Tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta tại thời điểm mang thai và sau sinh 12 tuần ở bệnh nhân Đái tháo đường thai kỳ được điều trị tại khoa điều trị ban ngày bệnh viện Nội tiết Trung ương

TÌNH TRẠNG KHÁNG INSULIN VÀ CHỨC NĂNG TẾ BÀO BETA TẠI THỜI ĐIỂM MANG THAI VÀ SAU SINH 12 TUẦN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TẠI KHOA ĐIỀU TRỊ BAN NGÀY BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG

Phan Hướng Dương, Nguyễn Thu Hiền, Phạm Thị Hoa, Vũ Quỳnh Trang

Bệnh viện Nội tiết Trung ương

DOI: 10.47122/VJDE.2023.60.3

 

ABSTRACT

Insulin resistance and beta-cell function at pregnancy and 12 weeks postpartum in gestational diabetes patients treated in the It is recommended that all patients with gestational diabetes (GDM) be screened for diabetes at 4–12 weeks postpartum with a glucose tolerance test. However, in Vietnam, there is no follow-up study on blood glucose disturbance at 12 weeks postpartum in patients with previously diagnosed gestational diabetes. The question is: how do insulin resistance and beta cell function in gestational diabetes patients change before and after birth? Therefore, the study was conducted with the following objectives: Describe insulin resistance and beta cell function in patients with gestational diabetes at the time of pregnancy and 12 weeks postpartum. The study conducted on 159 patients with gestational diabetes treated at the Day Treatment Department of the Central Hospital of Endocrinology, we drew some conclusions: Compared with the control group, insulin resistance and beta cell function decline in gestational diabetes patients were higher at time points after birth, with p<0.001. At 12 weeks postpartum, in the gestational diabetes group, there was a clear difference in insulin resistance between the subgroups: the highest in the diabetes group, then the pre-diabetes group, and the lowest in the normal blood sugar group: levels of insulin, C-peptide, HOMA-%IR gradually decreased and HOMA-%S increased. Group of patients diagnosed with diabetes at 12 weeks postpartum, the parameters of blood sugar, insulin, HOMA-% IR and HOMA- %B changed without statistical significance. Only the HOMA-%S parameter increased statistically. Keywords: insulin resistance; Beta cell function; Gestational diabetes

TÓM TẮT

Theo khuyến cáo, tất cả những bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ TK) cần được sàng lọc đái tháo đường tại thời điểm 4 – 12 tuần sau sinh bằng nghiệm pháp dung nạp glucose. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu nào theo dõi về tình trạng rối loạn glucose máu tại thời điểm 12 tuần sau sinh ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ trước đó, đồng thời, một câu hỏi được đặt ra là tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta ở BN ĐTĐ TK có thay đổi như thế nào trước và sau sinh?. Do đó, nghiên cứu được tiến hành nhằm mục tiêu: Mô tả tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta ở BN ĐTĐ TK tại thời điểm mang thai và sau sinh 12 tuần. Qua nghiên cứu ở 159 BN ĐTĐ TK được điều trị tại khoa Điều trị Ban ngày – Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng tôi rút ra một số kết luận: So với nhóm chứng, tình trạng kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào beta ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ đều cao hơn ở thòi điểm 12 tuần sau sinh với p < 0,001. Tại thời điểm 12 tuần sau sinh, trong nhóm ĐTĐ TK, tình trạng kháng insulin có sự khác biệt rõ giữa các nhóm: cao nhất ở nhóm ĐTĐ, sau đó là nhóm tiền ĐTĐ và thấp nhất ở nhóm đường huyết trở lại bình thường: nồng độ insulin, C-peptide, HOMA-%IR giảm dần và HOMA-%S tăng lên. Nhóm bệnh nhân chẩn đoán ĐTĐ tại thời điểm 12 tuần sau sinh, các chỉ số về đường huyết, insulin, HOMA-%IR và HOMA-%B thay đổi không có ý nghĩa thống kê so với trước sinh; chỉ có chỉ số HOMA-%S tăng có ý nghĩa thống kê.

Từ khóa: Kháng insulin; Chức năng tế bào Beta; Đái tháo đường thai kỳ

Tác giả liên hệ: Phan Hướng Dương

Email: [email protected] Ngày nhận bài: 18/3/2023

Ngày phản biện khoa học: 23/3/2023 Ngày duyệt bài: 25/3/2023

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ TK) là bệnh lý có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Cứ 7 trẻ em được sinh ra thì có 1 trẻ bị tác động bởi ĐTĐ TK, và xấp xỉ 50% phụ nữ có tiền sử ĐTĐ TK sẽ mắc đái tháo đường typ 2 trong vòng 5 tới 10 năm sau sinh [1],[2]. Theo thống kê về tỉ lệ ĐTĐ TK ở các khu vực trong vòng 1 thập kỷ gần đây (2005 – 2015) thì Trung Đông và Bắc Phi có tỉ lệ ĐTĐ TK cao nhất với ước tính trung bình là 12,9% (8,4 – 24,5%), ngay sau đó là Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) với tỉ lệ ước tính là 11,7% (4,5 – 25,1%) [3]. Phụ nữ có tiền sử ĐTĐ TK thì có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong những năm về sau [4],[5]. Mối quan hệ này dựa trên thực tế là cả ĐTĐ TK và ĐTĐ typ 2 đều có chung cơ chế bệnh sinh: Một là tế bào đích đề kháng lại tác động của insulin (kháng insulin), hai là tế bào beta của tụy tiết insulin không đủ để bù đắp cho sự kháng insulin này (rối loạn chức năng tế bào beta) [4]. Mang thai là một yếu tố gây tăng kháng insulin, do đó đòi hỏi tế bào beta phải tăng hoạt động, ĐTĐ TK xuất hiện khi tế bào beta không đáp ứng được đòi hỏi này. Tuy nhiên, ngày nay đã có nhiều hiểu biết đầy đủ hơn, rằng sự khiếm khuyết chức năng tế bào beta ở BN ĐTĐ TK là mạn tính (không phải chỉ tồn tại khi mang thai) và đó có thể là căn cứ cho nguy cơ cao mắc ĐTĐ typ 2 ở những phụ nữ có tiền sử được chẩn đoán ĐTĐ TK trước đây [4]. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời vào các yếu tố nguy cơ (YTNC) sẽ ngăn ngừa khả năng mắc ĐTĐ typ 2 sau này hoặc làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tất cả những bệnh nhân ĐTĐ TK cần được sàng lọc ĐTĐ tại thời điểm 4 – 12 tuần sau sinh bằng nghiệm pháp dung nạp glucose [6]. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu nào theo dõi về tình trạng rối loạn glucose máu tại thời điểm 12 tuần sau sinh ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ TK trước đó. Đồng thời, một câu hỏi được đặt ra là: tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta ở BN ĐTĐ TK có thay đổi như thế nào trước và sau sinh? Do vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta tại thời điểm mang thai và sau sinh 12 tuần ở BN ĐTĐ TK đã được điều trị tại khoa Điều trị Ban ngày – Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Địa điểm, thời gian và đối tượng nghiên cứu

– Địa điểm nghiên cứu: Khoa Điều trị Ban ngày, bệnh viện Nội tiết Trung ương.

– Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là những phụ nữ mang thai chẩn đoán ĐTĐ TK khi đến khám tại bệnh viện Nội tiết Trung ương.

+ Nhóm chứng N1: phụ nữ mang thai đường huyết bình thường (dự kiến 40-50 người).

+ Nhóm ĐTĐ TK N2: phụ nữ mang thai được chẩn đoán ĐTĐ TK

– Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1/2019 đến tháng 10/2019.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang, kết hợp theo dõi dọc sau điều trị.

2.2.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

– Cỡ mẫu (nhóm ĐTĐ TK)

Tính ra cỡ mẫu cần nghiên cứu: n = 150.

2.3. Quy trình nghiên cứu

Bước 1: Khám sàng lọc.

Tất cả những phụ nữ mang thai đủ tiêu chuẩn lựa chọn và không có tiêu chuẩn loại trừ đều được đưa vào nghiên cứu.

Bước 2: Tiến hành khám lâm sàng, XN các chỉ số phục vụ nghiên cứu.

Bước 3: Tiến hành nghiệm pháp dung nạp 75g glucose đường uống.

Bước 4: Theo dõi bệnh nhân trong quá trình nghiên cứu: Theo dõi HbA1c, glucose máu mao mạch, siêu âm theo dõi thai, TPTNT và các XN sinh hóa khác. Điều trị dựa trên khuyến cáo của ADA 2019, FIGO 2015, IDF 2015 và ACOG 2017 [6],[7],[8],[9].

Bước 5: Thăm khám lại bệnh nhân tại thời điểm 4 – 12 tuần sau sinh, tiến hành lại NPDNG và làm các XN phục vụ nghiên cứu (lần khám 2)

2.4. Kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu

* Xét nghiệm Glucose máu lúc đói (mmol/l), nghiệm pháp dung nạp glucose.

* Huyết sắc tố A1C (HbA1C%)

– Định lượng HbA1c bằng phương pháp miễn dịch đo độ đục trên máy Integra 400 plus của hãng Roche, đơn vị%.

– Đánh giá kết quả: HbA1C < 6% gọi là ĐTĐ TK kiểm soát tốt.

* Nồng độ insulin máu.

– Mục đích: Đánh giá chỉ số HOMA2 IR theo cặp Glucose- Insulin, tìm sự khác biệt giữa các phân nhóm.

– Cách thực hiện: lấy máu lúc đói (cách bữa ăn trước ít nhất 8 giờ).

– Định lượng nồng độ insulin máu bằng phương pháp ELISA, thuốc thử của hãng Boeringer, tiến hành trên máy Axsym. Đơn vị tính là pmol/l.

* Nồng độ C-peptid máu.

– Mục đích: Đánh giá chỉ số HOMA2 theo cặp Glucose – C-peptid

– Cách thực hiện: lấy máu TM lúc đói (cách bữa ăn trước ít nhất 8 giờ).

– Định lượng nồng độ C-peptid máu tĩnh mạch bằng phương pháp miễn dịch hóa phát quang trên máy Hitachi E170, đơn vị nmol/l.

– Đánh giá kháng insulin dựa vào chỉ số HOMA2.

Tính toán chức năng tế bào beta và độ nhạy insulin bằng phần mềm mô hình HOMA-2 phiên bản 2.2.3 năm 2013, chạy trên nền giao diện excel. Phần mềm này được cung cấp qua trang web:

https://www.dtu.ox.ac.uk/homacalculator/ download.php

Chỉ số HOMA2 tính bằng nồng độ glucose và insulin lúc đói. Nhập 2 số liệu trên vào công thức sẽ tính được cùng lúc 3 thành phần của HOMA2 đó là: HOMA2-%S, HOMA2-%B, HOMA2-IR.

2.5. Xử lý số liệu

– Làm sạch số liệu để hạn chế lỗi sau điều tra và nhập số liệu. Nhập số liệu bằng phần mềm Epi Data 3.1, sau đó số liệu được chuyển sang SPSS 16.0 để phân tích.

3. KẾT QUẢ

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm chứng (N1) có 46 bệnh nhân, nhóm ĐTĐ TK (N2) là 159 bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị và theo dõi tại Khoa Điều trị Ban ngày. Trong số 159 bệnh nhân ĐTĐ TK, sau sinh 12 tuần kiểm tra lại có 102 bệnh nhân đường huyết trở lại bình thường (64,15%), 49 bệnh nhân chẩn đoán tiền ĐTĐ (30,82%) và 8 bệnh nhân tiến triển thành ĐTĐ typ 2 (5,03%).

Bảng 3.1. So sánh đặc điểm chuyển hóa glucose của các nhóm tại thời điểm 12 tuần sau sinh

+ Nồng độ glucose máu trung bình lúc đói và 2 giờ sau làm NPDNG ở N2 cao hơn N1.

+ Không có sự khác biệt về HbA1C ở 2 nhóm tại thời điểm sau sinh 12 tuần.

+ Nồng độ trung bình của Insulin, C-peptid và HOMA2-IR ở N2 cao hơn N1 (p< 0,001).

+ GTTB của HOMA2-%B và HOMA2-%S ở N2 thấp hơn N1 (p< 0,001).

Bảng 3.2. Đặc điểm lâm sàng và yếu tố nguy cơ của các phân nhómĐTĐ TK (N2)

+ Không có sự khác biệt có ý nghĩa về giá trị trung bình của BMI trước khi có thai và tăng cân trong quá trình mang thai giữa 3 phân nhóm.

+ 62,5% BN ĐTĐ typ 2 có tiền sử gia đình thế hệ thứ nhất mắc ĐTĐ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm bình thường.

+ 25% BN ĐTĐ typ 2 có tiền sử ĐTĐ TK hoặc RLDNG trước đây, khác biệt có ý nghĩa so với 2 nhóm còn lại.

Bảng 3.3: Đặc điểm chuyển hóa glucose máu của từng phân nhóm ĐTĐ TK trước sinh

+ 54 trong tổng số 159 BN ĐTĐ TK có glucose máu lúc đói khi thăm khám < 5,1 mmol/l (chiếm 33,96%).

+ Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 phân nhóm về giá trị trung bình glucose máu lúc đói, insulin, c-peptide.

+ Đặc biệt, ở phân nhóm mắc ĐTĐ typ 2 và tiền ĐTĐ đã có sự suy giảm HOMA2-%B, HOMA2-%S và tăng HOMA2-IR rõ rệt ngay từ thời kỳ mang thai so với phân nhóm bình thường (p < 0,001).

Bảng 3.4: Đặc điểm chuyển hóa glucose máu của từng phân nhóm ĐTĐ TK tại thời điểm 12 tuần sau sinh

+ Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về chỉ số glucose máu, nồng độ insulin, c-peptide giữa 3 phân nhóm.

+ HOMA2-%B, HOMA2-%S giảm dần và HOMA2-IR tăng dần giữa các phân nhóm lần lượt theo thứ tự bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ.

Bảng 3.5. So sánh đặc điểm chuyển hóa glucose máu của nhóm bình thường trước và sau sinh (nhóm ĐTĐ TK)

+ Ở phân nhóm 12 tuần sau sinh mắc tiền ĐTĐ, glucose máu lúc đói và c-peptid nhỏ hơn lúc trước sinh với p <0,05.

+ HOMA2-IR giảm, HOMA2-%B tăng có ý nghĩa so với trước sinh. HOMA2-%S giảm nhưng không có ý nghĩa.

Bảng 3.6. So sánh đặc điểm chuyển hóa glucose máu của phân nhóm ĐTĐ trước và sau sinh (Nhóm ĐTĐ TK)

+ Ở phân nhóm 12 tuần sau sinh mắc ĐTĐ, glucose máu lúc đói và insulin nhỏ hơn trước sinh nhưng không có ý nghĩa.

+ HOMA2-IR tăng, HOMA2-%B giảm không có ý nghĩa so với trước sinh. HOMA2-%S giảm với p <0,05.

4. BÀN LUẬN

Tại thời điểm sau khi sinh 12 tuần, chỉ số glucose máu lúc đói hay 2 giờ sau làm NPDNG của nhóm BN ĐTĐ TK đều cao hơn nhóm sản phụ bình thường với p< 0,001. Giá trị trung bình của Insulin, C-peptid và HOMA2-IR ở nhóm ĐTĐ TK cũng cao hơn nhóm chứng (p< 0,001). Kèm theo đó là GTTB của HOMA2-%B và HOMA2-%S ở BN ĐTĐ TK sau sinh thấp hơn những BN không mắc ĐTĐ TK.

Chúng ta đều biết, mang thai là một yếu tố gây tăng kháng insulin, do đó đòi hỏi tế bào beta phải tăng hoạt động, ĐTĐ TK xuất hiện khi tế bào beta không đáp ứng được đòi hỏi này. Khi BN sinh con cũng là lúc kết thúc thai kỳ, BN không còn chịu tác động của các yếu tố tăng kháng insulin như lúc mang thai nữa. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi cho thấy BN ĐTĐ TK sau khi sinh vẫn còn tình trạng kháng insulin, suy giảm chức năng tế bào beta so với nhóm sản phụ bình thường. Điều này góp phần chứng minh cho những hiểu biết gần đây, rằng sự khiếm khuyết chức năng tế bào beta ở BN ĐTĐ TK là mạn tính (không phải chỉ tồn tại khi mang thai) và đó có thể là căn cứ cho nguy cơ cao mắc ĐTĐ typ 2 ở những phụ nữ có tiền sử được chẩn đoán ĐTĐ TK trước đây [4].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có tới 62,5% BN ĐTĐ typ 2 có tiền sử gia đình thế hệ thứ nhất mắc ĐTĐ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với phân nhóm bình thường. Hai mươi tư trong tổng số 57 BN (42,11%) rối loạn glucose máu sau sinh có tiền sử thế hệ thứ nhất trong gia đình mắc ĐTĐ, 34,31% BN bình thường có tiền sử như trên. Kết quả này thấp hơn so với kết quả của Nouhjah S. và CS với tỉ lệ lần lượt là 56,4 và 55,5% [10], nguyên nhân của sự khác biệt này đã được chúng tôi giải thích ở trên.

Có tới 25% BN ĐTĐ typ 2 có tiền sử ĐTĐ TK hoặc đã từng được chẩn đoán RLDNG trước đây, khác biệt có ý nghĩa so với 2 nhóm còn lại, chứng tỏ tiền sử rối loạn glucose máu trước đây là một yếu tố nguy cơ cao cho mắc ĐTĐ thực sự về sau. Chúng ta đều biết kháng insulin xảy ra từ giai đoạn tiền ĐTĐ. Ở giai đoạn này chức năng tế bào beta còn bù trừ, nồng độ insulin trong máu vẫn ở mức bình thường hoặc cao. Chính sự bù trừ này giữ cho mức glucose máu trong giới hạn bình thường hoặc tăng nhẹ vì vậy bệnh thường không được chẩn đoán trong nhiều năm đầu do đường huyết lúc đói vẫn bình thường, glucose máu sau ăn tăng chưa thường xuyên. Do vậy, những BN có tiền sử mắc tiền ĐTĐ hoặc ĐTĐ TK cần được sàng lọc sớm ĐTĐ, điều này phù hợp với các khuyến cáo hiện nay trên thế giới.

Khi phân tích ngược trở lại thời điểm mang thai, có tới 54 BN trong nhóm được chẩn đoán ĐTĐ TK khi thăm khám có mức glucose máu lúc đói ở giới hạn bình thường (chiếm 33,96%), tương đương với kết quả của Lê Đình Tuân và Trần Thị Thanh Hóa (2017) (35,6% BN có kết quả glucose máu lúc đói < 5,1 mmol/l) [11], điều này sẽ dẫn đến việc các thai phụ, thậm chí các bác sĩ lâm sàng khi thăm khám thấy glucose máu lúc đói bình thường sẽ nghĩ rằng BN không bị ĐTĐ TK, do đó bỏ sót chẩn đoán và bỏ qua cơ hội điều trị sớm cho BN.

Vì vậy, việc sàng lọc BN ĐTĐ TK ở các sản phụ từ trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là những sản phụ có yếu tố nguy cơ cao bằng NPDNG là một phương pháp đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm ĐTĐ TK.

Giá trị trung bình của glucose máu lúc đói tại thời điểm mang thai ở 2 phân nhóm tiền ĐTĐ và ĐTĐ sau sinh đều cao hơn có ý nghĩa so với phân nhóm bình thường. Kết quả này tương tự kết quả của Nouhjah S. và CS, theo đó, GTTB của glucose máu lúc đói tại thời điểm mang thai ở nhóm BN còn rối loạn glucose máu sau sinh là 96,84 ± 15,06 g/dl, cao hơn so với 91,15 ± 10,17 g/dl ở nhóm bình thường (p = 0,007) [10]. Tương tự glucose máu, các chỉ số insulin, c-peptid tăng dần theo từng phân nhóm bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ có ý nghĩa thống kê. Đặc biệt, ở phân nhóm mắc ĐTĐ typ 2 và tiền ĐTĐ đã có sự suy giảm HOMA2-%B, HOMA2-%S và tăng HOMA2-IR rõ rệt ngay từ thời kỳ mang thai so với phân nhóm bình thường (p < 0,001). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ số glucose máu, nồng độ insulin, nồng độ c-peptide giữa 3 phân nhóm, tăng dần từ phân nhóm bình thường đến phân nhóm mắc ĐTĐ thực sự. Tương tự như vậy, HOMA2-IR tăng dần và HOMA2-%B, HOMA2-%S giảm dần giữa các phân nhóm lần lượt theo thứ tự bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ. Những kết quả trên phù hợp với mức độ rối loạn glucose máu tăng của từng phân nhóm và dễ hiểu. Ở phân nhóm 12 tuần sau sinh bình thường, glucose máu lúc đói nhỏ hơn trước sinh (4,7 ± 1,4 so với 5,04 ± 0,85) với p < 0,05. GTTB của insulin và c-peptide sau sinh thấp hơn trước sinh, tuy nhiên p không có ý nghĩa thống kê. Tại thời điểm sau sinh, HOMA2-IR giảm, HOMA2-%B và HOMA2-%S tăng có ý nghĩa so với trước sinh, chứng tỏ có sự cải thiện chức năng tế bào beta, tăng độ nhạy với innsulin và giảm kháng insulin sau khi sản phụ sinh con. Những kết quả trên là phù hợp bởi có sự khác biệt về sinh lý giữa người có thai và không có thai.

Như chúng tôi đã giả thích ở trên, trong thai kỳ có sự gia tăng của một loạt các hormone như estrogen, progesterone, HPL, cortisol… dẫn đến tình trạng tăng kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào beta. Sau sinh 12 tuần, đa phần các hormon trên trở về mức bình thường. Do đó BN có sự giảm kháng insulin, tăng độ nhạy với insulin và cải thiện chức năng tế bào beta của đảo tụy, dẫn đến kết quả tất yếu là glucose máu có sự cải thiện rõ rệt so với thời kỳ mang thai. Ở phân nhóm tiền ĐTĐ, glucose máu lúc đói và c-peptid nhỏ hơn lúc trước sinh có ý nghĩa thống kê. HOMA2-IR giảm, HOMA2- %S tăng có ý nghĩa so với trước sinh. HOMA2-%B giảm nhưng không có ý nghĩa. Tương tự như phân nhóm bình thường, nồng độ insulin máu sau sinh ở phân nhóm tiền ĐTĐ có giảm so với trước sinh nhưng không có ý nghĩa. Ở phân nhóm BN mắc ĐTĐ sau sinh, nồng độ c-peptid sau sinh thấp hơn trước sinh (1,36 ± 0,55 so với 1,47 ± 0,54, p < 0,05) và HOMA2-S cao hơn có ý nghĩa so với lúc BN mang thai (59,32 ± 38,09 so với 56,26 ± 42,1). Tuy nhiên, sự thay đổi của các thông số còn lại như glucose máu, insulin, HOMA2- IR, HOMA2-%B không có ý nghĩa thống kê, có thể vì cỡ mẫu của chúng tôi trong phân nhóm này còn nhỏ (chỉ có 8 BN). Để có thể đưa ra những kết luận chính xác, khách quan và đảm bảo tính khoa học hơn, cần phải thực hiện những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn hẳn nghiên cứu của chúng tôi.

5. KẾT LUẬN

– So với nhóm chứng, tình trạng kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào beta ở nhóm bệnh nhân ĐTĐ TK đều cao hơn ở thời điểm 12 tuần sau sinh với p < 0,001. – Tại thời điểm 12 tuần sau sinh, trong nhóm ĐTĐ TK, tình trạng kháng insulin có sự khác biệt rõ giữa các nhóm: cao nhất ở nhóm ĐTĐ, sau đó là nhóm tiền ĐTĐ và thấp nhất ở nhóm đường huyết trở lại bình thường: nồng độ insulin, C-peptide, HOMA-%IR giảm dần và HOMA-%S tăng lên. – Nhóm bệnh nhân chẩn đoán ĐTĐ tại thời điểm 12 tuần sau sinh, các chỉ số về đường huyết, insulin, HOMA-%IR và HOMA-%B thay đổi không có ý nghĩa thống kê. Chỉ có chỉ số HOMA-%S tăng có ý nghĩa thống kê.

6. KHUYẾN NGHỊ

– Cần có những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn hoặc thiết kế riêng cho nhóm BN mắc ĐTĐ typ 2 sau sinh 12 tuần để có thể đưa ra những kết luận có ý nghĩa về việc tình trạng kháng insulin, chức năng tế bào beta thay đổi như thế nào trước và sau sinh trên nhóm đối tượng này cũng như có những biện pháp can thiệp phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Federation, I.D., World diabetes day 2017. 2017.

2. Federation, I.D., IDF Diabetes Atlas, 8th edn. 2017.

3. Zhu, Y. and C. Zhang, Prevalence of gestational diabetes and risk of progression to type 2 diabetes: a global perspective. Current diabetes reports, 2016. 16(1): p. 7.

4. Buchanan, T.A. and A.H. Xiang, Gestational diabetes mellitus. The Journal of clinical investigation, 2005. 115(3): p. 485-491.

5. Kim, C., K.M. Newton, and R.H. Knopp, Gestational diabetes and the incidence of type 2 d

6. iabetes: a systematic review. Diabetes care, 2002. 25(10): p. 1862-1868.

7. Association, A.D., 2. Classification and diagnosis of diabetes: standards of medical care in diabetes—2019. Diabetes Care, 2019. 41(Supplement 1): p. S13-S27.

8. Hod, M., et al., The International Federation of Gynecology and Obstetrics (FIGO) Initiative on gestational diabetes mellitus: A pragmatic guide for diagnosis, management, and care. International Journal of Gynecology & Obstetrics, 2015. 131: p. S173-S211.

9. Federation, I.D., Implementation Protocol : Guidelines for healthcare professionals. 2015.

10.Gynecologists, T.A.C.o.O.a., ACOG practice bulletin clinical management guidelines for obstetricians and gynecologists: Gestational Diabetes Mellitus. 2017.

11.Nouhjah, S., et al., Incidence and contributing factors of persistent hyperglycemia at 6–12 weeks postpartum in Iranian women with gestational diabetes: results from LAGA Cohort Study. Journal of diabetes research, 2017. 2017.

12. Lê Đình Tuân, T.T.T.H., Nghiên cứu đặc điểm nồng độ glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện Nội Tiết Trung Ương. Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường, 2017. 23: p. 8.

 

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …