Tỉ lệ đối tượng tiền đái tháo đường tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu – BV Bạch Mai

TỈ LỆ ĐỐI TƯỢNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI KHOA KHÁM

CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU – BV BẠCH MAI

PGS.TS. Đỗ Trung Quân

Đại Học Y Hà Nội

ABSTRACT

PREVALENCE OF PREDIABETES IN OUT – PATIENT DEPARTMENT OF BACH MAI HOSPITAL

Objective: To estimate the prevalence of prediabetes in out – patient department of Bach mai hospital. Research subjects: Healthy Vietnamese people from 30 to 69 years old had their health care in out – patient department from 2/2012 to 10/2012. Methods: descritive cross-sectional study.Results and conclusions: The prevalence of prediabetes is 38% in which female is 68,5%. This rate increases with age, lowest in aged 30 – 39 and highest in aged 60 – 69

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nhận xét tỉ lệ đối tượng tiền đái tháo đường tại khoa KCBTYC – Bệnh viện Bạch mai .Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là những người Việt Nam khoẻ mạnh, tuổi từ 30 – 69 đến khám sức khoẻ tại khoa KCBTYC – Bệnh viện Bạch mai từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2012.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

Kết quả và kết luận: Tỉ lệ tiền đái tháo đường là 38%, trong đó chủ yếu là nữ giới chiếm đến 68,5%. Tỉ lệ tiền đái tháo đường tăng dần theo tuổi, thấp nhất là ở nhóm tuổi 30 – 39 và cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69.

Chịu trách nhiệm chính: Đỗ Trung Quân

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường máu cao hơn mức bình thường, nhưng chưa đủ đến mức chẩn đoán là đái tháo đường (ĐTĐ) khi làm xét nghiệm đường máu lúc đói hoặc sau nghiệm pháp dung nạp glucose. Tiền ĐTĐ bao gốm: rối loạn dung nạp glucose (IGT) và rối loạn glucose máu lúc đói (IFG) [2].

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ. Tại Hoa Kỳ, theo National Diabetes Fact Sheet năm 2011[4] có 79 triệu người mắc tiền ĐTĐ, chiếm 25,4% dân số. Theo NHS tại Singapore năm 2004, có tới 12 % dân số ở tuổi từ 18 đến 69 bị tiền ĐTĐ [5]

Ở Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tình trạng tiền ĐTĐ. Tuy nhiên, theo ước tính có khoảng 12% dân số đang ở trong giai đoạn tiền ĐTĐ và hầu hết với nhóm này việc tiến triển thành ĐTĐ sẽ diễn ra trong vòng 10 năm tiếp theo, 50% trong số đó sẽ có nguy cơ về tim mạch hoặc đột quỵ [1]. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu :

Nhận xét tỉ lệ đối tượng tiền ĐTĐ tại khoa KCBTYC – Bệnh viện Bạch mai.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu gồm 1054 người khoẻ mạnh, tuổi từ 30 – 69.       Đối tượng được chẩn đoán ĐTĐ theo ADA 2011 , khi có ít nhất 2 trong số các tiêu chuẩn sau: 1/ HbA1c ³ 6,5%, làm tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn ; 2 / Đường máu đói ³ 126mg/dl (7,0mmol/l) ; 3/ Đường máu 2 giờ ³ 200mg/dl (11,1 mmol/l) khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose 4/ Bệnh nhân có triệu chứng cổ điển của ĐTĐ kèm theo xét nghiệm đường máu ngẫu nhiên ³ 200mg/dl (11,1 mmol/l)

Đối tượng được chẩn đoán xác định tiền ĐTĐ theo ADA 2003 [3], khi có ít nhất 1 trong 2 tiêu chuẩn sau: 1/ Đường máu 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose từ 7,8 mmol/l (140mg/dl) đến < 11,1 mmol/l (200mg/dl) ; 2/ Đường máu đói từ 5,6 mmol/l (100 mg/dl) đến < 7 mmol/l (126 mg/dl).

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu : nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.2. Các biến số nghiên cứu : thông tin thu thập theo mẫu bệnh án chung, bao gồm tuổi, giới, BMI, Vòng eo, huyết áp, đường máu lúc đói, đường máu 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose.

2.3. Xử lý số liệu : sử dụng phần mềm thống kê y học SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu

1.1. Tuổi

Bảng 1.1. Phân bố đối tượng theo nhóm tuổi

Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 48,6 ± 9,32, thấp nhất là 30, cao nhất là 69. Tuổi trung bình của nam là 47,8 ± 9,71, của nữ là 49,0 ± 9,11. Nhóm tuổi 30 – 39 chiếm 18,7 %, nhóm tuổi 40 – 49 chiếm 33,1 %, cao nhất ở nhóm tuổi 50 – 59 với 35,0 %, nhóm tuổi 60 – 69 chiếm 13,2 %.

1.2. Giới tính

Trong 1054 đối tượng nghiên cứu có 332 nam chiếm 31,5% và 722 người nữ chiếm 68,5%. Như vậy, tỷ lệ nữ gặp nhiều hơn nam.

Biểu đồ 1.1. Phân bố theo giới

1.3. BMI

Bảng 1.2. Chỉ số BMI theo giới tính

BMI trung bình của cả hai giới là 22,6 ± 2,88 kg/m2, thấp nhất là 15,2 kg/m2, cao nhất là 49 kg/m2. BMI trung bình của nam là 22,8 ± 2,79 kg/m2, của nữ là 22,6 ±2,92 kg/m2. BMI trung bình của hai giới khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

1.4. Vòng eo

Bảng 1.3. Chỉ số vòng eo theo giới tính

 

Vòng eo trung bình cho cả hai giới là 79,8 ± 8,49cm, thấp nhất là 62cm, cao nhất là 111cm. Vòng eo trung bình ở nam là 82,1 ± 7,86cm, lớn hơn ở nữ giới là

78,7 ± 8,57cm, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.

Tỷ lệ vòng eo tăng chung cả nam và nữ là 32,1%, ở riêng nam là 15,4%, ở riêng nữ là 39,8%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p < 0,05.

2. Tỉ lệ tiền ĐTĐ của nhóm nghiên cứu

Biểu đồ 1.3. Tỉ lệ tiền ĐTĐ của nhóm nghiên cứu

3. Đặc điểm glucose máu của nhóm nghiên cứu

3.1. Đặc điểm glucose máu lúc đói theo giới

Bảng 1.5  Đặc điểm G0 theo giới

Đường máu đói trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 5,52 ± 1,01mmol/l, thấp nhất là 3,9mmol/l, cao nhất là 16,6mmol/l, ở nam là 5,56 ± 1,10mmol/l, ở nữ là 5,46 ± 0,96mmol/l, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nam và nữ (p > 0,05). Tỷ lệ người có G0 bình thường là 65,5%, tỷ lệ mắc IFG là 30%, tỷ lệ mắc ĐTĐ theo G0 là 4,5 %.

3.2. Đặc điểm đường máu lúc đói theo nhóm tuổi

Giá trị G0 trung bình theo nhóm tuổi 30-39 là 5,31 ± 1,07mmol/l, 40 – 49 là 5,37 ± 0,75mmol/l, 50 – 59 là 5,68 ± 1,06mmol/l, 60 – 69 là 5,79 ± 1,22mmol/l. Giá trị G0 tăng dần theo các nhóm tuổi, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. (p < 0,001). Tỷ lệ đối tượng bị rối loạn đường máu đói và ĐTĐ cũng tăng dần theo tuổi, thấp nhất ở nhóm tuổi 30 – 39 với 18,8 % IFG và 1,5% ĐTĐ, cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69 với 39,6% IFG và 7,2% ĐTĐ.

Bảng 1.6. Đặc điểm G0 theo nhóm tuổi

3.3. Đặc điểm G2 theo giới :

Đường máu trung bình sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose của các đối tượng là 7,85 ± 2,56mmol/l, thấp nhất là 3,3mmol/l, cao nhất là 24,2mmol/l. Trung bình G2 ở nam là 7,77 ± 3,01mmol/l, ở nữ là 7,89 ± 2,32mmol/l, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trung bình G2 giữa nam và nữ  (p > 0,05). Dựa vào kết quả G2 chúng tôi thấy tỷ lệ người có G2 bình thường là 62.5%, tỷ lệ người mắc IGT là 29,5%, mắc ĐTĐ là 8%.

Bảng 1.7.  Đặc điểm G2 theo giới

3.4. Đặc điểm G2 theo nhóm tuổi

Bảng 1.8 Đặc điểm G2 theo nhóm tuổi

Giá trị G2 trung bình theo nhóm tuổi 30 – 39 là 7,16 ± 1,98mmol/l, ở nhóm tuổi 40 – 49 là 7,51 ± 2,36mmol/l, ở nhóm tuổi 50 – 59 là 8,28 ± 2,76mmol/l, ở nhóm tuổi 60 – 69 là 8,57 ± 2,82 mmol/l. Giá trị trung bình G2 tăng dần theo các nhóm tuổi, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,001)

Tỷ lệ đối tượng bị rối loạn dung nạp glucose và ĐTĐ cũng tăng dần theo tuổi, thấp nhất ở nhóm tuổi 30 – 39 với 19,8% IGT và 2,5% ĐTĐ, cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69 với 42,4% IFG và 11,5% ĐTĐ.

3.5. Kết quả G2 trên những người có IFG

Trong nghiên cứu có 316 người  IFG (30%).

Bảng 1.10.  Kết quả G2 trên những người có IFG

Ở những người có rối loạn đường máu đói, làm nghiệm pháp dung nạp glucose thì có 55,1% mắc IGT, ĐTĐ là 13,9%, 31% có G2 bình thường.

IV. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm của nhóm nghiên cứu 

4.1.1. Về tuổi và giới: Chúng tôi tiến hành đề tài ở 1054 người đến khám sức khỏe định kỳ tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: tuổi trung bình là 48,6 ± 9,32, tuổi thấp nhất là 30 và cao nhất là 69. Tuổi trung bình của nam là 47,8 ± 9,71, của nữ là 49,0 ± 9,11. Nhóm tuổi 30 – 39 chiếm 18,7 %, nhóm tuổi 40 – 49 chiếm 33,1 %, cao nhất ở nhóm tuổi 50 – 59 với 35,0 %, nhóm tuổi 60 – 69 chiếm 13,2 %.

Nghiên cứu của chúng tôi, phân bố tỷ lệ nữ là 68,5%, nam là 31,5%. Trong 400 người mắc tiền ĐTĐ, tỷ lệ nữ là 274 người, cũng chiếm tỷ lệ 68,5%. Như vậy tỷ lệ tiền ĐTĐ ở nam và nữ là tương đương nhau, tức là phân bố theo giới ở người tiền ĐTĐ trong nghiên cứu này là nam/nữ = 1/2,2. Theo Cao Mỹ Phượng nghiên cứu 143 người bị tiền ĐTĐ thuộc tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ nam/nữ là 1/1,8 [25]. Tỷ lệ nữ/nam cao còn thấy trong Diabcare – Asia (1998) và Diabcare Việt Nam (1998 – 2003) là 1/2.

Vấn đề là tại sao nữ lại mắc tiền ĐTĐ nhiều hơn ở nam? Theo chúng tôi, có thể do tỷ lệ thừa cân và béo phì ở nữ cao hơn ở nam, đặc biệt là béo bụng ở nữ cao hơn ở nam, ở phụ nữ trên 45 tuổi có thể liên quan tới tiền mãn kinh và mãn kinh làm cho nguy cơ RLLP máu, tiền ĐTĐ tăng lên, hay ý thức khám sức khỏe định kỳ của nữ cao hơn ở nam.

4.1.2. Về các chỉ số nhân trắc

Vòng eo

VE trung bình là 79,8 ± 8,49cm, của nam là 82,1 ± 7,86cm, nữ là 78,7 ± 8,57 cm, kết quả này tương đương của Khăm Phoong Phu Vông nghiên cứu trên 358 người có số đo VE trung bình là 79,34 ± 8,30cm. Chúng tôi cũng phân tích tỷ lệ tăng VE theo từng nhóm tuổi, kết quả ở biểu đồ 3.3 cho thấy, tỷ lệ tăng VE tăng dần theo tuổi, kết quả này cũng tương đương như các nghiên cứu ở trong nước. Nghiên cứu của Trần Thị Đoàn cho thấy VE trung bình là 81,4 ± 8,0 cm, kết quả này cao hơn của chúng tôi vì nghiên cứu trên đối tượng tiền ĐTĐ, còn chúng tôi nghiên cứu trên đối tượng khỏe mạnh.

BMI

Trong nghiên cứu của chúng tôi, BMI trung bình cho cả 2 giới là 22,6 ± 2,88 kg/m2 , ở nam là 22,8 ± 2,79 kg/m2,ở nữ là22,6 ± 2,92 kg/m2. Nghiên cứu khác ở trong nước cũng cho thấy, người Việt Nam nói chung có chỉ số khối cơ thể thấp hơn một số nước châu Á, người Singapore có BMI trung bình là 25,1 kg/m2,  Malaysia là 25,9 kg/m2, người Nhật là 24,0 kg/m2. Kết quả  của chúng tôi cũng cho thấy phù hợp với kết luận trên.

4.2. Tỉ lệ tiền ĐTĐ

4.2.1. Dựa vào đường máu lúc đói: Nghiên cứu của chúng tôi, xét nghiệm đường máu đói của 1054 đối tượng thu được kết quả là 65,5% có G0 bình thường, 30% mắc IFG và 4,5% mắc ĐTĐ. Tỷ lệ này ở nam là 60,9%, 33,4% , 5,7% và ở nữ là 67,7%, 28,4%, 3,9%. (bảng 3.7). Nghiên cứu của Hoàng Kim Ước, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Lê Minh tại Thái Nguyên (2006), đối tượng từ 25 – 69 tuổi cho thấy tỷ lệ ĐTĐ type 2 là 5,3% và rối loạn glucose máu lúc đói là 22,8% [34]. Kết quả này thấp hơn của chúng tôi vì nghiêu cứu từ tuổi 25 đến 69, còn chúng tôi nghiên cứu từ tuổi 30 đến 69.

4.2.2. Dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose. Trong nghiên cứu của chúng tôi, nghiệm pháp dung nạp glucose được tiến hành trên tất cả các đối tượng nghiên cứu. Kết quả như ở bảng 3.9 cho thấy có 29,5% tiền ĐTĐ, 8% là ĐTĐ. Ở nam, tỷ lệ đó là 24,1% và 9%, ở nữlà 32% và 7,5%. Phân tích kết quả trong 400 người mắc tiền ĐTĐ, có 98 người chỉ có IFG chiếm 24,5%, 128 người chỉ có IGT chiếm 32%, 174 người có cả IFG và IGT chiếm 43,5%.Phân tích kết quả làm nghiệm pháp dung nạp glucose ở 316 người có rối loạn đường máu đói (30%), chúng tôi thấy: có 55,1% là tiền ĐTĐ, 13,9% là ĐTĐ, 31 % cho kết quả bình thường. Nghiên cứu của Dương Bích thuỷ, Trương Dạ Uyên trên 247 trường hợp có rối loạn đường máu lúc đói sau khi tiến hành nghiệm pháp tăng đường máu thì thấy có 38,9% có rối loạn dung nạp glucose máu, 22,7% được xác định là đái tháo đường typ 2 và 38,4% dung nạp glucose
bình thường.

V. KẾT LUẬN. Tỉ lệ tiền ĐTĐ của nhóm nghiên cứu là 38%

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2004): “Dịch tễ học bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và dự phòng”.
  2. Trần Hữu Dàng (2010): “Tiền đái tháo đường”, Y HTH, 710 – 711, Tr 10 – 12.
  3. Nguyễn Văn Nam (2010): “Nghiên cứu tình hình bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế 2010”, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y – Dược Huế.
  4. National Diabetes Fact Sheet (2011): “Fast facts on diabetes”, pp.1.
  5. National Health Survey (2004), pp. 19.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …