Đặc điểm đau mạn tính ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 2 cao tuổi tại bệnh viện Lão khoa Trung ương

ĐẶC ĐIỂM ĐAU MẠN TÍNH Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN LÃO KHOA TRUNG ƯƠNG

 

Nguyễn Trung Anh1,2, Nguyễn Thị Thu Hương1,2, Nguyễn Ngọc Tâm1,2, Vũ Thị Thanh Huyền1,2

1Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 2Trường Đại học Y Hà Nội

DOI: 10.47122/vjde.2022.52.3

ABSTRACT

Chronic pain in elderly type 2 diabetic patients at National Geriatric Hospital

Background: Chronic pain is a common condition in elderly people with diabetes, affecting the patient’s quality of life and adherence to treatment. Objective: To describe the characteristics of chronic pain in elderly type 2 diabetes patients. Methodology: A cross-sectional study on 275 patients aged ³ 60 years were diagnosed with diabetes according to the ADA 2018, treatment at Outpatient Department, National Geriatric Hospital. Patients were interviewed according to a questionnaire assessing chronic pain, neuropathic pain (ID-PAIN questionnaire), pain location, pain nature, pain level (Visual Analog Scale), diabetic peripheral neuropathy (MNSI). Results: Mean age was 70.2 ± 7.2 years. The rate of patients with peripheral neuropathy was 64%. Prevalence of chronic pain was 67,6%. The rate of neuropathic pain was 82.8%. The most common pain site is the knee, shin – foot accounted for 93.5%. Moderate pain accounted for the highest rate with 59.7%. The mean VAS score was 3.6 ± 1.8. The proportion of patients who did not use drugs or pain treatments was 86.0%. Conclusion: Chronic pain, especially pain of neurogenic causes, is a common condition in elderly diabetic patients but has not yet received adequate treatment attention.

Keywords: Chronic pain, diabetes, elderly

TÓM TẮT

Tổng quan: Đau mạn tính là tình trạng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Mục tiêu: Mô tả các đặc điểm của đau mạn tính ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 cao tuổi. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu quan sát mô tả trên 275 bệnh nhân ³60 tuổi được chẩn đoán ĐTĐ theo ADA 2018, khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện Lão khoa Trung ương. Bệnh nhân được phỏng vấn theo bộ câu hỏi thống nhất đánh giá tình trạng đau mạn tính, đau do nguyên nhân thần kinh (bộ câu hỏi ID-PAIN), vị trí đau, tính chất đau, mức độ đau (thang điểm Visual Analog Scale), biến chứng thần kinh ngoại vi do ĐTĐ (MNSI). Kết quả: Tuổi trung bình là 70,2 ± 7,2 năm. Tỉ lệ bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi là 64%. Tỷ lệ đau mạn tính là 67,6%. Tỉ lệ đau do nguyên nhân thần kinh là 82,8%. Vị trí đau thường gặp nhất là gối, cẳng – bàn chân chiếm 93,5%. Mức độ đau vừa chiếm tỉ lệ cao nhất với 59,7%. Điểm VAS trung bình là 3,6 ± 1,8. Tỉ lệ bệnh nhân không sử dụng thuốc hoặc phương pháp điều trị đau là 86,0%. Kết luận: Đau mạn tính đặc biệt là đau do nguyên nhân thần kinh là một tình trạng phổ biến ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi tuy nhiên còn chưa được quan tâm điều trị đầy đủ.

Từ khoá: Người cao tuổi, đau mạn tính, đái tháo đường.

Tác giả liên hệ: Nguyễn Trung Anh

Email: [email protected]

Ngày nhận bài: 02/03/2022

Ngày phản biện khoa học: 16/03/2022

Ngày duyệt bài: 30/03/2022

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý đang ngày một trở nên phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, trong đó, ĐTĐ typ 2 chiếm tỷ lệ rất cao, dao động từ 90-95% [1]. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số người mắc bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh, dự báo tỉ lệ người cao tuổi có thể lên đến 16,8% vào năm 2029 [2]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới hơn 50% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 khi được phát hiện đã có biến chứng. Gánh nặng bệnh tật trong nhóm người cao tuổi vốn đã là rất cao với các hậu quả là tử vong hoặc tàn tật và mất khả năng sinh hoạt độc lập.

Đau mạn tính, được định nghĩa là triệu chứng đau kéo dài trên 3 tháng [3]. Đây là một biểu hiện thường gặp trong bệnh lý thần kinh ngoại vi do ĐTĐ. Nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, đau mạn tính và ĐTĐ có thể có một vài yếu tố tương đồng trong cơ chế bệnh sinh. Đó là sự hiện diện của bradykinin, interleukin-6 và sự điều hòa các receptor β1 và β2 [4]. Các cytokine vận hành trên các receptor B1 và B2 đóng một vai trò nhất định trong cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ, cũng như trong các phản ứng viêm và dẫn truyền cảm giác đau. Trong bệnh ĐTĐ, các receptor β1 gây ra các tác động có liên quan tới tình trạng tăng đường huyết cũng như phản ứng đau, trong khi các receptor β2 có liên quan nhiều hơn tới triệu chứng đau cấp và tình trạng tăng cảm giác đau [4].

Nhiều nghiên cứu trên các quần thể BN ĐTĐ cho thấy, tỷ lệ đau mạn tính trong quần thể bệnh nhân ĐTĐ dao động từ 15 – 60% [5]. Đau mạn tính không những gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tuân thủ của bệnh nhân trong điều trị ĐTĐ, trên tất cả các phương diện: tuân thủ dùng thuốc, tuân thủ tập luyện và tuân thủ chế độ ăn. Ngược lại, nhiều nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng cũng cho thấy, đau mạn tính dường như phổ biến hơn ở nhóm đối tượng rối loạn dung nạp đường huyết và ĐTĐ, hơn là các nhóm đối tượng mắc các bệnh lý khác [4]. Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề đau mạn tính trên bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là ở các đối tượng người cao tuổi. Nhằm cung cấp thông tin giúp các bác sĩ lâm sàng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mô tả các đặc điểm của đau mạn tính ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 cao tuổi khám và điều trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

  • Đối tượng nghiên cứu

Bệnh nhân ĐTĐ ³ 60 tuổi khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 10/2018 đến tháng 08/2019. 

  • Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân ³ 60 tuổi được chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn của Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ ADA năm 2018 và đồng ý tham gia nghiên cứu. 
  • Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý cấp tính nặng, suy giảm nhận thức mức độ vừa – nặng hoặc có bệnh lý rối loạn tâm thần hoặc không hoàn thành bộ câu hỏi nghiên cứu. 
  • Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu quan sát mô tả, phương pháp chọn mẫu thuận tiện. 
  • Các biến số nghiên cứu 

Các thông tin được thu thập thông qua hỏi bệnh, khám lâm sàng theo mẫu bệnh án thống nhất, bao gồm các thông tin về: 

  • Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: tuổi, giới.
  • Tỷ lệ đau mạn tính: là đau không chữa lành được hoặc đau kéo dài hơn thời gian chữa lành thông thường. Đau được xem như mạn tính nếu kéo dài hơn 3 tháng [3].
  • Vị trí đau, tính chất đau thường gặp
  • Đánh giá đau do nguyên nhân thần kinh bằng bộ câu hỏi ID – PAIN: Bộ câu hỏi gồm 6 câu, với câu trả lời cho mỗi câu là có hoặc không. Các câu từ 1 – 5 mô tả đặc điểm của đau do nguyên nhân thần kinh, mỗi đáp án có tương ứng 1 điểm. Câu hỏi số 6 mô tả đặc điểm đau do nguyên nhân cơ xương khớp, đáp án có tương ứng -1 điểm. Khi tổng điểm từ 2 điểm trở lên được chẩn đoán đau do nguyên nhân thần kinh. 
  • Đánh giá mức độ đau tại thời điểm phỏng vấn theo thang điểm Visual Analog Scale – VAS chia thành 3 mức độ: đau ít (VAS: 1-3), đau vừa (VAS: 4-6), đau nặng (VAS ≥ 7). 
  • Đánh giá biến chứng thần kinh ngoại vi của ĐTĐ dựa theo thang điểm Michigan Neuropathy Screening Instrument (MNSI). 

Thang điểm MNSI gồm 2 phần là phần hỏi bệnh sử và phần khám lâm sàng. Phần hỏi tiền sử bao gồm 15 câu hỏi với câu trả lời là có (1 điểm) và không (0 điểm). Phần khám lâm sàng là khám bàn chân bao gồm 5 mục: quan sát, phát hiện loét, khám phản xạ gân gót, khám cảm giác rung ngón cái và khám monofilament. Các phần này được cho 3 mức điểm 0 điểm, 0,5 điểm và 1 điểm tùy vào mức độ bất thường. Điểm tối đa cho phần khám lâm sàng là 5 điểm. Bệnh nhân được đánh giá có biến chứng thần kinh ngoại vi khi điểm hỏi bệnh sử ≥ 7 hoặc điểm khám lâm sàng ≥ 2,5.

2.4. Xử lý số liệu

Số liệu thu được trong nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm thống kê y học SPSS 22.0. Sử dụng các thuật toán thống kê gồm: tính tỉ lệ%, tính giá trị trung bình và độ lệch chuẩn.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu thực hiện trên 275 bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi đáp ứng các tiêu chuẩn chọn bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu thu được như sau:

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu (n = 275)

Nữ giới chiếm 59,6%, tỉ lệ nữ/nam là 1,5/1. Tuổi trung bình là 70,2 ± 7,2 năm, trong đó nhóm tuổi 60 – 69 chiếm tỉ lệ cao nhất (50,9%). Tỉ lệ bệnh nhân đã nghỉ hưu là 95,3%. Tỉ lệ bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi là 64%.

3.2. Đặc điểm đau mạn tính ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi

Biểu đồ 1. Tỉ lệ đau mạn tính và đau mạn tính do nguyên nhân thần kinh

Trong 275 đối tượng nghiên cứu, tỉ lệ có đau mạn tính là 67,6%. Trong số 186 BN đau mạn tính, có 82,8% bệnh nhân đau do nguyên nhân thần kinh (đánh giá theo bộ câu hỏi ID-PAIN).

Bảng 2. Vị trí và mức độ đau mạn tính thường gặp (n=186)

Vị trí đau thường gặp nhất là gối, cẳng – bàn chân với 174 người (chiếm 93,5%). Các vị trí đau ít gặp hơn là vai – tay và lưng – hông. Chỉ có 1 bệnh nhân đau ở vùng bụng và 2 bệnh nhân đau vùng đầu mặt cổ. Mức độ đau vừa chiếm tỉ lệ cao nhất với 59,7%, có 5,4% đối tượng đau nhiều. Điểm VAS trung bình là 3,6 ± 1,8.

Biểu đồ 2. Tính chất đau mạn tính ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi

Đa số BN đau mạn tính có cảm giác đau rát (76,9%) hoặc đau co thắt như chuột rút (56,5%).

Không có BN nào có cảm giác đau như dao đâm. Chỉ 2,7% BN có cảm giác đau như bị đập.

Biểu đồ 3. Các thuốc điều trị đau

Đa số các bệnh nhân không sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị đau (chiếm tỉ lệ 86,0%). Tỉ lệ bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng là 5,9%. Tỉ lệ sử dụng các thuốc giảm đau khác khá thấp.

4. BÀN LUẬN

Nghiên cứu trên 275 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cao tuổi, chúng tôi nhận thấy có 67,6% bệnh nhân có đau mạn tính. Kết quả này là tương đương với nghiên cứu của Krein (2005) với 60%, của Mark Davies với 63,8% [6], cao hơn nghiên cứu của Caroline (2011) với 40% [7],[8], của Daousi (2004) với 16,2% [9]. Tuy có sự khác nhau về thiết kế nghiên cứu, cũng như kết quả nghiên cứu, nhưng các nghiên cứu này đều cho thấy đau mạn tính là tình trạng rất phổ biến và cần được quan tâm ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi. Đau mạn tính trên bệnh nhân ĐTĐ có thể do một hoặc phổi hợp nhiều nguyên nhân gây nên. Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy gần 50% bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thần kinh ngoại vi, biểu hiện thường không rõ ràng và xuất hiện muộn nhưng thường gặp, nổi bật nhất là cảm giác đau gặp ở 20 – 30% số bệnh nhân [10],[11].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận trong số 186 bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi có đau mạn tính thì 82,8% là đau do nguyên nhân thần kinh được đánh gíá theo bộ câu hỏi ID – PAIN. Theo như thang điểm này, đau do nguyên nhân thần kinh thường có biểu hiện là đau như bị châm, chích, như bị sốc điện, đi kèm với đó là cảm giác nóng như bị đốt hay cảm giác tê bì, tăng cảm giác khi tiếp xúc với quần áo; và đau thường không làm hạn chế vận động khớp để phân biệt với đau hệ cơ xương khớp. Trong 186 bệnh nhân có biểu hiện đau mạn tính, vị trí đau thường gặp nhất là ở chi dưới (gối – cẳng – bàn chân) với 93,5% và mức độ đau phổ biến nhất là đau vừa chiếm 59,7%; điểm VAS trung bình 3,6 ±1,8. Tính chất cơn đau phổ biến nhất là đau rát, đau kiểu co thắt như chuột rút, đau như bị bỏng hay như điện giật gợi ý đến nguyên nhân gây đau thường có yếu tố thần kinh.

Vị trí đau chi dưới với tính chất thần kinh trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 gợi ý nhiều đến biến chứng thần kinh ngoại biên của ĐTĐ. Có 64% bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi có biến chứng thần kinh ngoại vi qua đánh giá bằng thang điểm MNSI. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh ĐTĐ tuy nhiên với biểu hiện không rõ ràng nên thường được phát hiện muộn và điều trị không kịp thời dẫn đến hậu quả là loét bàn chân, cắt cụt chi, thậm chí tử vong [9]. Nghiên cứu của chúng tôi, ở một khía cạnh nào đó, cũng cho thấy sự bất cập trên. Đó là đau mạn tính xuất hiện ở 67,6% bệnh nhân, trong đó 82,8% do nguyên nhân thần kinh, chủ yếu là đau ở mức độ vừa, ảnh hưởng vừa phải đến công việc và bệnh nhân vẫn làm việc được do đó việc tiếp cận đến các phương pháp điều trị của bệnh nhân là không tích cực. Có đến 86,0% bệnh nhân không sử dụng các thuốc để điều trị đau, và 5,9% bệnh nhân quyết định điều trị triệu chứng này bằng thực phẩm chức năng.

5. KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy đau mạn tính đặc biệt là đau do nguyên nhân thần kinh là một tình trạng phổ biến ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi tuy nhiên còn chưa được quan tâm điều trị. Do đó, cần thiết phải có các chương trình đào tạo giúp nâng cao kiến thức cũng như thực hành đánh giá, điều trị đau mạn tính cho đối tượng trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. International Diabetes Federation (IDF) (2014), “IDF Diabetes Atlas, sixth edition.
  2. Quỹ dân số Liên hợp quốc (2011), “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách.
  3. Nagda J, Bajwa Z.H (2004), “Definitions and classifications of pain, Principles & Practice of Pain medicine, 51-54.
  4. Couture R, Girolami J (2004), “Putative roles of kinin receptors in the therapeutic effects of angiotensin 1-converting enzyme inhibitors in diabetes mellitus, Eur J Pharmacol. 29, 1518-1522.
  5. Sarah L. Krein, Michele Heisler, John D. Piette (2005), “The Effect of Chronic Pain on Diabetes Patients’ Self-Management”, Diabetes Care. 28, 65-70.
  6. Mark Davies, Sinead Brophy, Rhys Williams, Ann Taylor (2006), “The prevalence, severity, and impact of painful diabetic peripheral neuropathy in type 2 diabetes”, Diabetes Care. 29, 1518-1522.
  7. Caroline A. Abbott, Rayaz A. Malik, Ernest R.E. Van Ross, et al (2011), “Prevalence and Characteristics of Painful Diabetic Neuropathy in a Large Community-Based Diabetic Population in the U.K.”, Diabetes Care. 34, 2220- 2224.
  8. Caroline A. Abbott, Rayaz A. Malik, Andrew J.M. Boulton (2011), “Prevalence and Characteristics of Painful Diabetic Neuropathy in a Large Community-Based Diabetic Population in the U.K.”, Diabetes Care. 34(10), 2220-2224.
  9. C. Daousi, I.A. MacFarlane, A. Woodward (2004), “Chronic painful peripheral neuropathy in an urban community: a controlled comparison of people with and without diabetes”, Diabetic Medicine. 21(9), 976-982.
  10. Mamta Jaiswal, Jasmin Divers, Dana Dabelea (2017), “Prevalence of and Risk Factors for Diabetic Peripheral Neuropathy in Youth With Type 1 and Type 2 Diabetes: SEARCH for Diabetes in Youth Study”, Diabetes Care. 40(9), 1226-1232.
  11. LiLi, Jiali Chen., Jiao Wang, DehongCai (2015), “Prevalence and risk factors of diabetic peripheral neuropathy in Type 2 diabetes mellitus patients with overweight/obese in Guangdong province, China”, Primary Care Diabetes. 9(3), 191-195.
Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …