Thực trạng kiểm soát huyết áp và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 ngoại trú tại bệnh viện Bạch Mai

THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 NGOẠI TRÚ

TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI

                                                      Văn Thị Như Trang, Nguyễn Khoa Diệu Vân

Đại Học Y Hà Nội

TÓM TẮT

Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường(ĐTĐ) týp 2 có tăng huyết áp(THA) và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu. Đối tượng & Phương pháp nghiên cứu: đối tượng được chọn vào nghiên cứu là các bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA từ 18 tuổi trở lên thuộc chương trình quản lý THA- ĐTĐ của khoa Khám Bệnh bệnh viện Bạch Mai, đến tái khám từ tháng 11/2015 đến tháng 7/ 2016. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Tỷ lệ kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA là 57,6%.Một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp bao gồm: thời gian mắc THA càng lâu thì tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu càng giảm,tăng kích thước vòng eo và sự xuất hiện protein niệu liên quan đến giảm tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, kiểm soát glucose máu lúc đói và HbA1c ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu tốt hơn nhóm không đạt huyết áp mục tiêu, những bệnh nhân ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu có nhận thức và tuân thủ điều trị tốt hơn nhóm không đạt huyết áp mục tiêu. Kết luận: Tỷ lệ kiểm soát HA đạt mục tiêu ở các BN ĐTĐ týp 2 ngoại trú là 57,6%. Cần theo dõi và kiểm soát sớm ngay khi xuất hiện THA ở BN ĐTĐ,tránh thừa cân, béo phì đặc biệt là béo trung tâm, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho BN đặc biệt là về mục tiêu kiểm soát HA, khuyến khích tuân thủ điều trị đặc biệt là thực hành đo HA tại nhà và uống thuốc đều.

Từ khóa: đái tháo đường, tăng huyết áp, kiểm soát tăng huyết áp

Chịu trách nhiệm chính: ……………….

Ngày nhận bài: 8.9.2017

Ngày phản biện khoa học: 15.9.2017

Ngày duyệt bài: 20.9.2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch trong đó có tăng huyết áp (THA). Tỷ lệ THA ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cao hơn so với dân số nói chung, ở tuổi 45 khoảng 40% và tăng đến 60% vào tuổi 75[1].THA làm tăng nguy cơ vốn đã cao của bệnh tim mạch liên quan với bệnh ĐTĐ type 2[2],[3].

Các nghiên cứu về kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ cho thấy việc cải thiện kiểm soát huyết áp dẫn đến giảm đáng kể nguy cơ tai biến tim mạch và tử vong, ngoài ra cũng làm giảm nguy cơ các biến chứng mạch máu nhỏ[1],[4].

Trên thế giới các khuyến cáo về mục tiêu kiểm soát huyết áp ở bệnh ĐTĐ liên tục được cập nhật.

Gần đây, JNC VIII năm 2014 và ADA 2016 đã đưa ra mục tiêu kiểm soáthuyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ là dưới 140/90 mmHg. Để các bác sỹ có cái nhìn tổng quan hơn trong việc quản lý THA ở bệnh nhân ĐTĐ chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với hai mục tiêu:

  1. Khảo sát tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp.
  2. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

269 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA từ 18 tuổi trở lên thuộc chương trình quản lý THA- ĐTĐ đến tái khám tại khoa Khám Bệnh bệnh viện Bạch Mai.

Các BN được chọn đưa vào nghiên cứu là bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ týp 2 có THA và đang điều trị thuốc hạ áp ít nhất 1 tháng thuộc chương trình quản lý THA- ĐTĐ bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân bị loại ra khỏi nghiên cứu là những bệnh nhân mắc ĐTĐ týp 1, ĐTĐ thai kỳ, các týp ĐTĐ đặc hiệu khác, ĐTĐ có biến chứng cấp tính hoặc các bệnh lý khác kèm theo, Bệnh nhân ĐTĐ có THA đã xác định được nguyên nhân, BN không hợp tác.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Tiêu chí đánh giá:

  • Đánh giá kiểm soát HA đạt mục tiêu: ngưỡng kiểm soát huyết áp mục tiêu trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 được chúng tôi chọn là huyết áp tâm thu < 140mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg theo khuyến cáo của ADA 2016[5].
  • Đánh giá một số yếu tố liên quan

Đánh giá thể trạng: Đánh giá béo bụng (béo dạng nam) và BMI theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới áp dụng cho các nước châu Á – Thái Bình Dương năm 2000[6].

Đánh giá xét nghiệm

  • Đánh giá kiểm soát glucose máu: theo tiêu chuẩn ADA 2016[7]
  • Đánh giá rối loạn lipid máu: bệnh nhân có tiền sử rối loạn lipid máu hoặc xét nghiệm có tình trạng rối loạn chuyển hóa ít nhất một trong các thành phần lipid máu theo tiêu chuẩn của NCEP ATP III[8]
  • Protein niệu: lấy nước tiểu vào buổi sáng. Được coi là có protein niệu khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có protein > 0,5 g/l và không có nhiễm khuẩn tiết niệu, không có các bệnh thận khác.

Đánh giá nhận thức của bệnh nhân về THA: bao gồm nhận biết được tác hại của tăng huyết áp và biết huyết áp mục tiêu là dưới 140/90mmHg.

Đánh giá tuân thủ điều trị: bao gồm tái khám theo hẹn,đo huyết áp tại nhà và uống thuốc đều (bao gồm cả uống thuốc vào ngày khám)

2.3.  Xử lý số liệu:

Các số liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Bảng 3.1: Tuổi trung bình và giới của bệnh nhân nghiên cứu

Tỷ lệ nam/nữ=1:1,01 không có sự khác biệt về giới ở nhóm nghiên cứu với p> 0,05.
Tuổi trung bình của BN nghiên cứu: 65,56 ± 9,13; tuổi nhỏ nhất là 40, tuổi cao nhất là 88.

Bảng 3.2: Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi

Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu có độ tuổi lớn hơn hoặc bằng 60 chiếm 75,1%.Nhóm tuổi thường gặp nhất là 60-69 tuổi chiếm 44,6% sau đó là ≥ 70 chiếm tỷ lệ 30,5%.Thấp nhất ở nhóm tuổi <50 chỉ chiếm 5,9%.

Bảng 3.3: Phân nhóm bệnh nhân theo thời gian ĐTĐ

 Đa số bệnh nhân có thời gian ĐTĐ trên 5 năm (80,7%) trong đó 47,2% bệnh nhân có thời gian ĐTĐ > 10 năm, tiếp đến là nhóm thời gian 6-10 năm chiếm tỷ lệ 33,5%; ở nhóm thời gian ≤ 5 năm chỉ chiếm 16,7% (2-5 năm) và 2,6%(≤1 năm).

3.2 Nhận xét tình trạng THA ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2

Bảng 3.4: Phân nhóm bệnh nhân theo thời gian mắc THA

Các bệnh nhân trong nghiên cứu có thời gian THA tương đối dài với tỷ lệ mắc THA trên 5 năm chiếm 72,9% trong đó trên 10 năm là 35,7%.

Bảng 3.5: Số nhóm thuốc hạ áp được sử dụng ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA

Đa số bệnh nhân sử dụng 2 nhóm thuốc hạ áp (44,2%) và 1 nhóm (41,3%). Chỉ có 39 bệnh nhân sử dụng ≥ 3 nhóm thuốc chiếm tỷ lệ 14,5%.

Bảng 3.6: Mối liên quan giữa số nhóm thuốc hạ áp được sử dụng và thời gian THA

Bệnh nhân có thời gian mắc THA càng lâu thì càng cần nhiều số lượng nhóm thuốc hạ áp.

Bảng 3.7: Kiểm soát huyết áp ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có THA

Có 57,6% bệnh nhân đạt được mục tiêu huyết áp < 140/90 mmHg và 42,4% bệnh nhân không đạt huyết áp mục tiêu. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu huyết áp tâm trương là 83,3% cao hơn tỷ lệ đạt mục tiêu huyết áp tâm thu là 60,2%.

3.3  Một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2

Bảng 3.8: Tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp theo BMI và vòng eo

-Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở nhóm có vòng eo bình thường cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm có vòng eo tăng ( 65,5% so với 51,3% với p < 0,05)-Tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp ở nhóm BMI < 23 cao hơn so với nhóm BMI ≥ 23, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Bảng 3.9: Thời gian mắc ĐTĐ, THA ở nhóm bệnh nhân đạt HA < 140/90

và nhóm có HA ≥ 140/90

Thời gian mắcTHA ở nhóm đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt huyết áp mục tiêu (p<0,05).

Biểu đồ 3.1: Tỷ lệ đạt HA mục tiêu theo thời gian mắc THA

Bảng 3.10: GM lúc đói và HbA1c ở nhóm bệnh nhân đạt HA < 140/90 và nhóm có HA ≥ 140/90

 Hơn một nửa số BN ở cả hai nhóm đạt và không đạt huyết áp mục tiêu đều có mức glucose máu lúc đói lớn hơn 7,2 mmol/l. Tỷ lệ glucose máu lúc đói lớn hơn 7,2 mmol/lvà HbA1c > 7 % mmol/l ở nhóm không đạt huyết áp mục tiêu cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đạt huyết áp mục tiêu (p < 0,05).

 

 Biểu đồ 3.2: Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh nhân đạt HA < 140/90 và nhóm có HA ≥ 140/90

 Bảng 3.11:Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở nhóm có và chưa có biến chứng

Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở nhóm đã có biến chứng thấp hơn so với nhóm chưa có biến chứng, đặc biệt tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp ở nhóm có protein niệu thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không có proein niệu(p< 0,05)

Bảng 3.12: So sánh tỷ lệ bệnh nhân có kiến thức về THA và tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân đạt HA < 140/90 và nhóm có HA ≥ 140/90

Nhìn chung, ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu, tỷ lệ bệnh nhân có kiến thức và tuân thủ điều trị cao hơn so với nhóm không đạt mục tiêu huyết áp.Tỷ lệ bệnh nhân đo huyết áp tại nhà và uống thuốc đều ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt (p<0,05).Không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ bệnh nhân tái khám đều ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu so với nhóm không đạt (p > 0,05).

IV. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm 134 nam (chiếm tỷ lệ 49,8%) và 135 nữ (chiếm 50,2%). Tỷ lệ nam/ nữ là 1:1,01 và không có sự khác biệt về giới ở bệnh nhân nghiên cứu với p> 0,05, điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác trong nước và trên thế giới.Tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 65,56 ± 9,13 tuổi, tương tựnghiên cứu của Phạm Như Hảo(2013) cũngcó tuổi trung bình là 64,9 ± 9,7 tuổi[9]. Nhóm bệnh nhân ở độ tuổi ≥ 60 chiếm tỷ lệ cao (75,1%), đây cũng là nhóm tuổi thường gặp ở các nghiên cứu khác[10],[11]. BMI trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 23,4 ± 2,88 với tỷ lệ bệnh nhân thừa cân và béo phì là 53,1%, trong đó tỷ lệ béo phì là 23%. Kết quả này phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu trong nước. Nghiên cứu của Ngô Thị Thu (2015) cho thấy tỷ lệ này là 46%[12], nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương(2007) là 43,1%[10].Tỷ lệ béo bụng trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 55,8% với tỷ lệ bệnh nhân nữ béo bụng nhiều hơn nam có ý nghĩa thống kê (74,1% so với 37,3%). Đây cũng là kết quả thu được từ nghiên cứu của Phạm Như Hảo[9].  Thời gian mắc ĐTĐ trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 10,99 ± 6,26 năm. Trong đó có tới 80,7% số bệnh nhân có thời gian phát hiện ĐTĐ trên 5 năm, 47,2% là trên 10 năm.

4.2. Nhận xét về tình trạng THA ở bệnh nhân ĐTĐ

Thời gian phát hiện THA ở các bệnh nhân ĐTĐ trung bình là 9,78 ± 6,1 năm, trong đó trên 70% bệnh nhân có thời gian phát hiện THA lớn hơn hoặc bằng 5 năm, tương tự nghiên cứu của Phạm Như Hảo 65,6% và nghiên cứu của Chung Bá Ngọc và Ngô Thị Thu cũng là trên 50%[13],[12].

Đa số bệnh nhân của chúng tôi dùng phối hợp thuốc hạ áp với tỷ lệ 58,7%, trong đó có 44,2% bệnh nhân dùng phối hợp 2 nhóm thuốc. Phối hợp thuốc trong điều trị THA vừa tác động lên đa cơ chế sinh bệnh học của THA vừa giúp làm giảm tác dụng phụ của thuốc hạ áp khi phải dùng liều tối đa.Các nghiên cứu khác trong nước có tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ được điều trị phối hợp thuốc hạ áp đều là trên 50% như nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương là 50,5%[10], Nguyễn Tá Đông là 67,42%[14],Phạm Như Hảo là 71,4%[9],Chung Bá Ngọc là 75,5%[13].

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy huyết áp tâm trương dễ đạt mục tiêu hơn huyết áp tâm thu. Tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu huyết áp tâm trương dưới 90mmHg là 83,3% trong khi tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu huyết áp tâm thu dưới 140mmHg chỉ là 60,2%. Nghiên cứu PRESCAP(2010) tại Tây Ban Nha, trên 3993 bệnh nhân ĐTĐ có THA cũng có tỷ lệ đạt mục tiêu huyết áp tâm trương và tâm thu lần lượt là 84,6% và 58,5%[15].Với mục tiêu huyết áp dưới 140/90 mmHg thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp là 57,6%. Tương tự, nghiên cứu của Hoàng Trung Vinh (2007) và nghiên cứu PRESCAP (2010) với cùng mức huyết áp mục tiêu thì tỷ lệ kiểm soát huyết áp đạt được lần lượt là 53,8%[16] và 56,4%[15].

Tuy nhiên, theo Donna L.Mclean (2004)ở nhánh nghiên cứu trên66.833 bệnh nhânĐTĐ có THA thì chỉ có 83% bệnh nhân được điều trị thuốc hạ áp và trong số đó chỉ 29% bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu dưới140/90mmHg[17]. Điều này có thể được giải thích do nghiên cứu của chúng tôi hay nghiên cứu PRESCAP đều được tiến hành trên đối tượng bệnh nhân được theo dõi định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa nên việc theo dõi và điều trị được quản lý chặt chẽ hơn, còn nghiên cứu của Donna L.Mclean được lấy mẫu trong cộng đồng.

4.3. Một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp

Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian mắc THA ở nhóm đạt mục tiêu huyết áp thấp hơn rõ ràng so với nhóm không đạt mục tiêu. Điều này có nghĩa là thời gian mắc tăng huyết áp càng lâu thì việc kiểm soát huyết áp càngtrở nên khó khăn, trong khoảng 5 năm đầu mắc THA có 74% số bệnh nhân ĐTĐ kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu, trong vòng 5 năm tiếp theo giảm xuống còn 59% và sau khoảng 10 năm thì chỉ còn 43,8% bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu. Mặt khác, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy thời gian tăng huyết áp càng lâu bệnh nhân càng phải dùng nhiều nhóm thuốc hạ áp (p < 0,05). Điều này là hoàn toàn phù hợp khi thời gian tăng huyết áp kéo dài, việc kiểm soát huyết áp đạt mục tiêudần trở nên khó khăn hơn thì bắt buộc phải phối hợp thêm các nhóm thuốc hạ áp.Nghiên cứu của Phạm Như Hảo cũng cho kết quả tương tự[9].

Cân nặng và huyết áp thường song hành với nhau.Nghiên cứu trên 269 bệnh nhân nghiên cứu chúng tôi thấy tỷ lệ đạthuyết áp mục tiêu ở nhóm béo phì và thừa cân cao hơn so với nhóm có thể trạng gầy và bình thường nhưng chúng tôi không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Sự khác biệt này có thể do chúng tôi lấy mẫu thuận tiện với số lượng bệnh nhân còn ít so với các nghiên cứu trên.Tuy nhiên,tỷ lệhuyết áp không đạt mục tiêu ở nhóm có vòng eo tăng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm có vòng eo bình thường. Kết quả này tương tự với nghiên cứu PRESCAP (2010)[15].

Tỷ lệ kiểm soát được glucose máu lúc đói và HbA1c ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt huyết áp mục tiêu. Điều này phù hợp với kết quả đạt được ở nghiên cứu PRESCAP[15] và nghiên cứu của Chung Bá Ngọc[13]. Hơn một nửa số bệnh nhân ở nhóm không đạt huyết áp mục tiêu không kiểm soát được HbA1c và khoảng 2/3 số bệnh nhân ở nhóm này không kiểm soát được glucose máu lúc đói.Trong nghiên cứu của Chung Bá Ngọc, số bệnh nhân có HbA1c lớn hơn 7% ở nhóm không đạt huyết áp mục tiêu cũng là 70,2%. Như vậy, glucose máu tăng là yếu tố làm giảm tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Tỷ lệ bệnh nhân có proteinniệu ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt huyết áp mục tiêu. Đây cũng là kết quả thu được từ nghiên cứu của tác giả Phạm Như Hảo[9] và nghiên cứu PRESCAP[15].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân tái khám định kỳ đều chiếm tỷ lệ cao 91,1%. Bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà chiếm 52,4%, trong đó tỷ lệ bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt huyết áp mục tiêu. Tỷ lệ bệnh nhân biếthuyết áp mục tiêu trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ đạt 23%, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân biết huyết áp mục tiêu ở nhóm đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không đạt. Nghiên cứu của tác giả Chung Bá Ngọc cũng đưa ra kết quả tương tự[13]. Tỷ lệ bệnh nhân không uống thuốc đều là 33,5%, trong đó tỷ lệ bệnh nhân không uống thuốc đều ở nhóm không đạt huyết áp mục tiêu cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đạt huyết áp mục tiêu. Điều này tương tự với kết quả đạt được trong nghiên cứu PRESCAP[15]. Do đó, uống thuốc không đều làm giảm khả năng kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu ở bệnh nhân nghiên cứu.

V. KẾT LUẬN

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA là 57,6%.Một số yếu tố liên quan đến tình trạng kiểm soát huyết áp bao gồm: thời gian mắc THA càng lâu thì tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu càng giảm,tăng kích thước vòng eo và sự xuất hiện protein niệu liên quan đến giảm tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, kiểm soát glucose máu lúc đói và HbA1c ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu tốt hơn nhóm không đạt huyết áp mục tiêu, những bệnh nhân ở nhóm đạt huyết áp mục tiêu có nhận thức và tuân thủ điều trị tốt hơn nhóm không đạt huyết áp mục tiêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UK Prospective Diabetes Study Group (1998). Tight blood pressure control and risk of macrovascular and microvascular complications in type 2 diabetes: UKPDS 38. BMJ, 317, 703-713.
  2. United Kingdom Prospective Diabetes Study Group (1998). Risk factors for coronary artery disease in non-insulin dependent diabetes mellitus: United Kingdom prospective diabetes study (UKPDS: 23). BMJ, 316, 823-828.
  3. Turner, Holman, Matthews và cộng sự (1993). Hypertension in Diabetes Study (HDS): II. Increased risk of cardiovascular complications in hypertensive type 2 diabetic patients. J Hypertens, 11, 319-325.
  4. Sandeep Vijan, Rodney và Hayward (2003). Treatment of Hypertension in Type 2 Diabetes Mellitus: Blood Pressure Goals, Choice of Agents, and Setting Priorities in Diabetes Care. Ann Intern Med, 138, 593-602.
  5. American Diabetes Association (2016). Cardiovascular Disease and Risk Management. Diabetes Care, 39, S60-S71.
  6. Erdembileg Anuurad, Kuninori Shiwaku, Akiko Nogi và cộng sự (2003). The New BMI Criteria for Asians by the Regional Ofice for the Western Pacific Region of WHO are Suitable for Screening of Overweight to Prevent Metabolic Syndrome in Elder Japanese Workers. Journal of Occupational Health, 45, 335- 343.
  7. American Diabetes Association (2016). Glycemic Targets. Diabetes Care, 39, S39-S46.
  8. National Cholesterol Education Program (2001). ATP III Guidelines At-A-Glance Quick Desk Reference, National Heart, Lung, and Blood Institute.
  9. 9. Phạm Như Hảo (2013). Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại một phòng khám chuyên khoa Nội tiết, Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  10. Nguyễn Thị Thanh Hương (2007). Nghiên cứu tỷ lệ tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan, ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 ngoại trú tại bệnh viện Bạch Mai, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện, Đại học Y Hà Nội.
  11. Lê Hiệp Dũng, Tô Văn Hải, Nguyễn Thị Kim Dung (2014). Phát hiện tăng huyết áp và các yếu tố liên quan ở người đái tháo đườngtýp 2 điều trị tại khoa tim mạch bệnh viện Thanh Nhàn. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, 66, 264-271.
  12. Ngô Thị Thu (2016). Tình hình sử dụng thuốc và kết quả điều trị tăng huyết áp ở các bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp tại khoa nội tiết- đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai, Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ y khoa, Đại học Y Hà Nội.
  13. Chung Bá Ngọc (2013). Tình hình điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân đái tháo đường, Luận án Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  14. Nguyễn Tá Đông (2005). Kiểm soát tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đánh giá qua thực hành điều trị ngoại trú tại khoa nội tim mạch- bệnh viện trung ương Huế. Kỷ yếu hội nghị nội tiết đái tháo đường toàn quốc lần VI, 732- 740.
  15. A. Barquilla García,J.L. Llisterri Caro, M.A. Prieto Díaz et al (2010). Blood pressure control in a population of hypertensive diabetic patients treated in primary care: PRESCAP-Diabetes Study 2010. Semergen, 41(1), 13-24.
  16. Hoàng Trung Vinh (2007). Đánh giá tình trạng kiểm soát một số chỉ số ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Nội tiết và chuyển hóa, 222-337.
  17. Mc Lean DL, SH Simpson, FA McAlister, RT Tsuyuki (2006). Treatment and blood pressure control in 47,964 people with diabetes and hypertension: A systematic review of observational studies. Can J Cardiol, 22(10), 855-860.

 

 

Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …