Vai trò Tinh bột kháng trong kiểm soát đường huyết sau ăn trên bệnh nhân Đái tháo đường Týp 2

VAI TRÒ TINH BỘT ĐỀ KHÁNG TRONG KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT SAU ĂN TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2

 

Trần Hữu Dũng, Nguyễn Hải Thủy

Trường Đại học Y Dược Huế

Summary

Resistant starch (RS) is starch not digested in the small intestine but are fermented in the large intestine creating the final product metabolism characterized by fatty acids. With the limited release of glucose in the small intestine, RS participated very effective in reducing the postprandial blood glucose, contributing to limited uptake lower of plasma cholesterol and triglyceride concentrations, improving the insulin sensitivity, increase satiety, reduce fat storage. Besides that, the fermentation and conversion into short-chain fatty acids producing lower energy in the large intestine showed RS is not the natural conventional cellulose fibers. So this starch have been received much attention for the benefits of the treatment support and health care.

Keywords: Resistant starch, digested, intestine, blood glucose, fermentation

Tóm tắt

Tinh bột kháng (RS) là tinh bột không tiêu hóa trong ruột non nhưng được lên men trong ruột già tạo ra các sản phẩm cuối cùng bởi sự trao đổi chất được đặc trưng bởi các acid béo. Với sự hạn chế hấp thu nồng độ đường glucose trong ruột non, RS tham gia rất hiệu quả trong việc giảm đường huyết sau ăn, đồng thời còn góp phần hạn chế sự hấp thu thấp của cholesterol trong huyết tương và nồng độ triglycerid, cải thiện độ nhạy insulin, tăng cảm giác no, giảm lưu trữ chất béo.

Bên cạnh đó, quá trình lên men và chuyển đổi thành các axit béo chuỗi ngắn giúp sản xuất năng lượng thấp hơn trong ruột già cho thấy RS không phải là các chất xơ hay sợi cellulose tự nhiên thông thường. Qua một số nghiên cứu tinh bột kháng sử dụng trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 chúng tôi ghi nhận nồng độ glucose máu sau ăn được kiểm soát tốt. Vì vậy, loại tinh bột này đã nhận được nhiều sự chú ý cho những lợi ích của sự hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe cũng như chế biến các loại thực phẩm chức năng thông dụng dành cho bệnh nhân béo phì và rối loạn chuyển hóa trong đó có đối tượng tiền đáo tháo đường và đái tháo đường týp 2.

  1. Khái niệm tinh bột đề kháng

Thuật ngữ này được Englyst và cộng sự dùng lần đầu tiên vào năm 1982 để mô tả phần tinh bột có khả năng chịu sự tác động của enzym amylase trong thử nghiệm in-vitro mà không bị thủy phân thành đường.

Qua nhiều công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng RS có thể chống lại sự tác động của các enzym amylase trong hệ tiêu hóa, thoát khỏi quá trình tiêu hóa ở ruột non và được chuyển đến ruột già.

Ở đây, RS được các vi khuẩn sử dụng như một nhiên liệu cho quá trình lên men, tạo ra các acid béo chuỗi ngắn và đây là nguồn chủ yếu tạo ra năng lượng từ RS cung cấp cho các nhu động ruột.

Tuy nhiên, so với tinh bột thông thường, năng lượng RS tạo ra là ít hơn và không làm tăng đường huyết [23][25][31][41].

Sau 10 năm sau khi khái niệm về RS ra đời và ghi nhận được sự quan tâm của các tổ chức nghiên cứu, tại hội thảo lần thứ hai của Hiệp hội Châu Âu trong năm 1992 về triển khai nghiên cứu các ứng dụng của RS đã đưa ra định nghĩa có tính khái quát nhất về RS là “Tinh bột đề kháng là tổng lượng tinh bột và sản phẩm thoái hóa của tinh bột không bị tiêu hóa trong ruột non ở người khỏe mạnh”

Các báo cáo tại hội nghị cũng đã cho thấy có phần tinh bột không bị thuỷ phân tại ruột non sẽ được chuyển đến ruột già và bị lên men bởi hệ vi khuẩn đường ruột tại đây để chuyển hoá và tạo thành các loại sản phẩm cuối cùng mà quan trọng nhất trong số đó là các chuỗi ngắn axit béo (SCFA) bao gồm chủ yếu butyrate, propionate và acetate và các nguồn năng lượng ưa thích cho các colonocytes (các tế bào trong ruột kết).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy một số lợi ích khác của SCFA bao gồm làm tăng lưu lượng máu tại đại tràng, có lợi trong việc làm giảm độ pH trong lòng ruột giúp tăng tính sinh khả dụng của các yếu tố vi lượng và làm giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn gây bệnh cũng như giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào bất thường.

 

  1. Phân loại tinh bột đề kháng [25][31][41]

Dựa vào nguyên nhân gây ra đề kháng với sự thủy phân của hệ enzym amylase, tinh bột đề kháng có thể được chia thành 4 loại gồm:

– Tinh bột đề kháng loại I (RS1): được hình thành dựa trên cấu trúc bền vững của vách tế bào còn nguyên vẹn, làm ngăn cản tác động thuỷ phân của hệ enzyme amylase (Hình 1A). RS1 ổn định với nhiệt độ trong hầu hết các hoạt động nấu ăn bình thường và cho phép sử dụng như là một thành phần trong nhiều loại thực phẩm. RS1 thường gặp trong các loại ngũ cốc, đặc biệt là đậu.

– Tinh bột đề kháng loại II (RS2): được hình thành do cấu trúc chặt chẽ của hạt tinh bột. Trong những hạt bột thô, tinh bột được bao bọc trong một mẫu hình tròn và tương đối mất nước (Hình 1B). Chính cấu trúc chặt chẽ này làm hạn chế sự gelatin hóa của tinh bột, cũng như khả năng tiếp cận của các enzym tiêu hóa.

– Tinh bột đề kháng loại III (RS3) đại diện cho sự thoái hóa tinh bột, chủ yếu là dạng amylose thoái hóa được hình thành trong quá trình làm mát của tinh bột đã gelatin hóa (Hình 2). Hầu hết thực phẩm được nấu chín bằng nhiệt ẩm đều chứa RS3. RS3 không bị phân tán khi đun sôi mà chỉ có thể được phân tán với dung dịch KOH đậm đặc hoặc dimethyl sulphoxide và hoàn toàn đề kháng với sự tiêu hóa của enzym amylase tụy.

Đây cũng là loại tinh bột đề kháng đang thu hút sự quan tâm trong quá trình nghiên cứu về sự biến tính của tinh bột bằng các phương pháp chế biến nhiệt ẩm khác nhau nhằm mục tiêu nâng cao hàm lượng của RS.

 

Sự hình RS3 được mô phỏng theo mô hình Mixen, các chuỗi xoắn đôi được sắp xếp thành cấu trúc tinh thể (C) trong một khu vực cụ thể của chuỗi, xen kẽ với vùng vô định hình và các vùng bị enzyme phân hủy (Hình 3A). Mô hình phiến kính của RS3 trong dịch nước amylose (Hình 3B), với vùng vô định hình (A) nằm bên  ngoài và vùng trung tâm (C) có cấu trúc tinh thể.

– Tinh bột đề kháng loại IV (RS4) đại diện cho phần tinh bột không bị thủy phân do sự biến đổi hóa học, do hình thành liên kết với với một số chất như muối trimeta phosphat (Hình 3) đã tạo nên các cấu trúc bền vững và cồng kềnh hơn, tạo ra sự cản trở không gian một cách có hiệu quả trong quá trình xâm nhập và thuỷ phân của amylase. RS4 không có trong tự nhiên và được xem như là phần tinh bột biến tính hóa học được ứng dụng nhiều trong công nghiệp thực phẩm.

  1. Sự chuyển hoá của tinh bột trong hệ tiêu hoá đường ruột [31][53]

Theo Englyst và các cộng sự (1992), cũng như  Hans N. Englystl (1996), dựa theo tốc độ và mức độ tiêu hóa, tinh bột trong thực phẩm có thể được phân thành 3 loại bao gồm tinh bột tiêu hóa nhanh (RDS), tinh bột tiêu hóa chậm (SDS) và tinh bột đề kháng (RS).

Hàm lượng glucose hấp thu nhanh (RAG), RDS, SDS, RS trong các thực phẩm giàu tinh bột

được xác định trong in-vitro bằng phương pháp thủy phân tinh bột có kiểm soát với hệ enzym amylase trong điều kiện được mô phỏng gần với điều kiện sinh lý của cơ thể, glucose giải phóng ra trong từng phân đoạn được đo bằng kít thử glucose oxidase peroxidase.

– RDS được đo lường trong in-vitro như là phần tinh bột được thủy phân thành đường glucose trong 20 phút đầu. RDS đại diện cho phần tinh bột bị thủy phân và hấp thu nhanh chóng khi qua ruột non.

– SDS được xác định trong in-vitro như là phần tinh bột được thủy phân tiếp thành đường glucose trong 100 phút tiếp theo. Cũng giống như RDS, SDS được tiêu hóa hoàn toàn trong ruột non, nhưng vì một lý do nào đó SDS bị tiêu hóa và hấp thu chậm hơn.

– RS được xác định trong in-vitro như là phần tinh bột không bị thủy phân sau 120 phút và đại diện cho phần tinh bột không bị tiêu hóa trong ruột non. RS được xác định bằng lượng tinh bột toàn phần (TS) trừ tổng của RDS và SDS.

– RAG được xác định trong in-vitro như là lượng glucose có được sau 20 phút thủy phân, RAG được tính bằng lượng glucose tự do trong thực phẩm cộng với glucose từ sự thủy phân saccharose và tinh bột sau 20 phút.

Tốc độ và mức độ tiêu hóa của tinh bột trong ruột non có thể được dự đoán qua các phân đoạn dinh dưỡng tinh bột được xác định trong thiết kế thí nghiệm đánh giá khả năng chịu sự thủy phân trong in-vitro. Những cải tiến của các phương pháp chủ yếu tập trung vào chủng loại và nồng độ enzyme sử dụng (tất cả đều sử dụng enzyme α-amylase tụy, pullulanase đã được loại bỏ và có thể thay thế bằng amyloglucosidase trong một số trường hợp). Mẫu được nghiền trước, pH của giai đoạn ủ và có dùng (hay không dùng) ethanol sau bước ủ α-amylase. Tất cả các thay đổi đó đã thu được một số hiệu quả nhất định trong việc xác định chính xác hàm lượng RS và các thành phần dinh dưỡng của tinh bột [45][49][53].

Đo lường các phân đoạn dinh dưỡng khác nhau của tinh bột trong in-vitro có ý nghĩa quan trọng cho việc dự đoán tốc độ và mức độ tiêu hóa của tinh bột trong cơ thể. Đây là một thử nghiệm quan trọng, mô phỏng sự tiêu hóa tinh bột ở mức tốt nhất có thể, tương thích với sự tiêu hóa tinh bột trong ruột non[45][50][53].

 

  1. Tác dụng của tinh bột đề kháng [25][31][32]

Tinh bột đề kháng có đầy đủ các đặc tính lý hóa mong muốn như một tinh bột thông thường, thuận lợi cho quá trình sử dụng và chế biến thực phẩm như khả năng giữ nước, trương nở, độ

nhớt, khả năng gel hóa. Hầu hết RS đều có màu trắng, mùi vị dễ chịu. Những đặc tính này giúp RS có thể thay thế cho các loại bột thông dụng khác trong chế biến mà không gây nhiều ảnh hưởng đến các quá trình xử lý bột [25][31][32].

Kiểm soát đường huyết tốt là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng liên quan tới bệnh tiểu đường, trong đó việc kiểm soát đường huyết sau bữa ăn đóng một vai trò rất quan trọng. Khả năng đề kháng với hệ enzym tiêu hóa của RS đã làm giảm lượng glucose giải phóng, tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của RS được sử dụng trong các khẩu phần ăn dành cho người bệnh tiểu đường hay béo phì. Đồng thời, RS còn làm tăng độ nhạy cảm của insulin, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là ĐTĐ týp 2 [25][31][32].

Bên cạnh đó, RS không chỉ đóng vai trò như một chất xơ mà nó còn mang những điểm đặc biệt mà không thể tìm thấy trong các thực phẩm giàu chất xơ. Đó là khả năng giữ nước, trương nở thấp, nhiệt độ gel hóa cao của RS làm tăng độ giòn, màu trắng và mùi vị dễ chịu giúp cải thiện được chất lượng, cũng như các đặc tính cảm quan của sản phẩm. Những sản phẩm từ RS giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, chống táo bón vì khi vào ruột, được tích lũy làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột, còn có tác dụng giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, phần tinh bột không tiêu hóa được trong ruột già sẽ được phân giải và đồng hóa bởi hệ vi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho sự phát triển của những vi khuẩn có lợi, tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột. Đồng thời, quá trình này còn tạo ra các axit béo chuỗi ngắn giúp tạo ra năng lượng (đặc biệt là butyrate là một axit béo cần thiết cho các tế bào ruột già), làm tăng lưu lượng máu đến ruột già, giảm độ pH đường ruột và làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng [33].

RS còn có vai trò giúp điều hòa trọng lượng vì nó tác động lớn đến cơ chế trao đổi chất của cơ thể, điều này rất có ý nghĩa với những bệnh nhân béo phì. RS giúp cơ thể đốt cháy mỡ nhanh hơn và làm giảm lượng mỡ tích lũy, làm giảm nồng độ triglyceric và cholesterol máu. Tuy vậy, vẫn đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống của cơ thể, khoảng 1-2 kcal/g so với bột mỳ thông thường (khoảng 4 kcal/g). RS giúp cơ thể luôn duy trì một mức năng lượng thích hợp, làm tránh tình trạng đói nhanh sau bữa ăn. Một phần năng lượng RS tạo ra ở ruột non từ lượng nhỏ bột bị thủy phân tạo thành glucose, một phần khác năng lượng tạo ra ở ruột già qua các quá trình lên men của hệ vi khuẩn đường ruột, tạo ra các axit béo mạch ngắn. Trong khi glucose là nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động của não thì các axit béo lại rất cần cho hoạt động của các mô và cơ [39][48].

Qua đó cho thấy được những lợi ích cũng như tầm quan trọng của RS, mở ra một triển vọng mới cho ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm. Ở Việt Nam, nghiên cứu về RS là một trong những nghiên cứu hoàn toàn mới, hầu như chưa có một đề tài nào trong nước nói về vấn đề này. Do vậy, có thể nói việc thực hiện đề tài nhằm đưa ra một hướng ứng dụng mới cho RS, đặc biệt hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh ĐTĐ, hiện đang là một trong những  bệnh chiếm tỷ lệ rất cao ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

  1. Vai trò tinh bột đề kháng ứng dụng trên lâm sàng

– Vai trò tinh bột đề kháng trên bệnh lý tiêu hóa

Ngày nay tác dụng của RS đã được nghiên cứu đầy đủ. Ngoài vai trò như một chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, chống táo bón vì khi vào ruột đã kích thích nhu động ruột, còn có tác dụng giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng. Điều này đã được

chứng minh rõ trong các nghiên cứu của Le Leu RK và các cộng sự (2005) [33].

– Vai trò tinh bột đề kháng trên bệnh lý rối loạn lipid máu 

Theo nghiên cứu của Behall (1996) và Higgins JA (2004), vai trò đáng chú ý nhất của RS là giúp điều hòa trọng lượng vì nó giúp cơ thể đốt cháy mỡ nhanh hơn và làm giảm lượng mỡ tích lũy, làm giảm nồng độ triglycerid và cholesterol máu [39][48].

– Vai trò tinh bột đề kháng trên bệnh lý đái tháo đường 

RS có thể giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn, do có khả năng đề kháng với hệ enzym tiêu hóa, làm giảm lượng glucose giải phóng, đồng thời, làm tăng độ nhạy cảm của insulin. Điều này đã được chứng minh rõ trong nhiều nghiên cứu như của M. Denise Robertson (2005) và Johnson KL (2010) [19][34].

Khi nghiên cứu sự ảnh hưởng của các khẩu phần ăn chứa các loại tinh bột lúa mạch với các tỷ lệ amylase/amylopectin thay đổi (7 – 44% amylose) đến sự đáp ứng của mức glucose huyết và insulin trong thử nghiệm lâm sàng trên 10 người tình nguyện khỏe mạnh, Yvonne Granfeldt (1994) đã cho thấy với loại tinh bột có càng nhiều tỷ lệ amylase thì chứa hàm lượng RS cao và kết quả là mức đáp ứng glucose huyết và insulin khi được xác định tại 1 và 2 giờ sau ăn thấp hơn đáng kể so với các khẩu phần ăn chứa tinh bột có tỷ lệ amyloe thấp. Điều này được lý giải là do amylose với cấu trúc mạch thẳng rất bền vững, đã tham gia cấu tạo nên RS có khả năng chịu đựng sự thủy phân của hệ amylase đường tiêu hóa, dẫn đến làm hạn chế lượng đường glucose được hấp thu vào máu [52].

Nghiên cứu tác dụng hạn chế tăng mức đường huyết của RS4 trong khẩu phần ăn cũng được thực hiện tương tự trên 13 người tình nguyện khỏe mạnh trong nghiên cứu của Enas K. AlTamimi (2010), kết quả cho thấy so với khẩu phần ăn chứa tinh bột mỳ (đồng lượng) và dung dịch glucose như mẫu đối chiếu, mức đáp ứng đường huyết và insulin sau 30; 60; 90 và 120 phút của khẩu phần ăn chứa tinh RS4 thấp hơn rất nhiều (P < 0,05). Qua đó nhóm nghiên cứu đã đề nghị sử dụng RS như một sự thay thế thành phần tinh bột thông thường trong quá trình chế biến các khẩu phần ăn dành cho người tiểu đường và béo phì [20].

Ở Việt Nam, nghiên cứu về RS là một trong những nghiên cứu hoàn toàn mới, hầu như chưa có một công bố nào trước đây nói về vấn đề này. Mới đây, một công trình được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y Dược Huế (2012) về các đặc tính lý hoá, cấu trúc và thành phần của tinh bột củ mài lấy từ tỉnh Quảng Bình cũng như phương pháp nấu chín tinh bột sao cho tạo ra được hàm lượng cao của dạng tinh bột đề kháng. Trên cơ sở khảo sát các phương pháp chế biến khác nhau, nghiên cứu này đã tạo ra nguồn nguyên liệu từ tinh bột củ mài thích hợp cho việc chế biến khẩu phần bánh ăn hàng ngày hỗ trợ trong việc điều trị bệnh ĐTĐ. Thông qua đánh giá lâm sàng trên 60 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 theo phương pháp mù đôi (được cho ăn các khẩu phần bánh bột củ mài và bánh bột mỳ đối chứng chứa hàm lượng tinh bột giống nhau), kết quả cho thấy nồng độ glucose máu tại thời điểm trước khi ăn (G0) của 2 lần thử nghiệm không có sự khác biệt đáng kể (P > 0,05). Tuy nhiên, nồng độ glucose máu của mẫu thử tại thời điểm sau khi ăn tại 60 phút và 120 phút (10,7 và 10,0 mmol/l) thấp hơn một cách rõ rệt so với mẫu chứng (13,6 và 12,3 mmol/l) (P < 0,05). Qua kết quả bước đầu đã chứng minh được rằng khẩu phần bánh tinh bột củ mài đã hạn chế mức tăng đường huyết sau bữa ăn rất tốt so với sự gia tăng đường huyết cao trên mẫu bánh đối chứng có chứa bột mỳ, điều đó cho thấy loại bánh này có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh ĐTĐ một cách hiệu quả. Công trình này cũng đã đưa ra quy trình chế biến bánh từ nguyên liệu tinh bột củ mài để có thể áp dụng vào thực tế, đóng góp tích cực vào Chương trình “Xã hội hóa hoạt

động truyền thông của chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường” đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/12/2008 với mục đích thức tỉnh, nâng cao nhận thức, tư vấn, hỗ trợ cộng đồng phòng và chống bệnh ĐTĐ bằng các thói quen sống tích cực với thông điệp “sống để sống khỏe dài lâu”.

 

  1. Kết luận

Qua các nghiên cứu đã cho thấy với sự hạn chế giải phóng glucose trong ruột non, RS đã tham gia rất hiệu quả trong sự làm giảm đường huyết sau ăn, góp phần hạn chế sự hấp thu cholesterol trong huyết tương và nồng độ triglyceride thấp hơn, cải thiện độ nhạy cảm insulin cho cơ thể, tăng cảm giác no, giảm lưu trữ chất béo. Bên cạnh đấy, với sự lên men và chuyển hoá thành các acid béo mạch ngắn tạo ra nguồn năng lượng thấp trong ruột già đã cho thấy RS có bản chất không phải là các sợi cellulose thông thường nên đã nhận được nhiều sự chú ý cho cả lợi ích trong công tác hổ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe cũng như có đầy đủ các đặc tính lý hóa mong muốn như một tinh bột thông thường, thuận lợi cho quá trình sử dụng và chế biến thực phẩm như khả năng. Các tính chất này làm cho RS trở thành một nguồn nguyên liệu tinh bột chế biến các khẩu phần ăn uống phù hợp dùng cho công tác hổ trợ phòng chống bệnh liên quan đến rối loạn lipid máu và kháng insulin như bệnh tiểu đường týp 2 và bệnh tim mạch vành cũng như chế độ ăn giảm cân dùng cho người béo phì.

Ngoài hiệu quả kiểm soát tốt đường máu sau ăn của bệnh nhân đái tháo đường chúng ta cần quan tâm đến đối tượng tiền đái tháo đường týp 2 với một tỷ lệ khá cao trong nhân dân trong đó vai trò tiết thực với chế độ dinh dưởng hợp lý luôn đứng hàng đầu trong công tác dự phòng và điều trị. Chúng tôi hy vọng tinh bột kháng sẽ góp phần dự phòng hoặc làm chậm sự tiến triễn giai đoạn tiền đái tháo đường chuyễn sang giai đoạn đái tháo đường trên đối tượng này. Qua đó cho thấy, nghiên cứu về RS ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ở nước ta đang vẫn là một tiềm năng rất lớn nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt là nghiên cứu các loại RS sử dụng như một nguyên liệu trong chế biến các loại thực phẩm chức năng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Phương, Lê Thị Cúc, Hoàng Đình Hòa (2008), “Nghiên cứu tính chất hóa lý của tinh bột một số giống khoai môn – sọ (Colocasia esculenta (L.) Shott) phổ biến và có giá trị ở miền bắc Việt Nam”, Tạp chí Khoa Học Công Nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (10), tr. 44 – 48.
  2. Lê Văn Hoàng, Trương Thị Minh Hạnh (2007), Tinh bột khai thác và ứng dụng, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 5 – 40.
  3. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, tr 848.
  4. Nguyễn Thị Thu Thảo, Lê Thị Loan Chi, Trần Hữu Dũng (2012), Xác định khả năng chịu đựng sự thuỷ phân của tinh bột củ mài (Rhizoma Dioscorea Persimilis) in-vitro bởi hệ enzyme amylase, Tạp chí Dược học (VN), số 432, tr. 28.
  5. Trần Hữu Dũng, Trương Thị Thuỳ Trang (2012), Nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp chế biến đến sự tiêu hoá tinh bột củ mài (Rhizoma Dioscorea Persimilis) in-vitro, Tạp chí Dược học (VN), số 432, tr. 23.
  6. Trương Thị Thảo Nguyên, Trần Hữu Dũng (2012), Nghiên cứu điều chế tinh bột biến tính bền vững với amylase làm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, Tạp chí Dược học (VN), số 437, tr. 52.
  7. Nguyễn Hải Thuỷ, Trần Hữu Dũng (2012), Nghiên cứu tác dụng hạn chế tăng đường huyết của bánh bột củ mài (Rhizoma dioscoreae persimilis) trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, Tạp chí Dược học (VN), số 440, tr. 11 – 14.
  8. Trần Hữu Dũng (2013), Nghiên cứu các đặc tính lý hóa, hình thái cấu trúc của tinh bột củ mài (Rhizoma dioscorea persimilis) ảnh hưởng lên khả năng chịu đựng sự thủy phân bởi hệ enzyme amylase, Tạp chí Dược học (VN), số 441, tr. 13 – 17.
  9. Johnson KL, Frost GS, Robertson MD (2010). “Resistant starch improves insulin sensitivity in metabolic syndrome”, Diabetic Medicine, 27(4), p. 391 – 397.
  10. Al-Tamimi E.K., Seib P.A., Snyder B.S., Haub M.D. (2010), “Consumption of Cross-Linked Resistant starch (RS4XL ) on glucose and insulin responses in Humans”, Journal of Nutrition and Metabolism, 31, p. 61 – 67.
  11. Jiang H, Lio J, Blanco M, Campbell M, Jane JL (2010), “Resistant-starch formation in high-amylose maize starch during Kernel development”, Department of Food Science and Human Nutrition, Iowa State University, Ames, Iowa 50011, USA, 58(13), p. 8043 – 8047.
  12. Nednapis Vatanasuchart, Boonma Niyomwit, Karuna Wongkrajang (2009), “Resistant Starch Contents and the in Vitro Starch digestibility of Thai Starchy Foods”, Kasetsart Journal, 43, p. 178 – 186.
  13. Yu Jinglin,Wang Shujun, Jin Fengmin, Liya Sun, Jiugao Yu (2009), “The structure of C-type Rhizoma Dioscorea starch granule revealed by acid hydrolysis method”, Food Chemistry, 113, p. 585 – 591.
  14. Laura Dolson (2009), “What is Resistant Starch, and What Can It Do for Me?”, About.com Health’s Disease and Condition content is reviewed by our Medical Review Board.
  15. Aigser Annelisse (2009), Physicochemical and sensory properties of resistant starch-based on cereal product and effects on postprandial glycemic and oxidative stress responses in Hispanic women, Doctor of philosophy in Human nutrition – Food and Exercise, Virginia Polytechnic Institue and State University, USA.
  16. Faiyaz Ahmed, Asna Urooj (2008), “Invitro starch digestibility and nutritionally important starch fractions in processed roots and tubers”, Starch/Stärke, No. 60, p. 493 – 499.
  17. Faiyaz Ahmed (2008), “Invitro starch digestibility characteristics of Dioscorea alata tuber”, World Journal of Dairy and Food Sciences, No. 3 (2), p. 29 – 33.
  18. Ahmed Kayode Jimoh (2008), “Effect of food processing on glycemic response to white yam (Dioscorea rotunda) meals”, Original Research Article, p. 67 – 72.
  19. Lehmann U., Robbin F. (2007), “Slowly digestible starch – its structure and health implications: a review”, Trends and food Science and Technology, 18, p. 46 – 355.
  20. G. Sajilata, Rekha S. Singhal, and Pushpa R. Kulkarni (2006), “Resistant starch- a review”, Comprehensive reviews in food science and food safety, vol. 5, pp.1-17.
  21. Oldways (2005), “Natural Resistant Starch Overview”, Natural Hi-Maize, 29.
  22. Le Leu RK, Brown IL, Jackson M, Esterman A, Young GP (2005), “A symbiotic combination of resistant starch and Bifidobacerium lactis facilitates apoptotic deletion of carcinogen-damaged cells in rat colon”, The Journal of Nutrition,135, p. 996 – 1001.
  23. M Denise Robertson, and Keith N Frayn (2005), “Insulin-sensitizing effects of dietary resistant starch and effects on skeletal muscle and adipose tissue metabolism”, The American Journal of Clinical Nutrition, 82, p. 559 – 567.
  24. Yamada Y., Hosoya S., Nishimura S., Tanaka T., Kajimoto Y., Nishimura A., Kajimoto O. (2005), “Effect of bread containing resistant starch on postprandial blood glucose levels in humans”, Bioscience – Biotechnology- Biochemistry, Japan, 69(3), p. 559 – 566.
  25. Steyn N.P., Mann J., Bennett P.H., Temple N., Zimmet P., Zimmet J., (2004), “Diet, nutrition and the prevention of type 2 diabetes”, Public Health Nutrition, 7(1), p. 147 – 165.
  26. Higgins A. (2004), “Resistant starch: metabolic effects and potential health benefits”, Journal of AOAC International, 87(3), p. 761 – 768.
  27. Higgins JA, Higbee DR, Brown IL, Bell ML, Bessesen DH (2004), “Resistant starch consumption promotes lipid oxidation”, Nutrition & Metabolism, p. 1 – 8.
  28. AOAC, AACC (2002), Resistant starch assay procedure, Megazym, http://www.megazyme.com/booklets/KRSTAR.pdf .
  29. Jurkka Kuuusipalo (2001), “Starch-Based Polymers in Extrusion Coating”, Journal of Polymers and the Enviroment, 9(3), p. 125 – 135.
  30. Hoover and W.S. Ratnayake (2001), “Determination of Total Amylose Content of Starch”. Food Analytical Chemistry, E 2.3.1 – E 2.3.5.
  31. Klaus N. Englyst, John H. Cummings (1999), “Rapidly available glucose in foods: an in vitro measurement that reflects the glycemic response”, The American Journal of Clinical Nutrition, No. 69, p. 448 – 454.
  32. Giacco R., Riccardi G. (1998), “Metabolic effects of resistant starch in patients with type 2 diabetes”, Diabetes Nutrition Metabolism, 34(5), p. 330 – 335.
  33. Holm J., lundquist I., Eliasson A.C, Asp N.G. (1998), “ Degree of starch gelatinization, digestion rate of starch in-vitro, and metabolic response in rats”, The American Journal of Clinical Nutrition, 47, p. 1010 – 1016.

Vui lòng không reup bài khi chưa được cho phép!

Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …