Đánh giá tình trạng quanh răng ở bệnh nhân Đái tháo đường typ 2

ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG QUANH RĂNG Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

 Nguyễn Xuân ThựcBệnh viện Bạch Mai

Đỗ Trung QuânTrường ĐHY Hà Nội

Abstract

 Evaluate periodontal status in type 2 diabetic patients

Aim: The aim of this study was to evaluate periodontal status in patients with type 2 diabetes.

Materials and methods: Four hundred type 2 diabetics (following criteria of IDF – 2005) with age ≥ 45 years old getting oral examination at Department of Odonto-Stomatology Bachmai Hospital from 6/2010 to 6/2011 were invited to participate in the cross-sectional study. Periodontal examination included full – mouth assessment for Oral Hygiene Index simplified (OHI-S), Gingival Index (GI) and Community Periodontal Index of Treatment Need (CPITN).

Results: Type 2 diabetics’ oral hygiene was very poor with the mean of OHI-S as 4,3 ± 1,1.  None of the subjects had a healthy periodontium. All of the subjects were suffered from gingivitis. Among them: 11,3% mild, 65,7% moderate and 23% severe gingivitis. Periodontal status of type 2 diabetics were very poor with percentage of CPI 2, CPI 3 and CPI 4 in turn as 37,5%, 43,3% and 19,2%. In the mean, each patient had 3 sextants with dental calculus (CPI 2); 1,5 sextants with periodontal pocket (CPI 3 & CPI 4). 45,2% degree 1 clinical attachment loss; severe clinical attachment loss (degree 3&4) appopriated 12%. In the mean, each subject had 2,5 sextants with poor or disfunction.

Conclusions: The poor periodontal status of our study-subjects indicates a need to establish a comprehensive oral health promotion programme for type 2 diabetes based on collaboration between dental care professionals and diabetic care.

Keywords: diabetes, oral hygiene, oral health.

Mục tiêu: Nhằm đánh giá thực trạng bệnh quanh răng ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Đối tượng và phương pháp: Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu là 400 bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên, được chẩn đoán mắc ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn của IDF – 2005 [1], được khám răng miệng tại khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 6/2010 đến 6/2011. Các bệnh nhân được khám lâm sàng một cách toàn diện để đánh giá VSRM, tình trạng lợi và tình trạng QR thông qua các chỉ số OHI-S (Green & Vermillion – 1975), GI (Loe & Silness – 1965) và CPITN (Ainamo – 1982) [4]. Kết quả: VSRM của bệnh nhân ĐTĐ typ 2 rất kém với trung bình chỉ số OHI-S là 4,3 ± 1,1. Không có tỷ lệ mô QR hoàn toàn lành mạnh. 100% bệnh nhân bị viêm lợi, trong đó VL nhẹ chiếm 11,3%, VL trung bình chiếm 65,7% và VL nặng chiếm 23,0%. Tình trạng QR ở người ĐTĐ typ 2 rất kém với tỷ lệ CPI 2, CPI 3 và CPI 4 lần lượt là 37,5%; 43,3% và 19,2%. Trung bình mỗi bệnh nhân có khoảng 3 vùng lục phân CPI 2; 1,5 vùng CPI 3 và CPI 4. Mất bám dính (MBD) độ 1 chiếm 45,2%; MBD nặng (độ 3 và 4) chiếm tới 12%. Trung bình mỗi bệnh nhân có 2,5 vùng lục phân bị giảm hoặc mất chức năng. Kết luận: Tình trạng QR của đối tượng nghiên

cứu rất kém, cần phải có các chương trình nâng cao sức khoẻ răng miệng một cách toàn diện cho người ĐTĐ typ 2 dựa trên sự phối hợp giữa chăm sóc răng miệng và điều trị ĐTĐ.

Từ khoá: đái tháo đường, vệ sinh răng miệng, sức khoẻ răng miệng.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hiện đang gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó ĐTĐ typ 2 chiếm khoảng 90%. Sự bùng nổ ĐTĐ typ 2 và các biến chứng của nó đang là thách thức lớn với Y học và cộng đồng [1]. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, khi nghiên cứu ở cộng đồng dân cư Pima Indian (thuộc bang Arizona – Mỹ) – nơi có tỷ lệ mắc ĐTĐ typ 2 lớn nhất thế giới, sau khi đã điều chỉnh về các yếu tố nhiễu như tuổi, giới, tình trạng VSRM … các tác giả đã đi đến nhận định ĐTĐ thực sự là một yếu tố nguy cơ của bệnh QR. Một số tác giả còn cho rằng bệnh QR là biến chứng thứ 6 của ĐTĐ. Bệnh QR ở người ĐTĐ typ 2 nặng hơn so với người không mắc ĐTĐ cả về tỷ lệ, sự lan rộng và mức độ trầm trọng [7]. Ở Việt Nam, hầu như chưa có tài liệu nào nói về bệnh QR của người ĐTĐ typ 2. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu:

Đánh giá thực trạng bệnh quanh răng ở người ĐTĐ typ 2.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối t­ượng nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành trên 400 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 từ 45 tuổi trở lên, được khám răng miệng tại khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Bạch Mai (từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011).

  1. Phương pháp nghiên cứu.

Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu.

Các bệnh nhân được chẩn đoán mắc ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của hiệp hội ĐTĐ quốc tế (IDF) – 2005 [1].

Tất cả các BN được khám lâm sàng để ghi nhận chỉ số vệ sinh răng miệng đơn giản (Oral Hygiene Index Simplified – OHI-S) theo Green & Vermillion – 1975, chỉ số lợi Gingival Index -GI) theo Loe & Silness – 1965 và chỉ số nhu cầu điều trị quanh răng cộng đồng (Community Periodontal Index of Treatment Needs – CPITN) theo Ainamo – 1982 [4].

2.1. Chỉ số OHI-S (theo Green & Vermillion – 1975): gồm chỉ số DI-S & CI-S.

Chỉ số mảng bám răng (DI-S) có 4 mức độ:

0 : Hoàn toàn không có MBR.

1 : Mảng bám mềm, phủ không quá 1/3 bề mặt từ cổ răng.

2 : Mảng bám mềm phủ 1/3-2/3 bề mặt thân răng.

3 : Mảng bám mềm phủ > 2/3 bề mặt răng.

Chỉ số cao răng (CI-S) có 4 mức độ:

0 : Không có cao răng.

1 : Cao răng trên lợi phủ không quá 1/3 bề mặt răng.

2 : Cao răng trên lợi bám từ 1/3-2/3 bề mặt thân răng, hoặc có ít cao răng dưới lợi.

3 : Cao răng trên lợi bám >2/3 bề mặt thân răng, có cao răng dưới lợi.

Cách tính:

DI-S = Tổng các chỉ số đánh giá chia cho tổng số răng khám.

CI-S = Tổng các chỉ số đánh giá chia cho tổng số răng khám.

OHI-S = DI-S + CI-S

Ngưỡng đánh giá của OHI-S

Mức đánh giá Mã số
Rất tốt 0
Tốt 0,1 – 1,2
Trung bình 1,3 – 3,0
Kém (nặng) 3,1 – 6,0

2.2. Chỉ số GI (theo Loe & Silness – 1965).

Chọn các răng: 16, 12, 24, 36, 32, 44 đại diện cho mỗi vùng lục phân. Các răng này được thăm khám 4 vùng lợi (xa, ngoài, ngần, trong).

0 : Lợi hoàn toàn bình thường.

1 : Lợi viêm nhẹ, đổi màu ít, trương lực giảm, thăm không chảy máu.

2 : Viêm trung bình, lợi đỏ nề, láng bóng, chảy máu khi thăm.

3 : Viêm nặng, lợi đỏ nề loét, thăm dễ chảy máu hoặc chảy máu tự nhiên.

Cách tính:

GI cho một răng: cộng mã số của 4 mặt rồi chia 4.

GI cho cá thể: cộng tất cả mã số rồi chia cho tổng số răng khám.

GI của nhóm: cộng tất cả giá trị GI rồi chia cho số người khám.

Ngưỡng đánh giá:

Lợi không viêm 0
Viêm lợi nhẹ 0,1 – 0,9
Viêm lợi trung bình 1,0 – 1,9
Viêm lợi nặng 2,0 – 3,0

2.3. Chỉ số CPITN (theo Ainamo – 1982).

Chia cung răng thành 6 vùng lục phân. Vùng lục phân phải còn ít nhất 2 răng trở lên còn chức năng (nghĩa là răng không có chỉ định nhổ). Khi vùng chỉ còn 1 răng thì tính sang vùng kế bên. Vùng không còn răng thì gạch chéo (X) và được coi là vùng mất răng. Chỉ tính răng 8 khi nó thế chỗ chức năng cho răng 7.

Cách tiến hành:

Sử dụng cây thăm dò của WHO để xác định chảy máu lợi, cao răng (CR) và độ sâu của túi lợi. Chúng tôi khám tất cả các răng của vùng lục phân, như­ng chỉ ghi nhận mã số cao nhất để đại diện cho vùng lục phân đó.

Kết quả: có 5 mức độ đư­ợc ghi:

CPI 0      = Tổ chức QR bình thư­ờng.

CPI 1      = Chảy máu sau thăm nhẹ.

CPI 2      = Cao răng trên hoặc dư­ới lợi.

CPI 3      = Túi sâu 4 – 5 mm.

CPI 4      = Túi bệnh lý sâu ≥ 6 mm.

Phân loại nhu cầu điều trị QR: Bệnh nhân đư­ợc phân loại các mức (0, I, II, III) nhu cầu điều trị theo mã số cao nhất trong khi khám:

TN 0       = Không cần điều trị (CPI 0).

TN I        = H­ướng dẫn VSRM (CPI 1).

TN II       = H­ướng dẫn VSRM + lấy CR và làm nhẵn mặt chân răng, loại trừ              mảng bám, sửa lại sai sót trong hàn răng và chụp răng (CPI 2, 3).

TN III     = I + II + điều trị phức hợp lấy CR và làm nhẵn mặt chân răng, nạo mở có tê và phẫu thuật (CPI 4).

  1. Xử lý số liệu.

Số liệu được xử lý bằng phần mềm thống kê Y học SPSS 11.5

 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1. Phân bố tình trạng VSRM qua chỉ số OHI-S.

Tình trạng VSRM n %
VSRM tốt 5 1,3
VSRM trung bình 67 16,7
VSRM kém 328 82,0
Tổng 400 100,0

Tỷ lệ VSRM tốt rất thấp chỉ chiếm 1,3%, tỷ lệ VSRM trung bình chiếm 16,7%, tỷ lệ VSRM kém rất cao chiếm tới 82%.

Trung bình chỉ số OHIS là: 4,3 ± 1,1. Từ đó chúng ta có thể thấy đối tuợng nghiên cứu có đặc điểm VSRM rất kém.

Viêm lợi nhẹ chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ có 11,3%, trong đó viêm lợi nặng chiếm tỷ lệ khá cao với 23%.

Trung bình chỉ số GI là: 1,7 ± 0,5; GI thấp nhất là: 0,3; GI cao nhất là: 3,0.

Bảng 3.2. Tỷ lệ người lành mạnh và có bệnh QR qua chỉ số CPI.

Mã số CPI n %
CPI 2 150 37,5
CPI 3 173 43,3
CPI 4 77 19,2
Tổng 400 100,0

Không có tỷ lệ CPI 0 và CPI 1.

Tỷ lệ CPI 3 và CPI 4 (có túi lợi bệnh lý) rất cao chiếm tới 62,5%, trong đó số tỷ lệ CPI 4 (túi sâu) chiếm 19,2%

Bảng 3.3. Số trung bình lục phân lành mạnh và có bệnh QR trên mỗi người.

CPI Tổng số vùng Trung bình
CPI 0 11 0,03
CPI 1 96 0,24
CPI 2 1305 3,26
CPI 3 524 1,31
CPI 4 152 0,38
Mất R  [L.phân loại trừ] 312 0,78

Số trung bình vùng lục phân CPI 0 và CPI 1 rất thấp, hầu như bằng 0.

Trung bình mỗi bệnh nhân có khoảng 3 vùng lục phân có cao răng (CPI 2) và 1,5 vùng lục phân có túi bệnh lí (CPI 3 và CPI 4). Như vậy có thể thấy mức độ lan rộng của bệnh quanh răng là khá trầm trọng.

Vùng 2 và vùng 5 có tình trạng QR ít trầm trọng hơn so với các vùng còn lại. Tỷ lệ CPI 3 và CPI 4 thấp nhất ở vùng 2, ngược lại tỷ lệ này cao nhất ở vùng 4.

Tỷ lệ CPI 3, CPI 4 và vùng mất răng là tương đương giữa các vùng 1, 3, 4 và 6.

 IV. BÀN LUẬN

Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là: 59,7 ± 6,2, tỷ lệ nữ/nam là 1,8. Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác khi nghiên cứu trên đối tượng mắc ĐTĐ: theo Nguyễn Thế Anh (2003) tuổi trung bình là 60,1 ± 10,7 và tỷ lệ nữ/nam là 1,8, theo Nguyễn Xuân Thực (2006) tuổi trung bình là 61,3 ± 10,9 và tỷ lệ nữ/nam là 1,5 [3].

Chúng tôi cũng nhận thấy tuổi và tỷ lệ nữ/nam ở đối tượng nghiên cứu là phù hợp với đặc điểm của ĐTĐ typ 2 như bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và thường khởi phát ở lứa tuổi trung niên. Mặt khác, lứa tuổi trung niên cũng là lứa tuổi có sự thoái hoá sinh lý của mô quanh răng, bệnh VQR mãn cũng thường gặp ở lứa tuổi này.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng VSRM của đối tượng nghiên cứu là rất kém với TB chỉ số OHI-S là 4,3 ± 1,1; trong đó chỉ có 5 bệnh nhân VSRM tốt chiếm 1,3%, còn VSRM kém là 328 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 82% – đây thực sự là một con số đáng quan tâm. Một số nghiên cứu khác như của Guglielmo Campus (2005) [8], R. Del Toro (2006) [9], Nguyễn Xuân Thực (2006) [3], cũng chỉ ra rằng VSRM của người ĐTĐ typ 2 rất kém và kém hơn ở người không mắc ĐTĐ. Theo chúng tôi, việc VSRM tốt hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như ý thức, sự hiểu biết về tầm quan trọng của VSRM, kiến thức về cách giữ gìn VSRM…. Song đối với người bệnh ĐTĐ typ 2 lại có đặc thù riêng. Do ĐTĐ typ 2 là bệnh mãn tính suốt đời, những đợt bệnh nặng lên gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ toàn thân, chính điều này đã tác động xấu tới việc VSRM cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó người bệnh ĐTĐ typ 2 vẫn còn thiếu kiến thức về tác dụng cũng như phương pháp giữ gìn VSRM khoa học nên đã không coi trọng nó. Mặt khác một bộ phận không nhỏ người bệnh ĐTĐ typ 2 đã có biểu hiện tiêu cực, họ có tâm lý chán nản, buông xuôi, phó mặc số phận…dẫn tới việc lơ là chăm sóc bản thân.

Biểu đồ 3.1 cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về tình trạng lợi của đối tượng nghiên cứu qua chỉ số GI. Kết quả cho thấy 100% đối tượng nghiên cứu đều bị viêm lợi, trong đó tỷ lệ lợi viêm nhẹ (GI từ 0,1 – 0,9) chỉ chiếm 11,3%; còn tỷ lệ viêm lợi nặng (GI từ 2,0 – 3,0) chiếm tới 23%. Trung bình chỉ số GI là 1,7 ± 0,5; điều đó chứng tỏ rằng hầu hết đối tượng nghiên cứu đều có tình trạng viêm lợi từ trung bình đến nặng.

Mặt khác, bảng 3.2 cho chúng ta thấy, trong tổng số 400 đối tượng nghiên cứu thì tỷ lệ có cao răng đơn thuần (CPI 2) chiếm 37,5% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ có có túi bệnh lí (CPI 3 và CPI 4) chiếm tới 62,5%,
sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với
p < 0,01.

Với tỷ lệ CPI 2 chỉ chiếm 37,5%, tỷ lệ CPI 3 và CPI 4 chiếm tới 62,5% trong đó tỷ lệ CPI 4 là 19,2% chúng ta dễ dàng nhận thấy đối tượng nghiên cứu có bệnh quanh răng khá trầm trọng ở mức độ phổ biến. Hơn thế nữa, sự lan rộng của bệnh quanh răng cũng ở mức độ đáng báo động – Điều này được thể hiện rõ ở bảng 3.3. Bảng 3.3 cho thấy: trung bình mỗi bệnh nhân có khoảng 3 vùng lục phân CPI 2; 1,5 vùng CPI 3 và CPI 4. Tiến hành phân tích sâu hơn về về tình trạng QR theo vùng lục phân, chúng tôi có biểu đồ 3.2. Qua đó, chúng tôi thấy rằng tình trạng bệnh QR nhẹ nhất ở vùng lục phân 2 và 5. Vùng lục phân 2 và 5 có tỷ lệ CPI 3, CPI 4 và mất răng thấp hơn so với vùng lục phân 1, 3, 4 và 6. Theo chúng tôi, sở dĩ có kết quả trên là do vùng lục phân 2 và 5 chính là vùng răng cửa trên và dưới – Những vùng này là vùng lộ dễ VSRM hơn những vùng khác, đồng thời đây là 2 vùng ít chịu sang chấn bởi lực ăn nhai hơn so với các vùng còn lại.

Khi so sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi với một số nghiên cứu ở trong nước, chúng tôi có bảng số liệu sau [2], [5], [6]:

Thông qua bảng 4.2 chúng ta cũng có thể thấy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có tuổi đời ít hơn, tuy nhiên tình trạng QR lại nặng hơn so với các nghiên cứu khác.

 

 

Bảng 4.1. So sánh tình trạng QR với một số nghiên cứu ở Việt Nam


 

Tác giả

 

 

Tuổi

 

n

Tỉ lệ % người Số trung bình sextant
CPI 0 CPI 1 CPI 2 CPI 3 CPI 4 CPI 0 CPI 1 CPI 2 CPI 3 CPI 4 CPIX
T.V Trường

(2001)

≥ 45 999 0 0 53,8 35,7 10,5 0,43 0,07 2,86 0,83 0,21 1,16
Đ.T Hương

(2003)

> 60 100 0 0 68,2 27,2 4,6 0,54 0,18 4,40 0,36 0,05 0,46
P.V Việt

(2004)

≥ 60 850 3,92 0,76 41,47 53,22 0,63 0,32 0,06 3,44 1,10 0,01 1,08
N.X Thực

(2011)

≥ 45 400 0 0 37,5 43,3 19,2 0,03 0,24 3,26 1,31 0,38 0,78

 

Điều này cũng có thể lý giải là bởi đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là các bệnh nhân ĐTĐ typ 2, còn nghiên cứu của Trần Văn Trường và cộng sự là điều tra SKRM toàn quốc ở lứa tuổi từ 45 trở lên, nghiên cứu của Đoàn Thu Hương tiến hành ở các đối tượng trên 60 tuổi đến khám và điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị, còn nghiên cứu của Phạm Văn Việt được tiến hành trên các đối tuợng từ 60 tuổi trở lên đại diện cho khu vực Hà Nội.

Đây cũng có thể được coi là một minh hoạ có sức thuyết phục cho nhận định tình trạng QR ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2 trầm trọng hơn ở những người không mắc ĐTĐ trong cùng độ tuổi so sánh.

Để thấy rõ hơn vấn đề trên, chúng tôi tiến hành so sánh kết quả nghiên cứu của mình với một số điều tra cơ bản của các tác giả nước ngoài đại diện cho các Châu lục trong kho dữ liệu của WHO năm 2004 [11] và có bảng kết quả sau:

 

 

Tác giả

 

Tuổi n Tỉ lệ % người Số trung bình sextant
CPI 0 CPI 1 CPI 2 CPI 3 CPI 4 CPI 0 CPI 1 CPI 2 CPI 3 CPI 4 CPI X
Bonito, A

(Mỹ)

35 – 44 311 11 5 62 17 5 2,6 3,2 2,7 0,5 0,1 0,2
65 – 74 178 13 4 46 26 11 1,9 2,5 2,2 0,7 0,1 1,6
Kunzel & cs (Đức) 35 – 44 567 5 5 63 24 3 2,0 3,6 2,7 0,6 0 0,4
65 – 74 397 4 3 57 31 6 0,8 2,6 2,2 0,6 0,1 2,6
Suzuki, Y.

(Nhật Bản)

35 – 44 80 11 8 28 41 13 2,4 3,1 2,4 1,3 0,2 0,5
65 – 74 94 4 10 32 44 11 0,4 2,9 2,1 1,0 0,2 2,7
Corbert, E.F.

(Trung Quốc)

35 – 44 1572 0 0 64 32 4 0,2 5,7 5,3 0,7 0,1 0,1
65 – 74 1286 0 1 55 37 7 0,1 4,1 4,0 0,8 0,1 1,8
Amarasen N

(Campuchia)

35 – 44 339 3 1 92 4 0 0,6 5,3 5,1 0,1 0 0,1
65 – 74 67 0 0 54 41 5 0,1 3,5 3,5 1,1 0,1 2,4
N. X. Thực

(Việt Nam)

≥ 45 400 0 0 37,5 43,3 19,2 0,03 0,24 3,26 1,31 0,38 0,78

Bảng 4.2. So sánh tình trạng QR với một số nghiên cứu ở nước ngoài.

Theo chuẩn của WHO, khi đánh giá về tình trạng VQR, hai nhóm tuổi được quan tâm chủ yếu là nhóm tuổi từ 35 – 44 và nhóm tuổi từ 65 – 74 vì nó đại diện cho nhóm trung niên và người cao tuổi. Khi so sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi với kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, chúng tôi thấy tình trạng bệnh QR của chúng tôi nặng hơn cả về tỷ lệ bệnh lẫn mức độ lan rộng của bệnh. Sự khác biệt này cũng là minh chứng có sức thuyết phục nói lên sự khác biệt về tình trạng bệnh QR của người ĐTĐ typ 2 so với những người bình thường không mắc ĐTĐ.

Từ những phân tích trên có thể thấy: đối tuợng nghiên cứu của chúng tôi có bệnh quanh răng nặng cả về tỷ lệ lẫn mức độ lan rộng của bệnh. Đây cũng được coi là một tiếng chuông cảnh báo khiến chúng ta phải giật mình, bởi lẽ mặc dù có bệnh lí quanh răng như vậy nhưng trên thực tế số người được quan tâm chăm sóc SKRM lại rất hạn chế. Điều này cũng đồng nghĩa với sự mất kiểm soát các biến chứng răng miệng, với sự mất răng trong tương lai và với sự giảm chất lượng sống của các bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

V. KẾT LUẬN

Tình trạng QR ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 rất kém. Cần phải thiết lập một chương trình nâng cao sức khoẻ răng miệng toàn diện dựa trên sự phối hợp chăm sóc sức khoẻ quanh răng với điều trị tích cực ĐTĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2006), “Bệnh đái tháo đường – tăng glucose máu”, Nhà xuất bản Y học, Trang 19 – 50.
  2. Đoàn Thu Hương (2003),Đánh giá tình trạng bệnh quanh răng, mất răng và nhu cầu điều trị ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) tại khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Hữu Nghị”, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa II, Trưòng ĐHY Hà Nội.
  3. Nguyễn Xuân Thực (2006), “Đánh giá tình trạng quanh răng ở bệnh nhân ĐTĐ được điều trị nội trú tại khoa nội tiết bệnh viện Bạch Mai”, Luận văn thạc sỹ Y học – trường đại học Y Hà Nội.
  4. Đỗ Quang Trung (2001), “Bệnh học quanh răng”, Tài liệu giảng dậy, trường đại học Y Hà Nội, Trang 10 -17.
  5. Trần Văn Trường, Lâm Ngọc ấn, Trịnh Đình Hải (2001), “Điều tra sức khoẻ răng miệng toàn quốc”.
  6. Phạm Văn Việt (2004), “Nghiên cứu tình trạng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ răng miệng và đánh giá kết quả hai năm thực hiện nội dung chăm sóc răng miệng ban đầu ở người cao tuổi tại Hà Nội”, Luận án Tiến sỹ Y học, Trường ĐHY
    Hà Nội.
  7. Emrich LJ, Shlossman M, Genco RJ (1991), “periodontal disease in non-insulin-dependent diabetes melitus”, J Periodontol, pp. 123 – 130.
  8. Guglielmo campus, at al (2005), “Diabetes and periodontal disease: A case – control study”, Journal of periodontology, 1289 – 1303.
  9. Del Toro, MG. Aldrete, P. Mendoza, T. Gonzalez, C. Bracamontes, N. Balcaza (2006), “1012 epidemiological study: oral manifestations in diabetes mellitus patients”, Oral Health Research II.
  10. Soheila Bakhshandeh et al (2007), “Periodontal treatment needs of diabetic adult”, Journal of Clinical Periodontology, vol 34 issue 1, page 53 – 57.
  11. WHO (2004), “An overview of CPITN data in the WHO global oral health data bank”.

Vui lòng không reup bài viết khu chưa được cho phép!

Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …