Khảo sát tiền Đái tháo đường ở bệnh nhân thừa cân béo phì có tăng huyết áp

KHẢO SÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở BỆNH NHÂN THỪA CÂN BÉO PHÌ CÓ TĂNG HUYẾT ÁP

Trần Quang Nhật1,2, Trần Thừa Nguyên1,2,

Trần Bùi Hoài Vọng1, Cao Quốc Hoài1

  1. Khoa Nội Tổng hợp – Lão khoa, Bệnh viện Trung ương Huế

 Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam

 

DOI: 10.47122/vjde.2022.52.4

ABSTRACT

Prevalence of prediabetes among overweight and obesity patients with hypertension

Objective: To survey the proportion of prediabetes in overweight and obesity patients with hypertension. Methodology: A cross-sectional descriptive study on 82 overweight and obesity patients with hypertension or being treated for hypertension at Hue Central Hospital from April 2020 to November 2021. Include in the study the cases satisfying the selection criteria. Perform oral glucose tolerance test: determine blood glucose at two times G0, G2.Test HbA1C. Data processing using SPSS 20.0 software. Results: Prediabetes rate accounted for 69.5%, prediabetes rate based on G0, G2, HbA1c respectively 31,7%; 43,9%; 62,2%. Prediabetes rate based on 2 criteria G0 and G2 is 17,1%. Prediabetes rate based on 2 criteria G0 and HbA1c is 19,5%. Prediabetes rate based on 2 criteria G2 and HbA1c is 25,6%. Prediabetes rate based on 3 criteria G0 and G2 and HbA1c is 12,2%.

Keywords: Prediabetes, overweight, obesity, hypertension.

 

TÓM TẮT

Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường ở bệnh nhân thừa cân béo phì có tăng huyết áp. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 82 bệnh nhân thừa cân béo phì có tăng huyết áp hoặc đang điều trị THA tại Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. Đưa vào nghiên cứu các trường hợp thỏa mãn tiêu chuẩn chọn bệnh. Tiến hành thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: xác định glucose máu hai thời điểm G0, G2.Xét nghiệm

HbA1C. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ tiền ĐTĐ chiếm 69,5%, tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0, G2, HbA1c lần lượt là 31,7%; 43,9%; 62,2%.Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G0 và G2 là 17,1%. Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G0 và HbA1c là 19,5%. Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G2 và HbA1c là 25,6%.Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 3 tiêu chuẩn G0 và G2 và HbA1c là 12,2%.

Từ khóa: tiền đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp.

Tác giả liên hệ: Trần Thừa Nguyên

Email: [email protected]

Ngày nhận bài: 6/03/2022

Ngày phản biện khoa học: 16/03/2022

Ngày duyệt bài: 30/03/2022

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) được định nghĩa là tình trạng trung gian giữa mức glucose máu bình thường và ngưỡng chẩn đoán bệnh đái tháo đường típ 2. Tiền đái tháo đường là trạng thái đặc trưng bởi rối loạn đường máu lúc đói (RLĐMLĐ) và/hoặc rối loạn dung nạp glucose (RLDNG) [16]. Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế IDF (2021) có 50% người bị đái tháo đường tuổi từ 20-79 không được chẩn đoán, với 541 triệu người (khoảng 10,2%) ở độ tuổi này có rối loạn dung nạp glucose, dự báo đến năm 2045 con số sẽ là 730,3 triệu người (11,2%) [10].

Thừa cân béo phì liên quan chặt chẽ với tình trạng kháng insulin và chỉ ra đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng đề kháng insulin, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh lý như đái tháo đường típ 2, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, các biến cố tim mạch…và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tăng huyết áp hay đi kèm với đái tháo đường hoặc giảm dung nạp glucose. Những trường hợp này chỉ phát hiện được khi tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Việc phát hiện sớm rối loạn dung nạp glucose có ý nghĩa dự phòng và ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh đái tháo đường [5]. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp ngay từ khi chỉ có mức glucose trong máu tăng (≥ 5,6 mmol/l), chưa có đường trong nước tiểu và chưa có biểu hiện lâm sàng thì dự phòng mới thật sự có ý nghĩa. Đó chính là lý do, chúng tôi tiến hành đề tài: “Khảo sát tiền đái tháo đường ở bệnh nhân thừa cân béo phì có tăng huyết áp” với mục tiêu: khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường ở bệnh nhân thừa cân béo phì có tăng huyết áp.

2. PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

 Đối tượng nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu trên 82 bệnh nhân thừa cân béo phì (BMI≥ 23 kg/m2) có tăng huyết áp hoặc đang điều trị THA tại khoa Nội Tổng hợp – Lão khoa, BVTW Huế, từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021.

 Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân đủ các điều kiện sau: -Tuổi ≥ 45 tuổi.

 BN thừa cân, béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2).

-Tăng huyết áp khi HATT ≥ 140 mmHg và/hoặc HATTr≥ 90mmHg và/hoặc đang điều trị THA.

Tiêu chuẩn loại trừ:

-Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu hoặc không đủ khả năng nhận thức để tham gia nghiên cứu.

  • Bệnh nhân đã phát hiện bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh nhân đang điều trị một số thuốc như glucocorticoids, lợi tiểu thiazide, thuốc chống loạn thần không điển hình… có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiệm pháp dung nạp đường huyết.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Đây là phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, với cách chọn mẫu thuận tiện.

  • Tất cả BN đều được tiến hành lấy các thông số về tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, vòng bụng, BMI, tiền sử tăng huyết áp.
  • Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: xác định glucose máu hai thời điểm G0, G2. Xét nghiệm HbA1c, insulin máu, bilan lipid máu.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường theo ADA (2019)

  • Nồng độ glucose huyết tương khi đói: 5,6-6,9 mmol/L (100-125mg/dL), và/hoặc
  • Nồng độ glucose huyết tương 2h sau uống 75g glucose là 7,8 – 11,0 mmol/L (140-199mg/dL) và /hoặc
  • HbA1c từ 5,7% đến 6,4% [1].

Bảng 2.1. Tiêu chuẩn đánh giá béo phì theo khuyến cáo của WHO áp dụng cho người châu Á trưởng thành (2002) [14]

Bảng 2.2. Bảng phân độ Tăng huyết áp theo tiêu chuẩn của Hội Tim mạch Việt Nam 2018 [6]

  • Nếu HA không cùng mức để phân loại thì chọn mức HA tâm thu hay tâm trương cao nhất.

THA tâm thu đơn độc xếp loại theo mức HATT

– Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0 và Medcalc

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu

Trong tổng số 82 bệnh nhân nữ giới chiếm đa số với 74,4%, nam chiếm 25,6%. Nhóm 60-69 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,5%, sau đó là ≥ 70 tuổi với 40,2%, thấp nhất là nhóm 45-59 tuổi với 18,3%. Tỷ lệ bệnh nhân ở thành thị là 67,1%, nông thôn chiếm 32,9%. Tỷ lệ thừa cân chiếm đa số với 65,9%, béo phì độ 1 chiếm tỷ lệ thấp hơn 34,1%. Giá trị trung bình của G0, G2 và HbA1c ở cả hai giới lần lượt là: 6,0 mmol/l, 8,6 mmol/l và 5,7%.

3.2. Tỷ lệ tiền đái tháo đường

Biểu đồ 3.1. Phân bố tình trạng dung nạp glucose máu trong nhóm nghiên cứu

 

Nhận xét: Dựa vào phân tích kết quả glucose máu lúc đói (G0), HbA1c và Glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống (G2) chúng tôi nhận thấy có 57 trường hợp chiếm 69,5% nhóm nghiên cứu có tiền đái tháo đường. 20 trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường mới phát hiện và 6,1% bình thường.

Bảng 3.1. Phân bố giá trị  glucose máu đói (G0) ở nhóm nghiên cứu

Nhận xét: Nhóm G0 (<5,6mmol/l) chiếm tỷ lệ cao nhất 51,2%, trong khi tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0 (5,6- 6,9mmol/l) chiếm 31,7%, thấp nhất là nhóm G0 ≥7 mmol/l chiếm 17,1%.

 

Bảng 3.2. Phân bố giá trị  glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2)

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ chiếm 43,9%, cao hơn nhóm ĐTĐ 12, 2%.

Bảng 3.3. Phân bố giá trị HbA1C trên đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào HbA1c chiếm 62,2%, cao hơn nhóm có đường máu bình thường và nhóm ĐTĐ.

Bảng 3.4. Phân bố giá trị glucose máu dựa vào glucose máu đói (G0) và glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2)

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G0 và G2 là 17,1%.

 

Bảng 3.5. Phân bố giá trị glucose máu dựa vào glucose máu đói (G0) và HbA1c

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G0 và HbA1c là 19,5%.

 

Bảng 3.6. Phân bố giá trị glucose máu dựa vào glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) và HbA1c

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn G2 và HbA1c là 25,6%.

Bảng 3.7. Phân bố giá trị glucose máu dựa vào glucose máu đói (G0) và glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) và HbA1c

Nhận xét: Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 3 tiêu chuẩn G0 và G2 và HbA1c là 12,2%.

 

4. BÀN LUẬN

Dựa theo tiêu chuẩn ADA (2019) khi khảo sát 82 bệnh nhân thừa cân béo phì có THA phân tích kết quả theo G0, G2 và HbA1c ghi nhận có 57 trường hợp tiền đái tháo đường chiếm 69,5%. Kết quả này cao hơn với nghiên cứu của một số tác giả ở Việt Nam và trên thế giới:

  • Tác giả Trương Xuân Hùng (2021) tỷ lệ tiền đái tháo đường là 16,9% [8].
  • Tác giả Nguyễn Hữu Dũng (2014) ghi nhận tỷ lệ tiền ĐTĐ là 25,7%[4].
  • Tác giả Đỗ Trung Quân và cộng sự (2019) ghi tỷ lệ tiền ĐTĐ là 35,8% [15].
  • Camila Maciel De Oliveira và cộng sự (2020) ,tỷ lệ tiền ĐTĐ là 12,8% [2].

Theo bảng 3.1 ghi nhận tỷ lệ glucose máu đói ở nhóm RLĐMLĐ (5,6-6,9 mmol/l) là 31,7%. Kết quả này cao hơn kết quả của tác giả Trương Xuân Hùng (2021) ghi nhận tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0 (5,6-6,9mmol/l) là 17,7% [8], tác giả Lê Thanh Long và cộng sự (2020) tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0 (5,6-6,9mmol/l) là 16% [12]. Carolina Giráldez-García và cộng sự (2015) ghi nhận tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0 (5,6-6,9mmol/l) là 12,6% [3].

Theo bảng 3.2 ghi nhận giá trị glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp ở ở nhóm RLDNG (7,8-11,0 mmol/l) là 43,9%. Kết quả này cao hơn tác giả Nguyễn Thu Hương và cộng sự (2019) tỉ lệ tiền ĐTĐ theo G2 ở tác giả là 36,72% [9]. Trương Xuân Hùng (2021) với tỉ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G2 (7,8-11,0 mmol/l) là 15% [8], tác giả Lê Thanh Long và cộng sự (2020) ghi nhận tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G2 là 13,1% [2].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tiền ĐTĐ theo HbA1c (5,7-6,4%) chiếm tỷ lệ cao nhất với 62,2%. Kết quả này cao hơn của tác giả Nguyễn Hữu Dũng, Trần Hữu Dàng (2014) tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào mức HbA1c (5,7-6,4%) chỉ chiếm 15% và cũng cao hơn nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thu Hương và cộng sự (2019) với tỷ lệ chỉ 38,64% [4], [9].

Tác giả Ja Young Jeon và cộng sự (2013) ghi nhận với mức HbA1c (5,7-6,4%) [11], tỷ lệ tiền ĐTĐ là 38,3%. Kết quả nghiên cứu của tác giả Carolina Giráldez-García và cộng sự (2015) với tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào HbA1c là 15,6% thấp hơn so với chúng tôi [3].

Theo bảng 3.4, trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tiền đái tháo đường dựa vào 2 tiêu chuẩn là glucose máu đói (G0) và glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) theo ADA (2019) là 17,1%. Kết quả này thấp hơn của tác giả Hulya Yalcin và cộng sự (2017) khi nghiên cứu trên 365 đối tượng không tiền ĐTĐ từ 18-85 tuổi với tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G0 (5,6-6,9 mmol/l) và G2 (7,8-11,0 mmol/l) là 30% [7].

Theo bảng 3.5, tỷ lệ tiền đái tháo đường dựa vào 2 tiêu chuẩn là glucose máu đói (G0) và HbA1c là 19,5%. Kết quả này của chúng tôi cao hơn tác giả Maria A. Marini và cộng sự (2012) khi ghi nhận tỷ lệ tiền đái tháo đường dựa vào HbA1c và G0 là 15,8% [13]. Nhưng thấp hơn tác giả Carolina Giráldez-García và cộng sự (2015) khi tỷ lệ tiền ĐTĐ là 30,4% dựa vào HbA1c (5,7-6,4%) và G0 (5,6-6,9 mmol/l) [3].

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào G2 và HbA1c của chúng tôi ghi nhận là 25,6%.

Theo bảng 3.7, tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào cả 3 tiêu chí G0 (5,6-6,9 mmol/l) và G2 (7,8-11,0 mmol/l) và HbA1c (5,7-6,4%) là 12,2%. Kết quả này cao hơn so với của tác giả Nguyễn Thu Hương và cộng sự (2019) với tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 3 tiêu chí là 10,78% [9].

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 82 bệnh nhân có yếu tố nguy cơ để xác định tỷ lệ tiền ĐTĐ và mối liên quan giữa tiền đái tháo đường với một số yếu tố nguy cơ. Chúng tôi rút ra được một số kết luận sau:

  • Tỷ lệ tiền ĐTĐ chiếm 69,5%. Trong đó tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào glucose máu đói (G0), glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2), HbA1c lần lượt là 31,7%; 43,9%; 62,2%.
  • Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn glucose máu đói (G0) và glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) là 17,1%.
  • Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn glucose máu đói (G0) và HbA1c là 19,5%.
  • Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 2 tiêu chuẩn glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) và HbA1c là 25,6%.
  • Tỷ lệ tiền ĐTĐ dựa vào 3 tiêu chuẩn glucose máu đói (G0) và glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose (G2) và HbA1c là 12,2%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Diabetes  Association  (2019), “Standards of medical care in diabetes”, pp.18
  1. Camila Maciel De Oliveira, Luciane Viater Tureck, Danilo Alvares, et al (2020), ”Cardiometabolic risk factors correlated with the incidence of dysglycaemia in a Brazilian normoglycaemic sample: the Baependi Heart Study cohort”, Diabetol Metab Syndr, 12, pp. 6.
  1. Carolina Giráldez-García, Alicia Diaz‐Redondo (2015), “Cardiometabolic Risk Profiles in Patients With Impaired Fasting Glucose and/or Hemoglobin A1c 5,7% to 6,4%”, Medicine (Baltimore), 94(44), pp. 1935.
  1. Nguyễn Hữu  Dũng,  Trần  Hữu  Dàng (2014), Nghiên cứu tiền ĐTĐ và ĐTĐ típ 2 trên bệnh nhân THA tại Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, Luận án Bác sĩ Chuyên khoa II, Trường Đại học Y Dược Huế, tr.38-39.
  1. Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam (2018), “Bệnh đái tháo đường dịch tễ, phân loại, chẩn đoán”, Khuyến cáo về Chẩn đoán và Điều trị bệnh Đái tháo đường, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr.10-20.
  1. Hội Tim mạch học Quốc gia (2018), “Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp”, tr. 8.
  1. Hulya Yalcin,  Burak  Toprak  and  Ayfer Colak (2017), “The independent relationship between hemoglobin A1c and homeostasis model assessment of insulin resistance in non-diabetic subjects, Turk J Biochem , 42(1), pp. 31-36.
  1. Trương Xuân Hùng (2021), ”Nghiên cứu tiền đái tháo đường trên đối tượng cán bộ chiến sỹ”, Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường, số 46, tr.146-155.
  1. Thu Huong Nguyen, Thuy Nen Nguyen Thi (2019), “The proportion of newly diagnosed prediabetes, diabetes mellitus in subjects over 40 years old in Thai Nguyen city”, Journal of Endocrinology & Diabetes, no.36, pp. 27-31.
  1. International Diabetes Federation (2021), “IDF Diabetes Atlas tenth Edition 2021”.
  1. Ja Young Jeon, Seung-Hyun Ko, Hyuk-Sang Kwon, et al (2013), “Prevalence of Diabetes  and  Prediabetes  according  to Fasting  Plasma  Glucose  and  HbA1c”, Diabetes Metab J, 37(5), pp. 349-357.
  1. Le Thanh Long, Hoang Trung Vinh (2020), “Prevalence of newly diagnosed prediabetes, diabetes mellitus among the officers from Phuoc Long district of Binh Phuoc province”, Journal of Diabetes & Endocrinology, No. 40, pp.24-28.

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …