đại học Y Hà Nội

DOI: 10.47122/vjde.2022.52.10

ABSTRACT

Evaluating the Risk of obstructive sleep apnea by using the STOP-BANG questionnaire in type 2 diabetic patients

Background: Type 2 diabetes and obstructive sleep apnea (OSA) are chronic diseases with an interrelationship that increases cardiovascular events, mortality and quality of life. Objective of this study was to determine the risk of obstructive sleep apnea using the STOP-BANG questionnaire in subjects with type 2 diabetes. Methodology: A cross-sectional study on 135 patients with type 2 diabetes at the Department of Endocrinology and Respiratory Medicine, Hanoi Medical University Hospital. Results: Among 135 patients with type 2 diabetes, there were 58.5% men, the majority of whom were 50 years old or older (84,5%), the proportion of overweight and obese was 50,8%. Using the STOP-BANG questionnaire to assess the risk of OSA, the intermediate risk group accounted for 46.67%, and the high risk group accounted for 22.22%. Conclusion: The risk of OSA in people with type 2 diabetes is higher than in the general population, so it is necessary to screen for OSA risk in this population, especially men, old age, overweight and obese patients and cardiovascular disease.

Keywords: Obstructive sleep apnea (OSA), type 2 diabetes, STOP-BANG questionnaire.

TÓM TẮT

Đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 và ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn (OSA) là bệnh lý mạn tính có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau làm tăng biến cố tim mạch, tỉ lệ tử vong và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn bằng bộ câu hỏi STOP-BANG trên đối tượng đái tháo đường typ 2. Thiết kế và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 135 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 tại khoa Nội tiết – hô hấp, bệnh viện đại học y Hà Nội. Kết quả: Trong 135 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, có 58,5% nam giới, chiếm đa số từ 50 tuổi trở lên (84,5%), tỉ lệ đối tượng thừa cân béo phì là 50,8%. Sử dụng cộ câu hỏi STOP-BANG  đánh giá nguy cơ mắc OSA, tỉ lệ nhóm có nguy cơ trung bình chiếm 46,67%, nguy cơ cao mắc chiếm 22,22%. Bàn luận: Nguy cơ mắc OSA trên đối tượng ĐTĐ typ 2 cao hơn so với dân số chung, do đó càn thiết tầm soát nguy cơ mắc OSA trên đối tượng này, đặc biệt đối tượng nam giới, tuổi cao, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch đồng mắc.

Từ khóa: Ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn (OSA), đái tháo đường typ 2, bộ câu hỏi STOP-BANG

Tác giả liên hệ: Vũ Bích Nga

Email: [email protected]

Ngày nhận bài: 02/03/2022

Ngày phản biện khoa học: 12/03/2022

Ngày duyệt bài: 30/03/2022

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 và ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn (OSA) là những bệnh có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng, cùng liên quan với một số yếu tố nguy cơ như tuổi, giới, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh tim mạch. OSA thông qua nhiều cơ chế như tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết catecholamin, tăng tiết cortisol làm tăng quá trình tân tạo đường, giảm tiêu thụ glucose của tế bào, đồng thời qua đáp ứng viêm hệ thống, stress oxy hóa và adipokines làm tăng đề kháng insulin, rối loạn chức năng tế bào beta tụy, hậu quả làm tăng đường máu. ĐTĐ typ 2 là một yếu tố nguy cơ của OSA đồng thời làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh nhân có OSA từ trước. ĐTĐ thường có rối loạn chuyển hóa lipid kèm theo, OSA ở bệnh nhân ĐTĐ được giải thích là do béo phì gây sự lắng đọng mỡ vùng hầu họng dẫn đến tắc nghẽn đường thở.

Ngoài ra, biến chứng thần kinh tự trị của ĐTĐ làm tăng ức chế các cơ vùng hầu họng  và cơ hô hấp dẫn đến rối loạn luồng khí thở  do thiếu kiểm soát đường thở. Với tỉ lệ OSA chưa được chẩn đoán lên tới 90% trong dân cư, ĐTĐ typ 2 là yếu tố nguy cơ độc lập với khả năng mắc OSA thì việc đánh giá nguy cơ mắc bệnh trên các bệnh nhân ĐTĐ typ 2 là  cần thiết.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá OSA trên đối tượng ĐTĐ typ 2, vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định nguy cơ mắc OSA bằng bộ câu hỏi STOP-BANG trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

2.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

135 đối tượng được lựa chọn tại khoa Nội Tiết – Hô Hấp, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội được lựa chọn theo các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn lựa chọn:

1) Đối tượng được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 theo Bộ Y Tế năm 20201, 2) Tuổi > 18 tuổi, 3) Đủ nhận thức trả lời bộ câu hỏi STOP-BANG, 4) Đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ:

  • Đợt cấp tính các bệnh ảnh hưởng đến nhận thức không hợp tác trả lời, không tiến hành thăm khám lâm sàng được bệnh nhân,
  • Bệnh nhân mang thai, 3) Rối loạn tâm thần, không có khả năng hiểu và trả lời bộ câu hỏi, 4) Đái tháo đường typ 1 và các loại đái tháo đường thứ phát khác do thuốc, do bệnh nội tiết như to đầu chi, hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, và do bệnh tụy như viêm tụy mạn, cắt tụy toàn bộ, chấn thương, ung thư tụy…

2.2.  Phương pháp nghiên cứu

Thời gian nghiên cứu: 12/2020 đến 10/2021

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả  cắt ngang, chọn mẫu thuận tiện.

Phương pháp thu thập số liệu

Thu thập các thông tin về nhân khẩu học, chỉ số nhân trắc, lâm sàng và cận lâm sàng của đối tượng. Tiêu chuẩn các biến số chỉ số phân loại BMI theo WHO dành cho khu vực châu Á

– Thái Bình Dương2, chẩn đoán tăng huyết áp theo ESC năm 20183, phân độ MALLAMPATI4, đánh giá mức đạt mục tiêu HbA1c theo ADA5. Bộ câu hỏi STOP-BANG gồm 8 câu hỏi: 1) Snore: Ngủ ngáy, 2) Tired : mệt mỏi buồn ngủ ban ngày, 3) Observed: Có người quan sát thấy thở gián đoạn khi ngủ 4) high blood Pressure: tăng huyết áp, 5) BMI > 35 kg/m², 6)Age: Tuổi > 50, 7) Neck circumference: Chu vi vòng cổ > 40 cm, 8)Gender: Giới nam. Mỗi câu hỏi trả lời “có” được 1 điểm, trả lời “không” được 0 điểm.

Đánh giá nguy cơ mắc OSA6,7:

  • Nguy cơ thấp mắc OSA: STOP-BANG < 3 điểm
  • Nguy cơ trung bình mắc OSA: STOP- BANG từ 3-4 điểm
  • Nguy cơ cao mắc OSA: STOP-BANG >4 điểm

2.3. Xử lí số liệu

Sử dụng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0 với các thuật toán mô tả tỉ  lệ,  trung bình, so sánh tỉ lệ với mức ý nghĩa  thống kê p < 0,05.

2.4.  Đạo đức nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện tuân thủ theo các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu y học, đối tượng tự nguyện tham gia nghiên cứu. Các thông tin liên quan đến đối tượng hoàn toàn được bảo mật.

3.  KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu (N=135)

– Nhóm tuổi 60-69 chiếm tỉ lệ 27,4% vàCó 58,5% đối tượng là nam giới

  • Có 43,7% đối tượng có mức hẹp hầu họng MALLAMPATI độ II, độ III và độ IV chiếm 25%
  • Tỉ lệ đối tượng thừa cân, béo phì chiếm lần lượt 24,1% và 26,7%

3.2.   Xác định nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn (OSA) bằng bộ câu hỏi STOP- BANG ở đối tượng nghiên cứu

Biểu đồ 3.1. Phân bố nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn (OSA) bằng bộ câu hỏi STOP-BANG của đối tượng nghiên cứu (N=135)

Nhận xét: Nhóm nguy cơ trung bình mắc OSA (điểm STOP-BANG 3-4) chiếm tỉ lệ cao nhất 46,67%. Nguy cơ cao mắc OSA chiếm 22.22%.

4.  BÀN LUẬN

Nghiên cứu được thực hiện trên 135 đối tượng ĐTĐ typ 2 nhập viện tại khoa Nội Tiết

– Hô Hấp, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ đối tượng tăng dần theo các độ tuổi, đạt cao nhất ở độ tuổi 60-69 là 27,4%. Đây cũng là nhóm có nguy cơ mắc OSA cao do tăng lắng đọng lớp mỡ hầu họng, giảm phản xạ và trương lực cơ hầu họng làm tăng hẹp đường thở theo tuổi. Các tỉ lệ này tương đồng với tác giả Subramanian năm 2019 nghiên cứu nguy cơ mắc OSA trên 360250 đối tượng ĐTĐ typ 2, thấy rằng tỉ lệ mắc ĐTĐ typ 2 tăng dần theo tuổi, trong đó độ tuổi 60-69 chiếm 27,7%, và từ 70 tuổi trở lên chiếm 37,25%.8

Trong đối tượng ĐTĐ được nghiên cứu có 58,5% là nam giới. Kết quả này tương đương với tỉ lệ mắc ĐTĐ typ 2 chung trên thế giới, theo ADA năm 2019, nam giới chiếm 55,5%.8 Nam giới có nguy cơ mắc OSA cao hơn so với nữ gấp 2-3 lần.

Trên đối tượng ĐTĐ typ 2, tại Trung Quốc, tác giả Zhang và CS chỉ ra tỉ lệ nam giới mắc OSA chiếm 62,4%, tác giả Umoh đưa ra tỉ lệ này là 45,9%.9,10 Có sự khác biệt về tỉ lệ mắc giữa hai giới, các giả thuyết đưa ra là do sự phân bố mỡ vùng hầu họng của nam nhiều hơn so với nữ, và có thể liên quan đến hormon vì các tác giả thấy rằng tỉ lệ OSA mắc cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh so với trước mãn kinh và tỉ lệ mắc bệnh ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới cùng tuổi là tương tự nhau.

Phân độ MALLAMPATI là đánh giá quan trọng trong đánh giá nguy cơ mắc OSA vì eo họng là vùng dễ hẹp nhất của đường hô hấp trên. Sự quá phát amidan, khẩu cái mềm rủ xuống do mất hoặc giảm trương lực cơ, gốc lưỡi dày, lưỡi tụt ra sau đều gây ra hẹp khẩu kính họng miệng có thể gây nên ngưng thở khi ngủ. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chủ yếu bệnh nhân có phân độ MALLAMPATI II là 43,7%, trong khi đó nhóm có mức độ  hẹp nặng MALLAMPATI III và IV chỉ chiếm 25% ở đối tượng mắc ĐTĐ.

Đánh giá về chỉ số khối cơ thể, trong nhóm đối tượng nghiên cứu có khoảng 50% bệnh nhân thừa cân và béo phì (BMI≥ 23 kg/m2). Tỉ lệ này thay đổi tùy từng nghiên cứu, theo tác giải Abdissa nghiên cứu trên 253 đối tượng ĐTĐ typ 2, nhóm có BMI từ 18,5- 24,9 chiếm tỉ lệ cao nhất là 60,5%, nhóm béo phì (BMI> 25 kg/m2) chỉ chiếm 19,4%.11 Đối với đối tượng người châu Âu mắc ĐTĐ typ 2 thì tỉ lệ thừa cân béo phì chiếm khoảng 82%, cao hơn nhiều so với dân số châu Á-Thái Bình Dương.8 Có mối liên quan chặt chẽ giữa chỉ số khối cơ thể với nguy cơ mắc OSA, tác giả Umoh chỉ ra tỉ lệ nguy cơ mắc OSA ở nhóm béo phì là 33,3%, tác giả Nguyễn Thanh Bình thấy rằng có 80% đối tượng OSA có BMI trên bình thường trong đó có 46,4% có BMI >25 kg/m2.10,12

Đánh giá nguy cơ mắc OSA bằng thang điểm STOP-BANG, chúng tôi thấy rằng tỉ lệ đối tượng có nguy cơ trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất là 46,67% và nguy cơ cao mắc OSA là 22,2%. Tại Việt Nam, Nguyễn Cẩm Anh nghiên cứu trên 70 đối tượng tại trung tâm Hô Hấp bệnh viện Bạch Mai thấy tỉ lệ đối tượng có STOP-BANG ≥3 điểm chiếm 50%, của Nguyễn Vũ Hoàng Việt trên 118 đối tượng đặt nội khí quản gây mê tĩnh mạch, tỉ lệ này là 34%.13,14 Khi nghiên cứu trên đối tượng ĐTĐ typ 2, tác giả Abdissa chỉ ra tỉ lệ mắc nguy cơ cao chiếm 45,5%, của Teng năm 2018 thì tỉ lệ này chiếm 78,6%.11,15 ADA năm 2019 khi nghiên cứu trên 353683 đối tượng ĐTĐ typ 2 so với nhóm không mắc ĐTĐ typ 2 thấy rằng đối tượng ĐTĐ typ 2 tăng gần 50% nguy cơ phát triển thành OSA, như vậy có thể thấy nguy cơ mắc OSA ở đối tượng ĐTĐ typ 2 cao hơn nhiều so với nhóm không mắc ĐTĐ, với nguy cơ cao mắc OSA này càng thấy sự cần thiết cần sàng lọc OSA ở bệnh nhân mắc ĐTĐ.8

5.  KẾT LUẬN

ĐTĐ typ 2 và OSA là các bệnh lý mạn tính có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng, có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau và chúng đều là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với các biến cố tim mạch. Hiệp hội Đái Tháo Đường thế giới (IDF) năm 2008 đưa ra khuyến cáo cần thiết sàng lọc OSA ở các đối tượng có bệnh lý rối loạn chuyển hóa trong đó có ĐTĐ typ 2. Do chẩn đoán xác định OSA còn khó khăn, công cụ bộ câu hỏi STOP-BANG dễ áp dụng trên lâm sàng đã được nhiều tác giả đưa vào sàng lọc cho cộng đồng dân số nói chung và đối tượng ĐTĐ typ 2 nói riêng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng trên đối tượng ĐTĐ typ 2, các bác sĩ lâm sàng nên xem xét nguy cơ mắc OSA ở các đối tượng người cao tuổi (>60 tuổi), nam giới, thừa cân béo phì và có phân độ MALLAMPATI III, IV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y Tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2,
  2. World Health Organization, Regional Office for the Western Pacific, International Association for the Study of Obesity, International Obesity Task The Asia-Pacific Perspective: Redefining Obesity and Its Treatment; 2002.
  3. Williams B, Mancia G, Spiering W, et al. 2018 ESC/ESH         Guidelines       for       the management of arterial hypertension: The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Cardiology and the European Society of Hypertension. Journal of Hypertension. 2018;36(10):1953-2041. doi:10.1097/HJH.0000000000001940
  4. Nuckton TJ, Glidden DV, Browner WS. Physical Examination: Mallampati Score as an        Independent        Predictor of Obstructive               Sleep    Sleep. 2006;29(7):903-908. doi:10.1093/sleep/29.7.903
  5. American Diabetes Association. 2. Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes—2020. Dia Care. 2020;43(Supplement 1):S66-S76. doi:10.2337/dc20-S006
  6. Chung F, Yegneswaran B, Liao P, et al. STOP   Anesthesiology. 2008;108(5):812-821. doi:10.1097/ALN.0b013e31816d83e4
  7. Chung F, Subramanyam R, Liao High STOP-Bang score    indicates          a          high probability of obstructive sleep apnoea. British  Journal            of         Anaesthesia. 2012;108(5):768-775. doi:10.1093/bja/aes022
  8. Subramanian A, Adderley NJ, Tracy A, et al. Risk of Incident Obstructive Sleep Apnea Among Patients With Type 2 Diabetes. Dia Care. 2019;42(5):954-963. doi:10.2337/dc18-2004
  9. Zhang R, Guo X, Guo L, Lu J, Zhou X, Ji
  10. Prevalence and associated factors of obstructive sleep apnea in hospitalized patients with type 2 diabetes in Beijing, China Journal of Diabetes. 2015;7(1):16- 23. doi:10.1111/1753-0407.12180
  11. Umoh V, Akpan E, Ekrikpo The risk of obstructive sleep apnea among patients with type 2 diabetes mellitus. Niger Med J. 2020;61(1):32.doi:10.4103/nmj.NMJ_129_19
  1. Abdissa D. Prevalence of obstructive sleep apnea risk and associated factors among patients with type 2 diabetes mellitus on follow up at Jimma Medical Center, Southwest Ethiopia. Journal of Clinical & Translational Endocrinology. 2020;21:100234. doi:10.1016/j.jcte.2020.100234
  2. Nguyễn Thanh Bình. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, đa kí giấc ngủ và hiệu quả của thở áp lực dương trong điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn năm 2012.
  3. Nguyen Cam Anh. Prevalence and risk factor of obstructive sleep apnea syndrome in patient hospitalize in Bach Mai respiratory center. Bachelor of science in nuring, Ha Noi Medical University,
  4. Nguyen Vu Hoang Relation between risk factors of obstructive sleep apnea and critical respiratory events among patients undergoing bronchoscopy with intravenous anesthesia at Bach Mai hospital, 2020.
Print Friendly, PDF & Email

About Huỳnh Tâm Nguyện

Học Y đa khoa tại trường Đại học Tây Nguyên

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …