Liên quan giữa đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy với một số yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch ở đối tượng tiền đái tháo đường

LIÊN QUAN GIỮA ĐÁP ỨNG GIÃN MẠCH QUA TRUNG GIAN DÒNG CHẢY VỚI

MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH Ở ĐỐI TƯỢNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ThS. Lâm Mỹ Hạnh

 ABSTRACT

Relationship between flow-mediated dilation (FMD) of brachial artery withatherosclerosis risk factors in prediabetic patients

 Objective: To investigate the relationship between flow-mediated dilation (FMD) of brachial artery with atherosclerosis risk factors in prediabetic patients.Subjects: 101 prediabetic patients and 32 normal in outpatient department, Bach Mai Hospital. Methods: Cross-sectional study. Results: FMD(%) decrease along with age group, highest in the age group of 30-39 (10,61 ± 3,89) and lowest in the age group of 60-69 (5,83 ± 2,64). FMD(%) in prediabetic patients without hypertension (8,47 ± 4,12) is higher than that with hypertension (6,94 ± 3,27) (p<0,05). FMD(%) in overweight patients (7,30 ± 3,69 &7,30 ± 3,76) is lower than in patient without overweight (7,56± 3,78 & 7,97 ± 3,35) (p>0,05). FMD(%) in prediabetic patient with smoking (7,29 ± 3,48) is lower than in prediabetic patient without smoking (7,55 ± 3,72) (p> 0,05).

Key words: Prediabetes, flow-mediated dilationof brachial artery, atherosclerosis risk factors

 TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giámối liên quan giữa đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy với một số yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân tiền đái tháo đường. Đối tượng nghiên cứu: 101 đối tượng tiền đái tháo đường và 32 người bình thường được chẩn đoán tại Khoa KCBTYC, Bệnh viện Bạch Mai. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Kết quả và kết luận: FMD(%) ở nhóm tiền đái tháo đường giảm dần theo nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 30-39 là 10,61 ± 3,89, và thấp nhất ở nhóm tuổi 60-69 là 5,83 ± 2,64. FMD(%) ở nhóm tiền đái tháo đường không tăng huyết áp (8,47 ± 4,12) cao hơn ở nhóm tiền đái tháo đường có tăng huyết áp (6,94 ± 3,27) (p<0,05). FMD(%) ở nhóm tiền đái tháo đường có thừa cân, béo phì (7,30 ± 3,69&7,30 ± 3,76) thấp hơn ở nhóm tiền đái tháo đường không bị thừa cân, béo phì (7,56± 3,78&7,97 ± 3,35) (p>0,05). FMD(%) ở nhóm tiền đái tháo đường có hút thuốc lá (7,29 ± 3,48) thấp hơn nhóm tiền đái tháo đường không hút thuốc lá (7,55 ± 3,72) (p> 0,05).

Từ khoá: Tiền đái tháo đường, đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy, yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch

Chịu trách nhiệm chính: Lâm Mỹ Hạnh

Ngày nhận bài: 01/8/2018

Ngày phản biện khoa học: 18/8/2018

Ngày duyệt bài: 31/8/2018

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 1997, Ủy ban về chẩn đoán và phân loại đái tháo đường quốc tế đã xếp hai trạng thái tăng glucose máu vừa phải (intermediate hyperglycaemia), nhẹ hơn đái tháo đường là “rối loạn glucose máu lúc đói” (impaired fasting glucose: IFG) và “rối loạn dung nạp glucose” (impaired glucose tolerance: IGT) thành một trạng thái gọi là “tiền đái tháo đường” (prediabetes).

Tiền đái tháo đường được coi như là một yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường type 2 và cũng có thể gây nên các biến chứng vi mạch như bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh và bệnh tim mạch.

Tỷ lệ tiến triển của tiền đái tháo đường thành bệnh đái tháo đường type 2 là khoảng 25% trong 3-5 năm.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân của các biến cố tim mạch thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường như nhồi máu cơ tim,tai biến mạch máu não,bệnh lý mạch máu ngoại biên.Mặc dù căn nguyên và các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch trên bệnh nhân đái tháo đường còn nhiều điểm chưa sáng tỏ,song gần đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh rối loạn chức năng nội mạc là yếu tố sớm,quan trọng gây xơ vữa động mạch[1][2].

Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá mối liên quan giữa chỉ số FMD(%) với các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch ở đối tượng tiền đái tháo đường, nên chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:Đánh giámối liên quan giữa đáp ứng  giãn mạch qua trung gian dòng chảy FMD(%) với một số yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch ở đối tượng tiền đái tháo đường.

2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: 101 đối tượng tiền đái tháo đường theo tiêu chuẩn ADA 2013 (không sử dụng tiêu chuẩn HbA1C) và 32 người bình thường đến khám tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 3/2014 đến tháng 8/2014.

* Nhóm tiền đái tháo đường:

Tiêu chuẩn lựa chọn: Đối tượng thoả mãn ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn sau theo ADA 2013 (không sử dụng tiêu chuẩn HbA1C):

+ Rối loạn dung nạp glucose (IGT): Nếu mức glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu đường uống từ 7,8 mmol/l (140 mg/dl) đến 11,0 mmol/l (199 mg/dl) và glucose huyết tương lúc đói <7,0 mmol/l (126 mg/dl).

+ Rối loạn glucose máu lúc đói (IFG): nếu lượng glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 5,6 mmol/l (100mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125 mg/dl).

Tiêu chuẩn loại trừ: Gồm tất cả các bệnh nhân không có tiêu chuẩn nói trên:

Đang mắc bệnh cấp tính,bệnh tâm thần.

Đang dùng thuốc ảnh hưởng tới đường huyết: corticoid, thuốc ức chế beta, thiazide, phenytoin…

Phụ nữ có thai

Đã ăn trong vòng 8 giờ.

Tuổi từ 30 đến 69, đối tượng có đường kính động mạch cánh tay < 3 mm trước khi làm nghiệm pháp gây tăng dòng chảy.

Đối tượng không đồng ý tham gia nghiên cứu.

* Nhóm chứng:

Tiêu chuẩn lựa chọn

Những người không mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường, không bị các bệnh tim mạch, chuyển hóa, bệnh gan thận nặng, các bệnh nhiễm khuẩn cấp và mạn tính,  không có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp…

Có độ tuổi và giới tính tương đương nhóm bệnh.

Tiêu chuẩn loại trừ:

Đường máu tĩnh mạch lúc đói ≥ 100 mg/dl (≥5,6 mmol/l), huyết áp ≥ 130/85 mmHg.

Đường kính động mạch cánh tay khi nghỉ < 3 mm.

Phụ nữ có thai. Người đã ăn trong vòng 8 giờ.

Đối tượng không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu:

  • Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, thời gian lấy mẫu từ tháng 3/2014 đến tháng 8/2014.
  • Các đối tượng nghiên cứu được hỏi và thăm khám lâm sàng, ghi theo mẫu bệnh án thống nhất.

Các chỉ số nghiên cứu:

  • Đặc điểm chung: Tuổi, giới, hỏi tiền sử thuốc lá.
  • Khám lâm sàng: Đo huyết áp, vòng bụng,
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng: Đường máu lúc đói, bilan lipid, HbA1C, chức năng gan-thận, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm đo đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy động mạch cánh

Xử lý số liệu:

Phần mềm SPSS 16.0

3.  KẾT QUẢ

3.1 Mối liên quan giữa FMD (%) theo nhóm tuổi ở đối tượng tiền đái tháo đường

Biểu đồ 1. Tương quan tuyến tính giữa chỉ số FMD (%) và tuổi ở nhóm tiền đái tháo đường

3.2. Tương quan giữa FMD(%) với huyết áp ở nhóm tiền đái tháo đường

Biểu đồ 2. Tương quan tuyến tính giữa chỉ số FMD (%) và huyết áp tâm thu ở nhóm tiền đái tháo đường

Biểu đồ 3. Tương quan tuyến tính giữa chỉ số FMD (%) và huyết áp tâm trương ở nhóm bệnh nhân tiền đái tháo đường

3.3. Mối liên quan giữa FMD(%) với một số yếu tố nguy cơ xơ vữa khác ở nhóm tiền đái tháo đường

Bảng 1. FMD (%) trung bình giữa nhóm tiền đái tháo đường có rối loạn chuyển hoá lipid và nhóm tiền đái tháo đường không có rối loạn chuyển hoá lipid


Bảng 2. FMD (%) trung bình giữa 2 nhóm tiền đái tháo đường có BMI và vòng bụng khác nhau
 


Bảng 3. FMD (%) trung bình giữa nhóm tiền đái tháo đường không hút thuốc và nhóm tiền đái tháo đường có hút thuốc

4.  BÀN LUẬN

4.1 Mối liên quan giữa FMD (%) theo nhóm tuổi ở đối tượng tiền đái tháo đường

Tuổi là một yếu tố nguy cơ kinh điển của xơ vữa động mạch. Đái tháo đường typ 2 tăng dần theo tuổi và bắt đầu tăng nhanh ở lứa tuổi trên 45 đến 65. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tuổi càng cao đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy FMD (%) càng giảm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối tương quan nghịch biến giữa FMD (%) và tuổi với r = − 0,33, p = 0,001. Hà Thị Thủy (2004) nghiên cứu trên 120 đối tượng người trưởng thành bình thường cho thấy FMD (%) có tương quan tuyến tính với tuổi (r = − 0,71, p < 0,001). Yeboah J và cs (2008) nghiên cứu trên 2338 người lớn tuổi ghi nhận FMD (%) có tương quan nghịch với tuổi, tuổi càng cao chỉ số FMD (%) càng giảm.

4.2.   Mối liên quan giữa FMD(%) với huyết áp

Tăng huyết áp là một yếu tố kinh điển gây xơ vữa động mạch trong đó tổn thương nội mạc mạch máu đã được xác nhận. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chia đối tượng tiền đái tháo đường thành 2 nhóm: nhóm có tăng huyết áp và nhóm không tăng huyết áp ,thu được kết quả chỉ số FMD (%) ở nhóm tăng huyết áp (6,94 ± 3,27) giảm có ý nghĩa so với nhóm không tăng huyết áp (8,47 ± 4,12) với p < 0,05.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự của một số tác giả khác như Nguyễn  Thị Ngọc Tỷ (2010) có FMD ở nhóm tăng HA thấp hơn nhóm chứng (4,33 ± 0,41 % so với 9,71 ± 0,62%; p < 0,005). Nghiên cứu của Shimbo D và cs (2010) cho thấy nhóm có huyết áp càng cao FMD (%) càng thấp (p < 0,001).

4.3. Mối liên quan giữa FMD(%) với rối loạn chuyển hoá lipid

So sánh chỉ số FMD (%) trung bình giữa 2 nhóm tiền đái tháo đường có và không có rối loạn chuyển hoá lipid, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, p  > 0,05. Mối liên quan giữa FMD và các thành phần lipid máu cũng không rõ ràng trong các nghiên cứu của Shimbo [3], Săvoiu G [4], Tsuchiya [5].

4.4.   Mối liên quan giữa FMD(%) với BMI, VB

Khi so sánh chỉ số FMD(%) của  các nhóm: nhóm có BMI bình thường (BMI < 23) và BMI cao (BMI ≥ 23); nhóm có vòng bụng bình thường và nhóm có vòng bụng  cao (nam ≥ 90cm, nữ ≥ 80 cm) chúng tôi đều nhận thấy không có sự khác biệt chỉ số FMD (%) giữa nhóm có chỉ số bình thường và nhóm nguy cơ (p > 0,05). Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của các tác giả: Võ Bảo Dũng và cs (2010), Trần Quý Hợi và cộng sự (2012). Khi nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường typ 2 các tác giả này đều nhận thấy không có sự khác biệt chỉ số FMD (%) giữa nhóm có BMI bình thường so với nhóm BMI cao, giữa nhóm có vòng bụng bình thường so với nhóm có vòng bụng cao, (p> 0,05) [6],[7]. Hamdy O và cs nghiên cứu trên bệnh nhân béo phì đã chứng minh rằng tình trạng béo phì có ảnh hưởng lên chức năng nội mạc. Theo tác giả giảm cân bằng điều chỉnh chế độ và tập luyện giúp cải thiện FMD, tỷ lệ với sự thay đổi trọng lượng và độc lập với đái tháo đường hoặc giảm dung nạp glucose [8]. Sự  khác  biệt  trong  kết  quả  nghiên  cứu của chúng tôi với các nghiên cứu này là do đối tượng nghiên cứu của Hamdy O là các đối tượng béo phì không có đái tháo đường, trong khi đó đối tượng của chúng tôi là những bệnh nhân có rối loạn glucose máu nên có thể có nhiều yếu tố khác tác động lên FMD. Điều này cho thấy rằng không phải chỉ ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 2 mà ngay ở người tiền đái tháo đường, tình trạng rối loạn chức năng mạch máu đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

4.5.   Mối liên quan giữa FMD(%) với hút thuốc lá

Ở những người sau khi hút thuốc lá người ta thấy số lượng tế bào nội mạc tăng  gấp 2 lần trong hệ thống tuần hoàn hay nói cách khác số lượng tế bào nội mạc bị bong tăng một cách đáng kể ở người hút thuốc lá.  Thuốc lá làm giảm nồng độ HDL-C trong máu, oxyd carbon làm giảm cung cấp  oxy cho các mô và làm tổn thương các tế bào nội mạc, tạo điều kiện cho xơ vữa động mạch phát triển [1].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có sự suy giảm chỉ số FMD(%) ở nhóm có hút thuốc lá so với nhóm không hút thuốc lá (7,29 ± 3,48 so với 7,55 ± 3,72) song sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, p > 0,05. Tác giả Esen [9] thực hiện các nghiên cứu độc lập và đều nhận thấy chỉ số FMD (%) giảm có ý nghĩa ở nhóm có hút thuốc lá so với nhóm không hút thuốc lá. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với các kết quả này có thể do cỡ mẫu  của chúng tôi chưa đủ lớn, số lượng bệnh nhân có hút thuốc lá quá ít, chúng tôi chưa có điều kiện tập trung tìm hiểu và đánh giá cụ thể hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kevin M, Sowinski, PharmD (2000). Endothelial Function and Dysfunction. Conference report-Americal College of Clinical Pharmacy 2000 Annual Meeting, Los Angeles, California. Nov 5-8,2000.
  2. Phạm Tử Dương (2008). Bệnh vữa xơ động mạch.  Tai  biến  mạch  máu  não hướng dẫn chẩn đoán và xử trí, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 48 – 60.
  3. Shimbo D, Muntner P, Mann D et al (2010). Endothelial dysfunction and the risk of hypertension: the multi-ethnic study of         Hypertension,55(5),1210-6.
  4. Săvoiu G, Drăgan S, Fira-Mladinescu O et al (2008). Relationship between brachial artery flow- mediated dilation and carotid artery intima – media thickness in the middle-aged subjects with low cardiovascular risk. Romanian J. Biophys, 18 (3), 209-216.
  5. Tsuchiya K, Nakayama C, Iwashima F et al (2007). Advanced Endothelial Dysfunction in Diabetic Patients with Multiple Risk Factors; Importance of Insulin Resistance. Journal of Atherosclerosis and Thrombosis,14 (6),303-309.
  6. Võ Bảo Dũng, Nguyễn Hải Thủy (2010). Thăm dò giãn mạch qua trung gian dòng chảy và bề dày lớp nội – trung mạc trong đánh giá tổn thương nội mạc mạch máu ở giai đoạn sớm trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Tạp chí Nội khoa, 4, 90-101.
  7. Trần Quý Hợi, Nguyễn Hải Thủy (2012). Liên quan giữa đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy (FMD) và một số yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học hội nghị Nội tiết-Đái tháo đường toàn quốc lần VI, Huế 10 -12/5/2012, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, 521 –
  8. Hamdy O, L.S, Mullooly C et al (2002). Weight Loss and Physical Exercise Improve Endothelial Function in Obese Subjects with Insulin Resistance Syndrome. Abstract submitted to the ADA 62nd annual meeting, San Francisco, CA.
  9. Esen AM, Barutcu I, Acar M et al (2004). Effect of smoking on endothelial function and wall thickness of brachial Circ J, 68(12),1123-6.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …