Một số yếu tố liên quan với ngã ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương

MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI NGÃ Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN LÃO KHOA TRUNG ƯƠNG

Nguyễn Trung Anh1,2, Nguyễn Thị Thu Hương1,2, Nguyễn Ngọc Tâm1,2, Vũ Thị Thanh Huyền1,2

1Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 2Trường Đại học Y Hà Nội

DOI: 10.47122/vjde.2022.52.8

ABSTRACT

Background: Fall is a common condition in especially elderly people with diabetes and has many risk factors. Objective: To explore associated factors with fall in elderly patients with type 2 diabetes mellitus. Methodology: A cross-sectional descriptive study on 228 patients ≥ 60 years old at the  National Hospital of Geriatrics from February to August 2018 diagnosed with type 2 diabetes according to WHO 2006 criteria. Patients were interviewed using a designed questionnaire including the history of falls in the past 12 months, body mass index (BMI), HbA1C levels, diabetes complications and depression. Results: The rate of falls in the last 12 months of the study subjects was 31.1%. Elderly diabetic patients with advanced age, depression and using many drugs had a higher rate of falls in the past 12 months than patients of younger age, without depression and not using many drugs (with p<0.05). Gender, BMI, duration of diabetes, HbA1c levels, peripheral neuropathy and diabetic eye complications were not associated with falls (p>0.05). Conclusion: The rate of falls in elderly diabetic patients is quite high. Factors associated with falls in elderly diabetic patients are: advanced age, depression, and multiple drug use.

Keywords: Diabetes, falls, elderly.

TÓM TẮT

Tổng quan: Ngã là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi đặc biệt là người cao tuổi mắc ĐTĐ và có nhiều yếu tố nguy cơ. Mục tiêu: Tìm hiểu một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 228 bệnh nhân ≥ 60 tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2018 được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn WHO 2006. Các BN được phỏng vấn bằng bộ câu hỏi thống nhất đánh giá tỷ lệ ngã trong 12 tháng qua, chỉ số khổi cơ thể (BMI), nồng độ HbA1C, biến chứng ĐTĐ và trầm cảm. Kết quả: Tỷ lệ ngã trong 12 tháng qua của đối tượng nghiên cứu là 31,1%. Bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi có tuổi cao, trầm cảm và sử dụng nhiều thuốc có tỉ lệ ngã trong 12 tháng qua cao hơn so với bệnh nhân tuổi thấp hơn, không trầm cảm và không sử dụng nhiều thuốc (với p<0,05). Giới, BMI, thời gian mắc ĐTĐ, nồng độ HbA1c, biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng mắt do ĐTĐ không có mối liên quan với ngã (p>0,05). Kết luận: Tỉ lệ ngã ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi khá cao. Các yếu tố liên quan với ngã ở BN ĐTĐ cao tuổi là: tuổi cao, trầm cảm và sử dụng nhiều thuốc

Từ khóa: Đái tháo đường, ngã, người cao tuổi.

Tác giả liên hệ: Nguyễn Trung Anh

Email: [email protected]

Ngày nhận bài: 01/03/2022

Ngày phản biện khoa học: 14/03/2022

Ngày duyệt bài: 30/03/2022

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và là một gánh nặng lớn cho xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO) đến 2030 sẽ có hơn nửa số mắc ĐTĐ trên thế giới là dân châu Á và hơn phân nửa số bệnh nhân này trên tuổi 60 (53%) [1].

Cùng với già hóa dân số tăng nhanh trên toàn thế giới, ĐTĐ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do biến chứng cũng như gia tăng suy giảm hoạt động chức năng hàng ngày và tăng nguy cơ ngã ở người cao tuổi.

Ngã là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi đặc biệt là người cao tuổi mắc ĐTĐ. Theo nghiên cứu của Azidah (2012) tại Malaysia, đánh giá tỷ lệ và các yếu tố nguy cơ của ngã trên 288 bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, kết quả: tỷ lệ ngã ở nhóm nghiên cứu là 18,8% [2]. Nghiên cứu của Yang Yu và cộng sự (2016) trên 14685 bệnh nhân: tỷ lệ ngã ở bệnh nhân bị ĐTĐ và không bị ĐTĐ tương ứng là 25% và 18,2% (p<0,05) [3].

Với bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, ngoài những nguy cơ rủi ro do ngã tăng theo tuổi, các nghiên cứu đã chỉ ra bệnh nhân cao tuổi có ĐTĐ tăng gấp 2,5 lần nguy cơ chấn thương do ngã cũng như nguy cơ gãy xương cao hơn [4]. Ngoài những bất lợi do ngã dẫn đến gãy xương ở người cao tuổi, một hoặc hai trong những bất lợi này cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với bệnh nhân cao tuổi có ĐTĐ, như cả gãy xương và các chấn thương đều cần thời gian lâu hơn để liền vết thương và những trường hợp phải phẫu thuật để kết hợp xương thì tăng nguy cơ bị nhiễm trùng [5].

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có liên quan với tăng nguy cơ ngã ở người bệnh ĐTĐ như tuổi cao, bệnh đồng mắc, rối loạn thăng bằng, cảm giác sợ ngã…[6-8]. Tuy nhiên còn nhiều yếu tố liên quan tới ngã cũng chưa được hiểu biết rõ rang đặc biệt ở đối tượng người cao tuổi mắc ĐTĐ. Ngã có thể phòng tránh được nếu phát hiện sớm và dự phòng được các yếu tố nguy cơ.

Ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tình trạng ngã và các yếu tố liên quan ở BN ĐTĐ cao tuổi. Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài này với mục tiêu tim hiểu các yếu tố liên quan tới ngã trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 cao tuổi điều trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương.

2.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 2 đến tháng 8/2018. Tiêu chuẩn lựa chọn: bệnh nhân tuổi ≥ 60, được chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn của WHO-2006 [9]. Tiêu chuẩn loại trừ:  bệnh nhân bị biến chứng cấp tính nặng hoặc không hoàn thành bộ câu hỏi hoặc bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu quan sát mô tả.

2.3.  Các biến số nghiên cứu

  • Các biến số về thông tin chung của BN: tuổi, giới, chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI), thời gian mắc ĐTĐ, nồng độ HbA1C trong vòng 3 tháng gần nhất, biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng mắt do ĐTĐ.
  • Tiền sử ngã trong 12 tháng qua:

Định nghĩa ngã theo WHO: “Ngã là trạng thái người bệnh vô tình bị rơi xuống mặt đất, nền nhà hoặc các mặt phẳng khác” [10]. Xác định tình trạng ngã bằng bộ câu hỏi: số lần ngã trong 1 năm (12 tháng) vừa qua thông qua phỏng vấn bệnh nhân và gia đình hoặc người chăm sóc.

  • Đánh giá trầm cảm

Đánh giá trầm cảm bằng thang điểm Geriatric Depression Scale 15-items (GDS- 15), gômg 15 câu hỏi trả lời có/không, tổng điểm tối đa: 15 điểm. Bệnh nhân được đánh giá là có trầm cảm nếu tổng điểm GDS-15 > 5 điểm.

  • Số thuốc bệnh nhân sử dụng: đánh giá thông qua số loại thuốc (bao gồm cả vitamin) mà bệnh nhân đang sử dụng thông qua hồ sơ bệnh án, đơn thuốc kết hợp phỏng vấn bệnh nhân và gia đình hoặc người chăm sóc.

2.4.  Phương pháp thu thập số liệu

Các thông tin về đối tượng và các xét nghiệm được thu thập thông qua phỏng vấn theo bộ câu hỏi thống nhất, khám lâm sàng, xét ngiệm, thực hiện các test đánh giá và tham khảo trong hồ sơ quản lý bệnh tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

2.5.  Xử lý số liệu

Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 22.0. Xác định các tỷ lệ %, trị số trung bình, độ lệch chuẩn. So sánh sự khác biệt của các tỷ lệ % theo test khi bình phương và so sánh giá trị trung bình của các nhóm theo t-test với mức khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

3.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện trên 228 bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 73,1±8,3 (năm), nhóm tuổi 70-79 chiếm đa số 44,3%. Tỉ lệ nữ giới chiếm đa số là 68,0%. BMI trung bình của đối tượng nghiên cứu là 22,4±3,6 (kg/m2), trong đó nhóm thừa cân, béo phì chiếm tỉ lệ cao nhất (44,1%). Tỉ lệ bệnh nhân có ngã trong vòng 12 tháng qua là 31,1%.

Bảng 1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

  • Một số yếu tố liên quan với ngã ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi

Bảng 2. Mối liên quan giữa đặc điểm chung và ngã

Tuổi trung bình ở nhóm có ngã cao hơn so với nhóm không ngã, với p < 0,05. Tỉ lệ ngã tăng theo độ tuổi, cao nhất ở nhóm tuổi ≥ 80 (53,4%), thấp nhất ở nhóm tuổi 60 – 69 (17,4%), với p < 0,05. Không có sự khác biệt về giới, BMI giữa 2 nhóm ĐTĐ cao tuổi có ngã và không có ngã (Bảng 2).

Bảng 3. Mối liên quan giữa đặc điểm bệnh đái tháo đường và ngã

Không có mối liên quan giữa ngã với thời gian mắc bệnh ĐTĐ, với nồng độ HbA1C, biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng mắt do ĐTĐ (p>0,05).

Bảng 4. Mối liên quan giữa trầm cảm, số thuốc đang dùng và ngã

Trầm cảm, sử dụng nhiều thuốc có mối liên quan tới tiền sử ngã trong 12 tháng qua ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi (p <0,05).

4.  BÀN LUẬN

Qua nghiên cứu trên 228 bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, kết quả cho thấy 31,1% bệnh nhân có tiền sử ngã trong vòng 12 tháng qua. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự nhiều nghiên cứu khác là tỉ lệ ngã ở bệnh nhân cao

tuổi có ĐTĐ khá cao. Nghiên cứu của Mathew S. Maurer và cộng sự trên 139 bệnh nhân có độ tuổi 70 – 105, kết quả cho thấy tỷ lệ ngã ở bệnh nhân có ĐTĐ và không ĐTĐ tương ứng là 78% và 30% (p<0,001) [6].

Nghiên cứu của Yuko Chiba và cộng sự (2015) trên 211 bệnh nhân (gồm 168 có ĐTĐ và 43 không có ĐTĐ) tại bệnh viện lão khoa Tokyo Nhật Bản, cho kết quả: tỷ lệ bệnh nhân có ngã trong năm ở nhóm bị ĐTĐ cao gấp 2 lần so với nhóm không bị ĐTĐ (36,9 % và 18,6 %, p<0,05) [11]. Nghiên cứu của Yang Yu và cộng sự (2016) trên 14685 bệnh nhân: tỷ lệ ngã ở bệnh nhân bị ĐTĐ và không bị ĐTĐ tương ứng là 25% và 18,2% (p<0,05) [3]. Quá trình lão hóa tăng theo tuổi kèm theo các bệnh lý đồng mắc, các hội chứng lão khoa…làm gia tăng nguy cơ ngã cho bệnh nhân ĐTĐ.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan giữa ngã và tuổi. Tuổi càng cao tỉ lệ ngã càng cao. Tuổi trung bình của bệnh nhân có ngã trong 1 năm qua là 76,7 ± 8,3 cao hơn so với nhóm không có ngã là 71,5 ± 7,8. Tỉ lệ ngã trong 1 năm qua tăng dần theo phân nhóm tuổi, chiếm 16,9% ở nhóm 60 – 69 tuổi, 39,4% ở nhóm 70 – 79 tuổi, 43,7% ở nhóm ≥ 80 tuổi. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của A. K. Azidah (2012) , tuổi ≥ 75 là yếu tố dự báo nguy cơ ngã ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi với (OR 2.97, 95% CI: 1.12 – 7.87, p = 0,028) [2].

Kết quả của chúng tôi khác với nghiên cứu của Chiba (2015), không có sự khác biệt về tuổi trung bình của 2 nhóm bệnh nhân ĐTĐ có ngã và không có ngã [11].

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa ngã với giới, BMI với tỉ lệ ngã trong 12 tháng qua. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của Chiba (2015), không có mối liên quan giữa giới, BMI ở 2 nhóm ĐTĐ không ngã và có ngã [11]. Điều này có thể do cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn để thấy sự khác biệt này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa ngã với thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ. Kết quả của chúng tôi khác so với nghiên cứu của Yau (2013) ghi nhận thời gian bị bệnh lâu năm làm tăng nguy cơ chấn thương do ngã phải nhập viện [12]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy không có mối liên quan giữa ngã với nồng độ HbA1C.

Kết quả của chúng tôi khác với một số nghiên cứu khác cho kết quả về mối quan hệ giữa HbA1C và nguy cơ ngã có đồ thị giống hình chữ U theo các mức khác nhau của HbA1C. Ví dụ, Yau và cộng sự đã báo cáo rằng tăng đường huyết (HbA1C > 8%) cũng như cân bằng kém đều là nguy cơ của tổn thương do ngã phải nhập viện của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi [12].

Ngược lại, Nelson (2007) đã chứng minh rằng đối tượng bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ≥ 75 tuổi có nguy cơ của ngã tăng lên rõ rệt khi HbA1C ≤ 7 %, không kể tới tình trạng suy yếu của họ [10]. Thêm vào đó, nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả: không có mối liên quan giữa ngã với các biến chứng bệnh ĐTĐ như biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng mắt. Điều này có thể do nghiên cứu cắt ngang và cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn, cần có những nghiên cứu theo dõi dọc với cỡ mẫu lớn hơn trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan giữa ngã với trầm cảm và số lượng thuốc bệnh nhân sử dụng. Bệnh nhân ĐTĐ có trầm cảm thì có tỉ lệ ngã cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không trầm cảm. Kết quả này cũng tương tự kết quả của Chiba cho thấy điểm trầm cảm GDS-15 ở nhóm không ngã là 3.4 ± 2.8 thấp hơn ở nhóm có ngã là 4.7 ± 3.2 (p<0,05) [11].

Bệnh nhân sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc có liên quan với tỉ lệ ngã cao hơn, là do các tương tác và các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị. Điều này nhấn mạnh vai trò của nhân viên y tế trong việc sàng lọc sớm trầm cảm cũng như kiểm soát tốt thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng góp phần làm giảm nguy cơ ngã cho người bệnh.

5.  KẾT LUẬN

Tỉ lệ ngã ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi khá cao. Các yếu tố liên quan với ngã ở BN ĐTĐ cao tuổi là: tuổi cao, trầm cảm và sử dụng nhiều thuốc. Trong thực hành lâm sàng cần thiết phải có các biện pháp sàng lọc sớm và dự phòng ngã ở các đối tượng trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gupta V and Suri P (2002). Diabetes in Elderly patients. JK Pract 91(4), 258 – 259.
  2. A. K, Hasniza. H, and Zunaina. E, Prevalence of Falls and Its Associated Factors among Elderly Diabetes in a Tertiary Center, Malaysia. Curr Gerontol Geriatr Res, 2012. 2012: p. 539073.
  3. Yu, et al., Diabetes mellitus and risk of falls in older adults: a systematic review and meta-analysis. Age and ageing, 2016. 45(6): p. 761-767.
  4. R, M., Falls Injuries and Type 2 Diabetes: Background and Future Directions. Austin J Endocrinol Diabetes, 2014. 1(4): p. 1016.
  5. C, Paul .L, Ellis .BM, et al. (2010). Lower-limb risk factors for falls in people with diabetes mellitus. Diabet Med,27, 162 – 168.
  6. Maurer M. S, Burcham J, and Cheng H, Diabetes mellitus is associated with an increased risk of falls in elderly residents of a long-term care J Gerontol A Biol Sci Med Sci, 2005. 60(9): p. 1157-62.
  7. Rubenstein L. Z, Falls in older people: epidemiology, risk factors and strategies for prevention. Age Ageing, 2006. 35 Suppl 2: p. ii37-ii41.
  8. Volpato S, Leveille S. G, and Blaum C, Risk Factors for Falls in Older Disabled Women With Diabetes: The Women’s Health and Aging Journal of Gerontology, 2005. 60A(12): p. 1539– 1545.
  9. Organization, W.H. DEFINITION AND DIAGNOSIS OF DIABETES MELLITUS AND INTERMEDIATE HYPERGLYCEMIA.     2006;   Available from: http://www.who.int/diabetes/publications/ diagnosis_diabetes2006/en/index.html.
  10. , N.J., D. K., and C.P. F., The relationship between glycemic control and falls in older adults. J Am Geriatr Soc, 2007. 55(12): p. 2041-4.
  11. Y, et al., Risk factors associated with falls in elderly patients with type 2 diabetes. Journal of Diabetes and Its Complications, 2015. 29(7): p. 898-902.
  12. Yau R. K, et al., Diabetes and risk of hospitalized fall injury among older adults. Diabetes Care, 2013. 36(12): p. 3985-91.
Print Friendly, PDF & Email

About Huỳnh Tâm Nguyện

Học Y đa khoa tại trường Đại học Tây Nguyên

Check Also

Một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống liên quan sức khỏe của trẻ mắc tăng sản thượng thận bẩm sinh

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG LIÊN QUAN SỨC KHỎE …