Nghiên cứu tỷ lệ hội chứng chuyển hóa trong công nhân viên chức thị xã Phú Thọ

NGHIÊN CỨU TỶ LỆ HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA

TRONG CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC THỊ XÃ PHÚ THỌ

                         Đỗ Trung Quân, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Anh Phong

Bộ môn nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội

Chịu trách nhiệm chính: Đỗ Trung Quân

Ngày nhận bài: 18.9.2017

Ngày phản biện khoa học: 21.9.2017

Ngày duyệt bài: 25.9.2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội chứng chuyển hóa đã được đề cập và nghiên cứu nhiều, tuy nhiên cơ chế bệnh sinh trong hội chứng chuyển hóa vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Nhiều công bố cho thấy ngoài vai trò then chốt của đề kháng insulin,  béo phì và rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, chế độ ăn uống, tập thể dục cũng ngày càng được khẳng định vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng chuyển hóa.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tỷ lệ có HCCH càng ngày càng tăng và được một số tác giả quan tâm. Trần Thị Phượng năm 2006 điều tra ở cán bộ công chức tỉnh Hà Nam nhận thấy: tỷ lệ HCCH nói chung chiếm 28,3%, trong đó nam 31,7%, nữ chiếm 19,8% . Các công bố gần đây cho thấy, HCCH có liên quan tới nhiều bệnh lý khác nhau, với tỉ lệ lên tới 60,9% ở bệnh nhân tăng huyết áp cao tuổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa HCCH với các rối loạn đường máu, mỡ máu . Tuy nhiên, các nghiên cứu về đặc điểm, tỉ lệ hội chứng chuyển hóa và từ đó đề ra các biện pháp can thiệp tại cộng đồng và đánh giá hiệu quả của can thiệp ở Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt tại khu vực trung du, miền núi.

Tỉnh Phú Thọ là một tỉnh trung du, địa bàn rộng, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Với sự phát triển nhanh về kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, các bệnh lý truyền nhiễm có dấu hiệu giảm rõ rệt, nhưng kèm theo đó, bệnh lý chuyển hóa, tim mạch có xu hướng tăng ở khu vực trung tâm, thị trấn. Nhằm đánh giá về tình hình HCCH tại khu vực trung du và miền núi để có thêm dữ liệu về HCCH tại khu vực này. Mục tiêu nghiên cứu là:

Mô tả tỷ lệ, đặc  điểm hội chứng chuyển hóa theo tiêu chuẩn ATPIII ở công chức, viên chức thị xã Phú Thọ.

II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu được lựa chọn là người Việt Nam đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các đơn vị sự nghiệp với độ tuổi từ 20-60.

Chẩn đoán HCCH của ATP III 2005 gồm các tiêu chuẩn:

  1. Béo phì bụng: VB ³ 90cm (ở nam); ³ 80 cm (ở nữ) (theo tiêu chuẩn châu Á)
  2. Triglyceride ³ 1,7 mmol/l *
  3. HATT ³ 130 mm Hg và/ hoặc HATR ³ 85 mm Hg *
  4. HDLc < 1,03 mmol/l (nam); < 1,29 mmol/l (nữ) *
  5. Đường huyết lúc đói ³ 5,6 mmol/l *

* Và/ hoặc đối tượng đang được điều trị (Go, TG, HDL-c, HA).

Chẩn đoán xác định HCCH khi có ít nhất 3 trong 5 tiêu chuẩn trên.

Tiêu chuẩn loại trừ

– Những người trong biên chế nhưng không làm việc vì lý do sức khoẻ nhưng chưa được giải quyết chính sách theo quy định.

– Đối tượng không mắc bệnh cấp tính. Đối tượng không tự nguyện tham gia. Người có bệnh nội tiết đang được điều trị.

– Người có bệnh lý nội, ngoại khoa đang điều trị.

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm mô tả thực trạng HCCH theo tiêu chuẩn ATP III.

Cỡ  mẫu và chọn mẫu cho nghiên cứu mô tả

Công thức tính cỡ mẫu cho nghiên cứu mô tả

 

 

tỷ lệ: n = Z

Trong đó:

n: Cỡ mẫu tối thiểu phải đạt được

Z1 – : Mức độ chính xác của nghiên cứu cần đạt dự kiến 95% = 1,96

d: Sai số tuyệt đối của nghiên cứu cần, sử dụng trong nghiên cứu 2%

P: Tỷ lệ HCCH trong cộng đồng dự kiến 20%

Dựa vào công thức trên thì số lượng nghiên cứu là 246 người. Cỡ mẫu trên được nhân với hệ số thiết kế là 2 = 492 người và làm tròn thành 500.

Chọn mẫu: Thị xã Phú Thọ hiện có 2016 cán bộ công chức, viên chức bao gồm: Cách chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống. Lập danh sách cán bộ công chức của đơn vị theo thứ tự ABC. Chọn ngẫu nhiên người đầu tiên trong danh sách, người tiếp theo là người có số thứ tự bằng số thứ tự của người đầu tiên cộng với hệ số k, cứ như thế đến khi đủ số người cần thiết (Trong nghiên cứu này, hệ số k=4). Thực tế nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên 866 người.

Phương pháp thu thập số liệu

Phỏng vấn trực tiếp: Được thực hiện theo bộ câu hỏi của WHO về thói quen ăn uống, tính chất nghề nghiệp, hoạt động thể lực theo bộ câu hỏi có sẵn .

Các chỉ số thu thập: Tuổi: đối tượng nghiên cứu đang trong độ tuổi làm việc, từ 20-60 tuổi.

– Cân nặng, Chiều cao, Số đo vòng eo, Số đo huyết áp

– Các chỉ số sinh hoá máu:  theo quy định hội sinh hóa Việt Nam

  • Định lượng Cholesterol toàn phần (CT):
  • Định lượng triglycerid (TG):
  • Định lượng HDL-C:
  • Định lượng LDL-C:

 Khám lâm sàng:Xác định tần số tim, mạch, huyết áp, các bệnh mạn tính…

Tiêu chuẩn phân loại thừa cân béo phì dành cho người trưởng thành Châu Á

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1. Tỷ lệ, đặc  điểm HCCH theo tiêu chuẩn ATPIII ở công chức, viên chức thị xã Phú Thọ, mối liên quan giữa HCCH .

4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Một số thông tin chung về đối tượng nghiên cứu

Tổng số đối tượng nghiên cứu là 866 người, nhóm tuổi 31-40 chiếm tỉ lệ cao nhất (37,4%), nhóm tuổi 51-60 chiếm tỷ lệ thấp nhất (17,2%),  nữ nhiều gấp 1,7 lần nam giới (nữ  chiếm 62,3% và nam chiếm 37,7%).
Nhóm đối tượng cán bộ bệnh viện; giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT, chiếm tỷ lệ cao nhất (33,3% và 23,3%), thấp nhất ở đối tượng là công thức Thị ủy (20,9%)

Bảng 2. Giá trị trung bình về đặc điểm nhân trắc học

Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là (37,83±10,05) tuổi. Tuổi trung bình ở nam giới (40,23±10,65) cao hơn tuổi trung bình ở nữ giới (36,37±9,38), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Bảng 3. Tỷ lệ đối tượng có một số chỉ số nhân trắc cao hơn so với giới hạn bình thường

Tỷ lệ đối tượng có BMI ≥ 23 kg/m², VB/VM tăng và tăng huyết áp ở nam giới cao hơn ở nữ giới (36,4% so với 13,4%; 46,5% so với 34,9% và 46,5% so với  20,6%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P<0,001 – Chi-square test (c2). Nữ giới có tỷ lệ VB tăng cao hơn nam giới (25,1% so với 15,9%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P<0,05 – Chi-square test (c2).

Bảng 4. Giá trị trung bình của một số chỉ số sinh hóa

Bảng 5. Tỷ lệ đối tượng có một số chỉ số sinh hóa vượt quá giới hạn bình thường

Nam giới có tỷ lệ Glucose và Triglycerid tăng cao hơn ở nữ giới (42,8% so với 32,5% và 55,7% so với 36,2%); sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,001 – c2). Tỷ lệ đối tượng có HDL-C giảm ở nam giới thấp hơn nữ giới (37,0 so với 41,1%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,001 – c2).

Bảng 6. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa theo số lượng yếu tố chẩn đoán

Tỷ lệ đối tượng xuất hiện 3 yếu tố chẩn đoán HCCH là cao nhất, chiếm 11,7%. Tỉ lệ đối tượng được chẩn đoán mắc HCCH ở nam giới là 26,0%  cao hơn ở nữ giới là  21,5%. Trong số đối tượng nghiên cứu có 23,2% (n=201) đối tượng mắc HCCH. Tỉ lệ mắc HCCH ở nam giới là 26%, nữ giới là 21,5%. Tỉ lệ mắc HCCH giữa nam và nữ trong nghiên cứu này không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0,05 – c2).

Bảng 7. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa theo nhóm cơ quan

Tỷ lệ mắc HCCH cao nhất ở nhóm cán bộ công chức thị ủy, 32,0%; tỷ lệ mắc thấp nhất ở đối tượng là cán bộ tại các bệnh viện, 25,4% và cán bộ trường Cao đẳng Y tế, 19,5%.

Bảng 8. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa theo nhóm tuổi

Tỷ lệ mắc HCCH tăng dần theo nhóm tuổi, đặc biệt tỷ lệ mắc HCCH cao nhất ở nhóm 51-60 tuổi (44,3%), thấp nhất ở nhóm tuổi 31-40 (14,3%).

Đáng lưu ý là nhóm tuổi dưới 30 không phải là nhóm có số người mắc HCCH thấp nhất (16,7%).

Bảng 9. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa theo một số chỉ số nhân trắc

Bảng 10. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa theo chỉ số sinh hóa

Đối với các nhóm có yếu tố Glucose tăng; HDL-C giảm; Triglycerid tăng, tỉ lệ mắc  HCCH cao hơn nhóm không có các yếu tố nguy cơ này, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với HCCH (P<0,001 – c2).

V. BÀN LUẬN

Nghiên cứu được tiến hành trên 866 người, được lấy ngẫu nhiên hệ thống từ 2016 công chức, viên chức thị xã Phú Thọ với tuổi trung bình là (37,83±10,05) tuổi. Trong đó, nữ nhiều gấp 1,7 lần nam giới (nữ  chiếm 62,3% và nam chiếm 37,7%). Các đặc điểm của đối tượng nghiên cứu được trình bày tại bảng 3.1 đến 3.7. Nam giới tham gia nghiên cứu có BMI ≥ 23 kg/m², VB/VM tăng và tăng huyết áp cao hơn ở nữ giới, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê . Một số chỉ số sinh hóa glucose, triglycerid, cholesterol ở nam giới cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nữ giới .

Trong phạm vi độ tuổi đang làm việc, tỉ lệ người mắc HCCH chiếm 23,2% trong nghiên cứu của chúng tôi. Tỉ lệ mắc HCCH có xu hướng tăng dần theo tuổi, theo đó tỷ lệ mắc HCCH cao nhất ở nhóm 51-60 tuổi (44,3%), thấp nhất ở nhóm tuổi 31-40 (14,3%). Có thể nhận thấy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là công chức làm việc tại Thị ủy, trường Đại học và khối giáo viên của các trường trong địa bàn có tỉ lệ mắc HCCH tương đối tương đồng đều so với các nghiên cứu khác trên các đối tượng trong độ tuổi làm việc. Ngô Thanh Thúy tiến hành nghiên cứu về HCCH trên 6113 đối tượng là cán bộ chiến sĩ lực lượng công an tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy có 20,4% mắc HCCH theo ATP-III. Trong số đó, cán bộ mắc nhiều hơn chiến sĩ (29,2% và 16,1%) . Trần Thị Phượng điều tra ở cán bộ công chức tỉnh Hà Nam nhận thấy: tỷ lệ HCCH nói chung chiếm 28,3%, trong đó nam 31,7%, nữ chiếm 19,8% . Đỗ Kim Hoa nghiên cứu tỷ lệ và đặc điểm HCCH theo tiêu chuẩn IDF – 2005 thấy tỷ lệ mắc HCCH ở cán bộ quân đội khoảng 27,7% . Tuy nhiên, nếu tách riêng về tính chất công việc và vị trí công tác, tỷ lệ mắc HCCH cao nhất ở nhóm cán bộ công chức thị ủy, 32,0%; tỷ lệ mắc thấp nhất ở đối tượng là cán bộ tại các bệnh viện, 25,4% và cán bộ trường Cao đẳng Y tế, 19,5%. Điều này có thể được giải thích do đặc thù nghề nghiệp cũng như kiến thức về chăm sóc sức khỏe đối với mỗi nhóm nghề nghiệp rất khác nhau, điều này có lẽ tác động rất lớn tới hành vi ăn uống, thói quen cũng như công tác dự phòng bệnh tật nói chung, rối loạn chuyển hóa nói riêng.

Trong số 866 người tham gia nghiên cứu của chúng tôi, có 201 người (23,2%) mắc HCCH với tỉ lệ mắc HCCH ở nam giới là 26%, nữ giới là 21,5%. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ mắc HCCH giữa nam giới và nữ giới trong nghiên cứu của chúng tôi. Điều này tương tự trong một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, tỷ lệ điều chỉnh theo tuổi mắc HCCH có khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Trong nghiên cứu từ 1988-1994, kết quả cho thấy HCCH ở phụ nữ thấp hơn nam giới (23,9 so với 27,8%; n = 5775), trong khi tỷ lệ cao hơn ở phụ nữ so với nam giới trong giai đoạn 1999-2002 (30,3 với 28,0%; n = 1514) . Tỷ lệ mắc HCCH theo tuổi tăng lên đáng kể ở phụ nữ nhưng không thay đổi ở nam giới. Lý do cho sự gia tăng ở phụ nữ là không rõ ràng, nhưng nó có khả năng liên quan tới những thay đổi trong thành phần chủng tộc và dân tộc của nhóm nữ. Minh chứng cho điều này, Lorenzo cho thấy sự khác biệt về tỉ lệ mắc HCCH giữa các chủng tộc và địa phương là rất khác nhau, Lima-Peru: 26,1%; Mexico city: 32,6%; San Antonio: 32%; Tây Ban Nha, 22% . Nghiên cứu này được tiến hành trên các đối tượng có tuổi từ 35-64, với tiêu chuẩn chẩn đoán mắc HCCH theo ATP III. Đồng thời, yếu tố di truyền tương tác với các yếu tố môi trường cũng tạo nên chìa khóa của cơ chế bệnh sinh của HCCH. Việc áp dụng tiêu chí chẩn đoán HCCH cũng có xu hướng tạo nên sự khác biệt về tỉ lệ trong giới tính với HCCH, nếu áp dụng tiêu chuẩn IDF và ATP III trên người Mỹ gốc Ấn độ, tỉ lệ nữ giới mắc HCCH bởi áp dụng tiêu chuẩn ATP III sẽ cao hơn khi áp dụng IDF.

Tính theo chỉ số nhân trắc, trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ người mắc HCCH có chỉ số BMI ≥23 cao hơn người mắc HCCH có BMI dưới 23. Nhóm người có chỉ số BMI ≥23 chiếm tới 45% tổng số người có HCCH. Trong khi đó, tỉ lệ này ở nhóm BMI thấp là 17%. Tương tự như vậy, nhóm người mắc HCCH có vòng bụng tăng, chỉ số VB/VM tăng cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm mắc HCCH có các chỉ số này trong phạm vi bình thường. Tỉ số vòng bụng/vòng mông đã được sử dụng để ước tính tỉ số giữa mô mỡ nội tạng và mô mỡ dưới da. Dựa trên những số liệu thu thập từ CT scan hoặc MRI cho thấy vòng bụng đơn thuần thì đánh giá tình trạng béo phì trung tâm tốt hơn so với tỷ số vòng bụng/vòng mông. Vòng bụng cho thấy được cả mô mỡ dưới da ở vùng bụng và mô mỡ nội tạng và là một chỉ số chung để đánh giá khối lượng mỡ trung tâm.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, người mắc HCCH có tỉ lệ tăng huyết áp cao một cách đáng kể so với nhóm mắc HCCH không có biểu hiện tăng huyết áp . Kết quả này cũng đồng nhất với các công bố trước đây cả trong và ngoài nước . Tăng huyết áp có mối liên hệ chặt chẽ với béo phì và thường gặp ở những người có sự đề kháng insulin. Một số chuyên gia cho rằng tăng huyết áp ít có tính chuyển hóa hơn các thành phần khác của hội chứng chuyển hóa. Có một số cơ chế chính giải thích mối liên hệ giữa tăng huyết áp và đề kháng insulin:

Các đối tượng mắc HCCH trong nghiên cứu của chúng tôi có các yếu tố Glucose tăng; HDL-C giảm và Triglycerid tăng (tỉ lệ lần lượt là 51,8%; 46,6% và 49,9%) cao hơn rất có ý nghĩa so với nhóm mắc HCCH nhưng không có các biểu hiện này (tỉ lệ lần lượt là 6,9%; 12,7% và 2,7%). Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 75% các bệnh nhân bị tiền đái tháo đường và 86% những bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 có hội chứng chuyển hóa, khoảng 70 – 75% các bệnh nhân bị tiền đái tháo đường thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa. Những người có glucose máu cao thường có sự đề kháng insulin ở gan và /hoặc ở cơ.

V. KẾT LUẬN

– Tỉ lệ mắc HCCH ở khối công chức, viên chức thị xã Phú Thọ là 23,2%; không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc HCCH giữa nam và nữ (p>0,05).

– Tỷ lệ mắc HCCH tăng dần theo nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 51-60 tuổi (44,3%).

– Đặc điểm đối tượng mắc HCCH có chỉ số BMI, vòng bụng, tỷ số vòng bụng/vòng mông, huyết áp cao hơn nhóm không mắc HCCH (p<0,001).

– Đặc điểm đối tượng mắc HCCH có Glucose tăng; HDL-C giảm; Triglycerid tăng cao hơn so với nhóm không mắc HCCH (p<0,001).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngô Đình Châu (2010), “Nghiên cứu hội chứng chuyển hóa và một số chỉ điểm nguy cơ tim mạch ở người béo phì” Luận án tiến sỹ y học – Đại học Y dược Huế.
  2. Trần Hữu Dàng, Trần Thừa Nguyên, Huỳnh Văn Minh và cs (2006), “Hội chứng chuyển hoá – Một số vấn đề của thời đại, kết quả một số nghiên cứu ở Huế”, Tạp chí Y học thực hành số 548: 371-79.
  3. Đỗ Kim Hoa (2008), “Nghiên cứu hội chứng chuyển hoá theo tiêu chuẩn IDF 2005 ở cán bộ quân đội tại quân khu “X””, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa 2 – HVQY
  4. Abdul-Ghani MA, Tripathy DD, DeFronzo RA. Contributions of betacell dysfunction and insulin resistance to the pathogenesis of IGT and IFG. Diabetes Care 2006;29(5):1130–1139.
  5. Abel ED, Peroni, Kim JK, et al. Adipose-selective targeting of the GLUT4 gene impairs insulin action in muscle and liver. Nature 2001; 409:729-733.
  6. Alberti KG, Eckel RH, Grundy SM, et al. Harmonizing the metabolic syndrome: a joint interim statement of the International Diabetes Federation Task Force on Epidemiology and Prevention; National Heart, Lung, and Blood Institute; American Heart Association; World Heart Federation; International Atherosclerosis Society; and International Association for the Study of Obesity.Circulation. 2009;120:1640–1645.
  7. Alberti G., Zimmet P., Shaw J. (2005), “The metabolic syndrome – a new worldwide definition”, The Lancet, Volume 366, Issue 9491, pp. 1059-1062″.
  8. Balducci S, Zanuso S, Massarini M. The Italian Diabetes and Exercise Study (IDES): Design and methods for a prospective Italian multicentre trial of intensive lifestyle intervention in people with type 2 diabetes and the metabolic syndrome. Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases (2008) 18, 585e595
  9. Binh TQ, Phuong PT, Nhung BT, et al. Metabolic syndrome among a middle-aged population in the Red River Delta region of Vietnam. BMC Endocr Disord 2014; 14: 77.
  10. Hildrum B, Mykletun A Hole Tet al. Age-specific prevalence of the metabolic syndrome defined by the International Diabetes Federation and the National Cholesterol Education Program: the Norwegian HUNT 2 study. BMC Public Health2007, 7:220
  11. Bouchard C, Tremblay A, Despres JP et al. The response to exercise with constant energy intake in identical twins. Obes Res 1994; 2:400-410.
  12. Bustos P, da Silva AA, Amigo H, et al. Metabolic syndrome in young adults from two socioeconomic Latin American settings. Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases (2007) 17, 581e589.

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …